Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS Nguyễn Văn Lục - NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU

29 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 95328)
GS Nguyễn Văn Lục - NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU

Nam Phương Hoàng Hậu


Nguyễn văn Lục

namphuonghoanghau-large-content


Câu chuyện một con tem.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, đúng ra là vào khoảng những năm 1943-1946 gì đó, tôi đang chỉ là một chú bé nhà quê. Thế giới chung quanh tôi chỉ có mẹ và mấy chị. Nhưng không nhớ bằng cách nào, tôi được nhìn thấy hình Hoàng Hậu Nam Phương trên mấy con tem. Chỉ bằng mấy con tem đủ ấp ủ hình ảnh người phụ nữ hiền lành, phúc hậu đến cả đời .
Hình ảnh con tem đó cứ như thế giữ mãi trong lòng, trong ký ức chả quên được.

np_hoang_hau-contentnp_hoang_hau-contentnp_hoang_hau-contentnp_hoang_hau-content
Nam Phương: Hoàng Hậu cuối cùng của Viet Nam
Tem Việt Nam Cộng Hòa Từ 1950 Đến 1954

Con tem nhỏ xíu hình một người phụ nữ, chít khăn vàng, áo dài. Quá nhỏ để nhận ra chân dung người đó, cũng quá nhỏ để biết được con người. Vậy mà hình ảnh đó có sức thu hút, đeo đuổi mãi cho đến bây giờ .
Nhiều hình ảnh phụ nữ đã đi qua đời một người con trai, đã hẳn là như thế, nhưng nếu có hình ảnh nào được giữ lại cũng phải qua cái máy lọc là hình ảnh Nam Phương Hoàng Hậu .
Khó có thể cắt nghĩa tại sao, nhưng có những sự việc, những điều cần gì một cắt nghĩa. Ký vãng sự việc thì có thể quên. Nhưng dấu ấn tình cảm, niềm kính trọng người phụ nữ đó thì không.

Hình ảnh qua con tem nhỏ bé toả ra sự uy nghiêm, trang trọng, quý phái, nhưng dung dị hiền từ. Đôi mắt có vẻ buồn, sống mũi cao. Đẹp không chê vào đâu được. Vẻ đẹp kín đáo, nhưng có sức thu hút khó quên được. Hỏi nhiều người cỡ tuổi tôi cũng đều nhận như thế. Nhưng nó lại không có cái nét kiêu kỳ hãnh tiến như những người sang trọng giầu có. Nhất là con mắt có cái nhìn thẳng thắn, đầy độ lượng. Nhiều người sau này nhìn ảnh Hoàng Hậu sau cũng phải nhận một điều:
Hoàng Hậu có nét uy nghi, đoan trang và phúc hậu. Chỉ tội nét mặt lúc nào cũng phảng phất buồn.
Sao Hoàng Hậu lại buồn thế...?
Xin dẫn một chứng từ của một cô nữ sinh thời 1937-1941 nhắc lại kỷ niệm gặp gỡ Hoàng Hậu Nam Phương, viết trong tập san Đồng Khánh: Những kỷ niệm của khóa 1937-1941.
Dược sĩ Nguyễn thị Huyền, vừa mất năm ngoái đã viết lại cảm tuởng của mình như sau:
"Ngày Bà Nam Phương đến thăm lớp, cô Thục Viên, giáo sư Pháp Văn vẫn đứng trên bục giảng chìa tay đứng bắt tay Hoàng Hậu và từ tốn trả lời các câu hỏi của Hoàng Hậu, không hề mất chủ động. Trong khi đó Nguyễn tiến Lãng, người đi cùng Hoàng Hậu muốn tâu gửi gì với Hoàng Hậu đều quỳ xuống đất. Cô xin phép tiếp tục giảng. Hoàng Hậu dự giảng và sau đó cho gọi học sinh giỏi Văn lớp là chị Nguyễn thị Thứ lên thưởng cho một bức ảnh do Hoàng Hậu ký tên. Thái độ đường hoàng của cô đã gây cho chúng tôi một niềm tự hào chính đáng, trong lúc ấy chúng tôi cũng thích vẻ đẹp dịu dàng Đông Phương và thái độ bình tĩnh không có vẻ gì hách dịch của Nam Phương Hoàng Hậu".
Một trong những học trò có mặt bữa hôm ấy là cô Ngô thị Ngà, nguyên giáo sư Trưng Vương đã cho biết cảm tưởng:
"Mê cái vẻ đẹp dịu dàng của Hoàng Hậu và vì thế sau này cô đặt tên cho một cô con gái là Thu Phương, tức Hương mùa thu nhắc nhớ đến tên Hoàng Hậu Nam Phương, hương miền Nam."
Cô Ngô thị Nga cũng vừa lìa cõi đời ngày 22-04-2004
Hôm nay ngồi viết lại một chút cuộc đời Bà mà hình như Bà đang ngồi trước bàn máy.
Sự biết về Bà quá ít, mầy mò sách vở đủ loại, lục lọi chỗ này chỗ kia cũng chỉ là những mảnh vụn rời rạc, cũng không thấy bóng dáng Bà đâu cả. Cũng chả thu thập được nhiều nhọm gì. Người đời coi ra vô tình với Bà đã đành, sách vở sử học cũng vậy.
Ngay trong hồi ký của Vua Bảo Đại, "Le Dragon d'Annnam", (1) tôi đã lật đi lật lại nhiều lần, chỉ thấy loáng thoáng từ trang 62 đến 68 nói về cuộc hôn nhân của nhà vua hơn là nói về Hoàng Hậu. Tôi đành lòng với một ít tài liệu trong báo Indochine vào những năm 1942-43-44 với vài bài của Nguyễn Tiến Lãng và một vài người bạn Pháp của gia đình. Les chemins de la révolte của Nguyễn tiến Lãng.
La guerre Francaise D!Indochine của Ruscio Alain, 1992. Nói chung phần lớn tài liệu có nguồn từ các tác giả Pháp mà phần đông đều có mỹ cảm với bà như Daniel Grandclément v.v...
Cộng thêm cuốn sách quan trọng của Phạm khắc Hoè: từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc. Cuốn sách không cần biết là hay hay dở, nhưng cái cách xưng hô, thái độ xử sự đối với Bà của tác giả làm tôi mất cảm tình rất nhiều.
Vì thế, tóm lại cũng chả thu tập được bao nhiêu. Thật là bất công với Bà quá và cũng vô tình quá. Chỉ xin lấy tấm lòng đáp lại được phần nào hay phần ấy.

1.- THỜI CON GÁI
Cô Nguyễn Hữu thị Lan Marie Thérèse là con một nhà điền chủ, đất Gò Công.
Bố được Tây cho đi học ở Pháp về, rồi mở đồn điền trà và cà phê ở cao nguyên Trung phần. Các điền chủ khác thường ít chữ nên chỉ loay hoay với ruộng, vườn tược, sống nhờ bổng lộc từ đó mà ra.
Nhưng ông bà Nguyễn Hữu Hào có vốn Tây học, có đầu óc nên mới nghĩ đến khai thác đồn điền. Vào thời kỳ đó, khoảng những năm 1920-30, báo Nam Kỳ địa phận ra hàng tuần đã khuyến khích người Annam khai thác đồn điền, mở mang kinh doanh, kỹ nghệ để cạnh tranh với người Tây và cả với người Tầu như trong lời mở đầu của tờ báo: "Tờ báo có ý khai đàng văn minh cho nhân dân đặng tấn phát cho bề đạo việc đời đều thông thuộc. Vì thế trong nhựt báo 'sẽ biện luận về những điều đạo lý, phong hóa, bá nghệ, bác học và văn tin... nên sự gì tốt và hữu ích thì đem đặng vô hết'".
(Trích lại trong bài Chữ Quốc Ngữ, giai đoạn sơ khởi của chính tác giả).
Nhà chỉ có hai chị em, chị là Agnès Nguyễn Hữu Hào đã hẳn có nếp sống văn minh thành thị của lớp dân giầu có. Cuộc sống hai chị em cứ khách quan mà nói là sung sướng, đầy đủ, được cưng chiều. Họ đã sống tuổi thanh xuân êm đềm và mơ mộng. Và có lẽ đó là giai đoạn hạnh phúc nhất đời của người thiếu nữ sau này làm Hoàng Hậu. Theo những bức hình chụp trong tờ Indochine, 1943, thì cả hai chị em đều cao lớn hơn hẳn những người phụ nữ Việt Nam bình thường.
Tôi mê bức ảnh Hoàng Hậu chải tóc rẽ, vấn khăn và nhìn nghiêng bên trái, không nhìn thẳng. Những bức ảnh mặc đầm, hay những bức ảnh mặc triều phục, hoặc ngay cả ngày cưới coi cũng được được vậy thôi. Theo cách nhìn của tôi, có nhẽ cô Agnès không lấy gì làm xinh xắn lắm, gương mặt xương xương, thiếu đầy đặn. Nhất là thiếu cái nét đoan trang, dịu hiền như cô Lan.
Tôi cứ nghĩ, phải cám ơn ông cái ông Tây nào đó đã chụp những bức hình mà Nam Phương Hoàng Hậu đẹp như thế, lột được cả cái hồn, cái phần sâu thẳm của đời sống bên trong. Sau này, hình ảnh những phụ nữ mà tôi quý mên phải là bản sao hình ảnh Hoàng Hậu.
Phần cô Agnès, có vẻ Tây hơn. Cô đã lấy chồng sớm, học hành chẳng hiểu đến lớp nào. Ông chồng là bá tước Didelot, làm công chức cho Tây. Cả quãng đời tuổi thanh xuân này, gần như không có một ai có thể hé lộ cho biết đời sống hai tiểu thư ra sao.
Nhưng dựa vào một vài sự kiện mà suy đoán thôi.
Chẳng hạn, trong một bài viết của ông Nguyễn Tiến Lãng, con rể cụ Phạm Quỳnh sau này đăng trên tờ Indochine có kể rằng, trước ngày đám cưới thì hai chị em đến ở một căn nhà của gia đình ở đường Nguyễn Du bây giờ, tức quá không nhớ số, trước ngày ra Huế.
Điều đó cho thấy, các cô ở Sài Gòn để đi học chứ không ở Gò Công. Thời đó, Sài Gòn chỉ rộng như cái bàn tay. (2) Nhỏ lắm . Bé lắm. Qua khỏi bến Nhà Rồng, sang Khánh Hội là lau sậy. Qua khỏi Nancy, chợ Quán là đồng không mông quạnh. Chưa tới cầu Trương Minh Giảng đã là bãi sình rồi. Các tiểu thư ở đường Nguyễn Du, mỗi sáng đi nhà thờ thì băng qua đường Lê Văn Duyệt, tới đường Bùi Thị Xuân chừng nửa cây số là tới nhà thờ Huyện Sĩ.
Nhà thờ này theo thói quen lấy tên ông Huyện Sĩ hay Lê Phát Dạt vì chắc là ông đã công hiến nhiều để xây dựng nhà thờ. Ông Huyện Sĩ lại là bác ruột các tiểu thư.
Nếp nhà như vậy, vừa giầu có, vừa có ăn học, vừa theo nếp sống Tây phương với tư tưởng tự do phóng khoáng đã hẳn khác với các "công tử Bạc Liêu" về lối sống, lối nghĩ, lối giải trí.
Lớn lên, cô chị đã yên một bề chồng con, phần Hoàng Hậu tương lai được cha mẹ gửi sang Pháp học trường Couvent des Oiseaux. Có dư luận lẫn lộn Couvent des Oiseaux bên Pháp với bên này, nhân tiện xin làm sáng tỏ thêm vấn đề này. (3).
Hồi Bà học Couvent bên Pháp nhà trường hẳn nằm ở phố Ponthieu và Verneuil. Theo Daniel Grandclément, nhà trường lại nẳm ở Neuilly. Nhưng hỏi Ponthieu hay ở Neuilly ở đâu thì quả tình mù tịt không biết.
Có sách ghi cô đỗ tú tài Tây rồi mới về, điều này cũng không khẳng định rõ được.
Bảo Đại chỉ ghi :
"Cô vừa học xong chương trình học của cô ở Couvent des oiseaux, bên Pháp " ("Elle vient de terminer ses études au Couvent des Oiseaux, en France".
Tất cả thời gian này, không một ai biết cuộc sống người thiếu nữ Tây học, duyên dáng, hiền thục ra sao. Chỉ biết, cô đã về nước năm 18 tuổi.

