Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Phong Châu - AI XUÔI CON CUỐC...

Sunday, June 30, 202411:36 PM(View: 3462)
Phong Châu - AI XUÔI CON CUỐC...


AI XUÔI CON CUỐC...

chim cuoc

 



Trong sách “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” lớp sơ đẳng do Nha Học Chánh Đông Dương xuất bản năm 1927 có đăng bài thơ “Vào Hè” của cụ Dương Bá Trạc (1884-1944) như sau:

Ai xui con cuốc gọi vào hè                                                                                   
Cái nóng nung người nóng nóng ghê                                                                           
Ngõ trước vườn sau um những cỏ                                                                               
Hồng rơi thắm rụng tiếc cho huê                                                                                

Trên cành gọi bạn chim xao xác                                                                                   
Trong tối đua bay đóm lập lòe                                                                                             
May được nồm nam cơn gió thổi                                                                                  
Đàn ta ta gẫy khúc Nam nghe

Hình ảnh con chim Cuốc – còn gọi là chim Quốc “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc…” trong bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan. Từ con Cuốc biểu trưng của tiếng kêu mùa hè đến con Quốc tuy không phát ra tiếng kêu gọi hè nhưng tôi nghe được dấu biểu trưng cho tiếng gào chừng như “xé gan xé ruột” của một người “nhớ nước” quả là một hành trình thăng hoa cho loài chim Cuốc mà chỉ trong văn chương Việt Nam mới có.

Con Cuốc mùa hè của cụ Dương Bá Trạc mô tả những ngày hè cỏ cây xơ xác héo úa, hoa rụng lá rơi vì cái nóng cùng với những cánh chim xao xác tan đàn cho đến những đốm sáng lập lòe của bầy đom đóm ma trơi về đêm tưởng chừng như những rã rời, mỏi mệt… nhưng vẫn còn một chút “gió Nam” để rồi có người ngồi ôm đàn “gẫy khúc Nam nghe”. Tôi chưa hiểu được ý cụ Dương Bá Trạc khi nói đến “khúc Nam” là khúc gì? “Vào Hè” của cụ Dương Bá Trạc tuy thế vẫn không thấy có nét ảm đạm, buồn bã như Bà Huyện Thanh Quan lúc “Qua Đèo Ngang” vào buổi xế tà cùng với cỏ cây hoa lá, “lác đác vài nhà”, “lom khom mấy chú”… để rồi đứng trước cảnh gần như “tỉnh vật” ấy mà than:                                                                                                                                                                        
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước                                                                           
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Con Cuốc trong “Vào Hè” mới thật là “Cuốc Mùa Hè”. Còn con Quốc trong “Qua Đèo Ngang” là con Quốc của lòng hoài cổ khiến “lòng đau ruột thắt”. Đem con Cuốc gọi hè của Cụ Dương Bá Trạc để bàn về con Quốc “ảo” của Bà Huyện Thanh Quan e rằng có điều hơi “khập khiễng” chăng? Thôi thì “mua vui cũng được một vài giây” (Nguyễn Du: Mua vui cũng được một vài trống canh).

                                                            ***

Mùa hè nói chuyện hè, chuyện Cuốc (viết hoa để phân biệt với cái cuốc) cũng cần ghi lại câu chuyện về con Cuốc mà trong điển tích văn chương thường được gọi là chim “đổ quyên” ở tận bên xứ Tàu mà trong văn học Việt Nam thường thấy các nhà văn nhà thơ mang ra để giải bày với những người có tâm sự xa quê nhớ non nhớ nước (khi nước đã mất). Xin mở ngoặc: theo cái nhìn rất chủ quan của tôi thì 90% những chuyện phát xuất từ nước Tàu đa phần đều thuộc vào loại chuyện bịa đặt kiểu hoang đường của các nhà văn, nhà viết sử và được truyền qua Việt Nam trong các thời kỳ bị Tàu đô hộ. Ngược lại chính những loại truyện bịa đặt trên lại góp một phần không nhỏ cho nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam lấy đó để trích dẫn cho vào tâm sự của mình, của người…và dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của các nhà văn nhà thơ của các thế hệ trước. Như trong tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh” của Cụ Nguyễn Du, đoạn tả về khúc đàn của Kiều gẫy cho Kim Trọng Nghe lúc tái hợp có câu:

Khúc đâu êm ái xuân tình                         
Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên


Khi đứng trước thành Cổ Loa, nhà thơ Chu Mạnh Trinh bất giác sinh lòng hoài cổ. Cung miếu đền đài xưa tráng lệ, nay điêu tàn hiu quạnh dưới ánh trăng nhạt mờ, nghe tiếng Cuốc khắc khoải năm canh vọng lên buồn bã

Cung miếu triều xưa đây vắng ngắt                                                                           
Trăng mờ khắc khoải Cuốc kêu thâu                                                  


Còn tiếng Cuốc của Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến nghe lại càng đớn đau uất hận hơn trước cảnh nước mất nhà tan:

Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ                                                                                
Ây hồn Thục Đế thác bao giờ                                                                                          
Năm canh máu chảy đêm hè vắng                                                                                   
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ       
                                                                 
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi                                                                                           
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ                                                                                        
Ban đêm ròng rã kêu ai đó                                                                                             
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ

Từ hậu bán thế kỷ 20 đã có bao nhiêu người dân Việt phải đành lòng bỏ lại đất nước để đi đến những chân trời vô định có biến thành con chim Đỗ Quyên hay không? Ai hồn Thục đế? Ai tiếng Đỗ quyên?

Trở lại chuyện con Cuốc, được tương truyền như sau: Vua nước Thục là Đỗ Vũ có tính đam mê nữ sắc, tư thông với vợ của bề tôi là Biết Linh. Biết Linh bảo vợ nói với vua Thục nhường ngôi cho mình để hai người bỏ nước mà đi để sống đời với nhau. Vua Thục nghe theo, giao nước cho Biết Linh. Nhưng vợ Biết Linh sau đó lại bỏ Đỗ Vũ để trở lại sống cùng chồng. Hối hận vì hành động bất minh bất chính khiến nước mất nhà tan nên vua Thục buồn rầu sanh bệnh mà chết, hóa thành con chim Đỗ Quyên và luyến tiếc thời vàng son của mình nên mãi kêu gào thảm thiết…

Trong văn chương Việt Nam trong suốt mấy thế kỷ qua, không biết có bao nhiêu văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ và bao nhiêu thứ sĩ khác …đã ca tụng mùa hè không tiếc lời. Đa số họ ngồi trong nhà để làm thơ, viết văn, viết nhạc và vẽ…nên chưa chắc những “kẻ sĩ” này đã biết được “cái nóng nung người” như Cụ Dương Bá Trạc. Nay đã sang thế kỷ thứ 21, tôi thuộc đàn hậu thế hiện đang thưởng thức được “cái nóng nung người” nên xin phiếm thêm về chuyện này cho vui trong mùa hè năm thứ 24 của thế kỷ thứ hai mươi mốt.

Theo lịch thời tiết năm nay thì ngày 20 tháng sáu là ngày đầu tiên của mùa hè gọi là hạ chí. Năm nay nơi tôi ở, vào đúng ngày này, nhiệt độ đã có một bước nhảy vọt lên đến ba con số, nghĩa là 102 độ F. Thực ra từ ngày đầu tháng sáu nhiệt độ đã trên 100 độ rồi. Liên tục nhiệt độ đứng vững ở vị trí trên 100 mà theo thông lệ như mọi năm cho đến cuối tháng chín mới có cơ hạ nhiệt. Nhưng dẫu sao nhiệt độ này vẫn còn ở mức chịu đựng được chứ không như những năm nhiệt độ nhảy lên đến 110 hay 112. “Chịu đựng” ở đây có nghĩa là “chịu đựng” ngồi trong nhà, ngồi trong xe có máy lạnh và đến bất cư nơi nào có máy điều hòa không khí như trong chợ, trong quán, trong các văn phòng dịch vụ hoặc các nơi làm việc của chính phủ cũng như tư nhân. Nếu không có những điều kiện trên thì sẽ “không chịu đựng nổi”.

