Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Lê Quý Thể - MỘT MẢNH ĐỜI TÔI

10 Tháng Sáu 201912:25 SA(Xem: 13001)
GS. Lê Quý Thể - MỘT MẢNH ĐỜI TÔI


Một mảnh đời tôi

 

Thể_Thầy LÊ QUÝ THỂ 3



Lâu lâu tôi cũng muốn viết vài dòng trên trang Ngô Quyền, trước là để góp mặt và sau có lẽ quan trọng hơn là để các anh chị biết tôi vẫn sống vui và sống khỏe, nhưng suy nghĩ mãi mà không tìm ra được đề tài. Sáng tác văn chương ư, điều đó vượt quá khả năng của tôi. Bình luận về chính trị ư, mỗi người một ý chắc không ai chịu nhường ai, tốt hơn không nên đụng đến. Nghiên cứu về khoa học ư, chắc là khô khan lắm không ai đủ kiên nhẫn đọc. Thôi tôi xin mạn phép viết về cuộc đời tôi, đó là một điều tôi biết rất rõ. Tôi tin chắc có một hai anh chị hiếu kỳ muốn biết cái gì đã xẩy ra trong đời tôi từ ngày tôi rời xa quê hương đất tổ. Tôi đã và đang sống như thế nào trên đất nước Mỹ? Tôi cố gắng viết về giai đoạn nầy của đời tôi một cách trung thực không màu mè để gởi đến một hai anh chị hiếu kỳ đó.

Tôi rời nhà ngày 1 tháng 1 năm 1980. Mười một tháng sau tôi bước những bước đầu tiên trên vùng đất của thành phố Vancouver, thành phố lớn thứ ba sau Toronto và Montréal của Canada. Xứ Canada đã mở rộng cánh tay để tiếp nhận những ngưởi như tôi và cung cấp đủ mọi thứ tối thiểu cần thiết để chúng tôi có thể sống như những người dân bình thường. Tám tháng sau tôi có trong tay tấm giấy Carte D’identité của xứ Canada cấp, giấy nầy tương đương với Passport Canada cấp cho những người thường trú chưa có quốc tịch.

Nhận được tấm giấy Carte D’identité hôm trước, không kịp từ giã bạn bè sáng sớm hôm sau với bao áo quần trong tay tôi ra trạm xe bus Greyhound mua vé qua Mỹ. Sau khi mua vé, trong túi chỉ còn chưa tới một trăm dollars tiền Canada, nhưng tôi đã quyết định sẽ không quay về Canada nữa.

Lúc qua biên giới Mỹ Canada không có gì trở ngại. Dọc đường phong cảnh rất là đẹp. Lúc đến thành phố Portland của tiểu bang Oregon, xe bus tạm nghỉ. Tôi thấy thành phố quá đẹp nên đi dạo quanh vài đường phố, lúc quay lại thì xe bus của tôi đã chạy mất. Tuy đến Mỹ lần đầu, cái gì đối với mình cũng lạ nhưng tôi rất bình tĩnh trình bày với cô bán vé là tôi đã trể chuyến xe và muốn mua vé khác để đi tiếp. Cô bán vé bảo tôi đưa vé xe và cho cô biết có gì trên xe không. Tôi nói có một bao áo quần màu xanh. Cô bảo tôi ra ghế ngồi chờ cô một tí. Mười phút sau cô gọi tôi lại và đưa tôi một vé xe mới, cô giải thích rõ ràng chờ xe ở đâu, xe số mấy, giờ nào khởi hành và cho biết đến trạm xe Los Angeles mà nhận bao áo quần. Tôi móc túi định trả tiền vé, cô bán vé nhìn tôi cười và nói “no charge”. Tôi cám ơn cô. Đó là tiếp xúc đầu tiên của tôi với một xã hội văn minh như xã hội Mỹ.

