Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Một Góc Thầy Trò 5 - Nguyễn Trần Diệu Hương.

02 Tháng Sáu 200912:00 SA(Xem: 37551)
Một Góc Thầy Trò 5 - Nguyễn Trần Diệu Hương.

Thành lập năm 1956, đến thập niên 70s, trường Trung học Ngô Quyền đã có được lớp học sinh “thế hệ NQ thứ nhất” quay về trường xưa, không phải chỉ để thăm các Thầy Cô cũ, hay đi dọc theo những hành lang để tìm lại kỷ niệm thời Trung học, mà còn để tiếp nối sự nghiệp cao quý đứng trên bục giảng, đào tạo các lớp đàn em.

 

Và thế hệ NQ đậu vào lớp sau đầu thập niên 70s là những lớp đàn em may mắn nhất, được học với các đàn anh, đàn chị Ngô Quyền trong bối cảnh xã hội kỹ cương Thầy Trò vẫn còn nguyên, quan niệm nho giáo “Quân Sư Phụ” vẫn còn được trân trọng, ở học đường, ít nhất là đối với “Sư” và “Phụ”.

 

Hồi xưa, đúng như hai câu thơ một nhà thơ đã làm từ thời tiền chiến, mà những cô cậu học trò tinh nghịch đã sửa chỉ mỗi một chữ thành:

 

 “Em còn nhỏ xíu ngây thơ lắm

 Chỉ biết… ăn thôi, chẳng biết gì”

 

Thế hệ của CHS NQ Nguyễn Trần Diệu Hương thời điểm đó, nữ sinh vẫn còn chơi cò cò trước cửa lớp giờ ra chơi, nam sinh vẫn con mê bắn bi hơn là mê …con gái, và vẫn còn nhìn các Thầy Cô như một khuôn mẫu toàn hão, không hề biết mình đang được học với nhiều đàn anh, đàn chị Ngô Quyền.

 

Ba mươi năm sau, bên đời lưu lạc, ở tuổi nửa đời người, các cô, các bé ngày xưa mới biết một số Thầy Cô cũ đã từng là học trò Ngô Quyền như mình.

 

Dù muộn màng, “Một góc Thầy Trò” xin được giới thiệu “Những CHS NQ trên bục giảng” để vinh danh các CHS NQ cũng là các Thầy Huỳnh Quan Phận, Diệp Cẩm Thu; các Cô Hà Thị Nhung, Liêng Tuấn Tài, Phạm Thị Hạnh.

 

Ước mong danh sách “những CHS NQ trên bục giảng” sẽ còn được tiếp nối với nhiều cảm nghĩ, nhiều chia sẻ khác trong tương lai…

 

 

 

mgtt5_-_hinh_quythayco_dh-1


Từ trái sang phải: Thầy Hoàng Phùng Võ, Thầy Mai Kiến Phúc, Thầy Phan Thanh Hoài (hàng ngồi)


Thầy Diệp Cẩm Thu, Cô Hà Thị Nhung, Nguyễn Trần Diệu Hương (hàng đứng).

 

 

 

NHỮNG CHS NGÔ QUYỀN TRÊN BỤC GIẢNG.

 

 

 Vào trường Ngô Quyền trong thập niên 70, tôi không được hân hạnh học những năm cuối ở Ngô Quyền, nhưng bù lại tôi có may mắn được học với 5 thầy cô là cựu học sinh Ngô Quyền. Với quý thầy cô này, sợi dây gắn bó với trường bền chặt gấp hai lần những thành viên khác của Hội CHS NQ, mỗi thầy cô đều có một quá khứ học trò nhìn lên bục giảng, tiếp nhận những kiến thức căn bản từ quý vị giáo sư, và cũng thực hiện được mơ ước trên bục giảng Ngô Quyền.

 

 “Mai sau con lớn làm cô giáo

 Thiên hạ trông lên ngước mắt chào”

 

 Những thầy cô này là bạn học của nhiều anh chị tôi được quen biết trong những lần họp mặt CHS NQ hàng năm ở California. Qua lời kể của các anh chị đó tôi được biết là các thầy cô cũ của mình thời đi học đều học rất giỏi.

