Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Trầm Mặc Hoa Huyền - KỶ NIỆM TRƯỜNG XƯA

24 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 22749)
Trầm Mặc Hoa Huyền - KỶ NIỆM TRƯỜNG XƯA

KỶ NIỆM TRƯỜNG XƯA


49__tram_mac_hoa_huyen1-content

 

 Năm học Niên khóa 1965-1966, tôi và một số học sinh thuộc trường Trung học quận Long Thành được tuyển lên trường Trung Học Ngô Quyền, trường công lập duy nhất của tỉnh Biên Hòa để tiếp tục theo học bậc Trung Học Đệ Nhị cấp. Con số không nhiều lắm như Lữ Công Tâm, Lê Cát Bá, Đặng văn Toản, Bùi văn Nhỏ, Nguyễn thị Thêm, Nguyễn Tân Tiến, Đặng Đăng Thành v.v… đều là những học sinh có học lực trên trung bình. Tôi ở trọ nhà người cô họ trong hẻm Cây Me (hẻm số 13) đường Hàm Nghi, bên cạnh bệnh viện Bác Sĩ Nguyễn Sơn Cao. Một ngôi nhà xây khá rộng có gác lửng và sân thượng phía sau, xung quanh có tường cao bao bọc, có cổng sắt ra vào như một biệt thự luôn luôn khóa chặt, nên giờ giấc đi về của những thành viên trong gia đình cũng được quy định hẳn hoi, hễ đến chín giờ tối là nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tôi học ban B, lớp Đệ Tam B ở trên lầu của dãy trường phía trong cùng.

 Cuối năm 1965 (năm Bính Ngọ) trường có kêu gọi tất cả học sinh đóng góp bài vở để xuất bản tuyển tập Đặc San Xuân. Sẵn có máu văn, thơ từ thời còn học lớp Đệ Thất ở trường Trung học Long Thành nên tôi hăng hái tham gia viết bài. Khổ nỗi, nhà cô tôi có đến chín đứa con, tổng cộng cả vợ chồng cô, người giúp việc và tôi, cả thảy là mười ba mạng, nên sự sinh hoạt trong gia đình ồn ào lắm, mà làm thơ, viết văn thì lại cần một không gian thật tĩnh lặng, nên tôi chọn Công viên trước Tòa Hành Chánh Tỉnh cạnh bờ sông Đồng Nai làm nơi gởi gắm tâm hồn, tức cảnh sinh tình, tha hồ cho hồn thơ trào dâng lai láng. Hơn nữa, từ nhà cô tôi ra Công viên rất gần, chỉ cần băng qua trường Tiểu học Nguyễn Du quẹo xuống Ty Bưu Điện chưa đầy mười phút đi bộ là tới. Tôi nguyện với lòng là sẽ viết một kịch thơ và sớ Táo Quân để gọi là món quà giao duyên cùng với các bạn văn thơ trường mới. Có nhiều đêm cao hứng tôi ngồi viết bài ngoài Công viên cho đến giờ giới nghiêm. Nhìn xung quanh không còn ai, các anh Cảnh Sát gác Tòa Hành Chánh xua đuổi tôi mới vội vã ra về. Tôi cùng bốn anh em trai con của cô tôi học và ngủ chung trên gác. Anh Hoàng người anh Cả cũng đang học lớp Đệ Nhị cùng trường thấy tôi về muộn hiểu ý nên mở cửa chờ sẵn và cột một sợi dây thừng bện chặt vào lan can của sân thượng thả dài xuống theo đường ống máng dẫn nước. Khi về, tôi trèo rào vô nhà rồi tay bám chặt vào sợi dây thừng, chân bấu vào từng khoanh sắt giữ ống dẫn nước, đu lần lên sân thượng. An toàn. Khỏe re! Cả nhà không hề hay biết có kẻ ban đêm lén đột nhập gia cư theo kế "nội công ngoại kích". Kể cả những ngày Thứ Bảy, Chủ Nhựt tôi không cơm nước ở nhà mà ăn ở quán cơm Xã Hội đóng một đồng ăn no nê, uống nước đá bào chế xi rô đựng trong bịt nylon ngồi cặm cụi viết bài suốt cả ngày đêm ngoài Công viên. Thời gian này Công viên coi như là nhà trọ thứ hai của tôi và nhờ vậy nên tôi đã hoàn tất viên mãn hai tác phẩm: Kịch Thơ "QUÁN VẮNG CHIỀU XUÂN" và "SỚ TÁO QUÂN" theo như tâm nguyện của mình. Riêng Sớ Táo Quân có anh Nguyễn văn Phất cùng cộng tác và cả hai đứa con tinh thần này đều được chọn đăng trong Đặc san Xuân Bính Ngọ của trường.‎

