Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Hoàng Phùng Võ - MỘT VÀI CHIA SẺ VỀ TÌNH NGHĨA NGÔ QUYỀN

23 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 7663)
GS. Hoàng Phùng Võ - MỘT VÀI CHIA SẺ VỀ TÌNH NGHĨA NGÔ QUYỀN


MỘT VÀI CHIA SẺ VỀ TÌNH NGHĨA NGÔ QUYỀN

 

 4__motvai_chiase_thay_hpvo-content

GS Hoàng Phùng Võ

 

 Giữa niên học 1958-1959, giáo sư Việt văn Phạm thị Thanh xin nghỉ, nên trường Trung Học Ngô Quyền cần người thay thế. Tôi đang dạy Toán tại trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, liền nộp đơn xin thuyên chuyển về Ngô Quyền. Mục đích để được gần Sài Gòn, gần gia đình; việc đi lại vừa đỡ mất thì giờ, vừa đỡ tốn kém… Nha Trung Học cho biết, cần giáo sư Việt văn, không phải giáo sư Toán. Tôi trả lời nửa đùa, nửa thật: “dạy Toán là chuyên môn tay trái, Việt văn mới là chuyên môn tay phải”. Có lẽ vì cần ngay giáo sư giữa niên học, nên tôi may mắn được chấp thuận cho thuyên chuyển, không bị kiểm tra xem chuyên môn tay phải, tay trái thế nào; hay vì“cơ duyên”,“một sợi tóc trên đầu rụng xuống cũng đã được Thượng Đế tiền định cả rồi”. Nhờ sự may mắn ấy, tôi đã dạy tại trường được bốn niên khóa từ 1958 đến ngày nhập ngũ khóa 14 Sĩ quan Thủ Đức, năm 1962. Bốn năm hạnh phúc, đầy kỷ niệm tốt lành. Và giờ đây, lại có cơ hội tâm tình với “Ngô Quyền một thời để thương để nhớ.”

 Những gì đã làm mỗi người chúng ta thương nhớ Ngô Quyền?

 Ai có dịp nghe tâm sự của những người đã làm việc, học hành tại trường Trung học này, kể cả những người có liên hệ xa gần, như phụ huynh học sinh, như các nhà giáo khác trong tỉnh chẳng hạn…, hoặc có dịp đọc Kỷ Yếu của trường Ngô Quyền những năm qua, đều nhận thấy rằng mỗi người ít nhất cũng có dăm ba lý do để thương nhớ Ngô Quyền. Nếu ghi chép lại, có đến hàng trăm lý do khác nhau để trường Trung Học Ngô Quyền được thương được nhớ.

 Tôi cũng vậy, có nhiều lý do khiến tôi yêu mến, gắn bó với Trường Trung học Ngô Quyền. Lý do chính yếu là sự thân thiết, chân thành, tương thân tương ái, như anh em bà con một nhà, trong cách cư xử với nhau giữa mọi thành phần trong trường. Tôi gọi đó là “Tình nghĩa Ngô Quyền” mà tôi muốn chia sẻ đôi điều nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Trường. Tình Nghĩa này khiến cho mọi người được thoải mái, vui vẻ, mang hết tâm trí ra để làm việc và giúp nhau chu toàn trách nhiệm của mỗi người. Vì vậy, kết quả đạt được nhất định phải tốt đẹp, như đã thấy, về cả ba phương diện, mà nền giáo dục của chúng ta khi xưa nhắm tới: Đức dục, Trí dục và Thể dục. Cũng chính Tình Nghĩa ấy đã duy trì sự liên kết mọi thành phần trong suốt thời gian qua, và chắc chắn sẽ còn tồn tại lâu dài.

 Nguyên do nào đã khiến cho Tình Nghĩa Ngô Quyền được như thế?

