Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 32 - THẦY PHAN THÔNG HẢO

27 Tháng Bảy 201312:00 SA(Xem: 30219)
MGTT 32 - THẦY PHAN THÔNG HẢO

MGTT 32 - THẦY PHAN THÔNG HẢO


 thayphanthonghao3-content

 

Thời mới thành lập, trường Ngô Quyền cuối thập niên 50 của thế kỷ 20, các trưởng tràng khóa 1 "khăn gói" "ăn nhờ ở đậu" tại nhiều trường Tiểu học trong Tỉnh Biên Hòa. Quý Thầy Cô dạy Ngô Quyển cuối thập niên 50 cũng sống "đời du mục" cùng học trò. Và có lẽ vì vậy, tình cảm Thầy trò vô cùng sâu đậm.

Các anh, các chị khóa 1 được học kiến thức bậc Trung học tứ quý Thầy Cô thời mới lớn ở Ngô Quyền, học kinh nghiệm đời khi Thầy trò cũng chao đảo vì vận nước. Đến lúc hội ngộ ở quê người cả Thầy lẫn trò đều vào giai đoạn thu đông của đời sống, các anh chị lại được các Thầy chỉ bảo về tôn giáo.

Dẫu biết vạn vật vô thường,các thế hệ đàn em cũng vô cùng ngưỡng mộ và tự hứa với lòng sẽ theo gương các anh chị trong tình nghĩa Thầy trò.

Mong vô cùng đến lúc không còn nặng nợ áo cơm, không còn phải chạy đua với kim đồng hồ, Thầy trò vẫn còn khỏe để thấy cuộc đời dù ngắn ngủi và vô thường, vẫn đẹp vì công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy vẫn luôn được khắc ghi và thực hành.

Được phép Thầy, thay mặt các trưởng tràng, anh chị Đào Văn Công và Trần Kim Lan chia sẻ cùng đàn em những chuyện rất riêng của Thầy Phan Thông Hảo

Thấp thoáng trong đó, ngoài tình Thầy trò, còn có nghĩa phu thê, tấm lòng của cha mẹ, và cả màu sắc triết lý Phật giáo .

  

 

THẦY PHAN THÔNG HẢO & TUỔI GIÀ Ở MỸ


tham_nha_thay_hao_001-large

 Đào Văn Công & Trần Kim Lan và Thầy cô Phan Thông Hảo


   Thầy Phan Thông Hảo đã vào “nursing home” (một nơi chuyên chăm sóc cho người tuổi già sức yếu, hoặc bệnh tật, không thể tự lo cho mình ở Mỹ) từ tháng 3 năm nay.

 Chúng tôi nhận được tin nầy vào một chiều cuối tháng 6 sau nhiều cố gắng liên lạc với các con của Thầy .

 Nhớ hôm mùng một Tết, Thầy trò còn nói chuyện với nhau qua điện thoại, chúc nhau giữ gìn sức khỏe, mặc dù trước đó cũng đã gửi qua lại những tấm thiệp Xuân. Một tuần lễ sau, điện thoại cho Thầy không nối được. Liên tiếp nhiều tuần sau vẫn không nối được qua điện thoại của Thầy, chúng tôi lại gọi vào số điện thoại của Hòa, là con trai của Thầy, vẫn chỉ để lại tin nhắn và cũng không được hồi âm.

 Thầy Phan Thông Hảo sống một mình trong căn nhà hai tầng ở Upper Darby, Pennsylvania.

 Căn nhà nầy hồi năm 2000, chúng tôi có đến thăm Thầy, lúc đó Thầy cũng đã nghỉ việc và Cô cũng hãy còn minh mẫn. Vài năm sau Thầy cho biết Cô bị mất trí nhớ dần tới lúc không tự chăm sóc được.

 Tết năm 2008, Thầy bị nghẽn động mạch tim phải vào bệnh viện, không người chăm sóc, các con đưa cô vào nursing home . Ra viện Thầy ở nhà đứa con trai- là y tá- ở New Jersey để tiện chăm sóc đến khi ổn định. Rồi Thầy về lại nhà cũ, ở một mình; mỗi sáng đi xe bus vào nursing home thăm và chăm sóc Cô.

