Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Trần Hữu Phúc - Nhớ về Thày Đinh Hữu Quyến (1941 - 2016) -Thầy dạy môn Pháp văn thiệt "lạ" của trường Ngô Quyền / BH -

19 Tháng Mười Một 20166:05 CH(Xem: 20564)
Trần Hữu Phúc - Nhớ về Thày Đinh Hữu Quyến (1941 - 2016) -Thầy dạy môn Pháp văn thiệt "lạ" của trường Ngô Quyền / BH -

Trần Hữu Phúc

     (NQ khóa 8)

 

Nhớ về Thày Đinh Hữu Quyến (1941 - 2016)

Thầy dạy môn Pháp văn thiệt "lạ" của trường Ngô Quyền / BH

NQ-5-DHQ-Tua Bai

Thầy Quyến đã đi rồi !

Gấu hăng Đinh Hữu Quyến đã lìa rừng !

 

Hai dòng chữ đơn giản nhưng cũng đầy ý nghĩa báo tin cho biết Thầy Đinh Hữu Quyến đã qua đời vào ngày 10/10/2016.

Nhìn lại thấy Thầy lúc đi dạy được học trò thương mến thiệt tình. Điển hình là sau tết Mậu Thân chưa thấy Thầy từ miền Trung trở lại thì học trò đều lo lắng sốt ruột. Đến khi thấy được Thầy bình an thì đa số "mừng rướm lệ". Hết còn dạy học mà tên tuổi và hình ảnh của Thầy vẫn còn được đám học trò cũ mang lên "trình diễn" nhiều lần trên trang web Đại Gia Đình Ngô Quyền.

Người viết bản thân  may mắn được làm học trò của Thầy trong lớp 12 B1 / niên khóa 1969 - 1970 (NQ khóa 8). Thực ra thì đa số các Thầy Cô đều xứng đáng với thiên chức giáo dục, nhứt là lại được Thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo "tuyển chọn" rất kỹ, nên học trò  trường Ngô Quyền đạt được nhiều thành tích xuất sắc bất ngờ. Mỗi Thầy Cô đều có đặc điểm cá biệt. Riêng về phần Thầy Quyến - theo nhận xét chủ quan - có những việc làm thiệt "lạ" "không giống ai" trong nghề nghiệp cũng như ngoài xã hội.

Người viết còn là "chứng nhân" một chuyện làm thiệt "lạ" của Thầy Quyến khi viết phê trên tờ học bạ (chuyển dịch qua pháp ngữ: Bulletin de notes des compositions) rất "ngon lành & bất ngờ" là: Mérite de poursuivre ses études à l'étranger (xem Nguồn 1 phía dưới). Thiệt là cảm động thấy ông Thầy dạy Pháp văn có niềm tin như vậy đối với học trò .

Chính vì vậy từ lâu muốn viết đôi dòng để cho Thầy Quyến đọc và nhìn thấy chuyện làm thiệt "lạ" năm xưa đối với học trò Ngô Quyền. Nhưng cứ "hẹn hoài" mà không viết cho đến Thầy qua đời thì được ê kíp Hướng Đạo gửi cho Kỷ Yếu Hướng Đạo Biên Hòa - tới 2 quyển lận, chắc là "đền công" vụ có sân chơi HĐ trên trang web Ngô Quyền - với lời ước muốn của người bạn HĐ "tuổi trẻ mà tài cao" đề nghị viết kỷ niệm & nhận xét về Gấu hăng Đinh Hữu Quyến và đồng thời giới thiệu quyển kỷ yếu này.

 

NQ-5-DHQ-Ky Yeu

 

Quyển Kỷ Yếu Hướng Đạo Biên Hòa với bìa cứng dày 214 trang được trình bày rất mỹ thuật "lộng lẫy" xứng đáng là một công trình "để đời" . Trong đó có bài viết rất "lạ" của Thầy Quyến với tựa đề "Virus siêu vi Hướng Đạo" (xem Phụ đính 1)

NQ-5-DHQ-Bai Viet


Sống trọn đời với lý tưởng Hướng Đạo

Đây là điểm thiệt "lạ" nổi bật nhứt của Thầy Quyến .

Vâng, phải nói là trọn đời Thầy Quyến đã "hiến dâng" cho lý tưởng Hướng Đạo. Thực vậy khi còn nhỏ đã được vinh dự có tên rừng Gấu hăng. Chữ "hăng" kèm theo đã nói đến cá tính thực sự của con người Thầy Quyến.

