Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 23 - CÔ ĐINH THỊ HÒA

08 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 15779)
MGTT 23 - CÔ ĐINH THỊ HÒA

 

MGTT 23 - CÔ ĐINH THỊ HÒA


co_ho_a-content

 

Là một trong những giáo sư dạy ở Ngô Quyền từ lúc trường mới thành lập được một vài năm, cô Hòa còn dạy cả Việt văn lúc các chs NQ khóa 8 (1963-1970) mới vào Đệ Thất (lớp 6 sau này). Nhưng môn chính của Cô là Pháp văn, nên hình nh cô Hòa gắn liền với những bài học vở lòng, với những nhân vật trẻ con như học trò lớp 7 (Jean, Pierre, Marie...) trong quyễn "Francais Elementaire".

Cô hiền lành và rất thương học trò. Nghe nói có một anh học trò cũ đi lính bị thương nằm ở bệnh viện Phạm Hữu Chí, đi dạy về, Cô tất tả vô thăm như thăm một người thân yêu.

Học trò của Cô rất quý mến Cô. Sau trên dưới 40 năm, dù đang ở Châu Úc, Châu Mỹ, châu Âu, hay vẫn ở bên cạnh dòng Đồng Nai hiền hòa, các cô cậu học trò lớp Đệ Lục, lớp 7 năm xưa luôn nhớ đến cô giáo Pháp văn hiền dịu. Chưa có dịp gặp lại Cô Hòa, học trò của Cô thuộc rất nhiều niên khóa xin mượn "Một góc Thầy trò" để cùng bạn bè xưa nhớ lại một thời êm đềm trong các giờ Pháp văn năm lớp 7.

Và thưa Cô, dù trí óc đã "xanh rêu " cùng với tuổi đời gần gấp 4 thời còn là học trò NQ, tụi em vẫn còn nhớ để xin thưa với Cô . "Nous t'aimons", cô ơi !

 BBT 



Cô Hòa cùng những hạnh ngộ với Nghiêm Văn Hải


nghiem_hai-1


Hình như tôi không có khiếu viết chuyện về Thầy Cô, do bộ nhớ thiếu neuron thần kinh thì phải?! Ước chi tôi được hưởng một phần “gen" của Trương Đức Hoàng, người bạn cùng lớp năm xưa, mà tôi và Phạm Thị Hạnh vừa đặt tên là "ma xó" (vì bạn nhớ đến từng chi tiết sự việc trong lớp, xảy ra cách nay vài chục năm và họ tên Thầy Cô từ Thất 4 đến 11B4), thì tôi đã tìm cho mình một bài viết đáng giá cho mục "Một Góc Thầy Trò" trên web nhà. Đắn đo, đắn đo và chấp bút khi bạn Hạnh khuyến khích.

 Thôi thì nhớ gì kể nấy!

Nghĩ cho cùng thì tôi cũng chỉ nhớ được những việc chung chung, không liên quan đến học tâp nhiều! Chỉ biết rằng, khi thi đậu Trung Học lần hai, tôi mới có hân hạnh chuyển từ trường Trung học Khiết Tâm qua trường Ngô Quyền. Tôi thật hạnh phúc biết bao! Vừa được gia đình cho nghỉ mát dài hạn (nhập học thì về) tại Vũng Tàu kỳ hè năm ấy, lại vừa được theo học tại ngôi trường Ngô Quyền nổi tiếng nhất vùng Đông Nam phần.

 Trong suốt năm học đệ Lục 4 (lớp 7 bây giờ), nhờ học khá nên tôi cũng "ẳm" được phần thưởng. Ngày ấy, tôi vui sướng ôm chặt phần thưởng và chăm chăm chỉ chực chạy ra cổng, lấy xe đạp lao về nhà, báo công với Cậu Mợ (đại danh từ chỉ Bố Mẹ). Chợt có cánh tay ai đó nắm ghì lại, giật mình nhìn lên, tôi thấy cô Đinh Thị Hòa dạy Pháp văn, Cô cười thật tươi và xoa đầu tôi như khen ngợi! Cô còn dặn dò không được chạy, và về nhà cẩn thận! Còn gì vui hơn khi được Cô khen, người tôi như run lên, chỉ biết chào Cô một cách lấm lét (thời ấy, học trò tuổi chúng tôi rất tôn sư trọng đạo, xem Thầy Cô chỉ sau Ba Mẹ). Từ năm đệ Thất đến đệ Ngũ 4, những Cô tôi vừa thương, vừa sợ là hai cô Nguyễn Thị Nguyệt và Trần Thị Hương. Riêng Cô Hòa thì tôi không sợ lắm. Chắc tại thấy Cô hiền?! Tôi nhớ mãi, giọng Cô luôn nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ khi giảng bài. Những bài học luôn đi kèm với cặp mắt dịu hiền, đằm thắm, hướng về chúng tôi. Và tuyệt vời nhất là ít khi Cô la rầy học sinh!

