Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Huỳnh Công Ân - CÓ AI VỀ XỨ BƯỞI

27 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 19255)
GS. Huỳnh Công Ân - CÓ AI VỀ XỨ BƯỞI

CÓ AI VỀ XỨ BƯỞI

28__thay_huynhcongan-content

Tùy bút Huỳnh Công Ân

(Thương tặng hương hồn em tôi và các cánh chim oai hùng từng vẫy vùng trên vòm trời Biên Hòa)

 

Biên Hòa xứ bưởi thanh thanh

Có cô bán bưởi xinh xinh trữ tình

(Ca dao)

 

Tôi được thuyên chuyển về trường trung học Ngô Quyền, Biên Hòa năm tôi 25 tuổi sau 4 năm dạy học ở trường trung học Vĩnh Bình, Trà Vinh. Vốn trưởng thành ở thủ đô Sài Gòn, lân cận với tỉnh Biên Hòa nên dù trước khi nhận nhiệm sở tôi chưa lần nào đặt chân tới Biên Hòa, nhưng tôi vẫn được nghe nói nhiều về tỉnh này. Tôi được biết Biên Hòa là cửa ngỏ phía đông của thủ đô Sài Gòn, nơi đặt bản doanh của Quân Đoàn 3, Sư Đoàn 3 Không Quân và căn cứ Long Bình. Nơi đây là chỗ địa linh nhân kiệt nơi sản sinh những nhân tài ở nhiều lãnh vực, quân sự có tướng Đỗ Cao Trí, văn hóa có Bình Nguyên Lộc, Lương Văn Lựu, chính trị có Nguyễn Ngọc Huy… Nhưng Biên Hòa được biết nhiều với cái tên xứ Bưởi vì bưởi là một đặc sản nổi tiếng ngon ngọt của Biên Hòa.

Từ 1969 đến 1975, trong thời gian 6 năm phục vụ ở Biên Hòa của tôi dù ở cương vị thầy giáo hay quân nhân, tôi cũng có nhiều kỷ niệm không thể quên được.

Ông hiệu trưởng Phạm Đức Bảo thông cảm với các giáo sư có nhà ở Sài Gòn, nên thường cho xếp 15 giờ dạy của giáo sư đệ nhị cấp vào hai ngày liên tiếp để họ có thời gian rộng rãi dạy trường tư, hay làm công việc khác ở Sài Gòn để bù đấp vào số lương cố định của công chức, thời mà mọi người đổ xô đi làm sở Mỹ, lương cao mà chỉ cần biết chút đỉnh tiếng Anh. Tôi dạy hai ngày đầu tuần, bốn ngày còn lại tôi có giờ ở một số trường tư hay vài cours luyện thi ở Sài Gòn. Đêm thứ hai, tôi ở lại Biên Hòa, ngủ nhà người anh họ, làm quân cảnh không quân, gần ga xe lửa. Anh tôi vừa có đứa con đầu lòng nên chúng tôi thấy thắm thía câu “đêm về nghe con khóc vui triền miên” trong bản nhạc “Ngày hạnh phúc” của Lam Phương. Lúc đầu tôi đi chiếc Honda 67 sau đó là chiếc lambretta hai bánh từ Sài Gòn theo xa lộ Biên Hòa, rẽ ngã ba Tân Vạn rồi qua cầu Gành vào Biên Hòa. Về sau, vì hàng ngày chứng kiến những tai nạn lưu thông thảm khốc trên xa lộ, tôi lạnh cẳng nên về sau từ nhà tôi đi xe ôm ra ga lấy xe lửa lên Biên Hòa. Năm 1971, em tôi về lái trực thăng tại sư đoàn 3 không quân, mướn nhà trong một con hẻm gần trường Ngô Quyền ở với vợ và con nhỏ nên đêm ở lại Biên Hòa tôi ngủ ở đó. Tôi lại được vui triền miên mỗi đêm thứ hai với tiếng khóc của đứa cháu ruột .