2. CUỘC HÔN NHÂN CỦA CÔ NGUYỄN HỮU THỊ LAN
Cuộc gặp gỡ lần đầu:
Có một câu hỏi được đặt ra là cô Nguyễn Hữu Thị Lan đã quen và gặp Bảo Đại trong trường hợp nào và ở đâu?
Có một số tác giả cho rằng họ quen nhau trên cùng một chuyến tầu thủy của hãng Messagerie Maritime về nước như một cuộc tình duyên kỳ ngộ, lãng mạn. Một hoàng tử gặp giai nhân trên một chuyến tầu, yêu nhau rồi quyết định chuyện hôn nhân.
Trên tờ Indochine, có một vài bài viết của ông Nguyễn Tiến Lãng, một người thân cận của Hoàng Hậu, nhưng tôi cũng không thấy đoạn nào nói rõ về vấn đề này. Cho dù có đi cùng chuyến tầu không chắc gì đã có thể gặp nhau. Bảo đại chắc ở một khu vực riêng mà không ai có cơ hội tới gần. Nếu có chuyện đó thì vua Bảo Đại hà cớ gì lại không nhắc đến trong hồi ký trích dẫn sau đây.
Dù sao, tôi cũng chẳng dám cả quyết gì về điều này.
Nhưng căn cứ vào tập hồi ký "Le Dragon d'Annam" của vua Bảo Đại là đúng nhất .
Vua Bảo Đại cho biết ông đã gặp Nam Phương Hoàng Hậu ở Đà Lạt, chứ không phải ở trên tầu, ông đã gặp vào cuối năm 1932. Xin trích dẫn ý của vua sau đây :
"Vào dịp cuối năm, tôi có lưu lại vài ngày ở Đàlạt cùng với Toàn Quyền Pasquier, trong dịp gặp ông này ở phòng khách, khách sạn Langbian Palace, ông có giới thiệu một cô gái trẻ do bà Charles dẫn theo, cô Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào, cô thuộc một gia đình điền chủ giầu có ở xứ Nam Kỳ.
Cô là người công giáo và vừa học hết chương trình học của cô ở trường Oiseaux, bên Pháp. Cô 18 tuổi ."C'est alors qu'à la fin de l'année, m'étant rendu pour quelques jours à Đà Lạt où séjournait également le gouverneur général Pasquier, celui-ci, à l'occasion d'une rencontre dans les salons du Langbian Palace, me présente une jeune fille qui était en compagnie de Mme Charles, Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Hào, appartient à une famille de riches propriétaires terrien de Cochinchine. Catholique, comme ses parents elle vient de terminer ses études au Couvent des Oiseaux, en France. Elle a dix huit ans."
(Sách đã dẫn trang 63)
Đọc đoạn văn trên, thấy có gì là lạ. Chẳng hiểu tại sao cả đám người tai to mặt lớn lại không hẹn mà gặp nhau ở Đà Lạt. Có bà Charles, người đỡ đầu cho Bảo Đại đi cùng với cô Lan, bà lại là bạn của gia đình Nguyễn Hữu Hào.
Có bài viết nói ông Lê Phát Đạt dẫn cháu gái đến ra mắt Bảo Đại. Cô cháu gái lại không muốn đi, phải ỉ ôi năn nỉ chán mới chịu đi, ăn mặc sơ sài thôi.
Tôi thiết nghĩ, ông Đạt không đủ tư cách để đường đột dẫn cháu gái ra mắt Hoàng Thượng, nếu không có một sắp xếp trước. Cùng lắm ông chỉ là người thừa hành thôi .
Đích thị là có sắp xếp trước, có toan tính trước giữa bộ ba toàn quyền Pasquier, ông bà Hào và chủ chốt là bà Charles. Sau này, chính Bảo đại đã xác nhận vai trò trung gian của ông bà Charles trong cuộc hôn nhân này. Cho dù trước đó có gặp nhau trên tầu trên bè gì cũng không quan trọng .
Sau buổi gặp gỡ ở Đà Lạt, kể như định mệnh đã được an bài rồi. Sự sắp xếp này cũng rất bình thuờng và tự nhiên ở cương vị của Bảo Đại. Vấn đề chính là họ đã yêu nhau và quyết định đi đến hôn nhân:
"Sau vài dịp gặp gỡ, một tình cảm êm dịu đã nảy sinh giữa chúng tôi. Chúng tôi đã quyết định gặp lại nhau:
"Après quelques entretiens, un tendre sentiment nait entre nous. Nous nous promettons de nous revoir."
Cho dù cuộc hôn nhân có sự sắp xếp, có những mưu toan chính trị, quyền lợi ẩn dấu đi nữa thì căn bản là cả hai có yêu nhau và quyết định tiến tới hôn nhân.
Những trở ngại của cuộc hôn nhân!
Theo vua Bảo Đại, từ ngày hồi hương, rất nhiều những tin đồn chung quanh việc chọn một người vợ cho Ông. Bà Từ Cung đã đành, các vị quan lớn trong triều, mỗi người đều có người của mình để đề cử.
Vua đã hẳn biết được điều đó và Ông đã nhiều lần cho biết ông quyết định không chấp nhận chế độ đa thê vẫn thường thấy ở Việt Nam, về những tệ trạng tranh dành ngôi thứ giữa anh em hoặc anh em cùng cha khác mẹ đến chỗ đâm chém nhau.
Vua Minh Mạng có đến hơn 100 người con và để tránh cảnh tranh giành ngôi thứ, vua Minh Mạng đã đặt ra tên gọi theo thứ tự đến 20 đời kế tiếp nhau để những dòng họ theo đó theo thứ tự mà kế vị. Hai mươi đời đó được khắc vào tờ giấy bằng vàng và tên gọi một người như thế được coi n giấy hộ tịch của mình.. Hai mươi chữ đó nằm trong bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt mà câu dầu gồm những chữ:

Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quí Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thể Thoại Quốc Gia Xương

Nhưng mới tới chữ thứ năm trong bài thơ thì triều đình nhà Nguyễn đã không còn nữa, mặc dầu tên của vua Bảo Đại được lót bằng chữ Vĩnh có nghĩa là muôn đời. Những ý nghĩa đó còn được tìm thấy trong những chữ tỉnh Thừa Thiên, Vạn Thọ, Long Sàng, chỗ ở của Bửu Long được gọi là Tứ Phương Vô Sự.
Đã hẳn, hai ông bà Charles, bố mẹ đỡ đầu của vua không thể không bận rộn trong việc kiếm tìm một người vợ cho vua. Cái khó là ở chỗ đó. Quá nhiều người, quá nhiều đề cử, nếu không nói là những âm mưu gây ảnh hưởng nên dễ gây bất đồng ghen tỵ, nói ra nói vô. Khi cuộc hôn nhân đã được quyết định, nhiều các cô gái trong Hoàng tộc thất vọng đến tuyệt vọng vì quyết định này.
Theo Daniel Grandclément, ông đã gặp một người anh của hai cô gái được chỉ định để chuẩn bị cuộc hôn nhân với Bảo đại. Theo người anh này, Các cô được chuẩn bị, học tập nhiều năm trước, ngay từ hồi còn nhỏ về luật lệ nội cung, về cách chăm sóc chiều chuộng ngay cả trong vấn đề chăn gối để có thể đóng vai trò làm vợ vua sau này. Đã hẳn là sau đó, các cô tuyệt vọng và chán nản vì mọi chuẩn bị sắp xếp từ nhiều năm đã không thành.