Lúc đến trạm xe Los Angeles tôi nhận bao áo quần và đi tiếp đến thành phố Santa Ana. Tôi phôn cho cháu gái và được hai vợ chồng cháu tôi đến đón. Tôi tạm trú nhà cháu gái tôi ở thành phố Westminster hơn một tháng. Trong thời gian nầy cháu gái tôi dẫn tôi đi thăm  nhiều nơi như Disneyland, Universal Studios, đường phố Hollywood...

Sau đó tôi bay qua Dallas, Texas. Cả gia đình một cháu gái khác ra phi trường đón tôi. Người em trai của cháu rể tôi cho biết anh đã tìm được người lập hôn thú với tôi để tôi có thể chính thức ở lại Mỹ. Bà nầy qua Mỹ đã lâu và hiện sống chung với một người bạn trai. Từ ngày lập hôn thú đến ngày chính thức ly hôn là đúng một năm. Tôi được giấy thường trú và có giấy phép làm việc. Như vậy tôi đã chính thức định cư ở Mỹ.

Tôi tới Dallas chưa tới một tháng thì có người giới thiệu vào làm việc cho Continental Electronics, một công ty chuyên sản xuất máy transmitters AM, FM cho các đài phát thanh trên khắp nước Mỹ và thế giới và máy phát tin hiệu dùng cho hệ thống RADAR trong quân đội. Tôi phu trách làm những cables gồm hơn hai trăm đường giây với mức lương 5.50 dollars một giờ. Lúc ở Canada tôi có thi đậu bằng lái xe và được đổi bằng lái xe Mỹ mà không phải thi lại. Tôi mua một chiếc xe Ford cũ để đi làm. Như vậy đời sống của tôi ở Mỹ tạm ổn định.

Lúc còn là một học sinh tôi có một mơ ước là được đi du học ở nước  ngoài. Tôi cũng biết rõ chỉ là một mơ ước mà thôi. Nay tình thế đưa đẩy tôi được định cư ở những nước văn minh như Canada và Mỹ, tôi không muốn gì khác hơn là được đi học. Lúc đó tôi đã 41 tuổi nhưng tuổi tác không thể ngăn cản tôi quay lại trường học.

Tôi ý thức được rằng muốn học Đại học tôi phải thông thạo Anh văn. Do đó tôi dành tất cả thời gian ở Canada để học Anh văn mà không đi làm kiếm tiền như nhiều người khác. Tôi sống rất nghiêm túc, không rượu chè, không cờ bạc, không trai gái, suốt ngày trao dồi Anh văn qua những lớp học, qua những báo chí, qua những chương trình TV về thể thao vừa có tính cách giải trí vừa nghe tiếng Anh. Tôi học tất cả những lớp Anh văn đủ mọi trình độ dành cho những người di dân đến từ các nước Tàu, Nhật, Nga, Ba Lan, Ý, Chi Lê, Việt Nam và cả dân Canada vùng Montréal nói tiếng Pháp nữa.

Tháng 9 năm 1981,  đúng vào đầu semester tôi ghi tên học trường Community College gần nhà ở Dallas, nhưng trường chỉ cho tôi ghi tên học một lớp độc nhất là English 090, một lớp Anh văn không được hưởng chứng chỉ coi tôi có đủ trình độ Anh văn để học những lớp Đại học khác hay không. Thế là nguyên một semester đầu tôi chỉ học Anh văn ba giờ mỗi tuần. Sau thời gian đó tôi được ghi tên học những môn mình muốn.

Cứ thế ngày làm đêm học kéo dài hơn tám năm không ngưng nghỉ. Mỗi năm học full time hai semesters và lớp hè. Tôi học hai trường Community Colleges gần nhà rồi chuyển qua trường UTD, University of Texas at Dallas. Tất cả học phí, tiền mua sách vở, tiền parking lot đều do công ty trả. Sau hơn ba năm tôi đậu bằng AA, Associate of Art. Ba năm nữa tôi đậu bằng BSEE, Bachelor of Science in Electrical Engineering. Hai năm cuối tôi đậu bằng MSEE, Master of Science in Electrical Engineering. Ở công ty tôi từ một người assembler trở thành một Electronic Technician rồi cuối cùng là một Electrical Engineer.