Vì là một sĩ quan biệt phái, nên cuối năm 1971 khi dính liu vào một việc xô xát, tôi bị kỷ luật và bị trả về quân đội. Người ta cho tôi một ân huệ bằng cách đưa ra một danh sách các đơn vị để tôi và người bạn tôi, làm văn phòng, ở trường Petrus Ký, dính chung một vụ, lựa chọn. Tôi không do dự chọn ngay tiểu khu Biên Hòa, còn bạn tôi chọn tiểu khu Châu Đốc. Đúng là một sự lựa chọn định mệnh. Bạn tôi về Châu Đốc, nơi mà trước khi biệt phái, anh ta là tùy viên của đại tá tỉnh trưởng. Rủi cho anh, lần này trở lại Châu Đốc, thì thầy cũ của anh đã thuyên chuyển về làm chỉ huy trưởng trung tâm huấn luyện Quang Trung, nên anh bị ông tỉnh trưởng mới đưa ra nắm một đại đội địa phương quân. Vài tháng sau, tôi bàng hoàng khi nghe tin anh tử trận khi dẫn quân lục soát trên núi Sam. Nếu tôi chấp thuận theo bạn tôi về Châu Đốc thì không biết tôi sẽ ra sao. Về Biên Hòa tôi được ông Bảo gởi gắm với tiểu khu nên tôi được đưa về đại đội canh giữ cầu Đồng Nai, ngoài xa lộ Biên Hòa.

Hai năm ở đại đội 3/463 giữ cầu Đồng Nai ghi lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Lúc mới về tôi làm trung đội trưởng, một thời gian ngắn sau trung úy Phong, đại đội phó được thuyên chuyển về phòng 3 tiểu khu, tôi được đề cử lên thay thế. Nhiệm vụ chính của đại đội là giữ an ninh cây cầu chiến lược này. Tuy nhiên, thỉnh thoảng đại đội tôi nhận lệnh tiểu khu cử một sĩ quan dẫn một trung đội đi hộ tống các đoàn quân xa đi qua lãnh thổ tiểu khu. Ngoài lúc công tác, các sĩ quan trong đại đội: đại úy Nhuận, đại đội trưởng, tôi, trung úy Hoàng, thiếu úy Tuấn, thiếu úy Phước, chuẩn úy Lộc thường tập trung ở câu lạc bộ đánh bi da. Trong đại đội có hai tay cao thủ bi da là đại úy đại đội trưởng và hạ sĩ Lý truyền tin. Tôi thuộc loại tay mơ nhưng nhờ hạ sĩ Lý chỉ dẫn nên thường hạ được hai tay mơ khác là thiếu úy Tuấn và chuẩn úy Lộc, nên luôn thắng độ, uống bia khỏi mất tiền. Đại úy Nhuận có kinh doanh một lò gạch ở trong xã Long Bình, bên cạnh cầu Đồng Nai, nên thường qua lại với các ông chủ lò gạch khác, vì vậy chúng tôi cũng thường theo ông đi ăn giỗ ở các nhà quen của ông.

Đại đội tôi chia quân đóng hai bên đầu cầu, phia đầu cầu hướng Sài Gòn có mật hiệu truyền tin Sài Gòn và phía đầu cầu bên kia mang mật hiệu Cogido (tên một hãng giấy gần đó). Phía dưới cầu chúng tôi có đường đi từ bên này cầu qua bên kia, ngang qua các chân cầu dùng làm chốt gác dưới sông. Phía Cogido, đối diện với nơi đóng quân của chúng tôi là bộ Chi huy vùng 3 sông ngòi của Hải Quân. Các sĩ quan hải quân bay bướm thường tổ chức party khiêu vũ và hay mời đám sĩ quan chúng tôi tham gia. Chúng tôi cón được tăng cường một chiếc giang thuyền lúc nào cũng đậu phia dưới cầu.

Kỷ niệm đau buồn nhất trong thời gian tôi phục vụ ở đại đội giữ cầu Đồng Nai là việc tôi mất người em trai phi công nói ở trên. Một buổi sáng đang ngồi ở văn phòng đại đội, tôi nhận được điện thoại từ lính gác cổng trại, cho biết có một bà lớn tuổi xưng là bác gái của tôi muốn vào gặp tôi. Linh tính báo cho tôi biết tôi sẽ có một tin chẵng lành. Tôi lật đật lấy xe lambretta chạy lên cổng trại. Bác gái tôi mếu máo khóc cho tôi biết em tôi đã mất tích, sau khi chiếc trực thăng nó lái bị bắn hạ ở mặt trận An Lộc. Tôi còn nhớ đó là ngày 21-6-1972. Bác tôi cho biết, ba tôi từ Sài Gòn lên đang ở nhà bác, chờ tôi để cùng vào phi đoàn của em tôi trong phi trường Biên Hòa để hỏi thăm tin tức. Khi gặp tôi, ba cho tôi cho biết hồi sáng sớm, thiếu tá Thiểm, bạn tôi làm ở trung tâm hành quân không quân Tân Sơn Nhất nghe báo cáo một chiếc trực thăng UH1 đang thi hành công tác, hộ tống một hợp đoàn trực thăng đổ quân xuống An Lộc bị bắn hạ và hoa tiêu chính của chiếc trực thăng này là thiếu úy Huỳnh Công Quan, em trai tôi. Thiểm vội điện thoại về nhà anh và nhờ em gái anh chạy vô nhà tôi ở gần đó báo tin. Ba tôi vội đi xe lô lên Biên Hòa ngay.

