Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 42 - THẦY NGUYỄN VIẾT LONG

15 Tháng Tám 20152:21 SA(Xem: 19941)
MGTT 42 - THẦY NGUYỄN VIẾT LONG
MGTT 42 - THẦY NGUYỄN VIẾT LONG

Thay NVLong
Thay Longthay-nguyenvietlong













Bên cạnh thiên chức của một nhà mô phạm, Thầy Nguyễn Viết Long của cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 còn thắp sáng niềm tin cho học trò với nhiệt tình của một nhà giáo trẻ. Thầy truyền nhiệt tình của mình đến học trò qua những bài giảng Việt Sử, Công Dân Giáo Dục đến những hướng dẫn tận tình trong các sinh hoạt Hiệu Đoàn.

 

Xin cùng ôn lại những ngày xưa thân ái với bục giảng Ngô Quyền, với những sinh hoạt Hiệu Đoàn có giấc "mơ thành người Quang Trung"  theo các chs Ngô Quyền suốt cuộc đời.

 


Thầy Cũ Thầy Mới

TVi 2Có đôi lúc đời  sống như dừng lại với những giây phút vắng lặng hiếm hoi làm đầu óc tôi có dịp tìm vể trong quá khứ những khúc thời gian êm đềm năm xưa. Qua những thăng trầm trong cuộc sống, tôi đã nhận định ra là thời học sinh trung học vẫn là thời vui nhất trong đời. Trong 7 năm học ở trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa, mỗi năm là một kỷ niệm, nhưng năm 1967-1968 khi tôi học lớp Tứ 3 vẫn là năm vui và có nhiều thay đổi nhất trong đời.

Đối với học sinh trung học, lớp đệ tứ là năm “giao mùa”. Học trò lớp này như đang đứng giữa hai ngả đường, chập chững làm người lớn nhưng vẫn chưa vững vàng để bỏ lại sau lưng những bước chân thơ dại. Học trò vào thời điểm ấy cần có sự hướng dẫn khéo léo và kiên nhẫn của các Thầy Cô hay những người lớn để giúp họ có thể hoạch định một lối đi cho tương lai của mình. Và lớp Tứ 3 của chúng tôi đã may mắn được Thầy Long làm giáo sư cố vấn cho thời buổi “giao mùa” này.

Tôi vẫn nhớ rõ ngày Thầy mới vào lớp. Với giọng Bắc trầm ấm, tóc cắt ngắn, dáng đi chắc nịch, Thầy đã tự giới thiệu mình. Thầy dạy môn Sử Địa và là giáo sư hướng dẫn cho lớp. Thầy hoạch định chương trình cho cả năm học với những mục thật là hấp dẫn như là làm một tờ đặc san Xuân cho lớp, đi thuyết trình với những lớp đệ Tứ khác trong trường, và nhất là làm sao học sinh lớp Tứ 3 nổi bật và  giỏi hơn trong tất cả học sinh 6 lớp đệ Tứ lúc bấy giờ. Chúng tôi chăm chú ngồi nghe thầy nói mà cảm thấy lòng mình phấn khởi, rất tự tin là mình có thể làm được bất cứ việc gì dù việc đó có khó khăn đến đâu đi nữa. Giọng nói của Thầy  hùng hồn, đầy nhiệt huyết và rất thuyết phục. Tôi rất thích học môn Sử Thầy dạy dù môn này có nhiều chi tiết với những ngày tháng năm khó nhớ. Những khi Thầy giảng bài, học sinh chăm chú nghe và ai nấy cũng đều “mơ thành người Quang Trung”, sẵn sàng cố gắng học hành để làm học trò tốt và giúp đời mai sau. 