Tôi đã trải qua mười ba năm của cuộc đời để học Đại học gồm năm năm ở Việt Nam và tám năm ở Mỹ. Tôi có ba bằng Bachelors và một bằng Master. Như vậy tôi từ một giáo sư ở Việt Nam trở thành một kỹ sư ở Mỹ. Nghe có vẻ quá dễ dàng nhưng thật sự tôi đã bỏ quá nhiều thời gian ngày đêm chuyên cần học tập để đạt được thành quả đó.

Nhờ trường đời huấn luyện khi ở trại học tập cải tạo và khi ở trại tỵ nạn nên trong chín năm đầu ở Mỹ tôi sống một mình rất thoải mái. Tôi ở với gia đình cháu tôi một năm và sau đó dọn ra ở riêng. Tôi thuê một studio ở lầu hai trong một khu apartment khá sang trọng với đầy đủ tiện nghi như tủ lạnh, microwave, TV có cable, phone, PC . Sáng 8 giờ làm việc, chiều 4 giờ rưởi tan sở, ăn sáng, ăn trưa tại hãng, đồ ăn do xe mang đến bán. Tối 6 giờ vào lớp học, 8 giờ rưởi tan học. Về đến nhà vừa nấu ăn vừa tắm rửa, phải tự nấu ăn vì vùng nầy không có food to go. Cứ thế bốn ngày mỗi tuần. Ba ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật không có lớp học thì chiều chiều mang vợt ra khu trường học đánh tennis. Thứ bảy, chủ nhật học bài và làm bài cho cả tuần, cũng là ngày giặt áo quần và quét dọn nhà cửa. Tôi hầu như không giao thiệp với ai. Sau một năm thì tôi cho xe cũ và mua trả góp một chiếc xe sport hai cửa mới toanh hiệu Datsun 200SX mà sau nầy đổi tên là Nissan. Những ngày lễ cuối năm thì được nghỉ làm nghỉ học nên tôi lái xe mới một mình qua Miami thuộc tiểu bang Florida thăm cháu trai con chị Năm tôi và có dịp nghỉ mát trên các bãi biển nổi tiếng của thế giới. Chuyến đi phải mất hai ngày xuyên qua các tiểu bang Texas, Lousiana, Mississippi, Alabama và Florida. Chuyến về phải mất ba ngày vì lúc thì ghé Disney World ở Kissimmee, thăm Epcot Theme Park, lúc thi thăm Cape Canaveral, nơi phóng phi thuyền không gian, lúc thì ghé thành phố New Orleans ở tiểu bang Lousiana vừa ăn đồ Pháp vừa nghe nhạc jazz...  Đời sống như vậy đối với tôi không còn gì thú vị hơn.

Cuộc đời tôi lại một lần nữa bị xáo trộn. Hai tháng trước khi tốt nghiệp bằng Master tôi bị layoff. Đó là năm 1990 của tổng thống Bush cha (tổng thống Mỹ thứ 41). Thời nầy nạn thất nghiệp lan tràn khắp nước Mỹ. Tôi còn nhớ hình ảnh đăng trên báo của một kỹ sư người Mỹ da trắng ăn mặc chỉnh tề, tay cầm cặp xách, đứng ở ngả tư đường, cổ mang một tấm bảng có ghi "Engineer, need job for food".  Vì tôi là một kỹ sư mới ra trường nên được công ty cho đi trước. Vừa ăn tiền thất nghiệp vừa đi học, tôi đậu bằng Master năm tôi đúng 51 tuổi.

Khi hay tin tôi bị thất nghiệp, giáo sư chính của tôi ở trường UTD offer tôi một job làm phụ tá ở phòng thí nghiệm của ông. Một giáo sư khác là một cựu chiến binh Việt Nam hiện làm ở e-Systems đề nghị sẽ xin cho tôi một job trong department của ông. Tôi cám ơn hai vị giáo sư đó và cuốn gói về Cali ở với gia đình chị Năm tôi.

