Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Văn Phú (Chiêu Dương) - NĂM TÔI LÊN BẢY

25 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 8439)
GS. Nguyễn Văn Phú (Chiêu Dương) - NĂM TÔI LÊN BẢY


NĂM TÔI LÊN BẢY


18__nam_toi_len7-thay_nguyenvanphu-large-content

GS Nguyễn Văn Phú

 

 “Năm nay tôi lên bảy, tôi đã lớn, tôi không còn chơi bời lêu lỏng như mấy năm còn bé”. Đó là đoạn mở đầu của bài tập đọc trong “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” lớp Đồng Ấu của tôi. “Lên bảy” là một cái mốc thời gian đánh dấu một gia đoạn phát triển mới của đời người. Nó có ảnh hưởng rất lớn đến cả vận mệnh, tương lai, hình thành nhân cách của một cá nhân. Năm lên bảy, đứa trẻ bắt đầu được cắp sách đến trường, bắt đầu học những con chữ đầu tiên, tập đếm những con số đầu tiên, và cũng khởi đầu những mối quan hệ đầu tiên trong xã hội, qua những người bạn nhỏ cùng trang lứa trong lớp học đầu tiên, lớp Đồng Ấu, của đời mình. Những ký ức đầu tiên của tôi vào cái năm lên bảy ấy đã theo tôi trong suốt cuộc hành trình “ba chìm bảy nổi”… cho đến tận hôm nay, vào cái tuổi “cổ lai hi”, gần đất xa trời.

 Năm tôi lên bảy (1945), ba má tôi có cửa hàng buôn bán ở ngay chợ Trà Kha, tên chữ là làng Đại An, thuộc Quận Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Trà Kha hồi đó là một ngôi làng nhỏ, có con sông chạy ngang trước cửa chợ. Con sông chỉ rộng chừng mươi thước, dẫn ra sông cái Hậu Giang. Các ghe xuồng nhỏ lưu thông dễ dàng, nhưng loại ghe lớn, như chiếc cà vom của ba tôi, chỉ đi lại được khi con nước lớn đầy. Chợ có một nhà lồng khá rộng, mặt trước hướng vô nhà việc, nơi hội họp của các “hương chức hội tề”; mặt sau hướng ra bờ sông. Giữa nhà lồng chợ và bờ sông có một khoảng đất trống để cho bạn hàng các nơi tụ về bày bán các thứ hàng bông, tôm cá và đủ thứ hàng hóa linh tinh khác. Hai bên nhà lồng chợ là hai dãy phố trệt, hầu hết cất bằng gỗ, lợp lá dừa nước. Chỉ có vài ngôi nhà gạch lợp ngói của người Hoa. Người Hoa ở đây khá đông, hầu hết làm nghề buôn bán. Họ có bang hội, có chùa Ông Bổn ở phía bên kia cầu sắt. Mỗi năm vào ngày rằm tháng bảy, họ tổ chức cúng cô hồn lớn lắm, có “thí vàng”. Hàng năm còn có lễ “kỳ yên”(cầu an), cúng ông Bổn, cũng vui lắm.

 Ngoài người Việt và người Hoa sinh sống ở chợ, dọc theo bờ sông, còn lại xung quanh toàn là những “sóc” của người Miên (người Khờ-me). Người Khờ-me rất hiền lành, sùng đạo Phật. Chùa của họ rất đẹp, có mái cong, tháp nhọn, giống như những ngôi chùa thường thấy ở Thái Lan, Cam Bốt. Con trai Khờ-me tới mười tám tuổi phải xuất gia, vô chùa tu hai năm rồi mới được về nhà lấy vợ làm ăn. Con gái Khờ-me không ưng mấy chàng chưa đi tu, cho là không có phước. Tu sĩ Khờ-me đấp y màu vàng nghệ, gọi là ông lục. Vị sư trụ trì gọi là lục cả, rất được Phật tử kính trọng.

 Cửa hàng của ba má tôi là một dãy bốn căn bằng gỗ, lợp lá, ngó mặt qua nhà lồng chợ. Căn bìa dùng làm nơi trú ngụ cho cả gia đình bảy người, gồm ba má và năm anh chị em chúng tôi. Ba căn kế chứa đầy hàng hóa: một căn chứa đồ gốm, một căn chứa nồi niu xoong chảo làm bằng đất nung, căn còn lại chứa muối hột, đổ đống cao gần tới nóc nhà. Cách làm ăn của ba tôi là mua tận gốc, bán tận ngọn. Chiếc cà vom của ông ít khi cắm sào lâu một chỗ. Khi thì lên Thủ Dầu Một, Lái Thiêu “bổ” đồ gốm sứ; khi lên tận Xà Toóng, Tri Tôn chở nồi niu xoong chảo; khi xuống Ba Thắt, Bạc Liêu mua muối đem về. Việc bán buôn ở nhà một tay má tôi đảm trách, với sự phụ hợ của chị hai và anh ba tôi.

