Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Trương Đức Hoàng - CÓ NHỮNG TẤM LÒNG

07 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 10156)
Trương Đức Hoàng - CÓ NHỮNG TẤM LÒNG

Có Những Tấm Lòng

 

 

63__truong_duc_hoang-content

Trương Đức Hoàng

 

 Sau hơn 30 năm phiêu bạt nơi xứ người, mỗi đêm khuya một mình một bóng mệt mỏi lái xe đi làm về, tôi vẫn ngậm ngùi nhớ về kỷ niệm ở quê nhà với những ân tình người này, người nọ đã dành cho mình.

 Hồi nhỏ tôi ở xứ Túc Trưng gần quận Định Quán trên quốc lộ 20 hướng lên Đà Lạt. Vì Má là cô giáo nên tôi học đánh vần tiếng Việt và bắt đầu lớp Năm (lớp Một bây giờ) sớm hơn một tuổi. Năm này tôi học còn đỡ đỡ, lên hai năm lớp Tư và lớp Ba thì học tệ ơi là tệ vì ngày nào cũng đi vô rẫy bắt dế, mình mẩy thì đen như cột nhà cháy! Năm 1963 do chiến cuộc càng lúc càng sôi động, Má phải gửi tôi về ở với chị Hai và người chị kế ở Biên Hòa. Về đây tôi học thêm một năm lớp Ba ở trường Tiểu học Nguyễn Du.

 Có lẽ đúng như câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, nhờ hai người chị khai sáng cho thằng em, tôi học hành tấn tới thấy rõ. Năm 1966 tôi đã… may mắn thi đậu vào lớp đệ Thất của trường Trung học Ngô Quyền danh tiếng.

 Hồi đó trong sân trường chỉ có phòng thí nghiệm, hai dãy lầu trước và sau, giữa sân trường có trồng mấy hàng dương nhưng không cao lắm. Từ cổng đi vào, phía bên phải là nhà để xe đạp và xe gắn máy. Cách đó khoảng vài chục thước là trường Trung học Bán công Trần Thượng Xuyên.

 Năm đệ Thất, tụi tôi (ba trăm cô cậu trúng tuyển kỳ thi) được chia học trong sáu lớp. Lớp Thất 1 và Thất 4 dành cho con gái và con trai học ban Pháp văn. Các lớp Thất 2, 3 (con gái) và 5, 6 (con trai) thuộc ban Anh văn.

Từ năm đệ Thất đến đệ Tứ, các lớp nam học buổi chiều thứ Hai, Ba,Tư và buổi sáng thứ Năm, Sáu, Bảy. Các lớp nữ học ngược lại nên tụi tôi rất ít khi gặp nhau, ngoài lúc đi trực khác buổi để đem sổ điểm danh cho Thầy Cô ký.

Trong bảy năm từ đệ Thất đến đệ Nhứt (lớp 12 bây giờ) với biết bao hỉ nộ ái ố, lớp tôi đã may mắn được quý Thầy Cô dạy dỗ thật ân cần (dù đôi lúc tụi tôi cũng bị phạt, bầm giập vì tội phá phách quá cỡ!).

 Năm 1968, Má tôi chuyển về dạy ở trường Tiểu học Trịnh Hoài Đức và quen với cô Tư Thanh. Cô có mở dạy thêm từ lớp Năm đến lớp Nhứt ở nhà. Đến năm 1971, Má quyết định cất thêm một căn nhà nhỏ để sau này mấy chị em tôi có chỗ ở rộng rãi hơn. Hầu có thêm chi phí xây cất ngôi nhà mới, ngoài buổi dạy chính ở trường, Má đi dạy thêm ở nhà cô Tư.

