Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Phạm Kim Luân - Làm Báo Học Trò.

07 Tháng Mười Một 201412:00 SA(Xem: 48307)
Phạm Kim Luân - Làm Báo Học Trò.

 

                 Làm báo học trò

                                  Phạm Kim Luân

       Bia NQ

 


Tôi vương vào cái nghiệp dư làm báo học trò từ lúc học lớp Chín 6 trường Ngô Quyền.

Mùa Hè năm 72, bạn tôi là Nguyễn Trần Hiệp gợi ý làm một tờ báo lớp để bạn bè khi chia tay nhau lên lớp 10, chọn ban học khác sẽ có một món quà để mang theo làm kỷ niệm. Chỉ trong vòng 1 tháng, hầu như cả lớp ai cũng có bài đóng góp cho tờ báo mà chúng tôi gọi là “Đặc San Hè Chín Sáu”. Có điều đặc biệt là các bài viết không đánh máy mà chỉ hoàn toàn viết tay, với nhiều nét chữ khác nhau của các bạn trong lớp. Chữ viết của Phạm Hữu Đức là được nhiều người khen nhất.

Bản chính được đem đi photocopy bằng mực màu xanh. Hình bìa, do Nguyễn Mạnh Dũng vẽ chỉ bằng 2 màu, mặt trời mùa hè rực rỡ màu vàng tươi, với chữ “Đặc San Hè 1972, Chín Sáu Ngô Quyền“ màu đỏ thẫm trên nền giấy trắng. Những hình ảnh minh họa bên trong phần lớn là do tôi và Dũng phụ trách. Sau nầy Dũng chọn nghề kiến trúc, còn tôi thì vượt biển sang đến Hòa Lan, cuối cùng cũng theo nghề kiến trúc. Mới biết cái hobby “vẽ vời” từ thuở còn bé đã gắn liền với đời sống của chúng tôi cho mãi đến bây giờ.

Những bài viết trong quyển Đặc San Hè Chín Sáu dĩ nhiên là tôi không cách chi nhớ hết. Ngoài những tùy bút về trường, lớp, thầy cô, bè bạn, đã thấy thấp thoáng bóng dáng của tình yêu thời mới lớn. Hồi đó, tuy mới mười lăm, mười sáu tuổi, nhưng học trò con trai đã bắt đầu biết “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư” và học trò con gái đã “không dám đi mau, sợ chàng chê hấp tấp, số gian nan không giàu”. Trần Thanh Châu có làm một bài thơ, tôi chỉ còn nhớ mấy câu đại khái như sau:

 

Chuông đã reo rồi, ngơ ngẩn bay,

Anh còn giờ học toán trưa nay,

Em ơi cố đợi anh về nhé

Cho anh đừng chán cát bụi bay...

 

Mãi đến bây giờ tôi vẫn còn thắc mắc, không biết “cô em bạn cùng trường” trong thơ của Châu là ai. Cách đây mấy tháng, Châu từ Mỹ sang thăm gia đình bên Âu châu, có ghé Hòa Lan tìm tôi. Gặp nhau, hàn huyên đủ thứ chuyện quá khứ, mà vẫn quên hỏi chuyện này.

 

Nguyễn Phạm Hùng (hiện sống ở Canada) hồi ấy đã bỏ công dịch bài “The sound of silence” ra tiếng Việt, và một bài nữa nhan đề là “Tình ca của cây chanh dại”. Lâu lắm rồi, không nhận được tin tức gì của Hùng.

Nhắc đến Hùng là mường tượng ra cái dáng thư sinh, rụt rè, ít nói và rất dè dặt trong tình yêu, cũng như trong bài thơ dịch của Hùng ngày xưa: “cây chanh rất xinh và hoa chanh rất thơm. Nhưng trái chanh thì không thể nào ăn được”. Có phải không Hùng-với-âm-thanh-của-sự-im-lặng?