Trở ngại tôn giáo có tầm cỡ Quốc tế.
Nhưng trở ngại lớn nhất là cô Nguyễn Hữu Thị Lan là người theo đạo Ky tô giáo.
Theo vua Bảo Đại, khi trở về Huế, sau lần gặp gỡ ở Đàlạt, ông đã bầy tỏ ý định lấy vợ có đạo Kitô giáo và là người đã được đào tạo ở Tây phương. Nghe tin đó, hẳn nhiên là Bà Từ Cung không đồng ý vì bà mong muốn một cô dâu theo truyền thống Á Đông. Quan lại cũng ngấm ngầm và có thể công khai chống đối. Tứ phía chống đối dựa trên quyền lợi cá nhân cũng có, phe phái, miền cũng có, nại cớ nguyên tắc truyền thống cũng có.
Cô dâu "Mới Quá". Chữ "Mới" có vang vọng muốn đồng nghĩa với thiếu văn hoá đạo đức cổ truyền. Người ta e ngại cũng phải. Cứ nói tiếng Tây líu la líu lo cũng đủ ngại rồi. Sự nghi kỵ, thành kiến tranh chấp, hiểu lầm còn đầy dẫy trong dân gian, nhất là trong đầu mỗi người.
Đặt mình vào địa vị vua và hoàng hậu tương lai mới hiểu được sự cam go không thể vượt qua được của cuộc hôn nhân này. Rồi vấn đề giáo dục con cái theo đạo Ky tô giáo nữa. Con của Nam Phương Hoàng Hậu làm sao có thể rửa tội như một người Ki tô giáo bình thường? Sẽ giải quyết ra sao khi hoàng tử kế nghiệp vua phải cử hành lễ Tế Nam Giao hoặc thờ cúng tổ tiên. Lấy ai là người gìn giữ nếp sống, văn hóa cổ truyền, cúng giỗ tổ tiên của cha ông để lại?
Có một số tác giả đã viết không đúng về vấn đề này.
Nhất là giới Công giáo .
- Chẳng hạn cho rằng vua Bảo Đại là người đã theo đạo Ki tô giáo. Thật ra đối với vấn đề tôn giáo, ông Bảo Đại rất thoáng, minh bạch và rất trung lập. Ông không theo đạo nào cả. Như ông viết: O trong cung, chỉ có một ong Trời, đó là Hoàng đế, con ông Trời "Au palais, il n'y avait qu'un Dieu: L'empereur, fils du ciel".
Vậy không bao giờ có chuyện đó? Ngay cả các Hoàng tử, Công Chúa cũng đã không được rửa tội theo đạo Ki tô giáo ? Một điều nữa, dư luận vẫn cho rằng Hoàng Hậu Nam Phương phải xin phép Vatican rồi mới được lấy chồng?
Theo hồi ký của Vua Bảo Đại, chỉ sau khi làm đám cưới xong, ông mới gửi thư cho Giáo Hoàng Piô 11 một lá thư qua trung gian người Pháp, vì thời đó ta chưa có liên lạc ngoại giao với Vatican. Nếu Hoàng Hậu muốn xin phép thì phải gửi thư qua các cha cố, theo hệ thống nhà đạo .
Theo nhà vua viết, Vua Bảo Đại gửi thư cho toà thánh không phải để xin phép, mà để bầy tỏ lập trường và quan điểm của vua Bảo Đại.
Hãy xem ông viết: Lá thư đó không nhằm mục đích giải quyết vấn đề hôn nhân và việc giáo dục các con cái sau này của tôi cho bằng đặt lại những yếu tố đã gây ra mối tranh chấp từ nhiều thế kỷ nay và tìm cách tạo điều kiện dễ dàng cho cuộc gặp gỡ giữa hai thế giới :
Tây Phương và đông Phương ở trên đất nước Annam, "một mảnh đất cho cuộc gặp gỡ ấy" mà qua tôi, một người đã được đào tạo từ tây phưong sẽ là lần đầu và có lẽ lần cuối đã hội đủ những điều kiện của một sự đối đầu giữa hai nền văn minh
"Cette lettre avait moins pour but de régler la question personnelle de mon mariage et de l'éducation envisagée pour mes enfants que d'apporter et de provoquer des éléments de réponse à un conflit ouvert depuis des siècles et, plus encore, de faciliter la rencontrre entre deux mondes : l'Occidental et l'Oriental, à travers notre pays d'Annam, 'terre de rencontres', et à travers ma personne qui, pour la première, et vraisemblablement pour la dernière, par l'éducaion recue, réunissait les conditions d'une véritable confrontation entre deux civilisations".
(trích dẫn trong Le Dragon D!Annam, S.M Bảo Đại, trang 65, Nhà xuất bản Plon, năm 1980 ).
Đoạn văn trên của vua Bảo Đại có thật là trung thực không ?
Xin trình bầy lại toàn bộ vấn đề này từ đầu để kết luận là Vua Bảo đại đã không nói hết sự thật về vấn đền này.
Thật sự, quyết định của Bảo Đại lấy Nam Phương đã gây khủng hoảng lớn trong triều đình, nơi chính quyền Pháp và Toà Thánh La Mã.
Khi mà một tờ báo Annam tiết lộ tin vào ngày 22 tháng 2, 1934 là Bảo đại kết hôn với một cô gái có đạo. Cả Hoàng gia rúng động và phủ quyết. Tôn thất Đàn dự tính làm một thỉnh nguyện thư chung của tất cả quan lại cao cấp phản đối việc này. Ông ta còn nghĩ đến giải pháp bắt Nam Phương phải bỏ đạo Công Giáo theo đạo Phật..
Nhiều người còn nói rằng, Tôn thất Đàn thà chết còn hơn nhìn thấy cuộc hôn nhân này đụng chạm đến "quyền bính và nguyên tắc tối cao của triều đình"
Bố mẹ Nam Phương lo âu về chuyện hôn nhân không thành do trở ngại tôn giáo đã khẩn cầu đến Đức Thánh Cha qua trung gian đại diện tòa Thánh ở Đông Dương. Chẳng bao lâu sau, cả nước Pháp cũng nhập cuộc bằng đường lối ngoại giao của tòa đại sứ Pháp cạnh tòa thánh. Người Pháp có đủ những yếu tố lợi về chính trị, tôn giáo trong vụ này. Họ mong cuộc hôn nhân được kết thúc êm đẹp:
"Nước Pháp thấy cần thiết, về mặt chính trị, phải có một chọn lựa ngay về cái người con gái có thể hoá giải các sự chống đối và đố kỵ "
Trong khi đó thì tất cả các cô gái được tuyển chọn do hàng quan lại đều không có được một nền học vấn Tây Phương và sẽ không tránh được rơi vào ảnh hưởng của của các bà Mẫu Hậu .
Nhà vua nay thì có thể nắm biết được quyền lợi mà chính quyền muốn thực hiện ve dự định này, chính là qua các người đàn bà mà những hàng quan lại chống đối cũ muốn dựa vào để kèm kẹp thái tử ra khỏi ảnh hường của người Pháp. Chúng ta sẽ lật ngược những toan tính đó và hoàng hậu tương lai mà chúng ta mong đợi sẽ là một đồng minh quan trọng để bào đảm cho sự thành công nhất định về chính trị của chúng ta ở Huế
"Il était urgent et politique qu!il se préoccupât sans retard de faire choix de celle qui l!aiderait à neutraliser ces résistances et ces hostilités. Or toutes les jeunes filles qui lui étaient présentées par des mandarins étaient dépourvus d!instruction occidentale et seraient tombées inévitablement sous l1influence des reines douanières. .. Votre Excelllence peut maintenant percevoir l!intérêt que le gouvernement trouve à favoriser la réalisation de ce projet, c!est par les femmes que le vieux parti réactionnaire comptait s!assurer de soumission du jeune prince et le séparer de tout ce qu!il y avait en lui de francais. Nous déjouons ces calculs et la reine que nous souhaitons sera une précieuse alliée pour assurer le succes définitif de la politique Francaise à Huế * (5)
Dự định của người Pháp trong cuộc hôn nhân này chỉ là một lợi ích chính trị nhằm hóa gìải những chống đối có thể có mà chính Bảo Đại ở thời kỳ đó cũng không biết rõ được. Ông đã bị dẫn giắt vào một trò chơi chính trị của nước Pháp qua quan toàn quyền Pháp , qua trung gian ông bà Charles cũng như đại sứ Pháp Charles Roux ở Rome. Chính vì vậy vào tháng 3, 1934, đại sứ Pháp ở Rome đã nổi điên lên khi được tin toà thánh bác bỏ cuộc hôn nhân này. Ông không hiểu lý do tại sao toà thánh đã bác bỏ cuộc hôn nhân thật ra chỉ là một thủ tục tầm thường, nhỏ nhoi ở một xứ thuộc địa xa xôi, trong khi ông còn phải đương đầu với cánh tả đang nhô lên với chiếc áo sơ mi mầu đen đe dọa ?
Ở Rome, qua đại sứ Chareles Roux, ông này tìm hết cách để cuộc hôn nhân được Giáo Hoàng chấp nhận, ngay cả trong trường hợp một cuộc hôn nhân kín đáo giữa vài nhân vật trong Hoàng Gia. Phần Toà Thánh, Giáo Hoàng không thể dẫm đạp lên luật lệ tòa thánh đã quy định. Phần Hồng Y Pacelli, lúc ấy chưa là Giáo Hoàng đã cảnh cáo Giáo hội có thể rơi vào trường hợp đã từ chối một phép chuẩn hồi thế kỷ 16, từ đó làm Giáo hội bị chia rẽ ở nước Anh. Sau ba tháng từ hồi nộp đơn xin phép chuẩn rồi bị từ chối, các nhà đương cuộc Pháp đã bầy ra cái kế mua chuộc các Hồng y bằng các huân chương cao quý nhất. Vì thế mà Hồng Y Fuamasson Bioni đã nhận được Huân Chương của Hoàng Gia Annam..
Phần các vị khác cũng được tưởntg thưởng như vậy. Mọi người đều có vẻ vui vẻ vì cái kế sách đó. Từ phía Hoàng Gia đến dư luận bên ngoài làm như thể cuộc Hôn nhân đã được Giáo Hoàng chuẩn y. Nhà nước Bảo hộ và triều đình đều ếm nhẹ tin tức về sự từ chối này. Một điện tín của một phóng viên tờ Paris –Soir đã bị chặn lại mà nội dung được ghi nhận như sau :
" Biến cố quan trọng có thể gây ra những hạu quả chính trị chưa lường được – cuộc hôn nhân đã được loan báo gây náo động - nơi 140 ngàn người Công giáo ở Đông Dương – Giáo Hoàng từ chối chuẩn y cuộc hôn nhân - Vì vậy, tất cả báo chí đều chạy tít lớn loan báo sự chấp thuận của Rome. Mọi người theo dõi báo chí đều tin là cuộc hôn nhân đã được chấp nhận. Chỉ trừ tờ báo Trung Hoa, ra tháng 3, 1934 viết ra sự thật và yêu cầu toàn thể bạn đọc cầu nguyện cho cuộc hôn nhân được ưng thuận tốt đẹp. ( 6 ).
Tờ Osservatore Romano, cơ quan ngôn luận của Toà Thánh cũng phủ nhận mọi tin đồn và xác nhận rằng Toà Thánh vẫn giữ lập trườngh như cũ và không thay đổi ."
Nhưng rồi cuộc hôn nhân vẫn được tiến hành dù không được phép chuẩn của Toà Thánh Vatican. Vì thế 63 năm sau, khi bình luận về tin vua Bảo đại băng hà, phái viên hãng Reuter vẫn còn nhắc lại một cuộc hôn nhân không chính thức "Union non-officialisé" với bà Nam Phương Hoàng Hậu
( trích hãng Reuter ngày 1-8-1997 , Trích lại trong Bảo Đai ou les derniers jours de L1Empire D!Annam của Daniel Grandclément, nhà xuất bản JC Lattès, năm 1997 )
Những luận cứ vừa được nêu ra ở trên cho thấy Bảo đại đã không nói hết sự thực về vụ hôn nhân này. Hoặc ông đã không hiểu được hết những vận động bên trong, bên ngoài cùng những dự định biến cuộc hôn nhân thành một lợi khí chính trị của người Pháp .
Những trở ngại mà cô dâu tương lai gặp và phải đương đầu.
Đặt mình vào địa vị Hoàng Hậu Nam Phương mới thấy thấm thía được những trở ngại, những khó khăn mà Bà phải chịu đựng. Thật quả không dễ gì lấy được một ông vua và cũng không dễ gì làm Hoàng Hậu. (7)
Nhưng lịch sử cũng cho thấy không thiếu trường hợp trước đây xứ Nam Kỳ mà có lần vua Bảo Đại đã gọi là miền đất hứa đã cống hiến cho triều Nguyễn những người con gái tài ba và sắc đẹp:
- Bà Từ Dũ, tức cô Phạm Thị Hằng là vợ vua Thiệu Trị và là mẹ vua Tự Đức. Bà là tiêu biểu cho một lớp người phụ nữ đức hạnh, có học vấn, làm gương sáng cho mọi người trong triều đình.
- Sau đó đến bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng và cuối cùng là :
- Cô Nguyễn Hữu Thị Lan. Tên của bà là Nam Phương Hoàng Hậu mang ý nghĩa đó, chỉ thị đó là Hương thơm của miền Nam. Tên đó biểu thị cả nết lẫn người đem lại vinh dự cho người dân xứ Nam Kỳ.
Nhưng cái khó lớn lao nhất Bà phải đương đầu vì Bà là người Công giáo. Những chỉ dụ cấm đạo hồi nào mới chỉ vừa ráo mực. Lòng người chưa ổn. Điều đó cũng chứng tỏ Bà là người có cá tính, can đảm và trung thành với đạo giáo của Bà. Giả dụ một người đàn bà khác thì sao? Sẽ bỏ tất cả, sẽ làm tất cả và bằng bất cứ giá nào để được làm Hoàng Hậu .
Hiểu đến cội nguồn mới hiểu được nhân cách của Bà, cái cao quý của một nhân phẩm và cái trong sáng, ngay thẳng của một người đàn bà có giáo dục. Chỉ về một điểm này thôi, Bà là người đáng nể trọng. Qua những người phục vụ chung quanh vua và Hoàng Hậu sau này, mọi người không kể bất cứ ai đều bầy tỏ lòng kính trọng và quý mến cái nhân cách của Bà.