 Năm này dù tôi đã tập tểnh bước lên lớp 11, Má vẫn lo lắng cho tôi như lúc mới thi vào đệ Thất. Má mua một xấp vải rồi dẫn tôi đi “diện kiến” cô Tư để may hai cái quần dài đi học. Tôi rất vui vì Cô đã đối xử dịu dàng và xem mình như em út. Đến chừng lấy quần về thì hỡi ôi, đáy cái nào cũng xệ ngang giữa đùi còn lai quần thì cao trên mắt cá! Dù tính tôi không thích chưng diện nhưng lúc đó cũng hơi buồn buồn, vì năm học đệ Tứ đã biết xao xuyến bâng quơ khi có dịp gặp các tiểu thư học khác buổi.

 Năm 1973 tôi lên Sài Gòn học nên ít có dịp gặp lại cô Tư. Sau này gia đình cô dọn về Bình Ý và Cô có gửi thư qua Úc thăm Má tôi. Trong một lần tính cờ, tôi bồi hồi khi đọc một lá thư của Cô, tuy nét chữ vẫn còn rắn rỏi nhưng rất lớn và “lên đồi xuống dốc” vì mắt của Cô đã kéo mây, gần như bị mù!

 Sau năm 1975, hình như không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình, tôi cũng trong tâm trạng đó, rất hoang mang và không biết mình có được tiếp tục học hay không? Cũng trong năm này, tôi đã có nhiều thì giờ để mơ mộng làm những chuyện quá sức của mình.

 Thời học Trung Học ở Ngô Quyền, tôi chơi rất thân với một người bạn tên Hùng. Năm 1972, Hùng và một số bạn của tôi kẹt tuổi lính, tôi mới chơi thân với anh Dũng của Hùng. Hồi đó anh Dũng học trường Chính Trị Kinh Doanh ở Đà Lạt, đến ngày đất nước thay đổi, anh ấy về lại Biên Hòa và hợp với tôi giống như một cặp bài trùng vì hai anh em có những sở thích rất giống nhau. Lúc đó, hai anh em khi thì đi tắm sông, khi thì đánh cờ tướng cả ngày, rồi lại nghiên cứu đủ thứ sách, từ chính trị đến tướng số, tử vi và phong thủy.

 Cho đến một ngày, tôi và anh Dũng rủ nhau đi làm củi vì bạn của anh ấy có một miếng rẫy gần sông Buông ở Long Thành. Tôi chỉ nghe người ta nói rồi bắt chước chứ hồi nào đến giờ đâu có biết vô rừng đốn củi là gì! Trước khi đi, hai anh em trang bị nào là gạo, mắm ruốc xào xả ớt và cá khô... vì nghe nói là phải ở lại cả tuần trên rẫy. Sáng sớm đạp xe qua Tân Vạn rồi quẹo trái ở Xa Lộ Biên Hòa, sau đó đi từ ngã ba Long Thành đến ngã ba Thái Lan, quẹo trái để vào sông Buông. Trong thời gian này, người ta kéo vô đây rất đông để phá rừng chồi làm rẫy và làm củi.

 Hồi đó mắc cười lắm, đi đến đâu tôi với anh Dũng cũng nhìn thế đất, xem chỗ nào có thể phát vượng lên được, giống như kiểu đi tìm địa linh. Lúc ở rẫy, tụi tôi cũng bắt chước đi lấy măng trong rừng tre, phải dùng cây câu liêm thật dài để cắt và khều măng ra vì đây là những bụi tre gai, nếu sơ xẩy sẽ bị gai cào túa máu như chơi. Ngoài ra, mình phải bỏ áo vô quần, dựng cổ áo lên để tránh những con vắt hút máu. Sau khi lấy măng về, mình lột ra rồi luộc và sau đó cho măng vô bao vải, loại bao nhỏ đựng cát, để đem về nhà.

