Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Ngọc Xuân - THƯ NHÀ

06 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 27222)
Nguyễn Ngọc Xuân - THƯ NHÀ

THƯ NHÀ (3): Lá Thư gửi muộn

 (Phúc đáp Thư bạn VÕ THỊ NGỌC DUNG - CHS-NQ @ USA)

 

Ngày y, Ngô Quyn

 


anh_nnxuan-content

Nguyễn Ngọc Xuân

 

Bạn thân mến,

 

Mùa Hè năm Mậu Thân 1968, mười ba anh em bạn chúng tôi – một nhóm nam sinh cùng học lớp Đệ Nhị B Pháp Văn, trường Ngô Quyền - đèo nhau trên chiếc Traction Quinze hiệu Citroen mầu đen 9 seats, do anh Phạm Sơn D. lái, đi từ Biên Hòa về Sài Gòn để xem kết quả kỳ thi Tú Tài I.

Kết quả thi là mười ba đứa chúng tôi đều đỗ cả! Lại còn có bạn đỗ cao nữa với hạng Ưu (mention très bien), hạng Bình (mention bien), và thấp nhất chỉ là Bình Thứ (assez- bien) mà thôi!

 

Đỗ Tú Tài I rồi, đối với gia đình, trong thời chiến tranh, niềm vui trước nhất là Ba Mẹ yên tâm con mình chưa phải đi quân dịch, chưa phải ra chiến trường đối diện với cái chết thường rất bất chợt và vô tình, để có thể ở lại hậu phương tiếp tục con đường học vấn. Nhưng khói lửa, tiếng súng chiến tranh không chỉ còn giới hạn ở ngoài tuyến đầu biên giới, mà diễn ra ngay trên đường phố Sài Gòn hồi đầu mùa Xuân trong chiến dịch Mậu Thân, đã để lại ám ảnh trong nghĩ suy của những cậu “Tân Tú Tài” về một cuộc “nồi da xáo thịt” đang vào giai đoạn dầu sôi lửa bỏng... 13 đứa chúng tôi hạnh phúc còn cùng ngồi bên nhau, nói với nhau về con đường phía trước, nhưng không thể không nhớ đến những người bạn cùng lớp đã thi rớt trong kỳ thi vừa qua, rồi đây sẽ thế nào, giữa thời binh lửa?

 

Miền Nam mưa nắng hai mùa, mùa nắng từ tháng 11 đến hết tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến hết tháng 10. Miền Bắc 4 mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông .Vì vậy, đối với miền Nam, gọi là mùa Hè nhưng đó thường là để chỉ khoảng thời gian 3 tháng mà học trò được nghỉ sau một niên học, thường là từ tháng 6 đến hết tháng 8, là thời gian “nghỉ Hè”. Cho nên, vào “mùa Hè” ở miền Nam, trời vẫn còn mưa. Sáng nắng, chiều mưa.

 

Mùa Hè năm 1968 ấy, khi ra vườn nhà sau cơn mưa, tôi nghe mùi hương của đất thấm đẫm hơn bao giờ hết. Tôi thơ thẩn nhìn mây trắng bay trên bầu trời xanh cao vút của đồng quê, suy nghĩ miên man… Thầy Hiệu Trưởng vừa trao vào tay tôi hai phong thư, một của trường Pétrus Ký và một của trường Chu Văn An (Sài Gòn), nội dung cả hai phong thư đều cho biết là các trường này có chủ trương thu nhận các học sinh trên toàn quốc vừa đỗ Tú Tài I thứ hạng cao (ưu và tối ưu) vào trường để học năm Đệ Nhất. Cho phép tôi mở phong thư ra đọc xong, Thầy Hiệu Trưởng chỉ nói vỏn vẹn hai từ:  “Tùy anh!”, sau khi cho biết sẵn sàng cho tôi rút hồ sơ học bạ để chuyển trường, nếu tôi muốn. Khi về nhà đưa hai phong thơ ấy cho gia đình xem, Ba Má tôi cũng nói: “Tùy con!”. Anh trai và chị gái cũng chỉ bảo: “Tùy em!”. Thế nhưng làm sao tôi có thể nhanh chóng rứt bỏ tình thân của nhóm bạn 13 đứa, xa con dốc Ngô Quyền quen thuộc những sớm mai đến trường đầy tiếng reo cười rộn rã? Về Sài Gòn là tôi phải tìm bạn mới, phải đi trên những đường phố lạ không quen... Làm sao tôi có thể xa những người Thầy, người Cô đã dạy cho tôi những bài học đầu tiên khi tôi vừa chân ướt chân ráo bước vào ngưỡng cửa trường trung học Ngô Quyền?

