SÀI GÒN SAU 1975 (Phần 4)
Các trại cải tạo sau 1975
Sau ngày 30/04/1975, hằng trăm ngàn quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa bị đưa vào các trại tập trung cài tạo, nói là để học tập tư tưởng tiến bộ theo chủ nghĩa xã hội rồi trở về sinh sống hài hòa trong xã hội mới. Điều gì xảy đến với họ sau đó? Chính sách tập trung cải tạo được thực hiện thế nào?
Mấy tuần lễ sau khi Miền Nam thất thủ thì chiến dịch rỉ tai về học tập cải tạo bắt đầu được tung ra. Nhưng mãi đến đầu tháng sáu 1975 Uỷ Ban Quân Quản Thành Phố mới ra lệnh cho các quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa phải trình diện để đi “Học Tập Cải Tạo”. Uỷ Ban ra thông cáo vào các ngày 10-6, 11-6 và 20-6-75 trên đài phát thanh và báo chí, chỉ định rõ địa điểm và ngày giờ trình diện.
Hạ sĩ quan và nhân viên chính quyền từ chủ sự trở xuống học tập ba ngày tại phường. Các cấp thấp hơn như binh sĩ, cán bộ phường khóm được khoan hồng miễn trình diện. Cả mấy trăm ngàn người nô nức đi trình diện học tập vì họ nghĩ rằng học tập cho xong để hy vọng sớm trở về làm ăn. Họ đi học từ sáu giờ sáng đến tối.
Đối với các phó quận trưởng, trưởng ty, cấp úy, thì mỗi người phải mang theo giấy bút, quần áo, mùng mền vật dụng cá nhân, đồ ăn hoặc tiền bạc để dùng trong mười ngày kể từ ngày trình diện.
Với các cấp chỉ huy từ giám đốc trở lên, sĩ quan từ cấp tá, các dân biểu nghị sĩ, các lãnh tụ đảng phái thì thông cáo ra lệnh mang theo giấy bút, vật dụng cá nhân, số tiền là 13,000 đồng đủ cho việc ăn uống trong 30 ngày kể từ ngày học tập đầu tiên. Thông cáo nói rõ: “các học viên phải mang theo một tháng tiền ăn và những đồ đạc cần thiết. Nhà hàng Đồng Khánh sẽ phụ trách việc ăn uống…”
Nhiều người vì sức khỏe yếu được miễn trình diện. Nhưng vì quá tin vào thông cáo của chính quyền, học tập có một tháng, nên họ vẫn tình nguyện xin đi để tỏ thiện chí cũng như làm cho xong để còn về được an ổn kiếm kế sinh nhai.
Có người được nhân viên tiếp nhận cho về vì không hội đủ tiêu chuẩn như thông cáo nhưng vẫn nằn nì giải thích chức vụ để xin đi cho chắc bụng. Chẳng hạn, có vị khai chức vụ quốc vụ khanh chính phủ. Cán bộ không biết đó là chức gì mà coi danh sách không thấy có nên đuổi về. Vị chính khách này phải cố gắng giải thích chức vụ của mình ngang hàng tổng trưởng. Họ cũng không biết tổng trưởng là gì, đến khi nói là bộ trưởng thì họ mới cho nhập trại. Ai cũng nghĩ là trước sau rồi cũng phải học tập nên xin đi cho nó xong. Thực ra, thông cáo rất mập mờ. Lúc đầu ghi danh đi học tập cải tạo phải chuẩn bị thực phẩm hoặc đóng tiền ăn cho một tháng. Rồi pháp lệnh nói cải tạo viên phải học tập ba năm rồi đổi ra vô hạn định một cách âm thầm.
Kỷ Nguyên Tù Đầy Cải Tạo bắt đầu. Sau khi đã bước vào trại tù cải tạo thì ngày ra dường như vô tận vì một số thiệt mạng, hầu hết tiếp tục tù đầy cho tới mươi mười lăm năm sau.
Theo bản tường tình của Aurora Foundation năm 1983 do bà Ginetta Sagan và ông Stephen Denney thực hiện thì có hơn một triệu người đã đi cải tạo mà rất ít được về sau thời hạn mười ngày hay một tháng. Trên toàn quốc lúc bấy giờ có trên 150 trại cải tạo. Có khoảng 500,000 người được trả tự do trong vòng ba tháng; 200,000 ở trại từ hai đến bốn năm; 240,000 ít nhất năm năm; nhiều chục ngàn người trên mười năm.
- Năm 1975 QLVNCH có 980.000 quân nhân gồm 1/10 cấp Tá và cấp Tướng tổng cộng 9.600, cấp úy là 80.000, còn lại là hạ sỹ quan và binh sĩ.
- Cấp Tướng tại ngũ đến 30 tháng 4 năm 75 là 112; bị tù cải tạo: 32 vị, 80 tướng lãnh di tản và 1 số nhỏ không bị bắt giam.
- Đại tá có 600, bị tù 366.
- Trung tá có 2.500, bị tù 1.700.
- Thiếu tá có 6.500, bị tù 5.500.
- Cấp úy có 80.000, bị tù 72.000. Trong số này bao gồm cả nữ quân nhân cũng như thành viên đảng phái và các cấp chính quyền.
Không kể thành phần bị bắt trước 1975 nhưng không được trao trả tù binh sau 1973, thì thời gian tù “cải tạo” kéo dài từ 1 năm đến 17 năm. Từ 1975 đến 1992.
Năm 1988 gần như là năm cuối cùng, hầu hết tù được trả tự do.
Suốt 4 năm tiếp theo chỉ còn lại 120 tù bị giam tại Z30D gọi là Trại Thủ Đức tại Hàm tân. Trong số này có 9 vị tướng lãnh. Đại tá Phạm Duy Khang khóa 6 Võ bị, làm thư ký Trại còn nhớ tên từng người. 4 Thiếu tướng: Lê Minh Đảo, Đỗ kế Giai, Trần Bá Di, Nguyễn Ngọc Sang, và 5 Chuẩn Tướng: Lê Văn Thân, Hoàng Lạc, Mạch Văn Trường, Trần Quang Khôi, Phạm Duy Tất.
Cấp Đại tá có 22 người, 20 thiếu tá và các thành viên cảnh sát, đảng phái.
Thiếu tướng Đỗ Kế Giai
Thiếu tướng Đỗ Kế Giai tả lại quang cảnh khi tất cả mọi người được thả hết chỉ còn mấy ông Tướng. Trại Hàm Tân hoàn toàn vắng lặng. Cộng sản cho xe chở 5 ông tướng về chuyến cuối cùng. Vì đường đi thuận tiện, xe về Saigon đến nhà các vị Tướng khác hết 1 vòng, Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai là người về sau cùng. Ông bước xuống xe, tâm trạng thực băn khoăn khó tả. Tù vừa tròn 17 năm. Những ông tướng khác về trước ông chừng nửa giờ nên tướng Giai là người sau cùng, theo ý nghĩa tiêu biểu của lịch sử..
(Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo:
Quân Cán Chính VNCH Bị Bắt Đi Tù "Cải Tạo" Sau 30/4/1975
https://m.facebook.com/media/set/?vanity=NguoiNhapCuoc1975&set=a.172471163418491