 Một buổi chiều, khoảng 5 giờ hai anh em chở củi về Biên Hòa, lúc đạp xe ra gần đến ngã ba Thái Lan thì xe của tôi bị hư "con chó", dây sên cứ bị sút ra hoài, đi một chút lại ngừng, một chút lại ngừng. Lúc đó trời mưa tầm tả và sụp tối rất mau, cạnh một chiếc xe thiết giáp (có lẽ của Trường Bộ Binh Long Thành) bị bắn cháy có vài ngôi mộ chơ vơ. Khi nhìn mấy con đom đóm lập lòe trên mấy ngôi mộ, tôi thấy hơi… ớn ớn, dù từ nhỏ đến lớn đi chơi lang bạt kỳ hồ tôi đâu biết sợ ma là gì.

 Vì bị mắc mưa, anh Dũng đột nhiên ngã bịnh, người của anh vừa nóng vừa lạnh, gương mặt thì xanh mét, môi thâm tím. Tôi phải "kè" anh ấy ra đến ngã ba Thái Lan rồi quyết định không đi nữa, phải tìm một chỗ nào xin tá túc qua đêm thôi. Khi sắp qua một khu rừng cao su gần chỗ có xóm làng, tôi đẩy hai chiếc xe đạp vào mấy bụi cỏ rậm, tuôn củi xuống và dấu trong đó, đợi sáng hôm sau sẽ đến lấy lại vì dù gì cũng do công sức của mình đốn mà!

 Lúc vào trong xóm đã hơn 8 giờ tối, hai anh em xin một chị chủ nhà cho ngủ qua đêm, chị ấy có hai đứa con nhỏ, chồng là khóm trưởng phải đi trực gác. Tôi phải vắt quần áo để phơi và mượn một cái mền để đắp cho anh Dũng. Phần bụng đói nên tụi tôi đã không ngần ngại xin cơm ăn, chị đã dọn lên nồi cơm nguội và một tộ cá kho. Hai anh em thiệt tình "làm" hết nồi cơm luôn! Đêm đó tôi đâu có ngủ được, nằm ôm để chuyền hơi nóng cho anh Dũng mà lo ngại theo từng cơn run vì nóng lạnh của anh.

 Sáng hôm sau, tôi cám ơn chị chủ nhà rồi trở lại chỗ tuôn củi hôm qua nhưng không thấy một khúc củi nào hết! Không tin ở mắt mình nữa, tôi đi quần hết mấy bụi cỏ cao trên đầu gối cả thảy ba lần mà vẫn không tìm được gì hết ! Tôi nói với anh Dũng:

 - Sao kỳ vậy ta, không lẽ lại có ma? Em dấu củi kỹ lắm mà!

 Hôm đó coi như hai anh em về nhà tay không mà trong lòng tôi cứ thắc mắc hoài vì lúc đó mới khoảng 6 giờ sáng, còn rất sớm để người khác đi "chôm" củi của mình. Sau đó, anh Dũng bị bịnh hơn một tuần lễ và Má của anh không cho anh đi làm củi nữa. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không bao giờ quên ơn của chị chủ nhà đã giúp hai anh em qua cơn hoạn nạn, đôi lúc suy nghĩ tôi không biết gia đình của chị ấy như thế nào? Sau này anh Dũng đi Mỹ theo diện bảo lãnh, rất may tôi cũng vừa liên lạc được với anh ấy vào tháng 10, 2008 qua Hội Ái Hữu Học Sinh Ngô Quyền (vì anh Dũng cũng là một cựu học sinh của trường nhà).

 

 Trở lại với những chuyện vui buồn của những ngày tháng vừa mới đổi đời. Tôi còn nhớ khoảng tháng 8 năm 1975, tôi đi với Quan, một bạn học đến nhà người chị bà con của Quan để xem cầu cơ (cầu hồn của người khuất mặt). Khi biết tôi không có chỗ ở trên Sài Gòn, chị ấy đã đưa cho tôi chìa khóa và dặn cứ vào ở trong một căn nhà bỏ trống của chị ở Cầu Kho. Hồi đó, đi đâu tôi cũng đem theo một cái ba lô giống như "Tây ba lô" với vài bộ đồ cho gọn và nếu có chuyện gì thì... dễ chạy, chẳng hạn như... bị Công An rượt!