3. NGÀY ĐÁM CƯỚI
Mọi chuyện đã xong. Dư luận cũng tạm ngưng tiếng nói. Những đám mây mù đã tan. Phần lớn nhờ vào sự cương quyết đến cứng rắn của vua Bảo Đại và của chính Hoàng Hậu nữa. Bà đòi hỏi cuộc hôn nhân một vợ một chồng, không có thê thiếp cung phi, cung nữ. Bà vẫn vì bổn phận phải đến các chùa, nhưng nhất tthiết không quỳ lậy mà chỉ chắp tay trước ngực, tỏ một sự cung kính theo cái cách của Bà. Phần Bảo Đại làm áp lực trên mẹ mình nhờ đó triều đình đành phải cúi đầu vâng theo chấp nhận đám cưới giữa hai người .
Huế chờ đón một biến cố có một không hai trong lịch sử triều Nguyễn, một mẫu nghi thiên hạ đến từ miền Nam với những sắc thái mới đến làm xôn xang mọi người. Một cô gái xinh đẹp nhất miền Nam, Tây học, con nhà danh gia vọng tộc cộng thêm là một người Ki tô giáo. Bấy nhiêu thứ đụng vào những sắc thái truyền thống, cổ truyền đã gắn bó với Huế từ cả mấy trăm năm nay. Huế cổ kính, Huế lãng mạn, Huế trầm mặc, Huế khép kín, Huế đẹp, Huế thơ. Huế có tất cả, trừ một làn gió mới. Chuyện đó đã xảy ra.
Vào ngày 20 tháng 3 năm 1934, người con gái đến từ phương Nam mang theo cả cái hương thơm miền Nam đã quyết định bước qua ngưỡng cửa hoàng cung, vào Cấm Thành. Và do tình yêu gắn liền với định mệnh, một định mệnh không khỏi có trớ trêu, vào buổi sáng mùa xuân đó, cả một cuộc đời mới đã mở ra . Bỗng chốc cô trở thành Hoàng Hậu của cả nước. Từ nay, không còn ai nhắc đến cái tên Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan nữa. Cô là Nam Phương Hoàng Hậu .
Lòng chắc đầy cảm xúc suốt hành trình từ trong Nam ra Huế, chen lẫn lo âu và sung sướng, trong niềm hân hoan không gì tả xiết, mỉm cười chấp nhận những gì sắp tới xảy ra cho mình, trong cảm thức mình là người độc nhất có cái vinh dự làm Hoàng Hậu cả nước. Và trong phẩm phục áo mầu vàng, một ân huệ đặc biệt mà vua đã dành cho nàng, đầu nàng đội mũ có kết trân châu bảo ngọc, đi hia mũi nhọn, tay cầm hốt ngà tiến vào hoàng cung.
Từ bên ngoài nhà khách trú của hoàng cung, cô đã bước lên xe hơi để đi vào Cấm Thành, qua cửa Hiển Nhơn mà hai bên có những người lính hầu, chân quấn xà cạp, đứng nghiêm chỉnh như những tượng gỗ.
Buổi lễ đã được diễn ra từ điện Cần Chánh. Hãy nghe Hoàng Thượng kể lại biến cố quan trọng này:
"Vâng, tôi đã quyết định đặt vợ tôi lên làm Hoàng Hậu trong cuộc hôn nhân này, cái chức mà chỉ dành cho mẫu hậu khi mà nhà vua đã qua đời. Mặc phẩm phục triều đình với chiếc áo choàng rộng, đi giầy hài mũi cong nhọn, chít khăn có đính những viên đá quý. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Annam mà một người đàn bà đã tiến lên một mình giữa sự chào đón của triều đình.. Cũng vẫn chỉ một mình, cô đã vào trong đại sảnh đã có tôi đợi ở đó, và ngồi ở một cái đôn để ở thấp hơn
"J'ai en effet, décidé d'élever ma femme à la dignité d'impériatrice dès notre mariage, alors que jusque-là ce titre n'était attribué à la reine-mère, après le décès de l'empereur. Revêtue de la longue et ample robe de Cour, chaussée de cothurnes à la pointe retounée, coiffée d!une sorte de bonnet enrichi de pierreries, pour la première fois dans l'histoire de l'Annam, une femme s'avance seule, saluée par toute la Cour. Toujours seule, elle pénètre dans la grande salle òu je l'attends, assis sur un trône bas" (trang 64).
Vâng, bây giờ, chung quanh đầy bá quan văn võ, Bà vẫn "seule" và cả đời bà sau này cũng "toujours seule". Trong suốt hơn 10 năm sống ở Huế, Bà vẫn seule như thế giữa đám thị nữ, quan thần, dòng tộc, giữa những sắc thái dị biệt miền, tiếng nói, tôn giáo, nếp sống văn hoá, học vấn. Chỉ những sự khác biệt đó thôi cũng đẩy Bà vào tư thế một mình Và đã theo đuổi suốt cuộc đời còn lại của Bà. Ôi nhận xét của Bảo Đại trong ngày đám cưới không ngờ có tính cách định mệnh oan trái của đời Bà.
Sau đó một bữa yến tiệc đã được tổ chức tại cung An định với hơn 700 khách mời với viên Toàn Quyền Đông Dương và các Khâm sứ Trung Kỳ, Thống sứ Bắc Kỳ, Thống đốc Nam Kỳ.
Sau buổi lễ, vua đã đưa Hoàng Hậu về điện Kiến Trung mà trước đó Ngài đã cho sửa chữa lại thành một cung điện có những tiện nghi mới theo những tiện nghi bên Âu châu, trong đó có phòng ăn, phòng ngủ, phòng tiếp khách, phòng làm việc. Bề ngoài cung điện vẫn được giữ y nguyên như cũ, nhưng bên trong, Kiến trúc sư M. Chatel đã thay đổi toàn diện làm cho nó mới hơn, rộng rãi thoáng mát vệ sinh và thực tiễn hơn.
Tờ Asie nouvelle đã nhận xét như sau về cung điện :" Un peu de Paris respire à Huế ". Các đồ bằng gỗ như salon là của những nhà làm đồ gổ nổi tiếng của Paris như Leleu. Có nhiều tờ báo gợi hình ảnh của Bảo đại và Nam Phương như gia đình Hoàng Gia ở Monaco theo lối Đông Phương , điều hoà đông Tây, điều hoà giữa sự khôn ngoan và óc khoa học . Đặc biệt là có phòng tắm và nhà vệ sinh.
Hồi còn trẻ, có dịp ra Huế khá nhiều lần, ở lâu đến một tháng hơn tháng là thường. Tôi chỉ có một thắc mắc:
Chẳng biết vua chúa, cung phi đi cầu và tắm rửa ở đâu . Cả ngàn người như thế, không thấy một cái cầu tiêu nhà tắm nào. Đó là nét lạ của Huế. Ai hiểu Huế hơn thì xin chỉ cho.
Hiểu ra rồi thì không khỏi buồn cười một mình. Từ nay, Hoàng Hậu ra vào điện Kiến Trung mà trọng trách của Bà là cùng với vua cai trị thần dân, đặc trách lo về những vấn đề xã hội theo lời yêu cầu của chính vua Bảo Đại.
Để kết thúc phần này, xin dẫn lời kể của vua Bảo Đại cho thấy vai trò quan trọng của ông bà Charles trong cuộc hôn nhân này:
"Buổi chiều hôm lễ đám cưới, tôi đã mời ông bà Charles ăn bữa cơm. Sứ mạng của công việc của họ làm đã hoàn tất, Họ sẽ lên đường trở về Paris
"Le soir du mariage, nous invitons M. et Mme Charles à diner. Estimant leur mission accomplie ils vont repartir pour la France". Le Dragon D!Annam của S.M Bảo Đại, trang 64).
Phải nhìn nhận ở đây, lần đầu tiên, vai trò người phụ nữ đã thay tên đổi họ và đã hẳn, cách này cách khác đã ảnh hưởng trực tiếp đến giới phụ nữ trên toàn quốc. Nhờ bà mà những cải tiến xã hội về vai trò người phụ nữa trong cuộc sống mới mỗi ngày một cải thiện. Bà là biểu tượng cho lớp phụ nữ Tân học và Tây học.
Hoàng Hậu là phụ nữ đầu tiên có tân học, ẳnh hưởng nếp sống, nếp nghĩ Phương Tây, trọng tinh thần dân chủ, trọng ý thức xã hội. Bà không phải là người chỉ quanh ra quẩn vào chờ cái đèn lồng tối hôm đó thắp sáng lên, rồi tíu ta tíu tít chuẩn bị son phấn, đón tiếp như một thứ đồ giải trí cho vua. Bà tham dự vào tất cả. Họp với các quan bộ lễ, bàn và nghị sự tổ chức các buỗi lễ tế Nam Giao hay lễ Vạn Thọ. Chẳng hạn, lễ Vạn Thọ khánh tiết mừng sinh nhật vua thường được diễn ra trong điện Thái Hòa. Tổ chức lễ Bái Khanh cho mọi người có dịp bầy tỏ lòng trung thành đồng thời chúc thọ nhà vua trăm tuổi. Ngoài đường, các học sinh đi diễn hành, tay cầm cờ Long Tinh, hát bài đăng đàn diễn hành qua cửa Ngọ Môn. Bên trong hoàng thành thì tổ chức các màn múa hát do các nữ học sinh trung học trình diễn và màn dâng hoa cho Hoàng Thượng và Hoàng Hậu. Nên nhớ là không có những màn hát hoặc tuồng tích cổ nữa.
Cũng nên nhớ là con trai chỉ được đi diễn hành ngoài đường, ở ngoài hoàng thành mà thôi. Chỉ nhớ lại các buổi lễ chúc thọ vua với lề lối tổ chức, cho nữ sinh vào ca hát, dâng hoa, người ta hiểu những quyết định đổi mới đến từ đâu rồi.
Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên ở nước ta cùng vua tiếp khách ngoại quốc như Thống chế Tưởng Giới Thạch, Quốc trưởng Shianouk. Cái mà bây giờ người ta gọi là vai trò đệ nhất phu nhân.
Bà cũng là Hoàng Hậu đầu tiên xuất cung, tham gia các sinh hoạt xã hội như đã đi thăm các cô nhi viện, trường nữ Trung học Đồng Khánh Huế, Hànội, các cô nhi viện hoac cơ sở Xã hội v.v..
Ngày chủ nhật, Bà đi lễ nhà thờ Phủ Cam như mọi người dân bình thường. Cũng là chuyện lạ. Đó là người phụ nữ theo Kitô giáo đầu tiên trong ngôi vị Hoàng Hậu, ngôi vị mà ngày nay nghĩ lại cũng khó mà tưởng ra là có thực. Sáng sớm tinh mơ, Bà ra khỏi Hoàng Cung, không ngồi kiệu với màn che phủ kín làm bà khó chịu như ngồi trong cũi. Nội điều đó thôi cũng có thể gây ra những xầm sì to nhỏ. Lần đầu tiên, trong Hoàng cung, triều dình nhà Nguyễn, vóc dáng một người phụ nữ uy nghi, đoan trang đem lại những nét đổi mới trong sinh hoạt cung đình :
giản dị hoá lễ nghi, giản dị trong những tương quan giao tiếp giữa bầy tôi và chủ, tư tưỏng phóng khoáng, ngay thẳng, ghét những xun xoe xu nịnh, những lời xàm tấu. Lần đầu tiên, một người phụ nữ Việt Nam củng vua tiếp đón các nguyên thủ quốc gia khác trong vai trò đệ nhất phu nhân như bây giờ. Toàn quyền Decoux đã hết lời khen ngợi bà là người đức hạnh, nề nếp, một sự tổng hợp hai nền văn hoá đạo đức Dông Tây.
Về phía quốc tế, Hoàng Hậu đã nhận được những bằng khen của Hàn Lâm Viện Y khoa Pháp và của Hội Hồng Thập Tự Quốc tế.

Chắc chắn và không thể chối cãi được sự có mặt trong Hoàng Cung của Bà đã thay đổi bộ mặt Hoàng Cung. Nhưng điều quan trọng hơn cả, Bà trở thành biểu tượng, mẫu hình lý tưởng cho tất cả giới phụ nữ Việt Nam noi theo. Nhất định giới phụ nữ Việt Nam nhờ vào Bà đã trở thành tấm gương để mọi phụ nữ noi theo. Hình ảnh người phụ nữ nhờ đó được cải thiện, nâng cao và đổi mới.

Bà có năm người con lần lượt là Bảo Long, Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung và Bảo Thắng. Ngày thái tử Bảo Long ra đời, mồng 4 tháng 01, năm 1936 đã thi hành đúng như trong sách Hội Điển, người ta đã bắn 7 phát súng thần công để loan báo tin mừng. Phải bắn 7 phát, vì theo tục lệ, đàn bà 9 vía còn đàn ông 7 vía. Bà nuôi dạy Bảo Long theo các cách của Bà. Thái tử ban ngày thì học Kinh Phật.
Nhưng ban đêm, người ta tiết lộ ra ngoài một cách lén lút là Thái tử được học đạo theo Ki tô giáo. Thái tử phải tham dự các buổi lễ trong phòng của Hoàng Hậu y như một người công giáo thuần thành. Sau này, được hỏi cậu có rửa tội theo luật Kitô giáo không? Thái tử trả lời là không. Mặc dầu lớn lên, Thái tử đều được gửi đi học các trường Công giáo của Pháp. Và cứ thế, thái tử được đá qua đá lại như trái banh giữa Phật và Chúa. Và cuối cùng thì bây giờ Thái tử chẳng tin vào Chúa, Phật nữa .
Gia đình Hoàng gia theo lối sống mới ra bên ngoài như vua thường lái xe đi nghỉ hè ở Nha Trang, Đà Lạt... (8) Hoặc đi trên du thuyền Phi Long, đi câu cá ở biển Nha Trang để tránh nóng oi bức ở Huế.
Cũng tại Đà Lạt, gia đình Hoàng gia có dịp đoàn tụ với ông bà bá tước và các con của gia đình này. Đôi khi Hoàng Hậu cũng theo vua đi câu hoặc đi săn thú rừng ở Ban Mê Thuột hay Đà Lạt. Đây là những ngày tháng tương đối êm đềm và hạnh phúc của đời Bà.

5. NHỮNG NGÀY THÁNG ĐEN TỐI
Có được hơn mười năm êm ấm hạnh phúc. Những tháng ngày còn lại báo hiệu những đám mây mù phủ kín tâm tư. Tháng 9 năm 1945, vua Bảo Đại do sự thúc ép của Việt Minh buộc phải từ chức, thoái vị và nhận chức cố vấn bù nhìn cho ông Hồ Chí Minh. Cuộc tiễn đưa cựu Hoàng ra Hà Nội đầy bất trắc rủi ro. Rủi ro về chính trị đã đành. Vậy mà rủi ro đến hạnh phúc gia đình lại là điều có thực. Những tin đồn về những cô gái Hà Nội và cả những mệnh phụ đã không thư từ mà vẫn tới Huế. Lý Lệ Hà là một trong số những người đó. Trong hồi ký của Trần Văn Đôn, ông đã nói trắng ra một mệnh phụ phu nhân đã có liên hệ bất chính với cựu hoàng là bà TVC nữa. Sự đời sao có thể éo le thế.