 

 Thầy Diệp Cẩm Thu được anh Nguyễn Hữu Hạnh gọi là “một trong những đứa con cưng của Ngô Quyền”. Có lẽ thầy là ông thầy hiền nhất trong tất cả các thầy cô trong suốt quãng đời cắp sách cũa tôi. Thời gian thầy đứng trên bục giảng cũng nhiều gần bằng số tuổi của chúng tôi, lớp học trò đầu tiên của thầy. Trong những lần họp mặt, nhiều anh chị vẫn “phân bì”, lúc nào thầy Phố cũng nhớ đến “Diệp Cẩm Thu” mà quên đi những học trò khác. Cũng có lý do để thầy Phố và có lẽ nhiều thầy cũ khác của thầy Thu nhớ đến thầy Thu. Có lẽ thầy sinh ra để làm một nhà mô phạm và suốt đời sống mẫu mực cho “Thiên hạ trông lên ngước mắt chào” như một câu thơ đã ca tụng những nhà giáo chân chính. Điều duy nhất tôi đã làm được để tỏ lòng biết ơn thầy là đã vẽ lại “tập hợp giao” không phải bằng những vòng tròn của Tân Toán học mà là những suy nghĩ rất chân thành khi nghĩ về những người lái đò xưa, đã cùng các bậc sinh thành, đưa chúng tôi đến bờ bến thành đạt.

 

  Lần đầu tiên tôi gặp lại cô Hà Thị Nhung sau giờ Hình học cuối cùng của cô kể từ niên khóa 74-75, đời sống đặt lên vai thầy trò chúng tôi 32 năm với nhiều “vật đổi sao dời”, nhưng cô vẫn nhớ chổ ngồi đầu bàn nhất của tôi trong lớp học ở giữa dãy lầu quét vôi vàng ngày xưa của Ngô Quyền. Dĩ nhiên dưói mắt cô đã ẩn hiện “vết chân chim” nhưng nét thông minh của một trong những nữ sinh đầu tiên của lớp đệ nhất B (12B) Ngô Quyền vẫn còn. Cô lái xe đến thăm tôi trong mưa phùn giữa mùa đông của California, cô và trò “nhìn xuống cuộc đời” qua cửa sổ kính dầy của Marriott Courtyard ở Anaheim mà nhớ đến những khung cửa sổ hình chữ nhật của những lớp học ở Ngô Quyền xưa. Ước gì có một ngày, mình được về ngồi nhìn lại mưa trên sông Đồng Nai. Bên đời lưu vong, ở một khía cạnh nào đó, mình cũng giống những tam giác đồng dạng ngày xưa cô đã dạy em phải không thưa cô?

 

 Qua cô Nhung, tôi được biết cô Liêng Tuấn Tài, giáo sư Đại số của lớp chúng tôi và là bạn học cùng lớp đệ nhất B của cô Nhung, vẫn đang sống ẩn dật bình an với một tiệm sách nhỏ ở Biên Hòa. Ngoài những đẳng thức, phương trình của môn Đại số, cô còn chứng minh cho chúng tôi một cách hùng hồn câu ngạn ngữ “hữu xạ tự nhiên hương”. Càng lớn lên, nhìn lại quá khứ, nhìn lại những người bạn học ngày xưa giữa cuộc đời có muôn ngàn lối rẽ, tôi càng hiểu hơn bao giờ hết những điều cô Tài đã dạy lũ học trò con gái mắt sáng môi tươi nhưng rất ngu ngơ ngày nào. Tôi chưa có dịp gặp lại cô kể từ giờ học cuối hơn 30 năm qua ở Ngô Quyền, những điều cô dạy tôi dù nhạt nhòa theo năm tháng nhưng nền tảng suy luận vẫn còn, bởi vì tôi đã được học toán với cô, một “đàn chị Ngô Quyền” rất xuất sắc thời đi học.