 

Nhớ Thầy Đinh Văn Sái, nhớ thầy Nguyễn Văn Thại, nhớ thầy Đỗ Trọng Thạc, tuổi già sức yếu vẫn bền bĩ ngày ngày rèn luyện những đứa học sinh tuổi hãy còn nhỏ như con của quý Thầy, uốn lưỡi cong miệng, phát âm cho đúng prononciation những bài học vỡ lòng Francais Élémentaire. Nhớ Thầy Đinh Hữu Quyến trẻ, khỏe đưa chúng tôi vào vùng trời mới lạ, bao la phong phú của ngôn ngữ và văn minh Pháp trong Cours de Langue et de Civilisation Francaises...

 

Nhớ Cô giáo Bạch Thị Bê dịu hiền, nhớ Cô Đặng Thị Trí bình dị, nhớ Cô Phạm Thị Nhã Ý xinh đẹp (thường make-up rất kỹ trước khi đi dạy bằng auto do chính Thầy BS.Vương Tú Toàn lái), với những bài giảng Kim Văn và Cổ Văn, bằng giọng nói êm ái như tiếng ru của Mẹ, của Chị, gieo vào trí óc và tâm hồn những cô cậu bé, học sinh NQ lòng yêu mến vô bờ văn học Việt Nam… Nhớ bàn tay Cô dịu dàng cầm lấy tay trò, sửa lại cho đúng cách cầm cây bút lông thẳng đứng, chấm mực Tàu, để viết cho chính xác nét dọc nét ngang những chữ Hoa lạ lẫm và ngộ nghĩnh vào quyển vở kẽ ô vuông, trong những giờ đầu tiên học Hán văn. Những câu Hán văn do Cô dạy, đâu có nhiều và cũng chỉ ngắn gọn thôi, nhưng súc tích biết bao và đã trở thành phương ngôn của sự sống mà tôi nhớ mãi không quên trong những năm tháng dài của cuộc đời.

Nhớ ơn Thày Trần Văn Kỷ, Giáo Sư Toán dạy tôi năm Đệ Nhị, giảng bài (kể cả đọc đề bài tập Toán) mà không cần nhìn giáo án xuyên suốt hai tiết dạy trong suốt năm học, viết và vẽ bằng phấn trắng trên bảng đen mà chữ - số - hình đều đẹp như trong sách in. Thầy thường bảo chúng tôi: “Làm toán không chỉ cần nhanh, mà phải còn cần chính xác và đầy đủ”. Câu nói này của Thầy, về sau, tôi đã ứng dụng không chỉ trong việc làm Toán không thôi, mà còn thực hành trong mọi việc làm khác của cuộc sống, và nghiệm thấy không bao giờ sai!