 Ba má tôi đến lập nghiệp ở làng nầy mới chừng ba năm nay. Công việc làm ăn phát đạt lắm. Cửa hàng lúc nào cũng tấp nập người ra vô, hàng bán không kịp thở. Má chỉ huy chị hai Huyên, anh ba Tiền làm việc suốt ngày không ngưng tay. Tôi có “nhiệm vụ”… đi học, còn thằng Bé bốn tuổi, với con Diệp mới lên hai, đều thuộc lớp… ăn chưa no, lo chưa tới. Má tôi tuy ít học, chỉ biết đọc chữ in thôi, nhưng về mua bán má rành lắm, đố ai qua mặt nổi. Về tiền bạc, má tính toán, tính rợ thôi, không thua gì mấy tay kế toán nhà nghề. Tính má rất cần kiệm. Cái gì đáng ăn thì ăn, đáng mặc thì mặc, đáng xài thì xài, không bao giờ phung phí. Nhờ vậy, trong nhà tiền bạc luôn dư giả. Ba tôi tin cậy hoàn toàn nơi má. Tay hòm chìa khóa giao cho má hết, không bao giờ kiểm soát. Ba chỉ lo việc cung cấp sao cho đủ hàng hóa thôi. Thấy thiếu thứ gì thì chèo ghe đi chở về đầy đủ. Sau mỗi chuyến đi xa, ba cắm sào nghỉ ngơi năm ba hôm rồi lại đi tiếp.

 Năm đó tôi đang học lớp Đồng Ấu (lớp một bây giờ), trường Sơ Đẳng Trà Kha, ngôi trường nhỏ xíu, ba gian, vách ván, lợp lá chằm, phía trước có một khoảng sân nhỏ, xung quanh có hàng rào sống, bằng cây keo. Trường chỉ vỏn vẹn có ba lớp: lớp Đồng Ấu của tôi do thầy Lý Văn Tư phụ trách, lớp Dự Bị của thầy Kỷ và lớp Sơ Đẳng của thầy Lực, kiêm luôn Hiệu Trưởng. Bạn thân nhứt của tôi có thằng Tôm, con dì Hai bán cá, ở xóm trong; thằng Phoóng, con chú Xìn, người gốc Hoa, bán chạp phô (tạp hóa); đặc biệt nhứt là thằng Xà-no, người gốc Miên. Thằng Xà-no có tên trên sổ điểm danh là Thạch Kiên, nhưng chính nó cũng ít khi nhớ tới cái tên chữ nghĩa nầy. Có ai hỏi, nó chỉ nói nó tên Xà-no. Bạn bè trong lớp riết rồi ai cũng quen gọi cái tên Xà-no cúng cơm của nó cho tiện. Nhà thằng Xà-no nghèo lắm. Quanh năm suốt tháng chỉ thấy nó mặc độc nhứt một cái áo bà ba với cái quần xà lỏn bằng vải tám đen mốc thếch. Thằng Xà-no học dở lắm. Vần xuôi nó còn ráng đọc ê a chút đỉnh, bước qua vần ngược là nó chịu chết. Tính nó hiền lành nhưng nhút nhát lắm. Bị mấy thằng bạn khác chọc ghẹo, nó chỉ biết khóc, chạy tìm tôi để… mét. Số là, ở trong lớp tôi được thầy giáo thương, chắc là vì mặt mày tôi sáng sủa dễ coi, lại học khá. Thầy “cử” tôi làm Lớp trưởng, giao cho coi chừng đám học trò quỉ quái, mỗi khi thầy có chuyện đi ra ngoài. Thầy biểu, đứa nào giỡn hớt làm ồn, cứ ghi tên trên bảng đen, để thầy về thầy phạt. Tôi cũng làm bộ ghi tên mấy đứa hay phá phách, nhưng tôi canh chừng, thấy thầy sắp vô lớp là bôi sạch trơn, không đứa nào bị phạt hết. Vì vậy mấy đứa bạn thương và nể tôi lắm. Nhờ vào cái “chức vụ” và uy tín ấy, tôi thường can ngăn các bạn đừng chọc ghẹo thằng Xà-no tội nghiệp nữa. Tụi bạn dù không muốn cũng phải nghe lời, sợ tôi mét thầy. Thằng Xà-no từ đó coi tôi như người anh, có khả năng bảo vệ nó, nên chuyện gì cũng chạy tới “mét” với tôi. Thằng Tôm coi bộ cũng không khá hơn bao nhiêu. Má nó mua đầu chợ bán cuối chợ, suốt ngày cũng chỉ đủ hai bữa cơm. Không thấy nó có ba. Hỏi, nó chỉ trả lời cụt ngủn “không biết”. Nó chơi thân với tôi vì thỉnh thoảng tôi rủ nó tới nhà, lấy bánh trái cho nó ăn, rồi chỉ cho nó làm toán trừ, toán cộng, mấy món mà nó rất sợ, mỗi khi bị thầy gọi lên bảng. Thằng Phoóng thì khác. Người nó mập ú, y như cái hột vịt biết đi, lúc nào quần áo cũng bảnh bao, thay đổi hàng ngày, đi học còn có tiền rủng rỉnh trong túi áo. Nó học cũng xoàng xoàng, nhưng được cái nó rất tốt bụng, có gì cũng đem ra chia xẻ với bạn bè. Thằng Xà-no và thằng Tôm thường xuyên nhận được từ tay nó, khi quyển vở, khi cây viết chì, mấy cục phấn trắng, phấn màu. Ai cần gì mà nó có, nó sẵn sàng cho ngay. Những ngày nghỉ học, thứ năm hoặc chủ nhựt, tụi nó hay tới nhà chơi với tôi. Bọn tôi cùng nhau học bài, tập đọc, học làm toán. Trong những buổi học chung như vậy, tụi nó thường gọi đùa tôi là… thầy giáo. Tôi cũng chỉ cho thằng Xà-no cách giữ vệ sinh, như rửa mặt, đánh răng, chải tóc… Tôi còn tặng nó một cây lược đồi mồi, dạy nó cách chải đầu “bảy ba”, cho mặt mày sáng sủa, dễ coi hơn là cái đầu bù xù thấy mà ghê của nó. Những buổi trưa tan chợ, bọn tôi kéo nhau ra nhà lồng chơi đá banh, bắn đạn, cút bắt… Đôi khi cao hứng, thằng Xà-no còn rủ cả bọn vô chùa Miên lượm trái viết, một thứ trái cỡ như trái cà na, khi chín có màu đỏ sậm, ăn ngọt lắm. Trái viết chín rụng đầy mặt đất, tha hồ lượm ăn, nhưng cấm leo lên cây để hái, hoặc lấy sào để thọc. Ai vi phạm, ông lục sẽ bắt giữ, kêu cha mẹ tới lãnh và… bắt đền. Tuổi “lên bảy” êm đềm của tôi kéo dài được hơn nửa năm. Cho tới một ngày…