Trong hồi ký của ông Hòe, ông đã phủ nhận một dư luận cho rằng ông đã bán đứng Bảo đại. Xin trích lại cuộc đối thoại tay đôi giữa Hoàng Hậu và ông Phạm khắc Hoè khi được Hoàng Hậu đặt thẳng vấn đề với ông ."Câu chuyện đến đây thì Bảo đại trong nhà đi ra. Tôi đứng dậy. Ông ta bảo cứ ngồi. Rồi Bảo Đại cũng ngồi và bảo Nam Phương:
"cứ tiếp tục đi".
Nam Phương nhìn tôi nói tiếp:
-Qua những lời ông vừa nói, tôi càng thêm trách ông.
-Tâu. Chúng tôi chưa hiểu ý Ngài muốn nói chi ? Nếu chúng tôi có lỗi lầm chi đáng trách, thì xin Ngài cho biết rõ ràng để chúng tôi nhận lỗi.
-Tôi muốn nói rằng : ông là người của Việt Minh cài vào Đại nội đã lâu.
Điều này, tối hậu thư ngày ngày 23 tháng 8 của Việt Minh đã cho biết khá rõ. Hôm nay, qua cách ông sắp xếp việc bàn giao tài sản cho cho Việt Minh, tôi càng thấy rõ hơn vai trò của ông. Ay thế mà ông không hề cho tôi biết trước một chút xíu chi cả. Việc chi cũng phải nước đến chân mới nhảy bị động hoàn toàn .
-Tâu. Nếu chúng tôi quả thật * là người của Việt Minh cài vào Đại nội đã từ lâu " thì đó là một vinh dự cho chúng tôi. Chúng tôi không can chi mà phải chối. Nhưng sự thực là chúng tôi không có chân trong tổ chức Việt Minh : Chúng tôi chỉ làm việc theo tiếng gọi của Tổ Quốc, theo sự thúc giục của lương tâm và với tấm lòng thiết tha mong muốn nước nhà có một chế độ mới thay thế chế độ vua quan lỗi thời… ( Trích Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, trang 72-73, nhà xuất bản Hànội, 1983).
- Trong dịp Phan Khắc Hòe về lại Huế, người đã bán đứng Bảo Đại, Hoàng Hậu đã hỏi thẳng Hoè về Lý Lệ Hoa . Hoè xác nhận là có thực còn nói thêm đó là một cô gái đẹp. Hoàng Hậu bị xúc phạm nặng, nhưng vẫn gửi hai tờ bạc một ngàn gửi ra cho Bảo Đại chi dùng. Xin trích đối thoại giữa Hoàng Hậu và ông Hoè:
Với một giọng đầy xúc cảm, nghẹn ngào, bà nói một cách chậm rãi:
- Ông Hoè, chắc ông biết tôi rất tin ông, quý trọng ông, trước kia cũng như ngày nay. Cho nên, tôi muốn ông cho biết tất cả sự thật về việc ông Vĩnh Thụy mê con Lý.
-Chúng tôi rất tiếc không biết rõ vấn đề ấy mà chỉ nghe người ta nói qua loa thôi.
-Người ta nói thế nào ?
-Người ta nói ông Vĩnh Thụy có mèo tên là cô Lý
-Ông có biết con Lý nhiều không ? Và con ấy người như thế nào ?
- Chúng tôi chưa bao giờ thấy mặt cô Lý, chỉ nghe nói là cô ấy đẹp. Còn về đạo đức thì tất nhiên là xấu rồi . .
(trích Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc , nhà xb Hànội, 1983, trang 123-124 , của Phạm Khắc Hoè)
Những người như ông Mai Văn Hàm đã tài trợ cho Bảo Đại ăn ở Hà Nội lẽ nào hại Bảo Đại đến thế? Những hoàng thân anh em họ với Bảo Đại không lẽ cũng có cổ phần vốn phá hoại gia đình ông Bảo Đại chăng? Chuyện đời khó biết được. Trong sách của Daniel Grandclément:
Bảo Đại ou les derniers jours de L1Empire d!Annam, ông cũng tướng thuật mà nội dung gần giống với ông Hoè, chỉ có một chi tiết khác biệt đến khó hiểu là ông gọi tên người con gái đó là Thông trong khi ông Hoè gọi là Lý.. Trong trường hợp này, có lẽ lời tường thuật của ông Hòe có phần xác thực hơn.
Danh sách những người đẹp lăng nhăng với Hoàng thượng thêm dài, một cô gái Tầu Hồng Kông, Phi Anh và nhất là Mộng Điệp.
Không thiếu những mệnh phụ tỉ tê, xàm tấu với Bà. Bà nghe đã nhiều, thường giữ thái độ im lặng, có thể phần không muốn nghe, phần đã quá rõ, phần tự ái không muốn ai nhắc tới. Có thể còn muốn bảo vệ uy tín hoàng tộc và cho cả con cái Bà. Cứ thế, Bà ẩn nhẫn chịu đòn một mình theo cái cách của người được ăn học, ngưới có nhân cách.
Nhưng theo Daniel Grandclément, đã có lần Hoàng Hậu trong lúc phẫn chí có ý định muôn giết Bảo Đại bằng súng và đã bầy tỏ ý định của mình với một người bạn thân là bà Toàn quyền Decoux..
Khi biết sự việc có thể trở thành bi kịch, bà Toàn quyền đã đi xe hơi lên Đàlạt để giàn xếp giữa hai người.. Chẳng may trên đường lên Đàlạt, bà đã gặp tai nạn xe hơi và đã chết sau đó. Nhưng có những nguồn tin báo chí khác đã bác bỏ tin đồn này, vì không tin bà Nam Phương có thể lại hành xử như vậy.
Bà đã tự chọn con đường của mình phải đi, từ giã vinh hoa, phú quý và nhất là chấp nhận sự quên lãng của Hoàng thượng. Cái việc bà từ chối ra Hànội sống với Bảo Đại là bằng chứng bà không muốn xếp hàng với những người đàn bà khác đang xun xoe chung quanh Bảo Đại.
Một biến cố quan trọng đã xảy ra trên đất nước, tiếng súng bắt đầu cuộc chiến tranh Việt Pháp vào ngày 19 tháng 12 năm 1946, ngay từ tờ mờ sáng, Bảo long đã dời cung An định đến trú ẩn nơi nhà các cha đòng Chúa Cứu Thế, gốc người Gia nã đại. Sau cùng thì cả Hoàng Hậu và các con cũng chạy sang nhà dòng CCT. Nhà dòng dành 4 buồng cho gia đình Hoàng Gia. Trong nhà dòng gồm có 60 linh mục và tu sĩ cộng thêm 130 chủng sinh và hàng chục gia đình Việt Pháp cũng xin vào trú ẩn cùng với Hoàng Hậu Nam Phương và các con.. Không có nước, không có điện, các công chúa hoàng tử đành đánh răng , rửa mặt với một ly nước mà thôi. Để tránh lộ tông tích, Bảo long phải cắt tóc trọc đầu như các chú trong dòng.
Sau đó, vào năm 1947, Hoàng Hậu và các con đã quyết định dời bỏ nhà dòng CCT và đến trú ngụ một nơi an toàn hơn tại nhà một Giám đốc nhà băng người Pháp. Ông Fatard. Một chiếc xe hơi đã đến đón bà chạy dọc theo sông Hương, rồi đến đại lộ Clémenceau cũ, rồi đại lộ Julkes Ferry. O đây cũng đầy người và thiếu thốn đủ thứ, chặt chội hơn ở bên nhà dòng. Tầng hầm có rất nhiều người ở và dùng những tấm màn ngăn cách giữa gia đình này với gia đình kia. Đó là cảnh thời lọan mà gia đình bà cũng phải c hia xẻ với số phận đất nước.
Năm 1950, gia đình bà một lần nữa dời Việt Nam sang Pháp.. Bà chọn ở Cannes trong " lâu đài Thorenc".. Các con, nhất là Bảo Long được gửi đi học nội trú trường Trung học Roches. Bảo long là một học sinh giỏi, thường đứng đầu lớp. Cậu rất giỏi về các môn văn chương, sinh ngữ ngay cả những sinh ngữ cổ như tiếng Hy Lạp. Nhưng có phần kém về toán và khoa học. Dầu vậy, cậu thấy khổ sở vì xa gia đình, xa các em..
Có một biến cố là hôm mồng 4 tháng ba , năm 1950, tên của Thái Tử lọt ra bên ngoài, đăng trang đầu của các báo địa phương nói tới một âm mưu bắt cóc thái tử . Lúc đó dân chúng Pháp mới biết là có một thái tử, con Bảo Đại ở đó. Thế là vùng Masslacq tự nhiên nhốn nháo cả lên. Hiến binh, cảnh sát đầy đường đi lục lọi từng bụi cây để tìm dấu vết.. Người ta cho hay rằng có một nhóm Việt Nam có liên hệ đến những đảng tả phái cực đoan tìm cách bắt cóc Bảo Long.. Tin loan truyền về đến Paris và tờ Rạng đông L!Aurore, số ra ngày 4-3-1950 đã quả quyết là có những phần tử thân Việt Minh tìm cách bắt cóc Bảo Long làm con tin.. Những kẻ định bắt cóc Bảo long đã dùng một chiếc xe để về Cannes mà bảng số xe hơi đã bị cơ quan an ninh nắm rõ. Bảo Long lúc đó mới 14 tuổi, một học sinh nhút nhát nay hình ảnh được đăng trên hết các báo.
Nhưng sau đó, các tin đồn trên xẹp như quả bóng hơi khi tờ báo Buổi Chiều Le Soir, một tờ báo Cộng Sản xác nhận rằng toàn bộ câu chuyện chỉ là chuyện thổi phồng vô căn cứ. Tờ Le Soir đã đi điều tra và xác nhận rằng Cảnh sát ở Cannes chẳng biết gì về vụ này.
Nhưng vụ này đã gây ra hậu quả nặng nề đối với Bảo long. Xe Cảnh sát đã đến đưa cậu đi một cách bí mật khỏi trường nội trú và gửi cậu vào Tu viện dòng Bê nê đíc tô Mandiran, trong vùng Brasses-Pyrénées. O đây, cậu hoàn toản bị cô lập, không ai biết cậu là ai và luôn luôn có một cảnh sát bên cạnh cậu.. ngày đêm được canh chừng , không được bước ra sân và cái thú vui duy nhất là đọc sách, dĩ nhiên là sách đạo đức.
Sau hai tháng khổ nạn, cậu được trả về trường nội trú ít lâu, rồi lại chuyển đến một trường Roche khác ở Norrmandie. Ở đây Bảo Long đã đỗ tú tài vào năm 17 tuổi và cũng vẫn luôn luôn có một cảnh sát bên cạnh. Cậu không có bạn, chỉ có sách. Không có đàn bà. Không giống cha cậu. Chán cảnh sống , lúc nào cũng bị canh chừng. Cậu quyết định xin với Bảo đại về học trường Sĩ quan Đàlạt vừa mới được thành lập ở Đàlạt theo thỏa ước được ký kết giữa Bảo đại và Tổng thống Vincent Auriol.. Bị từ chối và từ đó, cậu đã không bao giờ có dịp về Việt Nam nữa.
(phần viết về Bảo Long trên đây được lấy lại từ cuốn Bảo đại của Daniel Grandclément)
Phần Bà Nam Phương, từ năm 1950 khi sang Pháp, dòng họ Nguyễn với Bảo Đại kể như không còn ở trong mắt Bà nữa.
Năm 1950, con gái út mới 8 tuổi, ai có thể chia xẻ nỗi đau của Bà. Bà có thể làm gì được để gánh nổi cái gia tài Bảo Đại đã để lại. Bà quyết định mang các con sang Pháp, phần lo chuyện học hành của chúng là chính, phần tránh xa những nhớp nhúa của dư luận. Bạn bè cũ nay còn ai. Gần như không còn ai.
Bà ra đi, Bảo Đại càng đi xuống. Nay thì có những tôi thần như Bảy Viễn, Phan Văn Giáo cung cấp cho ông tất cả những gì cần thiết ở đời: tiền bạc và gái đẹp.
Phải chăng, ông chán ngán thế sự để buông rơi vào chỗ bê tha. Phải chăng ông chán ngán tình đời đi tìm quên đời bằng thân xác người phụ nữ. Lấy cái gì để bào chữa cho ông trong việc phẩy tay chuyện đất nước. Viết về ông thấy cả đời ông chẳng làm đuợc tích sự gì, ông chỉ làm được một điều tốt là cả đởi làm chính trị ông chẳng làm hại ai bao giờ, dù là những người đã bỏ ông như Ngô Đình Diệm và nhất là Hồ Chí Minh. Cả cuốn sách ông viết, chẳng bao giờ thấy ông hạch tội hay nặng nhẹ với những người như ông Ngô Đình Diệm. Vậy mà tôi vẫn oán giận ông, chắc là tôi không cần nói ra, ông vẫn khắc hiểu hơn ai hết. Nhưng dù sao, mọi chuyện cũng đã quá muộn rồi. Nói gì nữa bây giờ cũng vô ích.
Riêng Hoàng Hậu, tháng ngày còn lại ở bên Pháp đã từng bước, bước đến chỗ để về. Bà đã chọn chốn nới an nghỉ cuối cùng của đời bà tại Chabrignac, cách Brive-la-Gaillarde khoảng chừng 30 cây số. Một cái làng hẻo lánh với dân số chưa tới 400 người với những ngọn đồi và những căn nhà mái ngói sạm. Đó là nơi để an nghỉ, để về, về thật. Nó chẳng có chút dấu vết gì của Cannes hay đàlạt, ngoại trừ vài cây thông như núi rứng Đàlạt..
Bà đã chán thế sự, chán cái đời sống của một gia đình Hoàng Gia với những lễ nghi, những thù tiếp. Chán tất cả. Bà đã mua một dẩy nhà bằng đá, dựa vào lưng chừng đồi nhìn ra quang cảnh đồng quê trải ra với những cánh đồng ruộng và ao hồ… Khác với chồng bà ăn tiêu xài phí, túi lúc nào cũng nhẵn. Bà có một sản nghiệp riêng như ở Neuilly, nhà cửa ở Maroc, một căn nhà ở đại lộ Opéra, một lãnh địa ở Congo và những đồ vật quý giá. Tất cả nhửng chi tiết viện dẫn này chỉ được viết ra một cách dè dặt, vì chẳng dễ gì, người ta có thể biết được đích xác những tài sản của bà.
Lãnh địa Chabrignac gồm 160 mẫu đất và hằng trăm bò sữa. Căn nhà gồm 32 phòng, 4 buồng khách. Bà có vẻ thích hợp vớ nơi ở mới này. Những người phục dịch nhớ lại bà tươi cười, ca hát và ham sống khác hẳn trước. Ba tự đi mua sắm một mình trên chiếc xe Dauphine luôn luôn có một người đàn bà hầu cận. Tất cả nhửng người phục dịch cũng như 4 người nhà nông đều được bà quý mến, quà cáp. Bảo Đại có đến đây 3 lần trong suốt 5 năm trời Bà ở đây.
Điều trớ trêu của lịch sử đến kỳ diệu là cũng ở đây là nơi cư ngụ của hai nhân vật nữ hàng đầu của Việt Nam : Hoàng Hậu Nam Phương và công Chúa Như Lý, con vua Hàm Nghi. Thời trẻ, công chúa theo vua cha bị đầy sang Algérie rồi sau đó về cư ngụ ở đây. Nhưng hai bà không có giao thiệp với nhau.
Tuy vậy mỗi ngày, mỗi năm tháng cứ héo mòn đi như cái cây không có nước, cứ ủ rũ cho đến lúc tàn lụi. Ngày một, ngày hai, mỗi ngày vẫn phải chạm chán với cuộc sống thực bên ngoài và nỗi cô đơn bên trong. Nổi cô đơn từ mọi phía, nỗi cô đơn cã đời. Đến như tôi có thể dám thốt ra lời này: Chỉ nhìn con mắt, cảm nghiệm được đời bà là một niềm cô đơn. Đừng ai hạch hỏi tôi tại sao nói thế?
Tháng ngày vẫn trôi qua, dần dần những trông đợi thù đáp nơi người, niềm hy vọng có ngày trở lại bị xói mòn sẽ dấy lên những câu hỏi về cuộc đời, về cớ sự đa đoan, về tình người và cuối cùng về tình vợ chồng.
Ngày 13 tháng 9 năm 1963, bà từ Brive trở về thấy đau cổ. Hôm sau, bà thấy khó thở. Những người bồi phòng kêu bác sĩ tới, nhưng không có ai. Bà cứ thế thở dốc lên, mệt nhọc như tắc thở. (Bà vốn bị bệnh suyễn nặng). Cảnh sát, lính cứu hoả đến làm hô hấp nhân tạo. Nhưng đều quá trễ. Bà chết nghẹt thở vào lúc mới có 49 tuổi. Bà sống cô đơn thế nào thì mất im lặng như thế ngày 14-9-1963 tại làng Chabrignac. Bên cạnh chỉ có hai hoàng tử và ba công chúa sau mới về. Thực sự chỉ có hai người giúp việc bên cạnh lúc Bà mất.