Vào những ngày này đây, khoảng từ 10 giờ sáng cho đến 9 giờ tối, tôi không thể bước ra sân trước hoặc sân sau trong vòng năm bảy phút. Ban trưa mở cửa bước ra thì cảm nhận được ngay là có một luồng khí nóng thổi tạt vào người khiến tôi phải vội vàng bước lui vào nhà và đóng cửa ngay lập tức. Còn xe cộ? Mặc dầu xe được để trong garage, khi cần đi đâu thì leo lên xe mở máy xe cho nổ, đồng thời mở máy lạnh xong chạy ngay vào nhà, chờ ba bốn  phút sau mới trở ra leo lên xe lái đi. Nếu phải đậu xe ở nào đó ở ngoài trời, khi mở cửa leo lên xe thì chỉ một hai giây sau là mồ hôi đã thấm vào áo và trên mặt ướt đẫm mồ hôi. Tôi không nói phét đâu! Các bạn cứ du hành qua xứ tôi ở vào những ngày này là biết thế nào là “mùa hè rực rỡ” hay “mùa hè rực lửa” cũng thế…

Dạo mới qua Mỹ được vài năm, vợ chồng con cái đều ở chung một nhà, đến mùa hè vào một ngày đẹp trời bỗng dưng máy lạnh tắt tị không thèm chạy, nhằm ngày thứ bảy. Gọi thợ đến sửa nhưng chờ hoài chắng thấy. Qua ngày chủ nhật cho đến trưa cũng không thấy thợ đến sửa. Không thể chịu đựng được thêm “cái nóng nung người” nên cả nhà vợ chồng con cái phải lái xe chạy ra mướn hotel để ở trọ. Ngày thứ ba thợ mới đến sửa. Đó là lần đầu tiên gặp phải cái nóng ở xứ Mỹ. Trong vòng hơn 30 năm sống ở thành phố này tôi đã nhiều lần giáp mặt với cái nóng của Cụ Dương Bá Trạc.

Theo thống kê của mấy ông khí tượng thì trong vòng một thập niên qua tại thành phố Houston có thành tích nóng như sau: năm 2011 có 46 ngày trên 100 độ; năm 2020 có 44 ngày trên 100 độ. Năm nay – 2024, trên 100 độ từ ngày 1 tháng 6 và chỉ dưới 100 độ trong một vài ngày có cơn mưa rào đi lạc.

Thường thì nơi tôi ở đến tháng bảy mới nóng gắt, nhưng năm nay nóng gắt đã đến vào thượng tuần tháng sáu và không biết còn kéo dài tới bao lâu.  Cái “nóng nung người” không những xảy ra nơi tôi ở mà thấy có nhiều nơi trên nước Mỹ cũng nóng không kém. Một cô em từ Nam Cali gọi cho biết là đang có nóng đến 90 độ (có nhằm nhò gì đối với Texas của tôi), rồi một chú em ở Bắc Cali cũng cho biết nóng 100 độ (có nhằm nhò gì đối với Texas của tôi)…Những năm về trước nơi tôi ở đã xảy ra nhiều trường hợp người cha hay người mẹ (thường là mẹ) có chở con nhỏ trên xe, đi vào chợ, vào quán để quên con trên xe, lúc ra thì thấy con đã chết vì nóng và ngộp. Trường hợp quái đản nhất là có một ông cha chở con đến trường buổi sáng trước khi đến sở làm. Trên đường đi ông ta quên cho con ghé trường mà chạy thẳng đến chỗ làm. Chiều về thì đứa con đã chết tự bao giờ…Ông cha bà mẹ này vào tù ngồi ngon ơ…

 

Cái nóng - nghĩ cho cùng là thứ mà “ông trời” đã ban cho thiên hạ – phải nhận chịu thôi. Nói thế chứ chẳng phải thế! Nghĩa là con người có thể – hay nói theo kiểu bình dân đại chúng là – dư sức – làm cho nóng biến thành mát, làm cho nóng biến thành lạnh mà kết quả là loài người đã hưởng từ những phát minh của con người từ bấy lâu nay.