Sau một thời gian dài vừa làm vừa học tôi cũng hơi mệt mỏi nên quyết định nghỉ xả hơi một lúc. Tôi không ngờ một lúc đó lại kéo dài 11 năm, từ năm tôi 51 tuổi đến năm tôi 62 tuổi. Vì là một kỹ sư điện mới ra trường chưa có kinh nghiệm, tuổi quá lớn lại là người da màu nên xin việc quá khó khăn. Tuy là thất nghiệp nhưng ở với gia đình chị nên không lo chỗ ăn chỗ ở. Sáng cà phê cà pháo rồi vào thư viện đọc sách đọc báo, chiều xách vợt ra sân Mile Square Park đánh tennis đến tối mới về. Cứ như thế ngày nầy qua tháng khác cuối cùng cũng đâm chán. Ở tuổi nầy nếu về hưu cũng là chuyện thường nhưng tôi vẫn muốn làm việc. Tôi quyết định liệng hết những bằng cấp vào thùng rác không một chút thương tiếc và thi vào bưu điện USPS làm một công nhân bình thường. Sau ngày thi tôi phải chờ gần sáu năm mới được gọi đi làm. Tôi đi làm việc lại khi tôi ở tuổi 62 cho đến bây giờ ở tuổi 80 tôi vẫn muốn tiếp tục làm việc.

Công việc của tôi hiện nay thật quá nhẹ nhàng so với những công việc khác ở bưu điện USPS. Tôi là một Electronic Technician với bực lương khá cao không thua kém gì lương của một kỹ sư và benefits thì quá tốt. Mỗi tuần làm việc 40 giờ và được hưởng 4 giờ nghỉ thường niên và 2 giờ nghỉ bịnh, mỗi năm có 10 ngày nghỉ lễ có lương, có bảo vệ sức khỏe, có bảo vệ nhân mạng, khi về hưu thì có tiền hưu bổng khá cao. Công việc quá nhàn nhã, đi lại quá dễ dàng là một phần khiến tôi vẫn muốn tiếp tục làm việc. Tôi dùng những ngày nghỉ thường niên để đi du lịch. Mỗi năm tôi đi du lịch hai kỳ, hai hay ba tuần mỗi lần. Tôi có thể nói tôi đã đi du lịch khắp năm châu bốn bể, gần 50 nước khác nhau trên thế giới. Từ Mỹ sang Âu sang Á tôi đã đi vòng quanh trái đất quá nhiều lần.

Tóm lại đời sống của tôi hiện nay ở Mỹ là quá đầy đủ không thể mong ước gì hơn nữa. Tôi là một người tự do có trách nhiệm, không bị gia đình ràng buộc, không bị giới hạn về tiền bạc, sức khỏe tương đối ổn định nên tôi muốn làm gì tôi làm, tôi muốn đi đâu tôi đi, không có gì có thể ngăn cản tôi.

Từ một cậu bé ngây ngô ở trong một làng hẻo lánh đến một ông già vẫn còn ham vui, tôi đã bước một quãng đời quá dài, một quãng đời đầy chông gai với không biết bao nhiêu lần vấp ngã. Vấp ngã vì tình, vì tiền, vì cuộc đời đưa đẩy... nhưng cám ơn đời đã nhiều lần cho tôi đủ quyết tâm và can đảm để đứng lên mà bước tiếp...

 Lê Quý Thể

 