 Sau khi Đặc San ra đời và phân phát hết cho tất cả học sinh, số còn lại anh Hoàng con cô tôi đề nghị tôi cùng anh Nguyễn đến Phòng Giám Thị xin nhận mua rồi đem đến các trường Trung học trong Quận và các tỉnh lân cận như Quận Long Thành, Dĩ An, Công Thanh, Đức Tu..., Tỉnh Bình Dương, Tỉnh Phước Tuy (nay là Bà Rịa Vũng Tàu) bán lại kiếm lời vì hai anh này có xe gắn máy và hàng năm thường nhận báo đi bán như vậy quen rồi. Tôi nhớ một kỷ niệm vui vui là khi chúng tôi đến bán Đặc San ở Trường Trung Học Long Thành, lớp Đệ Tứ B2 toàn là nữ sinh, gặp lại những bạn bè thân thương cũ của mình, các bạn ấy học sau tôi một lớp như: Hoàng, Thuận, Thảo, Phượng, Ngọc v.v... Lòng mừng chưa thỏa, bỗng nhiên các bạn đứng dậy la nói ồn ào làm chúng tôi không thể mở lời mời mọc, quảng cáo cho Đặc San được. Anh Hoàng vội vàng khoát tay mời các bạn ngồi xuống và xin kể một câu chuyện cổ tích thật hấp dẫn. Nhờ vậy, nên cả lớp ngồi xuống im lặng lắng nghe. Tôi còn nhớ đại khái nội dung câu chuyện nói về một lữ hành đi trên sa mạc vừa khát đói vừa nắng cháy bỏng da, nhưng khi đi đến đâu hễ nghe tiếng chó sủa thì dừng lại và cuối cùng người lữ hành kia chết thảm thương nơi sa mạc. Kết thúc câu chuyện là lời kết luận của anh thật thấm thía vô cùng: "Thưa các bạn chúng tôi đến đây không phải là kẻ lữ hành chết trên sa mạc vì những tiếng chó sủa". Sau đó chúng tôi chỉ bán được vỏn vẹn có 5 tập Đặc San và ra về trong bầu không khí kém vui. Thật đáng tiếc! Tôi nhớ năm ấy giá vốn một tập Đặc San là hai đồng rưởi chúng tôi bán năm đồng, sau khi tổng kết đợt bán báo khấu trừ các chi phí như xăng nhớt, ăn uống... chia mỗi đứa được hai trăm đồng tiền lời, đồng thời còn giữ được một số báo thặng dư để tặng bạn bè! Số tiền này đối với một học trò nghèo từ quê lên tỉnh học như tôi quả là quá lớn và là lần đầu tiên trong đời tôi biết làm việc để kiếm ra tiền!

 Giờ ra chơi hôm ấy, tôi mang một quyển Đặc San đến trường Bán Công Trần Thượng Xuyên nằm cặp sát hông trường Ngô Quyền để tặng cho cô bạn đang học lớp Đệ Ngũ ở cùng xóm với cô tôi. Khi đến trước dãy lầu đầu tiên của Trường Ngô Quyền, thình lình một mảng nước bọt của ai đó từ trên lầu nhỏ xuống trúng ngay lên đầu tôi. Giật mình nhìn lên thì thấy một nữ sinh hai tay đang chống trên thanh sắt lan can lầu trước lớp Đệ Tứ A4, chơm chớp đôi mắt bồ câu, đen huyền ẩn sau làn mi cong vút, đôi môi trái tim mộng đỏ mấp máy như đang nói lời xin lỗi, sống mũi dọc dừa cao cao. Tất cả được tạo hóa gắn trên khuôn mặt trái soan trắng mịn với mái tóc thề óng ả, ơ hờ rũ xuống chấm lưng. Thoạt nhìn, phải nói nàng là một nữ sinh tuyệt đẹp mà lần đầu tôi gặp kể từ ngày nhập học ở trường này. Rồi nàng quay lưng bước vào lớp và đôi mắt bồ câu đen nháy kia không quên ném lại qua vai trao gởi đến tôi cái nhìn trìu mến, nuối tiếc, luyến lưu!

