Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

CƯU HỌC SINH NGÔ QUYỀN VĨNH BIỆT THẦY HÀ TƯỜNG CÁT - Nguyễn Trần Diệu Hương & Võ Thị Ngọc Dung tổng hợp

08 Tháng Tám 202011:43 CH(Xem: 4419)
CƯU HỌC SINH NGÔ QUYỀN VĨNH BIỆT THẦY HÀ TƯỜNG CÁT - Nguyễn Trần Diệu Hương & Võ Thị Ngọc Dung tổng hợp
Cựu Học Sinh Ngô Quyền Vĩnh Biệt Thầy Hà Tường Cát


Ngày sẽ hết, tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu.
Bùi Giáng (1926-1998)




blank
Chân dung Thầy Hà Tường Cát phác họa bởi NQ K9 Bùi Thị Duyên (Michigan)

 

Đậu vào lớp 6 Ngô Quyền thời gian sắp mất nước, chúng tôi không  có hân hạnh là học trò của Thầy Hà Tường Cát, thậm chí nhiều bạn còn không biết mặt Thầy. Nhưng tất cả chúng tôi đều nghe nói đến tên Thầy qua các anh chị "niên trưởng" có tham gia phong trào Du Ca, hoặc Đoàn Thanh Niên Thiện Chí.

Đầu thập niên 70, đất nước đang có chiến tranh, nhưng học trò được rèn luyện bằng nền giáo dục nhân bản, nhất là môn Công Dân Giáo Dục, dạy chúng tôi cả trí và đức.

Học trò thời đó, dù mới bắt đầu đi học (lớp 1) hay sắp sửa bước xuống cuộc đời vốn dĩ không bình yên như trong khung cửa lớp (lớp 12) đều nhớ câu "nửa chữ cũng thầy" để kính trọng tất cả Thầy Cô đã dạy mình thời đèn sách.

Thầy Hà Tường Cát còn được các anh chị học lớp trên nhớ đến không những chỉ là một Thầy giáo dạy Sử Địa và Toán, mà còn là một huynh trưởng trong phong trào Du ca mang lại hào khí dân tộc và nhiệt tình xây dựng đất nước cho học trò.

Trường Trung học Ngô Quyền -Biên Hòa- ngày xưa có cả một dàn đại hợp xướng với trường ca "Con đường cái quan" của Phạm Duy đã đưa người nghe, đi dọc theo quê hương từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.

Các anh chị học sinh Ngô Quyền lớp 11 và 12 lúc đó dưới sự hướng dẫn của Thầy Hà Tường Cát, và những người bạn trong nhóm Du ca của Thầy, đã hát bằng cả tấm lòng với quê hương và đất nước, bằng nhiệt tình của tuổi mới lớn. 

Thầy cũng hướng dẫn học trò tham gia "Đoàn Thanh Niên Thanh Niên Thiện Chí” góp tay vào việc giúp những người không may vì thiên tai, hay chiến tranh.

Học sinh Ngô Quyền giai đoạn 1956-1975 đều biết góp phần trong việc phân phát vật phẩm cứu trợ ở các trại tạm cư; dạy học thiện nguyện ở các cô nhi viện địa phương. Những điều tốt đẹp đó đã thành "nếp" theo chúng tôi suốt cuộc đời, ngay cả khi phải sống đời lưu lạc.

Thầy Hà Tường Cát không chỉ dạy Sử Địa, và Toán cho học trò bằng chuyên môn của một người tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn mà còn đưa vào tâm hồn chúng tôi lòng yêu quê hương, lòng quan tâm đến người khốn khó.

Bên đời lưu vong ở quê người, dù bận rộn với việc làm báo, nhưng Thầy vẫn dành thời gian quý báu cố vấn Ban Chấp Hành Hội cựu Học sinh Ngô Quyền, duy trì sinh hoạt hàng năm, kết nối Thầy trò Ngô Quyền trên khắp thế giới qua trang www.ngo-quyen.org  hơn 20 năm qua.

11 năm lao lung trong các trại "tù cải tạo" ở Gia Trung (Kontum), Hàm Tân (Bình Thuận)  sau tháng 4 năm 1975,  đã tàn phá sức khỏe của Thầy nhưng không làm hao mòn nhiệt tình của Thầy với đất nước , và học trò.

Ở tuổi ngoài 70, Thầy vẫn thỉnh thoảng thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình Thầy đã góp phần nhen nhúm trong lòng các cựu học sinh năm xưa bằng kinh nghiệm nhiều năm là một nhà giáo, một huynh trưởng trong các phong trào Du ca, và Thanh niên Thiện chí.