Lớp Tứ 3 của tôi nổi tiếng là nghịch ngợm nhất khóa 10 thời bấy giờ. Chúng tôi hay nghịch ngầm mà khi mới ngó bên ngoài thì không ai biết là chúng tôi có thể nghịch như vậy. Với những cô học trò nhỏ nhắn tóc dài, áo trắng ngoan hiền (?!), chúng tôi cũng có những “thành tích” rất là đáng ghi vào “bảng phong thần”. Nhớ nhiều lần chúng tôi lên núi Bửu Long chơi khi có giáo sư vắng mặt (chứ không phải cúp cua đâu!), chúng tôi đã hái trái Mắt Mèo về và chà xát vào những bàn ghế của giáo sư.  Những trái Mắt Mèo trông rất đẹp nhưng có những sợi lông nhỏ bên ngoài nếu lở đụng vào thì ngứa kinh khủng, và nạn nhân sẽ “khảy đàn” suốt ngày suốt đêm. Có lần một giáo sư bị như vậy, tức giận phạt cả lớp phải đứng một thời gian dài trong lớp vì đã không ai khai ra ai là người “chủ chốt” trong việc này (các bạn Tứ 3 ơi, Vi xin lỗi việc này nha vì các bạn đã bị phạt một cách oan uổng ngày hôm đó!!). Chắc vị giáo sư này đã mét lại với Thầy Long nên tuần sau vào lớp, Thầy đã dịu dàng khuyên chúng tôi bớt chọc phá Thầy Cô và ít nghịch ngợm lại. Từ đó chúng tôi đã bỏ bớt tính nghịch ngợm này và ngoan hiền thêm một chút!

Thầy Long có tính bình dị và hòa đồng với học sinh của mình. Có lần đi dự buổi tiệc tất niên do lớp Tứ 6 tổ chức, Thầy rất vui vẻ nhưng chừng mực, hay pha trò, làm buổi tiệc nhộn nhịp hẳn lên. Tôi nhìn qua những ánh mắt sáng ngời cùng những nụ cười tự tin của các bạn mà cảm nhận ra là Thầy đã giúp chúng tôi rất nhiều trong những bước đầu chập chững vào đời.


Nhớ có lần không biết là dịp nào, nhưng ngày đó Thầy rất vui. Cả lớp sinh hoạt văn nghệ ca hát nghêu ngao. Bổng dưng có bạn nào yêu cầu Thầy ngâm thơ. Cả đám lặng thinh chờ câu trả lời của Thầy. Bên tai tôi thì hình như có tiếng nói thì thầm “Trời !!! Ông Thầy này cũng biết ngâm thơ nữa sao?!”  Thầy không nói gì hết, chỉ trầm ngâm một chút rồi tằng hắng để lấy giọng rồi ngâm bài "Đôi Mắt Người Sơn Tây". Cả lớp im phăng phắt nghe Thầy ngâm thơ. Sau đó tôi thấy trong bìa vở của nhiều bạn có ghi chép lại bài thơ này của Quang Dũng. Và bài thơ "Đôi Mắt Người Sơn Tây" đã trở nên quen thuộc trong lớp Tứ 3 của chúng tôi từ hồi nào không hay.

Tết năm ấy các bạn Tứ 3, Tứ 6 rủ tôi lên Sài Gòn chúc tết Thầy Long ngày mùng ba. Lần đầu tiên lên thành phố lớn, trước cảnh “ngựa xe như nước áo quần như nêm”, tôi bối rối và vụng về hẳn ra. May mà có các bạn khác rành rẻ hơn đã dẫn đường chúng tôi đến thăm Thầy. Căn phòng khách nhà Thầy không lớn lắm, ấm cúng và có rất là nhiều sách, đủ loại sách, mà tôi là con mọt sách nên tôi đã cảm thấy quen thuộc liền. Tôi lí nhí vài câu chúc Tết Thầy còn bao nhiêu chuyện nữa thì các bạn khác đã nói và làm thay tôi. Thầy rất vui khi có học trò đến thăm. Thầy cho chúng tôi nhâm nhi bánh mứt. Các cô học trò chi e lệ  cắn hột dưa. Khi ra về chúng tôi vui lắm vì cảm thấy mình đã làm một việc mà các Thầy Cô hay dạy bảo như “tiên học lễ hậu học văn”, "mồng 1 tết Cha, mồng 2 tết Mẹ, mồng 3 tết Thầy", thăm viếng Thầy Cô trong những ngày lễ lớn.