 Ngồi trong lớp với hai giờ Sử Địa cuối, tâm trí tôi không còn chỗ trống nào để lãnh hội lời Thầy giảng vì nó đã nhường tất cả cho hình ảnh của người con gái và mảng nước bọt còn dính nguyên xi trên tóc tôi ngự trị. Tôi lấy tay sờ lên chỗ nước bọt, xoa nhè nhẹ một vòng như âu yếm, như mân mê rồi đưa lên mũi ngửi. Mỉm cười một mình! Dường như tôi muốn tìm trong dư vị của tinh thể nước bọt kia một dung nhan kiều diễm và một tình cảm bắt đầu cũng nên! Hay là tôi đang biến thái đây! Một lần nữa tôi lại mỉm cười tự tin với quyết định lóe ra trong đầu là tôi sẽ đón đợi và gặp nàng cho bằng được ngoài cổng trường sau giờ tan học để bắt đền nàng về mảng nước bọt còn đang dính cứng ngắt như keo trên đầu tôi!

 Giờ tan học, tôi không thèm đếm xỉa gì đến việc nhận xe đạp mà chạy u một mạch ra đứng đợi trước cổng trường. Những tà áo dài trắng gói gió mến thương theo từng tốp nữ sinh ra về như những cánh cò trắng rủ nhau rời đồng. Gió chiều lồng lộng mang hăng hắc mùi nhựa đường còn vương víu giọt nắng ban trưa thổi bồng những mái tóc thề e ấp trong những chiếc nón lá mộng mơ, khiến cho những chàng bạch diện thư sinh quần xanh áo trắng ngắm nhìn dệt mộng thầm mơ! Tôi dõi mắt nhận diện từng khuôn mặt của tốp nữ sinh lớp Tứ A4. Quả nhiên, tôi gặp lại người con gái vô tình nhổ nhước bọt lên đầu tôi lúc ra chơi, đang dắt xe đạp vừa mới ra khỏi cổng. Nhìn thấy tôi, tự dưng nàng ngừng lại nở nụ cười thật duyên dáng và cúi đầu chào. Tôi vừa cười xã giao chào lại vừa đi lùi dần vào bãi cỏ xanh trước hàng rào trường. Như đoán được ý tôi, nàng ngoan ngoãn dẫn xe bước theo. Hai đứa nhìn nhau thật lâu nhưng không ai dám mở lời để chào hỏi làm quen. Nàng thẹn thùng đỏ mặt, tôi bối rối cúi đầu. Nếu có ai đó để ý nhìn cử chỉ của chúng tôi lúc bấy giờ chắc là “quê” lắm! Tôi nuốt nước bọt nhiều lần, tằng hắng vài tiếng nho nhỏ trong cổ họng, ém hơi, bậm gan nói giọng hơi cà lăm, run run hỏi:

 - Nhổ nước bọt... trúng... trúng đầu người ta... giờ... giờ bắt đền gì đây?

 Tay mân mê tà áo dài nàng cúi đầu e thẹn trả lời thật nhỏ, yểu điệu như giọng Điêu Thuyền:

 - Mình xin lỗi rồi mà!

 Tôi tỏ vẻ trách hờn gằn giọng:

 - Nước bọt còn y nguyên trên đầu mình đây, chẳng lẽ xin lỗi suông vậy sao?

 Nàng không trả lời, tay run run mở cặp sách lấy ra chiếc khăn mù soa trắng rua viền vàng và có thêu cành hoa lan màu hồng phấn vói lên định lau nước bọt trên đầu tôi. Tôi giơ tay ngăn lại:

 - Không cần lau, để y nguyên đó làm kỷ niệm. Từ nay cho tới suốt đời chắc mình không bao giờ gội đầu!

 - Sao ở dơ quá vậy?

 Tôi lấy tay sờ nhẹ tên đầu rồi đưa lên mũi ngửi như lúc ngồi trong lớp học trả lời:

 - Sợ bay mất mùi nước bọt hôm nay!

 Thấy hành động và nghe câu trả lời của tôi, nàng phá lên cười, tiếng cười thật trong trẻo và hồn nhiên khiến tôi cũng bật cười hùa theo. Tôi tự giới thiệu tên và lớp học của mình và nàng cũng giới thiệu tên nàng là Huỳnh thị Tố Lan ở xóm Lân Thị gần Hãng Dầu. Tôi mừng nói:

 - Vậy là hai đứa mình về cùng chung đường rồi, mình ở hẻm Cây Me đường Hàm Nghi. Lan đứng đây chờ mình đi lấy xe đạp rồi về một lượt nghe!

