Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Lê Quý Thể - TẠI SAO TÔI CHỌN NGHỀ GIÁO

20 Tháng Bảy 202012:15 SA(Xem: 8354)
GS. Lê Quý Thể - TẠI SAO TÔI CHỌN NGHỀ GIÁO


TAI SAO TÔI CHỌN NGHỀ GIÁO


taisaotoichon

Kể từ lúc lên bốn lên năm tôi đã phải sống xa cha xa mẹ, để theo anh theo chị ngày ngày cắp sách đi học. Tuy sống với anh với chị nhưng tôi không thiếu thốn về vật chất cũng như về tình thương gia đình. Rồi sau khi học hết trung học tôi có đủ trình độ học vấn cũng như có được sự bao bọc của anh của chị để có thể trở thành không bác sĩ thì cũng kỹ sư, nhưng tôi chỉ muốn trở thành một anh giáo. Tại sao?  

***

Năm đó tôi học lớp nhất trường tiểu học Cầu Kho ở Saigòn. Trường gồm ba dãy nhà trệt tạo thành hình chữ U và bị che phủ bởi những cây đại thụ ngoài sân làm cho các lớp học trở nên âm u. Sau nầy trường hoàn toàn xây mới thành những dãy nhà lầu khang trang, đẹp đẽ và được đổi tên là trường tiểu học Trần Hưng Đạo nằm trên đường cùng tên.

Thời nầy nhiều thầy giáo cô giáo quá nghiêm khắc, nhất là những bà giáo già dạy học lâu năm trở thành khó tính, có lúc trừng phạt học sinh một cách quá tàn nhẫn. Cô giáo lớp nhất của tôi hoàn toàn khác hẳn. Cô mới ra trường, còn quá trẻ, cô không đẹp nhưng trắng trẻo và rất dễ thương, cô chưa chồng và ở với bà mẹ dạy cùng trường, nhà cô ở ngay trước cổng trường. Trong lớp cô giảng bài rất nhỏ nhẹ và chậm rãi, nếu có  trò nào làm cô không vừa ý thì cô chỉ trừng mắt nhìn mà không la mắng hay trừng phạt. Cả lớp vì thương cô nên đứa nào cũng chăm chỉ học hành. Tôi nhớ cô giáo lớp nhất của tôi vì tôi mang ơn cô rất nhiều.

Cuối niên học đó đứng đầu lớp là một cô gái, kế là một đứa trai, tôi đứng hạng ba. Sau khi thi đậu bằng tiểu học, cô giáo chọn đứa trai và tôi cho đi học lớp luyện thi vào đệ thất trường công (sau nầy gọi là lớp sáu). Việc cô giáo cho học sinh của mình theo học lớp luyện thi để chuẩn bị cho cuộc thi tuyển là một chuyện rất lạ, hiếm có so với ngày nay. Tôi không hiểu tại sao cô chọn hai đứa đứng thứ hai và thứ ba mà không chọn hai đứa nhất nhì trong lớp. Có lẽ cô không thích con gái hay ... cô thích tôi vì mặt mày tôi lúc đó quá dễ thương. Cô cho ba trăm đồng để đóng tiền học, ba trăm đồng lúc nầy rất lớn, có thể là nửa tháng lương của cô. Lớp luyện thi kéo dài một tháng rưởi và hai đứa chúng tôi cùng nạp đơn thi vào trường trung học Pétrus Ký.

Với sự hiểu biết non nớt của tôi hồi đó, tôi chỉ nghĩ để được đậu vào trường công tôi chỉ cần làm bài thi giỏi hơn hai mươi mấy thằng nhỏ lóc nhóc trong lớp của tôi là đủ, nhưng thật sự không phải như vậy. Thời nầy cả Saigòn, Chợ Lớn, Gia định và các tỉnh miền Đông chỉ có hai trường trung học công lập chương trình Việt là Pétrus Ký và Gia Long. Trường Pétrus Ký cho nam sinh và trường Gia Long cho nữ sinh. Số nam sinh dự thi quá đông nhưng trường Pétrus Ký chỉ nhận 300 học sinh cho 6 lớp. Như vậy để có tên trong 300 học sinh trúng tuyển đó, tôi phải làm bài thi giỏi hơn vài ngàn thằng nhỏ lóc nhóc khác.

