Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Hồng - HƯƠNG NGOẠI

23 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 9071)
Nguyễn Thị Hồng - HƯƠNG NGOẠI

Hương Ngoại

 

nguyen_hong-content

 Qua khỏi con suối Lồ Ồ một đoạn ngắn, khoảng rừng cao su xanh mát mắt rồi tiếp liền đó khu vườn nhà của Ngoại tôi chợt hiện ra rực rỡ với dàn hoa giấy đỏ tươi thắm hai bên cổng vào, kề bên hàng rào dâm bụt được những dây tóc tiên vàng óng ả phủ lên trên.Thấy bấy nhiêu đó thôi đủ cho tôi cảm giác ấm cúng thân yêu mỗi khi tôi về thăm Ngoại.

 Trên con ngựa sắt lọc cọc, tôi vừa đạp xe vừa miên man tưởng tượng những món ăn nào Ngoại sẽ cho tôi ăn hôm nay, những món thật quê mùa dân dã nhưng dưới đôi bàn tay thần kỳ của Ngoại, chúng trở nên tuyệt vời không sao tả được. Những tưởng tượng đó giúp đôi chân tôi đạp mạnh mẽ hơn dưới ánh mặt trời gay gắt làm lưng áo tôi ướt đẫm mồ hôi trên đường đến nhà Ngoại. 

 Từ khi Ba Mẹ đi làm xa vắng nhà, tôi được giao trọng trách thay mặt cha mẹ “Quyền huynh thế phụ” chăm sóc bảo ban lũ em tôi kiêm luôn việc viếng thăm Ngọai. Chẳng gì tôi cũng là trưởng nam dù tôi chỉ là thằng nhóc con mười mấy tuổi đầu. Với Ngoại, tôi tha hồ mè nheo cho Ngoại nuông chiều không sợ bị la rầy, chứ không lúc nào cũng phải mẫu mực làm gương cho lũ em tôi trông vào.

 Có những mùa hè tôi được về ở hẳn luôn với Ngoại nên vườn nhà Ngoại với tôi, tôi thuộc lòng từng ngõ ngách.Con đường lát gạch đỏ au dẫn vào nhà,mỗi khi được nước mưa tưới mát nhìn thật thích mắt tôi vẫn thường nằm lăn lộn vẫy vùng trên đó lúc trời mưa lớn, tưởng mình như ông tướng dũng mãnh trên ba đào biển cả.Trước sân, hàng cau già thẳng tắp in bóng trên nền trời cao những đêm trời sáng trăng tỏa hương thơm thoang thoảng làm say đắm lòng người, cả nhà cùng ra ngồi cả ngoài sân vừa ngắm tìm chị Hằng trên cung Quảng vừa thưởng thức món chè hoa bưởi thơm ngát của Ngoại nấu. Cội mai già mỗi năm được Ngoại chiết cành cho Ba tôi mang về chưng Tết xum xuê cành lá. Những dây trầu không xanh mướt như dòng suối ngọc từ trời cao đổ xuống. Mấy chậu lan quí khoe sắc màu cùng lũ bướm vờn quanh cho tôi nhiều cơ hội rình bắt đem ép vào vở, mãi đến khi tôi nghe con nhỏ Hoa Hường trách tôi sao quá độc ác tôi mới thôi.

 Phía sau vườn nhà mới là giang sơn của tôi. Những buổi trưa hè êm ả, tôi cầm theo quyển truyện chưởng Kim Dung ra nằm đong đưa trên chiếc võng bên hè dưới bóng mát tàn cây mít, có buồn buồn miệng thì leo lên cây hái vài cái giá mít chát chát hay cây mận trắng gần đó hái đầy một bọc áo, rồi vừa ăn vừa say mê tưởng tượng những pha thi triển võ công siêu quần bạt chúng của các anh hùng hiệp khách. Đọc hồi lâu mỏi mắt, tai nghe các nhạc sĩ ve sầu cùng hòa tấu trong làn gió mát thoảng qua tôi lim dim chợp mắt lúc nào không hay.

 Dọc theo hàng dừa phía sau vườn, một con mương phân cách vườn nhà Ngoại và vườn nhà ông Hai Côn. Tôi thường thích thú ngắm nhìn những con cá tung tăng bơi lội dưới làn nước trong leo lẻo thấy tận đáy. Thể nào tôi cũng tinh nghịch ném xuống mương những viên sỏi nho nhỏ khiến chúng hoảng hốt tán loạn quãy đuôi nhanh chóng tránh xa. Tuy thế chúng cũng ngu ngơ ăn những miếng mồi tôi thả xuống bằng một sợi nhợ nhỏ, cột vào chiếc cần câu tự chế của tôi là một nhánh cây khô nào đó rơi rớt trong vườn. Thấy chúng khờ khạo quá, thương tình tôi lại thả chúng tự do như cũ, để chúng lại tiếp tục nhởn nhơ với đàn.