 Mắt Lan chơm chớp nhìn tôi hối hả chạy vào lấy xe, gật đầu cười chờ đợi. Nắng chiều xô nghiêng bóng hàng cây trước sân trường trải dài trên hành lang hoang vắng mang nỗi u hoài như đôi mắt sâu đen đượm buồn vời vợi của Tố Lan!... Và từ đấy, trong những ngày đi học, chúng tôi thường chờ đợi, đón đưa nhau hai buổi đi về theo đường Quốc Lộ I, xuống Hãng Dầu đến ngả ba Công viên Đồ Chiểu chúng tôi chia tay. Lan quẹo trái xuôi về Lân Thị còn tôi rẽ phải tẽ về đường Hàm Nghi. Nằm cạnh Công viên này có trường Tiểu học Đồ Chiểu, còn phía mé sông Đồng Nai thì có Hãng sửa chữa và đấp vỏ xe Võ Thành thật lớn. Nghe nói đây là Hãng sửa xe của Ba anh Võ Hải Dương học Đệ Tam cùng trường với tôi nhưng khác lớp và có người anh là Võ Hải Triều hiện làm Xã Trưởng xã Bình Trước, một xã nằm ngay trung tâm Tỉnh Lỵ Biên Hòa. 

 Những ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật nếu không về quê, tôi thường đến nhà Tố Lan chơi. Nhà Lan nằm cạnh Hãng Dầu, có một mảnh vườn nho nhỏ trồng đủ các loạn cây ăn trái như ổi, mận, chuối, cam... Ba Lan là Thương Phế Binh loại 1, hiện đang làm lính gác Hãng Dầu còn mẹ Lan có sạp bán giày dép và quần áo trẻ em ngoài chợ Biên Hòa. Lan có người anh là Sĩ Quan Hải Quân và ba người em, hai trai một gái hiện còn đi học. Gia đình cũng tạm đủ sống. Mẹ Lan quen biết cô tôi vì cô tôi cũng có sạp buôn bán vải ngoài chợ. Ba mẹ Lan rất thương yêu và xem tôi như con trai của mình. Bà thường bảo tôi ở lại ăn cơm và chỉ cho Lan làm bài. Có lần tôi ôm đở Lan trèo lên hái trái ổi chín sau vườn, bị ba đứa em bắt gặp, chúng xúm nhau vỗ tay reo ầm lên chọc quê: "A! thấy rồi! Bắt quả tang! Anh Hòa ôm chị Lan! Anh Hòa ôm chị Lan! Hết chối cải nghe!". Lan cầm trái ổi dọa ném chúng và mắng yêu: "Cái đồ quỷ tụi bây nà! Đi vô nhà hết cho tao! Không thì tao ném cho bể đầu bây giờ! Đi vô hông! Hả?!” Mẹ Lan nghe thấy cũng ra bảo chúng: "Đi vô nhà đi mấy con! Đừng chọc chị mà!". Các em nàng chạy u vào nhà còn kéo theo những tràng cười trêu chọc giòn ran...

 Sau lần bán Đặc San, tôi có dư chút đỉnh tiền lời nên mời Lan đi ăn kem lạnh ở quán kem nằm trên Quốc Lộ I cạnh đường rầy xe lửa. Tôi ngồi đối diện với Lan và quay mặt vào trong, bỗng có đôi bàn tay âm ấm của ai đó đứng phía sau choàng tới bịt mắt tôi. Rồi tiếng người con gái nghe quen quen vừa cười vừa hỏi: "Đố Hòa biết ai nè!".Tôi lắc đầu. Nàng thả tay ra. Tôi dụi mắt ngoáy đầu nhìn lại. Té ra là Nguyễn Thị Thu Vân cô bạn cùng quê và học chung với tôi từ năm lớp Năm (lớp 1) trường Tiểu học Xã Phước Thiền cho đến bây giờ. Từ khi chuyển trường tới nay chúng tôi chưa lần gặp nhau. Mừng quá, tôi nắm lấy tay Vân ghị nàng ngồi xuống ghế, còn Vân thì vừa ngồi vừa xòe tay vỗ nhè nhẹ lên má tôi như tuồng chị nựng em và tỏ vẻ trách hờn: "Hòa lên đây rồi trốn biệt bạn bè luôn hén! Sao không cho mình biết chỗ ở trọ để mình tới chơi! Hòa xấu thấy mồ!". Rồi không cho tôi có cơ hội “thanh minh thanh nga” và giới thiệu Lan đang ngồi khó chịu trước mặt, Vân xổ tiếp một tràng như súng liên thanh nhả đạn: "Ăn kem xong rồi Vân dẫn Hòa về cho biết nhà trọ của mình nha! Ở đằng sau quán kem này nè! Gần lắm! Mai mốt thứ Bảy, Chủ Nhựt nếu hai đứa ở lại trên này Hòa đến nhà mình chơi nghen! Chịu hôn?". Sau đó, không biết ma trù quỷ ám gì mà tôi lại gật đầu chấp nhận theo Vân về nhà trọ của nàng bỏ lại Lan lủi thủi ra về một mình! Không biết là Lan có khóc có hờn giận tôi không vì tôi đang mải mê nói chuyện bông đùa với Thu Vân mà quên mất nàng. Mãi đến bây giờ khi nghĩ đến tôi vẫn còn ân hận và tội nghiệp cho Lan quá chừng! Còn Thu Vân sau này tốt nghiệp Sư Phạm về dạy học ở quê nhà là xã Phước Thiền, quận Nhơn Trạch có chồng là anh Trân một cầu thủ bóng đá nổi tiếng của quận và hiện giờ đang định cư cùng chồng con ở Canada. Nghe Lữ Công Tâm nói nàng đang lâm trọng bệnh mà cho đến nay tôi cũng chưa hề liên lạc được để thăm hỏi về bệnh tình của Thu Vân! Xin tha lỗi cho tôi nghe Vân!