 Trước hết phải kể đến truyền thống đạo đức của dân tộc ta. Là người, sống với nhau phải có tình có nghĩa. Là học trò, thì “tôn sư trọng đạo”. Sau đó, công đầu phải thuộc về những người sáng lập, những thầy dạy học đầu tiên của trường. Đó là Cụ Hiệu trưởng Phan văn Nga, Cụ Quản đốc Hồ văn Tam, các giáo sư Phạm văn Tiếng, Đinh văn Sái, Bùi Quang Huệ, Dương Hòa Huân, Phạm văn Mẫn, Phạm Minh Đức… Những vị này đã được đào tạo, đã sống trong Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; và đem những điều ấy đến với trường Ngô Quyền đối xử với nhau, giữa đồng nghiệp, thầy trò; tạo nên một nền nếp khởi đầu tốt đẹp. Từ đấy về sau, cứ lấy đó làm căn bản mà tiếp nối.

 Tiếp theo, phải kể đến những vị Hiệu trưởng là những người có trách nhiệm trực tiếp điều khiển mọi công việc: quý ông Huỳnh Quốc Tuấn, Phạm Đức Bảo, Phạm Khắc Thành. Một điều rất may mắn cho trường Ngô Quyền là tuy quý vị Hiệu trưởng này, mỗi người một vẻ, nhưng có một số đức tính chung: tính tình rất cởi mở, dễ thân thiện, quý mến cộng sự viên, không bè phái và hết lòng lo cho việc giáo dục con em. Ông Huỳnh Quốc Tuấn hay đùa giỡn vui vẻ mỗi khi họp mặt. Để tạo tình thân trong nhà trường, ông thường dẫn một số chúng tôi tới thăm gia đình của những đồng nghiệp có nhà ở Biên Hòa. Ông Phạm Đức Bảo nghiêm túc trong khi làm việc, nhưng rất thông cảm và hay giúp đỡ người khác. Việc nào có thể giúp ngay được, ông làm tức khắc. Ông vô cùng thân mật đối với các giáo sư. Ông đi xe mô tô và hay chở người này người nọ, đi đây đi đó. Kể cả đường dài Sài Gòn- Biên Hòa, và xa hơn thế nữa. Ăn cơm trưa, cơm chiều, chung vui với các giáo sư chúng tôi là chuyện bình thường. Khi ông Phạm Khắc Thành làm Hiệu trưởng, tôi không còn dạy tại trường Ngô Quyền nữa. Nhưng từ đầu thập niên 80, tôi cũng có nhiều dịp liên lạc với ông, cùng bạn bè đến thăm ông tại Biên Hòa. Và khi sang Hoa Kỳ, tôi gặp ông thường xuyên hơn; vì gia đình chúng tôi ở không xa nhau lắm. Qua đó, tôi thấy ông hãnh diện được làm việc tại Ngô Quyền và có nhiều kỷ niệm tốt về các thầy cô.

 Các giáo sư với nhau, không phải chỉ có tình đồng nghiệp chung chung, mà thực sự là những bạn hữu chí thiết.