Ngôi mộ của Bà ở một nghĩa địa nhỏ, gần như bị che lấp bởi những ngôi mộ đồ sộ khác có ghi bằng tiếng Pháp:
" Nơi đây an ngh Hoàng Hậu Annam, tự Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào"
( Ici repose l!impératrice d!Annam née Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào ).
Đặc biệt trong buổi lễ, có bà Công Chúa vừa là hàng xóm, vừa là bà con với Hoàng Hậu mà trong năm năm, họ chưa hề bao giờ gặp nhau.
Phần đời Bà, còn rất nhiều điều chưa được sáng tỏ còn nằm trú ẩn trong vùng bóng tối của đời Bà. Nhưng phải chăng chính cái phần bóng tối này lại là nơi trú ẩn an toàn nhất mà Bà muốn giữ lại đem về bên kia thế giới?

Và nếu thực sự như thế thì chúng ta chỉ còn biết tôn trọng ý nguyện của Bà và phải chăng Bà đã ra đi và không còn gì để nhắn gửi và nói lại nữa. Một ngôi sao đã đổi ngôi. Số phận Bà có gì trùng hợp với phận người phụ nữ nói chung? Có lẽ cần suy nghĩ thêm vẫn chưa muộn.

NGUYỄN VĂN LỤC

Chú thích:
1) Trong cuốn Thuyền ai đợi bến Vân Lâu của Nguyễn Lý Tưởng có đặt vấn đề vua Bảo Đại là con ai? Xét ra cũng là một đề tài lý thú để bàn. Do sự quan hệ với một vài liên hệ với hoàng tộc, tài liệu cho biết, Bảo Đại là con vua Khải Định, nhưng mẹ là bà Hoàụng Thị Cúc vốn chỉ là người hầu trong cung. Khải Định hình như không có con, nhưng khi bà Hoàng Thị Cúc có mang thì Thái Hậu, Đức Chánh Cung tra khảo đánh đập, hoàng tử Bửu Đảo, tức Khải Định đã đứng ra xin như sau: "Thưa A, thai nhi trong bụng Hoàng Thị Cúc chính là con của hài nhi. Vì dòng đõi của mình (vua Đồng Khánh) hiếm muộn, nên ả tha cho Hoàng Thị Cúc và cho phép hài nhi được cười nàng làm thiếp. Ấy là theo lời kể lại của bà Nguyễn Thị Vy, cháu nội ông Nguyễn Hữu Độ (Phụ chính đại thần vua Đồng Khánh). Một dẫn chứng khác qua lời nói lại của ông Bửu Uyển thì trước 75, bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại), lúc đó đã ngoài 80, đã kể lại cho con cháu nghe, trong đó ông Bửu Uyển cũng có mặt. Theo đó, Đức Từ Cung cho biết, lúc làm gái hầu cho Ngọc Lâm Công Chúa, con vua Đồng Khánh. Công Chúa thường sai bà mang thư cho Bửu Đảo, (hai nguời trao đổi thơ xướng họa với nhau). Hai người ăn nằm với nhau, sau đó bà có thai và sinh ra Vĩnh Thụy, tức vua Bảo Đại sau này. Cả hai nguồn tin đều xác nhận Bửu Đảo ăn ở với Hoàng Thị Cúc, rồi có con. Chính sử không có, đành tin vào những nhân chứng sống. Điều chính là bà Hoàng Thị Cúc, sau này là Đức Từ Cung là mẹ vua Bảo Đại. Chừng đó đủ rồi. (Xem Thuyền Ai Đợi Bến Vân Lâu, trang 395-401, của Nguyễn Lý Tưởng)
(2) Theo Hoeffel, trích trong Indochine "Bài La région Saigon, Cholon". Sài Gòn, Chợ Lớn lúc bấy giờ chỉ rộng có 5000 mẫu Tây, chiều dài từ Đông sang Tây là 15 kilô mét và chiều rộng có vỏn vẹn 6 kilô mét.
(3) "La naissance de Đalat", của ông A.Baudrit viết: Đà Lạt được khám phá ra vào năm 1893. Sau đó mãi đến năm 1898, người ta mới khai thác được một vùng để làm một cái vườn với mục đích cung cấp rau cho đoàn nguời lên công tác. Vì thế, vườn rau đặt tên là "Ferme de Dankin". Sau đó, tác giả tự đặt câu hỏi "Est-ce alors que commenca la création de Dalat". Hỏi rồi tự mình trả lời: "Pas encore". Nhưng điều sau đây mới thực sự quan trọng và có ý nghĩa. Trong một bài báo khác giấy nhiều chỗ đã mủn và rách, vừa đọc, vừa đoán mò không rõ tên tác giả có ghi chép: vào năm 1934, Giáo Hoàng Pio 11 mới yêu cầu mẹ bề trên Cả của dòng đưa các sơ ra hải ngoại. Cái duyên là họ đã quyết định sang truyền giáo ở bên Việt Nam. Vì thế, họ đã thiết lập hai trường: một ở Đà Lạt, một ở Hà Nội, khu Ngọc Hà. Nhưng mãi đến năm 1937, trường sở mới được xây dựng xong. Trong khi đó Cô Nguyễn Hữu Thị Lan đã làm đám cưới với vua Bảo Đại từ năm 1934. Như thế cả hai chị em quả thực không thể nào học Couvent des Oiseaux được. Chỉ có sau này, khi đã lên ngôi Hoàng Hậu, bà có ghé thăm trường mà thôi.
(4) Năm 1927, có bài viết "Le mariage d'une princesse d'Annamite" trên báo Thần Kinh. Tờ Nam Phong , năm 1923, số 69 cũng có bài viết tương tự. Năm 1934, trên Bulletin des Amis du vieux Hue ( BAVH ), trang 145-168 , trong một bài viết có nhan đề "Cérémoniale d'autrefois pour le mariage des princesses d'Annam" của L. Sogny. Khi các công chúa được 16 tuổi thì bắt đầu phải để ý đến chuyện gả chồng cho các cô rồi. Thoạt đầu, người ta chọn ra một danh sách các con, cháu, ngay cả đến chắt các công thần nộp lên vua. Vua chấm dấu đỏ vào tên anh nào, anh đó có may mắn được làm phò mã. Sự cố xảy ra sau đây thêm phiền phức vô kể. Lúc Thiệu Trị mất theo tục lệ, mọi chuyện cưới hỏi phải ngưng để tang vua cha. Đến Tự Dức thứ tư, nghĩa là năm 1854, số các công chúa chưa chồng trong 3 năm lên đến 30 cô, tất cả gồm các con của Minh Mạng, Thiệu Trị gom lại. Lúc đó, nhiều công chúa đã quá tuổi 16 thuộc loại già cỗi (Abricot murissant), chưa có ai rước đi. Trong số các công chúa, nhiều cô xấu xí lại càng khó kiếm chồng hơn. Dư luận thời đó đồn thổi có nhiều con trai các công thần sợ phải lấy mấy công chúa hoặc vì quá lớn tuổi, hoặc xấu không hợp nhãn đành đánh bài ba chân bốn cẳng chốn mất dạng. Triều đình không biết làm thế nào đành phá lệ tuyển bổ xuống hàng quan lại thường. Nào đã xong, còn xem tuổi tác công chúa có hợp không đã. Rồi cho tên tất cả những ứng viên đó vào trong hộp sắt, lắc đều, công chúa bắt trúng tên ai thì nguời đó đuợc làm phò mã. Công chúa chỉ biết mặt lúc đám cưới nên cũng tìm đủ cách để xem mặt phò mã tương lai là ai. Cũng nhiều cảnh cuời ra nước mắt.
Thủ tục cưới hỏi cũng nhiêu khê phiền toái lắm, vất vả lắm. Từ lễ nạp thai đến vấn danh, rồi nạp trưng, nạp cát, sau đến lễ thân nghinh và hiệp cẩn, công chúa và phò mã ăn chung một miếng thịt một con vật, rồi uống rượu.
Mọi chuyện xong thì mỗi phò mã được thưởng 3 nghìn lạng bạc để mua nhà ở, gọi là phủ, cộng với 3 vạn lạng để sắm sửa quần áo, đồ dùng và đồ trang sức v.v.. Ngoài ra, phò mã còn có 50 người hầu, có một đội trưởng do triều đình ứng trả chi phí lương bổng.
Ôi trùng trùng điệp hết lễ này đến lễ kia. Cưới xong cũng trầy da, chóc vẩy. Cũng nên nhớ, chỉ có vua là có cung phi cung nữ, bao nhiêu cũng được. Còn phò mã thì không được quyền có vợ hai, chỉ trừ khi công chúa không có con.
(5) Archives du ministères des affaires étrangères, Asie Océanie, carton E, années 30 à 40, dossier 40 . Trích lại trong Bao đại của Daniel Grandclément.
(6) Nhân đây, có đọc được một bài báo khá lý thú, đề cập đến đến chuyện du xuân đặc biệt của vua Đồng Khánh. Bài báo còn lý thú hơn nữa là tác giả Phan Thuận An, tự nhận là "nhà nghiên cứu Huế". Gọi là nghiên cứu chứ thật ra ông đã dịch và chép nguyên con một bài của Cosserat, trong BAVH, Huế từ trang 301 đến trang 306, có nhan đề là "Les Fêtes du Tết en 1886 à Hue. Promenade du roi". Trong đó, Cosserat chép lại bài tường thuật của phóng viên báo Figaro, lúc đó cũng có mặt ở Huế. Thật ra chả nên làm thế để làm gì. Nội dung bài báo lại tỏ ra không nắm vững cho lắm. Từ lúc thay thế vua Hàm Nghi, Đồng Khánh chỉ là thứ bù nhìn dễ sai bảo của người Pháp. Vì thế tướng Prudhomme, lúc đó đang ở Huế đã yêu cầu nhà vua phải xuất hiện ngoài hoàng cung để cho dân chúng biết là vua không bị quản thúc. Mục đích của Prudhomme chỉ có vậy. Và đơn giản chỉ có vậy.