 Mấy tuần lễ sau, Lan không còn chờ tôi đón đưa nàng như thường lệ. Nàng cố tình tránh mặt tôi. Tôi đến nhà hỏi thăm thì em nàng trao cho tôi lá thư trong đó Lan dỗi hờn, trách cứ đủ điều nào là có mới nới cũ, nào là có người yêu rồi mà còn theo đuổi Lan, đồ thứ "bắt cá hai tay" v.v... Có lẽ, vì hành động thái quá trong lúc lâu ngày mới gặp lại bạn bè cũ và nỗi mừng vui quá đỗi bất chợt tràn về nên tôi đã vô tình quên bẵng sự hiện diện của Tố Lan chăng? Chứ thật tình giữa tôi và Thu Vân chỉ đơn thuần là tình bạn, một thứ tình bạn thiêng liêng cao qu‎‎ý và trắng ngần như bông bưởi nở đóa tinh khôi giữa bình minh chan hòa nắng ấm! Vì thế, trong tình cảm giữa tôi và Tố Lan quả nhiên tôi không có lỗi lầm gì mà ngược lại còn yêu thương nàng nhiều hơn bao giờ hết!

 Cuối năm học, một lần nữa tôi lại chuyển trường lên Sài Gòn nhờ sự bảo trợ của người anh Chú Bác ruột là một Sĩ Quan Cảnh Sát đang phục vụ trong Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Trước ngày rời xa trường cũ, tôi có hẹn gặp Lan nơi Công viên trước Tòa Hành Chánh Tỉnh để nói lời tạm biệt. Chiều hôm ấy Tố Lan mặc áo sơ mi ngắn tay màu vàng chanh ôm sát người, quần tây dài xám tro, ống loa (model thời bấy giờ), mái tóc thề che khuân khuất nửa bên má ửng hồng chín mộng tuổi tròn trăng. Với thân mình mảnh mai, đôi chân thon dài, bước từng bước chân nhẹ nhàng yểu điệu, xa trông nàng như một người mẫu hay nữ minh tinh màn bạc diễm kiều! Chúng tôi ngồi trên băng đá hướng ra mé sông. Gió chiều từ phương xa thổi qua sông rộng xô giạt từng đợt sóng róc rách vỗ bờ, tạo thành những điệu ru buồn muôn thuở. Hai đứa ngồi im lặng thật lâu. Dường như tâm hồn chúng tôi đang hòa quyện vào khoảng không gian trầm lắng này hay đang lặng đếm từng tiếng sóng vỗ bờ như đang thầm đếm từng nhịp đập của trái tim mình! Hoàng hôn buông xuống. Ráng chiều pha tím mặt sông. Một vài chiếc thuyền câu lững lờ thả mái xuôi về cố xứ. Con đò chiều lặng lẽ cắm sào trên bến đợi khách sang sông. Một vài cánh chim lơ thơ bay qua sông tìm về tổ ấm sau một ngày vất vả tìm mồi. Cơn gió lành lạnh thổi về mang theo nỗi buồn man mác. Tôi nhìn Lan đang mơ màng thả hồn chìm vào sông nước, khẽ hỏi: "Lan có lạnh không?". Lan gật đầu và trả lời thật nhỏ, dường như tiếng trả lời này chỉ để dành cho một mình tôi nghe: "Em... lạnh!". Và đây là lần đầu tiên tôi nghe được tiếng "em" thốt ra từ tận đáy lòng người con gái mà tôi đã thầm yêu, khiến tôi bàng hoàng rung động như người đang chìm đắm trong cơn diễm mộng hay Lưu Nguyễn lạc lối nơi động Đào Nguyên. Cầm lòng không đậu, tôi bạo dạn nắm lấy tay nàng, ghì sát vào mình: "Xích lại gần nhau cho ấm đi Lan!". Lan giật nhẹ tay lấy lệ rồi cũng để cho nó nằm nguyên vị ấm áp trong lòng bàn tay tôi. Mái tóc thề gió