 

Nhớ thương Thầy Dương Hòa Huân, những giờ Sử Địa được mọi học sinh mong chờ, giống như hồi nhỏ hàng đêm mong đến giờ Bà kể chuyện. Bởi vì Thầy giảng Lịch Sử y như Thầy kể chuyện, những câu chuyện hấp dẫn lôi cuốn, bằng giọng nói lưu loát trôi chảy, lâu lâu, Thầy lại pha một chút hài hước rất có duyên. Những cặp mắt đau đáu chăm chú nhìn từng động tác của Thầy, những đôi tai vểnh lên lắng nghe lời Thầy, còn tiếc ngẩn ngơ khi tiếng chuông mãn giờ học vang lên. Thầy đã chỉ cho chúng tôi phương pháp vẽ bản đồ địa lý một cách dễ nhớ và nhanh nhất. Thầy đã đưa chúng tôi đến những chân trời, những vùng đất mới lạ trên toàn thế giới cũng bằng một một phương pháp giảng giải tài hoa, đặc sắc. Hồi ấy, tôi thường nghĩ Thầy còn hơn cả một Sử gia, vì phải có một trí nhớ tuyệt vời, siêu việt, mới có thể, không cần nhìn sách, thao thao bất tuyệt về những câu chuyện lịch sử từ ngàn xưa và về những vùng địa lý xa xôi ngàn dặm... Thầy nghiêm, nhưng lại thường rất khôi hài, dí dỏm, tôi yêu Thầy nhất ở điểm ấy.

 

Rồi còn những người Thầy, người Cô mà tôi chưa bao giờ được học, nhưng đã trở thành một hình bóng quen thuộc hàng ngày, không thể thiếu, giống như một người thân trong gia đình mà mình không thể nào quên: Nhớ Thầy Giám học Phan Thanh Hoài, tác phong nghiêm chỉnh đến độ nếu Thầy đi trên phố, người xa lạ gặp Thầy, không cần hỏi nghề nghiệp, cũng biết Thầy làm nghề dạy học. Làm sao tôi quên được dáng người dong dỏng cao, y phục luôn luôn thẳng nếp lịch sự, nước da trắng hồng, giọng nói sang sảng của Thầy? Nhìn thầy là thấy ngay một gương mẫu, một chuẩn mực cần có trong đời sống nhà trường.

 

Nhớ cô Hoàng Hương Trang với giọng ngâm thơ và những bài thơ tuyệt diệu, đã gieo vào hồn tôi biết bao cảm xúc, rung động với thi ca...

 

Nhớ Thầy Nguyễn Xuân Hoàng dạy Triết cho các anh chị lớn ở lớp trên khi tôi còn là cậu bé ngồi ở các lớp Đệ Nhất Cấp. Đứng nhìn qua cửa số lớp học trên lầu, vào những buổi học sáng cuối tháng Chạp, trời lạnh, sương mù và mưa bay lất phất, thấy dáng đi của một người Thầy mặc pardessus từ phòng Giáo Sư, ở dãy lớp phía trước, đi ngang qua cột cờ sân trường vào dãy lớp phía sau, thì biết ngay đấy là thầy Hoàng.

Anh ruột tôi, lớn hơn tôi 4 tuổi, được học với Thầy Hoàng, còn tôi thì không được cái may mắn ấy. Hôm nào có giờ học với Thầy, về nhà thế nào anh tôi cũng kéo tôi ra ngồi dưới gốc cây vú sữa sau vườn nhà, say sưa kể tôi nghe hàng giờ, chuyện về Thầy ở lớp. Thương kính anh, nên thấy anh kính mến Thầy, đâm ra tôi cũng mến và nghĩ về Thầy luôn, mặc dù còn ở lớp nhỏ chưa được học Thầy, thậm chí còn chưa lần nào được thưa chuyện với Thầy nữa .