13 Tháng Sáu 2015(Xem: 18437)
Đưa Thầy Quýnh trở về như một người thân, Thầy Trò cùng lưu luyến vẩy tay thay lời từ biệt, ánh mắt nụ nười dường như che mát cho một ngày hè.
30 Tháng Năm 2015(Xem: 10293)
Dẫu biết “ Sinh – Lão – Bệnh – Tử” là qui luật của muôn đời, nhưng tôi vẫn cảm thấy bùi ngùi mỗi khi nhìn hình xưa tự hỏi “ Thầy tôi ngày ấy, bây giờ ra sao?.
30 Tháng Năm 2015(Xem: 23664)
từ đây thầy sẽ có được nhiều tin tức của người bạn vong niên và sẽ không còn băn khoăn trăn trở “Không biết thầy Hảo giờ này ra sao?”
15 Tháng Ba 2015(Xem: 20063)
Ngày mùng bốn Tết, tôi ghé thăm thầy hiệu trưởng. Nhóm bạn “Bê Ba” của tôi người bận người bệnh, nên tôi mặc nhiên trở thành “đại diện nhóm” đến mừng tuổi thầy.
07 Tháng Ba 2015(Xem: 21198)
Tôi đưa đôi “bạn thân xưa” của thầy Lê Quí Thể đến điểm hẹn, vừa kịp lúc bên sông Sài Gòn nhạt phai màu nắng. Gió từ lòng sông chưa làm rối nổi mái tóc ngắn của tôi, nhưng cũng đủ làm không gian quán ven sông dịu mát.
27 Tháng Hai 2015(Xem: 19626)
Luận đề của "Đoạn Trường Tân Thanh" hiển nhiên là thuyết "tài mệnh tương đố"", gọi nôm na là "hồng nhan bạc mệnh".
05 Tháng Hai 2015(Xem: 27364)
Tôi hằng mong ước mong “ kho tư liệu trường xưa” này ngày càng phong phú hơn, đong đầy hơn với muôn vàn “ kỷ niệm học trò” do các cựu học sinh NgôQuyền Biên Hòa cùng chung tay vun vén …
12 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 16919)
Dò tìm trong danh sách Ban giáo sư trung học Ngô Quyền Biên Hòa ( 1956 – 1975), tôi được biết thầy Dương Hồng Duyệt từng là giáo sư môn Toán và Nhạc trường tôi từ năm 1961 đến 1965.
04 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 23460)
Dù rất mong thầy cô chúng tôi có nhiều cơ hội gặp nhau, nhưng xem ra việc đi lại của thầy cô – dù cư ngụ cùng thành phố – vẫn là điều không đơn giản.
30 Tháng Mười Một 2014(Xem: 21011)
... cám ơn mái trường Ngô Quyền Biên Hoà đã thu nhận tôi, cám ơn thầy Lê Quý Thể đã đưa tôi về, thầy Phạm Đức Bảo cùng các thầy cô đã dạy dỗ tôi nên người hôm nay,
29 Tháng Mười Một 2014(Xem: 12418)
Tôi điện thoại mời quí thầy cô: Đinh Thị Hòa, Nguyễn Thế Văn, Nguyễn Kim Linh, Đinh Hữu Quyến, Trần Thái Hùng, Trần Đình Tri, Lâm Tấn Văn và Trịnh Hồng Hải … cùng điểm tâm và café sáng Thứ Bảy với học trò.
20 Tháng Mười Một 2014(Xem: 13001)
Vẫn những câu chuyện cũ kỹ về ngôi trường Ngô Quyền Biên Hòa yêu dấu xa xưa, nhưng sao thầy trò tôi nhắc hoài không chán. Tuổi chín mươi lăm, nhưng thầy Phạm Đức Bảo nói về trường xưa, cứ y như thầy đang lật từng chương sách cũ đọc từng trang.
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 69221)
Thầy giáo cũng là con người, nhiệm vụ là truyền thụ kiến thức, nếu có những khuyết điểm xin mọi người thông cảm bỏ qua. Ở hoàng hôn của cuộc đời, sống lại với kỷ niệm cũ là những giây phút hạnh phúc nhất còn lại .
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 48692)
Kỷ niệm tuổi học trò là một trong những điều yêu dấu đó. Mong rằng các bằng hữu của tôi, dù bây giờ đang sống ở đâu, dù bây giờ vẫn còn mang những niềm tin khác biệt, sẽ còn một vài giây phút nào đó, chợt nhớ ra rằng “Ngày xưa, ta cùng học ở Ngô Quyền…”
25 Tháng Mười 2014(Xem: 10920)
Dường như tuổi càng cao, sức càng yếu thì tình yêu trường cũ trò xưa lại càng thấm đẫm mãnh liệt trong trái tim thầy hiệu trưởng.