thổi bung lỏa xỏa trên mặt, trên cổ tôi. Tôi lấy tay vuốt nhẹ những sợi phiêu bồng rồi trả chúng về nơi đồng loại chúng đang nằm. Tú Lan ngửa người ra phía sau kéo theo chiếc cổ trắng ngần khiêu gợi, nàng khẽ lắc đầu cho mái tóc mượt mà thơm mùi bồ kết kia nằm xuôi theo phương mà tạo hóa đã an bài. Chúng tôi đang chuyền hơi ấm cho nhau trong đôi bàn tay không rời và dường như nó đang nóng rần lên. Tôi nuốt nước bọt nhiều lần và cố dằn lòng vì không thể để cho bất cứ hành động nào xúc phạm đến Lan thêm nữa. Nhưng không hiểu tại sao lòng tôi hiện giờ như lửa đốt, khi nhìn thấy đôi mắt đen buồn ẩn sau làn mi cong vút kia đang mơ màng nhìn lên bầu trời lấp lánh sao thưa và bờ môi mộng đỏ như đang mấp máy đợi chờ. Một cơn bão lửa dữ dội tưởng chừng như có thể đốt cháy cả hành tinh này ra thành tro bụi huống hồ chi thân thể tôi. Một sự thèm khát thể xác tột độ khiến tôi không còn đủ sức chịu đựng được nữa. Tôi không cam lòng! Không thể nào cam lòng! Và... Thật nhanh, tôi quay người qua hướng Tú Lan, tay run run lòn qua cổ ghì sát nàng vào lòng, tay kia nâng nhẹ khuôn mặt trái soan đồng thời đặt lên môi nàng một nụ hôn nồng cháy... đắm say!...Thật tình tôi không còn nhớ nổi nụ hôn đầu của mối tình đầu thời còn bạch diện thư sinh này kéo dài bao lâu. Chừng như lâu lắm! Trọn cả kiếp người cũng nên! Và đây cũng là nụ hôn cuối cùng của cuộc tình chúng tôi! Lan đưa tay đẩy nhẹ mặt tôi ra, thẹn thùng nói: "Người ta nhìn hai đứa mình kìa! Quê thấy mồ!". Nàng đứng dậy thẫn thờ bước từng bước ra bờ sông. Dường như đôi vai nàng đang rung động. Tôi bước theo đứng cạnh bên nàng. Lan ngã đầu lên vai tôi rưng rức khóc và thủ thỉ lời âu yếm: "Mai mốt xa rồi buồn quá hén anh!". Rồi bỗng dưng Lan quay lưng lại và nhanh chân bước ra chỗ gởi xe. Tôi vội vã chạy theo hỏi lớn: "Mình có làm gì cho Lan giận không mà sao về sớm vậy?". Lan lắc đầu quay lại trả lời: "Muộn rồi! Mẹ đợi". Lan đạp xe về nhà. Tôi không tiễn đưa, mà chỉ đứng ngẩn ngơ nhìn lòng buồn nuối tiếc và nói vói theo: "Mình nhớ nhau nhen Lan!". Nàng khẽ gật đầu. Ánh đèn đường chiếu loang loáng trên những chiếc căm xe đạp đang quay mỗi lúc một nhanh mang Lan về với xóm buồn Lân Thị như mang cả tình tôi vào cõi thiên thu!...Thuở học trò tôi còn chưa định nghĩa đầy đủ được chữ "YÊU" huống hồ chi trong hành động biểu lộ "TÌNH YÊU" tôi làm sao không tránh khỏi lúng túng vụng về! Xin Lan đừng trách hờn mà tội nghiệp cho tôi!

 Phố đã lên đèn, những dòng người cùng xe cộ đang xuôi ngược tấp nập trên đường. Phố thị Biên Hòa về đêm tuy huyên náo nhưng mang một sắc thái lãng mạn sâu lắng và mơ mộng lạ lùng. Một thành phố ngọt ngào hương bưởi và trìu mến khách tha hương. Nếu bạn chỉ đến thăm một lần thôi tôi tin rằng suốt đời bạn sẽ không thể nào quên!