Thưa Thầy, tiễn Thầy về với hạc nội mây ngàn, các anh chị cựu học sinh Ngô Quyền ở Nam California sẽ thay mặt chs Ngô Quyền ở khắp thế giới kính cẩn chào Thầy lần cuối như như ngày xưa tụi em vẫn đứng dậy chào Thầy mỗi đầu giờ học.

Tụi em xin hứa với Thầy, tụi em không những chỉ giữ được lửa nhiệt tình với đất nước, mà còn truyền được ngọn lửa năm xưa Thầy thắp sáng trong lòng tụi em đến các thế hệ kế tiếp.

Thầy đi thanh thản, yên lòng ở thế giới vĩnh hằng.
Chắc chắn, Thầy sẽ có một vị trí trân trọng trong lòng nhiều thế hệ học trò.

Nguyễn Trần Diệu Hương (California)
NQ K15



oOo


Kính Thầy
Buồn và nhớ tới những gì Thầy đã dạy ở trường học Ngô Quyền và sau đó ở trường đời.
Xin được thắp nén hương cầu chúc hương linh Thầy được an lạc gặp lại bạn cũ trong đoàn Thanh niên Chí nguyện năm xưa.

Học trò Thầy, 
Bùi Đức Lương  (California)
NQ K3


oOo

80 năm, rõ thật dài... Thế mà, thật ra khi đứng trước nó cứ như thấy thời gian vụt nhanh như chiếc lá vèo bay theo gió cuốn.  Đã vốn biết đời người là hữu hạn.  Vậy mà , lòng vẫn không khỏi hụt hẫng khi nhận được hung tin...
Thầy ơi! ....
Thôi thế từ nay đành vĩnh cách! ... 💔
Từ nay, không còn cơ hội trùng phùng nào nữa để những cánh chim phiêu bạt rủ nhau tìm về hội ngộ với Thầy Xưa !....

Nén hương lòng xin kính tiễn. Nguyện xin hương linh Thầy từ nay được thực sự an nghỉ ở chốn vĩnh hằng .
Kính chân thành mong Ơn Trên ban sự an ủi đến Cô và các Anh Chị Em trong gia đình.

Nguyễn Thị Hoàng (Canada)
NQ K10


oOo

Ở tiểu bang Florida  trong mùa COVID-19, tôi đã không về được để viếng và tiễn đưa Thầy lần cuối; nỗi buồn lại được nhân đôi...

Kính thưa Thầy,
Ở tuổi 80, với cả một đời dấn thân cho sự nghiệp phục vụ giới trẻ từ trong nước và nghề báo chí ở hải ngoại chắc thầy cũng đã mệt mỏi lắm rồi; thầy muốn nghỉ ngơi và thầy đã đi tìm một nơi chốn bình an - một giấc ngủ ngàn thu. Chúng em, tất cả cựu học sinh Ngô Quyền vô cùng thương tiếc thầy. Chúng em nhớ thầy vô cùng.

Kỷ niệm 50 năm cũ lại ùa về.
Ở mái trường Ngô Quyền - Biên Hoà, Thầy Hà Tường Cát dạy Sử Địa, kiêm nhiệm vai trò cố vấn Ban Đại diện Học sinh.
Dáng thầy gầy gầy, tiếng nói luôn  nhỏ nhẹ , từ tốn nhưng trong sinh hoạt hiệu đoàn thì thầy vô cùng năng nổ.

Trong hai niên khoá 1971-1972 và 1972-1973,  em may mắn được sinh hoạt với sự hướng dẫn của thầy và thầy Lê Quý Thể. Nhất là niên khoá 71-72,  em ở trong Ban Đại diện Học sinh với vai trò Trưởng Khối Xã Hội Học Tập đã được thầy hướng dẫn, dạy bảo không biết bao nhiêu điều hay, kinh nghiệm sống. 

Em đã lăn xả vào những sinh hoạt làm báo Xuân; cứu trợ bão lụt miền Trung; ủy lạo tiền đồn; thăm viếng chúc Tết chiến sĩ Quân đoàn III ; tổ chức đại nhạc hội cho trường; hội chợ Tết ...