 Chung vui, lo lắng giúp đỡ nhau, không phải chỉ trong lúc còn dạy chung trường, mà kéo dài tới ngày nay. Tình cảm tốt đẹp đã đến với tôi ngay từ ngày gặp gỡ đầu tiên với các giáo sư nhà trường. Tôi đã được tiếp nhận một cách vui vẻ, được chỉ dẫn, giúp đỡ nơi ăn chốn ở tận tình, trong khi chân ướt chân ráo từ nơi xa mới tới. Tình cảm ấy cứ mỗi ngày một gắn bó hơn vì càng ngày càng hiểu nhau hơn, quý mến nhau hơn. Số giáo sư càng ngày càng đông thì niềm vui bằng hữu càng ngày càng nhiều. Chúng tôi đã từng thuê nhà sống chung với nhau. Tôi còn nhớ có lúc vì khó khăn gì đó, thầy Dương Hòa Huân đã cho anh em chúng tôi về tá túc. Mỗi sáng đến trường gặp nhau là tay bắt mặt mừng, cười cười nói nói; không khí thật vui mở đầu cho một ngày làm việc. Vừa tan trường buổi sáng, dăm ba chiếc xe vespa, lambretta, gọi nhau ơi ới, chở nhau đến quán ăn trưa. Quán Bà Tư Mập hay Quán Thịnh Vượng? Nhờ đọc bài thầy Phan Thanh Hoài viết trong tập Kỷ Yếu năm 2004, tôi nhớ lại tên hai quán này. Cũng qua bài ấy, người đọc sẽ thấy chúng tôi quan tâm, chăm sóc nhau thế nào. Tôi xin được lập lại những điều thầy Hoài đã viết: “…hôm nào có thầy Phan Thông Hảo thì chúng tôi ra quán bà Tư Mập với các món đặc sản Biên Hòa như canh chua cá lóc…; hôm nào có thầy Hoàng Phùng Võ thì chúng tôi ra quán Thịnh Vượng… dùng cơm nấu với gạo tám thơm của tỉnh Đồng Nai nhưng với các món ăn miền Bắc,…và canh miến gà.” Anh Hảo ơi, một lần nữa chúng mình phải cảm ơn anh Hoài về sự quan tâm đáng mến này. Thế thì những hôm có cả thầy Hoài, thầy Hảo và thầy Võ nữa thì ăn cơm ở quán nào đây? Chắc phải tới quán bà Tư Mập? Đa số phải thắng thiểu số chứ? Không phải vậy đâu, vì lúc này thầy Võ đã mê canh chua cá lóc từ lâu và thầy Hảo cũng say sưa với miến gà rồi; lại được ăn chung với các bạn hiền, thì quán bà Tư Mập hay Thịnh Vượng cũng giống nhau thôi, chẳng còn là vấn đề gì nữa.

 Tôi xin kể thêm chuyện này. Khi đi tù cải tạo về, cần phải kiếm người tin cẩn để chia sẻ tâm tình mà không sợ “tai vách mạch rừng”, tôi cũng đến với bạn hữu Ngô Quyền, thầy Hoàng Đức Bào và Trần Đình Tri. Ba anh em chúng tôi, cứ thứ bảy mỗi tuần, là gặp nhau để “phở, cà phê và chuyện trò to nhỏ”, thường quá trưa mới ai về nhà nấy. Phở, cà phê chỉ là chuyện phụ. Chuyện trò to nhỏ mới là điều chính. Sau này có thêm vài ba thầy nữa; và tiếp tục đến bây giờ. Gần 30 năm rồi. Cái chất keo Ngô Quyền nó bền vững như vậy đó. Trên đất Mỹ, cũng có một buổi họp mặt như thế. Cách đây ít năm, thầy Mai Kiến Phúc đề nghị các giáo sư Ngô Quyền nên gặp nhau mỗi tháng một lần. Được quý thầy cô Đặng thị Trí, Phan Thanh Hoài, Kiều Vĩnh Phúc, Nguyễn văn Phú, Nguyễn văn Phố, Hà Tường Cát, Hoàng phùng Võ, đồng ý ngay. Lâu lâu lại được một vài anh chị khác từ xa đến tham dự. Và từ đó đến nay, hàng tháng đều có cuộc họp mặt tại nhà hàng, trong một bữa ăn trưa. Dành một buổi sáng, người hai, ba lần đổi xe buýt, người lái xe dăm ba chục dặm, đến gặp gỡ nhau trong vài ba tiếng đồng hồ. Tình bằng hữu Ngô Quyền đáng quý như thế đó.

 Nói chuyện bạn bè Ngô Quyền không biết lúc nào hết, còn phải sang chuyện thầy trò, đồng môn nữa chứ.