 Mùa thu, tháng tám, năm 1945. Việt Minh cướp chính quyền, sau khi Nhựt Bổn đầu hàng Đồng Minh. Mới đầu, cả nhà chúng tôi, cũng như hầu hết dân chúng trong làng, ai cũng vui mừng. Ba má tôi đem không biết bao nhiêu tiền bạc cống hiến cho “Mặt Trận”, cho dân quân, bộ đội… để ăn mừng độc lập. Những ngày đầu độc lập ấy, không khí trong làng thật náo nhiệt. Cờ xí phất phới khắp nơi, trước nhà việc, trên nóc chợ, trên các thân cây dọc hai bên phố… Mấy anh, mấy chị thanh niên đua nhau gia nhập vào đoàn thể: nào Thanh Niên Tiền Phong, Phụ Nữ Cứu Quốc… Trong trường Sơ Đẳng, bọn học trò nhí chúng tôi cũng được các thầy sắp xếp vô Đội Nhi Đồng Cứu Quốc, tối ngày họp nhau tập hát, tập múa, thật là vui. Thanh niên tiền phong tập võ nghệ, tập đánh côn bằng cây tầm vong vạc nhọn, rồi tập bắn cung, tập ném phi tiêu, tập đánh dao găm… Phụ nữ thì tập băng bó, cứu thương, tiếp tế. Mấy đứa con nít thích nhứt là chạy theo đội “pháo binh”. Nói pháo binh cho oai chớ đâu có súng ống gì. Mỗi anh chỉ mang một cái ống thụt bằng tre thôi. Có lẽ đây là sáng kiến có một không hai trong cuộc chiến tranh Việt-Pháp. Các anh lấy ống tre chế ra hàng loạt ống thụt nước. Rồi lấy ớt đỏ băm nhỏ ra, quậy trong những thùng nước lớn, đem đặt sẵn trong mấy lùm cây dọc theo con đường dẫn vào làng. Nghe mấy anh bàn với nhau, đợi khi mấy thằng Tây tới gần, mình phục kích trong bụi, thụt nước ớt vô mắt cho nó hết thấy đường, rồi xông ra, lấy dao chém đứt đầu là xong, dễ ợt. Nghe cái “chiến thuật” thần sầu quỉ khóc ấy, bọn con nít khoái chí, vỗ tay rần rần. “Độc lập” đâu chừng hơn tháng. Qua tháng 9, có tin tụi Tây theo chân quân Ăng Lê trở lại. Rồi tới ngày 23 tháng chín, quân ta rút khỏi Sài Gòn. Rồi bọn Tây bắt đầu từ Sài Gòn kéo đi chiếm lại các tỉnh miền Nam. Mới sáng sớm, cả làng Trà Kha xôn xao, có tin Tây đã chiếm Trà Cú, đang trên đường tiền xuống Trà Kha. Xa xa đã nghe lai rai mấy tiếng “mút-cà-tông” nổ bùm bùm. Việt Minh bèn hô hào dân chúng tản cư, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”. Vậy là mạnh ai nấy chạy. Bỏ của chạy lấy người. Không thấy ai phục kích, chiến đấu chi hết. Cả đội quân pháo binh “ống thụt ớt” hùng hổ hôm qua cũng biến đâu mất luôn.