 Ngày rời trường, rời núm ruột kiến thức phổ thông đầu đời, để bước vào những lo toan cho sự học tiếp nối, tôi như quên bẵng đi những kỷ niệm xưa. Hình ảnh Thầy Cô như nhạt nhòa dần do tất bật mưu sinh, nhưng những tin tức rời rạc về Thầy Cô đã mất, hay gặp khó khăn thỉnh thoảng lại gây xốn xang trong lòng tôi!

 Ngày gặp lại cô Hòa, khoảng năm 1979-1980, chỉ là tình cờ khi đến chơi nhà bạn ở Cây Chàm. Dáng cô vẫn thanh thoát, tuy có ốm hơn trước. Tôi đã hỏi thăm và đến nhà Cô trong con ngõ nhỏ. Cô vui vẻ kể chuyện gia đình. Bẵng đi một thời gian, gặp lại Cô trên đường, Cô tiều tụy hẳn, hỏi ra tôi mới biết, Cô vẫn còn đau buồn vì đã mất một trong bốn người con.

 Đến năm 1989-1990, tôi gặp Cô lần nữa trong lúc Cô "bỏ mối" thuốc lá, còn tôi bán quán cà phê "cóc" ở ngã ba Phường Quyết Thắng. Cô và trò gặp nhau trong cảnh ngộ xót xa: Cô thì đạp xe "lóc cóc" bỏ mối, tôi thì "khố rách áo ôm, nghèo xác nghèo xơ"! Tôi chỉ biết ngậm ngùi nhìn và nhận thuốc lá từ người Cô mà mình yêu mến! Tôi có mời Cô uống nước mỗi lần gặp Cô trong khoảng nửa năm đầu. Đa phần, Cô từ chối hoặc họa hoằn lắm là uống ly nước lọc. Có lẽ Cô thương vợ chồng tôi, buôn bán khó khăn (cả buổi chỉ bán được chục ly cà phê) nên Cô ngại chăng?! Tôi cũng không dám hỏi nhiều về hoàn cảnh của Cô, vì sợ sẽ gợi lại ký ức đau buồn! Những lần giao thuốc xong, Cô nhoẻn miệng cười hiền với nụ cười đã có phần héo hắt. Dăm ba câu thăm hỏi xong, Cô lại lọc cọc đạp xe ra về và lúc nào cũng thế, tôi luôn nhìn theo cho đến khi bóng dáng mảnh mai, ốm yếu của Cô khuất hẳn ở cuối ngã ba đường. Ôi! Cảm thương Cô và cảm thương cho sự bất lực của tôi quá, vì đã không giúp được gì cho Cô! Nửa năm sau, tôi không còn gặp lại Cô nữa! 

 Sau đó vài năm, tôi đến xóm Cây Chàm hỏi thăm thì Cô đã dọn nhà đi mất. Chỉ khi đọc bài của Trương Đức Hoàng thời gian gần đây, tôi mới hay Cô về Tân Mai ở với gia đình con trai út. Cuối năm 2002, bạn tôi đến tìm thì Cô lại dọn đi và hiện giờ không biết Cô đang ở nơi đâu?! Nếu bạn Hoàng từ xứ xa có về Việt Nam, nhớ cùng tôi kiếm bằng được nhà Cô nhé!

 

Nghiêm Văn Hải
Biên Hòa , tháng 2/ 2012

 


Cô Hòa trong tâm tưởng Nguyễn Trần Diệu Hương


dhuong-content


 Hầu hết chs NQ có ngoại ngữ chính là Pháp văn đều là học trò của cô Đinh Thị Hòa. Cô dạy Pháp văn lớp 7 từ thời trường mới thành lập chỉ có các lớp đệ nhất cấp đầu tiên. Cô rất hiền, và giản dị nhưng đẹp, cái đẹp tự nhiên của hương đồng gió nội.

