ĐI MEXICO THƯỞNG THỨC TACOS
Lần thứ hai sang Mỹ, Trần Thanh Châu - người bạn học chung khóa 13 NQBH ngày xưa của Sáo - rủ Sáo đi “vượt biên” qua Mexico bằng phương tiện… căng hải - hai cẳng. Châu giải thích:
- Lái xe sang bên ấy cũng được, nhưng biển số xe nước Mỹ dễ bị các bạn láng giềng quấy rối (?!…) lắm. Đi bộ tuy mệt hơn, nhưng đỡ phiền toái hơn….
Về cái khoản “trấn lột kiếm cơm” này thì Sáo đã từng gặp ở bên nhà, nên không lạ với giải thích của Châu. Sáo còn đùa:
- Phải chuẩn bị sẵn bài ca “tẩu mã” đề phòng gặp biến nữa...
Vào thời điểm bức tường biên giới Hoa Kỳ - Mexico chưa xuất hiện, chuyện vượt biên từ nước Mỹ sang Mexico khá dễ dàng. Dù vậy để chắc chắn không “đánh rơi” bạn già bên kia biên giới, Châu cẩn thận cầm passport của Sáo hỏi nhân viên an ninh biên giới USA - về việc tái nhập cảnh của Sáo - trước khi bạn đưa Sáo bước qua cửa khẩu San Ysidro thuộc thành phố San Diego tạm rời nước Mỹ…
Một không gian văn hóa khác hẳn khi Sáo vừa đặt chân đến Tijuana, một thành phố khá sôi động nằm ở rìa biên giới Mexico - Hoa Kỳ: ồn ào náo nhiệt, âm thanh rộn rã khắp nơi… Không màng chi cái nắng nóng bỏng da, những nhóm thanh niên nam nữ nơi đây có thể bật dậy la hét nhảy múa bất cứ lúc nào. Nhanh và dễ lắm, chỉ cần tiếng nhạc trỗi lên là mọi người quây quần… quẩy tưng hết lốc. Những âm thanh do chính họ tự tạo, bằng bất cứ vật dụng nào sẵn có: thanh gỗ trên tay, chiếc muỗng đôi đũa trên bàn ăn, hoặc “sang” hơn là chiếc guitar mộc hay cây sáo trúc… Họ gõ nhịp, ca hát, nhảy múa… rất tự nhiên và mạnh mẽ. Đối với những nhóm người Mexico này, âm nhạc đường phố giống hệt cơm ăn nước uống, và họ “thèm thì ăn, khát thì uống” vào bất cứ lúc nào…
]
Do không có nhiều thời gian, nên Sáo chỉ có thể quan sát một phần nhỏ không gian sinh hoạt của Tijuana. Chủ đích của bọn Sáo trong chuyến đi này là nếm trãi Tacos, một trong những món ăn đường phố rất nổi tiếng của Mexico. Tacos là một loại bánh truyền thống dân dã của Mexico, có phần vỏ bánh làm từ bột ngô - Ngô (mà Sáo hay gọi là bắp) là nguyên liệu chính trong văn hóa ẩm thực truyền thống của Mexico - với lớp vỏ bánh được chiên hoặc nướng giòn rụm, cùng với phần nhân bánh pha trộn nhiều sắc màu (*) khá vui mắt…
Đó là lần đầu Sáo biết đến món Tacos, nhưng thiệt tình Sáo cảm thấy Tacos… không ngon hơn bánh mì kẹp thịt của Việt Nam quê Sáo lắm đâu. Cũng có thể, do thời tiết nắng nóng, do lội bộ mệt đứ đừ…. nên Sáo chưa kịp “tiêu hóa” đầy đủ nét văn hóa ẩm thực độc đáo của vùng đất sôi động này. Bởi Tacos đã làm nên thương hiệu rất nổi tiếng cho Mexico, cũng giống như mỗi khi nhắc đến hamburger thì mọi người sẽ liên tưởng ngay đến đất nước Hoa Kỳ vậy.
Các tín đồ du lịch kháo với nhau rằng: “Nếu chưa ăn món bánh Tacos xem như chưa đến Mexico…” Có thật vậy không? Khi vào buổi chiều hôm đó, Sáo đã mang về cho bà xã Hà Mai Trâm của bạn Trần Thanh Châu một phần bánh Tacos, cho dù Trâm bận công việc nên không đồng hành đến Mexico cùng chị Sáo trong chuyến đi này.
Vượt qua biên giới Hoa Kỳ - Mexico thì dễ dàng y như đi chợ (?!…) vậy, nhưng lượt trở về thì khác hẳn luôn. Quy trình nhập cảnh từ Mexico đến Hoa Kỳ khá nghiêm ngặt, Sáo nhẩm đếm có hơn chục cái line dài dằng dặc, đang xếp hàng chờ phỏng vấn của nhân viên di trú USA. Tuy là quốc gia láng giềng, nhưng chính sách miễn thị thực của Mexico lại cởi mở hơn rất nhiều so với Mỹ. Mexico chấp thuận cho người nước ngoài sỡ hữu visa Mỹ còn thời hạn đến Mexico với mục đích du lịch, công tác… ngắn ngày, mà không cần làm thủ tục xin cấp visa Mexico.
Trọn một ngày trời quần thảo với nắng nóng và bụi đường xa, khi về đến San Diego thì “anh hùng” Sáo Lý Luận đã thấm dần cái mệt. Trước lúc trở về nhà, Thanh Châu lái xe đưa Sáo ra biển ngắm hoàng hôn rơi trước khi mặt trời San Diego tắt nắng. Sáo nói vui:
- Lúc đi đứa nào trông cũng hớn ha hớn hở, đến lúc về thì bản mặt đứa nào cũng hốc hác, hững hờ….
Đây quả thật là chuyến vượt biên bằng xe “căng-hải” nhớ đời của Sáo Lý Luận, bởi Sáo không gặp hiểm nguy chết người như chuyến vượt biển khi xưa của bạn Thanh Châu. Mà trái lại Sáo phải cám ơn bạn già Thanh Châu, đã tặng Sáo một chuyến vượt biên đến Mexico tuy rất mệt nhưng vô cùng thú vị…
Sáo Lý Luận Diệp Hoàng Mai
Tháng 7/2024
(*) Nhắc đến cây ngô, Sáo chợt nhớ ông bà ta khi xưa gọi bắp thành ngô nguyên do là vầy: Tương truyền giống cây này được đưa về từ Trung quốc - mà trước đây dân ta gọi Trung quốc là nước Ngô - vì vậy mà ông bà ta gọi “cây ngô” thành quen. Dân ta cũng có câu ví von rất hay, là “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” rất vui…
(**) Bánh Tacos truyền thống Mexico có nhiều nét tương đồng với bánh mì kẹp thịt của Việt Nam, nhưng khác ở chỗ Tacos của Mexico đa sắc màu và nhiều hương vị hơn bánh mì kẹp thịt của Việt Nam.