Sáng thi thì chiều tất cả các báo ở Saigòn đều đăng các đề thi và lời giải của bài toán. Tôi còn nhớ bài toán như sau: Một hàng rào dài 100 thước, cứ cách 5 thước thì có một cột hàng rào. Câu hỏi chính là có bao nhiêu cột? Câu trả lời của tôi là 21. Thường khoảng 5 giờ chiều mới có báo ra. Sau buổi thi tôi không về nhà mà ra chầu sẳn ở sạp báo. Chồng báo đến chưa kịp xếp tôi đã nhào tới coi. Lời giải bài toán nằm ngay trang đầu, đáp số câu đầu là 21. Tôi đã giải đúng. Tôi đã giải đúng cả bài toán. Tuy vậy tôi  cũng  không dám hy vọng lắm, vì đây là một  cuộc thi tuyển nên dù làm bài được cũng chưa chắc đã đậu. Với số thí sinh dự thi quá đông, chỉ cần thua nhau một phần nhỏ của một điềm cũng đủ để lọt sổ, đó là chưa kể vào thời nào cũng vậy có quá nhiều con ông cháu cha, biết bao nhiêu người giàu có, quyền lực chạy chọt gởi gắm cho con em họ.

Khoảng hơn mười ngày sau, lúc giữa trưa, tôi còn đang mơ màng trên lầu thì nghe tiếng một đứa nhỏ la “mầy đậu rồi, mầy đậu rồi, tao đậu rồi”. Tôi chạy ra hành lang nhìn xuống thì thấy bạn tôi vừa múa tay múa chân, vừa tiếp tục la “mầy đậu rồi, tao đậu rồi”.

Không kịp cho cả nhà biết, tôi vội vàng chạy xuống lầu, rồi hai đứa chúng tôi chạy đến trường Pétrus Ký. Nhà từ ngả sáu Sàigòn đến trường tuy khá xa nhưng chúng tôi chạy một mạch không ngưng nghỉ. Rồi chen lấn xô đẩy mới tới gần tấm bảng đen. Bạn tôi chỉ “tên mầy đó, tên mầy đó”. Đúng rồi, đúng là tên tôi. Tên bạn tôi và tên tôi nằm lưng chừng danh sách, Tên bạn tôi nằm trước tên tôi, nhưng điều đó không có nghĩa gì với tôi.

Cảm giác của tôi lúc đó thật là khó tả, vừa mừng, vửa cảm thấy hãnh diện, vừa không biết thực hay mê. Sau khi nhìn tới nhìn lui nhiều lần vẫn thấy tên mình còn nằm đó, tôi mới tin là mình đã đậu rồi. Chúng tôi chạy đến nhà cô giáo. Khi hay tin chúng tôi thi đậu, cô giáo quá mừng, cô kêu cả nhà nhất là bà mẹ ra khoe một cách hãnh diện hai học trò của cô đã thi đậu vào trường Pétrus Ký. Có lẽ cả trường tiểu học Cầu Kho năm đó cũng chỉ có hai chúng tôi thi đậu vào trường công mà thôi. Tôi nhớ hình như cô giáo của tôi còn mừng hơn chúng tôi.

Nhờ sự dạy dỗ, săn sóc và giúp đỡ vô tư của cô, tôi được vào học trường lớn nhất và nổi tiếng nhất miền Nam và sau nầy trở thành một ngưởi hữu dụng cho xã hội.  Hình ảnh cao quý cùa cô lúc đó đã ghi đậm nét trong trí óc non nớt của tôi và tồn tại mãi trong tôi cho đến giờ phút nầy. Có lẽ vì ảnh hưởng của cô, tôi đã trở thành một nhà giáo và trong suốt quãng đời đi dạy học tôi luôn luôn tận tụy với nghề nghiệp, luôn luôn hướng dẫn và giúp đỡ học sinh trong khả năng của mình vì tôi coi đó là một hình thức tôi trả ơn cho cô giáo lớp nhất cùa tôi.