 Trước hết xin nói đến kỷ niệm buổi đầu tiên tôi tới dạy tại trường Ngô Quyền. Em Lê Phát Đạt, đã ghi lại ý nghĩ của em sau cuộc gặp gỡ ban đầu như thế này: “Thoạt đầu lúc thầy mới vào dạy chúng tôi, tôi đã cảm thấy rằng: nhất định là không khi nào tôi có cảm tình với thầy.” Không biết tôi đã nói năng, hành động lúc đó ra sao, mặt mũi nhăn nhó thế nào, mà đến nông nỗi ấy. Rất may, em viết tiếp: “nhưng về sau vài tuần là tôi cảm thông được thầy ngay, tôi đã kính trọng thầy và hơn nữa trước kia tôi cảm thấy ghen ghét người Bắc, nhưng từ ngày thầy vào dạy đến bây giờ thì thầy đả phá được mộng tưởng của tôi, mà lại còn làm cho tôi biết thương yêu những người ấy nữa là đằng khác.” Thôi đúng rồi, cái ác cảm ban đầu ấy, lỗi tại tôi thì ít mà chắc là do hậu quả của chính sách chia để trị của thực dân Pháp và những ý đồ nói xấu người miền Bắc di cư năm 1954 lúc đó.Tôi nhận được những dòng chữ này sau bốn, năm tháng dạy dỗ các em. Tình nghĩa thầy trò đáng quý và có tác dụng mạnh mẽ như thế. Tôi vẫn giữ những dòng chữ ấy làm kỷ niệm. Hơn nửa thế kỷ rồi. Sự kính trọng quý mến ấy đã được bày tỏ không những bằng lời nói mà bằng nhiều việc làm của các em. Có một thời gian, tôi và em Đặng Vũ Vĩnh đi tù cải tạo, ở cùng trại Long Thành. Tôi không thể nào quên được những bữa ăn em Vĩnh mời tôi mỗi khi em được gia đình tới thăm nuôi. Sống trong trại tù cải tạo của chế độ cộng sản, đói ăn kinh niên; mà được một bữa no, lại ngon miệng thì quý chừng nào. Tâm tình của tôi cũng giống như tâm tình của Thầy Kiều Vĩnh Phúc khi gặp em Hồng tại trại tỵ nạn Pulau Bidong mà thầy đã viết trong bài “Nghĩa Sư Sinh” cho Kỷ Yếu Ngô Quyền 2004. Xin phép thầy Phúc cho tôi lập lại ở đây và thay đổi một vài chữ cho hợp tình hợp cảnh: “Trong thời gian đi tù cải tạo, tôi có nhiều kỷ niệm khá cảm động, nhưng không kỷ niệm nào đáng nhớ như lần gặp gỡ người học trò cũ tại trại tù cải tạo Long Thành… Chính tấm lòng chân thành của người học trò đã trưởng thành và cách đối xử của em với người thầy cũ trong hoàn cảnh tù đầy, thiếu thốn này, mới thực sự là vô giá.”

 Sự quý mến Thầy Cô không phải chỉ xảy ra trong một vài trường hợp đặc biệt như thế, mà là thường xuyên. Tôi được biết, mỗi năm cứ đến ngày Sinh Nhật của Cô Hoàng Minh Nguyệt, các em đã rủ nhau từ Orange County lái xe 7, 8, 9 chục dặm đến San Diego để chúc mừng, chung vui. Và chắc còn nhiều trường hợp tương tự như thế. Sự kính trọng, quý mến các Thầy Cô được luôn nhận thấy rõ ràng trong những khi tiếp xúc, nhất là trong các cuộc họp mặt đông đảo, qua sự tiếp đón, lời nói, sự ân cần chào hỏi của các em.

 Còn tình nghĩa giữa các bạn hữu học sinh Ngô Quyền thì sao?

