CHÂU PHI HOANG DÃ KHÔNG XA VỜI
“Kenya là một trong 10 quốc gia nguy hiểm nhất thế giới, phần lớn các điểm du lịch ở Kenya là nơi béo bở cho những kẻ móc túi lừa đảo. Các vụ cướp xe hơi, xâm lược khách sạn bắt cóc và hiếp dâm cũng là những mối nguy hiểm thường trực. Ngoài ra tình trạng bất ổn chính trị đôi khi biến khách du lịch trở thành đối tượng tấn công vũ trang của nạn khủng bố…” Đó là những điều Sáo lý luận tìm hiểu trên internet, trước khi có ý định đến Kenya…
Với những thông tin “ác liệt” như vậy, cho dù sót chút máu liều (?!…) Sáo cũng không đủ dũng khí vác ba-lô lên mà đi như mọi khi. Đến một vùng đất xa lạ đầy hiểm nguy, lại không có đứa bạn thân nào làm “thổ địa” cho thân già sáu mươi tuổi lẽ. Lại thêm đôi chân thương tật, chắc chắn Sáo không thể “123 A-lê-hấp! Chạy…” nếu tình huống bất trắc xảy ra. Đó là lý do Sáo phải vòng vèo tìm tour du lịch giá “bèo hết nấc” để đến châu Phi.
Đặt tour Kenya - Tanzania 10 ngày 9 đêm qua fanpage Vinh Around, Sáo có một yêu cầu bất di bất dịch “bảo tàng Hướng Đạo Lord Baden Powell ở Nyeri nhất định phải có trong chương trình…” bởi đó là mục đích duy nhất của Sáo khi đến Kenya. Những nội dung khác của tour Sáo không bận tâm, cứ “ai sao tui vậy, ai không… bậy thì tui theo” đơn giản vậy thôi. Thời điểm đó hầu hết quãng cáo trên các trang du lịch châu Phi đều ca ngợi sự hấp dẫn của “thiên nhiên hoang dã tuyệt vời…” với nhiều loài ác thú gần như chỉ còn trong danh sách đỏ…
Thiệt lòng Sáo không mặn mòi lắm với đám “cọp beo, cheo chồn, sư tử, hổ báo … “ châu Phi, nhưng đã “mua bia thì phải kèm mồi” vậy mới vui chứ! Cứ coi Safari tours là “mồi kèm bia” để Sáo trải nghiệm thêm một phần của lục địa đen, miễn Sáo đạt mục đích là được. Sáo nói với Trần Quan Vinh, hướng dẫn viên chuyến đi của Sáo:
- Mục đích duy nhất của cô là thăm bảo tàng Lord Baden Powell, chứ cô không mê ngắm ác thú. Mà biết đâu chừng, cô còn ác hơn tụi nó?…
Đúng là Sáo chưa biết được thú ác ra sao, nhưng với người ác thì Sáo từng trãi “những điều trông thấy mà đau đớn lòng…” rồi. Nhưng đau riết cũng thành quen, cho nên “người ác” bỗng hóa mù lòa cảm xúc trong tâm hồn của Sáo:
- Đến người ác mà cô không sợ, thì sợ gì đám “thú ác” châu Phi hả con? Vậy thì, let’s go…
@ Có đi mới biết châu Phi thế nào?…
Được ví như châu Phi thu nhỏ, Kenya là một trong những quốc gia có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch yêu thích phiêu lưu. Trong chuyến đi này, Sáo được đến những hai “thiên đường” của đất nước Kenya. Để có thể bước qua cánh cổng thiên đường, du khách phải có giấy phép đặc biệt và di chuyển bằng xe chuyên dụng. Baboo Budget Safaris Ltd. là đơn vị du lịch bản địa đã lo liệu trước những việc cần thiết cho nhóm khách ghép Safari tours của Sáo, bao gồm: 3 khách Thụy Điển; 2 khách Ireland và 2 khách Việt Nam.
Kể từ lúc khách an vị trên xe, bác tài bỗng chốc biến thành “tổng chỉ huy” cùng lúc đảm đương các công việc: lái xe, bảo vệ, ăn uống, lưu trú, tour guide… phục vụ du khách trên chuyến xe mình phụ trách. Hành trình tham quan, khách không thể tùy tiện rời xe khi bác tài chưa cho phép (?!…) Khách có thể nhoài người qua khoảng trống để hở trên mui xe ngắm nhìn cảnh vật, hoặc tha hồ quay phim chụp ảnh thú hoang. Khách chỉ rời xe khi thăm các bản làng dân tộc bày bán những mặt hàng handmade, hoặc những lúc nghỉ ngơi hay ăn trưa ở khu vực an toàn.