 Cũng có lúc tôi thơ thẩn ra phía ao sen, ngắm nhìn những đóa sen trắng ngát,cảm khái câu “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” của Ngoại khi ví von sự thanh cao không gì có thể vấy bẩn. Đợi những gương sen đủ lớn có thể ăn được, tôi chọn những cái ngon nhất, không được non quá vì không có hạt, không được già quá sẽ không ngọt, đem về làm quà cho nhỏ Hoa Hường. Tôi thích nhìn vào đôi mắt nó sáng lên mừng rỡ khi nhìn thấy bọc gương sen và bóc vỏ ăn ngay thật ngon lành. Nó mê ăn món nầy lắm, đổi lại khi ấy nó ngoan ngoãn nghe tôi sai vặt, làm cho tôi một cái gì đó như chạy mua cho tôi bịt sinh tố dừa xiêm rau má hay bánh canh ngọt Bà Ba ngoài chợ.

 Đó là khi tôi đã lớn lớn một chút. Chứ còn mấy năm trước, tôi thích ra ngoài hàng dâm bụt tìm hái những đọt lá non gắn thật nhiều vòng quanh miệng, đầu phủ đầy dây tóc tiên vàng chạy vào hù Ngoại và nghe Ngoại mắng yêu không chịu ngủ trưa đi dang nắng lỡ bệnh. Ngoại đâu biết rằng tôi thèm được bịnh lắm lắm, vì thế tôi hay giả vờ bịnh để được Ngoại ra sân hái vào vài lá trầu không, bắt tôi nằm xuống bộ ván gõ mát lạnh, dùng lá trầu đánh gió vào lưng. Mùi trầu thơm nồng ấm sực vào mũi thật dễ chịu. Xong Ngoại còn xoa thêm dầu cù là khắp người tôi. Bàn tay Ngoại xoa đến đâu tôi nghe khoan khoái đến đó, muốn nằm im hoài để được Ngoại thương yêu chăm sóc. Có lúc tôi ngủ thiếp đi mà Ngoại vẫn còn xoa cho tôi được ngon giấc. Lâu dần Ngoại cũng biết bịnh ghiền của tôi, nên mỉm cười cú nhẹ đầu tôi khi thấy tôi làm ra vẻ bịnh nhưng vẫn âu yếm xoa dầu đánh gió cho tôi luôn luôn.

me-large-content

 Còn một cái tật khác nữa của tôi Ngoại vẫn thường cười ghẹo tôi là con trai gì mà ăn hàng hơn con gái. Có lẽ nốt ruồi dưới miệng là dấu hiệu cho thấy trời sinh tôi có tâm hồn ăn uống hơn người. Mỗi lần Ngoại đi chợ Biên Hòa, thể nào Ngoại cũng dẫn tôi theo xách giỏ cho Ngoại, kỳ thực Ngoại muốn đáp ứng lòng tôi. Khi thì ghé hàng bún bì thịt nướng Bà Điếc trong lòng chợ, kèm theo vài cái gỏi cuốn chấm tương thêm chút tương ớt, đồ chua hoặc bì cuốn chấm nước mắm chua ngọt, khi thì là hàng nem nướng chả giò Bà Bảy, bánh xèo Bà Năm. Hôm nào nghe tôi than đói bụng, Ngoại cho tôi đến thăm Bà Ba thưởng thức món cơm thịt kho tàu với trứng, màu vàng đậm đà của cái trứng bên miếng thịt có thêm chút phần mỡ béo ngậy thơm mùi nước dừa tươi hoặc tôm kho tàu, con tôm lớn khoanh mình trong nước sốt sền sệt màu đỏ gạch tôm. Những ngày rằm, mồng một ăn chay có món kiểm béo ngậy thơm phức nước dừa trong lòng chợ của Bà gì tôi đã quên mất tên Bà. Quá nhiều món ngon nhớ đời tôi không thể nào kể hết… Luôn luôn sau đó là ghé tiếp hàng sương xâm, sương sa bánh lọt hoặc chè, tôi cứ lần lượt thay đổi. Trước khi ra về, Ngoại còn mua thêm cho tôi vài viên cốm hoặc xâu kẹo đậu phộng vừa ngào xong còn ấm tay, để buổi trưa cho tôi có cái nhấm nháp.

