MGTT 58 - THƯA THẦY LẦN CUỐI -
THẦY MAI KIẾN PHÚC
CHS Ngô Quyền Vĩnh biệt Thầy Mai Kiến Phúc
Nén hương lòng của học trò cũ từ khắp nơi trên thế giới kính cẩn chào GS Lý Hóa Mai Kiến Phúc lần cuối. Cầu mong Thầy được thênh thang ở hạc nội mây ngàn.
Đã gần nửa thế kỷ từ khi rời mái trường Ngô Quyền thân yêu, tôi vẫn còn nhớ mãi những giờ học Vật Lý của Thầy Mai Kiến Phúc vào năm lớp 12 (niên khóa 1976-1977). Thầy rất oai nghiêm và có cách dạy sinh động, dễ hiểu để truyền cảm hứng cho học sinh sự khao khát kiến thức và ham muốn tìm hiểu về khoa học. Trong một số giờ học, Thầy thường đem các học cụ để làm các thí nghiệm ngay trong lớp, trực quan và sinh động, làm cho chúng tôi vô cùng hứng khởi, ham thích học môn Vật Lý, đến độ có lúc tôi mơ ước sau này được trở thành giáo sư Vật Lý như Thầy.
Đặc biệt vào năm cuối trung học, chuẩn bị thi đại học, Thầy đã hướng dẫn chúng tôi cách trình bày một bài thi gọn gàng, đầy đủ, chặt chẽ để có được kết quả tốt.
Dòng đời trôi nhanh, cuộc sống vô thường, các học trò của Thầy năm xưa, nay tóc cũng đã bạc màu và đang đứng bên kia triền dốc của cuộc đời. Nhưng tôi vẫn luôn nhớ mãi hình ảnh Thầy uy nghi khi đứng trên bục giảng, dùng bảng đen phấn trắng để truyền bá kiến thức, khơi gợi và thắp sáng cho chúng tôi những ước mơ, những hoài bão, những khát vọng để vươn tới trong cuộc đời.
Giờ đây, Thầy đã hoàn thành xong sứ mạng của người lái đò chuyển tải kiến thức thầm lặng, tận tụy đề về thanh thản yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.
Một nén hương lòng để tưởng nhớ đến người Thầy uyên bác và khả kính của tôi
Xin được thành kính phân ưu cùng gia đình Thầy.
Phan Phú Hiệp - California
NQ K15
@@@
Năm ngoái, sau chín năm vắng mặt, tôi trở lại Mỹ tham dự ngày Hội ngộ truyền thống NQ 2024. Được xếp ngồi bàn chót để quậy phá với bạn bè nhưng tôi cố gắng chạy lên dãy ghế thầy cô để chào Thầy. Tôi xưng tên, may thay Thầy vẫn còn nhớ đến tôi. Trí nhớ của thầy không suy giảm nhưng tôi cảm thấy sức khỏe thầy có vẻ suy yếu, không được như mười mấy năm trước.
Trong lớp học, thầy nghiêm nghị dạy môn Vật Lý là môn khó hiểu mà đứa học trò chậm hiểu như tôi còn hiểu được. Nhớ đến thầy chỉ biết cảm ơn thầy…
Nguyễn Ngọc Ẩn E - Japan
NQ K5
@@@
Thầy Phạm Gia Hưng và Thầy Mai Kiến Phúc (2013) Nam California
Sáng nay mở computer ra, thấy: "CÁO PHÓ & PHÂN ƯU THẦY MAI KIẾN PHÚC MÃN PHẦN TẠI NAM CALIFORNIA", bỗng thấy mình chơ vơ.
Trời đầu hạ ở Tennessee với lá xanh bao quanh sân nhà không làm vơi được cái chơ vơ trống rỗng đó. Năm lớp đệ nhị may mắn là lúc thầy vừa tốt nghiệp Sư phạm về với Ngô Quyền. Thầy đã biến đổi những giờ Vật Lý khô khan trở thành giờ mà cả lớp mong đợi. Những giờ lý thuyết về vật rơi, những bài toán về thấu kính hội tụ, thấu kính phân kỳ, đã trở thành những đề tài được hỏi, được thảo luận trong lớp. Nỗi sợ hãi vị thầy với cặp mắt kiếng gọng đen của những ngày đầu, nhường lại cho sự kính mến của những người em đối với người anh cả.