Sau 40 năm tưởng nhớ Hoàng Hậu
Nguyễn văn Lục


21 Tháng Hai 2013(Xem: 66982)
Pleiku đêm lạnh trở lại đêm Đêm nghe tiếng nấc dội về tim Thăm lại phố xưa trong giấc mộng Phố còn in đậm dấu chân quen!
21 Tháng Hai 2013(Xem: 102821)
Cám ơn người bạn già đã cho tôi một cái tên thật nhiều kỷ niệm. Cám ơn cuộc đời đã cho tôi một thời để yêu và để nhớ.
19 Tháng Hai 2013(Xem: 88934)
ĐÀ NẲNG NGÀY VỀ - Nhạc và Lời Võ Đình Tuyết - Ca sĩ Bảo Châu
19 Tháng Hai 2013(Xem: 59027)
Ngô Quyền tuy vẫn là tên Nhưng trên thực tế đã quên mất rồi Đừng tìm trường cũ nữa thôi Ngô Quyền dot org (*) đền bồi trường xưa
16 Tháng Hai 2013(Xem: 100326)
Tặng các em học sinh trung học Ngô Quyền, Biên Hòa và các chiến hữu ĐĐ 3/463 ĐPQ, tiểu khu Biên Hòa
15 Tháng Hai 2013(Xem: 81782)
Tình anh em, tình đồng môn luôn được gìn giữ và bồi đắp “Thật Lòng Với Trường Xưa”. Cũng cần có những tấm lòng để giữ mãi nụ cười đầu xuân.
14 Tháng Hai 2013(Xem: 61688)
Trường yêu một thủa biết tìm đâu? Trăm nhớ ngàn thương bạc mại đầu Gọi dấu yêu xưa năm tháng cũ Dưng dưng phượng đỏ dục lòng đau!
14 Tháng Hai 2013(Xem: 60001)
người có về trên cỏ tháng hai? hương xuân còn thoảng gió đâu đây đất trời ngây ngất mùa tăng trưởng mai đào ưng ửng nắng hây hây
13 Tháng Hai 2013(Xem: 62574)
tôi như bụi cát hồng trần mai về cát bụi chẳng cần có tên tôi như một giấc ngủ quên bừng con mắt dậy, chợt thênh thang buồn
09 Tháng Hai 2013(Xem: 60810)
Ngày đầu một năm xin qua thật chậm như khi anh nắm tay em vào Xuân!
08 Tháng Hai 2013(Xem: 92614)
Mời thưởng thức hai bức tranh Mùa Xuân của Hạnh Phạm
07 Tháng Hai 2013(Xem: 61167)
Con bên nầy nhớ Mẹ bên kia Như xa lộ thẳng đường không sao khác Chiều nay nhớ nhà xe chở đầy hương Tết Con chở theo mình mùi Mẹ đầu năm!
05 Tháng Hai 2013(Xem: 61101)
sớm mai thức giấc một mình chợt nghe trời đất tự tình thiết tha. vườn xuân nắng ấm chan hòa tiếng chim ríu rít khúc ca vào mùa
04 Tháng Hai 2013(Xem: 103627)
Một năm nữa sắp qua, thêm một mùa Xuân tha hương. Lại thêm một tuổi…“Xuân bất tái lai”–
04 Tháng Hai 2013(Xem: 92609)
Nhạc và lời: Đào Lê Văn – Ca sĩ: Tâm Thư - Thực hiện youtube: Bảo Phạm
01 Tháng Hai 2013(Xem: 78128)
Nhà tôi lúc đó ở gần chợ, nên tôi nhớ như in, tôi ngửi rất rõ mùi Tết vào những ngày cuối năm.
01 Tháng Hai 2013(Xem: 65289)
Bên anh bây giờ đã vào Xuân Có giữ cho nhau giấc mộng lành? Có biết rằng em nơi gió tuyết VẪN NHỚ BIÊN HÒA ...VẪN NHỚ ANH...
30 Tháng Giêng 2013(Xem: 53532)
Nhớ Tết quê nhà, nay viễn phương Nổi trôi vạn nẻo, nhớ quê hương Thương yêu thân tộc, buồn xa xứ! Kỷ niệm trong hồn, mãi nhớ luôn.
30 Tháng Giêng 2013(Xem: 54836)
Cành đào đã chớm nụ lộc non Cô em gái nhỏ dạ sắt son Mai cúc nở vàng như chào đón Tình Xuân chung thủy mãi không mòn
30 Tháng Giêng 2013(Xem: 61818)
Mùa xuân trôi trên sông Theo lục bình hoa tím Mẹ chèo con thuyền nhỏ Chở hàng Tết xuôi dòng
30 Tháng Giêng 2013(Xem: 138847)
Nhưng câu hỏi cuối cùng được đặt ra: từ đâu Nguyễn Tất Nhiên lại có tánh lãng mạn đa tình quá vậy để dễ dàng "phóng bút" sáng tác thơ tình cho nhiều nhân vật nữ?.
26 Tháng Giêng 2013(Xem: 53242)
-Riêng tặng Hát Bình Phương, để trả lời một câu hỏi- Dẫu biết rằng Xuân đâu bất tận. Đón Xuân buồn khi nắng chiều thưa. Thắp nén hương thầm câu nguyện khấn. Cho con tìm Tết của ngày xưa.
25 Tháng Giêng 2013(Xem: 153536)
Mới đây, tôi có dịp đọc cuốn ''Bên thắng cuộc'' của Huy Đức do một người bạn trẻ- giáo sư đại học ở Canada- với lời giới thiệu khá nhiệt tình- :Đọc cuốn này chưa? Rất hay, còn nóng hổi.
25 Tháng Giêng 2013(Xem: 96189)
Xin gửi mấy chậu thủy tiên của mùa xuân Quý Tỵ. Mời đại gia đình NQ cùng đón nàng tiên áo trắng. Thân chúc tất cả một mùa xuân vui tươi, đầm ấm, và đoàn tụ.
23 Tháng Giêng 2013(Xem: 65285)
Nỗi nhớ lại càng thêm da diết trong những buổi chiều cuối năm như thế này! Tôi nhớ đến se sắt đến ngỡ ngàng, khi chợt nhận ra rằng, nỗi nhớ của người xa quê nó đằm sâu dai dẳng...
23 Tháng Giêng 2013(Xem: 95441)
Hôm nay, cùng nhau đón mùa Xuân thứ 38 trong không khí lành lạnh của mùa Đông xứ người. Nhớ về kỷ niệm đẹp của những ngày xuân khi xưa mà tiếc nuối.
19 Tháng Giêng 2013(Xem: 58653)
Đêm trừ tịch trời tối đen thinh lặng Hoán đổi đông-xuân gió hát rì rào Lộng lẫy vàng giữa tinh khôi nguyên đán Đón xuân về cây lá vẫy lao xao.
18 Tháng Giêng 2013(Xem: 65195)
Em sẽ mời anh chút ngậm ngùi, Cho anh nếm vị đắng đầu môi. Đi trên những bước chân hụt hẩng. Biết đau khi đã mất em rồi.
18 Tháng Giêng 2013(Xem: 61859)
bản nhạc tình năm cũ vừa gần, vừa xa xôi tách cà phê nhỏ giọt giọt sầu nào cho tôi?
17 Tháng Giêng 2013(Xem: 91164)
Lần đầu tiên e-mail gửi tôi, anh Thanh Huyền thú nhận: “Anh có thói quen xấu là hay khóc!...” Xấu hay tốt gì, tùy quan niệm sống của từng người.
16 Tháng Giêng 2013(Xem: 74515)
Đâu đó trong những góc phố, trong những con đường này, linh hồn của Biên Hòa không hề thay đổi, vì tấm lòng của những ...
14 Tháng Giêng 2013(Xem: 83432)
Còn có một tuần nữa là Tết mình rồi đó. Ở bên đó hẳn là nhộn nhịp, rộn ràng có không khí Tết hơn bên em nhiều. Nhưng cũng dễ thôi, chỉ cần mở mấy bản nhạc Xuân
13 Tháng Giêng 2013(Xem: 82392)
cái đẹp của chị ở đây không chỉ là nhan sắc, nhưng còn là những lời răn dạy ngọt ngào với khuôn mặt phúc hậu trước đám trẻ thơ
12 Tháng Giêng 2013(Xem: 71211)
Các bạn ơi!... có ai trông thấy Tuyết đen hồi năm 1966-1967 học ở Trường Trần Thượng Xuyên của tui ở đâu xin liên lạc dùm tui. Nhớ nghen.
11 Tháng Giêng 2013(Xem: 87727)
Em về để gió hôn mây Để anh ôm mộng, men say cuộc tình Em về kể chuyện chúng mình Ngày còn đi học, em xinh xinh nhiều
10 Tháng Giêng 2013(Xem: 87576)
Nhưng tôi vẫn cố viết mấy giòng này, goị là kỷ niệm một chuyến đi, đi thăm thân hữu đồng môn Gặp mấy học trò cũ, cũng như cho biết cảnh trời Tây:
06 Tháng Giêng 2013(Xem: 59511)
Áo ấm Mẹ đan cũng chẳng còn Đông về xứ lạ xót lòng con Mang tình viễn xứ buồn cô quạnh Nhớ mẹ hiền yêu, nhớ nước non…
05 Tháng Giêng 2013(Xem: 75862)
Rất mong qua những hình ảnh xưa đính kèm, anh chị em nào tự nhận ra chân dung chính mình … mấy mươi năm trước, hoặc chân dung anh chị em từng sinh hoạt cùng thời với mình,
05 Tháng Giêng 2013(Xem: 86662)
Em ơi, hạt sương long lanh anh nâng niu trong ngăn tim anh nóng cháy đậm đà, ngày mai còn đó, tình ta còn đó, còn mãi trong ta mối tình đầu ngây thơ của Ngô Quyền và em
04 Tháng Giêng 2013(Xem: 63226)
Chiều nay về không chút mưa rơi Mà lạnh lắm lòng con nhớ Mẹ Đèn xanh không lên không ngại trễ Sợ chờ hoài không thấy Mẹ đâu!
01 Tháng Giêng 2013(Xem: 59477)
Gửi tặng em vần thơ kỷ niệm lúc bên đời bước xuống mùa Đông sớm mai mù sương phủ sông Đồng tìm đâu bóng người xưa áo trắng?
29 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 120078)
Hầu hết những bé gái sinh ra đều quấn trong một tấm tã... Nhưng có những bé gái ra đời được quấn trong tã bọc điều, biểu tượng của giàu sang phú quý.
28 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 61755)
Mai vàng hé nhụy đón chào. Bướm Xuân lơi lã hương cau dạt dào. Nhắp môi, chút rượu hồng đào. Lỡ say, vẫn nhớ đường vào với Xuân.
28 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 85091)
Một năm đã qua, chúng ta đã sống với nhau thật lòng trong một đại gia đình. Chúng ta đã chia sẻ với nhau những tâm tình rất thật.
27 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 66298)
Năm mười hai năm tràn đầy dấu ấn Bạn Ngô Quyền trường cũ của tôi đây Đột nhiên bao bạn hữu lại xum vầy Cả thầy cô bên này và bên ấy
22 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 109579)
Noel cũng là dịp tôi và mọi người xung quanh tận hưởng những giây phút ngọt ngào của tình yêu, của niềm tin và hy vọng.
21 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 67319)
Cali mùa nầy trời còn lạnh đêm đêm, Phố vẫn xa, đêm đen còn đặc quánh Tâm hồn vắng hoe, mắt còn trông ngóng Một phía xa xôi, nơi có chút Sài Gòn!
21 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 123654)
Giả thử có ai hỏi, ai là người tôi yêu thương và tin tưởng nhất? Không ngại ngần tôi sẽ nói là em tôi. Cậu Mười của mấy đứa con tôi.
19 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 127423)
Đông đến Thu đi mai vàng nở rộ bao mùa, năm nay Tết lại sắp về chị đang lưu lạc phương nào hả chị Gấm? Chị có muốn về thắp nhang nơi mả ngoại với em không?
16 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 127070)
Chuyến đi tour NCA đã để lại trong lòng tôi đầy những kỷ niệm, và khi viết những dòng chữ nầy, tôi chợt thấy nhớ Kobe chi lạ.