Ngô càn Chiếu thì ngoài cái tài phá phách còn rất giỏi toán. Trong tờ đặc san, Chiếu đã dùng mẹo để chứng minh tổng số các góc trong một tam giác…lớn hơn 180 độ. Ai cũng biết là sai, nhưng nếu Chiếu không giải thích cũng không dễ gì khám phá ra chỗ sai nầy trong vòng vài phút. Sau này sang Paris, tuy làm điện toán, Chiếu vẫn không bỏ cái nghề tay trái của mình là sáng tác nhạc tình. Nhắc đến Chiếu, là bạn bè nhớ ngay đến bài nhạc đầu tay của Chiếu làm năm lớp Chín, phổ thơ Kim Tuấn:

 

Ngưòì áo vàng phố nhỏ

Giữ dùm ta cuộc đời

Giòng sông rồi nước cuốn

Cuộc tình rồi xa khơi

Người áo vàng phố nhỏ

Khi về em nhớ ai

Nắng vàng trên khóm lá

Hoa vàng trên tay quen

Gõ bước trên hồn đá

Một đời người lênh đênh…

 

Nói chung, tờ Đặc San Hè Chín Sáu là một kỷ vật của tất cả chúng tôi lúc mười lăm tuổi mà tôi tin chắc rằng cả lớp, cho đến bây giờ, không nhiều thì ít vẫn còn nhớ đến.

 
Bia NQ 73

Năm lớp 10, niên khóa 72-73, là lần đầu tiên tôi được tham gia vào sinh hoạt báo chí của trường Ngô Quyền. Trước năm 1975, báo Xuân của trường là một sản phẩm tinh thần không-thể-thiếu khi gần đến Tết. Các trường trung học gần như có một quy ước bất-thành-văn là sẽ cùng nhau thi đua làm một tờ báo Xuân thật hay, thật đẹp, thật chuyên nghiệp như báo người lớn, và nhất là bán thật chạy (trước là để lấy lại vốn, sau là để kiếm được chút đỉnh cho ngân quỹ nhà trường).

Trưởng khối báo chí năm đó là anh Lê Phong Quan, trong ban điều hành học sinh với anh Nguyễn văn Tất làm Tổng Thư Ký. Nhờ có “kinh nghiệm” trong lần làm báo lớp Chín, anh Quan cho tôi vào ban biên tập báo Xuân 73 và cùng với các anh Long, Vinh,và chị Đinh Lan phụ trách phần lay-out cho tờ báo. Bài vở được “kiểm duyệt” bởi chị Nguyễn thị Minh Thủy và chị Tưởng Dung. Tôi còn nhớ một mẩu đối thoại nghe được giữa anh Hải ( cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên) và ai đó trong ban báo chí. Anh Nhiên tỏ vẻ bất bình khi biết là một bài thơ của anh gửi đã không được chọn đăng vì... .“không hợp với báo của học trò”. Anh Nhiên nói sẽ gửi cho báo Văn bài thơ ấy.

 

Ít lâu sau, tôi có đọc một bài thơ của anh Nguyễn Tất Nhiên trên báo Văn (Văn là một nguyệt san văn chương có tầm vóc của miền Nam thời trước 75), không biết đó có phải là bài thơ “bị Ngô Quyền từ chối” hay chăng, nhưng chắc một điều là bài thơ ấy có những câu rất là dễ thương:

 

đêm này hai đứa chẳng chung đôi

chắc Chúa… nhăn nhăn mặt giận rồi

(bởi vì Chúa… từ trời Âu lại,

nên thích nhìn từng cặp đi chung)

 

Năm lớp 11 là năm học sau cùng của tôi ở Ngô Quyền trước khi chuyển trường về Petrus Ký.