Cũng Tết năm ấy, lớp chúng tôi đã hoàn thành tờ đặc san Xuân mà Thầy đã vạch cho chúng tôi phương hướng từ đầu niên học. Chúng tôi (Tứ 3) hội họp, bàn luận, cùng làm việc chung với các bạn Tứ 6.  Thầy là “cây cầu nối” cho một số học sinh trong hai lớp này có cơ hội quen biết nhau. Những chuyện tình “không tên” thời thơ dại cũng đã bắt đầu từ những buổi hội họp báo chí đó.  Thầy cũng “cố vấn” cho những bạn với những ưu tư thời mới lớn. Nhớ có hôm lớp Tứ 6 qua tặng báo Xuân cho lớp Tứ 3 chúng tôi. Trưởng lớp Tứ 6 có mời trưởng ban báo chí Tứ 3 đứng lên nhận báo tặng. Khi Trưởng ban báo chí Tứ 3 đứng lên nhận báo, anh bối rối, tay run lên, làm tờ đặc san thiếu điều muốn rớt xuống đất. Tôi thấy Thầy lấy tay che miệng cười làm cả lớp cũng khúc khích theo.

Hè năm 1968, nhà tôi bị pháo kích. Gian nhà giữa và nhà bếp đầy kỷ niệm, qua một đêm,đã trở thành một đống gạch ngổn ngang. Tất cả đồ đạc còn lại đều dồn lên phòng khách. Thầy cùng 3 người bạn có đến thăm gia đình tôi vào mùa hè năm ấy. Vì là phận học trò con gái nên tôi chỉ được phép bưng trà ra mời các thầy, rồi đi ra nhà sau để ba mẹ tôi tiếp khách. Không biết câu chuyện đề tài như thế nào nhưng tôi có nghe được những tiếng cười dòn dã của các thầy và tiếng nói phóng khoáng của ba tôi. Má tôi thì chạy xuống nhà bếp tạm, bảo tôi chuẩn bị phụ bà làm cơm trưa. Nhà bếp tạm bấy giờ rất là đơn sơ với ông táo là 3 viên gạch to chụm lại, mái nhà bếp là một miếng tôn nhỏ, cắm trên 4 cây cọc khẳng khiu. Má tôi trổ tài biến chế nên bữa cơm trưa đã có đầy đủ 3 món đàng hoàng. Tôi có nhiệm vụ qua quán tạp phô kế bên nhà, mua một ít rượu đế đem về để ba tôi đãi khách. Buổi cơm trưa đạm bạc nhưng vui vẻ, giữa phòng khách hỗn độn với dấu tích của chiến tranh. Những tiếng cười tự nhiên xen giữa với các giọng nói Bắc, Trung, Nam (các thầy nói giọng Bắc, ba má tôi giọng Bình Định, còn tôi thì nửa Bình Định nửa Nam) với những khuôn mặt đỏ ửng của các thầy (vì rượu đế), tôi thấy lòng mình thật ấm cúng, tràn đầy hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn...

Bẵng đi một thời gian, tôi lên đại học. Bận bịu với việc học hành, cùng vấn đề sinh kế làm cơ hội về thăm trường Ngô Quyền ít đi dần. Bạn bè cũ nghịch ngợm của tôi trong thời gian ở lớp Tứ 3 ấy, người còn người mất, cũng đã đi vào trong kỷ niệm. Tôi không có dịp gặp lại thầy Long nữa.

Rồi bốn mươi mấy năm trôi qua. Sau năm 1975, vật đổi sao dời, những cuộc đổi đời đã liên tiếp xảy ra. Nhiều khi trong giấc mơ tôi lại thấy được những ngày xưa thân ái, những hình ảnh thầy bạn cũ và trường xưa ngày nào đó vẫn hiện về như mới hôm qua. Tỉnh dậy lòng thấy ngậm ngùi và nước mắt đã đọng hai bên khóe mắt hồi nào không hay. 

Mấy năm trước, tôi có công tác về Việt Nam, nhưng đi rất vội. Công việc nhiều, trọng trách nặng nề lại liên quan tới nhiều người nữa nên tôi không có được thời gian cho riêng mình. Tôi vẫn cố tìm cách để  đến thăm Thầy và gia đình Thầy nhưng hai lần dự định là hai lần không thành. Thôi cũng đành hy vọng sự may mắn sẽ đến với mình lần sau vậy.

