Argentina vô địch World Cúp sau trận chung kết của những người khổng lồ
Ngày hội bóng đá Qatar kết thúc bằng màn pháo hoa rực rỡ đón chào tân vương mới. Đội Argentina của Lionel Messi vĩ đại đã chiến thắng đội bóng Pháp kiên cường của Kylian Mbappé.
Trận chung kết giữa hai đội chỉ phân định phần thắng dành cho Argentina trên chấm 11m luân lưu. Phải nói rằng, đây là trận đấu tuyệt vời với tất cả vẻ đẹp của bóng đá hiện đại, đầy kịch tính và một cuộc rượt đuổi tỷ số không giành cho những trái tim yếu đuối.
Sau 120 phút thi đấu với hai hiệp phụ, hai đội chấp nhận tỷ số 3-3 và bước vào cuộc đấu trí bằng những cú sút luân lưu. Phía Pháp đá hỏng hai quả, do lỗi của Kingsley Coman, Aurélien Tchouaméni. Gonzalo Montiel của Argentina ấn định chiến thắng 4-2 cho Albiceleste.
Đội bóng áo xanh đã thay đôi tất mầu đỏ truyền thống bằng những đôi tất xanh mà chưa bao giờ thấy họ dùng. Đó là điềm báo những điều chẳng lành ?
Với chiến thắng nghẹn thở trước đội Pháp, Argentina có cùng một lúc 4 danh hiệu World Cup: Giải "Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất" cho Enzo Fernández (sinh năm 2001), "Chiếc găng vàng"cho thủ thành giỏi nhất giải Emiliano Martínez, "Quả bóng vàng World Cup Qatar" cho danh thủ xứng đáng nhất Lionel Messi.
Đội Pháp cũng có một ông vua, nhưng là " Vua phá lưới" của giải giành cho Kylian Mbappé. Mbappé trở thành cầu thủ đầu tiên ghi được 12 bàn sau hai giải thế giới trước 24 tuổi. Ngoài ra, Kylian Mbappé đã tái hiện kỳ tích năm 1966 của Geoff Hurst bằng cách lập hat-trick trong trận chung kết World Cup 2022 với Argentina.
Messi góp phần to lớn cho vinh quang này với hai bàn thắng trong hai hiệp chính ( phút 23, 109) và 1 quả penalty thành công ở lượt sút luân lưu.
Kylian Mbappé ghi cả ba bàn cho đội Pháp trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất World Cup.
Với chiến thắng diệu kỳ World Cup, "Hoàng tử bé" Leo Messi cuối cùng cũng đã bước vào Thánh đường Pantheon của những con người bất tử. Đây là điều tuyệt vời, vì Leo hiện thân cho kết thúc có hậu cho một con người có lòng nhân ái, sự tử tế trong tâm hồn. Messi đã gặt hái được trong những giây phút cuối cùng của sự nghiệp tuyển thủ quốc gia phần thưởng đền bù cho sự hiến thân từ thời thơ ấu cho niềm đam mê trái bóng. Anh trở thành tấm gương tốt cho thế hệ mai sau, một lời đáp từ với những người dễ dao động rằng, cần phải nuôi dưỡng và củng cố niềm tin trên con đường sự nghiệp.
Điều khiến cho hình ảnh Messi sống mãi trong lòng người chính nằm bản tính kín đáo đó.
Nhận định về World Cup Qatar, Lothar Matthäus đánh giá rằng : " Messi là cầu thủ xuất sắc nhất thiên niên kỷ, còn Cristiano Ronaldo là thất bại lớn nhất của World Cup và Ronaldo đã làm hỏng đài tưởng niệm của chính mình. "
Với trận đấu chung kết với Pháp, Messi cũng đã phá kỷ lục số lần tham dự World Cup của Lothar với 26 trận, hơn danh thủ Đức một trận.
Chiếc vương miện cao quý nhất của thế giới bóng đá thật xứng đáng với anh. Một nhân cách và một con người phải viết hoa cho những chữ dành cho Messi.