Phải chăng là “thần giao cách cảm” giữa Thầy và tôi – khi ấy hãy còn là một cậu bé học lớp Đệ Ngũ -, khi mà Thầy chưa hề biết mặt mũi tôi thế nào, Thầy đã chấp bút sửa cho tôi một bài thơ do tôi viết gửi cho Đặc San Ngô Quyền Mùa Xuân, năm ấy do chính Thầy phụ trách cố vấn việc thực hiện? Quyển Đặc San NQ ấy là một trong những quyển Đặc San mà tôi nhớ nhất, không chỉ vì tên tôi được đặt dưới một sáng tác được Thầy biên tập lại, mà vì quyển Đặc San ấy rất hay và đẹp, từ hình thức đến nội dung. Mãi đến bây giờ, tôi hãy còn nhớ những tựa bài hay, như: “Tôi nhìn tôi trên vách”, “Tôi nhìn Thầy tôi”, cách trình bày, in ấn quyển Đặc San cũng rất tao nhã, mang phong cách mới... Bài thơ mà Thầy đã chấp bút cho tôi, tựa đề là “13 tuổi”, được dành hẳn một trang lớn để đăng, có hình minh hoạ, với những câu thơ mà tôi còn thuộc lòng mãi trong suốt bao năm qua.

Năm tôi lên lớp Đệ Nhất, thì Thầy Hoàng đã rời trường Ngô Quyền, chắc là Thầy chuyển về dạy ở Sài Gòn cho tiện công việc phụ trách ở Tạp Chí Văn, một tạp chí mà anh em tôi mua đủ không sót một số nào, đọc xong còn dành cất để đọc lại về sau, cùng với các tạp chí những năm trước đó như: Phổ Thông, Bách Khoa, Thời Nay, Gió Mới...

 

Khi tôi về Sài Gòn học Đại Học và làm việc, những chiều thứ bảy, chủ nhật thường ra phố dạo chơi, hoặc để tìm mua sách báo, xem phim hoặc uống cà phê, thường là ở Quán Brodard (ngồi trên cái phòng nhỏ giống như cái “chuồng cu” nhìn người nhạc công violon chơi đàn), hay ở La Pagode (bỏ từng đồng jeton vào khe của cái máy to để chọn nhạc). Có lần, vào khoảng cuối năm 1974, tôi đang ngồi với bạn ở Givral, nhìn qua cửa kính tôi thấy Thầy đang tản bộ trên đường Tự Do về phía Hạ Nghị Viện, dáng đi có vẻ gấp rút lắm… Sau đó xảy ra ngày 30 /4 /1975, từ ấy tôi không còn được gặp Thầy nữa.

Mấy năm gần đây, nhờ trang Web Ngô Quyền, tôi mới biết Thầy đang sinh sống ở Hoa Kỳ và vẫn hằng quan tâm đến sinh hoạt của Cựu học sinh Ngô Quyền ở hải ngoại.

Nhắc đến đây, tôi lại chạnh lòng nhớ Cô Tư Giàu, người nữ Giám Thị kỳ cựu của Ngô Quyền, xem học sinh như chính con em mình, chăm sóc lo lắng như một người mẹ, người chị trong gia đình. Cô Tư đã giúp đỡ, chỉ bảo biết bao lớp, bao thế hệ học sinh Ngô Quyền trong suốt sự trường tồn của nhà trường...

 

