Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Diệp Hoàng Mai - GẤU HÌ - NGUYỄN VĂN THUYẾT / Lê Viết Chung - NHỚ VỀ ANH

01 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 32319)
Diệp Hoàng Mai - GẤU HÌ - NGUYỄN VĂN THUYẾT / Lê Viết Chung - NHỚ VỀ ANH

    GẤU HÌ – NGUYỄN VĂN THUYẾT


thuyet_2-large-content

 

Say mê hoạt động cộng đồng từ thủa nhỏ, năm lên 10 tuổi anh Nguyễn Văn Thuyết xin phép cha gia nhập sói con. Cha của anh không đồng ý, khuyên anh nhủ anh: “Con nên chuyên tâm học hành, hơn là tham gia sinh hoạt đoàn Hướng Đạo. Anh Thuyết năn nỉ hoài, nhưng cha của anh nhất định không ký tên vào đơn xin gia nhập hội của con.

Năm 18 tuổi Thuyết mới có thể tự mình ký tên vào đơn xin gia nhập hội HĐVN – mà không nhất thiết phải có chữ ký của người giám hộ – để thỏa niềm đam mê tuổi trẻ. Anh say mê rèn luyện những kỷ năng “mưu sinh thoát hiểm” giúp ích cho hướng đạo sinh. Từ việc vẽ bản đồ, định phương hướng, truyền tin, cắm trại và ca hát … môn nào anh cũng học hành thông thạo. Trong công việc của một giáo viên tiểu học sau này, anh Thuyết thường xuyên ứng dụng tất cả những kỷ năng, kiến thức hướng đạo để dạy dỗ học trò.

thuyet_1-largethuyet_3-large

 

Thời đó, đám học trò nhỏ rất mê thầy giáo Thuyết. Anh dạy bọn trẻ múa hát, hướng dẫn các em trò chơi rèn luyện trí thể lực. Sự đam mê của anh Thuyết bền bĩ cho đến lúc lập gia đình, anh khuyến khích tất cả các con gia nhập hướng đạo. Các con của anh Thuyết, hầu hết trở thành thủ lĩnh trong phong trào hướng đạo ở Biên Hòa. Đó là các cựu hướng đạo sinh đạo Trấn Biên:

- Thiếu trưởng Nguyễn Thị Chẩn, thiếu đoàn Triệu Thị Chinh;

- Hạc trắng Nguyễn Thị Tất, ấu đoàn Bạch Phượng;

- Akela Nguyễn Thị Thanh, ấu đoàn Trịnh Hoài Đức.

- Các đội trưởng : Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Giác, Nguyễn Văn Không.

- Và đặc biệt là chú sói con “út ít” Nguyễn Văn Đăng, tham gia sinh hoạt hướng đạo từ lúc chưa đủ tuổi vào trường … mẫu giáo.

thuyet_6-large-contentthuyet_5-1-large-content

thuyet_4-large

 

Trong những buổi sinh hoạt trại ngày xưa, mỗi lần giới thiệu đạo trưởng Nguyễn Văn Thuyết, tất cả trại sinh đầu hào hứng vỗ tay theo nhịp điệu: “ Mập, mập mà … lùn.! Mà lùn! Mà lùn! Mà lùn!...” Cái dáng thấp đậm mập mạp của anh Thuyết, không thể lẫn vào đâu được. Anh thường dẫn đầu bầy sói con trong điệu múa trăn, ngoằn ngoèo uốn lượn theo lời bài hát:

Đầu trăn lồm ngồm, khúc trăn quanh co.

Mình trăn uốn khúc, trăn phun phì phì.

Chồm lên chồm chồm, khúc trăn lô nhô.

Mình trăn uốn khúc, trăn lăn tròn dó.

Đầu đuôi không rời, nhấp nhô tời bời.

Trăn uốn quanh bên mình đắm say …


thuyet-0-large

Múa Trăn

Tinh chất hướng đạo, gần như thấm đẫm trong máu trong tim của Gấu Hì – Nguyễn Văn Thuyết. Suốt cả cuộc đời, anh không ngừng nghỉ xây dựng và phát triển phong trào hướng đạo ở tỉnh Biên Hòa. Từ cội rễ Trấn Biên, nhiều nhánh rẽ đã nẩy lộc đâm chồi và lan tỏa khắp nơi. Các liên đoàn hướng đạo Phước Tuy, Long Thành, Bà Rịa, Công Thanh, Dĩ An, Công Thanh, công ty Đường Biên Hòa … đã lần lượt hình thành.