Chứng kiến những tuyệt phẩm trên chấm 11m của Messi, tôi nghĩ hẳn ghi bàn trong tình huống mặt đối mặt với những thủ thành xuất sắc nhất thế giới, dưới áp lực nặng nề của trận đấu, dưới cặp mắt soi mói của hàng chục triệu người khó khăn nhường nào. Có thể sút tung lưới đối phương trong một đợt tấn công còn dễ hơn phải đá trong cuộc đọ tài về cân não như vậy ?
Danh thủ Lothar Matthäus, đã từng từ chối không nhận đá cú phạt đền trong trận đấu tương tự, khi đội tuyển CHLB Đức gặp Argentina ở chung kết World Cup 1990. Anh đã đẩy nhiệm vụ đó cho Guido Buchwald.
Matthäus lẩn trách nhiệm phân công cho anh trong vai thủ quân đội tuyển, với lý do… chiếc đinh nhôm gắn dưới đế giày bị gẫy. Hãng dụng cụ thể thao Đức Adidas sẽ rất buồn về chất lượng đôi giầy ? Mỗi tuyển thủ quốc gia chỉ có một đôi để đá chung kết ?
Trong sinh hoạt bóng đá, tôi đã từng dùng đến ba chục đôi giầy mà chưa bao giờ gặp trường hợp tương tự. Một lời bào chữa khó tin?
Lothar là không lạ gì cụm từ "Deutschland über alles" trong bản quốc ca phổ theo bản giao hưởng của Joseph Haydn viết năm1797. Có thể tạm dịch "Tất cả dưới chân nước Đức". Anh không cần ai phải dạy về lòng can đảm và sự dũng cảm ? Anh đã khoác áo đội tuyển quốc gia đến con số kỷ lục 150 lần !!!
Âu nỗi sợ đã làm tê liệt thần kinh "thép"của Lothar Matthäus ?
Thủ quân, hậu vệ đội tuyển Brazil Thiago Silva, ở giải thi đấu trên quê nhà năm 2014 cũng không vượt được ngưỡng tâm lý đó. Thiago thậm chí còn khóc rưng rức, trốn sau lưng đồng đội, không dám nhìn cảnh đội nhà trên chấm phạt đền.
Messi đã chứng minh đẳng cấp của một thiên tài. Anh đã không ngần ngại một tích tắc nào bước lên đá những trái bóng có sức nặng như đá tảng đó. "Hoàng tử bé" đă không phụ lòng những người hâm mộ Argentina, những người bỏ cả gia tài dành dụm nhiều năm để sang Qatar xem Messi thi đấu. Đất nước Argentina đang vật vã trong cơn đau về kinh tế lụn bại, những vấn đề xã hội đang đè nặng lên cuộc sống của người dân có một chiến thắng để đứng dậy, để tìm ra một động lực mới. Đội bóng Argentina đã thắng đội bóng của một siêu cường kinh tế, một đội bóng chỉ có giá 600 triệu đô la thắng đội bóng trị giá 1 tỷ. Phần thưởng mỗi cầu thủ Argentina chỉ bằng hai ngày lương của Kylian Mbappé ở CLB Paris St.Germain. Nhưng họ có chiến thắng và niềm hạnh phúc vô bờ không mua được bằng tiền.
Sẽ còn lâu lắm mới có một Lionel Messi, ngôi sao hiếm hoi lập kỳ tích chơi trong 5 giải vô địch thế giới, 6 lần đoạt giải Chiếc giầy vàng châu u và 7 giải Quả bóng vàng như "Hoàng tử bé". Thiên niên kỷ này đúng là thiên niên kỷ mang tên anh.
Pháp cũng không xa chiếc huy chương vàng, khi ở phút cuối cùng của hai hiệp phụ thủ thành Argentina Martinez cản phá được cú sút cận thành của Randal Kolo Muani. Đội Pháp có nhiều điều để tiếc khi tuột chiếc cúp vàng.
Pháp đã gặp lại thảm kịch ở Seville năm 1982, khi thế hệ Platini thua trên chấm phạt đền CHLB Đức (cũng hòa 3-3, thua lại 4-5). Thế hệ Zidane cũng đã để tuột khỏi tay chiếc Cup vàng khi phải phân định hơn thua với Italia trên sân vận động Olympia Berlin năm 2006 (1-1, 3-5).