 Hồi đó học với Cô, mười hai tuổi, chúng tôi vẫn còn là con nít nên được cô dạy dỗ nhiều điều ngoài những bài học vỡ lòng Pháp văn. Có lẽ vì lớp chúng tôi rất ngoan, mà cũng có thể vì chúng tôi là bạn học cùng lớp với Thanh Loan, con gái của Cô.

Riêng tôi, là bạn thân của Thanh Loan từ hồi còn học trường Nữ Tiểu học nên có dịp biết Cô lúc chưa đến 10 tuổi. Thời còn học lớp Năm, tôi có lần theo Thanh Loan về ngôi nhà cổ kính ở con hẻm bên cạnh trường Nữ Tiểu học, có hàng rào dâm bụt bao chung quanh. Đó là lần đầu tôi gặp Cô và gọi Cô là bác vì Cô là mẹ của bạn.

 Lên lớp Bảy học Pháp văn với Cô, ngày đầu vô lớp, Cô đã thuộc tên gần nửa lớp, vì chúng tôi thỉnh thoảng vẫn đến nhà bạn chơi từ năm lớp Sáu.

 Ngoài những bài Pháp văn vở lòng, Cô vẫn thường xuyên nhỏ nhẹ khuyên chúng tôi mỗi lần nghe gần 50 cái miệng con gái thi nhau... hét khi chơi u mọi, chơi nhảy dây... trong giờ ra chơi :

 - “Con gái phải hiền dịu, nhỏ nhẹ, và có nết na.”

 Những lúc như vậy, chừng như Cô không phài chỉ có một mà có đến 50 đứa con gái bằng tuổi nhau.

Cô dạy Pháp văn năm lớp 7/1 và là Mẹ của một đứa bạn cùng lớp chúng tôi, nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy Cô thiên vị. Có những bài thi Pháp văn, bạn của chúng tôi học bài không kỹ, vẫn bị "đội đầu" ít nhất là hai đứa trong bảng xếp hạng. Do vậy chúng tôi không chỉ học được một ngoại ngữ, mà còn học được lẽ công bằng từ Cô.

 Lớn lên, dù cuộc đời nhiều lúc không công bằng, nhưng tôi luôn đối xử với mọi người rất bình đẳng vì tôi đã học được điều đó từ Cô giáo Pháp văn của ngày xưa ở Ngô Quyền.

 Tháng 4 năm 75, tôi đột ngột xa trường, như cây non chưa bén rễ đã bị trốc gốc, chưa có dịp gặp lại Cô nhưng trong lòng tôi vẫn có một chỗ trang trọng cho Cô, như một số Thầy Cô mà tôi đặc biệt quý mến .

 Sau này, nhìn hình Cô, trên Đặc san chs NQ 2004, tiều tụy như "nước còn cau mặt với tang thương", không những chỉ mỗi một mình tôi, mà các đàn anh đàn chị cũng ngậm ngùi thương Cô, nhớ đến hình ành Cô dung dị, hiền lành với nụ cười rất tươi trong những giờ Pháp văn năm xưa.

 Bây giờ, tiếng Pháp của tôi chắc đã thoái hóa về trình độ "nói được một câu tiếng Pháp đúng văn phạm thì chắc là Tây đã về nước" nhưng tôi vẫn nhớ lời cô khuyên "con gái phải dịu dàng nết na" để thấy mình vẫn mãi mãi là cựu nữ sinh NQ, là phụ nữ Việt Nam dù đang sống ở bất cứ nơi nào...


 Nguyễn Trần Diệu Hương
Santa Clara, tháng 3 / 2012

 

 


 Hành trình tìm Cô Hòa của Trương Đức Hoàng


tdhoang-2011-2-content


Sau gần 40 năm rời ngôi trường Ngô Quyền thân yêu, tôi vẫn luôn thương nhớ quý Thầy Cô và bạn bè xưa. Năm học lớp đệ Lục 4, lớp Bảy bây giờ, tụi tôi may mắn được học môn Pháp văn với cô Đinh Thị Hòa. Nói ''may mắn'' vì Cô vừa xinh đẹp, vừa dịu dàng lại thương đám học trò nhỏ lôi thôi lếch thếch, phá phách giàn trời. Hồi đó mỗi buổi chiều học với Cô là tôi có cảm tưởng như bầu trời trong xanh hơn, và nghe lòng rộn ràng với niềm vui khó tả. Nghĩ cũng lạ, lúc đó sao tôi thấy ham học và yêu đời yêu người, nhìn mấy đứa bạn nghịch ngợm hình như có vẻ... đứng đắn, chửng chạc hơn.