Qua những liên lạc của bạn bè, tôi được biết những học trò năm xưa của Thầy đã trưởng thành. Cũng có nhiều bạn đã thành người thiên cổ. Có người cũng đã trở thành những nhà giáo, nối tiếp con đường đi của Thầy Long ngày nào. Riêng tôi thì nhờ may mắn, đã được học hỏi thêm ở nhiều Thầy Cô mới. Có người dạy tôi ngành chuyên môn, có người dạy tôi kinh nghiệm sống. Có người rất tận tình và có người cũng chỉ phớt qua. Nhưng trong lòng tôi, Thầy Long lúc nào cũng là một Thầy Cũ và là Thầy Mới của tôi. Những lời cũ Thầy đã dạy bảo vào lúc đầu đời thời xa xưa ấy đã biến chuyển theo thời gian để làm thành những lời dạy bảo mới của Thầy, để tôi áp dụng vào đời sống của mình hằng ngày trong những hoàn cảnh mới. Thầy Long, Thầy Cũ Thầy Mới này, lúc nào cũng ở trong tâm hồn của tôi và những học trò  của Thầy năm xưa.

Xin cảm ơn Thầy.

Võ Quách Thị Tường Vi - NQ K10

 

 

 

Trong Và Ngoài Khung Cửa Lớp

 

NDungThầy Nguyễn Viết Long phụ trách môn Sử lớp Tứ 1 của chúng tôi niên khóa 69-70. Đó phải nói là một năm ''bản lề'' vì là năm cuối cùng của bậc trung học đệ nhất cấp để chuyển lên đệ nhị cấp, lớp chúng tôi với sĩ số hơn 50 đứa con gái, đang ở lứa tuổi ''vừa mới lớn, đang trưởng thành'', mang đầy ước mơ, hoài bão có lắm dự tính, kế hoạch mong được thực hiện và Thầy Long là người đã đưa chúng tôi đến những chân trời mới để thực hiện những giấc mơ đó. Tuy không phải là giáo sư hướng dẫn nhưng Thầy rất nhiệt tình và luôn sát cánh với lớp chúng tôi trong rất nhiều sinh hoạt học đường.

Dạo ấy, Thầy mới về trường còn trẻ lắm, nhưng tác phong thì rất chững chạc, dáng đi nhanh nhẹn với chiếc cặp táp trong tay, mỗi khi Thầy vào lớp như mang cả một luồng sinh khí mới mẻ, hào hứng. Nghe nói, ngoài nghề dạy học Thầy còn là một Luật sư nữa nên với giọng nói ấm áp nhưng mạnh mẽ, hùng hồn như một nhà hùng biện, những bài lịch sử thầy giảng trở thành những bài diễn thuyết đầy thuyết phục.

Như bài giảng về cuộc ''Khởi nghĩa Lam Sơn '' với truyền tích ''Lê Lai cứu Chúa'', hoặc  ''Khởi nghĩa Tây Sơn'' chấm dứt với việc thống nhất đất nước của vua Quang Trung Nguyễn Huệ, đã được Thầy giảng rất sinh động như đang kể chuyện cổ tích thần thoại bằng những tình tiết thật lôi cuốn, hấp dẫn, khiến chúng tôi ngồi lắng nghe say sưa và có cảm tưởng như đang được đi vào sử ca, cổ tích.

Trong năm học này, Thầy khuyến khích chúng tôi tập làm những bài thuyết trình và đồng hành với lớp chúng tôi trong các buổi picnic ở Thảo Cầm Viên, Cù Lao Phố... Không biết tình cờ hay thế nào mà bất cứ cuộc vui nào của lớp chúng tôi luôn có cặp ba: Thầy Nguyễn Viết Long, thầy Nguyễn Văn Phú và Thầy Trần văn Phúc. Thầy còn soạn thảo kế hoạch chương trình cho lớp chúng tôi kết nghĩa với trường Quốc Gia Nghĩa Tử ở Thủ Đức với những buổi sinh hoạt, du khảo thật thú vị.