 

Mùa hè năm nay ngoài cái nóng của “ông trời” đổ xuống, còn có cái nóng do con người tạo ra – cố tình tạo ra khiến khối người chết, nếu không chết cũng bị thương và cái nóng đó hiện đang tiếp diễn. Trước tiên là lò lửa nóng đã được đốt lên từ sa hoàng kiểu mới của nước Nga là cựu trùm mật vụ KGB – ông Vladimir Putin mang lửa sang đốt cháy nước láng giềng Ukraina dạo tháng hai – 2022 mà ông ta gọi là “giải phóng Ukraina ra khỏi bàn tay khát máu của phát xít!…”. Hơn hai năm qua không biết bao nhiêu loại vũ khí tối tân đã dội xuống đầu dân chúng Ukraina khiến nhà cửa, trường học, nhà thương cùng các cơ sở vật chất khác đã bị quân Nga thiêu rụi. Ông ta còn lắm lần hù dọa sẽ mang bom nguyên tử ra tiêu diệt cả nhân loại nữa. Xem ra “cái nóng” của cụ Dương Bá Trạc còn có cơ hội cầm cái quạt mo hay quạt giấy…để phe phẩy kiếm chút mát, chứ “cái nóng” của ông Putin phóng sang Ukraina thì chỉ có từ bị thương cho tới chết…

 

Lò nóng thứ hai cũng đang tiếp diễn là cuộc chiến giũa Do Thái và Hamas. Nguyên nhân thì ai cũng biết: Nửa đêm giờ Tý canh Ba ngày 7 tháng 10 năm 2023 quân khủng bố Hamas tràn vào Do Thái và giết trên 1,200 người bất kể già trẻ lớn bé và bắt đi trên 250 người khác để làm con tin đem về nhốt xuống hầm. Dĩ nhiên Do Thái phải đáp trả mãnh liệt và tràn vào dải Gaza để truy lùng quân Hamas. Dân Palestine là nạn nhân của hai phe Do Thái – Hamas vì Hamas đã dùng danh nghĩa của dân Palestine để tiêu diệt Do Thái cộng với lửa từ xứ Hồi giáo I - Răng phun sang. Rồi thì bom rơi đạn rớt trên đầu những người dân vô tội. Lửa vẫn còn nóng. Biết chừng nào lửa mới nguội để cho thiên hạ bớt nóng đây? Chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”……

 

Có một nơi chưa đến nỗi phải đặt tên cho nó là “cái lò nóng” nhưng sức nóng của nó cũng làm cho thiên hạ nổi cơn điên lên mà gào thét, chửi bới, mạ lị, bôi bác, tính mưu, tính kế để mà hại nhau. “Cái lò nóng” này đã xuất hiện nhiều năm rồi chứ chẳng phải mới ngày một ngày hai, suốt cả bốn mùa xuân hạ thu đông. Đó là cái lò “chính chị chính em” tại xứ sở Huê Kỳ này. Hằng ngày hằng giờ thiên hạ là những kẻ có tí quyền - tí chức - tí danh – tí địa vị - tí tai tiếng - tí tham lam - tí thù vặt - tí ganh tị - tí tự ái – tí bon chen – tí ngu – tí khôn…ra sức dồn đối thủ vào chân tường. Họ đang nổi cơn sốt! Chẳng những một mớ người “có tí” trên mà ngay cả bàng dân thiên hạ cũng lãnh luôn cái nóng do họ gây ra. Cái nóng đang làm cho một số người chóng mặt nhức đầu, xây xẩm mặt mày, nhảy đựng lên để bình bình luận luận bất cần đúng sai. Vụ việc này khiến cho nhiều người bị nóng, đứng đầu trong số này có hai người. Một là ông cựu tổng thống 9 nút Donald Trump. Hai là đương kim tổng thống 10 nút Joe Biden. Không biết có đúng hay không?