Ở Biên Hòa thời đó, thầy không có ai, gia đình thầy thì xa quá, mãi ở tận Long Xuyên, bên cạnh dòng An Giang. Thầy xem vùng đất này, những đứa học trò của Thầy như những đứa em trong gia đình. Thầy đã cùng chúng em đi tắm sông, rong chơi, ăn cơm rượu ở cù lao Phố. Bên thầy, còn có các bạn Đỗ Cao Thông, Đặng Văn Toản, Hồ Văn Nho, Nguyễn Minh Mẫn. Riêng em bơi chầm chậm để được nhìn trời xanh, mây trắng, nhin cầu Rạch Cát và dòng Đồng Nai lờ lững, mà mơ tưởng ngày được thi đậu Tú Tài một. Kỷ niệm đó chợt trở về, như nhớ về những ngày mưa nắng hai mùa của miền Nam thân yêu, của sông nước Đồng Nai.
Giá trị con người không đo bằng thời gian người đó sống trên cõi đời này, mà bằng những ích lợi mà người đó đem lại, làm cho các người chung quanh. Và thầy cùng các thầy cô khác đã đào tạo các học sinh từ ngày đó cho đến ngày mất nước. Chúng em không là chúng em của ngày hôm nay nếu không có sự dạy dỗ của các thầy cô. Năm đó, hình như ai cũng đậu. Nhiều khuôn mặt cũ đã mừng vui gặp lại nhau năm đệ nhất. Để rồi sau khi đậu Tú Tài hai, mỗi người mỗi ngã. Em không còn có dịp gặp lại thầy từ dạo đó (1968). Mãi đến khoảng mùa hạ năm 2000, gặp lại thầy, em mừng muốn khóc ..
Gặp lại thầy nơi đây
Giữa đám bạn bè mùa năm cũ
Để thấy lao xao của thuở nào !!
Mong thầy như mây trắng thong dong, thanh thản như mây trắng trên bầu trời Đông Phố của 60 năm về trước 🙏 🙏 🙏.
Học trò của thầy,
Nguyễn Anh Tuấn - Tennessee
NQ K6
@@@
CHS NQ Nam Cali đến thăm Thầy Phúc ở tư gia (JAN 2024)
Năm 1965, Thầy Mai Kiến Phúc mới hai mươi sáu tuổi về trường Trung học Ngô Quyền Biên Hòa phụ trách môn Vật Lý cho các lớp Đệ Nhất (được gọi là lớp 12 từ niên khóa 1969-1970 trở về sau). Thầy nổi tiếng là một ông Thầy nghiêm khắc và dạy rất giỏi .
Học trò sợ Thầy nhưng rất thích giờ Vật Lý của Thầy. Thầy đã đậu thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ban Lý Hóa nên được chọn nhiệm sở là Trung học Ngô Quyền Biên Hòa. Có lẽ vì Thầy học giỏi nên tiêu chuẩn của Thầy khá cao. Thầy luôn có mặt ở cửa lớp đúng lúc hay trước khi tiếng chuông bắt đầu giờ học vang lên. Vì vậy, học trò của Thầy luôn phải có mặt ở lớp trước khi tiếng chuông reo lên. Nếu giờ Lý Hóa của Thầy Mai Kiến Phúc là giờ đầu của buổi học, anh chị nào đi trễ, đành phải "cúp cua" luôn giờ đó. Vì vừa thò mặt vào lớp, có đi rón rén, nhẹ nhàng đến đâu đi nữa, cũng bị “một cuốn sách mỏng đáp xuống trước mặt mình” như một lời cảnh cáo học trò đi trễ của Thầy Phúc.
Vì vận nước, nhiều người trong số chúng tôi -đã đậu vào Ngô Quyền từ kỳ thi tuyển năm lớp sáu- không được học những năm cuối đệ nhị cấp ở NQ. Do vậy cũng không được hân hạnh là học trò của Thầy Mai Kiến Phúc. Còn nhớ có một lần, có dịp "phỏng vấn" Thầy về chuyện "cuốn sách biết bay” đáp nhẹ nhàng xuống trước mặt học trò đi trễ giờ Lý Hóa của Thầy. Thầy cho biết:
- Tôi đem hết kiến thức và nhiệt tình truyền cho học sinh, học trò của tôi ít nhất phải đúng giờ và tập trung học để chuẩn bị thi tú tài.