Tứ 1-H.1-1 ghi chu                                                            Lớp Tứ 1 Picnic ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn

                      01. Võ Thị Ngọc Dung, 02. Thân Thị Ngọc Mai, 03. Lương Thị Thu, 04. Võ Ngọc Yến, 05. Nguyễn Kim Huệ,
06. Huỳnh Thị Nhung, 07. Trần thị Thu Loan, 08. Lâm Diêm, 09. Phạm Thị Sáu, 10. Nguyễn Thị Hiệp,
11. Nguyễn Thị Minh Thủy, 12. Nguyễn Thị Hồng
 
Thay Long- Thay Phúc- Thay Phu
Từ trái sang phải:
Thầy Nguyễn Viết Long, Thầy Trần Văn Phúc và Thầy Nguyễn Văn Phú trong buổi tất niên lớp 10B1


Không biết còn bạn nào trong lớp tôi biết là Thầy còn có tài xem tử vi rất hay nữa không? Riêng tôi và Minh Thủy là hai đệ tử đã được Thầy ưu ái chấm lá số và xem quẻ cho. Tôi không tiện kể ra Thầy đã đoán vận mệnh tương lai của hai đứa tôi như thế nào nhưng bây giờ nghiệm lại lời Thầy nói thì quả thật không sai một tí.

Sau 75, trải qua ''cuộc bể dâu'' với nhiều tang thương, biến đổi, nghe tin Thầy vẫn bình an và nhất là trong những năm gần đây thấy được hình ảnh Thầy trong các buổi sinh hoạt với các học trò cũ ở quê nhà. Tôi rất mừng và những kỷ niệm ngày xưa với Thầy Cô, bạn bè như đang sống lại.

Dù qua bao biến động, Thầy vẫn là một trong những vị Giáo sư mà chúng tôi rất ngưỡng mộ trong các năm học ở Ngô Quyền.  Có lẽ sự nhiệt tình, năng động đầy sáng tạo của Thầy đã lôi cuốn và làm nẩy sinh trong lòng chúng tôi lúc ấy những ước mơ, hoài bão vào đời thật cao đẹp, đầy tự tin và cho đến nay nó đã trở thành động lực, kim chỉ nam đưa đến những thành tựu mà chúng tôi và các học trò ngày xưa của Thầy đã đạt được.

Võ Thị Ngọc Dung -  NQ K11

 

 

Thầy Với Sinh Hoạt Hiệu Đoàn

 

DHuongNgày xưa, ngoài Ban Giám hiệu gồm quý Thầy Hiệu Trưởng, Giám Học, và Tổng Giám Thị, còn có một Ban Hướng dẫn sinh hoạt Hiệu Đoàn đi bên cạnh giúp phát triển sinh hoạt học đường: quân sự, báo chí, xã hội, thể thao. học tập, trật tự khánh tiết, văn nghệ... Cả hai Ban này gọi chung là Ban Giám Đốc của một trường Trung học công lập của Việt Nam Cộng Hoà.

 

Thầy Hiệu Trưởng kiêm thêm nhiệm vụ Hiệu Đoàn Trưởng, nhưng Thầy bận với công việc chính, với giáo dục nhiều hơn. Sinh hoạt Hiệu Đoàn được hai GS Hiệu Đoàn Phó chỉ đạo, hướng dẫn. Một trong hai giáo sư Hiệu Đoàn Phó trực tiếp làm việc, chỉ dẫn Ban Đại diện Học sinh (nhiệm kỳ một niên khoá, được bầu ra vào đầu mỗi niên học gồm Tổng thư ký, 2 phó Tổng thư ký, và 6 trưởng khối , 6 phó trưởng khối chuyên môn)

 

Thầy Nguyễn Viết Long là Hiệu Đoàn Phó Hiệu Đoàn Ngô Quyền hai niên khoá cuối cùng 1973-1974 và 1974-1975. Trên bục giảng, Thầy chuyên phụ trách môn Sử Địa và Công Dân cho các lớp 9, 10, và 11 từ 1968 đến 1975.