Nhìn về phương đông tại nước Việt Nam ta, hiện đang là mùa hạ. Mùa hạ tất nhiên là nóng! Nhưng chẳng phải cái nóng của cụ Dương Bá Trạc, chỉ cần mượn cái quạt mo của thằng Bờm để phe phẩy hay mở quạt điện, mở máy lạnh lên cho nó chạy vù vù là sẽ mát ngay. Cái nóng này khó chịu hơn cái nóng của ngọn gió Lào thổi qua miền Trung Việt Nam vào thượng tuần tháng năm vừa rồi. Đó là ngọn gió có tên là Minh Tuệ, gọi cho đầy đủ là Thích Minh Tuệ - một nhà tu theo hạnh đầu đà của nhà Phật. Thầy Thích Minh Tuệ đã tu theo kiểu này hơn sáu năm và đã “đầu đội trời chân đạp đất, nhất bát tam y” đi khất thực từ Nam ra Bắc và ngược lại bất kể gió mưa lạnh nóng. Rồi tai họa đến với Thầy! Đang âm thầm thoăn thoắt trên “Con Đường Cái Quan”(1), ngày đi, đêm ngồi thiền ở nhà hoang, nghĩa địa thì chợt có đám người bu theo chụp hình quay phim ồ ạt để phóng lên các trang mạng xã hội. Thiên hạ cả nước đều thấy đều nghe nên lắm người mộ đạo, lắm kẻ hiếu kỳ tràn ra đường bu quanh Thầy để chiêm ngưỡng, cúng dường…Số người đi theo Thầy ngày càng đông nên nhà cầm quyền quyết không để yên. Đúng giữa khuya giờ sửu canh tư ngày 3 tháng 6 Thầy và cả tăng đoàn bị hốt lên xe chở đi tứ tán khắp nơi. Mạng xã hội nổi sóng, dân tình nổi nóng. Thiên hạ bàn ra tán vào, thêm mắm (đúng ra phải viết: thêm nước tương) thêm muối, đoán già đoán non về Thầy Minh Tuệ. Nhiều đoạn ghi hình “phịa” rằng Thầy đang ở nơi này, Thầy đang ở nơi nọ với nhiều hình ảnh cắt ghép vụng về. Cuối cùng thì Thầy xuất hiện trong trụ sở công an (không thoát khỏi tay công an!) để bắt lăn tay làm chứng minh nhân dân (công dân Việt Nam đã từng đi bộ đội mà nay mới làm CMND?). Chỉ có ở nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới có chuyện quái gở như thế!


Sự đời lắm chuyện oái oăm. Thấy Thầy Minh Tuệ được nhiều người ái mộ và được các youtubers truyền bá cho cả nước biết nên một số sư/thầy đang “ngồi mát ăn bát vàng” trong các ngôi chùahoành trángbỗng dưng thấy nóng – nóng bàn tọa và nóng cả cái miệng nên đăng đàn phát biểu về hiện tượng Minh Tuệ. Khởi đầu là một ông sư/thầy thuộc loại “đại gia” có lý lịch “tuyệt vời” là “cháu bác hồ” tuyên bố… “Minh Tuệ là thằng ba trợn…”. Câu nói vừa phun ra khỏi miệng của sư/thầy thì sóng gió ào ào nổi dậy từ bắc chí nam biến thành một hiện tượng xã hội nữa. Đó là rất nhiều youtubers phần đông là các bạn trẻ đồng loạt lên tiếng tố giác vị sư/thầy “ba trợn” và một số vị sư/thầy khác đang là trụ trì các chùa rất giàu tại Việt Nam, ngoài Bắc trong Nam đều có.


Họ bắt chước ông đảng trưởng đảng việt cộng xúm nhau “đốt lò”. Họ đốt lò bằng cách tố cáo có dẫn chứng qua hình ảnh của các vị sư/thầy lâu nay tự tung tự tác múa may trước chánh điện để phỉnh gạc quần chúng Phật tử. Ông Trọng đốt các đồng chí cuỗm tiền của nhân dân, còn các bạn trẻ thì đốt mấy ông sư áo vàng cuỗm tiền của Phật tử. Mấy ông sư này đăng đàn thuyết pháp giáo lý nhà Phật chủ yếu là gieo vào đầu Phật tử thêm “vốn u mê” những tin theo điều mê tín dị đoan bằng những lời vừa dụ khị vừa hù dọa để Phật tử “nên - phải” đem dâng tiền bạc nhà cửa hết cho thầy. Miền Bắc có sư nổi tiếng TTTM nhờ thỉnh vong, rước hồn, lấy cỏ khô làm tóc Phật kiếm tiền dễ ợt…Miền Nam có sư TCQ vốn là cháu của đặng - tiểu - bình lẫn hồ - chí - minh nên đã ngẩng mặt về phương Bắc mà phán rằng: “Lý Thường Kiệt mang đi đánh Tàu là hỗn”. Hai vị sư/thầy này và hàng chục vị sư khác đồng loạt được hàng Phật tử và “phi Phật tử” kêu réo mỗi ngày khiến hơn chín chục triệu dân Nam đều biết, những “khúc ruột ngàn dặm” cũng biết luôn. Nhiều đoạn video của các thầy thuyết giảng về cách móc tiền đều được thiên hạ nghe tận tai nhìn tận mặt. Lại có sư/thầy TNT hiên ngang bước lên bục giảng cho Phật tử nghe về vấn đề tình dục và chỉ cách “làm sương cho sáo” nghe rất ư là chuyên nghiệp…Hiện đã có hàng tá các vị sư/thầy được quần chúng Phật tử đưa lên bàn giải phẫu mà các vị này đều thuộc cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” – đứa con đẻ của đảng cộng sản Việt Nam. Vị sư/thầy cháu bác hồ TCQ đã được giáo hội cho nghỉ phép hai năm, không đăng đàn thuyết pháp để nghỉ xả hơi hầu sáng tác thêm nhiều chiêu hù dọa và dụ khị Phật tử mang tiền cúng dường thêm cho sư/thầy.