 Lúc vác ba lô đến căn nhà này, tôi cứ tưởng mình vô lộn nhà vì đã có người ở, trong nhà có một chị đàn bà khoảng 35 tuổi và năm đứa con. Đến chừng hỏi ra mới biết mình đã tìm đúng nhà, nhưng vì sau năm 1975, thấy nhà bỏ trống, gia đình chị Hai quá nghèo đã dọn vào ở. Tôi đâu biết nói làm sao vì mình chỉ "nghe lịnh" của chủ nhà tới ở thôi. Sau khi trò chuyện với chị khá lâu, tôi đành leo lên một cái gác lững ọp ẹp khoảng năm thước vuông nằm tạm.

 Chị Hai có năm đứa con, đứa lớn nhứt khoảng 12 tuổi theo thứ tự: Nhung, Hào (còn có tên là "Đại Hàn" vì cháu có đôi mắt một mí), Thúy (tên "bà chằn" vì rất dữ), Sơn và bé Diễm. Chồng của chị chạy xe ôm nhưng sống với vợ bé trong xóm ở gần đó. Lúc ở đây, sáng thì tôi đi làm cho Công Ty Kim Khí, công việc chỉ là đếm bù lon, con tán trong nhà của mấy người Tàu bỏ lại ở bến Chương Dương, rồi báo cho người thư ký kiểm kê. Khi làm ở đây, tôi mới biết ngưòi ta đốt “phong long” là gì? Một buổi trưa nọ có một chị bán hàng ở trước cửa nhà ế quá, chị đã vò một tờ báo và đốt lên rồi nhảy qua nhảy lại trong khi miệng thì khấn vái lầm thầm giống như người ta đọc thần chú vậy! Buổi tối tôi hay nằm đong đưa trên võng, bồng cháu Diễm trên bụng và kể chuyện cho mấy đứa nhỏ nghe, từ Tề Thiên Đại Thánh đến cổ tích, lịch sử Việt Nam. Đêm nào cũng phải kể tới khuya rồi mới ngắt một chút để hôm sau kể tiếp.

 Tôi đi làm được gần một tháng thì hết việc. Lúc này mới thê thảm, có khi chỉ có hai trái chuối sứ nấu để cầm cự cho qua bữa. Có một buổi trưa, tôi đang nằm trên gác đọc sách để chịu đựng cho qua cơn đói (cũng phong lưu chán!) thì thấy cháu Đại Hàn rón rén leo lên cầu thang. Tôi hỏi:

 - Con làm gì đó Đại Hàn?

 - Bữa nay Má nấu xôi lạp xưởng, Má kêu con đem một tô lên cho chú sợ chú đói.

 Lúc đó tôi muốn rớt nước mắt, thật trong cảnh nghèo khó mình mới thấm thía tình người như thế nào!

*

 Năm 1977, tôi vô Đại Học Xá ở, khi đến thăm chị Hai mới hay cháu Sơn đã mất vì bịnh rất nặng. Sau đó tôi mất liên lạc với gia đình chị Hai. Bây giờ đôi lúc tôi tự hỏi: "Không biết gia đình của chị Hai ra sao, mấy đứa nhỏ chắc lớn và có gia đình hết rồi?” Họ có còn nhớ tới tôi hay chăng tôi làm sao biết được, chỉ biết tôi không bao giờ quên tô xôi lạp xưởng đơn sơ mà gói ghém cả một tấm lòng của chị. Dù ở phương trời nào, tôi cũng cầu mong cho gia đình chị Hai, cô Tư Thanh và người chị “chỉ một lần quen” ở Long Thành được bình yên, hạnh phúc.