 Trong tình hình hỗn loạn đó, ba má tôi cũng đành bỏ hết cơ nghiệp, đem cả nhà lên chiếc cà vom, chỉ góp nhóp được chút ít tiền bạc, quần áo, theo chân đoàn người… chạy giặc. Lúc mọi người đã xuống ghe, ba tôi định nhổ sào, bỗng thấy từ xa có ba người hớt hơ hớt hải chạy tới, vừa chạy vừa kêu:

 - Chú bảy ơi, làm ơn cho tụi tui đi với!

 Ba nhận ra ngay ba ông thầy giáo dạy trường Sơ Học. Các thầy đều còn trẻ măng, mới ngoài hai mươi, thỉnh thoảng có ghé nhà tôi chơi, có khi còn được ba tôi mời ở lại ăn cơm “nhà quê” cùng với gia đình, thành ra khá thân thiết. Ba thầy đều có nhà ở thị xã Trà Vinh, mà tụi Tây lại từ hướng Trà Vinh kéo xuống, nên các thầy không cách nào về nhà bằng đường bộ được. Ba tôi vội phóng chiếc đòn dài lên bờ, ra hiệu cho các thầy chạy mau lên.

 - Mời các thầy xuống ghe mau lên!.

 Đợi ba thầy xuống xong, ba rút đòn dài, nhổ sào, chống ghe tách bến. Ba cầm lái, anh Ba Tiền đứng mũi, lấy sào tầm vong chống ghe đi, chỉ chống thôi, không thể nào chèo đươc, vì ghe xuồng lớn nhỏ trên sông dày đặc. Tôi tuy ốm yếu, cũng ráng kiếm một cây sào nhỏ, leo lên mui phụ chống với mọi người. Vừa chống ghe, tôi vừa liếc mắt nhìn lên bờ sông. Đâu đó xa xa tôi còn thoáng thấy màu lông trắng của con Ky, con chó của nhà chúng tôi, ẩn hiện trong dòng người chạy loạn. Thì ra trong lúc vội vàng không ai nhớ tới con Ky nữa. Tôi đứng lặng im, rơi nước mắt, biết mình bất lực, không thể nào cứu nó, trong khi chính con người còn chưa biết sống chết ra sao. Vào lúc nầy đây, ai cũng muốn chạy cho mau. Có ghe chèo ghe, có xuồng bơi xuồng, không có thì chạy bộ. Dưới sông nghẹt cứng ghe xuồng. Trên bờ người người chen chúc, tay xách nách mang, cứ nhắm hướng vàm sông cái mà chạy.

 Ra khỏi vàm rồi, thấy thuận gió, ba tôi kéo buồm, rồi tay lèo, tay lái, cho ghe chạy ra giữa sông, ngược lên phía Vĩnh Long. Nói về tài lèo lái, ba tôi thuộc loại nhà nghề. Điều khiển dây lèo là một nghệ thuật, không khéo, ghe có thể bị chìm. Cho nên người ta mới ví người lãnh đạo là người “lèo lái con thuyền quốc gia”. Lèo lái lôi thôi, đất nước sẽ suy vong. Trong lúc ba đang ra sức “lèo lái” con thuyền… chạy giặc, ở trong mui má lật đật lo nấu cơm, nướng mấy con khô sặc, mời mấy thầy giáo ăn dằng bụng. Không biết thường ngày mấy thầy ăn uống ra sao, nhưng bữa nay, bữa cơm nhà quê, chỉ mấy con khô sặc nướng, với chén nước mắm trong dằm ớt, mấy thầy ăn coi ngon lành lắm. Lúc tôi bưng trà vô khoang mời các thầy, thầy Tư còn vuốt vuốt đầu tôi, rồi hướng ra sau lái nói lớn với ba tôi:

 -Thằng nhỏ nầy mặt mày sáng sủa, thông minh, học giỏi lắm đó, chú Bảy. Yên yên rồi chú ráng cho em đi học lại nhe. Có tương lai lắm đó.

 Ba tôi chỉ mỉm cười, không nói gì. Trong cảnh nguy khốn nầy, chết sống còn chưa biết, ai dám nghĩ tới chuyện tương lai… mờ mịt.

