Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Phú Yên.- VĨNH BIỆT NỮ SĨ HOÀNG HƯƠNG TRANG

23 Tháng Tư 202012:19 SA(Xem: 9081)
Nguyễn Phú Yên.- VĨNH BIỆT NỮ SĨ HOÀNG HƯƠNG TRANG



Lời giới thiệu
Mấy ngày trước tôi biết tin Cô qua đời.

Tôi không phải học trò của Cô nhưng có gặp Cô một vài lần trong những dịp Họp mặt của các CHS Ngô Quyền.
Hôm nay tình cờ tôi đọc được một bài viết về Cô và rất nhiều chi tiết mà có lẽ không phải chỉ mình tôi mà ngay cả nhiều học trò của Cô dù đã từng học với Cô cũng không biết.
Tôi xin phép được đăng lại toàn bộ bài viết nầy để tưởng nhớ một Cô giáo đã từng giảng dạy tại ngôi trường Ngô Quyền thành phố Biên hoà...
Cầu mong Cô sẽ sớm siêu thoát...


VĨNH BIỆT NỮ SĨ HOÀNG HƯƠNG TRANG

image002


Tin từ Long Xuyên cho hay Nữ sĩ Hoàng Hương Trang đã từ giã cõi đời vào lúc 6g sáng hôm qua 15-4 và được hỏa táng vào lúc 16g chiều hôm nay 16-4-2020, hưởng thọ 84 tuổi. Chị bị ung thư gan giai đoạn cuối nhưng bản thân chị không hay biết. Chỉ mấy hôm trước chị cho biết người rất mệt sau khi đi khám bệnh ở Bệnh viện Long Xuyên trở về. Tro cốt sẽ được đưa về Huế và chôn tại ngôi mộ trên một ngọn đồi do chị tự lập từ năm 2011.

Nữ sĩ Hoàng Hương Trang tên thật Hoàng Thị Diệm Phương, sinh năm 1938 (khai lùi tuổi), quê quán làng Vân Thê, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế, là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng ở Miền Nam trước và sau năm 1975. Chị xuất bản tập thơ “Khép đôi mi nhỏ” vào năm 1956, lúc chị 18 tuổi. Thật ra chị làm thơ từ năm 12 tuổi; có lần nhà thơ Hồ Đình Phương đem thơ của chị đăng báo Đời Mới, Thẩm Mỹ ở Sài Gòn khiến nhiều người tưởng chị là cô gái tuổi đôi mươi.

Chị Hoàng Hương Trang, cựu nữ sinh Đồng Khánh, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế (khóa 1) năm 1960, Sư phạm Mỹ thuật Sài Gòn năm 1961, có học bổng du học Nhật, cựu giáo sư các trường trung học Ngô Quyền (Biên Hòa), Nguyễn Huệ (Phú Yên), Kiểu Mẫu Thủ Đức… và Trường Đại học Mỹ thuật Gia Định, Sài Gòn. Hội viên Trung tâm Văn bút Việt Nam.
Tác phẩm: Khép đôi mi nhỏ (1956), Linh hồn cỏ biếc (1965), Bến tâm hồn (1966), Thơ - Đông Phương (1967), Hợp tấu (1967), Mười hướng sao (1970), Túy ca (1972). Chị đăng thơ trên nhiều tờ báo như Phổ Thông, Bách Khoa, Văn, Hoa Tình Thương, Tiểu Thuyết Tuần San, Phụ Nữ Mới, Bút Hoa, Gió Nam, Quật Khởi… Chị có nhiều bạn bè và học trò, từng gặp gỡ cụ Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, NS Lê Thương, NS Tuấn Khanh và Phạm Duy, nhà thơ Nguyễn Đình Thi… có tên trong Thi nhân Việt Nam thế hệ 1954-1973 (2 tập của Nguyễn Tấn Long, Phan Canh, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1974).

Năm 1972, khi chị in tập thơ “Túy ca”, nhà thơ Vũ Hoàng Chương - tác giả tập “Thơ say” - với tấm lòng liên tài đã làm bài thơ Cảm đề Túy ca tặng chị:

“Bài ca Tận túy” đi hoang
Biết đâu Hoàng lại gặp Hoàng chiều nay
Vẽ nên độc dược mà say
Hóa công chưa dễ khéo bày đặt hơn
Gió trăm cơn bụi ngàn cơn
Một cơn say đủ sạch trơn thế tình
Nguyện trường túy bất nguyện tinh
Say ai? Mình chỉ say mình đó thôi
Túy-ca bè đã thả rồi
Túy-hương xưa hãy cùng trôi ngược về.