Nhiều chs Ngô Quyền được học Lý Hóa năm cuối Trung học của Thầy Phúc đã "oanh liệt" đậu vào các trường Đại học có hệ số điểm của môn Lý Hóa cao. Điển hình là NQ khóa 8 Trần Hữu Phúc (1952-2020) dù học Đệ Nhất B, anh Phúc thi thử vào Đại Học Dược khoa và đậu hạng nhì (năm 1970) nhưng anh chỉ “thi chơi cho biết” nên không học Dược mà theo học Phú Thọ chưa đến hai tuần rồi qua Tây Đức du học. Anh là học trò giỏi, và cùng tên Phúc giống Thầy, nên cũng học hành, thi cử xuất sắc giống như Thầy.
Các Bác Sĩ Huỳnh Quan Minh (NQK6) ở San Jose, Bác sĩ Trần Thị Hiệp (NQK6) ở Biên Hòa, Bác sĩ Nguyễn Quý Đoàn (NQK6) ở Nam California, Bác sĩ Võ Quách Thị Tường Vi (NQK10) ở Houston, Bác sĩ Nguyễn Hồng Đức (NQK10) ở Saigon, Bác sĩ Trần Văn Chừng (NQK15) ở Toronto, Bác sĩ Phạm Mỹ Hạnh (NQK15) ở Saigon.... đều là học trò giỏi của giáo sư Lý Hóa Mai Kiến Phúc.
Những năm cuối đời, như quy luật sinh, lão, bệnh, tử, sức khỏe Thầy không tốt, Thầy liên tục là khách của bệnh viện. Nhưng Thầy vẫn an nhiên, tự tại vì Thầy quan niệm:
"Có đến thì có đi. Ngày vĩnh viễn ra đi có thể là ngày mai, tháng tới, năm tới hay ngay cả đôi ba chục năm nữa thì cũng phải tới. Lúc đó tôi chỉ cầu xin Thượng đế cho tôi được mang theo tất cả kỷ niệm của quãng đời dạy học và cho tôi được đầu thai trở lại trần gian này với nghề đi dạy trong một xã hội không buộc tôi phải nói ngược với niềm tin và suy nghĩ của mình."
Và Thầy đã bình thản ra đi, về đoàn tụ với song thân, với Cô vào ngày 9 tháng 5 năm 2025.
Từ xa, không thể về đưa tiễn Thầy lần cuối, tất cả học trò cũ của Thầy xin kính cẩn gửi nén tâm hương viếng Thầy, và thành tâm cầu nguyện cho kiếp sau Thầy vẫn tiếp tục là một vị Thầy trong một đất nước tự do, không phải nói ngược lại suy nghĩ và niềm tin của Thầy.
Nếu còn có kiếp sau, vẫn còn duyên hạnh ngộ, xin được làm học trò của Thầy.
Nguyễn Trần Diệu Hương - California
NQ K15
@@@
THẦY MAI KIẾN PHÚC QUA TRÍ NHỚ CỦA
MỘT HỌC TRÒ KHÔNG CHẮC CÒN MINH MẪN
Học trò đó là em, Trần Ngọc Danh, lớp Đệ Nhất B2, niên khoá lâu lắm rồi.
Ngày đầu tiên vào lớp môn Lý Hoá, em gặp Thầy, mừng một chút mà lo sợ thì nhiều vì em vốn không khá về Toán dù học ban B, còn Lý Hoá thì khỏi nói, tệ hơn nhiều.
Thầy hiền hòa mà không kém oai nghi: sơ mi trắng dài tay xắn lên hai nấc, quần tây đen, kính trắng gọng đen, giày đen bóng loáng làm học sinh dễ bị “hớp hồn" khi ngồi vào chỗ mình trong lớp.
Học sinh kháo nhau, Thầy dạy lâu hơn các Thầy khác ở Ngô Quyền, như Thầy Trần Phiên (Toán), Thầy Nguyễn Việt Chước (Anh Văn), Thầy Đinh Hữu Quyến (Pháp Văn), Cô Đinh Thị Hồng Oanh (Sử Địa) Và tất nhiên là lâu hơn Thầy Lâm Tấn Văn (Vạn Vật), mới ra trường năm ấy… Em không để ý những lời xầm xì ấy mà chỉ thấy Thầy cao, to và uy nghiêm thôi.