Năm 1982, trọng tài lờ đi pha vào bóng bẩn thỉu của thủ thành Đức Harald Schumacher làm gẫy răng, bất tỉnh tiền đạo Pháp Battiston. Năm 2006, kẻ khiêu khích Marco Materazzi đã biết cách đánh bẫy Zizou để anh phải nhận thẻ đỏ.
Pháp chỉ còn 10 cầu thủ, bị gỡ hòa đáng tiếc và mất Cup lần đó.
Trong trận này cũng vậy, tôi không thể hiểu tại sao trọng tài Marciniak có thể thổi một cú phạt đền như tặng không cho Argentina. Nhiều cú vào bóng nguy hiểm, tàn bạo có phần triệt hạ của nhiều cầu thủ Argentina không bị trừng phạt. Romeo với cú húc đầu phía sau ót Rabiot có thể chơi đến cuối trận mà không bị đuổi.Hoặc cú thúc vai vào ngực thủ thành Lloris của tiền đạo Argentina làm anh phải nằm phục xuống sân cần chăm sóc của bác sĩ mới trở lại thi đấu. Ngay cú thổi phạt đền ở phút 23, trọng tài Ba lan cũng không tham khảo VAR. Trong giải, chúng ta đã chứng kiến nhiều quả phạt đền cảm tính và những tình huống thổi khó hiểu. Marciniak đã không để Pháp phát huy lợi thế khi Coman bị phạm lỗi vẫn vùng được dậy và hoàn toàn có thể phất bóng đến chân Mbappé đang ở phía trên. Ông trở thành hậu vệ vững chắc cừ nhất trong vai trò bảo vệ Argentina. Trường hợp Mbappé bị đốn ngã ở sát vòng cấm địa Martinez, trọng tài Ba Lan cũng không nổi còi phạt. Đó là cự ly mà đôi mắt Thần Chết hớp hồn thủ thành Argentina. Cả nhóm phụ trách VAR đều là người Ba Lan, Marciniak không muốn bóc mẽ những người đồng hương của mình? Có chuyện gì đằng sau sự sắp xếp toàn tâm, toàn ý đó?
Đội bóng Ba Lan phần nào thanh thản có một Marciniak an ủi cho trận thua 1-2 trước đội bóng Pháp ?
Biết sao được, đội Pháp cũng phải tự trách mình. Trong hơn một giờ đồng hồ, The Blues hoàn toàn vắng bóng, bị bóp nghẹt trong tấn công, thiếu chính xác ở khu trung tuyến.Tiền đạo cánh phải Dembéle vốn là sức mạnh của Pháp với các miếng đánh biên quen thuộc cũng biến mất. Còn Di Maria đã chơi một trận để đời, người thất sủng ở Paris St. Germain muốn chứng minh rằng anh lẽ ra cần được trọng vọng hơn ở Paris.
Đội Pháp sau cơn bão tàn phá của những chấn thương, dịch bệnh và thể lực hao mòn, nghỉ ít hơn 24 tiếng so với Argentina đã đá trong thời gian đến hơn một giờ đồng hồ nhợt nhòa. Kylian Mbappé cũng chỉ chạm bóng được 11 lần, không có một cú sút nào trong cả hiệp một.
Chỉ đến khi những cầu thủ trẻ được thay vào những cựu chiến binh, Pháp mới tìm lại được lối chơi khởi sắc, quyến rũ. Tuy nhiên, đội bóng Pháp đã không tận dụng được lợi thế về tinh thần để thanh toán Argentina sau khi gỡ hòa 2-2.
Pháp không dâng lên mạo hiểm tấn công. Varane chơi một trận dưới trung bình sau khi bị ốm vẫn được huấn luyện viên Didier Deschamps tin dùng đến khi kiệt sức, không còn đứng vững. Konaté vào thế chỗ hậu vệ MU đã đem lại sự năng động trong phản công và bịt kín cánh trái vẫn bị uy hiếp bởi De Paul, Romeo.