Sau 1975, chị là hội viên Hội Nhà văn VN, in chung trên 30 tuyển tập thơ văn trong và ngoài nước. Chị sinh hoạt ở CLB Văn nghệ sĩ Gia Định, nơi qui tụ nhiều tên tuổi của Sài Gòn như các nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ Tường Linh, Tô Kiều Ngân, Song Nguyên, Vũ Hối, Sông Trà, Châu Kỳ, Trầm Tử Thiêng, Trúc Phương, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Thanh Sơn, Hàn Châu, Mặc Thế Nhân, Túy Hoa, Túy Phượng, Ngọc Huệ, Mai Khanh, Mai Trâm, Đoàn Yên Linh, Mai Hiên, Trần Thiết Hùng (em trai của Vân Sơn - một trong ba thành viên ban AVT, đã nhảy sông tự tử tại cầu Thị Nghè sau 1975)…

Năm 1976, chị được gia đình nhà thơ Vũ Hoàng Chương tin cậy gửi gắm để lưu giữ 12 bài thơ cuối cùng của nhà thơ, sau này đã được in ở hải ngoại. Năm 2006, nhân ngày giỗ lần thứ 30 của nhà thơ Vũ Hoàng Chương, Hoàng Hương Trang cũng làm bài thơ Chiều say nhớ Hoàng thương tiếc nhà thơ tài danh này:

“Biết đâu Hoàng lại gặp Hoàng chiều nay”
Mới vừa dăm chén đã say
Trong men chếnh choáng nhớ ngày năm xưa
Bút gươm chém lệch đường thơ
Mực đau giấy ảo, kịch hờ thương Mây
Trả gươm cho gió nghiêng vai
Trả thơ cho mộng, trả ngày cho đêm
Kiều Thu, hề! Đẫm gót sen
Mười hai tháng sáu trả men cho tình
Trời một phương, đất một mình
Cảm thông nhân thế cái tình phù du
Tài hoa hệ lụy sa mù
Chén vui, hề! Chén buồn xưa hiện về
Ơi Hoàng, nửa chén si mê
Ơi Hoàng, nửa chén vụng về trao tay
Rượu đây, hề! Ta cứ say
“Biết đâu Hoàng lại chiều nay gặp Hoàng”.
(Sài Gòn, 10-10-2006)

Chị là con nuôi của kịch tác gia Vi Huyền Đắc (1899-1976). Cụ là Phó chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam, người từng được giải thưởng của Viện Hàn lâm Nice, Pháp năm 1936 với vở Eternels Regrets (Trường hận) và giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn năm 1938 với vở Kim Tiền. Sau năm 1975 cụ trở về Hà Nội được một thời gian thì cụ buồn chán, lặng lẽ tuyệt thực và qua đời vào tháng 8-1976. Đám tang do nhà văn Nguyễn Tuân đứng ra tổ chức và nhà thơ Thế Lữ đọc điếu văn. Trước khi về Bắc, cụ để lại căn nhà cho chị Hoàng Hương Trang. Thời bao cấp khó khăn, chị bán hai phần ba căn nhà, phần còn lại chị ở có một mình. Chị thường bảo “chơi văn, ăn vẽ”, bởi nguồn sống của chị là từ các tranh vẽ bán được trong mấy chục năm ở Sài Gòn. Trong bài thơ Tám mươi dư gửi cho La Thụy, chị nhìn lại đời mình:

Thơ hơn chục cuốn, vạn bài
Văn ngoài dăm quyển, ngàn trang
Họa sáu mươi niên, dư vài trăm bức
Nhạc điểm xuyết mấy khúc ca
Ngâm nga gần bảy chục năm, Tao Đàn nổi tiếng
Hát hò chưa ca sĩ, bạn bè vẫn vỗ tay khen…
Bạn bè khắp năm châu bốn biển, tính đến vạn kẻ thân quen
Học trò trong nước ngoài nước, đếm quá ngàn, tình thân chí
thiết
Giao du cuối đất cùng trời, từ Âu sang Á…
(Sài Gòn, 2017)

Xin giới thiệu bài thơ về Huế của chị:

Huế Tình Đầu
Ai xa Huế mà không nhớ Huế
Nhớ chuông chùa Diệu Đế, nhớ Văn Lâu
Nhớ Trường Tiền da diết sáu nhịp cầu
Nhớ Kim Long, nhớ bến đò Thừa Phủ.
Nhớ dốc Nam Giao, nhớ bờ sông Bến Ngự
Nhớ Hàng Bè, Thượng Tứ, nhớ Bao Vinh
Nhớ sông Hương chan chứa thiết tha tình
Nhớ thông reo đỉnh Ngự Bình gió mát.
Nhớ Tịnh Tâm, hồ sen bát ngát
Nhớ đò Cồn, An Cựu, Chợ Dinh
Nhớ con đường Vỹ Dạ bóng cây xanh
Nhớ Gia Hội, Đông Ba, Hàng Me, Đập Đá.
Nhớ Ngự Viên, nhớ Nội Thành, Mang Cá...
Huế của ta ơi, biết nhớ mấy cho vừa!