 Chạy tới chiều tối, ghe đã vô địa phận tỉnh Cần Thơ. Ba tôi bẻ lái cho ghe băng ngang sông cái, vượt qua đầu cù lao Vung, ghé vô chợ Đại Ngãi, trời cũng vừa tối. Ba tôi cắm sào bên bờ sông nghỉ qua đêm. Tội nghiệp ba ông thầy giáo, xưa nay đâu quen ngủ ngoài trời. Ba tôi có đưa cho mỗi thầy một chiếc nóp, nhưng mấy thầy đâu có biết dùng. “Nóp” là một chiếc đệm hình vuông, mỗi cạnh chừng hai mét, xếp đôi, may bít hai đầu. Nó đóng vai trò vừa làm chiếu, vừa làm mùng, vừa làm mền nữa. Sáng ngủ dậy, chỉ cần xếp nhỏ, cột chặt, xỏ một sợi dây, mang lên vai là xong. Thời kháng chiến, bộ đội ai cũng có chiếc nóp như vậy, mang trên vai là có thể đi… bốn phương trời. Các bạn lớn tuổi chắc còn nhớ, trong bài hát Nam Bộ Kháng Chiến có câu: “Thuốc súng kém, chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước. Nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng”. Cái nóp tiện lợi vậy đó, nhưng khổ nỗi các thầy là dân thành thị đâu có biết xài. Các thầy đành thao thức, lắng nghe bầy muỗi “thổi sáo” vi vu cho tới sáng. Hôm sau, trời mới rạng đông, ba thầy nói lời cám ơn ba má tôi, rồi từ giã chúng tôi, lên bộ, kiếm đường trở về Trà Vinh. Tôi bước tới, khoanh tay chào từ biệt các thầy mà rưng rưng nước mắt. Dường như linh tính cho tôi biết, cái duyên thầy trò của chúng tôi đã chấm hết tại nơi nầy… Khi các thầy đã đi rồi, má tôi cũng lên chợ mua thêm gạo, muối, dầu hôi, lương khô dự trữ. Xong đâu đó, ba tôi nhổ sào, cặp theo kinh Phụng Hiệp chạy về phía Bạc Liêu. Rồi từ đó, ông cho ghe xuôi về hướng Nam. Hễ bộ đội chạy tới đâu, dân chúng chạy theo tới đó. Tụi Tây thì rượt sát sau lưng.

 Sông rạch miền Nam chằng chịt như mạng nhện. Nhưng ba tôi làm nghề thương hồ đã nhiều năm. Ông thuộc lòng từng ngõ ngách trong cái hệ thống sông rạch rắc rối như mê hồn trận nầy. Ông biết rành rẽ chỗ nào sâu, nơi nào cạn, đường nào nên đi, lối nào nên tránh, khúc nào nước ngọt, đoạn nào nước lợ. Khi thì ông chạy buồm dọc theo sông cái, khi luồn lách trong các nhánh sông con, kinh rạch nhỏ, để tránh sự rượt đuổi của bọn Tây. Xuôi nước thì đi, ngược nước thì nghỉ, gặp chợ búa thì ghé mua thêm gạo muối, đồ ăn dự trữ, gặp chỗ có nước ngọt thì múc lên, chứa đầy lu, khạp, lóng phèn cho trong, dùng để nấu ăn. Trên đường xuôi Nam, nhiều lần chúng tôi còn thấy những thây ma nổi lều bều, trôi tà tà theo mấy đám lục bình, bốn vó chỏng lên trời. Dân chúng gọi đó là “thằng chỏng”. Có người nói mấy thằng chỏng ấy là bọn Việt gian, bị Việt Minh cho đi “mò tôm”; mấy ông Việt Minh thì đổ tội cho Hòa Hảo. Cái đầu non nớt của một cậu bé lên bảy như tôi có biết đâu là đâu. Tôi chỉ biết đó là một tội ác quá ghê tởm, không thể nào tưởng tượng.

 Trôi nổi mấy tháng trời, từ Trà Vinh qua Vĩnh Long, xuống Cần Thơ, Bạc Liêu, xuống mãi tận Năm Căn, Cà Mau, rồi chạy theo sông Ông Đốc vô tới rừng U Minh Hạ. Càng về phía Nam, người ta càng đông đúc, cả bộ đội lẫn dân tản cư tứ xứ. Đôi khi tôi cũng thấy từng tốp người “lạ mặt”, mặc đồng phục ka ki vàng, lưng mang ba lô, đầu đội nón cối, chân mang dép cao su, trang bị đầy đủ súng ống, không phải “nóp với giáo mang ngang vai” như bộ đội trong Nam. Những người biết chuyện nói họ là bộ đội chánh qui Bắc Bộ, vào giúp Nam Bộ kháng chiến. Đám chánh qui nầy đi tới đâu làm rùm beng tới đó; nào đào hố chiến đấu, đắp đập ngăn sông, tập trận giả, tổ chức văn nghệ, ca hát ì xèo coi xôm tụ lắm. Nhưng hễ có tin bọn Tây tới gần thì nửa đêm họ biến đi đâu mất. Sáng ra thấy vắng hoe, dân chúng hoảng hồn, tự giác kéo nhau chạy theo. Lúc chúng tôi sắp chạm bìa rừng U Minh, bỗng nhiên chỉ trong một đêm, bộ đội Việt Minh biến mất tiêu, không còn thấy bóng dáng một người nào. Sách sử về sau gọi giai đoạn nầy là thời kỳ “Việt Minh… khuất bóng”. Tuy nhiên, chỉ hơn một năm sau, họ bỗng nhiên “hiện hình” trở lại, đánh phá tưng bừng. Một thời kỳ nhiễu nhương, loạn lạc mới lại bắt đầu, kéo dài hàng mấy mươi năm. Nhưng đó là chuyện về sau.