 

Thầy Long người tầm thước, có một giọng nói mạnh mẽ, cuốn hút người nghe. Giọng của Thầy là giọng Bắc, ấm áp, vang vang. Ngoài giờ dạy, giờ sinh hoạt với tư cách GS Hiệu Đoàn phó, Thầy còn hiện diện trong các buổi thuyết trình liên lớp do Khối Học Tập Xã Hội tổ chức. Các buổi thuyết trình đó thường là về các tác phẩm văn học nổi tiếng thời đó như "Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy" của Duyên Anh, "Nói Với Tuổi Hai Mươi" của Nhất Hạnh, "Đoạn Tuyệt" của Nhất Linh ... hay các đề tài về chọn ban @ Đệ Nhị Cấp, chọn ngành học ở Đại học…

 

Dù là đề tài lớn hay nhỏ, bao giờ Thầy Long cũng đúc kết buổi thuyết trình. Đó là lúc quan trọng nhất, cử tọa tham dự (hầu hết là học sinh) được nghe một tổng kết đầy đủ, cộng thêm lời khuyên chân tình của Thầy bằng giọng nói ấm áp đi vào lòng người nghe, và bằng tấm lòng của một GS trẻ muốn học trò chuẩn bị đủ "hành trang bước xuống cuộc đời" -vốn dĩ chẳng bình yên như trong khung cửa lớp-. Còn nhớ, nhiều lúc chúng tôi rời Thư viện sau một buổi thuyết trình liên lớp mang theo giấc"mơ thành người Quang Trung" từ những lời tổng kết của GS Sử Địa Nguyễn Viết Long.

 

Thầy luôn xách theo cái cặp rất to trong đó có đủ thứ: từ bài kiểm của học trò mới làm, hay vừa chấm xong, đến một vài cuốn sách, và một quyển sổ về lịch trình làm việc của Thầy.

 

Chúng tôi biết đến Thầy từ năm lớp 6 mới vào Ngô Quyền qua các phát biểu của Thầy trong các sinh hoạt toàn trường ở sân cờ, hay trong thư viện. Nhưng đến niên khoá 74-75, mới có dịp được Thầy trực tiếp chỉ dẫn trong các buổi họp hàng tuần của Ban Điều hành học sinh.

 

Tôi không được hân hạnh học Sử Địa, hay Công Dân với Thầy Nguyễn Viết Long nhưng có dịp được sự chỉ đạo tận tình của Thầy trong các sinh hoạt Hiệu Đoàn. 

 

Ban Điều hành học sinh NQ niên khoá 1974-1975 là một BĐH non trẻ mà anh Tổng thư ký cùng hầu hết các trưởng khối chuyên môn đều đang học lớp 11, nên thầy Long hướng dẫn chúng tôi tận tình hơn các BĐH tiền nhiệm. Là thành viên nhỏ nhất của Ban Điều hành, không có sức “vác ngà voi lớn”, Thầy Long giao cho tôi nhiệm vụ nhỏ: viết biên bản các cuộc họp nội bộ của Ban Điều hành Học sinh, và viết tường trình sinh hoạt của các khối hàng tháng cho Thầy Hiệu Đoàn Trưởng (cũng là Thầy Hiệu trưởng Phạm Khắc Thành). Chắc Thầy không ngờ, nhiệm vụ đó thành một công việc phụ của tôi sau này từ các “minute meeting” ở nơi làm việc, đến biên bản  các sinh hoạt của chs Ngô Quyền ở San Jose.

 

Ngay từ buổi họp đầu tiên, chúng tôi đã được Thầy chỉ dẫn tận tình cách làm biên bản, cách viết  tường trình những phiên họp quan trọng gởi cho Thầy Hiệu Đoàn Trưởng.