Tôi chở ba tôi vào phi trường Biên Hòa và vào cổng dễ dàng, vì anh họ tôi là trưởng toán quân cảnh tại đó. Anh tôi hướng dẫn tôi vào doanh trại phi đoàn của em tôi. Tôi trông thấy chiếc xe Honda 66 với chiếc guidon cao của em tôi, còn dựng trong sân trước phi đoàn mà nước mắt chực tuôn ra. Sĩ quan trực phi đoàn ân cần nhưng không dấu được vẻ ái ngại khi tiếp chúng tôi. Anh mời ba tôi vào nằm nghỉ trên một chiếc giường nệm phía trong và tôi ngồi với anh ở văn phòng. Anh kể với tôi rằng: ”sáng nay Quan lái chiếc gunship với copilot lá thiếu úy Ẩn cùng chiếc gunship thứ hai hộ tống một hợp đoàn trực thăng của phi đoàn đổ quân xuống An Lộc. Khi tới suối Tàu Ô, có lẽ thấy hết nguy hiểm cho hợp đoàn nên Quan quay trực thăng lại và bị trúng phòng không Việt cộng tại đó. Máy bay Quan rơi xuống đất bốc cháy, chiếc thứ hai đáp xuống tiếp cứu, chỉ tìm thấy phi công phụ, cơ khí viên phi hành và xạ thủ đại liên mà không thấy Quan. Chiếc thứ hai này cũng bị trúng đạn Việt cộng nhưng ráng bay đi và đáp xuống một đồn địa phương quân gần đó trước khi toàn bộ phi hành đoàn được một trực thăng khác đến tải thương về bệnh viện Cộng Hòa”.

Viên sĩ quan trực phi đoàn an ủi tôi: ”hợp đoàn còn đang công tác và nhân tiện tìm kiếm Quan, bác và anh ráng chờ tới chiều hợp đoàn về để biết tin tức về Quan”.

 Nhưng chiều đến, khi tất cả trực thăng của hợp đoàn lần lượt đáp xuống bãi, những chiến sĩ không quân trong bộ combinaison đen, buồn bã đi ngang chúng tôi, gục đầu xuống sau khi chào. Tôi không còn và chắc vĩnh viễn không còn trông thấy dáng cao gầy của em tôi nữa. Lần này tôi không còn cầm được nước mắt nữa.

Hôm sau ba vợ của Quan, hành nghề taxi, buồn bã chở tôi lên bệnh viện Cộng Hòa thăm thiếu úy Ẩn đang năm điều trị tại đây để hỏi thăm tin tức về em tôi. Ẩn kể lại rằng khi máy bay trúng đạn, động cơ tắt ngấm, Quan còn bình tỉnh chỉ chỗ trống dưới đất nói với Ẩn sẽ để máy bay đáp auto (đáp không động cơ mà bằng trớn của cánh quạt) xuống đó. Khi máy bay chạm đất, lật ngang và bốc cháy thì Ẩn bị ngất. Khi các đồng đội ở chiếc gunship thứ hai đến tiếp cứu, Ẩn tỉnh dậy nhìn sang ghế của Quan thì thấy dây an toàn đã mở ra, nhưng không ai thấy Quan ở đâu cả. Ẩn cho biết thêm ngoài Quan bị mất tích, trong ba người còn lại thì anh trung sĩ cơ khí viên phi hành bị phỏng nặng đã chết ở bệnh viện. Trước khi tôi từ giã ra về, Ẩn nắm tay tôi nói: ”anh ráng kiếm Quan, em tin Quan còn sống”.

Cũng vì lời nói của Ẩn, ngày hôm sau tôi quyết định xin theo phi đoàn của Quan, đang tham gia chiến trường An Lộc để tìm em tôi. Tôi lận khẩu colt 45 vào lưng quần đến xin phép đại úy đại đội trưởng để vào phi trường. Đại Úy Nhuận nói: ” ông mang theo súng làm gì, chiến trường An Lộc lớn như vậy, một khẩu colt nhỏ này làm được gì”. Tôi không trả lời ông mà nhủ thầm để tôi tự xử khi lọt vào tay Việt cộng.