nam_toi_len_7-large-content

 Việt Minh khuất bóng rồi, dân tản cư như gia đình chúng tôi không còn biết làm gì, đi đâu nữa. Rồi có bố cáo của chánh quyền Tây, kêu gọi dân chúng hồi cư. Họ cho máy bay “đầm già” rải truyền đơn, hứa hẹn không làm khó dễ nếu dân chúng trở về làm ăn sinh sống bình thường. Công chức trở về được thu dụng lại, còn được trả tiền rắp-ben (truy lãnh) đầy đủ. Không còn cách nào khác, ba tôi cũng quyết định đưa gia quyến hồi cư. Nhưng trước khi trở về, ông chèo ghe vòng vòng miệt Chắc Băng, Cạnh Đền, Hốc Bà Tó… xem xét tình hình. Là một thương gia, ông hiểu rõ tình hình kinh tế hiện tại. Trong thời loạn lạc, nông dân làm ra sản phẩm đâu biết bán cho ai. Khoai lang, khoai mì nhổ lên chất đống, không có người mua, giá cả rẻ rề. Ông quyết định dốc hết số tiền còn lại mua đầy một ghe khoai lang, chở về bán tại chợ Vĩnh Long, hy vọng may ra có thể kiếm thêm chút tiền làm vốn, dựng lại cơ đồ, sự nghiệp. Dân chúng nông thôn thời nầy khốn khổ lắm. Mọi thứ hàng tiêu dùng hàng ngày đều khan hiếm, đắt đỏ. Nhiều người phài mặc quần áo vải bố, vải gai, thậm chí cả “vải” đan bằng sợi chuối. Một lần, trên đường hồi cư, ghe chúng tôi ghé vào một cái chợ kêu là chợ Thới Long, quận Thới Bình để cho má và chị hai lên chợ mua mấy thứ cần dùng. Bọn con nít chúng tôi bị cấm lên bờ, sợ ham chơi, đi lạc. Tôi buồn buồn ngồi nơi mũi ghe ngó mong lên bờ, thấy mấy đứa trang lứa đang chơi rượt bắt rất hào hứng. Tôi để ý, thấy có đứa đang vui chơi bỗng nhiên nhảy ùm xuống sông một cái, rồi lại leo lên bờ chơi tiếp. Ban đầu, tôi không có ý nghĩ gì, nhưng rồi lại thấy một đứa khác, rồi một đứa khác nữa cũng làm y vậy. Không hiểu sao tụi nó tắm hoài như vậy, không sợ bị bịnh? Chiều hôm đó, tôi đem việc nầy hỏi ba. Ba tôi nhíu mày một cái, mới giải thích:

 - Tụi nó bận quần áo bằng dây chuối đó con. Chơi ngoài nắng, dây chuối bị khô, dòn, dễ rách, nên lâu lâu phải nhúng nước cho nó mềm.

 Nghe ba nói vậy tôi thấy buồn hết sức. Dân mình khốn khổ tới vậy sao? Nếu không tận mắt thấy, chắc chắn không ai tin nổi. Những người dân thành thị giàu có, ăn ngon, mặc đẹp, làm sao hiểu nổi cảnh tình nầy. Nghĩ tới, nghĩ lui, tôi chỉ còn biết thở dài. Cả ngày hôm đó, và nhiều ngày sau nữa, tôi ăn gì cũng không thấy ngon. Tôi tự hỏi, giả như nước mình được độc lập thật, đuổi Tây Tàu đi hết sạch rồi, dân mình có đỡ hơn không?...

 Trên đường hồi cư, không có ai đuổi thúc sau lưng, nhưng phần nóng lòng sớm về coi nhà cửa ra sao, phần phải lo bán cho xong ghe khoai, kẻo để lâu hư thúi hết, ba tôi tìm đường tắt để rút ngắn cuộc hành trình. Rời sông Ông Đốc, ba chèo ghe theo sông Trèm Trẹm, băng qua sông Cái Lớn, rồi theo sông Cái Bé rẽ vào Ô Môn để ra sông Hậu Giang, chạy thẳng về chợ Vĩnh Long. Lần nầy ba má tôi gặp may, cả một ghe cà vom khoai lang, không dưới ba tấn, chỉ qua ba buổi chợ là bạn hàng tới cân sạch bách. Chắc ba má kiếm được một món lời không tệ, ít ra cũng tới ba bốn tấm “bộ lư” (giấy một trăm bạc Đông Dương).