 Trong một lần trò chuyện , chúng tôi có ý là Thầy cũng nhiều tuổi nên sống chung với một gia đình của một em nào đó, Thầy nói :

Khó lắm em ơi!''... Em cũng biết, các con Thầy cũng rất muốn như em nói , nhưng nghĩ cho tới, có những điều mình nên tránh trước, hay hơn... thí dụ như mình ở tại nhà mình, để thoải mái, mình xà lỏn,… được. Ở chung với con cháu thì… lại không . Hay như tới giờ cơm, mình chưa muốn ăn, sau đó thì cảm thấy đói, muốn ăn có phải là rầy rà không? Các con của Thầy thực sự cũng rất lo cho Thầy , nhưng Thầy nói em nghe ,… con trai còn có con dâu, con gái còn có con rể,… là Cha Mẹ nên nghỉ điều đó để tránh những trường hợp khó xử cho con trước là tốt nhất.''...

 Thầy Phan Thông Hảo về trường Ngô Quyền dạy chúng tôi, lứa học sinh đầu tiên của trường từ giữa năm lớp đệ ngủ, năm học 1958-1959 môn Toán và Lý Hóa thay Thầy Trương Phan Nam Minh chuyển đi trường khác. Ấn tượng của năm học nầy là chiếc máy chiếu slide, đóng cửa lớp, chiếu lên tường những hình ảnh về vật lý.

 Bỏ qua năm học lớp đệ tứ , ba năm kế tiếp đệ tam, đệ nhị và đệ nhất Thầy dạy chúng tôi môn Pháp văn, môn học chúng tôi chọn làm sinh ngữ 2 trong kỳ thi tú tài 1 và 2. Trong ba năm học nầy Thầy dạy chúng tôi theo bộ sách Cours de Langue et de Civilisation Francaises và nhân vật chính của bộ sách nầy là “Monsieur Vincent”. Vì vậy, Thầy Phan Thông Hảo là một trong hai vị Thầy của Trường Ngô Quyền có biệt danh do đám học trò của Thầy gán tặng. Chúng tôi gọi Thầy là “Monsieur Vincent” và Thầy Đặng Quốc Toản dạy Sử Địa là ''Monsieur Chepone Đà Nẵng”. Đến ngày nay Thầy hãy còn rất vui với biệt danh nầy khi nói chuyện với học trò cũ.

 Hết năm đệ nhất (giữa năm 1963), thi xong tú tài 2, thầy trò tứ tán, Thầy Phan Thông Hảo được động viên vào quân trường Thủ-Đức theo học khóa 16 sĩ quan trừ bị. Mãn khóa , thầy được Nha Chiến Tranh Tâm Lý chọn và phục vụ tại Quân Đoàn IV trú đóng Cần Thơ là quê nhà của Thầy. Mấy năm sau, Thầy được biệt phái trở về dạy học tại Cần Thơ cho đến ngày 30 tháng 04 năm 1975.

 Giữa thập niên 1980, gặp lại Thầy sau nhiều năm “tù cải tạo'', Thầy cho biết, thầy đã nộp đơn xin đi Cộng Hòa Trung Phi do ở đó cần một giáo sư dạy Pháp văn. Mười năm sau, đến định cư trên đất Mỹ, chúng tôi vẫn đinh ninh là Thầy ở trên đất Châu Phi. Trong một lần qua điện thoại , Thầy Phan Thanh Hoài nói có biết Thầy Phan Thông Hảo không ở Trung Phi mà ở Hoa Kỳ. Có số điện thoại Thầy Phan Thanh Hoài cho, chúng tôi liên lạc được với Thầy Phan Thông Hảo.