 Phần này phải dành cho các em là những người trong cuộc. Tôi chỉ ghi ra đây một nhận xét: “học sinh Ngô Quyền quý mến nhau lắm.” Qua nhiều sự kiện, tôi nhận thấy như thế. Little Sàigòn được gọi là Thủ Đô của người Việt tỵ nạn; nên nhiều người Việt Nam ở khắp nơi, kể cả tại Việt Nam, đã đến thăm khu này; trong đó có nhiều học sinh Ngô Quyền và gia đình. Nếu biết được có bạn bè từ nơi xa đến, các em ở đây đều tổ chức tiếp đón thân mật, niềm nở; không tiếc công sức, nhất là đối với các em trong ban chấp hành Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Ngô Quyền. Cách riêng, phải kể đến hai gia đình Cao thị Chung - Kiệt và Nguyễn thị Hiền - Tuấn, là trung tâm tiếp đón. Mặc dù anh chị em đã vất vả trong công việc hàng ngày, vẫn vui vẻ tự tay nấu nướng những món ăn vừa ngon vừa lành, để tiếp đãi bạn bè. Không phải chỉ vài ba món qua loa cho xong chuyện; mà lần nào cũng vậy, món ăn đầy bàn, cứ như một buổi tiệc thịnh soạn. Nhìn thấy họ ăn uống, chuyện trò hăng say, mặt mũi rạng ngời; mới thấy được tấm lòng của họ đối với nhau thân thương thế nào.

 Không phải chỉ đón tiếp anh chị em từ xa tới, mà chính mình cũng đi tìm các anh chị em ở nơi xa mà thăm viếng. Tôi và vài ba giáo sư cũng có dịp cùng với gần 50 em ở Orange County, thuê một xe bus lên thăm các em học sinh Ngô Quyền ờ San Jose. Một cuộc hành trình đầy thích thú. Cũng được tiếp đón niềm nở, cũng được dẫn đi thăm danh lam thắng cảnh, cũng được họp mặt thân tình trong một bữa ăn trưa dưới bóng mát công viên. Tha hồ mà tâm sự. Tôi muốn nhắc lại nhận xét của người tài xế xe buýt, đã theo chúng tôi suốt cuộc hành trình. Anh nói: “Tôi là học sinh của những trường bên Mỹ, tôi là tài xế đã chở rất nhiều hội đoàn, đoàn thể; tôi chưa thấy một cuộc đi chơi nào vừa thân mật, vừa vui vẻ như thế này.” Nên viết thêm vào nhận xét trên một vài điều tôi cảm nhận được sau chuyến đi: “… niềm vui, sự thân thương ấy còn kéo dài trong lòng mỗi người, là một kỷ niệm khó quên và góp phần làm cho đời sống thêm tốt đẹp.”

 Với những cảm nghĩ trên, tôi vui mừng hướng về ngày họp mặt 55 năm của trường ta. Mắt tôi đang nhìn thấy bốn, năm trăm em, và hình như hơn thế nữa, thuộc vài ba thế hệ, từ Việt Nam, từ nhiều nơi trên thế giới về đây hội họp; đang tay bắt mặt mừng, niềm vui gặp gỡ hiện rõ trên nét mặt từng người. Tôi cũng thấy có nhiều bạn bè đồng nghiệp. Và tôi đang tìm kiếm nhiều người khác, tôi ước ao được gặp, trong đó có những người tôi biết chắc rằng không bao giờ chúng ta có thể gặp được nữa trên thế gian này. Tai tôi đang nghe được những lời chào hỏi, những chuyện trò to nhỏ, của những bạn bè thân thiết lâu ngày mới có dịp hàn huyên. Có những điều tôi không trông thấy, cũng không nghe được, nhưng chắc chắn đang xảy ra, đó là những niềm vui, những háo hức mong chờ, những xúc động trong tâm trí mỗi người.