 

Thầy hướng dẫn cặn kẻ cho chúng tôi hình thức cũng như nội dung của một biên bản hay một bài tường trình. Hai biên bản, và tường trình đầu tiên Thầy còn đọc qua trước khi cho phổ biến. Về sau, chắc là vừa bận rộn, vừa tin tưởng học trò sẽ không quên "bài bản”, Thầy để tôi "tự biên tự diễn". Thời đó, biên bản, hay tường trình đều viết tay. Lúc nào cần lắm thì photocopy thành nhiều bản. Những phiên họp quan trọng, chúng tôi để giấy carbon dưới trang viết tay để có thể có bản copy lưu lại sau khi đã gởi bản chính đi.

 

Niên học 74-75, chỉ có ngày khai trường mà không có ngày bãi trường, chấm dứt tức tưởi cùng vận nước. Ban Điều hành HS không có dịp từ giả và cảm ơn Thầy về những hướng dẫn, cố vấn tận tình của Thầy suốt một niên khoá. Kể từ trung tuần tháng 4 năm 1975, Thầy và rất nhiều người trong số chúng tôi vĩnh viễn chẳng bao giờ còn dịp bước trên những dãy hành lang thân thuộc của trường xưa.  Chúng tôi cũng chưa có dịp gặp lại Thầy.

 

Mãi về sau này, những năm gần đây, khi Hội chs NQ phát triển mạnh với một website được cập nhật tin tức, bài vở hàng tuần, chúng tôi được thăm lại Thầy Nguyễn Viết Long qua hình ảnh khi Thầy đến dự họp mặt của các anh 11B4 khóa 11 @ Saigon năm 2012. Thầy vẫn không đổi, "dáng xưa" vẫn vậy, chỉ phải mang theo "vết hằn của năm tháng”. Cũng như chúng tôi, như tất cả Thầy trò NQ, tuổi đời của Thầy cũng bị cộng thêm con số 40 kể từ lần cuối chúng tôi gặp ông GS trẻ trong một buổi họp thường kỳ hàng tuần cuối tháng 3 năm 1975, tình hình chiến sự đã hằn lên trong ánh mắt ưu tư của Thầy.

 

Thưa Thầy, không ai có thể “tắm hai lần trên cùng một dòng sông”, trường xưa không còn, và ngay cả môn học Thầy dạy thuở nào cũng biến mất khỏi chương trình giáo dục trong nước ngày nay. Như vậy, chắc chắn là những sinh hoạt hiệu đoàn bây giờ nhớ lại như là chuyện "thời tiền sử". Nhưng những gì Thầy hướng dẫn, dạy bảo tụi em vẫn còn đó. Đằng sau các tường trình em viết được hôm nay có những chỉ dẫn tận tình của Thầy ngày xưa ở văn phòng của Ban Điều hành HS trong một góc thư viện của trường. Dù muộn màng, em xin kính cảm ơn Thầy. Và mong Thầy luôn an nhiên, vui khỏe. Học trò của Thầy, các chs NQ lưu lạc khắp nơi trên thế giới vẫn luôn nhớ đến Thầy.

 

Nguyễn Trần Diệu Hương – NQ K15

 