Mang ơn bè bạn 13 đứa, đã cùng tôi tay nắm tay, như một thứ “hợp đồng tác chiến”, cùng tiến lên trên con đường học vấn không phải là không có chông gai và khó khăn thử thách. Trong mùa Hè 1968, ngoài 13 bạn toàn là “đực rựa” đã có từ trước, nhóm chúng tôi còn tiếp đón thêm nhiều bạn nữ, đều là những đấng anh thư, như các Chị Phạm thị Kim Ch., chị Võ thị Kim Kh. nhà ở khu cư xá Dưỡng Trí Viện, hai chị em chị Thanh L. và Thanh Ph. nhà ở gần Ty Công Chánh, Chị Yến N., chị Nguyễn thị Nh. nhà ở đầu dốc Ngả Ba Thành... Cũng có thêm các bạn nam, như các anh Ngô Đình D., anh Trần Phụng T. từ trường Khiết Tâm chuyển sang... Các bạn tôi, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, mỗi người đều có tài riêng... Như anh Trầm Vĩnh Ch. có tài vẽ tranh lập thể (sau này, anh Ch. vào ĐH Kiến Trúc và trở thành Kiến Trúc Sư ), anh Phạm Sơn D. ngoài tài nhiếp ảnh, còn cùng với các anh Nguyễn L. và anh Ngô Đình D., có tài làm hoạt náo viên, kể chuyện tiếu lâm cười “pể pụng”, hát tân nhạc rất hay mà ca vọng cổ cũng rất “mùi”, nhất là bài “Dạ cổ hoài lang” của Thầy Sáu Cao Văn Lầu, hay bài “Tình Anh Bán Chiếu” của soạn giả Viễn Châu do nghệ sĩ Út Trà Ôn thường hát. Anh Mai Quỳnh L., ngoài thiên khiếu chơi Guitare Moderne (anh Quỳnh L. chỉ cần nghe Ventures chơi qua một lần là anh có thể đàn lại y hệt), còn có tài viết và vẽ truyện tranh Lucky Luke không khác bản gốc chút nào... Chị Yến N. có mái tóc dài đen mượt, tha thướt trong chiếc áo dài Việt Nam, có giọng ngâm thơ rất đặc biệt, cùng với giọng ca truyền cảm của chị em chị Thanh P., Thanh L., luôn luôn được mời có mặt trong các sinh hoạt văn nghệ. Còn nếu bạn một lần gặp Chị Nguyễn thị Nh., được nghe Chị hát tình ca Trịnh Công Sơn, thì tôi chắc chắn bạn không thể nào rời đi được.Trên gương mặt xinh xắn (và… “liêu trai” – xin lỗi Chi Nh.-NNX ), cặp kính cận thị gọng đen, Chị Nh. đắm đuối (và khiến thính giả cũng đắm đuối) trong lời ca tiếng hát và khi Chị kết thúc bài hát, mọi người đều ngẩn ngơ, vừa tiếc nuối vừa như lạc từ cõi xa về ... Anh Trần Phụng T. mà chúng tôi thường ví von gọi là Lã Phụng Tiên (La Fontaine – nhà văn hào Pháp), vẻ mặt lúc nào cũng giống như một nhà hiền triết, có lẽ vì anh đọc rất nhiều, đi đứng nằm ngồi gì cũng thấy quyển sách trên tay anh. Nhớ anh Võ Ngọc B., thường cùng tôi viết bài gửi báo “Tuổi Hoa”, rất có tài hội họa, âm nhạc và giọng hát trầm ấm không hề kém nam danh ca Sĩ Phú...Và có một người bạn mà tôi quý mến ngay từ những ngày mới vào Đệ Thất đến suốt 7 năm chung học ở NQ, không chỉ vì “nụ cười có chiếc răng khểnh” của bạn, mà vì ở bạn còn có nhiều đức tính tốt. Thoạt nhìn dáng vẻ bề ngoài giản dị, xệch xoạc, dễ nhầm bạn không có gì đặc biệt, nhưng thực sự bạn giỏi lắm! Hồi ấy, đồng phục nam sinh là quần xanh, áo trắng “đóng thùng” (áo bỏ vào trong quần), nhưng thường thấy áo bạn không được bỏ vô “thùng”, mà là thùng bỏ vô áo, rồi bạn dùng hai ngón tay liên tục nhét nhét áo sau lưng. Bạn sống rất chân tình, đối với bản thân thì xuề xòa, không thích làm đẹp cho chính mình nhưng lại thích làm đẹp cho người khác, một cách toàn tâm toàn ý. Khi ai yêu cầu bạn làm điều gì, nếu bạn không đồng ý thì bạn trả lời ngay, nhưng nếu bạn nhận lời thì bạn tận tâm, tận tình làm chí cốt cho đến nơi đến chốn, dẫu việc ấy khiến bạn hao tâm tốn sức đến đâu đi nữa.Vào những năm cuối thập kỷ 80, môn Informatics mới bắt đầu được giảng dạy ở các trường học Việt Nam. Lúc ấy, do có chuyện buồn riêng, sau khi may mắn được gặp gỡ quý Thầy tại Thiền Viện Pháp Bảo, tôi lánh về tu tập ở Rừng Trúc Viên, Thủ Đức, không liên lạc với Sài Gòn và bạn bè nữa. Không biết do nhân duyên thế nào, người bạn ấy lại liên lạc được với tôi. Hai đứa chúng tôi về lại con dốc Ngô Quyền ngày xưa, ngồi uống cà phê ở quán cóc, hàn huyên tâm sự về những ngày đã qua không gặp. Bạn kể, sau mấy năm gian khổ trong trại cải tạo, tiếp theo là những năm tháng cũng gian khổ không kém, bạn đi khai thác và trồng vườn cây cà phê ở Xuân Lộc, bây giờ về thành phố Biên Hòa, với mong muốn được cùng các bạn trong nhóm 13 đứa ngày xưa, thành lập trường dạy tin học. Để ghi nhớ tình thân hữu, Trường lấy tên là “AMI”. Đó là sự đóng góp vô điều kiện của tất cả 13 bạn học cùng lớp ngày xưa ở NQ. Cơ sở dạy Tin Học AMI, với ý tưởng khai sáng, lòng quyết tâm và sự kiên trì của bạn tôi, đã đạt được thành công nhất định là kịp thời phổ biến và truyền đạt một môn học rất cần thiết cho xã hội. Ngoài ra, còn một sự thành công nữa mà tôi nghĩ rất đáng trân trọng đó là: sau nhiều năm rời ghế nhà trường NQ, sau những biến cố khốc liệt của đất nước, những người thành lập AMI vẫn giữ nguyên tình bạn thắm thiết ngày xưa ở Ngô Quyền, đồng lòng và cùng một ý chí chung, đem hết tâm sức làm việc hữu ích cho đời…