 

  GS Hoàng Phùng Võ

15 Tháng Tám 2013(Xem: 61110)
… Và tôi chợt nghĩ ra các bạn tôi rồi một hôm cũng sẽ chợt khám phá ra chiếc ghế dành cho tôi trong buổi hẹn bên ly rượu ở một nơi nào đó sẽ không có tôi…
18 Tháng Ba 2013(Xem: 147245)
Tác phẩm Ngô Quyền Một Thời Để Thương Để Nhớ, không chỉ là một bộ sưu tập của những kỷ niệm đã theo chân những lữ khách Ngô Quyền khắp chân trời góc bể...
17 Tháng Ba 2013(Xem: 99111)
Dù rằng bây giờ con dốc Kỷ niệm trên đường đến trường Ngô Quyền hoặc dốc Cây Chàm đã bị bào mòn, không còn cao như xưa, nhưng trong từng ngăn ký ức đời mình thì “những kỷ niệm một thời học sinh Ngô Quyền” đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc nhất
17 Tháng Ba 2013(Xem: 55387)
Áo trắng xưa bây giờ sao gợi nhớ! Kỷ niệm êm, tình bạn lẫn tình yêu Áo trắng Trường Xưa, Thầy yêu kính Một góc trời thương nhớ bỗng trong ta.
17 Tháng Ba 2013(Xem: 80848)
Bạn bè tôi, người còn, người mất, kẻ ở lại, kẻ tha phương. Tôi vẫn ở đây, vẫn đi qua ngôi trường Ngô Quyền xưa cũ, giờ đã đổi mới hoàn toàn,
17 Tháng Ba 2013(Xem: 65237)
Xin các anh chị Khóa 13 miễn thứ cho tôi cái tội "phạm thượng" như kể trên của những ngày xưa thân ái... (không bao giờ có lại được nữa)!
28 Tháng Hai 2013(Xem: 10342)
một bức thư nhà trọn niềm thương nhắn người viễn xứ sống tha hương gửi chút hương lòng cho mây gió góp lại tâm tình của bốn phương
28 Tháng Hai 2013(Xem: 10651)
Anh từ xứ Huế đến Biên Hòa Chờ em tan học bước ngang qua Bài thơ anh gửi tình tha thiết Em giấu thương trong áo trắng tà
28 Tháng Hai 2013(Xem: 13564)
Thật hạnh phúc cho những đứa học trò trường Ngô năm nào, khi có dịp gặp lại thầy cô giáo một đời vất vả vì những thế hệ học sinh thân yêu…
28 Tháng Hai 2013(Xem: 11361)
Kể lại bạn nghe, không phải để nhắc đi nhắc lại chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” của người làm báo online mà để thỉnh thoảng bạn cùng góp tay vào vác ngà voi với BBT để web nhà phong phú hơn.
28 Tháng Hai 2013(Xem: 13540)
Nếu ai hỏi tôi khoảng thời gian nào đẹp nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: khoảng thời gian cắp sách đến trường. Đó là những năm hạnh phúc nhất. Tuổi học trò thật vô tư, thật yêu đời và thật ngổ ngáo dễ thương.
24 Tháng Giêng 2013(Xem: 12131)
Xin chút nắng tưới hồn hoang cỏ úa Ký ức xanh trong trái tim hồng Nghìn sau nữa, giữa cuộc đời dâu bể Nước xa nguồn vẫn đổ về sông.
24 Tháng Giêng 2013(Xem: 11881)
xe chạy ngang Trường Ngô Quyền, tôi nhìn bâng quơ không chút ý niệm gì, tôi củng không bao giờ nghĩ đến ngày mình phải vào học ở ngôi trường to lớn và xa lạ kia.
23 Tháng Giêng 2013(Xem: 10532)
Thế là phải đành nhìn ngôi trường thân thương của thời đi học trở thành những đống gạch ngổn ngang, còn chăng chỉ là ký ức về bảy năm sách-đèn-hoa-mộng với những ngày xanh cùng biết bao kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò…
23 Tháng Giêng 2013(Xem: 10366)
Áo trắng giờ đã xa Trường Ngô Quyền Biên Hòa Nhớ mãi màu phượng đỏ Ký ức tháng ngày qua