Ai xa Huế mà không thương Huế
Thương mẹ già lặn lội mùa Đông
Thương em thơ đi học mưa dầm
Thương chị, thương anh mùa hè cháy nắng
Thương bữa cơm nghèo, nồi canh mướp đắng
Thương dĩa mắm cà, con cá thệ kho khô...
Huế của ta ơi, thương biết chừng mô!

Ai xa Huế mà không mơ về Huế
Dạo bước trên cầu áo trắng tung bay
Vành nón nghiêng nghiêng che mái tóc mây
Ánh mắt trong veo dòng Hương gợn sóng
Đêm trăng hè trời cao lồng lộng
Chiều thu êm tím ngát cả không gian
Tiếng hò trên sông ngơ ngẩn bàng hoàng
Hò ơ hò... chiều chiều trước bến...
Mơ sớm mai chèo đò qua cồn Hến
Trái bắp tươi non, nấu chén chè thơm
Dĩa bánh bèo tôm chấy hồng ươm
Đợi cơm hến, bánh canh, bánh ướt...
Nhớ biết mấy, những món quà quê hương
không gì thay thế được
Dải đất quê nghèo mà mặn nồng yêu thương
Ai đã từng uống nước sông Hương
Ai đã từng hưởng ngọn gió chiều đỉnh Ngự
Ai đã từng bước đi trên những con đường tình tứ
Ai đã thả hồn trên những chiếc võng âm thanh
Ai đã đắm say tình Huế quê mình
Dẫu xa xôi mà không mơ về Huế
Huế tình đầu thơm ngát, Huế yêu ơi!
Hoàng Hương Trang

Sau đây là hai bài thơ cuối cùng của chị:

CỔ THỤ VÀ HOA
Có gốc cổ thụ già cằn cỗi
Thở từng hơi nhè nhẹ cuối cùng
Bỗng một hôm nắng sớm tưng bừng
Cơn gió ngọt ngào mang bông hoa tới.
Bông hoa bảy sắc màu tươi rói
Nở chói lòa như ánh cầu vồng
Hoa đến bên cổ thụ khô cằn
Tỏa hương thơm dịu dàng như mật.
Hoa đẹp hơn ngàn bông hoa có thật
Hoa thì thầm ẩn ngữ tình yêu
Hoa hẹn hò chờ đợi kiếp sau
Bao say đắm quên mình là cổ thụ.
Và quên hết thời gian, quá khứ…
Như chơi vơi trong cõi Thiên Đường
Ở bên hoa tươi đẹp lạ thường
Gốc cổ thụ nở bừng cùng hoa thắm.
Cổ thụ giờ đây không còn ảm đạm
Ôm trọn đóa hoa thơm ngát trăm năm
Lời hẹn thề từ cõi xa xăm
Nay đã gặp bông hoa tiền kiếp.

Hoàng Hương Trang
(2017)

NAM MÔ

Cho tôi niệm tiếng Nam Mô
Nguyện thương, nguyện nhớ
Nguyện cho cuộc tình
Cho tôi niệm tiếng cầu kinh
Đừng hờn, đừng giận
Người mình dấu yêu.
Trái tim tôi, tiếng kinh chiều
Nam Mô ký ức
Đã yêu nghìn đời
Trái tim tôi gửi về nơi
Tiếng Nam Mô
Với ngọt bùi từ bi.

Hoàng Hương Trang
(2019)

