QUÀ CHO MẸ
Tháng 5 là tháng mà bài hát “Lòng Mẹ” do nhạc sĩ Y Vân sáng tác được các đài truyền thanh truyền hình Việt Nam ta cho phát đi phát lại nhiều nhất. Lý do dễ hiểu, vì tháng 5 có ngày Lễ Mẹ - “Mother’ Day”.
Tôi không biết các đài truyền thanh truyền hình Mỹ có được bài hát “ruột” nào cỡ như bài “Lòng Mẹ” của nhạc sĩ Y Vân hay không để chạy quảng cáo cho ngày Lễ Mẹ, nhưng các nhà kinh doanh, dịch vụ Việt Nam thì khỏi nói, dùng ngay bài tủ “Lòng Mẹ” để đánh động những trái tim tràn ngập yêu thương của những người con lúc nào cũng nghĩ đến Mẹ của mình.
Năm nào cũng vậy, đến ngày “Lễ Mẹ”, cứ theo lời chỉ dẫn hết sức “thiết tha” của các “lương y” thì phải tìm mua cho Mẹ những món quà thể hiện tình thương yêu quý mến của các con. Ngoài việc phải nghe ra rả suốt ngày câu mở đầu “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…” tiếp theo sau là… hãy mua tặng cho mẹ từ các món từ món rẻ tiền vài ba chục đô cho đến các món có giá vài nghìn đô… Thượng vàng hạ cám gì cũng nên mua tặng cho Mẹ để tỏ lòng thương yêu và hiếu kính với Mẹ. Món rẻ tiền thì mua cho Mẹ vài hũ dược thảo cho Mẹ uống vô để trị bịnh ung thư, viêm gan, thống phong (gout), tiểu đường, lao phổi, loét bao tử, cao máu cao mỡ cao huyết áp, ngứa tay ngứa chân, ăn không ngon ngủ không yên và hàng hàng lớp lớp các thứ bịnh khác, uống vô là khỏi ngay và sống trường thọ. Mẹ có nằm liệt giường 10 năm thì sau khi uống một hũ thì Mẹ cũng ngồi dậy tỉnh queo. Nhưng không biết sau đó Mẹ đi về đâu? Theo như lời rất ngọt của một ông thầy Number Six thì có người Mẹ được bác sĩ tây y cho biết chỉ còn 20 ngày nữa là mẹ đi gặp ông bà, thế mà uống hũ dược thảo do thầy rao bán thì Mẹ bật ngồi dậy và khỏe re như “con bò kéo xe!” Thật là tuyệt diệu! Củ nghệ, củ gừng, củ sâm, củ tỏi, đông trùng hạ thảo, linh chi, nấm đen nấm đỏ… cho đến các loại rong rêu xứ lạ đã làm bá chủ thị trường thuốc men tại Mỹ dành cho người Việt Nam. Cá nhân tôi thì đang chờ tin có vài giải Nobel lọt về tay các bác sĩ đông y Việt Nam đây!
Núi Phú Sĩ ở xứ Phù Tang mà người Nhật cứ đến ngày đầu năm là kéo nhau leo lên để ngắm mặt trời mọc để cầu phước nhưng có rất nhiều người chỉ leo đến nửa đường thì bỏ cuộc vì núi toàn là đá và đuờng lên khó khăn. Trên đỉnh núi thì tuyết phủ quanh năm chẳng có cây cối gì cả. Ấy thế mà các nhà “tưởng tượng học” của Việt Nam ta vẫn có mặt thường xuyên trên đỉnh Phú Sĩ để hái mang về không biết bao nhiêu là kỳ hoa dị thảo cho các thầy “lăm bang” xào nấu thành thuốc trị bá bệnh để cứu nhân độ thế. Các bạn mình cứ chịu khó mở tivi hoặc radio ngồi nghe hoặc xem trong vòng nửa tiếng đồng hồ thì thấy giới “lăm bang” ta chẳng khác nào “trăm hoa đua hái, trăm nhà đua uống” vì khẩu hiệu “phòng bệnh hơn chửa bệnh”.
Xứ Phù Tang là nơi mà các “bác sĩ” bào chế thuốc khám phá ra nhiều loại thần dược. Hết Phú Sĩ đến đảo Okinawa, hồi bé học môn địa lý với tên tiếng Việt là đảo Xung Thằng. Người ta đã thần thánh hóa một loài rong có tên là Fucoidan, uống dược thảo làm bằng Fucoidan “chỉ có ở đảo Okinawa” mới trị hết đủ thứ bệnh. Nhiều xưởng sản xuất thuốc làm bằng Fucoidan thì quảng cáo chỉ có xưởng của họ là thuốc thứ thiệt đã nhận được “huy chương vàng” và được rất nhiều khách hàng chứng nhận là thuốc “tốt”.