Vào phi đoàn tôi được cho theo chiếc gunship của Quan mập (để phân biệt với Quan ốm hay Quan Huỳnh là em tôi). Quan mập là bạn thân của em tôi và nổi tiếng gan dạ trong phi đoàn. Vợ Quan mập bán trong câu lạc bộ của phi đoàn. Quan mập nói với tôi: ”anh đừng lo, hễ em thấy gương cấp cứu của Quan rọi lên thì bất cứ giá nào em cũng đáp xuống cứu nó”. Cả ngày hôm đó, tôi tham dự rất nhiều chuyến bay lên, đáp xuống căn cứ Lai Khê của Quan mập để bay công tác yểm trợ đổ quân, hay tiếp tế cho một cuộc hành quân khổng lồ giải tỏa An Lộc của quân đội ta và đồng minh. Nhưng mục đích tìm em tôi đã không thành, không một dấu vết gì của em tôi trong vòng lửa đạn mịt mù.

Sau hiệp định ngưng bắn Ba Lê, tôi nghe nói mỗi lần đi công tác, khi bay ngang quốc lộ 13, trông thấy lính Việt cộng đi nghênh ngang trên đường, Quan mập bất chấp lệnh ngưng bắn, xả súng bắn rượt bọn Việt cộng chạy trối chết. Sau cùng, tôi lại nhận thêm một tin buồn, Quan mập tử trận ngay trên buồng lái trong một chuyến công tác. Quan ốm đên nợ nước để lại người vợ trẻ 21 tuổi một con và đang mang thai đứa thứ hai. Còn Quan mập cũng hy sinh vì nước để lại một người vợ trẻ mà tôi không biết có lưu lại dòng máu oai hùng của người phi công mà cũng như em tôi sớm chấm dứt cuộc chơi ở tuổi 24. Ôi! Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Cuối năm 1973, tôi làm đơn xin tái biệt phái về bộ giáo dục và được chấp thuận. Lúc đó, ngành giáo dục chủ trương tản quyền, nên thay vì về thẳng trường Ngô Quyền tôi trình diện ở Sở Học Chánh Biên Hòa, (sau là Ty Giáo Dục Biên Hòa). Tôi được tạm cử làm việc ở phòng Học Vụ mà chủ sự là ông Lê Hồng Sanh. Đầu niên khóa 74-75, tôi xin về trường Ngô Quyền dạy lại.

Ở trường Ngô Quyền, tôi tìm được mối giao tình thân hữu với các giáo sư đồng nghiệp, cùng ngày dạy , nhưng với các vị dạy khác ngày có khi tôi chỉ biết tên đề trên thời khóa biểu mà không có dịp gặp mặt. Lúc đó tôi thuộc nhóm giáo sư trẻ nên chơi thân với các anh Nguyễn Phi Long, dạy toán (hiện ở Texas ), Tô Văn Phú, dạy Vạn vật (đã mất), Trần Văn Phúc, dạy sử địa (đã mất), Trần Thái Hùng, dạy toán (hiện ở Việt Nam), Trần Văn Kỷ, dạy toán… Nhưng thỉnh thoảng, trong đêm ở lại Biên Hòa tôi đến nhà trọ của anh Lê Quý Thể xem anh và các bạn đồng nghiệp khác xoa mạc chược. Sau này, tôi tận dụng đêm ở lại để dạy vài giờ toán cho các cours luyện thi ban đêm của anh Nguyễn Thành Dũng ở trường Nguyễn Du.

Dù đã hơn 37 năm đã qua, những kỷ niệm ở Biên Hòa, dù đẹp hoặc không hay, dù vui hay buồn vẫn tồn tại trong ký ức của tôi. Những bữa ăn trưa ngon miệng với Trần Thái Hùng ở quán Thu Hà hay quán Bình Dân, những đêm cùng các bạn đồng ngũ đi tìm hoa khôi Dốc Sỏi, lần nhậu nhẹt sinh ấu đả ở quán nhậu của ông thượng sĩ trung tâm quản trị trung ương ở xã Tân Vạn mà tôi chạy về đại đội dẫn lính đến uy hiếp trụ sở xã, những tối vào phi trường Biên Hòa xem vũ sexy ở các câu lạc bộ Mỹ… tưởng chừng mới xảy ra không lâu.