 Hai năm sau ngày vào lính, nhân được nghỉ phép thường niên, tôi có đến thăm Lan. Em nàng cho biết Lan đã theo chồng làm Phó Quận Hành Chánh lên tuốt tận miền Cao Nguyên sống vui buồn cùng những người Dân Tộc Thiểu Số nơi vùng núi rừng Cheo Reo, Phú Bổn! Thế là hết! Cuộc tình tôi đã chấp cánh bay xa... xa biệt trong đời! Tôi ghé tạt qua thăm lại ngôi trường thân thương ngày cũ vào những ngày cuối Hạ. Nhìn sân trường hoang vắng tôi thầm tiếc thương cho đôi mắt bồ câu xanh biếc của Lan giờ không còn buồn nhìn bóng nắng sân trường. Tà áo dài trắng ngày nào gói gió giờ cũng thôi bay. Mái tóc thề thơm mùi trinh nguyên con gái ngày ấy giờ có còn bồng bềnh theo gió hay đã bới cao vì bận bịu chồng con và miếng cơm manh áo. Lan ơi! Ở tận phương trời nào đó Lan có còn nhớ tôi không?!

 . . . . . . . . . .

 Cuối năm 2004, tôi về thăm lại quê hương sau những năm tháng định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO. Tôi cùng vợ dẫn theo đứa cháu nội lên Thành phố Biên Hòa. Bấy giờ ngôi trường cũ Ngô Quyền và phố xá thay đổi nhiều lắm! Có những nơi không còn nhận ra nếu không phải là người sống cố cựu ở đây. Chúng tôi ra chợ Biên Hòa định mua cho thằng cháu nội đôi giày và vài bộ đồ cho nó mặc trong chuyến đi tắm biển Vũng Tàu sắp tới. Khi đến gian hàng bán giày dép và quần áo trẻ em, tôi chợt bắt gặp đôi mắt và khuôn mặt ngờ ngợ quen quen của chị bán hàng. Tôi đứng khựng lại giây lâu, chị bán hàng cũng bỡ ngỡ nhìn tôi. Bối rối cúi chào! Đợi cho vợ tôi dắt đứa cháu sang gian hàng khác, chị mới từ tốn hỏi tôi:

 - Xin lỗi ông! Nếu tôi nhìn không lầm, có phải ông tên Hòa và là cựu học sinh của trường Trung học Ngô Quyền ngày trước không?

 Tôi nhìn chị, chau mài suy nghĩ cố moi tìm trong kho tàng quá khứ hình ảnh của người con gái có đôi mắt bồ câu mang nỗi buồn u uẩn ngày nào! Tôi vội hỏi lại:

 - Có phải chị là... là Tố Lan ở xóm Lân Thị không?

 Chị gật đầu. Tôi thảng thốt kêu lên:

 - Trời ơi! Người xưa đây mà tôi lại vô tình quên mất! Xin lỗi Tố Lan vì quá bất ngờ nên...

 Tôi bỏ lửng câu nói. Lan nhìn tôi cười. Nụ cười và ánh mắt của Tố Lan như còn mang nguyên vẹn nét đẹp của thời áo trắng đầy ắp mộng mơ. Nàng nửa đùa nửa trách:

 - Tại Hòa gội đầu nhiều lần quá rồi nên đâu còn nhớ mùi nước bọt dính trên tóc ngày xưa! Rồi nàng tiếp luôn:

 - Chắc anh ở nước ngoài mới về?

 - Sao Lan biết?

 - Nhìn thấy tướng là đoán ra ngay!

 Mà cũng ngộ thiệt, thời buổi bây giờ người trong nước nhận diện Việt kiều trúng y phong phóc, dù có hóa trang kiểu nào đi chăng nữa họ cũng dễ dàng nhận ra.

 - Tôi ở Mỹ mới về thăm quê hương được hơn hai tuần. Và chấp hai tay xá xá: "Xin bái phục nghề thầy bói của Lan!” 

 Cả hai chúng tôi cùng phá lên cười. Nụ cười già nua của những bậc đã thăng đến chức Ông Nội Bà Ngoại cả rồi. Khi hỏi về gia cảnh mới biết chồng Lan đã chết từ cuối năm 72 vì cạnh tranh mua bán mật gấu với bọn đầu nậu và người sắc tộc địa phương nên bị bắn chết bằng tên tẩm thuốc độc trên đường về Phú Bổn. Tú Lan ở vậy nuôi con và tiếp tục thay mẹ buôn bán giày dép trẻ con cho tới bây giờ.