 Trưa hôm sau, chúng tôi về tới chợ Trà Kha. Khi cả nhà đặt bước chân lên bờ thì, trời ơi, cả một cảnh tượng thê lương bày ra trước mắt. Nhà cửa, chợ búa đều bị đốt sạch trơn. Dãy nhà bốn gian của gia đình tôi chỉ còn trơ lại cái nền đất đen sì, phủ đậy tro bụi. Tôi chạy u tới ngôi trường Sơ Đẳng. Ôi thôi, nó chỉ là một đống tro tàn. Tôi đứng đó, như trời trồng, giữa cảnh vật hoang sơ, đổ nát, không biết tới bao lâu, cho đến khi có một giọng nói của ai đó, từ phía sau lưng, nhẹ nhàng, quen thuộc: “Mầy “dìa” hồi nào vậy, hả?”. Tôi giật mình quay lại. Thằng Xà-no đang đứng đó, mặt mày hốc hác, đầu tóc bù xù, trên người xề xệ chiếc quần đùi mốc thếch, mình trần trùi trụi. Tôi chạy a tới, ôm nó chặt cứng. Hai anh em cùng khóc không ra tiếng… Tôi hỏi nó, qua màng nước mắt ràng rụa:

 - Sao mày biết tao ở đây?

 Thằng Xà-o mếu máo:

 - Từ hôm trường bị đốt, ngày nào tao cũng ra đây, coi có gặp đứa nào không. Bữa nay hên quá, gặp được mày rồi.

 - Ai đốt trường, và nhà cửa dưới chợ nữa, mày biết không?

 - Dân trong sóc tao chớ ai. Bữa đó, có ba thằng Tây mang súng dài đi vô sóc, kiếm ông lục cả, biểu đi kêu dân tụ lại chùa. Nó nói đất nầy của người Miên, bị người Việt chiếm. Bây giờ, quan lớn Tây trả lại cho người Miên, tụi bây cứ việc đuổi người Việt đi, lấy của cải của chúng mà xài, nhà cửa của chúng cứ việc đốt bỏ. Ba tao với mấy người nữa không chịu theo, bị nó lấy bá súng đánh bể đầu, rồi đem ra sau chùa bắn chết. Mấy người kia sợ quá, hè nhau vác phảng kéo đi “cáp duồn”, rồi đốt nhà, hôi của tùm lum. Thiệt là…

 Thằng Xà-no không nói gì nữa. Nó đứng làm thinh, mặt mày méo xẹo. Tôi nắm tay nó đi xuống bờ sông, xuống chiếc ghe cà vom, mà từ nay đã trở thành căn nhà nổi của chúng tôi. Ba má với anh ba tôi còn đi kiếm thăm bà con lối xóm chưa về. Trên ghe chỉ còn chị hai và hai đứa nhỏ đang ngồi ăn khoai lang luộc. Tôi xin chị một củ đưa thằng Xà-no, rồi chui vào trong mui, lục giỏ lấy một cái áo sơ mi cũ, biểu nó :

 - Mày bận áo đi, rồi mình đi vòng vòng xóm chợ, coi có gặp đứa bạn nào của mình nữa không.

 Xà-no bận áo vô, cười, ngó tôi, lí nhí trong họng:

 - Mày là một “duồn” tốt.

 Hai đứa đi lang thang hết vòng chợ, rồi đi qua cầu sắt. Chùa Ông Bổn và mấy cái nhà ngói của người Hoa vẫn còn nguyên, nhà nào cũng có treo cờ “tam sắc” bên cạnh lá cờ màu xanh, có hình mặt trời trắng trên góc. Nghe người lớn nói, người Tàu là “đồng minh” gì đó của Tây nên lính Tây bảo vệ họ. Đi cả tiếng đồng hồ không gặp thằng bạn học nào. Mặt trời đã xuống khỏi ngọn cây. Tôi biểu Xà-no về đi, sáng mai ra chơi với tôi. Nó “ừ”, rồi cắm đầu cắm cổ chạy một mạch…

 Cơ nghiệp ba má tôi gây dựng bao nhiêu năm trời nay bỗng chốc thành mây thành khói. May mà còn có chiếc cà von làm nhà và chút vốn liếng nhờ bán ghe khoai ở Vĩnh Long. Ba má tôi thua buồn, quyết định bỏ xứ Trà Kha, về quê tạm nương náo với ông bà nội tôi, chờ đợi thời cơ.