 

Mùa Hè 68 rồi cũng sắp trôi qua, ngày tựu trường đã gần kề, mà tôi vẫn còn phân vân, chưa quyết định việc có về Sài Gòn đi học hay không?... Cùng lúc ấy, chị Cả tôi đang làm việc tại một Chi Nhánh Ngân Hàng ở Biên Hòa, được chuyển về Ngân Hàng Hội Sở ở phố Hàm Nghi, Sài Gòn. Thế là, tôi khăn gói theo chị về Sài Gòn vào những ngày đầu năm Đệ Nhất, bùi ngùi ngoảnh lại nhìn dòng nước sông Đồng lặng lờ trôi dưới bốn nhịp Cầu Gành. Ngày khai giảng, tôi vào trường Chu Văn An trước. Ở đó, học sinh đa phần là người Bắc. Sau, tôi chọn học ở trường Pétrus Ký, học sinh toàn là người Nam như tôi. Đúng là một ngôi trường có truyền thống tốt đẹp lâu đời, mọi việc dạy và học đều rất quy củ, tiện nghi. Ở đây, tôi được học môn Toán với thầy Giám Học Cam Duy Lễ. Buổi tối, tôi đi học thêm Pháp Văn ở Centre Culturel Francais trên đường Đồn Đất, gần Bệnh Viện Grall.

Thế nhưng, bạn ơi, tôi nhớ Ngô Quyền quá! Nhớ Biên Hòa vô hạn! Vì vậy, chỉ sau một tháng học ở Pétrus, tôi phải năn nỉ chị Cả và anh trai về xin cùng Ba Má cho phép tôi được trở về học lại ở Ngô Quyền. Thầy Hiệu Trưởng Ngô Quyền không hề trách móc tôi điều gì, rất vui vẻ chấp thuận cho tôi trở về Trường. Mãi mãi tôi ghi nhớ lòng khoan dung độ lượng của Thầy.

