Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Đào văn Công - Trần Kim Lan - THẦY ANH THẦY EM

03 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 7843)
Đào văn Công - Trần Kim Lan - THẦY ANH THẦY EM

THẦY ANH , THẦY EM

 


 

THẦY ANH

 

34thayanhthayem-_thay_hoang_phi_hung-hinh_1-large

Thầy Nguyễn Phi Hùng (2011)

 

 Hôm nay nhận được thư Thầy Nguyễn Phi Hùng.

 

 Hai mái đầu tóc muối tiêu chụm lại, bốn con mắt qua cặp kính lão lướt qua những hàng chữ thật gọn trên trang giấy trắng thông thường được gấp theo dạng viết thư.

 

Thư viết khá dài, nét chữ gọn và thẳng hàng, gần kín cả hai trang giấy. Thầy báo tin vừa tham dự buổi họp mặt năm mới Tân Mão 2011 do các cựu học sinh Ngô Quyền San Jose tổ chức. Những lời thăm hỏi sức khỏe, công việc, chúc bình an đến cả các cháu nội ngoại, thực sự đã làm hai đứa học trò cũ cảm động và thương kính Thầy vô cùng.

 

 Ngày nay, với phương-tiện thông tin điện tử, không gặp được trên điện thoại thì qua email, viết thư qua bưu điện là điều hiếm thấy và thật trân quí. Nhất là Thầy viết cho học trò cũ. Mà học trò thì tuổi cũng đã xấp xỉ bảy bó! Chúng tôi, từ khi đến mảnh đất tạm dung nầy có được phước lớn, thường nhận được thư từ quí Thầy học năm xưa.

 

 Hai chúng tôi, cùng học chung ba lớp năm đệ nhị cấp, nên kỷ niệm trường lớp cứ gấp đôi người khác! Trường anh cũng là Trường em! Bạn anh cũng là Bạn em! Thầy anh cũng là Thầy em!

 

Thầy Nguyễn Phi Hùng là giáo sư Toán và là giáo sư hướng dẫn lớp chúng tôi ba năm liên tiếp. Thầy về Trường Ngô Quyền dạy Toán lớp Đệ Tam, trường lúc đó còn là cơ sở cũ, đối diện với bệnh viện tỉnh Biên Hòa. Với ba lớp đệ tam A, B1 và B2. Chúng tôi được học Toán với phương pháp “đệ nhị cấp” nghĩa là “nhanh và nhiều”, thêm vào “qua không trở lại”. Lớp Đệ Tam, thời đó thường được coi như nhàn nhã, vì vừa thi xong (và đậu) bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, cần được dưỡng sức cho năm học sau để thi Tú Tài I. Phải nói học trò năm xưa (lười học) có lý do biện minh hay thiệt! Nhưng với Thầy, không thể “tà tà” do sự chăm sóc rất tận tình của Thầy.

 

 Năm Đệ Nhị, về trường sở mới, khang trang, thoáng đạt hơn, chuẩn bị cho năm học quyết định: thi Tú TàiI! Gọi là quyết định vì phải đậu Tú Tài I mới được lên lớp Đệ Nhất, không như lớp Đệ Tam, có thể thi rớt bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp vẫn được cho học, nếu đủ điểm trong năm học Đệ Tứ. Nhưng quan trọng hơn hết là đối với nam sinh,“ta hỏng tú tài, ta đợi ngày đi, đau lòng ta muốn khóc”.

 Đi, đây là đi lính, mà lính thì có thể là Hạ Sĩ Quan (Trung Sĩ) nếu có bằng Trung Học, nếu không thì “đơ dèm cùi bắp” (binh nhì). Vận mạng học sinh ban B chúng tôi nằm trong tay Thầy dạy Toán và Lý Hóa.

 

 Tiếp tục “truyền thống” năm trước, có phần chặt chẻ hơn. Mùa thi năm đó, ngày thông báo kết quả, Thầy đến sân Trường Trung học Gia Long, Sàigòn nghe trên loa phóng thanh, đếm xem có bao nhiêu học trò của mình “vượt vũ môn”. Phải nói đó là một buổi chiều vui mừng lớn của Thầy trò chúng tôi: Lớp chúng tôi đậu gần hết, đến độ Thầy bảo:

“Thôi không hỏi người đỗ nữa, chỉ hỏi xem người hỏng thôi”.

 

 Năm Đệ Nhất Thầy chỉ dạy Hình Học vì hình như Thầy còn những lớp khác.

 

 Bạn cũ cũng thưa dần.

 

 Chúng tôi rời trường học, bước vô trường đời!