Chính vào những khoảng khắc khó khăn đó, người xem được chứng kiến một Messi ở đỉnh cao sự nghiệp, một người đội trưởng xốc lại tinh thần đồng đội đang trên đà sụp đổ.
Bàn thắng của Messi nâng tỷ số lên 3-2 là liều thuốc thần kỳ, điểm tựa tinh thần cho Albiceleste, đồng thời bắt đội Pháp một lần nữa rượt đuổi tỷ số.
Pháp khẳng định họ không phải vô tình cầm nhịp trong ¼ thế kỷ qua bóng đá thế giới với 4 lần lọt vào chung kết, hai chức vô địch. Cú phá bóng bằng chân của thủ thành Martinez có phần may mắn, nếu không Argentina sẽ không còn cơ hội kéo trận đấu đến chấm đá luôn lưu.
Pháp chỉ còn cách vài cm để lập lại kỳ tích 84 năm trước của đội bóng Italia, là hai lần liên tiếp vô địch thế giới (1934, 1938).
Nhưng đó là một phần của cuộc sống, đội Pháp đã không được may mắn mỉm cười trong trận đấu cuối cùng, nhưng họ có quyền tự hào ngẩng cao đầu và giành được sự nể phục của đối thủ. Bóng đá Pháp sẽ còn giành được sự trọng vọng trong tương lai. Đội bóng đang trong bước ngoặt chuyển đổi thế hệ và lớp trẻ của bóng đá Pháp sẽ trưởng thành và làm cho lớp cựu binh được thanh thản. Đó là điều chắc chắn.
Hôm nay đại lộ Champs Elysées không có lễ hội mừng chiến thắng và được đón ngôi sao thứ ba mà thế hệ Giroud, Griezmann, Lloris…lẽ ra có thể nhận được. Nhưng với Kinsley Coman, Dembéle, Kolo-Muani, Marcus Thuram, Camavinga…sẽ mang về cho Pháp những cơ hội phục thù trận thua hôm nay. Tôi tin tưởng không chút ngại ngần về điều đó.
Ở Doha, ngày mai dự kiến tổ chức bữa tiệc khổng lồ mừng Messi vĩ đại và đội tuyển quốc gia Argentina.
Câu chuyện bóng đá sẽ còn sôi nổi và ngày hội mang mầu sắc xanh trắng mầu quốc kỳ Argentina diễn ra ở khách sạn đắt đỏ của "Salt Bae"- Vua rắc muối.
Tên tuổi đầu bếp Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe không xa lạ với bạn đọc Việt Nam với câu chuyện mở đầu "Ngày xửa ngày xưa,… có một ông tướng vượt biển sang Anh để nếm thịt bò dát vàng".
World Cup đã mỉm cười với Argentina và khách sạn sang trọng ở quận bên bờ tây của vịnh Bosphorus của Gökçe.
Khách sạn là ác mộng của người ăn chay nằm dưới chân khách sạn Sheraton đã dự kiến món Asado hùng vĩ dành cho Albiceleste của Lionel Messi sau khi giành được ngôi sao thứ ba, vào ngày 18 tháng 12, tại sân vận động Lusail.
Chủ tịch của Liên đoàn Argentina Claudio Tapia) đã dặn trước Nusret Gökçe: "Nếu chúng tôi vô địch thế giới, tôi sẽ mang cả đội đến và chúng ta ăn mừng danh hiệu ở đây." Argentina đã thực hiện được lời hứa đó.
Từ ngày mai, lũ choai choai trên bàn ăn trong mỗi gia đình ở xứ sở đấu bò tót sẽ bắt chước cầm lọ muối, cẳng tay giơ lên như rắn hổ mang kiểu vua "Salt Bae" rắc lên miếng sườn bò phủ vàng lá với giá cắt cổ và cười rôm rả.
Cuộc sống muôn mặt, "bất hạnh của người này là hạnh phúc của người khác"?
Cám ơn Hoàng tử bé Lionel Messi, đội bóng Argentina và cả đội bóng áo xanh lam của Kylian Mbappé. Các anh đã tặng cho thế giới bóng đá một vẻ đẹp xiêu lòng và những giọt nước mắt cảm động.
--