Công viên quốc gia hồ Nakuru được mệnh danh “thiên đường hồng hạc” là điểm tham quan thứ nhất, nơi đây có hàng triệu cánh chim hồng hạc phủ kín mặt hồ rộng lớn trong xanh, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp không ngừng chuyển động. Để bảo đảm sự bình yên cho loài chim duyên dáng này, du khách được nhắc nhở không sử dụng flycam hoặc máy ảnh gây tiếng động khiến bầy hồng hạc hoảng sợ. Khách được hướng dẫn đến khu vực thuận tiện để quan sát, sử dụng ống kính để quay phim mà không làm kinh động đến bầy hồng hạc. Theo giới thiệu của tour guide xe chuyên dụng, thì “thảm hồng hạc trên mặt nước xanh hồ Nakuru” là cảnh tượng độc đáo có 1-0-2 trên thế giới (?!…)
Ngoài loài hồng hạc đài các kiêu sa, hồ Nakuru còn là nơi cư trú của vô số loài động vật hoang dã khác. Nhóm Safafi tours của Sáo được khá đông “công dân hoang dã” nơi đây như: hươu cao cổ, khỉ đầu chó, ngựa vằn, linh dương, hà mã… cùng hàng trăm loài chim quý hiếm khác thân thiện đón chào suốt tuyến đường dẫn vào lòng hồ nước mặn tự nhiên lớn nhất Kenya, nhất là lúc xe di chuyển chậm chạp xuyên qua những cánh đồng cỏ khô hay rừng lá thấp….
Khu bảo tồn quốc gia Maasai Mara là thiên đường thứ hai nhóm Safafi tours hướng đến. Được mệnh danh “thiên đường động vật hoang dã đa dạng nhất thế giới” với diện tích hơn 1500km2 nằm giữa biên giới hai nước Kenya và Tanzania, quả thật châu Phi đất rộng người thưa đầy nắng lửa, với những hoang mạc mênh mông bạt ngàn nhưng khô cằn vì hụt nước tưới. chứ không xanh mát tốt tươi như những cánh rừng ở công viên quốc gia Nakuru.
Đến thiên đường thứ hai này thì Sáo hơi mệt vì bị tung hứng khá nhiều suốt mấy ngày qua, bởi giao thông Kenya lúc đó còn chán lắm. Vì vậy ngồi xe chuyên dụng lượn lờ trên hoang mạc bạt ngàn nắng gió Maasai Mara, Sáo chỉ thèm ngủ…
- Du lịch mà giống như đi chơi thú nhún vậy, cô mầy mệt quá nha Vinh…
Tour guide của Sáo cũng khá hài hước:
- Cô Mai ngó ra phía sau mà coi, tụi nó còn chơi xốc dĩa nữa kìa…
Đúng là mấy đứa Tây ba-lô to cao ngồi hàng ghế sau lãnh đủ, chiếc xe dằn lên xốc xuống liên miên có lúc lăn nghiêng bất chợt, khiến đám trẻ “Oh my God…” liên hồi hòa lẫn những tiếng cười dòn không dứt…
Sáo ấn tượng với đội ngũ lái xe chuyên dụng Kenya, đó là những tay lái “siêu lụa” bởi mặc tình khách hoảng hồn với muôn vàn biểu cảm âm thanh thể hình đủ kiểu, bác tài vẫn bình tĩnh điều khiển xe vượt qua đủ loại địa hình: suối sâu nước chảy lững lờ, dốc cao ngông nghênh đá sỏi, rãnh đường nhão nhoét bùn đen… Trong khu bảo tồn không có sóng viễn thông, các bác tài sử dụng bộ đàm thường xuyên liên tục. Xe nào cũng trang bị đầy đủ dụng cụ cứu hộ, sẵn sàng hổ trợ lẫn nhau trong bất cứ tình huống nguy hiểm nào...