 NQ-5-DHQ-Gau Hang

Thầy đã "hăng" lo lắng suốt đời cho Hướng Đạo, đến lúc qua đời mà vẫn mặc đồng phục HĐ cho đưa lên bàn thờ để cúng luôn.

NQ-5-DHQ-Ban Tho

Hoạt động trong Hướng Đạo thì chia ra nhiều "loại". Đại khái gồm có:

a) "loại đam mê" thì chỉ ngắn hạn vài năm và khi không còn hứng thú thì "ngưng".

b) "loại ghiền" thì dài hạn có khi suốt đời, không được đi trại thì chịu không nổi, nhưng biểu hy sinh nhiều như nhận chức vụ lo phát triển tổ chức thì "ngần ngại".

c) "loại lý tưởng" thì thà chết chứ không bỏ HĐ và luôn luôn xung phong đảm nhận "nối vòng tay lớn" để phát triển HĐ khắp nơi. Lo soạn sách "tuyên truyền giáo dục" cho cứu cánh HĐ . Chẳng hạn như Thầy Quyến đã hy sinh công lao tiền bạc thì giờ để biên soạn tác phẩm " Giáo Dục Hướng Đạo " dưới đây:

NQ-5-DHQ-Sach Giao Duc


Dạy học vừa thực tế vừa lý tưởng

a) Thầy Quyến có chương trình dạy học khá thực tế, dạy sao cho học trò đi thi tú tài làm bài được một cách "ngon lành" . Cho nên phần dạy nói chuyện đối thoại  luyện giọng được hầu như bỏ qua một bên. Thầy còn nhìn xa một chút xíu chỉ dẫn thêm một số "kỹ thuật" chia động từ loại thiệt khó và tập dịch từ tiếng Việt qua tiếng Pháp. Bởi lẽ trong kỳ thi vào đại học có bài thi môn Pháp văn cần căn bản này. Còn nhớ trong kỳ thi tuyển Đại Học Dược năm 1970, thí sinh phải dịch ra tiếng Pháp đại khái như sau: “Đức Khổng Phu Tử dạy rằng trong ba người đồng hành ắt có một người đáng là bậc thầy của ta”. Cũng nhờ Thầy Quyến chỉ dẫn tập dịch từ tiếng Việt qua tiếng Pháp & chia động từ trong trường hợp "ắt có" nên làm bài được và nhờ thêm môn lý hóa do thầy Lê Quý Thể cẩn thận “bí truyền” nên đã thi đậu vào Dược - mặc dù học ban B / Toán -.

b) Bên cạnh đó Thầy không quên lý tưởng "chỉ đường" (hướng đạo) của mình, nên đã "công dân giáo dục" học trò qua bài thơ nổi tiếng "Si". Bài thơ này có nguyên bản tiếng Anh là If  , được thi hào Rudyard Kipling sáng tác năm 1895 có mục tiêu rèn luyện nhân cách và ý chí con người. Nhà thơ T. S. Eliot (giải Nobel Văn học năm 1948) gọi bài thơ này là một “bài thơ vĩ đại”. Theo kết quả thăm dò dư luận của đài BBC năm 1995, bài thơ này được coi là bài thơ tiếng Anh hay nhất mọi thời đại. Chính vì vậy đã được chuyển dịch rất nhiều trên thế giới. Đặc biệt Nữ lãnh tụ tranh đấu Miến Điện Aung San Suu Kyi đã chuyển dịch qua tiếng Miến Điện với tựa đề "A Kae Ywaet" với quyết tâm làm hành trang cho bản thân và cho dân tộc để vượt thoát qua quá khứ đau thương. Nhà văn Tchya Đái Đức Tuấn thời tiền chiến trước năm 1945 đã chuyển dịch thành một bài thơ có giá trị văn chương (xem Phụ đính 2) với những đoạn:

 

Yêu thương tất cả bạn hiền,

Khác nào huynh đệ chẳng riêng một người;

 

Vẫn trơ gan, vẫn ngửng đầu,

Trong khi thiên hạ dễ hầu còn nguyên;

 

Biết trọng tài năng người trẻ tuổi hơn mình

a) Chuyện này hiếm thấy xảy ra. Với tinh thần tiêm nhiễm giáo điều, đa số VN mình khó chấp nhận ý kiến của người trẻ tuổi hơn mình, chớ đừng nói chi đến chuyện công khai  "khâm phục" như Thầy Quyến đã bày tỏ trong quyển Kỷ Yếu Hướng Đạo Biên Hòa / trang 52 (xem Phụ đính 1):