Chưa khi nào Thầy vào lớp trễ dù chỉ một phút. Thầy luôn đúng giờ như cái máy mới mua, chưa thoái hoá theo thời gian. Thầy nói rõ, to và hình như vô tình thường nhìn vào phía trái góc lớp nơi em ngồi, làm em “băn khoăn“ mãi. Cuối giờ học, trước khi chấm dứt, Thầy thường ném viên phấn xuống đất và lặng lẽ xách cặp ra về… Học trò ai nấy ngẩn ngơ… xanh mặt.
Nếu gặp Thầy Phúc ngoài giờ học mới thấy thương Thầy. Người gì đâu mà hiền hòa đến thế, nói năng nhỏ nhẹ như Cô Oanh, cười nửa miệng mà như trọn nụ cười thân thiện.
Em có gặp Thầy vào tháng 7 năm 2023 nhân họp mặt Ngô Quyền truyền thống vào dịp lễ Độc lập của Mỹ, đầu tháng 7 hàng năm. Em có đến chào Thầy, Thầy nói em còn khoẻ, nhưng già đi một chút. Em về chỗ và cười thầm, Thầy cũng già đi. Em thương Thầy lắm!
Gần đây, một bạn cùng trường nhưng không cùng lớp báo tin nói Thầy đang trong bệnh viện, còn tỉnh táo, dặn các em tiếp nối truyền thống HỌP MẶT HÀNG NĂM của Ngô Quyền. Thầy tỉnh táo, nhưng nghe nói người Thầy đã sạm đen do mạch máu bị vỡ…
Em ngạc nhiên đến sững sờ khi biết tin Thầy mất. Dù biết Sinh Tử là chuyện cuộc đời không ai tránh khỏi. Nhưng em tiếc lắm! Quá tiếc! Vì dễ gì có được một Ông Thầy, như Thầy Phúc trong đời! Em nhớ mãi hình bóng Thầy lúc trong lớp lặng im, giờ ra chơi ồn ào hay giữa sân trường nắng chói!
Viên phấn Thầy ném đi sau giờ Lý Hoá là những viên gạch xây dựng đời em và các bạn hôm nay, để có Hà Thị Nhung, Liêng Tuấn Tài về Ngô Quyền dạy Toán cho các lớp đàn em; có Khương Văn Mười, kiến trúc sư tài năng; có Nguyễn Ngọc Ẩn E, du học bên Nhật từ hồi rất trẻ; có Nguyễn Thanh Vân đi du học ở Mỹ sau khi đậu tú tài và nhiều bạn khác mà em không kịp kễ ra!
Thầy đi, đã để lại cho chúng em môt gia tài tưởng như đơn giản mà vô cùng to tát, một kiến thức mênh mông để có cơ hội giúp mình và giúp người. Cầu mong Thầy an nghỉ ở một nơi không còn gió bụi, không còn nắng đục mưa trong như cõi người này!
Thầy đi theo ngàn trùng mây khói
Tiễn đưa Thầy, chim trắng vụt bay qua!
Trần Ngọc Danh - Sacramento, CA
NQ k5
@@@
Cùng đọc lại những suy nghĩ của Thầy về nghề dạy học:
https://ngo-quyen.org/a592/gs-mai-kien-phuc-quang-doi-day-hoc
Và những suy nghĩ về Thầy của một số học trò cũ:
https://ngo-quyen.org/a736/mot-goc-thay-tro-7-thay-mai-kien-phuc
TIỄN THẦY MAI KIẾN PHÚC.
Sáng nay trời Cali thật lạ. Mới hôm qua nắng nóng như mùa hè mà hôm nay những đám mây xám che kín cả mặt trời. Buổi sáng tôi đi bộ, vài giọt mưa rơi nhẹ. Tôi vào nhà thay chiếc áo dài tay, kéo áo cổ lên cao để khỏi lạnh.
Tôi chợt nghĩ hôm nay là ngày đưa tang thầy Mai Kiến Phúc nên ông trời cũng buồn. Mưa nhẹ rơi rơi trên bàn tay xòe ra. Tôi không thể cùng các bạn Ngô Quyền tiễn thầy lần cuối vì không ai chở tôi đi, các con đều phải đi làm. Nga Frook - người bạn hay chở tôi đi họp mặt bạn bè đã đi Chicago hôm đầu tuần, tuần sau mới về.