15 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 122200)
Sợi dây chuyền kỷ niệm đó đã đem đến niềm vui nỗi buồn cho bà. Bà đã gắn bó với nó một thời gian dài và đã chôn nó sau vườn vào một ngày pháo đỏ rộn sân nhà...
14 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 84603)
Thôi thì cứ mặc mưa rơi Nhạt nhòa trên má, trên đôi môi hồng Có chút buồn, chút nhớ nhung Chút vương vấn nhẹ... như lòng em mơ
13 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 71491)
Sao em không về đây em ơi Chờ đã trăm năm, đợi hết đời Có lẽ từ đây rồi mãi mãi Chẳng còn có dịp gặp nhau thôi.
12 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 116652)
Vậy thì anh chị em mình cùng cảm ơn quí thầy cô, và cùng cảm ơn nhau nữa. Đã nửa thế kỷ trôi qua đời người, hạnh phúc biết bao khi Thầy – Trò ta vẫn có nhau bên đời…
09 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 73889)
Bao năm biền biệt phương xa, Người đây kẻ đấy mưa sa nát lòng. Mơ ngày lễ lớn Mùa Đông Quỳ xin với Chúa: tơ chùng lại căng.
09 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 88235)
(Chia sẻ nỗi buồn mất Mẹ của Thy Lệ Trang) Người đã ra đi một ngày buồn Thương nhớ Mẹ hiền giọt lệ tuôn. Từ đây đôi ngã chia cách biệt Nỗi nhớ niềm thương cả tâm hồn.
07 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 80842)
Bây giờ nhìn lại dấu sắc không Bước nhanh bước vội cũng thong dong Biết đâu mai mốt không còn bước Nhìn dấu chân xưa cũng lạnh lòng.
07 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 78374)
Xót xa, tiếc nuối vô vàn... Nửa đêm thức giấc... ngỡ ngàng... mẹ đâu? Tiếng chân ai bước lên lầu Phải chăng một thoáng xôn xao mẹ về ...?
05 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 76479)
Mẹ tôi đó áo quần trăm miếng vá, Ôm trái tim cao cả “Mẹ Viêt Nam” Dẫu hàn vi cơ cực chẳng than van Mẹ tằn tiện từng đồng cho kẻ khó.
05 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 130338)
Hân hạnh giới thiệu đến quý vị và các bạn chương trình Nhạc chủ đề TIẾNG THU của Ngô Càn Chiếu
01 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 96905)
(Bài này tặng tất cả những học trò có cùng... hoàn cảnh, và riêng tặng một người Thầy mà đọc rồi mới hiểu- Nhờ Hoàng Mai chuyển dùm đến Thầy)
28 Tháng Mười Một 2012(Xem: 100063)
Ai sẽ nâng niu cánh hoa tàn Ai sẽ vuốt ve cành hoa rũ Ai ru hoa ngủ lúc về đêm Ai nhặt xác hoa rụng bên thềm
27 Tháng Mười Một 2012(Xem: 143407)
... Thời gian 42 năm sau tôi mới gặp lại thầy hiệu trưởng của ngôi trường trung học mà 7 năm tôi đã gắn bó.
24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 152549)
Tôi lần lượt đọc lại từng lá thư theo thứ tự thời gian Đông đã gửi dù đã đọc đi đọc lại nhiều lần và lại đắm chìm trong những suy nghĩ miên man
24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 126573)
Đêm phủ trùm, thơm ngát mùi quê nhà trong trí tưởng, tôi muốn nương hồn mình theo về, để bắt gặp lại những mùi hương…
24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 98483)
Một ngày mới, thêm niềm tin yêu mới. Cảm ơn đời, cho tôi trọn niềm vui. Cảm ơn người, bè bạn của tôi ơi! Hãy xiết chặt vòng tay thân ái.
23 Tháng Mười Một 2012(Xem: 151581)
Để ra khỏi vòng trầm luân khổ ải, có lẽ chúng ta phải nên đồng hoá Cho và Nhận để không có sự phân biệt,
23 Tháng Mười Một 2012(Xem: 106286)
dẫu cánh chim trời chưa biết mỏi người đi cũng sẽ trở về tìm giữa phố Sài Gòn, đêm hội ngộ mai tôi về, mai về! MAI, nhé em?!
15 Tháng Mười Một 2012(Xem: 116593)
Từng ấy thứ xếp đầy trong ký ức Bao nhiêu năm vẫn như thế êm đềm Ơn cô thầy muôn đời luôn ghi nhớ Nghĩa thầy trò ấm áp mãi trong tim.
15 Tháng Mười Một 2012(Xem: 117189)
Ở bên kia cầu vồng có lẽ, Quá khứ không còn là những niềm nuối tiếc Tương lai chẳng còn là những nỗi lo âu
14 Tháng Mười Một 2012(Xem: 152610)
Với chủ đề “Trường Xưa, Thầy Xưa” nhóm CHS.NQBH ở Sài Gòn sẽ tổ chức “Đêm tri ân” thầy cô giáo cũ, cũng là buổi tri ngộ của những “cụ” học sinh thiệt lâu năm của trường Ngô Quyền.
14 Tháng Mười Một 2012(Xem: 131109)
Cảm ơn trang web Ngô Quyền bốn phương tám hướng se duyên trùng phùng từ trong ký ức mịt mùng Thầy xưa, bạn cũ bỗng dưng trở về
09 Tháng Mười Một 2012(Xem: 118579)
Hôm nay ngày giỗ Mẹ Chúng con đốt trầm hương Kính dâng về Từ Mẫu Với trăm vạn niềm thương
09 Tháng Mười Một 2012(Xem: 145639)
Nên hay không nên... Trở về thăm Biên Hòa và đối diện với kỷ niệm, đối diện với tình yêu, tình bạn?
08 Tháng Mười Một 2012(Xem: 133070)
Ôi! Những tàng cây Sao đã ôm ấp tuổi thơ của tôi. Những hốc, rễ cây sần sùi như con rắn nằm ngủ của tôi nay đã đâu mất rồi!?
07 Tháng Mười Một 2012(Xem: 154287)
Trong tiết trời se se lạnh của đêm đầu đông, tôi suy nghĩ về cuộc đời, bè bạn. Những khó khăn gian khổ qua rồi.
02 Tháng Mười Một 2012(Xem: 134853)
Thơ Kiều Oanh Trịnh - phổ nhạc LMST – Hòa âm Cao Ngọc Dũng - Ca sĩ Tâm Thư trình bày
02 Tháng Mười Một 2012(Xem: 108023)
Tạm biệt ông ơi. Đi ngủ đi, Cháu về bài vở ngập mùa thi, Ngày mai ông tới cháu đi học, Rạng rỡ bình minh soi bước đi.
01 Tháng Mười Một 2012(Xem: 108021)
Dòng đời sông nước vẫn trôi Vẫn ra biển cả, vẫn xuôi về nguồn Vẫn mang dòng nước mưa tuôn Vẫn ngâm những khúc tình buồn vương tơ
31 Tháng Mười 2012(Xem: 148330)
Kể từ đó, miền Bắc không có văn học nữa. Đảng qua Tố Hữu, Trường Chinh đã chôn sống các nhà văn như chôn sống địa chủ.
28 Tháng Mười 2012(Xem: 119890)
thu tình ta, nay chắc úa màu (chẳng câu dâu bể, cũng phù du) đêm nay gió lộng, mùa quay gót người về-mai, mốt-có thương thu?
26 Tháng Mười 2012(Xem: 111491)
(Tặng Hoàng Mai Đạt, Anh Hạnh, Hòa, Phước) Sống vui với cả mọi người Sống vui với cả cuộc đời tối tăm Mai nào rủ áo hồng trần Thì thôi cũng vẫn có ngần ấy thôi.
26 Tháng Mười 2012(Xem: 116522)
Thu xưa anh hát ru em Bài ca dao cũ, êm đềm ngủ say Ru em giấc ngủ ban ngày Lá rơi xào xạc, chân nai bước về
26 Tháng Mười 2012(Xem: 159881)
Nhạc: Anh Vũ - Phổ từ bài thơ "Giữ Dùm Em" của Hạnh Phạm - Ca sĩ: Bích Thủy - Thực hiện Youtube: Hạnh Phạm
16 Tháng Mười 2012(Xem: 118296)
Cung đàn như đứt sợi dây tơ, Chẳng phải vì em muốn hững hờ, Chỉ muốn cho tôi đừng thương nhớ, Chẳng muốn suốt đời tôi mộng mơ.
15 Tháng Mười 2012(Xem: 118650)
Rằng thương cá bóng kho tiêu. Canh rau ngót nấu tép riu thơm bùi. Rằng yêu thương mãi một đời. Đất quê hương gửi lời mời đón đưa.
15 Tháng Mười 2012(Xem: 145632)
Mẹ sẽ luôn luôn đứng phía sau con, để những khi chân con trợt ngã, Mẹ sẽ lại nâng con lên cho con tiếp tục bước tới.
13 Tháng Mười 2012(Xem: 119827)
Mùa Thu hoa cúc nở Bên này trời mù sương Khói lam mờ bếp ấm Nhớ về Thu quê hương…
12 Tháng Mười 2012(Xem: 165788)
Nhạc & Lời: Phạm Chinh Đông Hòa Âm : Cao Ngọc Dung Ca Sĩ : Quốc An
12 Tháng Mười 2012(Xem: 126469)
Mỗi lần nhìn em gái đứng tần ngần nhìn theo mấy đứa bạn đội nón hồng xanh đi ngang nhà thằng anh hai buồn hiu hắt.
11 Tháng Mười 2012(Xem: 128066)
Cuộc tình không bày tỏ Sẽ có mãi trong tôi Sẽ đẹp suốt cuộc đời Và cho tôi mãi mãi Yêu nàng như chưa yêu
10 Tháng Mười 2012(Xem: 113934)
Thu đến HỒN chìm trong vạn lá Đông về HỒN đọng giữa ngàn sương Mộng mơ HỒN đến miền xa lạ Bàng bạc HỒN trăng khắp nẻo đường
08 Tháng Mười 2012(Xem: 163478)
Âm nhạc đưa tôi đến thế giới huyền hoặc của tình yêu ngày tôi mới lớn, đưa tôi bay bổng, vượt qua ngàn trùng dương trở về quê hương nơi có thành phố Biên Hòa tôi yêu dấu.
06 Tháng Mười 2012(Xem: 151212)
Nợ chữ nghĩa vẫn còn mang nặng, nhưng từ đó cho đến mãi về sau này con người ấy không sao quên câu chuyện “nhánh cây liêm sỉ” của Dì Hai.
05 Tháng Mười 2012(Xem: 125118)
Mời em một chuyến rong chơi Thăm miền biển vắng thăm người cô đơn Quạnh hiu những lá hoa cồn Bình minh sương phủ, hoàng hôn sóng gào
05 Tháng Mười 2012(Xem: 166591)
Ước chi Thu đừng đi qua, Thu ở lại dài lâu trong đời sống để mỗi người trong chúng ta quên đi những bộn bề phức tạp mà đắm mình trong sắc Thu muôn đời...
05 Tháng Mười 2012(Xem: 116844)
Thu gợi bao hoài niệm Của yêu dấu một thời Giữ đầy bốn ngăn tim Dù thời gian vời vợi.
03 Tháng Mười 2012(Xem: 160819)
Giờ này anh đang làm gì bên kia nhỉ? có nhắm mắt thấy những giấc mơ của tụi mình không? Sao cả hai nơi cách nhau nửa vòng trái đất đều mưa như thế?
29 Tháng Chín 2012(Xem: 167851)
... có lẽ khi càng lớn tuổi người ta thường nhớ và nhắc đến những chuyện xa lắc xa lơ như nuối tiếc một thời đã mất!
29 Tháng Chín 2012(Xem: 115423)
Bao nhiêu năm sống cuộc đời viễn xứ Quên nhiều điều nhưng vẫn nhớ dòng sông