"Nay tôi đã cận kề bát thập niên kỷ, nhưng ngưỡng mộ quá tinh thần hướng đạo của "nhị vị cô nương" cựu HĐS Biên Hoà xưa. Gấu hăng tôi không thể cầm lòng, bèn "múa bút" đôi dòng, chỉ để tỏ bày với nhị vị anh thư cựu HĐS Biên Hoà: "Tại hạ vô cùng khâm phục, khâm phục""

b) Trước đó vào tháng 5/2012, người viết có dịp chứng kiến trao đổi eMail giữa Thầy Quyến và ê kíp Hướng Đạo trẻ tuổi về quan điểm & chủ trương của "sân chơi HĐ" trên trang NQ. Cuối cùng Thầy Quyến thấy họ có lý hơn nên đã gửi eMail sau:

From: Dinh Huu Quyen <quyendinhhuu@gmail.com>

To: ***

Sent: Saturday, May 12, 2012 11:18 AM

Subject: Re: *** thân gửi Gấu anh,

*** thân mến

Thông cảm và nhất trí.

Chúc *** vui khỏe.

ĐHQ

 

c) Cũng như phần đầu đã trình bày, Thầy Quyến đã có lời phê trong học bạ rất "lạ" với ý muốn "chỉ đường" nhờ đó học trò của mình có thể được lãnh học bổng quốc gia đi du học - mà quả thực được đã xảy ra thiệt đúng như Thầy đề nghị !- (xem Nguồn 1).

 

Đó cũng là con người đích thực của Thầy Đinh Hữu Quyến với một nhân sinh quan tuyệt vời không còn có chỗ nào có thể chê được. Đúng như thi hào Rudyard Kipling đã mong ước:

 

Nhân từ, đức độ, khoan hoà,

Không hay chữ lỏng, hợm khoa, dạy đời;

Thay Dinh Huu Quyen 35

 

Đại gia đình Ngô Quyền hãnh diện có một thành viên như Thầy Quyến và sắp đến ngày giỗ 49 ngày mong hương linh Thầy sớm siêu thoát.

 

------------

Nguồn 1:

Học bạ - được chuyển dịch ra tiếng Pháp năm 1970 để xử dụng tại Âu Châu (Bulletin de notes des compositions) - lớp 12 B1 niên khóa 1069-1970 Ngô Quyền  / Giáo sư hướng dẫn Lê Quý Thể .

Thành phần giáo sư thiệt xuất sắc - do Thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo sắp đặt - gồm : Thầy Lưu Ngọc Bích (Triết), Thầy Đinh Hữu Quyến (Pháp văn), Cô Phan Thị Tốt (Anh văn), Thầy Nguyễn Ngọc Ẩn (Sử địa), Thầy Lê Văn Túy (Toán), Thầy Lê Quý Thể (Lý hóa), Thầy Tôn Thất Phong (Vạn vật) .

Thầy Đinh Hữu Quyến đã phê trong học bạ rất "lạ","không giống ai" như sau:

Mérite de poursuivre ses études à l'étranger (Xứng đáng được đi du học)

 

NQ-5-DHQ-Hoc Ba 2

NQ-5-DHQ-Hoc Ba 1 

------------

Phụ đính 1

Virus siêu vi Hướng Đạo

 

Ông bà của mình hay kể, xã hội xưa có 4 chứng bịnh không sao trị khỏi. Đó là :

Phong, lao, cổ, lại,

Tứ chứng nan y

Thầy thuốc bỏ đi

Trống kèn kéo tới

Là ... ò  í  e ....

 

Điều này có nghĩa, 4 chứng bịnh trên đều hết chữa. Thầy thuốc ngậm ngùi "botany.com", nhường đường cho "mata.com" thổi kèn dóng trống, tống tiễn người bệnh về miền đất ... hổng ai hứa trước.

Bốn chứng bịnh này, ngày nay đã có thuốc chữa. Đâu thể ngờ, cuộc đời này xuất hiện chứng bịnh thứ năm, bị lây nhiễm một phát là nan y vĩnh viễn: "Virus siêu vi Hướng Đạo". Tôi tạm viết tắt là VSH cho dễ gọi trong giao dịch quốc tế (?!) vậy.