***

Tôi phải thú nhận rằng tôi rất thích nghề giáo. Nghề dạy học của tôi kéo dài mười ba năm từ ngày tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1962 đến năm 1975. Nhưng cuộc đời dạy học của tôi còn dài hơn thế. Tôi đã bắt đầu dạy học những lớp bình dân giáo dục từ khi còn trẻ tuổi và kết thúc cũng từ những lớp bình dân giáo dục khi bị đuổi ra khỏi nghề giáo.

Năm tôi học lớp đệ tam ở Huế tôi đã tham dự sinh hoạt xã hội của trường bằng cách tình nguyện đêm đêm đi dạy những lớp bình dân giáo dục để giúp những người lớn tuổi học đọc, học viết, học toán. Nhìn những người lớn tuổi hơn tôi nhiều cố gắng đánh vần từng tiếng, nắn nót viết từng chữ tôi cảm thấy mình phải cố gắng nhiều hơn để giúp các người lớn tuổi nầy thoát ra khỏi bịnh mù chữ.  Ở xứ Huế nầy vào những đêm mùa đông trời vừa mưa dầm, vừa lạnh cắt da, có lúc phải lội bộ vì mất xe đạp nhưng tôi không vắng mặt buổi học một đêm nào. Những năm sau học thi tú tài một và tú tài hai tôi phải tạm ngưng việc dạy học.

Sau năm 1975 tôi lại tình nguyện đi dạy các lớp bình dân giáo dục hai đêm mỗi tuần. Tuy nói là lớp bình dân giáo dục nhưng trong lớp hầu hết là các em nhỏ ở tuổi học trò. Tôi đoán các em phải bỏ học hay tạm thời bỏ học ban ngày để giúp cha mẹ tìm kế sinh nhai trong thời buổi khó khăn và ban đêm đi học để chữ nghĩa không bị quên lãng. Mỗi đêm tôi bắt đầu bằng một bài chính tả và kết thúc bằng một bài toán. Nhìn các em chăm chỉ học hành, tôi nghĩ mình phải cố gắng nhiều hơn để giúp các em một phần nào.

***

Sau bao năm lăn lộn trong nghề tôi vẫn nghĩ nghề giáo là một nghề cao quí nhưng cũng không thiếu những con sâu làm rầu nồi canh. Sống trong một thời buổi loạn ly với không biết bao nhiêu chuyện thối nát xẩy ra hàng ngày, nhà giáo cũng không thể thoát khỏi vòng ảnh hưởng của xã hội. Vì cuộc sống khó khăn họ cũng tranh dành những giờ dạy phụ trội ở trường công, tranh dành những giờ dạy ở trường tư, đôi lúc sự tranh dành dẫn đến các việc quá tồi tệ. Những nhà giáo có cơ hội hơn thì họ vì đồng tiền đã trực tiếp tham gia hay gián tiếp tham gia giúp gian lận trong các kỳ thi. Ai đã biến một số nhà giáo làm những chuyện bẩn thỉu đó, chính là các bậc phụ huynh học sinh. Lo cho con em họ được một tấm bằng tú tài một, một tấm bằng tú tài hai là mua cho con em họ những tấm giấy hoãn dịch vô cùng quý giá. Sau nầy những phụ huynh học sinh giàu có còn chịu bỏ ra những số tiền rất lớn để mua cho con em họ một bằng tốt nghiệp trung học hạng ưu để con em họ có thể xuất ngoại mà tránh xa chiến tranh.

***

Nếu quan niệm một nhà giáo là một người gương mẫu để học sinh noi theo thì tôi đã hoàn toàn thất bại. Nhiều khi tôi tự hỏi không biết mình có xứng đáng được gọi là thầy không. Tôi đã cố gắng hết sức mình trong và ngoài lớp để giúp học sinh theo khả năng riêng của mình. Ngoài bổn phận giảng dạy trong lớp, một bổn phận khác của thầy giáo đối với tôi vô cùng quan trọng là hướng dẫn sinh hoạt học đường để giúp các em học sinh phát triển năng khiếu trời cho, đồng thời qua sinh hoạt các em biết sống chung hòa hợp trong tinh thần đồng đội với những người khác, đó là điều cần thiết để chuẩn bị bước chân vào đời.