Sau năm này, tôi dần lên mấy lớp cao hơn và ít có dịp gặp lại Cô. Từ lúc lên Đại học tôi đi biền biệt cho tới năm 2001 mới về thăm quê nhà. Lần đó tôi đã đón xe buýt từ Sài Gòn về Biên Hòa. Sau khi xe qua khỏi Cầu Mới, đến Ngã tư Bửu Long thì tôi nhảy xuống. Tôi quẹo phải và đi lơn tơn qua cây cầu nhỏ ở Sở Cải về hướng chợ Biên Hòa. Khi gần tới xóm Cây Chàm, tôi sực nghĩ ''Tại sao mình không ghé vô thăm cô Hòa thử xem?''. Trong khi suy nghĩ như vậy, chân tôi đã quẹo trái vô xóm này. Đi chừng vài chục thước, tôi lại quẹo trái lần nữa để vào nhà Cô. Khi đến đây thì tôi hoang mang, có cảm tưởng mình như ông Từ Thức sau hơn 20 năm về thăm nhà, vì cảnh cũ còn đây nhưng gia đình Cô đã dọn đi từ lúc nào. Tôi thở dài ''Biết làm sao tìm Cô bây giờ?''.

Tôi bước trở ra đầu con hẻm nhỏ, với ý định hỏi thăm mấy người hàng xóm về tin tức của Cô. Tình cờ tôi gặp gia đình một người lớn hơn tôi vài tuổi. Sau khi trò chuyện một lúc, anh cho biết cô Hòa và người con trai út đã về khu cư xá mới ở Tân Mai. Anh sốt sắng lái chiếc xe Vespa cũ mèm chở tôi đi thăm Cô. Gặp lại Cô sao bao nhiêu năm, tôi rất vui mừng nhưng cứ lặng nhìn Cô mà nghe lòng rưng rưng. Sau khi kể về những tao ngộ và hoàn cảnh sống của mình, tôi hẹn sẽ quay trở lại.

Hai hôm sau, bạn Nguyễn Hồng Phúc đã chở tôi đi thăm Cô. Cô có cho hai đứa xem album hình của gia đình. Tôi nhìn không rõ nên phải mượn cặp mắt kiếng của Phúc. Cô mỉm cười dịu hiền nhìn hai tên học trò... già đang căng mắt để nhìn mấy tấm hình. Chắc Cô không ngờ có ngày gặp lại mấy cậu học trò ngây thơ, non nớt ngày xưa, bây giờ mắt đã hằn dấu chân chim. Sau năm này, tôi có về thăm nhưng Cô lại dọn đi. Từ đó đến nay, tôi không biết tin tức gì về Cô nữa.

Khoảng tháng 11/2011, bạn Nghiêm Văn Hải gởi thư cho tôi biết tin của bạn bè ở Việt Nam. Bạn cũng nhắc đến Thầy Cô với lòng mến thương, kính trọng. Bằng tấm chân tình, Hải đã viết về kỷ niệm với cô Hòa thật cảm động. Cách nay mấy ngày, nhìn mưa giăng giăng ngoài trời tự dưng tôi nhớ tới Cô và nghĩ ''Không có chuyện gì lớp mình làm không được hết''. Bắt đầu là bài viết của Hải, rồi tụi tôi bàn tính cách nào để tìm lại Cô.

Tôi đã mày mò gọi về hỏi anh Nguyễn Thanh Tùng ở Bửu Long. Anh cho tôi số điện thoại của anh Vũ Ngọc Giao và dặn dò ''Anh Giao biết địa chỉ của cô Hòa vì anh đã chở Cô về dự buổi họp mặt Ngô Quyền cuối năm 2011''. Tôi lại gọi cho anh Giao ở Sài Gòn. Anh đã cho tôi biết địa chỉ và số phone cũng như giải thích cặn kẻ cách liên lạc với Cô. Sau đó đến phiên Hải tìm được Cô, và sắp xếp để bạn Nguyễn Văn Tất lái xe đi rước Cô về dự ngày họp mặt lớp vào đầu tháng 4/ 2012. Tôi cứ tưởng tượng như vừa dự một cuộc đua tiếp sức, xong phần việc của mình thì ngồi chờ xem các bạn đem kết quả tốt đẹp về cho đội nhà vậy. Thật là một kết hợp diệu kỳ của mấy anh em 11B4.