thu_thay_hao_001-large

Thủ bút Thầy Phan Thông Hảo


 Thầy cho biết, khi Tòa đại sứ Cộng Hòa Trung Phi cấp visa cho cả gia-đình đi Trung Phi thì nhà cầm quyền Cộng-sản Việt Nam không cho đi. Ba năm sau , Việt Nam cho đi thì Cộng Hòa Trung Phi không nhận do quá lâu, họ đã tìm được người khác. Cũng đúng thời điểm nầy, chương trình HO bắt đầu và Thầy chuyển hồ sơ qua chương trình nầy, và gia đình Thầy đến Mỹ vào cuối năm 1989. Chúng tôi nói vui là Thầy Phan Thông Hảo đi theo diện HO trừ 1. (Chuyến bay đầu tiên HO1 đến Mỹ đầu năm 1990 )

 “Nhờ phước đức tổ tiên, thành-phố nơi Thầy định cư lúc đó cần một giáo sư Pháp văn dạy Trung học, Thầy nộp đơn và đi dạy. Cô làm y công ở một bệnh viện và các em vào trường học lại.”

 Đặc biệt Thầy Phan Thông Hảo nghiên cứu Phật pháp một cách rất khoa học. Khi khám phá một ý mới, Thầy điện thoại bàn bạc với chúng tôi.

 Thầy trò chúng tôi giữ liên lạc cho đến ngày hôm nay tuy cũng có đến hai lần gián đoạn do Thầy vào bệnh viện. Tuy nhiên có cái may là chúng tôi có được số điện thoại của Hòa , con lớn của Thầy, nên nối được liên lạc và biết tin tức của Thầy.

 “Cha em ở một mình, như anh chị biết, hôm đó cha bị té dập mặt vào cạnh bàn, thương tích rất nặng, thêm nữa bây giờ lại hay quên, có hôm, tụi em đến nhà, ngửi mùi khét, thì ra Cha mở bếp nấu , quên đến cháy nồi.” - Diệp, cô con lớn của Thầy nói - Chúng tôi hỏi có thể nói chuyện được với Thầy và được hứa trong vài hôm sắp tới.

 Chưa nói chuyện được với Thầy Phan Thông Hảo thì được tin Thầy Thân Trọng Hưng ra đi.

 Vài hôm sau, các con Thầy vào thăm Thầy ở “nursing home”, chúng tôi được gọi nói chuyện với Thầy:

 “Thầy bây giờ ở chung một nhà với Cô mà khác lầu. Mỗi ngày Thầy đều thăm Cô. Các con Thầy đứa nào cũng công ăn việc làm”.

 Chúng tôi báo tin Thầy Thân Trọng Hưng vừa qua đời, Thầy nói có biết, nhớ Thầy Thân Trọng Hưng,… ''Vạn vật vô thường, em ơi!''

 Từ nay cơ hội Thầy trò chuyện vãn qua lại chắc là rất khó và thông tin cũng vậy.

 Cùng lúc với sự ra đi của Thầy Thân Trọng Hưng, Thầy Phan Thông Hảo vào nursing home. Hội ái hữu cựu học sinh Ngô Quyền họp mặt thường niên ở Nam California. Trong không khí náo nhiệt, mọi người đã dành một phút nhớ tới những người vắng mặt, vắng trong buổi họp mặt và… vắng mặt trên cuộc đời.

 “Vạn vật vô thường!'' .

Đào Văn Công & Trần Kim Lan

(Xóm Ngựa, tháng 07/2013)

