Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Yến - MIỀN THƯƠNG NHỚ

07 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 9804)
Nguyễn Thị Yến - MIỀN THƯƠNG NHỚ

Miền thương nhớ


hoa_buom-content


  Tôi xa trường đã hơn 40 năm, nhưng mỗi lần có dịp đi qua, tôi đều tự hào khoe với người đi cùng: "đó là trường tôi, trường trung học Ngô Quyền."

 Sau khi học hết bậc trung học Đệ nhất cấp ở trường trung học Long Thành, tôi lên tỉnh, học lớp Đệ Tam trường trung học Ngô Quyền. Tôi chỉ học ở đây có 2 năm (Đệ Tam và Đệ Nhị), một khoảng thời gian rất ngắn so với đời người, nhưng tên trường Trung Học Ngô Quyền đã đi vào ký ức tươi đẹp của cả cuộc đời tôi vì ngôi trường thân thương này đã cho tôi biết bao kỷ niệm của thời tuổi ngọc thơ mộng. Đến với trường Trung Học Ngô Quyền, tôi có thêm nhiều thầy cô đáng kính, nhiều bạn mới và nhất là các bạn cũ ở trường Trung Học Long Thành cùng lên học và chúng tôi ngày càng thân thiết hơn.

 Ngày tôi vừa vào lớp Đệ Tam B, trường Trung Học Ngô Quyền, thì chị Xuân, vốn là trưởng lớp ở đây từ thời Đệ Thất lên, chị chỉ vào tôi và nói:

 - Con nhỏ này học giỏi lắm!

 Thì ra, khi thi trung học Đệ Nhất cấp, chị là người ngồi gần tôi và tôi đã chỉ bài cho chị ấy. Thế là, hình như cả lớp đều có cảm tình với tôi. Thích thật! 

 Nhưng tôi lên học chưa được nửa tháng thì tôi nhớ nhà quá, tôi không thể chú tâm vào việc học. Vì thế, tôi xin bố mẹ cho về Sài Gòn học. 

 Việc tôi về Sài Gòn học khiến bố mẹ tôi rất mừng vì gia đình tôi có nhà ở Sài Gòn, anh chị tôi ở đó, bố mẹ tôi thường xuyên đi về Sài Gòn - Long Thành. Nhưng bạn Của, ở trọ chung nhà với tôi tại Biên Hòa lại rất buồn, nó xách vali tiễn tôi ra bến xe mà giọt vắn, giọt dài. Tôi thương bạn lắm, nhưng biết làm sao, về ở nhà mình vẫn hơn.

 Tôi từ tỉnh chuyển về Sài Gòn, lại không đúng vào đầu năm học nên tôi phải vào học trường tư. Lúc ấy, tôi mới biết trường tư, trường công khác nhau một trời một vực. Cô giám thị đưa tôi đến lớp. Thầy cô chưa đến. Lớp mất trật tự vô cùng, học sinh lố nhố, kẻ đứng lên ghế, người ngồi trên bàn, đứa chạy lăng xăng. Cô giám thị vào cũng chẳng ai quan tâm. Lớp học thì nhỏ mà học sinh lại đông. Tôi thất vọng quá. Nhưng tôi vẫn nở nụ cười xã giao, ngay lập tức, ở cuối lớp có tiếng la:

 - A! một con bò lạc, răng khểnh, đẹp quá!

 Lạ! được khen sao tôi chẳng thích, tôi ngồi vào chỗ giám thị chỉ định và quan sát xung quanh. Vài đôi mắt nhìn tôi tò mò, nhưng chưa ai kịp đến làm quen với tôi thì tôi đã đứng dậy ra về. Tôi chợt nhớ những giọt nước mắt lăn trên đôi má nhỏ Của, nhớ đến những bạn cũ, mới của tôi và tôi ý thức được rằng: trường Ngô Quyền, nơi tôi chỉ mới đến thôi, đã gắn bó với tôi rồi, vì nơi đó có những khuôn mặt bạn bè cũ, mới đều dễ thương hơn bất cứ nơi nào khác. 

 Tôi còn nhớ giáo sư hướng dẫn lớp Đệ Tam B của bọn con gái là cô Loan, dạy Việt văn. Khuôn mặt cô hiền hậu với nụ cười kèm theo cặp mắt hơi híp lại của cô khiến ai cũng phải vui lây. Việc đầu tiên của giáo sư hướng dẫn khi vào lớp là cho bầu trưởng lớp. Chị Xuân giơ tay bầu chọn tôi. Làm trưởng lớp có gì khó, nhưng tôi không thích. Tôi đứng lên, nhăn nhó:

 - Thưa cô, không được, em còn không biết cái Văn Phòng ở đâu.

 Cô giáo phì cười, cả lớp cười theo. Dĩ nhiên sau đó chị Xuân vẫn làm trưởng lớp. Cô Loan ở trọ nhà bạn Nuôi, sau này bạn ấy có về dạy tại Trung Học Long Thành. Bạn ấy thuật với tôi, cô Loan kể lại với cô Phương và bạn Nuôi về lý do tôi từ chối làm trưởng lớp, cô xem đó là chuyện vui và còn khen tôi thật dễ thương. Đối với cô Loan, tôi cứ dễ thương như thế suốt 2 năm tôi học đệ tam và đệ nhị.