20 Tháng Mười Một 2014(Xem: 27080)
Xin cảm ơn đời sống và những tình cờ đã cho chúng ta biết, quý mến nhau dưới mái trường Ngô Quyền yêu dấu ngày xưa. Hạnh ngộ đó đã trải dài theo bước chân lưu lạc của Thầy trò NQ ở khắp thế giới ...
22 Tháng Năm 2014(Xem: 13391)
Xin được mượn lời giới thiệu của nhà xuất bản Tam Vĩnh ở Luân Đôn giới thiệu về tác phẩm "Bóng ngày vui" để mở đầu cho MGTT 39 về Thầy Kiều Vĩnh Phúc, nguyên giáo sư Anh văn của trường Ngô Quyền.
19 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 25824)
Là cựu GS Vạn vật ở NQ xưa, ở tuổi ngoài 70, Thầy sáng tác nhiều bài thơ với tình bạn ấm áp và tình thầy trò ngọt ngào như những cái bánh kem Thầy vẫn tặng thầy trò NQ mỗi kỳ họp mặt.
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 14527)
Là một trong ba huynh trưởng lớn của Hướng Đạo Việt Nam ở Biên Hòa trong thập niên 60s, Thầy Phạm Ngọc Quýnh mang tinh thần "sắp sẵn" của một hướng đạo sinh vào nghề gõ đầu trẻ ở Ngô Quyền.
26 Tháng Mười Một 2013(Xem: 16386)
Ở một góc sâu nhất của tâm hồn là lòng biết ơn, vẫn được thắp sáng mỗi năm. Dù đã rời trường lâu lâu lắm rồi , xin về lại MGTT để cùng nhớ đến quý Thầy Cô đã uốn nắn chúng ta không chỉ về kiến thức mà còn về đạo làm người
22 Tháng Mười Một 2013(Xem: 13526)
Anh Huỳnh Văn Huê- K8 xin được thay mặt cho Hội chs Ngô Quyền nhắc lại vài kỷ niệm thủa sinh tiền của Cố Giáo sư Việt Văn, Nguyễn Hữu Tiến xem như một nén hương lòng thành kính thắp lên để tưởng nhớ Thầy
01 Tháng Mười Một 2013(Xem: 18285)
Không phải chỉ ở trong khung cửa lớp của NQ yêu dấu ngày xưa, mà ngay cả bây giờ, nhiều anh chị đã nên ông nên bà (theo đủ mọi nghĩa) vẫn học được rất nhiều điều từ Thầy Nguyễn Thất Hiệp.
04 Tháng Mười 2013(Xem: 15432)
Với các anh chị K5 đến K10, Cô Trí là một cô giáo Việt văn tận tâm với học trò. Với tôi, qua Cô Trí tôi thấy hình ảnh Mẹ tôi, người luôn biết tôi cần gì và cần được nâng đỡ lúc nào.
27 Tháng Bảy 2013(Xem: 30559)
Thầy Phan Thông Hảo về trường Ngô Quyền dạy chúng tôi, lứa học sinh đầu tiên của trường từ giữa năm lớp đệ ngủ, năm học 1958-1959 môn Toán và Lý Hóa thay Thầy Trương Phan Nam Minh chuyển đi trường khác.
18 Tháng Giêng 2013(Xem: 53842)
Các cô cậu bé trung học đệ nhất cấp trí óc còn tinh khôi, khắc ghi lời dạy của cụ Nguyễn Đình Chiểu và lời giảng của Cô, mang theo suốt đời người. Học trò con gái nhìn Cô như một cô Tiên bước ra từ huyền thoại.
22 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 36388)
Thầy hiền và giảng bài rất nhỏ nhẹ nhưng lôi cuốn được sự tập trung chú ý của học trò từ xóm nhà lầu "chỉ biết học thôi, chẳng biết gì" ở hai bàn đầu đến xóm nhà lá hay thả hồn đi rong chơi tận cõi nào ở hai bàn cuối.
19 Tháng Mười Một 2012(Xem: 32040)
Trong cái lạnh cuối thu đầu đông của mùa lễ tạ ơn của Mỹ xin được sưởi ấm lòng nhau bằng hai chữ cảm ơn: ơn cha, ơn mẹ, ơn thầy… Xin tạ ơn dày sinh thành dưỡng dục, xin tạ ơn sâu dạy dỗ, bảo ban.
08 Tháng Mười Một 2012(Xem: 37998)
Có nhiều điều học được đã bị mai một theo năm tháng, nhưng tình nghĩa Thầy trò thì luôn luôn tồn tại không nhòa. Và mắt Thầy Trần Phiên của chúng tôi thỉnh thoảng vẫn long lanh vì niềm vui do "học trò già" mang đến...
18 Tháng Mười 2012(Xem: 31121)
Chừng như tất cả chs NQ (từ K1 đến K19) có sinh ngữ chính là Pháp Văn học vở lòng trong quyển "Le Francais Élementaire" đều là học trò của Thầy Đinh Văn Sái.
12 Tháng Mười 2012(Xem: 52811)
Khi thưởng thức một bài hát hay, có khi nào bạn nghĩ đến bảy nốt nhạc Do Re Mi Fa Sol La Si, căn bản của nhạc lý, nằm trên các dòng kẻ mà bạn đã được học từ thời mới vào Trung học?