Tôi trở lại trường, nhìn mặt điểm danh từng người bạn thân mến, mà trong lòng cảm động muốn khóc. Như trên tôi đã nói, trong mùa Hè qua, chúng tôi đã có thêm nhiều bạn mới trong nhóm.Thế nhưng, có bạn vừa đến, lại cũng có bạn đã rời đi .Tôi nhìn quanh quất các bạn trong lớp, trong trường mà nhớ nghĩ đến các bạn vắng mặt. Có bạn vào quân ngũ. Lại nghe có người đã đi theo “bên kia”! Một nỗi buồn sâu thẳm dấy lên trong hồn tôi, nhất là khi trong số các bạn vắng mặt ấy, có một người bạn khác phái, khác lớp, vì bạn học ở ban A, mà tôi đã quen biết và thương mến từ năm đầu học Đệ Nhị Cấp. Sau mùa Hè 1968, bạn đã giã từ bút nghiên, khoác chiến y, trở thành một trong những nữ quân nhân thông dịch viên trẻ tuổi và đầu tiên cho quân đội Mỹ tại Biên Hòa thời ấy. Khi tôi tìm đến gia đình để thăm bạn, gặp người mẹ hiền mặc chiếc áo túi bà ba trắng đang ngồi lặng lẽ ở thềm nhà. Gặp tôi, bà chỉ ngồi yên không nói, đôi mắt u buồn chỉ tay về phía chiếc tủ thờ đặt ngay chính giữa nhà. Sau cái bình hương đầy những cây chân nhang mầu đỏ, lờ mờ một khung hình lộng tấm ảnh người thiếu nữ mặc áo dài trắng, dọc theo đường khuy áo trên ngực là chiếc phù hiệu Ngô Quyền! Tôi lặng người đứng chết điếng, cảm thấy cả bầu trời như sụp đổ… Bạn tôi đã ra đi vĩnh viễn trong một lần hành quân bằng trực thăng trên bầu trời mặt trận Chiến Khu D.

 

Bạn thân mến,

Thư bạn gửi cho tôi, hỏi về câu chuyện nhỏ của tôi ở Ngô Quyền ngày xưa trong bài thơ tôi viết. Thư bạn gửi đã lâu, đến nay tôi mới có dịp hồi đáp. Xin thành thật mong bạn thông cảm cho sự muộn màng của bức thư này.

Phải chăng cũng là một sự muộn màng, khi tôi trả lời bạn về một người bạn học cũ ở Ngô Quyền đã đi qua cuộc đời gần nửa thế kỷ? Và có muộn màng chăng, khi thư này dông dài kể lại những hồi tưởng, nghĩ suy từ trái tim tôi về một thời dấu yêu, đã xưa xa, dưới mái ấm ngôi trường của chúng ta? Nghĩ về nơi ấy, là nghĩ về những con người nơi ấy, có Thầy, có bạn, có những tà áo dài trắng Việt Nam tung bay trong nắng sớm hay gió chiều, đẹp tuyệt vời và vĩnh cữu, không bao giờ phôi pha theo thời gian... Có lẽ trong những năm tháng dài đã qua, có đôi khi, bạn cũng thoáng nhìn thấy hình bóng mình qua tà áo ấy? Vậy xin hãy cho phép tôi được cùng bạn, cùng tất cả bè bạn NQ trên toàn thế giới, chúng ta sẽ mãi mãi nhớ, mãi thương về một thời thanh xuân đi học dưới cùng một mái trường... Người bạn Ngô Quyền trong bài thơ là ai ư? Tôi tin rằng bạn hỏi, tức là đã trả lời rồi vậy.

Thư viết không hết lời, cũng không bao giờ hết tình ý về Ngô Quyền của chúng ta. Câu trả lời không dành riêng tôi, vì Ngô Quyền nay không chỉ còn là một danh từ riêng rất trân trọng, mà đã trở thành một danh từ chung, một danh dự chung và là niềm thương nhớ đời đời của tất cả chúng ta.