 

 Kỷ niệm một thời áo trắng cứ theo tháng, năm mờ dần, mờ dần… khi cả Thầy và trò cùng quay theo bánh xe thời thế. Phải nói chính cuộc bể dâu đã làm đứng lại bước chân phân tán. Rồi thì lần lượt cơ hội đã cho Thầy trò liên lạc được nhau. Chúng tôi liên lạc được với Thầy chỉ trong vòng vài tháng sau khi đặt chân đến Mỹ.

 

 Mươi năm trước, Thầy rất siêng viết thư cho chúng tôi, Hội Cựu Học Sinh Ngô Quyền thời anh Nguyễn Đức Hiền cũng nhờ thư của Thầy mà chúng tôi được biết. Năm 2002, chúng tôi, trong một dịp đi qua San Jose, đến thăm Thầy. Sau bốn mươi năm, gặp lại Thầy, xúc động, nghẹn ngào. Bao nhiêu vui buồn tự tiềm thức được nhắc lại. Ba năm sau, chúng tôi có cơ hội thăm Thầy lần nữa. Ngoài những thăm hỏi thường xuyên, Thầy trò nhắc lại những chuyện vui lớp học, những chuyện buồn trên xứ người, cứ thấy thời gian qua mau quá.

 

 Mỗi lần được thư Thầy chúng tôi thường nhắc tính nghiêm trang của Thầy. Giáo sư Ngô Quyền thời đó đều phải cravate nghiêm chỉnh, cũng là để phân biệt với học trò. Thầy vẫn thường áo ngắn tay và cứ mỗi lần vừa ra khỏi lớp vào giờ chót là Thầy tháo cravate cho vào túi. Thầy rất đúng giờ, có lần đang đọc thông báo từ văn phòng đưa xuống thì chuông hết buổi học, học trò nhao nhao lên, Thầy vẫn cứ đọc đến hết và hỏi có hiểu không? Dĩ nhiên tụi học trò ồn ào “Không, không…”. Thầy bảo “Thông báo nầy mỗi lớp chỉ đọc một lần, các anh chị chưa hiểu thì chưa được về, chờ đưa đi đọc hết các lớp xong, sẽ trả trở lại, anh trưởng lớp sẽ đọc lần nữa”. Đến lúc đó thì tiếng ồn lên: “Hiểu, hiểu rồi Thầy”, và đám học trò ào ra khỏi lớp vì Thầy vừa nói xong là bước ra.

 

 Chuyện nhớ nhiều nhất của chúng tôi về Thầy Nguyễn Phi Hùng là suốt ba năm học, dù đám “thứ ba” nầy chọc phá đủ cách, Thầy vẫn không hé một nụ cười, ngoại trừ một lần duy nhất, Thầy vừa há miệng lại vội đưa tay lên gãi má khi lũ học trò cùng gào lên “A! Thầy cười.”

 

 Ngày nay cả Thầy và trò cùng nghỉ hưu trên đất người, cách xa quê hương nửa quả địa cầu; và nhớ, viết bằng khung cảnh ngôi Trường Ngô Quyền chỉ còn trong ký ức.

 

 

Đào Văn Công & Trần Kim Lan

(NQ 56-63)

 

 

 

 

 

 

THẦY EM

 

34_thayanhthayem-thayphi_long_resize_hinh2-content

Thầy Nguyễn Phi Long (2011)

 

 

Thầy Anh (Nguyễn Phi Hùng) cùng với các đàn anh đàn chị chs NQ khóa 1 có một chiều dài kỷ niệm ba năm Đệ Nhị Cấp, rất ngắn với đời người nhưng là cả gần một nửa học trình 7 năm Trung học. 

Thầy Em (Nguyễn Phi Long) về trường Ngô Quyền sau khi Thầy Anh đã chuyển về làm hiệu trưởng một trường Trung học ở Long Khánh. Lúc đó mặc dù còn rất trẻ, Thầy Em tuy không nghiêm khắc như Thầy Anh, nhưng cũng dạy Toán cho học trò Ngô Quyền.

Anh Đào Văn Công (và chị Trần Kim Lan) đã chia sẻ với đàn em về Thầy của Anh, chúng tôi xin được phép kể lại một vài kỷ niệm trong một niên khóa được học Hình Học với Thầy của Em.

Lúc Thầy Nguyễn Phi Long dạy chúng tôi môn Hình Học lớp tám thì tình hình đất nước đã bước vào giai đọan có nhiều biến động giữa thập niên 70s, nhưng trong khung cửa lớp Ngô Quyền, thế giới học trò của chúng tôi vẫn rất bình yên, như không hề có chiến tranh, không có mất mát, không có di tản, chia lìa…

Chương trình Hình Học năm lớp Tám đặt trọng tâm ở phần “Quỹ tích” mà những cô nữ sinh tuổi mười ba, nhất là những đứa không giỏi toán, vẫn đùa với nhau là môn học “Quỷ… sứ”. Ấy vậy mà lớp chúng tôi rất ngoan, là một trong những lớp học giỏi của khối lớp Tám, không bao giờ bị Thầy Long dùng đến… “chưởng phấn”.