Ngôi nhà mà gia đình anh Nguyễn Văn Thuyết hiện cư ngụ, là điểm hẹn của các hướng đạo sinh Biên Hòa. Gia đình anh dành hẳn một gian nhà, dùng làm kho chứa “đồ nghề” đi trại cho cả đơn vị. Bên cạnh ngôi biệt thự, là căn nhà sàn nhỏ mà gia đình anh cho hướng đạo sử dụng làm đạo quán Trấn Biên. Bao ngày bao tháng trôi qua, ngôi nhà của gia đình anh Thuyết vẫn còn là điểm hẹn cho những cựu hướng đạo sinh xa xứ tìm về.

thuyet_7-large


"Đạo quán Trấn Biên năm 1972"

 

Gấu Hì – Nguyễn Văn Thuyết lìa rừng Trấn Biên vào ngày 20/07/2000, sau một thời gian dài điều trị bệnh. Những ngày cuối đời, anh vẫn lạc quan với những bài ca hướng đạo : “ Một hoa sáng, cài trên nón, một câu hát yêu đời ở môi …” Mặc dù đã yên vui về cùng cát bụi từ lâu, nhưng hình ảnh Gấu Hì – Nguyễn Văn Thuyết hiền lành, vui tính vẫn không phai nhòa trong ký ức của anh chị em cựu hướng đạo Biên Hòa.

 

Tháng 10/2013

Diệp Hoàng Mai

 


NHỚ VỀ ANH

 

le_viet_chung_hoc-large-content


  Tôi – một hướng đạo sinh 16 tuổi – từng ngưỡng mộ và xem anh Nguyễn Văn Thuyết, đạo trưởng Trấn Biên như thần tượng. Tôi còn nhớ sau những đêm lửa trại, anh Thuyết thường tổ chức những buổi tĩnh tâm cho hướng đạo sinh. Trong không gian tĩnh lặng về đêm, giọng nói trầm ấm của anh lôi cuốn tôi vào những bài giảng bài đạo lý vô cùng sinh động. Càng lúc tôi càng say mê anh, khi phát hiện anh có cả một kho tàng kiến thức.

 Thế là đêm đêm, tôi đạp chiếc xe cọc cạnh đi tìm anh. Căn nhà sàn nơi anh tiếp tôi, chất chứa khá nhiều sách báo, kinh sách, tập san… Lần nào cũng vậy, anh chìa bàn tay trái múp míp bắt tay trái của tôi. Bàn tay của anh mềm mại và ấm áp, nắm chặt tay tôi như muốn truyền hơi ấm tình thương cho người em vong niên bé nhỏ của anh.

 Anh châm cho tôi một ly nước lọc, rồi bắt đầu kể tôi nghe những câu chuyện về tôn giáo về triết học, và những ứng dụng vào việc rèn luyện nhân cách con người. Anh say sưa giải thích, tôi chăm chú lắng nghe … Thường thì đến hơn mười giờ đêm tôi mới về nhà. Anh chính là người đã khai sáng, và giúp tôi dần khám phá vẻ đẹp tuyệt vời của thế giới Triết học và Phật học.

Anh thừa kế rất nhiều Kinh Sách Pháp ngữ do cha của anh – bác sĩ Nguyễn Văn Hoài – cất công sưu tập. Trong kho tàng sách báo của gia đình anh, có những tài liệu quý hiếm phải đặt mua từ bên Pháp. Chính tôi đã giới thiệu Thạc sĩ Trần Ngọc Anh mượn của anh quyển Le Lotus de la bonne loi (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh – ngày nay đã có bản PDF trên mạng), để nghiên cứu thêm về chuyên ngữ Phật học. Dịch giả Trúc Thiên, Nguyễn Ngu Ý, thi sĩ Bùi Giáng, thi sĩ Hoài Khanh đều có giao lưu trao đổi sách với anh.

Có thời gian tôi không thể đến với anh, nghe anh chuyện trò như trước. Nhưng anh vẫn nhiệt tình “chuyền mồi” cho tôi, bằng cách tự tay cột những chồng kinh sách mang đến nhà cho tôi đọc. Những bộ Pháp Hoa, Đại Niết Bàn, Hoa Nghiêm, cùng nhiều quyển sách giá trị khác …, anh thường xuyên cung cấp cho nhu cầu khát khao đọc sách của tôi. Đang ở chiến trường Quảng Trị, tôi cũng thư về nhờ anh mua dùm tôi quyển Tự do đầu tiên và cuối cùng (The first and last freedom của Krisnamurti) ngay khi sách mới “ra lò”, để gởi ra Bến Hải làm “ bạn đồng hành” cùng tôi những ngày chinh chiến.

Năm 1972 tôi bỏ ngũ, trở lại Biên Hòa. Anh cho tôi biết: “Liên đoàn Dĩ An hiện không có trưởng, anh nhờ em phụ trách …” Thế là từ đó, tôi tập tành nghề làm Trưởng. Thời đó có trưởng Ngân, trưởng Huệ đang coi thiếu đoàn nữ. Anh Tuyến, anh Việt cùng với tôi thường xuyên hổ trợ cho các sinh hoạt của liên đoàn. Sau kỳ trại họp bạn Giữ Vững ở Suối Tiên, tôi lại phải xa anh và liên đoàn, để tìm cách… né tránh chiến trường miền Trung đỏ lửa.