Cô kính mến, bạn Nguyễn Hồng Phúc đã mất hơn 4 năm, sau đó lớp đệ Lục 4 lại có thêm vài bạn nữa ra đi. Dù ở phương trời nào, cậu học trò ngày xưa cũng tưởng nhớ đến Cô. Em cầu chúc Cô và các em Thanh Loan, Quang Danh, Quang Thảo và gia đình luôn được yên vui, hạnh phúc.

Xin chân thành cảm ơn ân tình của hai anh Nguyễn Thanh Tùng, Vũ Ngọc Giao và người anh ‘’chỉ một lần quen’’ ở gần nhà cô Hòa, xóm Cây Chàm.

 Tôi thấy mình rất may mắn và hạnh phúc được học hành với sự chỉ bảo, dẫn dắt ân cần của quý Thầy Cô. Bây giờ tuổi đang gần tới cuối đời, thật diễm phúc khi tôi còn nghe tin và nhìn thấy hình ảnh của Thầy Cô và các anh chị em CHS Ngô Quyền ở khắp nơi trên thế giới.

 

Trương Đức Hoàng
Sydney, 7-03-2012


   Nước mắt Cô Hòa.

 

  “Ồ! Vào đi! Hải hả? Em đó hả?”,

 Giọng run run, lạc hẳn vào thinh không,

 Nắm lấy tôi, Cô vòng tay ôm ấp,

 Như mẹ hiền, gặp lại đứa con xa!

 

 Cô bật khóc. Ô kìa! Sao Cô khóc?

 Cây trong nhà như muốn khóc cùng Cô,

 Dìu tôi vào, như dìu bao thương nhớ!

 Khiến lòng tôi, rung động chốn mưa sa.

 

 Tôi vốn dĩ, không mau giòng nước mắt,

 Tuyến lệ khô, đã đóng mất lâu rồi!

 Chợt nhận ra! Cô dường nhòe trong mắt,

 Nước mắt tôi! Đã rớt tự bao giờ?

 

 Thanh Loan đấy! con Cô còn ngồi đấy!

 Hổ ngươi lòng! Tôi gạt lệ đang rơi,

 Nhưng nhận ra! Con Cô cũng đang khóc,

 Chỉ ba người! Chung khóc môt niềm thôi!

 

 Tình cảm Cô, trò. Niềm vui sâu thẳm!

 Nhìn Cô vui! Sau giây phút thiêng liêng!

 Lòng thảnh thơi mời Cô ngày Họp lớp,

 Dịu dàng nhìn. Cô khẽ gật đầu. Vui!

 

 Tạm biệt Cô. Tạm biệt cả con Cô,

 Tạm biệt luôn những giọt nước mắt rơi,

 Tạm biệt luôn căn nhà lầu xinh xắn,

 Ra về thảnh thơi! Hẹn Cô ngày Họp.

 