Vì đã “lỡ” làm báo Xuân môt lần nên tôi lại “được” bầu làm trưởng khối báo chí của trường. Rồi sau đó, cùng với các bạn Nguyễn Trần Hiệp, Đinh thị Minh Châu và anh Đoàn Chấn Hưng  gánh vác cái trọng trách làm tờ báo Xuân Ngô Quyền 1974. Thầy Long và thầy Tùng là 2 giáo sư hướng dẫn báo chí.

Phải thành thật mà nói, sinh hoạt học đường chiếm rất nhiều thời gian ngoài giờ học. Ba tôi đã tỏ vẻ không vui khi biết tôi ra làm báo cho trường vi sợ tôi không còn đủ thì giờ để học. Nhưng vì đã ném câu nên chúng tôi đành phải cố mà chu toàn bổn phận. Thế là từ tháng mười đã phải bắt đầu vận động các bạn viết bài, vẽ tranh. Sau đó là chọn bài, đánh máy các bài được chọn, trình qua các giáo sư hướng dẫn và nộp 1 bản ở phòng Thông Tin Văn Hóa của tỉnh để xin giấy phép ấn hành. Theo đề nghị của chị Phùng Thanh Viên, là người vẽ tranh bìa, lần đầu tiên trường Ngô Quyền chuyển khổ báo “lớn” thông thường thành khổ nhỏ giống như sách, để dễ cầm đọc hơn.

 

Trong lúc báo được xếp chữ, chúng tôi phải thường xuyên theo thầy Long và thầy Tùng về nhà in ở Sài Gòn để sửa bản vỗ, cho đến ngày báo phát hành. Tôi vẫn chưa quên được cái cảm giác hồi hộp khi mang trong người cả cộc tiền mặt đi xe đò từ Biên Hòa về Sài Gòn để trả cho nhà in. Một số tiền vô cùng lớn đối với một cậu học trò mười bảy tuổi, nhất là khi biết rằng số tiền nầy ngoài phần của trường, còn là phần quyên góp khó nhọc của các bạn, các anh chị em cùng trường từ những các cửa hàng, các doanh nghiệp và các vị mạnh thường quân trong khắp tỉnh Biên Hòa. Nhớ nhất là những lần thầy trò ngồi uống cà phê bên vỉa hè ở ngả Sáu Sài Gòn sau khi làm việc tại nhà in. Cái khoảng cách thầy-trò bỗng dưng ngắn lại, thân mật hơn, cởi mở hơn. Có lần, đề cập đến quyển “Ngựa chứng trong sân trường” của Duyên Anh, về chuyện tình giữa nữ sinh và nam giáo sư trẻ, thầy Long hỏi tôi: em nghĩ thể nào về điều này. Tôi nói: “thưa thầy, để tránh những phiền phức có thể xảy ra có lẽ em sẽ gọi những bạn gái xinh đẹp cùng trường bằng “Cô” trước từ bây giờ. Nếu em may mắn, em đổi chữ Cô viết hoa thành chữ cô viết thường cũng đâu có muộn.” Thầy Long cười ngất và bảo với thầy Tùng: “Ông thấy thằng này nó lém chưa?”

 

Cuối cùng thì tờ báo cũng đã phát hành đúng lúc. Những đội quân bán báo của Ngô Quyền tung ra khắp nơi trong ngày phát hành giữa không khí rộn ràng của những ngày gần Tết. Phải nói là chính nhờ cái duyên dáng của các nữ sinh Ngô Quyền (khi đến bán báo tại các trường nam) và cái tài hoạt bát của các nam sinh Ngô Quyền (tại các trường nữ) mà đến khi tổng kết, đã không còn đủ báo để tặng cho các bạn đã bỏ công đi bán báo. Chúng tôi bị trách móc đủ thứ mà không biết phải tạ lỗi làm sao cho vừa.

 

Bây giờ, ngồi ghi lại những dòng hồi tưởng nầy, đã ba thập niên trôi qua, bạn bè, kẻ còn, người mất, mới thấm thía cái giá của thời gian. Thời gian đem đến nhiều thứ mà cũng mang đi rất nhiều.

