Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Diệp Hoàng Mai - NHỚ THẦY PHÙNG THÁI TOÀN

24 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 10796)
Diệp Hoàng Mai - NHỚ THẦY PHÙNG THÁI TOÀN

NHỚ THẦY PHÙNG THÁI TOÀN

 

 14_1_nhothaypttoan--large

Năm lớp chín, Thầy Phùng Thái Toàn dạy chúng tôi môn Vật Lý. Lúc đó Thầy còn trẻ lắm! Thầy hiền lành, với nụ cười tươi luôn nở trên môi. Giờ học của Thầy học sinh thích thú, vì Thầy hào phóng cho điểm kiểm tra. Thầy từ tốn khuyên bảo học trò, với thái độ ân cần gần gũi của người anh trai với đàn em nhỏ. Chưa lần nào Thầy nổi nóng với đám học trò nhỏ nghịch như quỷ sứ của Thầy. Thỉnh thoảng tôi và vài đứa bạn được dịp… mè nheo: “Thầy ơi, tụi em đói bụng…” Thế là, Thầy cho cả bọn đi ăn hủ tiếu.

Nhà bà Ngoại của tôi ở xã Tân Thuận Đông, thuộc huyện Nhà Bè. Nhà của Thầy ở cư xá Ngân Hàng, dưới lòng cầu Khánh Hội. Từ nhà Ngoại, tôi đạp xe đến nhà Thầy mất chừng mười lăm phút. Vào dịp Tết, tôi đến mừng tuổi Thầy. Nhà của Thầy có khoảng sân nhỏ trồng nhiều hoa đẹp, nhưng Thầy hay khoe: “Này, chó và mèo nhà tôi ở chung một chuồng, nhưng chẳng bao chúng cắn nhau đâu nhé! Đấy, đấy cô xem...” Tôi bật cười khi thấy cô mèo nhỏ bước chân vào chuồng chó, và ngay lập tức chú chó nép vào trong nhường chỗ cho cô mèo nằm tựa vào lòng. Tôi hỏi Thầy: “Thầy huấn luyện thế nào mà hai con vật ghét nhau truyền kiếp, lại có thể sống chung hòa bình như vậy?...” Thầy cười dòn: “Tại tính tôi hiền, nên thú tôi nuôi chúng nó cũng hiền…”

14_2__nhothay_toan_bo-dhmai-large-contentTừ lúc liên lạc lại được với Thầy, tôi tìm đủ cách thúc giục Thầy trở về thăm mẹ thăm quê. Nhưng lần nào, Thầy cũng lãng tránh sang chuyện khác. Đến lúc bị cô trưởng lớp chín hai ngày nào “truy đuổi” quá, Thầy mới nói thật lý do Thầy không thích về quê: “Trong trái tim tôi, có hai cái van là… đồ giả” Thỉnh thoảng trong những lá thư, Thầy cũng không che dấu nỗi buồn về bệnh tình của mình. Nhưng không để học trò cũ buồn lây, Thầy chuyển thái độ lạc quan liền ngay sau đó: “Cái cô Mai này chắc thù tôi lắm, nên cô mới lấy tên tôi đặt tên cho con trai của cô. Lúc nào ghét tôi, cô cứ lôi con của cô ra mắng cho bằng thích nhé!…”

 

Tôi không từ bỏ ý định thuyết phục, và cuối cùng thì… Thầy cũng xiêu lòng. Ngày 08/03/1995, chuyến bay chở Thầy Phùng Thái Toàn từ nước Mỹ đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi đang đi công tác xa, không kịp về để đón Thầy. Tôi ấm ức dặn hai người bạn: “Nhớ chuẩn bị hoa tươi tặng Thầy của mình nghen…” Bạn tôi kể lại, khuôn mặt của Thầy tái nhợt khi rời sân bay. Thầy nhận hoa tươi, mà nụ cười thì … méo mó. Thầy hẹn sẽ về thăm xứ Bưởi Biên Hòa, ngay khi trái tim của Thầy… nguôi giận.

Vẫn ngôi nhà xưa bên cư xá Ngân Hàng, tôi lại đến thăm Thầy. Mẹ của Thầy trên 80 tuối, cứ quấn quít “cậu” con trai… sáu mươi tuổi của mình. Chốc chốc bà cụ nhìn quanh: “Thằng Toàn đâu rồi?...” Một lúc sau, đang chuyện trò bà cụ chợt dừng rồi hỏi nữa: “Thằng Toàn đâu rồi?...” khiến cả nhà cười vang…Bà cụ nói với mọi người: “Tôi thương thằng Toàn nhất nhà…”. Thầy Toàn qua đời, cả nhà giữ ý không để cho bà cụ biết. Bà cụ sẽ không thể nào chịu nổi, nếu hay tin dữ về đứa con lưu lạc của mình. Thôi thì cứ để bà cụ an nhiên sống nốt quãng đời còn lại, và an nhiên mong ngóng con về.

 

Bạn bè của tôi mỗi khi nhắc đến Thầy Toàn, vẫn có đứa trách: “Cũng tại mi đó nghe, Thầy bị bệnh nên không muốn về mà mi cứ chèo kéo…”.  Dù biết các bạn nói đùa, tim tôi vẫn nhói đau khi nhớ về Thầy. Nhưng dù sao thì, Thầy giáo của tôi vẫn có cơ hội gần gũi mẹ già lần cuối trong đời. Người mẹ mà mỗi khi nhắc đến, Thầy luôn dành cho bà những lời thương yêu trìu mến.