Tôi có dạy nhiều lớp trường tư nhưng đã không tranh dành giờ giấc. Tuy có quá nhiều cơ hội nhưng tôi đã không vì đồng tiền mà làm những chuyện dơ bẩn trong các kỳ thi. Nếu không đòi hỏi một sự tuyệt đối thì nhìn lại tôi tự hào tôi đã làm tròn  nhiệm vụ của một nhà giáo, hay đúng hơn làm tròn nhiệm vụ của một nhà giáo ở thời buổi loạn ly.

Lê Quý Thể

 

13 Tháng Ba 2024(Xem: 4411)
Chuyến đi thăm Thầy Xưa ngày đầu năm mới 2024 của chị em mình lần này thấm đẫm ân tình, vô cùng ấm áp đúng không chị?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 973)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
08 Tháng Hai 2024(Xem: 6340)
Tôi cảm thấy điều may mắn nhất cuộc đời tôi có được, đó là tình thương yêu của thầy cô giáo trường xưa - cho dù thầy cô đã từng trao tôi con chữ hoặc không -
05 Tháng Hai 2024(Xem: 2124)
Anh chị em chúng tôi đã có một buổi chiều cuối năm âm lịch đáng nhớ, Tết Giáp Thìn đang về rất gần, chúng tôi vui vì mình đã cùng nhau "mời người lên xe tìm về quá khứ"
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 3167)
Nhưng së sang sông Đồng Nai về thăm lại trường cũ, gặp lại Thầy xưa, để biết mình từ đâu và biết chốn để quay về. Ngô Quyền như tiếng gọi trường xưa
12 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 11216)
Với bề dầy tuổi tác, kiến thức đa dạng và vốn sống vô cùng phong phú … thầy hiệu trưởng là kho tư liệu tuyệt vời cho tôi tha hồ khai thác và học hỏi.
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 12093)
Ngày xưa thầy cô tôi đã tận tụy lèo lái những con đò ngang, đưa từng lớp học trò nối tiếp nhau băng qua dòng sông tri thức. Để rồi ngày nay thầy cô lại tiếp tục trao cho những học trò xưa niềm tin bền chặt bởi nghĩa ân sư.
23 Tháng Mười Một 2023(Xem: 7211)
Vui nhất và hạnh phúc nhất, là khi anh Phạm Đình Trung báo tin đã đặt ấn phẩm NQTT lên bàn thờ cố GS. Phạm Thị Khang, cùng lời cảm ơn trân trọng của anh Trung
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4950)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 3692)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
02 Tháng Chín 2023(Xem: 3182)
đã xưng tội trong mùa chay nhưng vẫn luôn phạm tội vì đường trần còn tơ vương khanh tướng, giữa chốn vô thường chỉ là tạo vật. Chúa và Phật phải chọn ai đây chỉ cầu mong còn có những cơn mưa…
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3560)
Xin vĩnh biệt người thầy đáng kính của nhiều thế hệ và chúc thầy an bình thanh thản nơi cõi vĩnh hằng sau khi đã hoàn thành sứ mạng cao cả của một lương sư.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3742)
Do có năng khiếu về âm nhạc, giỏi về nhạc lý, Ba tôi được tuyển chọn làm giáo sư âm nhạc của trường trung học Ngô Quyền từ những năm 1960…
30 Tháng Bảy 2023(Xem: 2415)
Vài bữa nữa về lại SaiGon tôi sẽ giới thiệu cho thêm nhiều bạn bè biết đến trang BHQT và trang ngoquyen ở xa 1/2 vòng trái đất có nhiều trái tim vẫn cùng đập chung một nhịp.
29 Tháng Bảy 2023(Xem: 2169)
Đây là những hình ảnh về ngày Hội Ngộ Ngô Quyền rất đẹp . Thầy cô, học trò và những kỷ niệm. Xin gửi đến các bạn một chút bâng khuâng.