07 Tháng Chín 2012(Xem: 17043)
Cả học trò anh (chị) lẫn học trò em đều nhớ đến quý Thầy cũng như tất cả Thầy Cô đã dạy bảo chúng tôi thời mới lớn. Ngày xưa, chúng tôi học Toán từ quý Thầy; bây giờ, chúng tôi học được những kinh nghiệm sống quý báu từ Thầy.
20 Tháng Tư 2012(Xem: 23064)
MGTT số 24 được thực hiện không những với tinh thần "Tôn Sư Trọng Đạo" mà còn bằng tất cả tấm lòng, tình thương yêu, sự quý mến, trân trọng của ChsNQ dành cho Thầy Hiệu Trưởng,
08 Tháng Ba 2012(Xem: 15724)
Chưa có dịp gặp lại Cô Hòa, học trò của Cô thuộc rất nhiều niên khóa xin mượn "Một góc Thầy trò" để cùng bạn bè xưa nhớ lại một thời êm đềm trong các giờ Pháp văn năm lớp 7.
22 Tháng Mười Một 2011(Xem: 20795)
Xin tạ ơn các đấng sinh thành đã nuôi dạy chúng ta nên người. Xin tạ ơn Thầy Cô đã giảng dạy cho chúng ta những kiến thức đầu đời suốt một thời thơ dại.
22 Tháng Mười Một 2011(Xem: 53188)
KÍNH CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ TOÀN THỂ CHS NGÔ QUYỀN, BIÊN HÒA MỘT NGÀY LỄ TẠ ƠN THẬT HẠNH PHÚC, ĐẦM ẤM BÊN GIA ĐÌNH VÀ NGƯỜI THÂN.
07 Tháng Mười Một 2011(Xem: 17663)
Những bài học sơ khai về thân phận con người, về thế giới quan và nhân sinh quan thầy dạy chúng tôi còn dang dở, thì cơn lốc dữ đã xô dạt thầy trò chúng tôi tan tác muôn nơi…
26 Tháng Chín 2011(Xem: 16727)
Cô yêu văn chương Việt Nam, đặc biệt là Cổ văn, nên dạy học trò không chỉ bằng sách giáo khoa mà còn bằng trái tim. Vì vậy, Cô đã góp phần lớn đào tạo được nhiều thi sĩ học trò.
22 Tháng Ba 2011(Xem: 19188)
Cụ Dương quảng Hàm là một nhà giáo có công dựng nền tảng cho văn học Việt Nam, một người uyên bác, tài hoa đã bị “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” nên đã lìa đời lúc chưa đến 48 tuổi...
30 Tháng Mười Một 2010(Xem: 62427)
Cô Trần Thị Hương, nguyên giáo sư dạy môn Quốc văn ở Trung học Ngô Quyền từ năm 1966 đến năm 1973, đã đột ngột qua đời ngày 26 tháng 11 năm 2010 ở Santa Clara, California,
18 Tháng Mười Một 2010(Xem: 31178)
Mỗi năm vào dịp Lễ Tạ Ơn ờ Mỹ, chs NQ nhắc nhau cùng bày tỏ lòng biết ơn các đấng sinh thành, quý Thầy Cô đúng như tinh thần lễ giáo Đông phương...
04 Tháng Mười 2010(Xem: 39638)
Mời các chs NQ (nhất là các anh chị khóa 11, đã mang phù hiệu NQ từ năm 1966 đến năm 1973) cùng trở về Ngô Quyền xưa như chúng ta chưa từng có trên dưới bốn mươi năm ngăn cách mình với thời mới lớn
30 Tháng Chín 2010(Xem: 19146)
các cô bé học trò đệ nhất cấp nâm xưa vẫn nhớ rõ ràng trái tim và hệ thống tuần hoàn trong giờ Vạn vật của Cô Phạm Thị Khang như vừa mới xảy ra hôm qua.
08 Tháng Chín 2010(Xem: 37634)
môn Triết được giảng dạy ở Ngô Quyền lần lượt bởi quý Thầy: Nguyễn Xuân Hoàng, Lưu Ngọc Bích, Nguyễn Văn Lan, Vũ Khánh Thành, Nguyễn Minh Lý, Trương Hữu Chí, và Nguyễn Văn Lục.
24 Tháng Bảy 2010(Xem: 35326)
Chắc là có một lúc nào đó bình tâm, mỗi người chúng ta đều tự hỏi không biết mình đã nhận được bao nhiêu chữ từ các Thầy Cô trong suốt những năm dài cắp sách.
22 Tháng Năm 2010(Xem: 63480)
Trong biển mịt mùng quên lãng, không một vị thầy nào để thất lạc học trò mà chỉ có những người học trò phũ phàng thổi tắt trong lòng thầy ánh sáng hy vọng.