Người ta thường chỉ biết yêu quý những cái gì đã mất. Kỷ niệm tuổi học trò là một trong những điều yêu dấu đó. Mong rằng các bằng hữu của tôi, dù bây giờ đang sống ở đâu, dù bây giờ vẫn còn mang những niềm tin khác biệt, sẽ còn một vài giây phút nào đó, chợt nhớ ra rằng

“Ngày xưa, ta cùng học ở Ngô Quyền…”

 

Hòa Lan, tháng 3-2006

 Phạm Kim Luân

  (Trích Tuyển tập NQ 2006)

 

 

 

13 Tháng Ba 2024(Xem: 4401)
Chuyến đi thăm Thầy Xưa ngày đầu năm mới 2024 của chị em mình lần này thấm đẫm ân tình, vô cùng ấm áp đúng không chị?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 963)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
08 Tháng Hai 2024(Xem: 6338)
Tôi cảm thấy điều may mắn nhất cuộc đời tôi có được, đó là tình thương yêu của thầy cô giáo trường xưa - cho dù thầy cô đã từng trao tôi con chữ hoặc không -
05 Tháng Hai 2024(Xem: 2121)
Anh chị em chúng tôi đã có một buổi chiều cuối năm âm lịch đáng nhớ, Tết Giáp Thìn đang về rất gần, chúng tôi vui vì mình đã cùng nhau "mời người lên xe tìm về quá khứ"
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 3164)
Nhưng së sang sông Đồng Nai về thăm lại trường cũ, gặp lại Thầy xưa, để biết mình từ đâu và biết chốn để quay về. Ngô Quyền như tiếng gọi trường xưa
12 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 11214)
Với bề dầy tuổi tác, kiến thức đa dạng và vốn sống vô cùng phong phú … thầy hiệu trưởng là kho tư liệu tuyệt vời cho tôi tha hồ khai thác và học hỏi.
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 12089)
Ngày xưa thầy cô tôi đã tận tụy lèo lái những con đò ngang, đưa từng lớp học trò nối tiếp nhau băng qua dòng sông tri thức. Để rồi ngày nay thầy cô lại tiếp tục trao cho những học trò xưa niềm tin bền chặt bởi nghĩa ân sư.
23 Tháng Mười Một 2023(Xem: 7206)
Vui nhất và hạnh phúc nhất, là khi anh Phạm Đình Trung báo tin đã đặt ấn phẩm NQTT lên bàn thờ cố GS. Phạm Thị Khang, cùng lời cảm ơn trân trọng của anh Trung
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4945)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 3687)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
02 Tháng Chín 2023(Xem: 3172)
đã xưng tội trong mùa chay nhưng vẫn luôn phạm tội vì đường trần còn tơ vương khanh tướng, giữa chốn vô thường chỉ là tạo vật. Chúa và Phật phải chọn ai đây chỉ cầu mong còn có những cơn mưa…
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3555)
Xin vĩnh biệt người thầy đáng kính của nhiều thế hệ và chúc thầy an bình thanh thản nơi cõi vĩnh hằng sau khi đã hoàn thành sứ mạng cao cả của một lương sư.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3736)
Do có năng khiếu về âm nhạc, giỏi về nhạc lý, Ba tôi được tuyển chọn làm giáo sư âm nhạc của trường trung học Ngô Quyền từ những năm 1960…
30 Tháng Bảy 2023(Xem: 2411)
Vài bữa nữa về lại SaiGon tôi sẽ giới thiệu cho thêm nhiều bạn bè biết đến trang BHQT và trang ngoquyen ở xa 1/2 vòng trái đất có nhiều trái tim vẫn cùng đập chung một nhịp.
29 Tháng Bảy 2023(Xem: 2169)
Đây là những hình ảnh về ngày Hội Ngộ Ngô Quyền rất đẹp . Thầy cô, học trò và những kỷ niệm. Xin gửi đến các bạn một chút bâng khuâng.