Và kỷ niệm khó quên nhất là lần đoàn nữ sinh Trung Học Ngô Quyền đi thăm chiến trường An Lộc (nơi Tướng Lê văn Hưng tử thủ), khói lửa trên đường đi, vết tích bom đạn vẫn còn bốc khói từ những chiến xa địch; cũng tại bộ tư lệnh Lai Khê chúng em biết được thế nào là pháo kích. Nét lo hiện rõ trên gương mặt các Thầy, còn bọn nữ sinh chúng em thì tha hồ ôm nhau mà khóc. Ôi kỷ niệm dưới mái trường NQ cùng Thầy nhiều quá!!!

Ngày em vào Đại học thầy cũng đã giúp em tìm việc làm thêm ở SG để có tiền đi học, được thầy dẫn đi ăn cơm Sinh viên, cơm bà Cả Đọi. Ân tình thầy nhiều quá!

Rồi 40 năm sau, thầy trò lại gặp nhau nơi đất khách lúc thầy làm việc ở tòa soạn báo Người Việt; thầy trò ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Em còn nhớ lời thầy nói vui: “Giờ thì thầy trẻ hơn các em đấy chứ!!! Vì tóc các em hai màu mà tóc thầy chỉ một màu” (trắng).

Rồi mỗi lần hội ngộ Ngô Quyền em đều gặp thăm Thầy. Hai năm nay em không còn ở California cũng không được gặp thầy và hôm nay thì sẽ chẳng còn bao giờ gặp được Thầy.

Kính thưa Thầy!
Giờ đây chúng em là những đứa học trò đã già, vẫn nhớ thương và tiếc nuối khi Thầy bỏ chúng em đi,
Nhưng lẽ đời, Thầy là sông rộng chúng em là suối nhỏ; rồi tất cả chúng ta sẽ cùng nhau ra biển lớn

Mong thầy sẽ có giấc ngủ bình yên nơi cõi vĩnh hằng và hẹn ngày thầy trò tái ngộ.
Kính hương hồn thầy!

Cuối hè 2020 .
Học trò cũ,
Angie Lộc Lê (Florida)
NQ K11


oOo

Tôi là một trong rất nhiều học trò cũ của thầy Hà Tường Cát. Tôi được thầy dạy môn Sử Địa lớp Đệ Nhất A1 (lớp 12), niên khoá 1971-1972, trường trung học Ngô Quyền, Biên Hoà. Trước đó tôi cũng được thầy dạy vài lần môn Toán do thầy dạy thay cô Dung năm tôi học lớp đệ ngũ (lớp 8).

Đọc được hung tin thầy qua đời, tôi chợt bàng hoàng dù đã biết mấy năm gần đây thầy già yếu nhiều. Ký ức trở về làm gợi tôi nhớ lại một vài kỷ niệm lúc còn gặp thầy. Nhớ giờ dạy đầu tiên của thầy khi vô lớp đệ nhất của tôi. Cả lớp đứng dậy chào thầy, thầy tươi cười nói: “Chào và chúc mừng các tân cô tú cậu tú“ (lúc đó vào học lớp đệ nhất phải vượt qua kỳ thi tú tài I của lớp đệ nhị tức lớp 11, kỳ thi không kém phần cam go!). Dạo đó thầy còn trẻ lắm. Tóc thầy hớt cao như nhà binh, thầy cao ốm mảnh khảnh. Hôm nào thầy dạy buổi sáng, thầy thường mặc chiếc áo len không tay bên ngoài áo sơ mi dài tay mà thầy thường xăng măng-xết lên. Dáng vẻ thầy thư sinh. Tiếng giảng bài của thầy nồng ấm, nhỏ nhẹ. Thú thật, tôi học giờ của thầy trong trạng thái ngồi nghe thầy kể chuyện lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới để thư giãn đầu óc sau những giờ học căng thẳng của các môn Vạn Vật, Triết, Toán Lý Hoá....