 

 

24 Tháng Mười 2012(Xem: 8244)
Tà áo dài xưa ấy Xa xôi ở phương nào Thời gian không dừng lại Thoáng nỗi buồn... bâng khuâng.
24 Tháng Mười 2012(Xem: 8311)
Dù ai đi ngược về xuôi Ngô Quyền họp mặt nhớ thời học sinh Từ năm Thất - Lục... chúng mình Những ngày chung lớp thân tình với nhau
24 Tháng Mười 2012(Xem: 8631)
Các em yêu tuổi học trò bao nhiêu thì tôi cũng yêu thuở bước chân vào nghề giáo với bao nhiêu hoài bão xây dựng bấy nhiêu.
24 Tháng Mười 2012(Xem: 8118)
Nhận Sự vụ lệnh dạy giờ, tôi đến trường Trung học Ngô Quyền cùng ngày với thầy Hà Tường Cát và thầy Kiều Vĩnh Phúc.
24 Tháng Mười 2012(Xem: 9996)
(Dâng tặng hương linh V.T.T, cựu nữ sinh Ngô Quyền Lớp Đệ Nhị A – Khóa 7)
23 Tháng Mười 2012(Xem: 8768)
Và cũng nghe các đàn anh, đàn chị, ban bè "thưa với Thầy Cô cũ" để thấy là trong một góc tâm hồn, vẫn còn nơi chốn cho ta tìm lại một góc Ngô Quyền.
23 Tháng Mười 2012(Xem: 8198)
mời các chs NQ cùng nghe lại vài lời "nhắn nhủ học trò xưa" của một số Thầy Cô để thấy là ở bất cứ tuổi nào chúng ta cũng cần có những lời khuyên đáng quý của cha mẹ và thầy cô.
23 Tháng Mười 2012(Xem: 7790)
Về Ngô Quyền, tôi được thầy Phạm Đức Bảo, Hiệu Trưởng thân mật tiếp đón và thầy Phạm Khắc Thành, Giám Học xếp cho dạy Luận Lý, Đạo Đức và Tâm Lý Học cho một số lớp 12 và Việt Văn lớp 11, lớp 10.
23 Tháng Mười 2012(Xem: 7529)
Hướng về quê cũ thiết tha, Nhiều đêm nhung nhớ lệ sa từng dòng. Ngày đầu cuộc sống lưu vong, Xa trường, nhớ bạn ước mong sum vầy.
23 Tháng Mười 2012(Xem: 7800)
Em có nhớ màu bảng đen phấn trắng? Thuở mộng mơ, thời mắt sáng môi hồng, Tiếng ve ngâm, sắc phượng đỏ, nắng trong, Mùa thi tới, những tháng ròng mất ngủ…
23 Tháng Mười 2012(Xem: 7664)
có nhiều lý do khiến tôi yêu mến, gắn bó với Trường Trung học Ngô Quyền. Lý do chính yếu là sự thân thiết, chân thành, tương thân tương ái, như anh em bà con một nhà, trong cách cư xử với nhau giữa mọi thành phần trong trường.
23 Tháng Mười 2012(Xem: 6815)
Tôi được vinh dự có mặt trong ban giảng huấn đầu tiên của Trường Trung Học Ngô Quyền, bắt đầu khai giảng với ba lớp Đệ Thất vào cuối tháng Tám năm 1956,
23 Tháng Mười 2012(Xem: 6493)
Hội Ái Hữu Chs Ngô Quyền xin trân trọng ghi nhận và chân thành cảm tạ những tấm lòng ưu ái, rộng lượng của quý Thầy Cô và Chs Ngô Quyền,
23 Tháng Mười 2012(Xem: 7387)
Hy vọng tác phẩm Ngô Quyền Một Thời Để Thương Để Nhớ sẽ khiến cho bao kẻ từ quan mơ lại giấc mơ ngọt ngào ngày nào trong động hoa vàng của một rừng kỷ niệm.