Qua tâm tình "Tôi đi hướng đạo" của Thiên nga siêng năng Bùi Thị Lợi; không cần kết quả thử máu, siêu âm, X quang, Mri ... tôi cũng chẩn đoán được ngay, rằng thì là mà Trưởng Lợi bị nhiễm VSH mất tiêu rồi. Bệnh của Trưởng có vẻ ổn một thời gian, rồi chợt bùng phát. Xem chừng lần tái phát này, Thiên nga siêng năng Bùi Thị Lợi bị nhiễm VSH nặng nề hơn, trầm trọng hơn. Tưởng chỉ vậy có thôi, ngỡ chỉ có bấy nhiêu thôi, tôi đã đủ hết hồn rồi.

Thình lình biết thêm Sáo lý luận Diệp Hoàng Mai cũng bị VSH , tôi càng .... siêu hồn lạc phách. Theo tôi được biết, con sáo này đã ngưng sinh hoạt hướng đạo gần 40 năm rồi. Vậy mà tôi hổng hiểu nổi, Sáo nhặt nhạnh cách nào, mời gọi ra sao ... đã xâu được 152 "cụ" hướng đạo sinh của 2 đơn vị Trấn Biên - Bửu Lòng , thuộc tỉnh Biên Hoà ngày xưa Sáo từng sinh hoạt.

Mở đầu gia phả, Sáo ghi danh được 152 anh chị em. Còn nhớ nhiêu đó người, sau gần 40 năm không gặp gỡ, đã đủ để tôi "nể" Sáo lắm rồi ! Nào hay tháng lại ngày qua, Sáo vẫn chăm chỉ kiếm tìm, để bây giờ gia phả cựu hđs Biên Hoà đếm được 463 cánh chim xưa tìm về tổ ấm. Không những vậy, Sáo còn "sưu" được 344 hình ảnh người của ngày xưa. Sáo còn tần mần tẩn mẩn, ghi đầy đủ họ tên người trên từng tấm ảnh chân dung, kể cả những anh chị em HĐS Biên Hoà đã hoá người thiên cổ.

Vẫn chưa hết đâu, cô sáo nhỏ xinh này còn "lùa" được 37 thú Hoang trở lại với rừng. Nào gấu, voi, trâu, thỏ, bò .....  Chỉ một tiếng "te ..." ngân vang hồi còi họp đoàn hướng đạo, là bầy thú lạc rừng Trấn Biên - Bửu Long xưa nhận ra tín hiệu tìm nhau.

Gấu hăng tôi cũng đồng bệnh tương lân, bởi tôi cũng nhiễm VSH từ lâu rồi. Nay tôi đã cận kề bát thập niên kỷ, nhưng ngưỡng mộ quá tinh thần hướng đạo của "nhị vị cô nương" cựu HĐS Biên Hoà xưa. Gấu hăng tôi không thể cầm lòng, bèn "múa bút" đôi dòng, chỉ để tỏ bày với nhị vị anh thư cựu HĐS Biên Hoà: "Tại hạ vô cùng khâm phục, khâm phục"

 

Gấu hăng Đinh Hữu Quyến

 

------------

 

Phụ đính 2

Nếu (tiếng Anh: If) là bài thơ nổi tiếng nhất của Rudyard Kipling sáng tác năm 1895 và in năm 1910 trong cuốn Phần thưởng và tiên (Rewards and Fairies), Bài thơ được coi là một sự thể hiện đặc biệt thành công về chủ nghĩa khắc kỷ, chủ nghĩa chấp nhận nghịch cảnh của thời đại Victoria (Victorian stoicism). Theo kết quả thăm dò dư luận của đài BBC năm 1995, bài thơ này được coi là bài thơ tiếng Anh hay nhất mọi thời đại.

 

Nếu

 Nếu bỗng chốc tan tành sự nghiệp,

Mà nín thinh xây tiếp cuộc đời,

Hay trong một tiếng bạc thôi

Mất hàng trăm ván, không lời thở than;

Nếu yêu chẳng mê man xuẩn động,

Hùng dũng mà mềm mỏng chẳng quên,

Biết bị oán, chẳng oán nguyền,

Song mình, mình tự giữ gìn đấu tranh;

 

Nếu chịu được đồ ranh xuyên tạc

Pha lời mình khích bác đồ ngu,

Gièm mình, miệng thế điên rồ,

Riêng mình, một mực chẳng lừa dối ai,

Nếu chững chạc chẳng rời đại chúng,

Gần quân vương giữ đúng dân nguyên,

Yêu thương tất cả bạn hiền,

Khác nào huynh đệ chẳng riêng một người;