Rồi bẵng đi mấy chục năm sau ba anh em chúng tôi, anh Ẩn E, anh Ẩn G và tôi tình cờ gặp lại thầy trên đường Main Street, gần Garden Grove, nam Cali, giữa mùa hè năm 2008. Chúng tôi mừng rỡ được gặp lại thầy. Thầy vẫn mảnh khảnh như xưa nhưng trông thầy già dặn hơn, mạnh khoẻ hơn, tiếng nói thầy rõ ràng mạnh mẽ hơn xưa. Thầy hỏi chúng tôi, Nhật Bản là nước tiến triển, hiện đại, đang sống lâu năm ở đó, sao các em qua Mỹ vậy?. Anh Ẩn G mới trả lời rằng thì là có cô em Ẩn H bảo lãnh, muốn tất cả anh em chúng tôi cùng đoàn tựu. Nhớ thầy nói người VN qua Mỹ ai cũng muốn đoàn tựu gia đình, nhưng thực tế sau khi gặp nhau rồi mỗi người sống một nơi do công việc, do đời sống, may mắn mới sống gần nhau mà cũng phải mất 1~ 2 giờ xe chạy. Rồi có lẽ để chúng tôi an tâm lúc còn chân ướt chân ráo mới qua Mỹ, thầy khen ngợi Mỹ quốc với nhiều ưu điểm. Thật ra, từ một nước nghèo chậm tiến qua tới một nước giàu có, tiến triển, người ta luôn có ý hướng phấn đấu hết mình để tiến bộ, để thoát nghèo, để mãn nguyện. Còn những ai đến xứ thứ 3 từ xứ thứ 2 mà xứ thứ 2 và xứ thứ 3 có văn minh tiến triển ngang ngữa nhau, thì người ta dễ so sánh, dễ bị shock. Shock văn hoá. Nói cho cùng, không nơi nào trên trái đất nầy cho con người cuộc sống hoàn hảo. Nếu có hoàn háo thi là thiên đường hạ giới rồi. Nhớ thầy Cát nói, nơi nào có tự do như tự do ngôn luận như ở Mỹ,có luật lệ rõ ràng, có hạnh ohúc nhiều hơn đau khổ thì nơi đó sống được rồi.....

Sự mất mát nào cũng buồn, nhất là mất mát tình cám, mất đi người thân, đau buồn tận tâm can. Theo Shakespeare,đời sống con người như một vở kịch trên sân khấu mà con người phải đóng nhiều vai, đến vai cuối cùng chấm dứt là đã xong một cuộc đời. Màn khép lại. Thầy Cát đã đóng xong vai cuối cùng, màn sân khấu cuộc đời đã khép lại. Thầy đã đi trọn đường tình của cuộc đời. Ba anh em chúng tôi không còn cơ hội nữa để nghe thầy phê phán, nhắn nhủ như lúc gặp thầy ở Main Street năm nào.

Kính thưa thầy, là học trò năm xưa của thầy, thắp nén hương lòng, em xin chắp tay cúi đầu cầu nguyện hương hồn thầy sớm siêu thoát nhẹ nhàng về cõi Phúc Ân. Em cũng chân thành chia buồn cô Dung và toàn thể tang quyến.


Nguyễn Thị Ngọc Sương (Minnesota)
Khoá 10
8/9/2020 
 

oOo

Bài Sử Địa Trong Đời

Năm mươi năm trước trên Ngô Quyền bục gỗ
Phấn trắng bảng đen thầy dạy học trò
Bóng dáng cao gầy nhẹ nhàng thầy giảng
Sử Địa quê hương mình cho lũ  học trò mới lớn ít lo 

Năm tháng dần trôi  học trò nay đã lớn
Có người chia tay sớm vĩnh viễn không về
Có người lưu lạc xa tổ quốc xa quê
Sử Địa bài học cố hương đó giờ xa xôi lắm 

Gặp lại thầy, bụi không bay mà long lanh mắt
Khóc trong lòng dù ngoài mặt vẫn vui
Mấy mươi năm có nhiều lúc ngậm ngùi
Thầy cô cũ, ơn xưa không bao giờ báo đáp

Giờ đã đến lúc thầy trò ta chia tay vĩnh viễn
Bài Sử Địa xưa xin giữ mãi trong lòng
Nguyện cầu thầy đi về miền cực lạc thong dong
Học trò cũ, lời thầy dạy trong lòng luôn ghi nhớ.

(Kính tiễn Thầy Hà Tường Cát)