Hiện tại thì mấy cái bàn tọa của mấy vị thượng tọa nói trên đang bị bà con bá tánh gom củi để đốt. Không biết bàn tọa của thượng tọa có bị nóng chảy hay không? Chắc là không! Vì các ngài đã có các thẻ đỏ lót bên dưới…

 

 Cuối cùng, cái nóng mà thiên hạ đang ngóng cổ chờ đợi cũng đã tới trên cả hai lục địa Âu Châu và Mỹ Châu. Đó là cơn nóng đang diễn ra trên các sân banh của giải Euro Champion và Copa America. Bảy trăm năm chục triệu dân Âu Châu và một tỷ mốt dân Mỹ Châu đang reo hò, nhảy nhỏm, vỗ tay, cười lẫn khóc cùng với các ông bầu, huyến luyện viên đang nhảy tưng tưng vì nóng trên các sân cỏ…

 

Phong Châu

 

 

(1)  Con Đường Cái Quan: Bản trường ca đầu tiên của nhạc sĩ Phạm Duy viết xong năm 1960, khởi đi từ ải Nam Quan ở Miền Bắc, điểm đến cuối ở Miền Nam.

 

 

Wednesday, January 1, 2025(View: 810)
Mùa Christmas gần kề, chúng tôi đều nhận được những lời chúc tốt đẹp của ban lãnh đạo và lúc nào cũng không quên câu phải cẩn thận với người lạ.
Thursday, December 26, 2024(View: 1413)
Sau những câu chuyện vui vẻ chúng tôi bắt đầu vào tiệc. Chồng tôi rót rượu Champagne ra ly mời mọi người khai vị trong tiếng nhạc Giáng Sinh ngân vang rộn rã ...
Thursday, December 26, 2024(View: 1074)
Những buổi tối cuối tuần sau buổi hẹn hò, anh đưa cô về, trong xe của anh vẫn còn vương vấn mùi thơm nhè nhẹ, cho anh một cảm giác nhớ thương thật dễ chịu.
Thursday, December 26, 2024(View: 971)
Tôi lắng nghe những bài thánh ca đêm Noel với sự trân trọng, tôi thấy lòng mình lắng đọng lại khi ngắm nhìn tuyết trắng rơi rơi vào đêm Giáng Sinh
Tuesday, December 24, 2024(View: 911)
Gần 50 năm đã trôi qua kể từ ngày 5/1/1975, nỗi ray rứt trong lòng tôi nay chợt đến nhứt là khi nhìn về đất nước thấy cảnh đảo điên của xã hội, băng hoại của văn hoá..
Thursday, December 19, 2024(View: 1328)
Đối với thanh niên thời nay chắc chẳng ai biết đến Pelé. Trái lại vào thời tôi còn đi học vào những thập niên sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước ở Việt Nam và có lẽ cả thế giới không ai mà không biết
Thursday, December 19, 2024(View: 2517)
Mặc dù đã trãi qua mấy trăm năm với bao diễn biến thịnh suy theo dòng lịch sử, ngôi Thánh đường Kẻ Sặt năm xưa vẫn không thay hình đổi dạng. Đó chính là hình ảnh không bao giờ phai nhạt trong ký ức tuổi thơ tôi.
Thursday, December 19, 2024(View: 1590)
Nhân việc nhà thờ Đức Bà tại Paris, thủ đô nước Pháp được tái khánh thành hôm 8 tháng 12 - 2024 sau năm năm sửa chữa, tôi nhớ lại ngày nhà thờ bị cháy mà tôi được xem qua màn ảnh vào thời điểm đó.
Wednesday, November 27, 2024(View: 5551)