Tác giả: Nguyễn Phú Yên.
Nguồn FB Lê Lai Khê



HHTrang1
Image may contain: text
Image may contain: text
HHTrangTT HHTrang
21 Tháng Ba 2014(Xem: 64461)
Lúc đó tôi chỉ cầu xin thượng đế cho tôi được mang theo tất cả kỷ niệm của quãng đời dạy học và cho tôi được đầu thai trở lại trần gian này với nghề đi dạy trong một xã hội không buộc tôi phải nói ngược với niềm tin và suy nghĩ của mình .
20 Tháng Ba 2014(Xem: 39042)
Với khuôn khổ một tờ Kỷ Yếu có tính cách nội bộ như tờ đặc san này, những dòng “Vẻ Vang Dân Ngô Quyền” (mượn chữ của ký giả Trọng Minh) cũng có thể được hiểu như một sự chia sẻ chút niềm hãnh diện “giống nòi” giữa chúng ta,
14 Tháng Ba 2014(Xem: 64396)
Từ cái nôi trung học Ngô Quyền, các học sinh bé bỏng ngày nào nay đã lớn khôn, bung ra tứ tán theo sinh hoạt của dòng đời. Nhất là sau khúc quanh lịch sử 30 tháng 4, 1975,...
14 Tháng Ba 2014(Xem: 72901)
Những kỷ niệm thân thương đó nằm ngủ yên trong tâm tư gần 40 năm, đã dấy lại trong tôi vào những ngày thầy Phạm Đức Bảo từ bên Tây Đức qua thăm Hoa Kỳ và được các cựu học sinh Ngô Quyền tiếp đón
09 Tháng Ba 2014(Xem: 17661)
Vẫn thương và nhớ Muội với biết bao kỷ niệm đẹp của chúng ta từ hơn 40 năm qua cùng với bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống sau năm 1975, … Bây giờ Muội đã nhẹ nhàng rồi phải không??
08 Tháng Ba 2014(Xem: 9444)
Tôi chỉ làm một công việc là khơi dậy khả năng trời cho trong mỗi em học sinh... Thật sự tôi không hảnh diện về những gì mình đã thực hiện được mà buồn vì mình không làm được gì nhiều hơn cho các em học sinh.
05 Tháng Ba 2014(Xem: 74226)
Kính tặng thầy Bùi Quang Huy Nhân bàn chuyện Kỷ Yếu Ngô Quyền, cùng các bạn lớp Ðệ Tam B3 (1966-1967) nhắc nhớ lại chuyện người thầy Cổ Văn độc đáo của lớp mình.
05 Tháng Ba 2014(Xem: 30093)
Nay đã gần 40 năm trôi qua, thầy trò đều lưu lạc mỗi người một phương trời. Đám tiểu quỉ của tôi hẳn đầu đã hai thứ tóc, và có người có lẽ đã thành ông nội, ông ngoại không chừng. Liệu trong số này, có ông nào còn nhớ chuyện cũ đó không?
28 Tháng Hai 2014(Xem: 64521)
Tất cả đã đem đến cho tôi những tình cảm thân thiết, mà tôi không tìm được ở bất cứ trường nào. Những tình cảm ấy sau đó đã giúp tôi quên đi cảm giác khó chịu lúc ban đầu
27 Tháng Hai 2014(Xem: 7801)
Tốt nghiệp ĐHSP Toán Lý năm 1970, Thầy Nguyễn Văn Có nhận nhiệm sở đầu tiên tại trường trung học Thủ Đức – Sài Gòn. Năm 1972, Thầy xin thuyên chuyển về trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa.
27 Tháng Hai 2014(Xem: 19293)
Từ 1969 đến 1975, trong thời gian 6 năm phục vụ ở Biên Hòa của tôi dù ở cương vị thầy giáo hay quân nhân, tôi cũng có nhiều kỷ niệm không thể quên được.
22 Tháng Hai 2014(Xem: 30034)
Cũng cần nói ra đây là lần đầu tiên tôi gặp Thầy sau không biết bao lần hẹn găp từ khi khi Thầy còn khỏe. Cứ hẹn rồi chưa gặp, hẹn rồi chưa đến... cho tới khi Thầy bệnh.
14 Tháng Hai 2014(Xem: 6197)
vì Thầy lên Công Thanh nhận chức Hiệu Trưởng trường Trung học ở đây. Từ đó về sau tôi không gặp Thầy, nhưng vẫn luôn nhớ lối ” nhấn nhá” trong lời giảng của Thầy qua thơ văn và nhớ nhất chiếc vespa màu xám của Thầy.
12 Tháng Hai 2014(Xem: 21614)
Tôi vẫn có mơ ước như Đại Tướng Carnot, trở về trường xưa, vào lại lớp học cũ, để kính cẩn nghe thầy giảng dạy như ngày còn bé. Cái mơ ước tầm thường, nhưng vượt quá tầm tay của một con người trong cái thời gian và không gian.
03 Tháng Giêng 2014(Xem: 38192)
Là một người khách không mời trong đêm từ giã năm 2013, tôi đã cùng thầy Phạm Gia Hưng từ Virgina, và hai đàn anh Lữ Công Tâm, Ma Thành Tâm cùng count down đón mừng năm 2104 tại nhà thầy Mai Kiến Phúc.