Xin tạm biệt bạn và xin hẹn thư sau.

Thân mến,

 

NGUYỄN NGỌC XUÂN

Việt Nam – Tháng 4 / 2011

24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 25280)
Thôi thì tạm dừng ở chỗ cần phải dừng, để kỷ niệm tự nó sống dậy trôi chảy vào dòng máu và ẩn hiện bồng bềnh mông mênh trong tâm khảm,
10 Tháng Mười Một 2012(Xem: 24745)
vớt vầng trăng chết trên hồ cũ mai táng cùng ta-với-nỗi-buồn? Em vất vả trôi theo đời huyên náo Còn nhớ gì… thuở tháng bảy mưa ngâu.
10 Tháng Mười Một 2012(Xem: 30023)
Và như một thói quen không bỏ được, những hàng cây phượng vĩ trong ký ức luôn hiện hữu trong các câu chuyện tôi kể, vẫn rực rỡ như bao giờ.
07 Tháng Mười Một 2012(Xem: 10129)
Chuyện tình cảm thời đi học tuy lãng mạn nhưng nhẹ nhàng, có thể chấp nhận được, chứ những chuyện tình nho nhỏ thời đi lính nếu dại dột kể ra, chắc chắn không yên thân đâu.
07 Tháng Mười Một 2012(Xem: 11503)
Tôi về dẫn theo hồn tôi lạc phong phanh như thể chiếc áo nhầu tóc xưa đã trở màu - thiên lý hỏi người còn có nhận ra nhau?
07 Tháng Mười Một 2012(Xem: 8912)
Bao nhiêu nước mắt-nụ cười Bao nhiêu tiếc nuối - ngậm ngùi chưa vơi Ngô Quyền ơi… Ngô Quyền ơi... Làm sao em giữ một thời đã qua?
07 Tháng Mười Một 2012(Xem: 8027)
Điều sau cùng, tôi muốn nói là chúng ta nên cảm ơn Thượng Đế đã tạo ra quả đất tròn. Nhờ đó, chúng ta mới có dịp gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách để sống lại những kỷ niệm mà suốt đời chúng ta không thể nào quên.
06 Tháng Mười Một 2012(Xem: 113966)
Tôi xa người, buồn như tiếng ve Nỉ non vang trong gió trưa hè Tóc thôi bay, bờ vai nắng gội Nghiêng xuống đời, một bóng đơn côi!
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 28624)
Chung quanh tôi còn biết bao tình thương ràng buộc vây quanh mà ngẫu nhiên, người đầu tiên nhắc nhở cho tôi điều ấy khi tôi từ đường ranh sống-chết trở về chính là thầy Sái.
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 8016)
Ngày nay cả Thầy và trò cùng nghỉ hưu trên đất người, cách xa quê hương nửa quả địa cầu; và nhớ, viết bằng khung cảnh ngôi Trường Ngô Quyền chỉ còn trong ký ức.
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 8382)
Xa nhau mang nỗi nhớ mong Ngô Quyền hình ảnh phượng hồng còn vương Biên Hòa phố nhỏ giọt buồn Mái đầu trắng điểm cầu sương mây ngàn
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 26414)
Nghĩ về một thời tuổi trẻ băn khoăn Là thấy lại phía Tây ngôi trường cũ In dấu chân ai xanh bìa vạt cỏ Hạt cát dãi dầu đau gót guốc cao
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 24623)
Thầy Cô ơi! Bạn bè ơi! Xin giữ cho tôi những kỷ niệm vàng son mà tôi đang giữ dù mai nầy dòng đời tiếp tục chia xa!
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 25440)
Hôm nay chợt nhớ thương người Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh (Trần Dạ Từ)
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 22867)
Tôi xa Ngô Quyền đã từ lâu Tóc xanh giờ cũng đã phai mầu Nhớ cô tôi bước đi trong nắng Thấy áo lam che mát mái đầu.