Nhân mùa lễ tạ ơn của nước Mỹ tôi xin cảm ơn tất cả. Xin chúc mọi người luôn vui khỏe trong tấm lòng chân thành biết nhớ ơn, tạ ơn và mở rộng lòng thi ân nếu có thể.
Wednesday, November 27, 2024(View: 1491)
Hằng năm, con dân và thân hữu Biên Hòa quy tụ để cử hành Lễ Vía Đức Ông rất long trọng tại Biên Hòa (Việt Nam), San Jose (California) và Houston (Texas).
Tuesday, November 26, 2024(View: 1579)
trong mùa lễ Tạ Ơn này tôi chúc người thân, bạn bè và các em học trò cũ của tôi ở xứ Cờ Hoa hưởng những ngày sum họp đầm ấm với gia đình.
Saturday, November 23, 2024(View: 1644)
Hòa ngắm mảnh vườn sau nhà với một cõi lòng tràn đầy Tri Ân. Không phải đợi đến mùa Thanksgiving, mà gần hai năm nay, kể từ khi được thay tủy, là từng ngày Hòa dâng lên ngàn lời Tạ Ơn.
Saturday, November 16, 2024(View: 2973)
Một điều đáng mừng là sau nhiều biến động lịch sử, SVĐ BH một biểu tượng Văn Hoá-Thể Thao lâu đời của người dân BH xưa, vẫn còn tồn tại, hơn nữa còn có được dự án chỉnh trang tu sửa để hình thành một SVĐ đa chức năng của địa phương.
Saturday, November 16, 2024(View: 950)
Anh Đa Đề, qua bút pháp đa diện và phong cách gợi mở, đã không ngừng mở rộng cánh cửa cho cuộc đồng sáng tạo, nơi người đọc vừa là người tiếp nhận vừa là người đồng hành ...
Saturday, November 16, 2024(View: 1661)
Tôi tên Chi, Trần Thị Chi. Nếu ai đọc “Chí Phèo” của Nam Cao ngày xưa, họ sẽ liếc vô tui, nói nhỏ với nhau: – Xấu hơn Thị Nở! Nhưng bây giờ trên đất Mỹ, hiếm người biết về “Thị Nở” nên tôi chỉ nghe xầm xì ở các chợ VN:
Friday, November 15, 2024(View: 2831)
Tôi run run lái xe vào parking phía trước nhà băng và tìm chỗ đậu, xe truch cũng đậu cách tôi vài xe. Ở đời luôn có kẻ xấu, có ý đồ điên khùng, ghét người Châu Á.
Sunday, November 3, 2024(View: 2007)
Có thể nói không ngoa, rằng bầu cử Tổng Thống Mỹ được cả thế giới quan tâm, huống chi Canada là hàng xóm kế bên, hỏi sao không “hot”?
Saturday, November 2, 2024(View: 2014)
Tuy nhiên chúng ta cũng hãy tin người dân Mỹ yêu nước sẽ dùng lá phiếu để chọn người đại diện đúng nhất cho mình. Cả thế giới đang hướng về nước Mỹ chờ đợi kết quả ai sẽ là vị Tổng Thống thứ 47 của Hoa Kỳ.
Saturday, November 2, 2024(View: 1990)
Sau vài câu thăm hỏi, chúng tôi nhắc vài mẫu chuyện xưa khi còn đi học và Hải đã kể cho tôi nghe câu chuyện trên và lúc nào Hải cũng bắt đầu câu nói bẳng “Mày biết không?
Saturday, November 2, 2024(View: 2354)
và nghe mấy đứa con bà bàn tán về một “điểm hẹn” tụi nhỏ không bao giờ bỏ qua trong ngày lễ Ma, đó là ngôi nhà màu hồng to lớn và thật đẹp ở góc đường của bà “Phù Thủy.”