Thầy Mai Kiến Phúc là ông thầy có mặt thường xuyên trong những lần họp mặt Ngô Quyền. Thầy khỏe mạnh, to con, cao lớn và rất vui vẻ. Học trò Ngô Quyền, Khiết Tâm đều rất kính yêu thầy. Mỗi năm họp mặt các học sinh NQ ở xa về thường kéo nhau đến đứng sau lưng thầy để chụp hình kỷ niệm. Thầy luôn cười, nụ cười thật hiền và thật tươi. Thật lòng so với một số thầy có mặt, thầy Mai Kiến Phúc lúc nào trông cũng khỏe mạnh hơn hẳn.
Tôi cũng vậy, ngày Ngô Quyền họp mặt tôi thường đến bên thầy chào kính, trò chuyện và chụp với thầy một tấm hình. Có lần thầy nói với tôi về tình yêu của cha đối với con và ông đối với cháu. Thầy nhận xét rất vui là bây giờ mình thương cháu nhiều hơn con. Cháu là nguồn vui và động lực để mình yêu đời, yêu cuộc sống. Thầy nói chuyện rất cởi mỡ thân thiện nên học trò thường đến để nói chuyện với thầy trong những lần họp mặt.
Họp mặt Ngô Quyền tháng 7 năm 2024 thầy đi dự nhưng có vẻ không được khỏe lắm. Tuy nhiên dáng thầy vẫn cao to và vững chãi. Thầy nói chuyện vẫn rõ ràng và minh mẫn. Nghe tin thầy bệnh Ngọc Huệ có đến thăm thầy. Thầy bị vỡ mạch máu nên người bị thâm đen. Trong những ngày cuối đời, thầy dặn lại với Huệ là phải đoàn kết, giữ gìn tiếp nối truyền thống Ngô Quyền. Vài ngày sau nghe tin thầy đã ra đi.
Ông lái đò rời xa con đò nhỏ, bến sông thân quen. Những khách qua đò nhớ ông lái đò xưa. Những người học trò kính trọng, tiếc thương thầy cũ: " Ông thầy Lý Hóa dạy thật hay của trường Ngô Quyền." Làm nghề giáo tuy lương tiền đạm bạc, nhưng các thầy cô có được là hình ảnh tốt đẹp trong lòng mỗi người học trò. Từng niên khóa đi qua, từng đợt học sinh rời nhà trường bước vào đời. Họ giữ lại kiến thức và đạo đức mà thầy cô cho họ. Những thành công trong cuộc sống có sự góp phần của người thầy cũ dưới mái trường xưa.
Cho nên không có nghề nào được trân trọng hơn nghề giáo. Như tôi, mỗi năm đến tháng 7, tôi vui vẻ thử chiếc áo dài trắng nôn nao đi họp mặt trường Ngô Quyền. Cháu ngoại tôi tốt nghiệp đại học nhìn tôi ngạc nhiên vì không ngờ bà ngoại tuổi gần 80 vẫn còn đi dự họp mặt thầy cô bạn bè thời trung học.
Bài viết của thầy Mai Kiến Phúc trên trang Web Ngô Quyền "Quãng Đời Dạy Học" là những tâm tình thầy viết lại thời gian thầy đi dạy. Lời kết của bài viết đã khiến tôi đọc lại càng kính yêu và trân trọng tấm lòng của thầy mình.
https://ngo-quyen.org/a592/gs-mai-kien-phuc-quang-doi-day-hoc
Hôm nay tiễn thầy ra đi, học trò Ngô Quyền đến tiễn đưa trang nghiêm chào thầy lần cuối. Tháng 7 năm nay vắng bóng thầy Mai Kiến Phúc trong ngày vui họp mặt Ngô Quyền. Đóa hoa dâng tặng thầy là nén tâm hương học trò tưởng nhớ đến thầy.
Kính nguyện hương linh thầy an bình và hạnh phúc.
Dẫu không đốt nén hương trầm
Kính thầy đốt nén hương lòng tạ ơn
Tiễn thầy về cõi vô biên
Ngô Quyền vẫn sống cùng tên Biên Hòa.
Thầy Mai Kiến Phúc đi xa
Tháng 7 ghế trống chúng ta nhớ thầy.
Vài hình ảnh các cựu học sinh Ngô Quyền tiễn đưa thầy Mai Kiến Phúc.