Mãi về sau nầy, lưu lạc quê người, có dịp gặp và nghe các đàn anh, đàn chị từ khóa 4 đến khóa 14 kể lại một số kỷ niệm với Thầy Long, mới thấy là Thầy cũng có nhiều tài ngoài nghề dạy Toán. Hồi xưa, các đàn anh đàn chị lúc còn học với Thầy Long, không dám lơ đãng, thả hồn “mộng mơ ngoài khung cửa lớp”, vì Thầy Long sẽ liệng một mẩu phấn ngay trước mặt người đang “thả hồn ngoài cửa lớp” để đưa đầu óc và tâm hồn của đương sự về lại với giờ Hình Học như hầu hết các bạn cùng lớp.

 Mẫu phấn nhỏ còn sót lại của một cây phấn, nhỏ đến độ không còn có thể dùng được nữa, nhưng rất hiệu nghiệm và chính xác dưới “tầm ngắm” và cách chọi phấn của Thầy Long. Có lẽ nhờ vậy mà hầu hết học sinh của “Thầy Em” đều tập trung trong giờ Hình Học của Thầy.

Chúng tôi nghe kể mà cứ há hốc miệng, không ngờ ông thầy dạy Toán ngày xưa có “kỹ năng” của một người lính pháo binh. Chưa bao giờ Thầy dùng đến “chưởng phấn” với chúng tôi, chắc vì chúng tôi vừa ngoan, vừa chưa đến tuổi mộng mơ để thả hồn ra ngoài khung cửa lớp.

Hồi đó, cả lớp không hề thắc mắc điều gì về Thầy Long, ngoài chuyện Thầy ăn mặc rất “à la mode”, “fashionable”. Sau nầy, chúng tôi mới biết thời trang lúc đó là mặc áo quần chật, bó sát người. Thầy Long dạo đó còn trẻ, chắc chưa đến 30, và vẫn còn độc thân, nên dĩ nhiên là Thầy theo sát thời trang. Và cả lớp đã “lạm bàn” với nhau một cách “trật đường rầy”. Một đứa "đỉnh đạc" lên tiếng, cả một bàn gật gù đồng ý như đó là "chân lý":

 

“Chắc năm nay Thầy không may áo quần mới, mặc lại áo quần năm ngoái, nên bị chật, giống như mấy đứa không được may áo dài mới năm nay, mặc lại áo năm ngoái, áo dài vừa ngắn, vừa chật.”

Học trò con gái vừa mười ba tuổi, chưa đủ khôn nên đã “bàn loạn” như vậy trong giờ ra chơi, dĩ nhiên không bao giờ Thầy Long được biết.

Mãi về sau nầy, lớn lên, khôn ra, sau bao nhiêu năm đi tập thể dục, tôi nhận ra rằng đó là một cách để Thầy Long tự hào về “một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện” của mình. Có lần vui miệng kể lại chuyện xưa với quý Cô Hà Thị Nhung và Trần Thị Minh Tâm (hai trong rất nhiều giáo sư trẻ ở Ngô Quyền của chúng tôi thời nhỏ dại), các Cô đã cười vang về sự ngây thơ… vô… tội tình của học trò năm xưa và còn thêm:

 

Nếu thật sự Thầy Long show off thì Thầy show off với quý Cô giáo còn trẻ, chưa lập gia đình, hay với các chị lớp mười hai chứ không phải là với tụi em đâu!

Còn nhớ, cô, trò đã cười vang nhưng sự kính trọng của chúng tôi với Thầy Long, với quý Cô vẫn còn nguyên như xưa, thời chúng tôi ngồi ở hai dãy bàn học nhìn lên quý Thầy Cô trên bục giảng.

 

Mới đây, được dịp thưa chuyện với Thầy Long đang ở Houston, Texas qua điện thoại, Thầy vẫn còn giữ nguyên lối xưng hô với chúng tôi, một lối xưng hô rất “Bắc Kỳ” đặc biệt của Thầy Long:

 

“Các cô, các cậu bây giờ đã hơn nửa đời người, tôi cũng già lắm rồi cô Hương ạ!”

Chưa được gặp lại Thầy Long kể từ tháng 4 năm 75, nhưng tôi nhận ra cái giọng quen thuộc của Thầy Em qua điện thoại. Thầy (và cả Cô Long) đã chia sẻ với học trò xưa nhiều chuyện, nhờ vậy mà tôi đã viết được “Bên kia đồi”, xem như một lời cám ơn đến Thầy Long, và để tưởng nhớ Thầy Phùng Thái Toàn.

Lâu lâu Thầy vẫn chuyển cho học trò cũ những E mail hay hay, những bài viết đặc sắc, giúp học trò phát triển cả tiếng Mỹ lẫn tiếng Việt.