Sau năm 1975 tôi hội ngộ cùng anh. Phong trào hướng đạo không còn, anh chuyển sang sinh hoạt với hội Chữ Thập Đỏ (Hồng Thập Tự). Hôm nào rảnh rỗi, anh rủ tôi và thầy giáo Sự cùng đạp xe lên Trị An chơi. Ba người gồm hai già một trẻ, cùng nhau dong ruỗi đường dài trên ba “con ngựa sắt” cũ kỹ. Ở trạm dừng chân nào, anh cũng cũng hồn nhiên ca hát. Đám trẻ con miền quê tò mò “ bu” quanh lắng nghe, càng khiến anh thêm phấn khích. Anh thuộc rất nhiều bài hát thiếu nhi, và anh miệt mài hát cho bọn trẻ nghe hoài không biết mệt.

Một lần khác chúng tôi đạp xe lên Tân Ba, vòng qua Bình Dương thăm viếng những ngôi chùa, là những nơi thầy giáo Sự từng làm công quả. Thầy giáo Sự không phải là hướng đạo sinh, nhưng tôi cũng gọi là “ Anh” luôn vì hai lẽ: Thứ nhất là không tạo ra khoảng cách, giữa hai ông cùng nghiệp… giáo già. Thứ hai bởi giữa tôi và anh Sự có một niềm cảm thông sâu sắc vượt qua tuổi tác. Anh Sự đã từng tô, vẽ, đắp tượng công quả cho rất nhiều ngôi chùa. Cho nên đến thăm chùa nào, nhóm chúng tôi cũng được tiếp đón như người nhà. Đương kim trụ trì chùa Tây Tạng ở Bình Dương lúc bấy giờ là Thầy Tịch Chiếu – cũng là huynh đệ đồng môn với anh Sự – đã đích thân đón tiếp chúng tôi. Đó là hạnh đạo không phải đệ tử nào cũng có cơ duyên đón nhận.

Tôi nhớ hoài câu nói của Thầy Tịch Chiếu “Đại sư Suzuki, trong tác phẩm Thiền Luận, Ngài chưa hiểu về Thiền. Mãi đến cuối đời, Ngài mới thấy được ánh sáng Chân Lý qua tác phẩm Sáu cửa vào động Thiếu Thất

Trong chuyến hành hương “ba cây số nhất bái” lần này, anh Thuyết của tôi không thuyết pháp cũng như không hát ca gì cả. Anh bảo, ghé chốn trang nghiêm mà ca hát ồn ào là không phải phép.

Những năm cuối đời, anh Thuyết luôn mặc đồ đẹp như đi ăn cưới, dẫu chỉ loanh quanh trong nhà. Anh bảo “Để dành đồ mới làm chi, không mang ra mặc thì nay mai chết đi cũng đem đốt bỏ mà thôi!...”

Bài hát anh yêu thích nhất, là bài ca tráng sinh “Một hoa sáng cài trên nón, một câu hát yêu đời ở môi, con tim vui tươi và luôn tín thành. Và không ước gì hơn thế, lòng hăng hái yêu đời tráng sinh, dư sức đi xa luôn dù đến chân trời….”

Cứ như thế, anh Thuyết lạc quan cho đến phút cuối cuộc đời…

 Lê Viết Chung (Học)


31 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 78923)
KÍNH CHÚC ĐẠI GIA ĐÌNH NGÔ QUYỀN TOÀN THẾ GIỚI MỘT NĂM 2012 AN KHANG, THỊNH VƯỢNG VÀ VẠN SỰ NHƯ Ý.
18 Tháng Mười Một 2011(Xem: 199263)
Để cùng giữ lại cho nhau tình cảm thầy trò Ngô Quyền của những ngày xưa thân ái. Đêm nay thầy trò chúng tôi đều cùng say, nhưng chắc chắn không say vì men rượu…
11 Tháng Mười 2011(Xem: 69575)
Một góc tâm tưởng của đồng nghiệp và học trò sẽ có một chỗ cho Cô an lành bình yên như những ngày xưa thân ái ở Ngô Quyền
05 Tháng Sáu 2011(Xem: 125657)
“Ngô Quyền ơi bao năm vẫn xanh màu kỷ niệm Ngô Quyền ơi bao năm vẫn tình cảm vẫn đong đầy”
01 Tháng Năm 2011(Xem: 63607)
ĐỂ NHỚ VỀ TỪNG NGƯỜI BẠN CỦA TÔI NHƯ MỘT LỜI TẠ LỖI
27 Tháng Tư 2011(Xem: 64174)
Danh Sách CHS Ngô Quyền Khóa 5 (1960-1967), Lớp Pháp văn
11 Tháng Mười Một 2010(Xem: 87951)
CÁO PHÓ và PHÂN ƯU: Nhạc mẫu ChsNQ Võ Tất Thắng là Cụ Bà Cụ Thái Thị Ty đã từ trần tại B.C, Canada,
02 Tháng Chín 2010(Xem: 76599)
Thân Mẫu của anh Huỳnh Xuân Thọ và là mẹ chồng của chsNQ Vũ Thị An, Cụ Bà HUỲNH THỊ THANH đã từ trần tại VN
30 Tháng Tám 2010(Xem: 79703)
Hồ Thị Ba cùng tang quyến thành thật gửi lời cảm tạ.