 

Nếu suy nghĩ, xét soi, hiểu biết,

Mà chẳng thành phá diệt, hoài nghi,

Mơ, không để mộng cuốn đi,

Trầm tư mà chẳng riêng gì trầm tư;

Nếu cứng, chẳng bao giờ cuồng nộ,

Can đảm không bạo hổ bằng hà,

Nhân từ, đức độ, khoan hoà,

Không hay chữ lỏng, hợm khoa, dạy đời;

 

Nếu chiến thắng sau hồi thất bại,

Nhận hai trò giả dối như nhau,

Vẫn trơ gan, vẫn ngửng đầu,

Trong khi thiên hạ dễ hầu còn nguyên;

Thì Đắc thắng, Thần tiên, Vương đế,

Và Duyên may nô lệ con hoài;

Mà hơn Vương thế vinh thời,

Con ơi, con mới là Người, đó con !

 

(Bản dịch của Tchya Đái Đức Tuấn)

 

Si

Si tu peux voir détruit l'ouvrage de ta vie

Et sans dire un seul mot te mettre à rebâtir,

Ou perdre en un seul coup le gain de cent parties

Sans un geste et sans un soupir ;

Si tu peux être amant sans être fou d'amour,

Si tu peux être fort sans cesser d'être tendre,

Et, te sentant haï, sans haïr à ton tour,

Pourtant lutter et te défendre ;

 

Si tu peux supporter d'entendre tes paroles

Travesties par des gueux pour exciter des sots,

Et d'entendre mentir sur toi leurs bouches folles

Sans mentir toi-même d'un mot ;

Si tu peux rester digne en étant populaire,

Si tu peux rester peuple en conseillant les rois,

Et si tu peux aimer tous tes amis en frère,

Sans qu'aucun d'eux soit tout pour toi ;

 

Si tu sais méditer, observer et connaître,

Sans jamais devenir sceptique ou destructeur,

Rêver, mais sans laisser ton rêve être ton maître,

Penser sans n'être qu'un penseur ;

Si tu peux être dur sans jamais être en rage,

Si tu peux être brave et jamais imprudent,

Si tu sais être bon, si tu sais être sage,

Sans être moral ni pédant ;

 

Si tu peux rencontrer Triomphe après Défaite

Et recevoir ces deux menteurs d'un même front,

Si tu peux conserver ton courage et ta tête

Quand tous les autres les perdront,

Alors les Rois, les Dieux, la Chance et la Victoire

Seront à tous jamais tes esclaves soumis,

Et, ce qui vaut mieux que les Rois et la Gloire

 

(Bản dịch của André Maurois / 1918)

 

Nguyên bản

 

If

If you can keep your head when all about you

Are losing theirs and blaming it on you,

If you can trust yourself when all men doubt you,

But make allowance for their doubting too;

If you can wait and not be tired by waiting,

Or being lied about, don't deal in lies,

Or being hated don't give way to hating,

And yet don't look too good, nor talk too wise:

 

If you can dream - and not make dreams your master;

If you can think - and not make thoughts your aim,

If you can meet with Triumph and Disaster

And treat those two impostors just the same;

If you can bear to hear the truth you've spoken

Twisted by knaves to make a trap for fools,

Or watch the things you gave your life to, broken,

And stoop and build 'em up with worn-out tools:

 

If you can make one heap of all your winnings

And risk it on one turn of pitch-and-toss,

And lose, and start again at your beginnings

And never breathe a word about your loss;

If you can force your heart and nerve and sinew

To serve your turn long after they are gone,

And so hold on when there is nothing in you

Except the Will which says to them: 'Hold on!'

 

If you can talk with crowds and keep your virtue,

Or walk with Kings - nor lose the common touch,

If neither foes nor loving friends can hurt you,

If all men count with you, but none too much;

If you can fill the unforgiving minute

With sixty seconds' worth of distance run,

Yours is the Earth and everything that's in it,

And--which is more - you'll be a Man, my son!