 

Tiếp nối bước chân của Thầy Anh, Thầy Em cũng dạy Toán nhưng cười nhiều hơn Thầy Anh, và đã giúp chúng tôi có một khái niệm rõ ràng về “Quỹ tích”, xây dựng được một cách nghĩ và làm việc dựa trên nền tảng suy luận của môn Toán.

 

Cả học trò anh (chị) lẫn học trò em đều nhớ đến quý Thầy cũng như tất cả Thầy Cô đã dạy bảo chúng tôi thời mới lớn. Ngày xưa, chúng tôi học Toán từ quý Thầy; bây giờ, chúng tôi học được những kinh nghiệm sống quý báu từ quý Thầy. Dù là học điều gì đi nữa, mãi mãi quý Thầy vẫn là một trong những người đã hướng dẫn chúng tôi trên đường đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng, thênh thang.

 

Nguyễn Trần Diệu Hương (NQ 74-75)

Santa Clara, May 2011

 

 

 

 

24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 25114)
Thôi thì tạm dừng ở chỗ cần phải dừng, để kỷ niệm tự nó sống dậy trôi chảy vào dòng máu và ẩn hiện bồng bềnh mông mênh trong tâm khảm,
10 Tháng Mười Một 2012(Xem: 24293)
vớt vầng trăng chết trên hồ cũ mai táng cùng ta-với-nỗi-buồn? Em vất vả trôi theo đời huyên náo Còn nhớ gì… thuở tháng bảy mưa ngâu.
10 Tháng Mười Một 2012(Xem: 29777)
Và như một thói quen không bỏ được, những hàng cây phượng vĩ trong ký ức luôn hiện hữu trong các câu chuyện tôi kể, vẫn rực rỡ như bao giờ.
07 Tháng Mười Một 2012(Xem: 10047)
Chuyện tình cảm thời đi học tuy lãng mạn nhưng nhẹ nhàng, có thể chấp nhận được, chứ những chuyện tình nho nhỏ thời đi lính nếu dại dột kể ra, chắc chắn không yên thân đâu.
07 Tháng Mười Một 2012(Xem: 11429)
Tôi về dẫn theo hồn tôi lạc phong phanh như thể chiếc áo nhầu tóc xưa đã trở màu - thiên lý hỏi người còn có nhận ra nhau?
07 Tháng Mười Một 2012(Xem: 8839)
Bao nhiêu nước mắt-nụ cười Bao nhiêu tiếc nuối - ngậm ngùi chưa vơi Ngô Quyền ơi… Ngô Quyền ơi... Làm sao em giữ một thời đã qua?
07 Tháng Mười Một 2012(Xem: 7935)
Điều sau cùng, tôi muốn nói là chúng ta nên cảm ơn Thượng Đế đã tạo ra quả đất tròn. Nhờ đó, chúng ta mới có dịp gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách để sống lại những kỷ niệm mà suốt đời chúng ta không thể nào quên.
06 Tháng Mười Một 2012(Xem: 27006)
vì Ngô Quyền nay không chỉ còn là một danh từ riêng rất trân trọng, mà đã trở thành một danh từ chung, một danh dự chung và là niềm thương nhớ đời đời của tất cả chúng ta.
06 Tháng Mười Một 2012(Xem: 113527)
Tôi xa người, buồn như tiếng ve Nỉ non vang trong gió trưa hè Tóc thôi bay, bờ vai nắng gội Nghiêng xuống đời, một bóng đơn côi!
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 28150)
Chung quanh tôi còn biết bao tình thương ràng buộc vây quanh mà ngẫu nhiên, người đầu tiên nhắc nhở cho tôi điều ấy khi tôi từ đường ranh sống-chết trở về chính là thầy Sái.
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 8314)
Xa nhau mang nỗi nhớ mong Ngô Quyền hình ảnh phượng hồng còn vương Biên Hòa phố nhỏ giọt buồn Mái đầu trắng điểm cầu sương mây ngàn
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 26173)
Nghĩ về một thời tuổi trẻ băn khoăn Là thấy lại phía Tây ngôi trường cũ In dấu chân ai xanh bìa vạt cỏ Hạt cát dãi dầu đau gót guốc cao
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 24186)
Thầy Cô ơi! Bạn bè ơi! Xin giữ cho tôi những kỷ niệm vàng son mà tôi đang giữ dù mai nầy dòng đời tiếp tục chia xa!
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 25190)
Hôm nay chợt nhớ thương người Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh (Trần Dạ Từ)
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 22436)
Tôi xa Ngô Quyền đã từ lâu Tóc xanh giờ cũng đã phai mầu Nhớ cô tôi bước đi trong nắng Thấy áo lam che mát mái đầu.