Đang thiu thiu ngủ, bất chợt Sáo giật mình nghe tiếng hô vang:
- Border! Border …
Nổi bần bật giữa đồng không mông quạnh trơ trọi một tảng đá cô đơn, mọi người bất chợt tỉnh rụi rồi nhoài khỏi xe chen chúc quanh tảng đá để… chụp hình. Đến lúc xem lại loạt hình này, Sáo lý luận hỏi tour guide Trần Quan Vinh:
- Ủa, cái gì chứng minh cục đá này là “bó-đơ” (*) vậy con? Cả đám bị lừa mà coi bộ ai cũng hoan hỉ dữ dội…
Hai cô cháu mắc cười, nhưng phải khen bác tài Kenya cũng biết cách làm du lịch. Chỉ với một câu nói dối ngắn ngủi mà vô hại, hắn đã “lên dây cót” niềm vui cho nhóm khách. Không khí trên xe sau đó rộn ràng hẳn lên, mọi người đều tươi tỉnh tiếp tục hành trình ngắm bầy thú hoang trên xứ sở Kenya tuyệt vời của hắn…
Theo cảm nhận của Sáo, thú hoang nơi này có vẻ hiền lành và thờ ơ với khách. Sáo đoán chừng, chúng được đưa đến rừng nguyên sinh lúc vừa dứt sữa. Kế đến chúng được cung cấp no nê thức ăn hằng ngày để tập tành làm du lịch (?!…) nên tính hoang dã của đám thú nguội lạnh dần, vì vậy mà trông chúng lười lĩnh và chậm chạp y hệt bò cái sau sinh. Đứng trên xe đặc dụng hở mui, du khách trang bị đủ thứ “đồ nghề” chụp ảnh quay phim đám thú hoang ngáp dài ngáp vắn (**) trông thiệt… đã đời. Nhỏ bạn thân trêu ghẹo Sáo, khi hắn xem cái clip Jambo Kenya:
- Tao thấy có một con “cọp Việt Nam” thấp thoáng trên xe, ha ha…
Điều tâm đắc nhất của Sáo khi đến Maasai Mara là du khách được nghỉ đêm trong lều bạt, buổi tối có những đống lửa trại thật lớn - để ngăn ngừa thú hoang tấn công du khách, và để các nhóm du khách tùy nghi tận dụng than hồng làm các món nướng uống bia - Sáo hơi tiếc bởi máy phát điện chỉ hoạt động vài giờ đồng hồ, vừa đủ để phục vụ các sinh hoạt cá nhân của khách. Vì vậy xong bữa ăn chiều hầu hết du khách vội vã về lều để vệ sinh cá nhân rồi đi ngủ sớm, sau một ngày “bầm dập” trên hoang mạc đầy nắng gió Maasai Mara...
Ngọn lửa rừng đêm đã gợi nhớ trong tâm hồn Sáo biết bao kỷ niệm đời Hướng Đạo năm xưa... Chỉ cần một cây guitar mộc mạc, cùng quây quần bên nhau quanh ngọn lửa hồng là nhóm huynh trưởng Hướng Đạo của Sáo sẽ có ngay một “show ca nhạc” mà Sáo cam đoan, không “bầu show” nào đủ tiền để trả cát-sê cho anh chị em nhà Sáo…
@ Chỉ là cưỡi ngựa xem hoa…
Không chỉ nổi tiếng là quê hương của tổng thống Mỹ Barack Obama, hình ảnh Kenya còn chiếm hơn 70% các cảnh quay về thế giới động vật hoang dã ở châu Phi, trên các kênh truyền hình nổi tiếng Discovery hay National Geographic. Chính phủ Kenya hiện nay cũng có nhiều chính sách phát triển ngành du lịch, cùng những giải pháp kiểm soát an ninh chính trị để du khách cảm thấy yên tâm khi đến thăm đất nước của họ. Do vậy qua chuyến đi thực tế, Sáo thấy Kenya không đến đỗi dữ dằn (?!…) như Sáo hằng lo lắng trước đó qua những thông tin trên internet.
Nhưng cũng từ kinh nghiệm chuyến đi này, theo thiển ý của Sáo thì du khách nên đặt landtours bản địa để yên tâm hơn về phương diện an ninh, tránh những bất trắc không thể nào lường trước. Kenya chắc chắn còn ẩn chứa nhiều điều kỳ thú, rất đáng để những tín đồ đam mê du lịch, yêu quý thiên nhiên đến tham quan tìm hiểu và khám phá thêm nhiều điều mới mẻ…
Thời gian trải nghiệm Kenya của Sáo tuy ngắn ngủi, nhưng Sáo cũng học hỏi được rất nhiều điều. Đúng như lời đàn anh quá cố chs.NQBH Nguyễn Ngọc Xuân từng e-mail nhắn nhủ “Đi là học đó Hoàng Mai, em sẽ học được nhiều điều trong cuộc sống này qua những chuyến đi…”
Sáo Lý Luận Diệp Hoàng Mai
Tháng 05/2024
(*) Biên giới;
(**) https://www.youtube.com/watch?v=APVNo-q6niM (3’24’’)
JAMBO KENYA