 

 Nếu bây giờ các em ở trong nước được học môn Công dân giáo dục, và được nghe đọc “Le Petit Prince” như thầy Huỳnh Quan Phận đã dạy cho chúng tôi từ bục giảng của những năm đầu Trung học thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều, tôi tin chắc như vậy. Thời Trung học của thầy ở Ngô Quyền chắc là rất bình an, thơ mộng, nên thầy cũng tạo cho chúng tôi những giờ phút thoải mái nhưng vẫn giữ trật tự nghiêm minh trong giờ học. Hơn mười năm trước, lúc giơ tay tuyên thệ thành công dân Hoa Kỳ, tôi đã cố gắng kìm những giọt nước mắt lăn ra khi nhớ đến lời giảng của thầy ngày xưa “mỗi người dân chỉ có một tổ quốc và nên tuyệt đối trung thành với tổ quốc của mình”…

 

 Ở tận một góc nào đó rất xa, không phải ở trong nước, bây giờ cô Phạm Thị Hạnh vẫn dạy Anh văn như hồi xưa cô dạy chúng tôi. Học trò của cô bây giờ lớn hơn chúng tôi ngày xưa nhiều, và cô cũng không còn ở tuổi ngoài hai mươi như lúc chúng tôi nhìn cô đứng trên bục giảng mỗi tuần hai lần. Nhưng hẳn là những bài học ngoại ngữ vẫn như xưa, vẫn được giảng dạy bằng nhiệt tình của một cô giáo trẻ truyền lại kiến thức cho đàn em. Bây giờ đã nói được tiếng Mỹ rất nhuần nhuyễn, nhưng tôi vẫn không quên những bài học đầu tiên cô Hạnh dạy chúng tôi ở một thời xưa đã nằm trong ký ức tuyệt vời của thầy trò chúng tôi.

 

 Ngoài tư cách nhà giáo, cả năm thầy cô kể trên đã hướng dẫn chúng tôi bằng nhiệt tình của những đàn anh, đàn chị Ngô Quyền. Nếu ở mỗi cuộc họp mặt, có bảng tên màu xanh cho CHS, bảng tên màu vàng cho quý thầy cô, thì chắc phải có một bảng tên nửa vàng, nửa xanh cho những lớp đàn anh, đàn chị Ngô Quyền đã công thành danh toại, về lại trường xưa với tư cách mới trên bục giảng nhưng tấm lòng với thầy cũ, trường xưa vẫn còn nguyên, mãi mãi không nhòa…

 

 Nguyễn Trần Diệu Hương

 Santa Clara, đầu thu 2007

 (Với lòng biết ơn đến các CHS NQ đã là thầy cô của em)

 