Võ Quách Thị Tường Vi  (Texas)
NQ K10
08/10/2020 

22 Tháng Năm 2014(Xem: 13326)
Xin được mượn lời giới thiệu của nhà xuất bản Tam Vĩnh ở Luân Đôn giới thiệu về tác phẩm "Bóng ngày vui" để mở đầu cho MGTT 39 về Thầy Kiều Vĩnh Phúc, nguyên giáo sư Anh văn của trường Ngô Quyền.
19 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 25478)
Là cựu GS Vạn vật ở NQ xưa, ở tuổi ngoài 70, Thầy sáng tác nhiều bài thơ với tình bạn ấm áp và tình thầy trò ngọt ngào như những cái bánh kem Thầy vẫn tặng thầy trò NQ mỗi kỳ họp mặt.
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 14466)
Là một trong ba huynh trưởng lớn của Hướng Đạo Việt Nam ở Biên Hòa trong thập niên 60s, Thầy Phạm Ngọc Quýnh mang tinh thần "sắp sẵn" của một hướng đạo sinh vào nghề gõ đầu trẻ ở Ngô Quyền.
26 Tháng Mười Một 2013(Xem: 16326)
Ở một góc sâu nhất của tâm hồn là lòng biết ơn, vẫn được thắp sáng mỗi năm. Dù đã rời trường lâu lâu lắm rồi , xin về lại MGTT để cùng nhớ đến quý Thầy Cô đã uốn nắn chúng ta không chỉ về kiến thức mà còn về đạo làm người
22 Tháng Mười Một 2013(Xem: 13479)
Anh Huỳnh Văn Huê- K8 xin được thay mặt cho Hội chs Ngô Quyền nhắc lại vài kỷ niệm thủa sinh tiền của Cố Giáo sư Việt Văn, Nguyễn Hữu Tiến xem như một nén hương lòng thành kính thắp lên để tưởng nhớ Thầy
01 Tháng Mười Một 2013(Xem: 18217)
Không phải chỉ ở trong khung cửa lớp của NQ yêu dấu ngày xưa, mà ngay cả bây giờ, nhiều anh chị đã nên ông nên bà (theo đủ mọi nghĩa) vẫn học được rất nhiều điều từ Thầy Nguyễn Thất Hiệp.
04 Tháng Mười 2013(Xem: 15390)
Với các anh chị K5 đến K10, Cô Trí là một cô giáo Việt văn tận tâm với học trò. Với tôi, qua Cô Trí tôi thấy hình ảnh Mẹ tôi, người luôn biết tôi cần gì và cần được nâng đỡ lúc nào.
27 Tháng Bảy 2013(Xem: 30212)
Thầy Phan Thông Hảo về trường Ngô Quyền dạy chúng tôi, lứa học sinh đầu tiên của trường từ giữa năm lớp đệ ngủ, năm học 1958-1959 môn Toán và Lý Hóa thay Thầy Trương Phan Nam Minh chuyển đi trường khác.
18 Tháng Giêng 2013(Xem: 53563)
Các cô cậu bé trung học đệ nhất cấp trí óc còn tinh khôi, khắc ghi lời dạy của cụ Nguyễn Đình Chiểu và lời giảng của Cô, mang theo suốt đời người. Học trò con gái nhìn Cô như một cô Tiên bước ra từ huyền thoại.
22 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 36351)
Thầy hiền và giảng bài rất nhỏ nhẹ nhưng lôi cuốn được sự tập trung chú ý của học trò từ xóm nhà lầu "chỉ biết học thôi, chẳng biết gì" ở hai bàn đầu đến xóm nhà lá hay thả hồn đi rong chơi tận cõi nào ở hai bàn cuối.
19 Tháng Mười Một 2012(Xem: 31992)
Trong cái lạnh cuối thu đầu đông của mùa lễ tạ ơn của Mỹ xin được sưởi ấm lòng nhau bằng hai chữ cảm ơn: ơn cha, ơn mẹ, ơn thầy… Xin tạ ơn dày sinh thành dưỡng dục, xin tạ ơn sâu dạy dỗ, bảo ban.
08 Tháng Mười Một 2012(Xem: 37959)
Có nhiều điều học được đã bị mai một theo năm tháng, nhưng tình nghĩa Thầy trò thì luôn luôn tồn tại không nhòa. Và mắt Thầy Trần Phiên của chúng tôi thỉnh thoảng vẫn long lanh vì niềm vui do "học trò già" mang đến...
18 Tháng Mười 2012(Xem: 30829)
Chừng như tất cả chs NQ (từ K1 đến K19) có sinh ngữ chính là Pháp Văn học vở lòng trong quyển "Le Francais Élementaire" đều là học trò của Thầy Đinh Văn Sái.
12 Tháng Mười 2012(Xem: 52581)
Khi thưởng thức một bài hát hay, có khi nào bạn nghĩ đến bảy nốt nhạc Do Re Mi Fa Sol La Si, căn bản của nhạc lý, nằm trên các dòng kẻ mà bạn đã được học từ thời mới vào Trung học?
30 Tháng Chín 2012(Xem: 20684)
Nhìn đám học trò cứ như từ cung trăng mới xuống, Thầy bảo “Thôi, cứ nhớ ít thôi, bốn chữ là đủ, Tu Tề Trị Bình, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Eo ôi! Thầy dạy học trò đệ tứ nuôi mộng lớn “trị quốc, bình thiên hạ“.