 Năm nào cũng thế, cứ 23 tháng Chạp tôi lại đạp xe về phụ Ngoại chuẩn bị đón Tết. Ngoại giao tôi chùi bóng bộ lư đồng để bàn thờ. Bộ lư xưa cũ dưới bàn tay mạnh mẽ của tôi trở nên sáng bóng có thể soi mặt được, tôi đắc ý nghe ngoại khen: “Chu choa, thằng giỏi thiệt bây, nhìn bộ lư thấy mát mắt quá!”. Sau đó là chà rửa từ ngoài sân đến trong nhà, màu gạch đỏ au đẫm nước dưới ánh nắng xuân làm mát mẻ cả khu vườn.

 Trong lúc đó, Ngoại ngồi chăm chú lựa từng hạt nếp nguyên, bỏ những hạt tấm, thóc, sạn ra để chuẩn bị gói bánh tét. Tôi chưa thấy ai nấu bánh tét ngon như Ngoại của tôi cả. Những hạt nếp nở thật đều, xanh ngắt màu lá chuối, bao trọn miếng nhân mỡ thấm đều lớp đậu xanh vàng ươm bùi bùi thơm thơm măn mẳn, ăn vào một miếng không nỡ nuốt vội để lắng nghe hương vị tuyệt vời của miếng bánh.Có phải công khó của Ngoại đã làm cái bánh trở nên khác biệt bánh người khác gói. Để ăn kèm với bánh tét, Ngoại làm món dưa cải muối cũng không kém xuất sắc. Ngoại sai tôi thường xuyên xốc nia củ cải trắng phơi ngoài sân, sao cho đủ độ dốt theo ý Ngoại, đến lúc muối xong, miếng dưa mằn mặn ngòn ngọt dòn tan trong miệng.Nắng ấm quê tôi, công khó của Ngoại đã cho tôi những thứ nhớ mãi trong đời mà không bao giờ tôi còn bắt gặp đâu nữa.

 Ngoại nuông chiều tôi hết mực mặc cho Ba Mẹ tôi cằn nhằn “Cháu hư tại Bà”, Ngoại cười xòa “Không sao, cháu của Ngoại giỏi, ngoan lắm”. Tôi cứ muốn ở bên Ngoại mãi mãi để hưởng tình yêu thương của Ngoại.

 Ngày miền Nam rơi vào tay Cộng sản, mọi biến động liên tục diễn ra, gia đình tôi theo làn sóng người tị nạn sang đất nước xa lạ, không sao liên lạc được với Ngoại. Về sau, Ba Mẹ tôi muốn rước Ngoại qua, nhưng Ngoại không đành lòng rời bỏ mồ mã ông bà tổ tiên và mảnh vườn nhà gắn bó với Ngoại suốt cả đời người.

 Riêng phần tôi, những khó khăn cuộc sống mới ban đầu, thêm trách nhiệm đứa con trai lớn trong gia đình với cha mẹ và các em khiến tôi không có dịp nào trở về thăm Ngoại mãi đến khi Ngoại mất. Tôi ray rứt nhớ thương Ngoại khôn nguôi nhất là những khi tình cờ có mùi dầu cù là bay thoảng qua mũi tôi do ai đó đã bôi. “Hương gây mùi nhớ”, người phụ nữ tôi thương yêu, gần gũi nhất trong đời, làm tôi xốn xang trong lòng mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm thuở ấu thơ, mãi mãi không bao giờ phai nhòa trong tâm trí tôi là Ngoại.

 Ngoại ơi, Ngoại có nhớ đứa cháu ngoại cưng của Ngoại như hiện giờ con đang nhớ đến Ngoại đây. Ngoại có biết chăng những khi nhớ Ngoại, con rươm rướm nước mắt và len lén, vì sợ ai thấy sẽ cười, bôi dầu cù là vào đầu mũi con để nằm tưởng nhớ đến Ngoại, đến bàn tay thương yêu của Ngoại đã âu yếm chiều chuộng con ngày nào. Không được chăm sóc cho Ngoại ngày nào khi Ngoại tuổi già sức yếu, con đau xót nhớ thương Ngoại và chỉ biết cầu xin linh hồn Ngoại được an vui nơi chốn vĩnh hằng sau trọn quãng đời hết lòng thương yêu con cháu.