24 Tháng Bảy 2010(Xem: 35685)
Chắc là có một lúc nào đó bình tâm, mỗi người chúng ta đều tự hỏi không biết mình đã nhận được bao nhiêu chữ từ các Thầy Cô trong suốt những năm dài cắp sách.
22 Tháng Năm 2010(Xem: 63859)
Trong biển mịt mùng quên lãng, không một vị thầy nào để thất lạc học trò mà chỉ có những người học trò phũ phàng thổi tắt trong lòng thầy ánh sáng hy vọng.
27 Tháng Hai 2010(Xem: 32288)
Chưa có “cơ duyên hạnh ngộ” với Thầy Lê Quý Thể ở quê người, nhưng các CHS NQ luôn nhớ đến ông Thầy trẻ vừa có nhiệt tâm của một nhà giáo, vừa có tinh thần quyết thắng của một người mê thể thao...
23 Tháng Mười Một 2009(Xem: 38871)
Nhân mùa Thanksgiving, Lễ Tạ Ơn ở Mỹ, xin được kết hợp hai truyền thống tốt đẹp nhất của Đông và Tây để viết lên những lời tạ ơn chân thành từ tâm hồn của những chsNQ năm xưa ở cả hai thế hệ "nghi bất hoặc" và "tri thiên mệnh" với các Thầy Cô sắp hoặc đã bước vào tuổi "cổ lai hy".
21 Tháng Mười 2009(Xem: 17030)
Ngay cả những lớp CHS NQ vào trường sau này, chỉ được gặp Thầy ở Mỹ những năm gần đây cũng có nhiều ấn tượng rất tốt đẹp về Thầy và “… cứ tưởng tượng cái dáng cao cao của Thầy đi bách bộ thong dong trong trưa hè nắng chói của đường Bolsa, giữa đời sống bon chen, tất bật ở Mỹ giống như cái dáng của các tiên ông hiền từ đi dạo ở cõi trần tục trong truyện cổ tích đã đọc thời còn nhỏ…”
12 Tháng Mười 2009(Xem: 34648)
Có những cá tính, những sở thích hôm nay bắt nguồn từ thời còn ngồi ở ghế Trung học được các Thầy Cô truyền dạy nhiều kiến thức. Như lớp Tứ 1 (9/1) nk 69-70 của chị Võ Thị Ngọc Dung...
09 Tháng Mười 2009(Xem: 15183)
Một Góc Thầy Trò - Thầy Mai Kiến Phúc. Một đ i ều đặc biệt về Thầy Mai Kiến Phúc là Thầy rất yêu nghề đi dạy, và dù chỉ được đứng trên bục giảng 14 năm (1965-1979) nhưng suốt thời gian đó, Thầy liên tục ..."gõ đầu trẻ" ở Trung học Ngô Quyền với môn Vật Lý.
20 Tháng Bảy 2009(Xem: 34489)
Trong số những "nhà thơ học trò" này, có hai anh Hồ Văn Tân và Hà Xuân Son mà sáng tác từ tâm tình của hai anh thời mới lớn đã bày tỏ được lòng biết ơn Thầy Hoàng Phùng Võ, thầy giáo Việt văn lớp Đệ Ngũ B2 (nk 1958-1959 )
26 Tháng Năm 2009(Xem: 37398)
Dưới đây là lá thư của CHS NQ Võ Thị Tuyết Mai, và những bạn bè, đồng nghiệp đã gửi cho Cô Ma Thị Ngọc Huệ, khi được tin Thầy Nguyễn Phong Cảnh từ trần vào ngày 4 tháng 1 năm 2006 tại California.
16 Tháng Năm 2009(Xem: 58551)
“Một góc Thầy Trò” hôm nay mời bạn quay về quá khứ của Lớp Đệ Thất B1 (1956-1957), thế hệ học sinh đầu tiên của Trung học Ngô Quyền – với “chị cả ” Lương Thị Khá đ ang định cư ở Boston, Massachusetts.
07 Tháng Năm 2009(Xem: 81825)
Kính mời Thầy Cô, mời anh chị, mời bạn cùng đọc thư của anh Trương Đức Hoàng để thấy tình nghĩa Thầy Trò (chắc đã trở thành “đồ cổ” ở Việt Nam hiện nay), và để tìm lại hinh ảnh “con dốc Ngô Quyền trần ai khoai củ” mà hầu hết chúng ta đã gò lưng đạp xe mỗi ngày để đến ngôi trường Trung học Ngô Quyền thân yêu, bây giờ chỉ còn trong trí tưởng…
30 Tháng Tư 2009(Xem: 37079)
Được sự đồng ý của tác giả – CHS NQ Nguyễn Ngọc Xuân - một bức thư rất cảm động gởi cho Thầy giáo cũ (Thầy Nguyễn Văn Phố) , “ Một góc Thầy Trò ” xin mời bạn cùng đọc lời tâm tình của một học sinh rất giỏi với Thầy giáo dạy Toán thời anh Xuân còn ngồi ghế NQ.
26 Tháng Năm 2008(Xem: 18078)
Các em thân mến, Tôi xin mạn phép, gọi các cựu học sinh của tôi bằng danh từ thân ái " các em ". Các em hôm nay đã ở vào địa vị " ông nội ", hay " bà ngoại ", hay là bậc cha mẹ. Các em không còn học sinh nhỏ bé, đáng yêu, nghịch ngợm của tôi.