Cây bút máy Thầy cho làm quà tôi viết cạn mực từ lâu, nhưng tôi vẫn trân trọng giữ gìn như báu vật. Những lần gặp nhau, tôi và các bạn của tôi vẫn nhắc vẫn nhớ “dáng Thầy đi, giọng Thầy nói, tiếng Thầy cười…” cho dù Thầy đã bình yên về chốn vĩnh hằng mười sáu năm qua …

14_3_nhothay_toan-_dhmai__1992_-large

 

Tháng 03/2011

Diệp Hoàng Mai

22 Tháng Tám 2015(Xem: 22570)
“ Ai trên đời này mà không cần có một bà Mẹ, những người không còn mẹ nữa, lại cần hơn ai hết phải không? Từ ý tưởng vàng ngọc này, xin được một đời kính mến cô Đặng Thị Trí với Bàn Tay Người Mẹ.
13 Tháng Sáu 2015(Xem: 18172)
Đưa Thầy Quýnh trở về như một người thân, Thầy Trò cùng lưu luyến vẩy tay thay lời từ biệt, ánh mắt nụ nười dường như che mát cho một ngày hè.
30 Tháng Năm 2015(Xem: 10200)
Dẫu biết “ Sinh – Lão – Bệnh – Tử” là qui luật của muôn đời, nhưng tôi vẫn cảm thấy bùi ngùi mỗi khi nhìn hình xưa tự hỏi “ Thầy tôi ngày ấy, bây giờ ra sao?.
30 Tháng Năm 2015(Xem: 23072)
từ đây thầy sẽ có được nhiều tin tức của người bạn vong niên và sẽ không còn băn khoăn trăn trở “Không biết thầy Hảo giờ này ra sao?”
15 Tháng Ba 2015(Xem: 19707)
Ngày mùng bốn Tết, tôi ghé thăm thầy hiệu trưởng. Nhóm bạn “Bê Ba” của tôi người bận người bệnh, nên tôi mặc nhiên trở thành “đại diện nhóm” đến mừng tuổi thầy.
07 Tháng Ba 2015(Xem: 20830)
Tôi đưa đôi “bạn thân xưa” của thầy Lê Quí Thể đến điểm hẹn, vừa kịp lúc bên sông Sài Gòn nhạt phai màu nắng. Gió từ lòng sông chưa làm rối nổi mái tóc ngắn của tôi, nhưng cũng đủ làm không gian quán ven sông dịu mát.
27 Tháng Hai 2015(Xem: 19075)
Luận đề của "Đoạn Trường Tân Thanh" hiển nhiên là thuyết "tài mệnh tương đố"", gọi nôm na là "hồng nhan bạc mệnh".
05 Tháng Hai 2015(Xem: 26814)
Tôi hằng mong ước mong “ kho tư liệu trường xưa” này ngày càng phong phú hơn, đong đầy hơn với muôn vàn “ kỷ niệm học trò” do các cựu học sinh NgôQuyền Biên Hòa cùng chung tay vun vén …
12 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 16810)
Dò tìm trong danh sách Ban giáo sư trung học Ngô Quyền Biên Hòa ( 1956 – 1975), tôi được biết thầy Dương Hồng Duyệt từng là giáo sư môn Toán và Nhạc trường tôi từ năm 1961 đến 1965.
04 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 22968)
Dù rất mong thầy cô chúng tôi có nhiều cơ hội gặp nhau, nhưng xem ra việc đi lại của thầy cô – dù cư ngụ cùng thành phố – vẫn là điều không đơn giản.
30 Tháng Mười Một 2014(Xem: 20651)
... cám ơn mái trường Ngô Quyền Biên Hoà đã thu nhận tôi, cám ơn thầy Lê Quý Thể đã đưa tôi về, thầy Phạm Đức Bảo cùng các thầy cô đã dạy dỗ tôi nên người hôm nay,
29 Tháng Mười Một 2014(Xem: 12298)
Tôi điện thoại mời quí thầy cô: Đinh Thị Hòa, Nguyễn Thế Văn, Nguyễn Kim Linh, Đinh Hữu Quyến, Trần Thái Hùng, Trần Đình Tri, Lâm Tấn Văn và Trịnh Hồng Hải … cùng điểm tâm và café sáng Thứ Bảy với học trò.
20 Tháng Mười Một 2014(Xem: 12907)
Vẫn những câu chuyện cũ kỹ về ngôi trường Ngô Quyền Biên Hòa yêu dấu xa xưa, nhưng sao thầy trò tôi nhắc hoài không chán. Tuổi chín mươi lăm, nhưng thầy Phạm Đức Bảo nói về trường xưa, cứ y như thầy đang lật từng chương sách cũ đọc từng trang.
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 68819)
Thầy giáo cũng là con người, nhiệm vụ là truyền thụ kiến thức, nếu có những khuyết điểm xin mọi người thông cảm bỏ qua. Ở hoàng hôn của cuộc đời, sống lại với kỷ niệm cũ là những giây phút hạnh phúc nhất còn lại .
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 48327)
Kỷ niệm tuổi học trò là một trong những điều yêu dấu đó. Mong rằng các bằng hữu của tôi, dù bây giờ đang sống ở đâu, dù bây giờ vẫn còn mang những niềm tin khác biệt, sẽ còn một vài giây phút nào đó, chợt nhớ ra rằng “Ngày xưa, ta cùng học ở Ngô Quyền…”