 Thằng cháu nội gọi tôi đến xem đôi giày bày bán trong cửa hàng Bách hóa cách đó không xa. Tôi cúi đầu chào từ biệt và bước theo nó rời khỏi gian hàng. Lan dõi mắt nhìn theo. Dường như đôi mắt bồ câu mang nỗi buồn vời vợi của ngày xưa ấy giờ đã hằn sâu dấu chân chim và đang chìm dần vào kỷ niệm, thứ kỷ niệm mà suốt đời hai đứa không thể nào quên!

 

 Kansas City, mùa Hè năm Tân Mão 2011

 TRẦM MẶC HOA HUYỀN 

 

 

 

 

15 Tháng Tám 2013(Xem: 61118)
… Và tôi chợt nghĩ ra các bạn tôi rồi một hôm cũng sẽ chợt khám phá ra chiếc ghế dành cho tôi trong buổi hẹn bên ly rượu ở một nơi nào đó sẽ không có tôi…
18 Tháng Ba 2013(Xem: 147270)
Tác phẩm Ngô Quyền Một Thời Để Thương Để Nhớ, không chỉ là một bộ sưu tập của những kỷ niệm đã theo chân những lữ khách Ngô Quyền khắp chân trời góc bể...
17 Tháng Ba 2013(Xem: 99118)
Dù rằng bây giờ con dốc Kỷ niệm trên đường đến trường Ngô Quyền hoặc dốc Cây Chàm đã bị bào mòn, không còn cao như xưa, nhưng trong từng ngăn ký ức đời mình thì “những kỷ niệm một thời học sinh Ngô Quyền” đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc nhất
17 Tháng Ba 2013(Xem: 55413)
Áo trắng xưa bây giờ sao gợi nhớ! Kỷ niệm êm, tình bạn lẫn tình yêu Áo trắng Trường Xưa, Thầy yêu kính Một góc trời thương nhớ bỗng trong ta.
17 Tháng Ba 2013(Xem: 80862)
Bạn bè tôi, người còn, người mất, kẻ ở lại, kẻ tha phương. Tôi vẫn ở đây, vẫn đi qua ngôi trường Ngô Quyền xưa cũ, giờ đã đổi mới hoàn toàn,
17 Tháng Ba 2013(Xem: 65243)
Xin các anh chị Khóa 13 miễn thứ cho tôi cái tội "phạm thượng" như kể trên của những ngày xưa thân ái... (không bao giờ có lại được nữa)!
28 Tháng Hai 2013(Xem: 10346)
một bức thư nhà trọn niềm thương nhắn người viễn xứ sống tha hương gửi chút hương lòng cho mây gió góp lại tâm tình của bốn phương
28 Tháng Hai 2013(Xem: 10659)
Anh từ xứ Huế đến Biên Hòa Chờ em tan học bước ngang qua Bài thơ anh gửi tình tha thiết Em giấu thương trong áo trắng tà
28 Tháng Hai 2013(Xem: 13573)
Thật hạnh phúc cho những đứa học trò trường Ngô năm nào, khi có dịp gặp lại thầy cô giáo một đời vất vả vì những thế hệ học sinh thân yêu…
28 Tháng Hai 2013(Xem: 11368)
Kể lại bạn nghe, không phải để nhắc đi nhắc lại chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” của người làm báo online mà để thỉnh thoảng bạn cùng góp tay vào vác ngà voi với BBT để web nhà phong phú hơn.
28 Tháng Hai 2013(Xem: 13544)
Nếu ai hỏi tôi khoảng thời gian nào đẹp nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: khoảng thời gian cắp sách đến trường. Đó là những năm hạnh phúc nhất. Tuổi học trò thật vô tư, thật yêu đời và thật ngổ ngáo dễ thương.
24 Tháng Giêng 2013(Xem: 12133)
Xin chút nắng tưới hồn hoang cỏ úa Ký ức xanh trong trái tim hồng Nghìn sau nữa, giữa cuộc đời dâu bể Nước xa nguồn vẫn đổ về sông.
24 Tháng Giêng 2013(Xem: 11885)
xe chạy ngang Trường Ngô Quyền, tôi nhìn bâng quơ không chút ý niệm gì, tôi củng không bao giờ nghĩ đến ngày mình phải vào học ở ngôi trường to lớn và xa lạ kia.
23 Tháng Giêng 2013(Xem: 10537)
Thế là phải đành nhìn ngôi trường thân thương của thời đi học trở thành những đống gạch ngổn ngang, còn chăng chỉ là ký ức về bảy năm sách-đèn-hoa-mộng với những ngày xanh cùng biết bao kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò…
23 Tháng Giêng 2013(Xem: 10369)
Áo trắng giờ đã xa Trường Ngô Quyền Biên Hòa Nhớ mãi màu phượng đỏ Ký ức tháng ngày qua