 Tôi cũng nhớ thầy Dật, dạy Anh văn, năm tôi học đệ nhị. Ngày tôi lãnh thưởng, thầy đặc biệt chụp cho tôi một tấm hình. Mấy ngày sau, thầy đưa hình cho tôi,vẻ mặt thầy hơi ngượng ngùng. Thầy nói:

 _Vì thiếu ánh sáng nên hình hơi xấu, em đừng buồn.

 Tôi cười toe toét:

 _Người xấu làm sao hình đẹp được, thầy.

 Thầy cười, gõ nhẹ vào đầu tôi và nói:

 _Con bé này, thật là...

 Đấy, thầy cô tôi đáng kính, đáng yêu như thế, tôi thương yêu trường cũng là lẽ tự nhiên thôi.

 Bạn bè tôi thì sao? Có bạn quậy, cũng có bạn hiền khô. Tôi không phải là học sinh quậy nhưng nếu ai rủ quậy tôi cũng không từ chối. Bạn quậy phải kể chị Xuân. Thường vào chiều thứ bảy, đến giờ Anh Văn, giáo sư chưa kịp đến, chị Xuân đã hô lên: 

 - Thầy nghỉ rồi, về tụi bay.

 Chúng tôi đều biết thầy không hề nghỉ, đó là lời ngầm xúi giục cúp cua. Chị Xuân là trưởng lớp chịu chơi, chị lúc nào cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm về lời nói của mình.Vì thế, chúng tôi thường dễ dàng hưởng ứng. Tôi là người thích nhất, đứng dậy ra ngay bến xe, về nhà.

 Trong lớp tôi, đứa hiền khô là Trương Thị Liên (em cô Vui, dạy Anh Văn). Liên không bao giờ cúp cua, dù cả lớp về hết bạn ấy vẫn ngồi lại đợi thầy cô cho phép mới về. Liên còn là học sinh giỏi nhất lớp từ Đệ Thất đến Đệ Tam, mặc dù, Liên không giỏi Toán, Lý, Hóa bằng tôi nhưng Liên rất chăm. Liên giỏi đều các môn, về điểm này tôi khâm phục bạn ấy lắm.

 Cuối năm Đệ Nhị, tôi hạng nhất, Liên hạng nhì. Bạn ấy không đi lãnh thưởng (hình như đây là lần đầu tiên, Liên bị mất vị trí nhất lớp). Chiều hôm sau, thầy Bát Tuấn (dạy Toán) gọi Liên lên bảng làm bài, Liên không giải được (có thể bạn ấy còn đang buồn chuyện phải đứng hạng nhì). Thầy Tuấn gọi tôi lên, cũng may là tôi giải được. Thầy cười và nói với Liên: 

 - Vậy là đúng rồi, có gì phải buồn đến nỗi không đi lãnh thưởng.

 Tôi nhìn Liên ái ngại. Nhưng xem ra Liên không hề đố kị với tôi, bạn ấy không có cái hồn nhiên, nghịch ngợm như các bạn học sinh khác, bạn ấy nổi tiếng học gạo nhưng cũng rất tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ các bạn khác, trong số đó có tôi. Tôi thường nhờ Liên dò từ điển, việc này Liên giỏi nhất, Liên thường chỉ mở 1 lần là đúng chỗ có âm khởi đầu của từ cần tìm. Khi tôi vào học Sư Phạm, Liên gặp tôi tại thư viện của trường (Liên học Đại Học Khoa Học, cạnh trường tôi.) Hai đứa tôi mừng lắm, hỏi thăm nhau đủ thứ, tôi nhớ nhất lời phát biểu của Liên:

 - Chị giỏi vậy mà học Sư Phạm. Tiếc quá!

 Ừ, tiếc thật! Nếu nhà tôi không nghèo và tôi không sợ mùi ê te thì tôi sẽ học y khoa, làm bác sĩ rồi. Đấy chẳng qua là do số mạng.

 Tôi tin số mạng lắm. Số mạng xui khiến tôi từ Sài Gòn về Long Thành học tập để được kết tình thân ái với những người bạn đứng hàng thứ ba sau quỷ và ma nhưng lại rất dễ thương, rất nhân hậu. Tôi cảm ơn số mạng, đã đưa tôi trở lại trường Ngô Quyền, để có những người bạn dù quậy như chị Xuân hay hiền như bạn Liên đều rất đáng yêu. Đó cũng là lý do khiến tôi càng yêu trường hơn. Đặc biệt là khi học trường Ngô Quyền, chúng tôi, những học sinh cũ của trường THLT mỗi lúc một thân nhau hơn.