Nguyễn Thị Hồng (ChsNQ khóa 10)

03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 49870)
Tùy bút “Học Trò Già”, được viết vào đầu năm 1973, là một trong những bài văn chưa từng đăng báo...
02 Tháng Mười Một 2012(Xem: 25209)
Tuy sống và trưởng thành ở đô thành Sài Gòn chỉ cách Biên Hòa có 30 cây số, nhưng mãi đến năm 1969, tôi mới làm quen với thành phố này nhân được thuyên chuyển về trường Ngô Quyền dạy học.
02 Tháng Mười Một 2012(Xem: 25445)
Viết phác họa lại một vài nét của nhà giáo cầm phấn trên bục giảng và rồi cầm bút viết văn, người viết bài này thấy rằng đó vẫn là những vai trò cao quý nhất mà một xã hội cần phải có ở thời điểm 20 năm miền Nam và cả bây giờ.
02 Tháng Mười Một 2012(Xem: 23006)
Bao năm qua, bao mùa Phượng vĩ Người xưa đây, cảnh cũ giờ đâu? Phượng bay bay, xác Phượng héo sầu Và mơ mãi về chân trời cũ…
02 Tháng Mười Một 2012(Xem: 21905)
Ngô Quyền trường cũ còn nguyên đó Bè bạn ngày xưa lạc chốn nào? Tiếng ve nức nở sầu nhung nhớ Cánh phượng mưa chiều đọng giọt đau!
02 Tháng Mười Một 2012(Xem: 7569)
... có tài chỉ là một trong số hằng hà sa số mà các CHSNQ đã đạt được ở khắp mọi nơi trên thế giới về mọi lãnh vực và tôi tự nghĩ các CHSNQ giỏi quá rồi, còn nhắn nhủ gì nữa...
02 Tháng Mười Một 2012(Xem: 20774)
Ngô Quyền, xứ Bưởi mến thương ơi, Thế nước xa xôi cách trở rồi Ta vẫn tâm tâm, ta vẫn nguyện Nhà nhà vang tiếng trẻ ca vui.
02 Tháng Mười Một 2012(Xem: 19464)
Ở đó có bạn trai quần xanh áo trắng Bạn gái dịu dàng tóc thả bay bay Có hàng thùy dương vươn cành che nắng Có lá vàng bay rụng giữa chiều phai.
26 Tháng Mười 2012(Xem: 9112)
Tôi rời thành phố Đà Lạt thơ mộng của những năm 40, với bao nhiêu kỷ niệm, vui có, buồn có, tất cả đều được gìn giữ như những bảo vật mà tôi tiếp nhận được trong những năm tháng thơ ngây của tuổi học trò.
25 Tháng Mười 2012(Xem: 8150)
Bước chân chim đưa ta về thơ dại, Em có mơ những ngày tháng Ngô Quyền? Mộng trắng trong và áo trắng trinh nguyên, Chiều tan học nắng vàng say Quốc Lộ.
25 Tháng Mười 2012(Xem: 8508)
Công cha, nghĩa mẹ ơn thày, Ghi tâm khắc cốt sau này chớ quên. Du Xuân hái lộc cầu hên, Người người hạnh phúc, dưới trên an hòa.
25 Tháng Mười 2012(Xem: 8524)
Những ký ức đầu tiên của tôi vào cái năm lên bảy ấy đã theo tôi trong suốt cuộc hành trình “ba chìm bảy nổi”… cho đến tận hôm nay, vào cái tuổi “cổ lai hi”, gần đất xa trời.
25 Tháng Mười 2012(Xem: 10891)
Những kỷ niệm cũ đơn lẻ được tập hợp và kết tinh lại trong một cõi vô hình mà tôi gọi là Hồn Lớp Cũ Trường Xưa. Đó là cái hồn mà tất cả học trò trong lớp của chúng tôi đều ôm ấp trong suốt đời mình!
24 Tháng Mười 2012(Xem: 8238)
Bài thơ dưới đây trích trong lá thư của Cô đã gửi tặng cho một học trò cũ, chỉ 1 tháng trước khi Cô qua đời mà chắc rằng Cô và người học trò cũng không ngờ đây là bài thơ cuối cùng của Cô
24 Tháng Mười 2012(Xem: 10943)
Những lần gặp nhau, tôi và các bạn của tôi vẫn nhắc vẫn nhớ “dáng Thầy đi, giọng Thầy nói, tiếng Thầy cười…” cho dù Thầy đã bình yên về chốn vĩnh hằng mười sáu năm qua …