Những địa danh: cù lao Phố, ngã ba Vườn Mít, ngã ba Tam Hiệp, ngã ba Tân Vạn, công trường Sông Phố… ba cây cầu: cầu Gành, cầu Đồng Nai, cầu Hóa An, các yếu điểm quân sự hay hành chánh: phi trường, tòa tỉnh, tiểu khu … là những nơi tôi từng lui tới và nhất là trường trung học Ngô Quyền, nơi mà tình thầy trò nẩy nở và kéo dài đến ngày hôm nay dù thầy trò đều đầu bạc như nhau.

Có ai về xứ Bưởi cho tôi nhắn gởi nỗi niềm của một thầy giáo trẻ, một anh lính ba gai ngày nào của Biên Hòa nay đã ngót nghét ở độ tuổi ”thất thập cổ lai hy” vẫn thương nhớ vùng đất thân yêu có con sông Đồng Nai hiền hòa, có ngọn núi Bửu Long thơ mộng và nhất là có những cô Bắc kỳ cũng như Nam kỳ nho nhỏ đáng yêu .

Montreal, đầu mùa tuyết rơi 2013,

Huỳnh Công Ân

 

13 Tháng Ba 2024(Xem: 6136)
Chuyến đi thăm Thầy Xưa ngày đầu năm mới 2024 của chị em mình lần này thấm đẫm ân tình, vô cùng ấm áp đúng không chị?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1616)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
08 Tháng Hai 2024(Xem: 6816)
Tôi cảm thấy điều may mắn nhất cuộc đời tôi có được, đó là tình thương yêu của thầy cô giáo trường xưa - cho dù thầy cô đã từng trao tôi con chữ hoặc không -
05 Tháng Hai 2024(Xem: 2300)
Anh chị em chúng tôi đã có một buổi chiều cuối năm âm lịch đáng nhớ, Tết Giáp Thìn đang về rất gần, chúng tôi vui vì mình đã cùng nhau "mời người lên xe tìm về quá khứ"
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 3467)
Nhưng së sang sông Đồng Nai về thăm lại trường cũ, gặp lại Thầy xưa, để biết mình từ đâu và biết chốn để quay về. Ngô Quyền như tiếng gọi trường xưa
12 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 11436)
Với bề dầy tuổi tác, kiến thức đa dạng và vốn sống vô cùng phong phú … thầy hiệu trưởng là kho tư liệu tuyệt vời cho tôi tha hồ khai thác và học hỏi.
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 12383)
Ngày xưa thầy cô tôi đã tận tụy lèo lái những con đò ngang, đưa từng lớp học trò nối tiếp nhau băng qua dòng sông tri thức. Để rồi ngày nay thầy cô lại tiếp tục trao cho những học trò xưa niềm tin bền chặt bởi nghĩa ân sư.
23 Tháng Mười Một 2023(Xem: 7362)
Vui nhất và hạnh phúc nhất, là khi anh Phạm Đình Trung báo tin đã đặt ấn phẩm NQTT lên bàn thờ cố GS. Phạm Thị Khang, cùng lời cảm ơn trân trọng của anh Trung
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5416)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4067)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
02 Tháng Chín 2023(Xem: 3652)
đã xưng tội trong mùa chay nhưng vẫn luôn phạm tội vì đường trần còn tơ vương khanh tướng, giữa chốn vô thường chỉ là tạo vật. Chúa và Phật phải chọn ai đây chỉ cầu mong còn có những cơn mưa…
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3925)
Xin vĩnh biệt người thầy đáng kính của nhiều thế hệ và chúc thầy an bình thanh thản nơi cõi vĩnh hằng sau khi đã hoàn thành sứ mạng cao cả của một lương sư.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 4147)
Do có năng khiếu về âm nhạc, giỏi về nhạc lý, Ba tôi được tuyển chọn làm giáo sư âm nhạc của trường trung học Ngô Quyền từ những năm 1960…
30 Tháng Bảy 2023(Xem: 2653)
Vài bữa nữa về lại SaiGon tôi sẽ giới thiệu cho thêm nhiều bạn bè biết đến trang BHQT và trang ngoquyen ở xa 1/2 vòng trái đất có nhiều trái tim vẫn cùng đập chung một nhịp.
29 Tháng Bảy 2023(Xem: 2429)
Đây là những hình ảnh về ngày Hội Ngộ Ngô Quyền rất đẹp . Thầy cô, học trò và những kỷ niệm. Xin gửi đến các bạn một chút bâng khuâng.