 Hai ngày sau, ba tôi sẵn sàng nhổ sào. Buổi sáng, trời đất tự nhiên kéo mây đen tối sầm. Chiếc cà vom từ từ rời bến. Tôi đứng trước mũi ghe, đưa mắt nhìn lần cuối cái chợ Trà Kha, nay đã hoang tàn. Tuổi thơ của tôi khởi sự ở cái làng nầy, khi tôi bắt đầu có chút trí khôn. Nơi đây tôi đã học những chữ quốc ngữ đầu tiên với thầy Lý Văn Tư trong ngôi trường Sơ Đẳng. Giờ đây tôi phải xa nơi nầy, không biết ngày nào trở lại, lòng tôi sao khỏi ngậm ngùi, muốn khóc.

 Năm nay tôi lên bảy, tôi mất nhà, mất cửa, mất thầy, mất bạn, mất cả tuổi thơ. Tôi làm sao mà… lớn nổi.


Chiêu Dương 

(GS Nguyễn Văn Phú)

 

15 Tháng Tám 2013(Xem: 61116)
… Và tôi chợt nghĩ ra các bạn tôi rồi một hôm cũng sẽ chợt khám phá ra chiếc ghế dành cho tôi trong buổi hẹn bên ly rượu ở một nơi nào đó sẽ không có tôi…
18 Tháng Ba 2013(Xem: 147258)
Tác phẩm Ngô Quyền Một Thời Để Thương Để Nhớ, không chỉ là một bộ sưu tập của những kỷ niệm đã theo chân những lữ khách Ngô Quyền khắp chân trời góc bể...
17 Tháng Ba 2013(Xem: 99116)
Dù rằng bây giờ con dốc Kỷ niệm trên đường đến trường Ngô Quyền hoặc dốc Cây Chàm đã bị bào mòn, không còn cao như xưa, nhưng trong từng ngăn ký ức đời mình thì “những kỷ niệm một thời học sinh Ngô Quyền” đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc nhất
17 Tháng Ba 2013(Xem: 55397)
Áo trắng xưa bây giờ sao gợi nhớ! Kỷ niệm êm, tình bạn lẫn tình yêu Áo trắng Trường Xưa, Thầy yêu kính Một góc trời thương nhớ bỗng trong ta.
17 Tháng Ba 2013(Xem: 80854)
Bạn bè tôi, người còn, người mất, kẻ ở lại, kẻ tha phương. Tôi vẫn ở đây, vẫn đi qua ngôi trường Ngô Quyền xưa cũ, giờ đã đổi mới hoàn toàn,
17 Tháng Ba 2013(Xem: 65241)
Xin các anh chị Khóa 13 miễn thứ cho tôi cái tội "phạm thượng" như kể trên của những ngày xưa thân ái... (không bao giờ có lại được nữa)!
28 Tháng Hai 2013(Xem: 10346)
một bức thư nhà trọn niềm thương nhắn người viễn xứ sống tha hương gửi chút hương lòng cho mây gió góp lại tâm tình của bốn phương
28 Tháng Hai 2013(Xem: 10655)
Anh từ xứ Huế đến Biên Hòa Chờ em tan học bước ngang qua Bài thơ anh gửi tình tha thiết Em giấu thương trong áo trắng tà
28 Tháng Hai 2013(Xem: 13569)
Thật hạnh phúc cho những đứa học trò trường Ngô năm nào, khi có dịp gặp lại thầy cô giáo một đời vất vả vì những thế hệ học sinh thân yêu…
28 Tháng Hai 2013(Xem: 11364)
Kể lại bạn nghe, không phải để nhắc đi nhắc lại chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” của người làm báo online mà để thỉnh thoảng bạn cùng góp tay vào vác ngà voi với BBT để web nhà phong phú hơn.
28 Tháng Hai 2013(Xem: 13541)
Nếu ai hỏi tôi khoảng thời gian nào đẹp nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: khoảng thời gian cắp sách đến trường. Đó là những năm hạnh phúc nhất. Tuổi học trò thật vô tư, thật yêu đời và thật ngổ ngáo dễ thương.
24 Tháng Giêng 2013(Xem: 12131)
Xin chút nắng tưới hồn hoang cỏ úa Ký ức xanh trong trái tim hồng Nghìn sau nữa, giữa cuộc đời dâu bể Nước xa nguồn vẫn đổ về sông.
24 Tháng Giêng 2013(Xem: 11882)
xe chạy ngang Trường Ngô Quyền, tôi nhìn bâng quơ không chút ý niệm gì, tôi củng không bao giờ nghĩ đến ngày mình phải vào học ở ngôi trường to lớn và xa lạ kia.
23 Tháng Giêng 2013(Xem: 10533)
Thế là phải đành nhìn ngôi trường thân thương của thời đi học trở thành những đống gạch ngổn ngang, còn chăng chỉ là ký ức về bảy năm sách-đèn-hoa-mộng với những ngày xanh cùng biết bao kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò…
23 Tháng Giêng 2013(Xem: 10367)
Áo trắng giờ đã xa Trường Ngô Quyền Biên Hòa Nhớ mãi màu phượng đỏ Ký ức tháng ngày qua