Tiếng dạ, tiếng thưa từ lâu đã là một nét văn hóa rất dễ thương và duyên dáng của người Việt Nam.
Các vùng miền với giọng nói khác nhau, tiếng dạ thưa mỗi nơi cũng mang một sắc thái riêng, nhưng đều khiến cho người nghe cảm thấy dễ chịu, và gần gũi.
Dạ thưa là tiếng đệm giúp mọi người tôn trọng lẫn nhau, giữ gìn mối quan hệ tốt giữa người với người trong một xã hội văn minh và có văn hóa.
Xin được ghi lại hai mẫu chuyện về tiếng dạ lời thưa.
1) Cậu tôi là một giáo sư dạy Pháp văn trước 1975 tại một trường Trung Học ở Ban Mê Thuột. Sau này Cậu tiếp tục dạy học tại Biên Hòa, Vũng Tàu cho đến khi nghỉ hưu. Tính Cậu vui vẻ, cởi mở. Mỗi lần Cậu về thăm gia đình tôi, là mang không khí vui tươi tràn ngập khắp cả nhà. Điều thú vị và gây ấn tượng cho tôi nhiều nhất là mỗi khi được nghe lỏm Mẹ tôi và Cậu nói chuyện. Mẹ tôi rất quan tâm đến Cậu, mỗi khi gặp là hỏi thăm Cậu đủ chuyện từ sức khỏe, đến công việc làm, gia cảnh, những dự định… Cậu tôi thì luôn trả lời với câu “Dạ thưa chị, em… Dạ thưa đúng…, Dạ thưa không…, Dạ thưa chưa…” Cách nói chuyện giữa Mẹ và Cậu, đã khiến tôi vô cùng cảm phục cách ứng xử tuyệt vời của người xưa, khi lúc nào cũng khiêm cung, tinh tế và tôn trọng nhau.
Không chỉ với Mẹ tôi, khi tiếp chuyện với nhiều người khác, Cậu cũng thường mở đầu câu nói bằng hai tiếng dạ thưa. Thật ra, tiếng dạ thưa của Cậu là tiếng đệm tự nhiên, xuất phát từ cái tâm thiện lành, khiêm tốn của một người lịch sự có tri thức, tôn trọng người đối diện chứ không phải dạ, thưa theo kiểu xã giao lấy lòng hay khi định nhờ cậy ai việc gì đó.
Với đức tính khiêm cung và tác phong gần gũi, nên Cậu đi đến đâu cũng được nhiều người quý mến, nhiều thế hệ học trò yêu thương và kính trọng.
2) Làm việc tại một hãng Mỹ gần 20 năm, công việc tôi bình thường, đơn điệu không có gì đặc biệt, cho đến một ngày, tôi tiếp xúc công việc với một cháu trai người Việt, độ khoảng 35-36 tuổi, là nhân viên mới tuyển dụng ở bộ phận Quality Control. Điều gây ấn tượng nhất cho tôi khi tiếp xúc, là cháu rất lễ phép, luôn trả lời dạ thưa chú và luôn đưa hai tay khi đưa giấy tờ cho tôi. Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ là do tôi lớn tuổi nên cháu có thái độ kính trọng người cao niên, nhưng tôi để ý thấy cháu luôn lịch sự lễ độ, ai hỏi chuyện nếu là người lớn hơn thì cháu cũng luôn dạ thưa, người ngang tuổi hoặc nhỏ hơn thì cháu nói chuyện nhỏ nhẹ từ tốn. Đối với người nước ngoài, cháu cũng giữ thái độ lịch sự đúng mực.
Thoạt đầu, tôi nghĩ chắc là cháu mới qua Mỹ, còn nhiều e dè khép nép để hội nhập với cuộc sống mới. Nhưng khi hỏi thăm, thì được biết cháu sang Mỹ đã hơn 5 năm. Thời gian ở Mỹ đủ dài mà cháu vẫn giữ được khuôn phép lịch sự lễ phép, lúc nào cũng khiêm tốn, nhẹ nhàng thật là quý. Qua tìm hiểu thì tôi được biết cháu là người Sài Gòn, cha Mẹ đều là cựu giáo sư Trung học. Tôi tin chắc là cháu đã được hấp thụ một nền giáo dục rất tốt từ gia đình.
Ở xứ người, bỗng dưng nghe được tiếng dạ thưa ngọt ngào của cháu trai, trong lòng tôi khởi lên một niềm vui khó tả và cảm thấy ấm áp vô cùng, vì biết tiếng dạ lời thưa vẫn còn tồn tại chưa hoàn toàn mất đi. Tôi nghĩ với đức tính khiêm tốn, lịch sự và tinh tế, cháu trai này sẽ được nhiều người quý mến và chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành công trong tương lai.
Vậy đó, tiếng dạ thưa lúc nào nghe cũng thật ngọt ngào, dễ thương và chinh phục lòng người.
Thế nhưng chẳng hiểu do nguyên nhân gì, tiếng dạ thưa ngày nay bị mai một đi nhiều, đến nỗi đã trở thành ngôn từ quý hiếm. Người ta đang có xu hướng dần dần thu gọn ngôn ngữ truyền thống đẹp đẽ của người xưa, cắt bớt chữ nghĩa đi để nói cho nhanh, thay thế bằng ngôn ngữ hiện đại ngắn gọn cụt lủn, có khi nghe khô khan, cộc lốc và không có tình cảm!
Tôi không phải là kẻ hoài cổ, trong cuộc sống đôi lúc tôi cũng phải đổi mới nhiều mặt để bắt kịp với xu thế của thời đại, nhưng thiết nghĩ, những nét đẹp văn hóa trong giao tiếp của tiền nhân, cần phải được giữ gìn và lưu truyền cho thế hệ sau noi theo. Vì sự khiêm cung, nhẫn nhịn và tôn trọng người đối diện khi giao tiếp là cách tốt nhất để chinh phục nhân tâm, là chìa khóa của thành công, và làm cho quan hệ giữa mọi người với nhau tốt đẹp hơn, dù trong bất kỳ chế độ xã hội nào.
Mong sao tiếng dạ lời thưa sẽ tiếp tục được duy trì và sẽ không trở thành một thứ “Cổ Ngữ” hoặc là hàng hiếm trong tương lai.
Hiep Phan - San Jose - 4/2024