 Cũng như bây giờ, các bạn Việt Kiều ở xa quê gặp nhau thì thật là mừng. Lúc ấy,tôi cũng vậy, lên Biên Hòa, cứ gặp người Long Thành là tôi thân, bất kể nam hay nữ. Có nhiều bạn khi còn ở quê, tôi chỉ biết mặt mà không biết tên hoặc nghe tên mà không biết mặt hoặc chẳng biết tí gì. Thế mà lên học Ngô Quyền, vừa quen các bạn ấy, tôi đã thấy họ thân thiết với tôi như từ lâu lắm rồi. Để kể về những người bạn vừa học chung trường trung học Long Thành lại vừa học chung trường trung học Ngô Quyền của tôi thì dài lắm, nhiều tình cảm lắm, kể sao cho hết. Chỉ chắc chắn một điều, các bạn ấy cũng là nguồn yêu thương mà tôi ghi nhận ở trường Ngô Quyền của tôi.

 Trường Ngô Quyền bây giờ, thầy cô tôi không còn dạy nữa, bạn bè tôi cũng mỗi đứa một nơi, nhưng mỗi khi nhắc đến tên trường thì tôi lại thấy cả một miền thương nhớ...

 NGUYỄN THỊ YẾN

 CHS Ngô Quyền Khoá 6

 

 

xe_dap_5-content

 

07 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 75171)
Để hôm nay ngồi đọc lại những giòng thư T. đã viết ngày xưa, cho em thầm mơ có một ngày thấy T. ôm đàn hát giữa bạn bè những Bài Không Tên… nồng nàn, thiết tha như những ngày vui năm cũ.
28 Tháng Mười Một 2012(Xem: 10378)
Tôi muốn nói với Thầy Cô cũ Lời cám ơn bao lớp Ngô Quyền Niềm tự hào thiên chức thiêng liêng Tình cảm cũ lưng tròng ngấn lệ (*)
28 Tháng Mười Một 2012(Xem: 9216)
Thế là được tin nhau. Cô đang rất bình yên và hạnh phúc. Đó là điều anh mong ước vô cùng. Anh mỉm cười sung sướng vì anh vừa tìm lại được một chút vấn vương của màu ”Nắng Hạ” ngày xưa.
28 Tháng Mười Một 2012(Xem: 9836)
Mỗi lần nghe tiếng ve râm ran, nhìn hàng phượng đỏ rực bên đường, tôi lại thấy tuổi học trò sống lại, lòng cảm thấy nôn nao. Vội vàng gọi hai tiếng "Hạ Ơi!".
28 Tháng Mười Một 2012(Xem: 9725)
Vai trò của biên tập là không thể thiếu ở bất cứ tòa soạn báo nào. Thế mà, như đã nói từ đầu, họ chỉ là những con người thầm lặng và vô danh.
28 Tháng Mười Một 2012(Xem: 8735)
Hãy cất giữ ấm nồng_tình mẫu tử trong con. Đẹp tựa hình con thương, Giữa mặn nồng tim mẹ Mẹ thương con nhiều lắm hỡi con yêu!
24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 27481)
Chúng ta hãy hãnh diện và may mắn có được những người bạn đồng hành, hơn cả người bạn đời, mà là “bạn đời đời”, những người “bạn bình phương” nầy sẽ cùng theo ta trong suốt cuộc đời
24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 27177)
Nhưng dù sao, tôi vẫn tìm được chút hạnh phúc, hãnh diện khi thấy tên Trường Trung Học Ngô Quyền vẫn kiêu hãnh giữa trời… gió bụi, nhất là mình cũng là một Trung Học Sĩ ở ngôi trường thân yêu nầy.
24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 25686)
những áo trắng học trò ngày xưa giờ kẻ ở phương Đông người ở phương Đoài, dù chưa thể gặp lại nhau nhưng tình cảm giữa những ai đã từng gắn bó với Trường xưa, Lớp cũ bao giờ cũng như thế vẫn chẳng đổi thay …
24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 28613)
Mưa thưa ơi xin ngừng rơi đi nhé! Để tâm hồn lắng đọng giữa đêm khuya Anh và tôi xa rồi thời áo trắng Kỷ niệm đầu xin giữ mãi trong tim
24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 25856)
Bạn cũ giờ đây khắp muôn phương Theo dấu thời gian tóc điểm sương Ước gì gặp lại ôn chuyện cũ Chia sẻ tâm tình còn vấn vương...
24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 22995)
Năm học Niên khóa 1965-1966, tôi và một số học sinh thuộc trường Trung học quận Long Thành được tuyển lên trường Trung Học Ngô Quyền, trường công lập duy nhất của tỉnh Biên Hòa để tiếp tục theo học bậc Trung Học Đệ Nhị cấp.
24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 24365)
Không thể ngờ trong thành phố mà lại có khoảng không gian khoáng đãng và bát ngát xanh đến nao lòng thế này. Tôi đi trên đường đê lộng gió.
24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 24910)
Gần 4 thập niên trôi qua, những kỷ niệm của thời cắp sách đến trường, của lớp 12A1 vẫn còn hiện hữu trong tôi. Thế nhưng có những người thân yêu của tôi giờ không còn nữa như giáo sư Toàn
24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 25286)
Thôi thì tạm dừng ở chỗ cần phải dừng, để kỷ niệm tự nó sống dậy trôi chảy vào dòng máu và ẩn hiện bồng bềnh mông mênh trong tâm khảm,