 

Rudyard Kipling (1865 – 1936)

 

------------

 

13 Tháng Sáu 2015(Xem: 18164)
Đưa Thầy Quýnh trở về như một người thân, Thầy Trò cùng lưu luyến vẩy tay thay lời từ biệt, ánh mắt nụ nười dường như che mát cho một ngày hè.
30 Tháng Năm 2015(Xem: 10194)
Dẫu biết “ Sinh – Lão – Bệnh – Tử” là qui luật của muôn đời, nhưng tôi vẫn cảm thấy bùi ngùi mỗi khi nhìn hình xưa tự hỏi “ Thầy tôi ngày ấy, bây giờ ra sao?.
30 Tháng Năm 2015(Xem: 23065)
từ đây thầy sẽ có được nhiều tin tức của người bạn vong niên và sẽ không còn băn khoăn trăn trở “Không biết thầy Hảo giờ này ra sao?”
15 Tháng Ba 2015(Xem: 19685)
Ngày mùng bốn Tết, tôi ghé thăm thầy hiệu trưởng. Nhóm bạn “Bê Ba” của tôi người bận người bệnh, nên tôi mặc nhiên trở thành “đại diện nhóm” đến mừng tuổi thầy.
07 Tháng Ba 2015(Xem: 20820)
Tôi đưa đôi “bạn thân xưa” của thầy Lê Quí Thể đến điểm hẹn, vừa kịp lúc bên sông Sài Gòn nhạt phai màu nắng. Gió từ lòng sông chưa làm rối nổi mái tóc ngắn của tôi, nhưng cũng đủ làm không gian quán ven sông dịu mát.
27 Tháng Hai 2015(Xem: 19067)
Luận đề của "Đoạn Trường Tân Thanh" hiển nhiên là thuyết "tài mệnh tương đố"", gọi nôm na là "hồng nhan bạc mệnh".
05 Tháng Hai 2015(Xem: 26797)
Tôi hằng mong ước mong “ kho tư liệu trường xưa” này ngày càng phong phú hơn, đong đầy hơn với muôn vàn “ kỷ niệm học trò” do các cựu học sinh NgôQuyền Biên Hòa cùng chung tay vun vén …
12 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 16805)
Dò tìm trong danh sách Ban giáo sư trung học Ngô Quyền Biên Hòa ( 1956 – 1975), tôi được biết thầy Dương Hồng Duyệt từng là giáo sư môn Toán và Nhạc trường tôi từ năm 1961 đến 1965.
04 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 22960)
Dù rất mong thầy cô chúng tôi có nhiều cơ hội gặp nhau, nhưng xem ra việc đi lại của thầy cô – dù cư ngụ cùng thành phố – vẫn là điều không đơn giản.
30 Tháng Mười Một 2014(Xem: 20637)
... cám ơn mái trường Ngô Quyền Biên Hoà đã thu nhận tôi, cám ơn thầy Lê Quý Thể đã đưa tôi về, thầy Phạm Đức Bảo cùng các thầy cô đã dạy dỗ tôi nên người hôm nay,
29 Tháng Mười Một 2014(Xem: 12292)
Tôi điện thoại mời quí thầy cô: Đinh Thị Hòa, Nguyễn Thế Văn, Nguyễn Kim Linh, Đinh Hữu Quyến, Trần Thái Hùng, Trần Đình Tri, Lâm Tấn Văn và Trịnh Hồng Hải … cùng điểm tâm và café sáng Thứ Bảy với học trò.
20 Tháng Mười Một 2014(Xem: 12895)
Vẫn những câu chuyện cũ kỹ về ngôi trường Ngô Quyền Biên Hòa yêu dấu xa xưa, nhưng sao thầy trò tôi nhắc hoài không chán. Tuổi chín mươi lăm, nhưng thầy Phạm Đức Bảo nói về trường xưa, cứ y như thầy đang lật từng chương sách cũ đọc từng trang.
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 68710)
Thầy giáo cũng là con người, nhiệm vụ là truyền thụ kiến thức, nếu có những khuyết điểm xin mọi người thông cảm bỏ qua. Ở hoàng hôn của cuộc đời, sống lại với kỷ niệm cũ là những giây phút hạnh phúc nhất còn lại .
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 48312)
Kỷ niệm tuổi học trò là một trong những điều yêu dấu đó. Mong rằng các bằng hữu của tôi, dù bây giờ đang sống ở đâu, dù bây giờ vẫn còn mang những niềm tin khác biệt, sẽ còn một vài giây phút nào đó, chợt nhớ ra rằng “Ngày xưa, ta cùng học ở Ngô Quyền…”
25 Tháng Mười 2014(Xem: 10784)
Dường như tuổi càng cao, sức càng yếu thì tình yêu trường cũ trò xưa lại càng thấm đẫm mãnh liệt trong trái tim thầy hiệu trưởng.