   NghiemHai

22 Tháng Năm 2010(Xem: 63915)
Trong biển mịt mùng quên lãng, không một vị thầy nào để thất lạc học trò mà chỉ có những người học trò phũ phàng thổi tắt trong lòng thầy ánh sáng hy vọng.
27 Tháng Hai 2010(Xem: 32428)
Chưa có “cơ duyên hạnh ngộ” với Thầy Lê Quý Thể ở quê người, nhưng các CHS NQ luôn nhớ đến ông Thầy trẻ vừa có nhiệt tâm của một nhà giáo, vừa có tinh thần quyết thắng của một người mê thể thao...
23 Tháng Mười Một 2009(Xem: 38872)
Nhân mùa Thanksgiving, Lễ Tạ Ơn ở Mỹ, xin được kết hợp hai truyền thống tốt đẹp nhất của Đông và Tây để viết lên những lời tạ ơn chân thành từ tâm hồn của những chsNQ năm xưa ở cả hai thế hệ "nghi bất hoặc" và "tri thiên mệnh" với các Thầy Cô sắp hoặc đã bước vào tuổi "cổ lai hy".
21 Tháng Mười 2009(Xem: 17033)
Ngay cả những lớp CHS NQ vào trường sau này, chỉ được gặp Thầy ở Mỹ những năm gần đây cũng có nhiều ấn tượng rất tốt đẹp về Thầy và “… cứ tưởng tượng cái dáng cao cao của Thầy đi bách bộ thong dong trong trưa hè nắng chói của đường Bolsa, giữa đời sống bon chen, tất bật ở Mỹ giống như cái dáng của các tiên ông hiền từ đi dạo ở cõi trần tục trong truyện cổ tích đã đọc thời còn nhỏ…”
12 Tháng Mười 2009(Xem: 34693)
Có những cá tính, những sở thích hôm nay bắt nguồn từ thời còn ngồi ở ghế Trung học được các Thầy Cô truyền dạy nhiều kiến thức. Như lớp Tứ 1 (9/1) nk 69-70 của chị Võ Thị Ngọc Dung...
09 Tháng Mười 2009(Xem: 15183)
Một Góc Thầy Trò - Thầy Mai Kiến Phúc. Một đ i ều đặc biệt về Thầy Mai Kiến Phúc là Thầy rất yêu nghề đi dạy, và dù chỉ được đứng trên bục giảng 14 năm (1965-1979) nhưng suốt thời gian đó, Thầy liên tục ..."gõ đầu trẻ" ở Trung học Ngô Quyền với môn Vật Lý.
20 Tháng Bảy 2009(Xem: 34530)
Trong số những "nhà thơ học trò" này, có hai anh Hồ Văn Tân và Hà Xuân Son mà sáng tác từ tâm tình của hai anh thời mới lớn đã bày tỏ được lòng biết ơn Thầy Hoàng Phùng Võ, thầy giáo Việt văn lớp Đệ Ngũ B2 (nk 1958-1959 )
02 Tháng Sáu 2009(Xem: 37657)
Ba mươi năm sau, bên đời lưu lạc, ở tuổi nửa đời người, các cô, các bé ngày xưa mới biết một số Thầy Cô cũ đã từng là học trò Ngô Quyền như mình. Dù muộn màng, “Một góc Thầy Trò” xin được giới thiệu “Những CHS NQ trên bục giảng” để vinh danh các CHS NQ cũng là các Thầy Huỳnh Quan Phận, Diệp Cẩm Thu; các Cô Hà Thị Nhung, Liêng Tuấn Tài, Phạm Thị Hạnh.
26 Tháng Năm 2009(Xem: 37512)
Dưới đây là lá thư của CHS NQ Võ Thị Tuyết Mai, và những bạn bè, đồng nghiệp đã gửi cho Cô Ma Thị Ngọc Huệ, khi được tin Thầy Nguyễn Phong Cảnh từ trần vào ngày 4 tháng 1 năm 2006 tại California.
16 Tháng Năm 2009(Xem: 58594)
“Một góc Thầy Trò” hôm nay mời bạn quay về quá khứ của Lớp Đệ Thất B1 (1956-1957), thế hệ học sinh đầu tiên của Trung học Ngô Quyền – với “chị cả ” Lương Thị Khá đ ang định cư ở Boston, Massachusetts.
07 Tháng Năm 2009(Xem: 81912)
Kính mời Thầy Cô, mời anh chị, mời bạn cùng đọc thư của anh Trương Đức Hoàng để thấy tình nghĩa Thầy Trò (chắc đã trở thành “đồ cổ” ở Việt Nam hiện nay), và để tìm lại hinh ảnh “con dốc Ngô Quyền trần ai khoai củ” mà hầu hết chúng ta đã gò lưng đạp xe mỗi ngày để đến ngôi trường Trung học Ngô Quyền thân yêu, bây giờ chỉ còn trong trí tưởng…
30 Tháng Tư 2009(Xem: 37162)
Được sự đồng ý của tác giả – CHS NQ Nguyễn Ngọc Xuân - một bức thư rất cảm động gởi cho Thầy giáo cũ (Thầy Nguyễn Văn Phố) , “ Một góc Thầy Trò ” xin mời bạn cùng đọc lời tâm tình của một học sinh rất giỏi với Thầy giáo dạy Toán thời anh Xuân còn ngồi ghế NQ.
26 Tháng Năm 2008(Xem: 18084)
Các em thân mến, Tôi xin mạn phép, gọi các cựu học sinh của tôi bằng danh từ thân ái " các em ". Các em hôm nay đã ở vào địa vị " ông nội ", hay " bà ngoại ", hay là bậc cha mẹ. Các em không còn học sinh nhỏ bé, đáng yêu, nghịch ngợm của tôi.