Tôi chẳng hiểu “huy chương vàng” do cha căng chú kiết nào tặng? Còn khách hàng chứng nhận thì quá dễ hiểu, cứ cho năm bảy người cò mồi gồm vợ con chú bác cô dì dượng chú thím… ở khắp các tiểu bang gọi điện thoại “thâu trước” và quay hình “thâu trước” rồi cứ năm mười phút là cho phát tiếng phát hình trên radio, truyền hình là “ăn tiền”. Người Việt mình, nhất là các vị cao niên dễ tin lắm vì ít nhất cũng mang trong người vài ba thứ bệnh của tuổi già như loại bệnh “ba bốn cao một hai thấp…”. Một số nhà nghiên cứu dược thảo cho biết hầu hết dược thảo được sản xuất tại Tàu cộng do bọn chuyên làm hàng giả, mấy thầy lang nhập vào rồi vô hộp dán nhãn, tung ra thị trường, đánh trống khua chiêng rùm beng chẳng khác nào những “gánh hát Sơn Đông”. Sơn Đông là một tỉnh bên Tàu nổi tiếng có bọn bán thuốc dán ghẻ, cao đơn hoàn tán trị đau bụng kèm theo biểu diễn những màn ảo thuật rẻ tiền, múa võ… để lôi cuốn khách xem đến mua. Ở Việt Nam ta trước đây cũng có, họ đi khắp nơi từ thành thị đến vùng quê. Ở Mỹ, chỉ cần một hai người lên truyền thanh truyền hình để nói giỏi – nói dai – nói dài – nói dóc thì cũng có khối người nghe.
Tôi nhớ rất rõ lời quảng cáo của vị thầy Number Six như sau “không uống thuốc cũng chết mà uống thuốc cũng chết cho nên quý vị nên mua thuốc để uống…còn nước còn tát…”. Không có lời quảng cáo nào độc địa hơn là lời quảng cáo nói trên. Còn điều này nữa: có xưởng bào chế thuốc quả quyết là khi họ sản xuất thuốc thì có cơ quan “thực phẩm và y tế của chính phủ Hoa Kỳ kiểm soát “rất chặt chẽ!”. FDA là cơ quan có trách nhiệm trong việc kiểm soát vấn đề sản xuất thực phẩm và thuốc men, bất cứ loại thuốc nào được tung ra bán trên thị trường đều phải được giám sát và khi bán ra thì phải đóng thuế. Vậy mà các loại dược thảo của Việt Nam ta tha hồ bán với mọi giá cả, còn được hô hoán là được miễn thuế và mua một tặng một, mua ba tặng hai, mua năm tặng ba… chưa kể còn biếu xén thêm món này món nọ… cho khách hàng thêm phấn khởi như có một món thuốc trị tiểu đường do con gái của một ông có râu đã ngủm cứ ra rả trên nhiều kênh truyền hình. Bà ta nói rằng bà bị bệnh tiểu đường đến giai đoạn phải chích insulin nhưng bà ta không thèm chích, mỗi ngày bà ta xơi vài viên dược thảo thì nay bịnh đã hết tiệt. Đúng là thuốc tiên…
Thỉnh thoảng thấy có một vài nhà nghiên cứu y dược viết bài báo động về sự nguy hại của dược thảo nhưng xem ra như “kèn lá chuối thổi tai trâu” mà thôi. Dược thảo là vấn đề có rất nhiều điều bất cập, có viết hoài cũng không dứt chuyện.
Ngoài ra còn có chuyện này. Tôi từng tò mò theo dõi và thấy có mấy anh (chưa thấy mấy mấy chị) ban đầu chỉ lên đài quảng cáo mấy lọ thuốc cỏ và chỉ chưa đầy một năm thì mấy anh này được phong chức “bác sĩ”. Còn có một anh ghi rõ trên tờ quảng cáo như vầy: “tốt nghiệp cao học đông y đại học Hoa Kỳ”! Tôi hoàn toàn không hiểu cái “thế giới phù phép đông y” ra làm sao cả!
Năm nay tôi nghe thêm một quảng cáo nội dung như sau: “Nhân ngày Mother’ Day hãy mua tặng mẹ một miếng đất trong nghĩa trang X để mai mốt mẹ có chỗ nằm”. Ối trời ơi!
Phong Châu