Võ Thị Đồng Minh - LÀM DÂU... BIÊN HÒA
Saturday, July 29, 202312:47 AM(View: 6148)
- Author :
- Võ Thị Đồng Minh
7 Janvier 2007
Chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày gọi là sinh nhật của tôi. Tôi không biết có đúng thật sự là năm đó, tháng đó, ngày đó không, nhưng trên khai sanh là vậy thì thôi có lẽ là số mệnh đã đưa ngày đó vào đời tôi. Mẹ tôi đã đưa vào khai sanh, con sinh ngày 9 tháng 1 năm... con vịt xiêm, (chúng ta có mười hai con giáp, mẹ nhìn tôi lắc đầu bảo rằng: chiụ thôi con ạ... mẹ nghĩ con sanh năm con “vịt xiêm”. Có lẽ vì tôi không giống ai cả). Tại sao không 1, 2, 3… mà là ngày 9, chắc mẹ tôi cũng tin vào “dị đoan tướng số”, nên cho tôi số 9, hy vọng con gái Út của mình sẽ được may mắn trong cuộc đời.
Làm dâu Biên Hòa? Vui thật, vì tôi dân “Nhatrang là miền quê hương cát trắng, ai qua không quên để laị, một vài luyến tiếc xa xôi…” bài hát về quê tôi, mỗi lần tiếng nhạc vang lên,lòng tôi thật rung động, vì đó là nơi mà tôi đã được sanh trưởng, nơi mà đã bảo bọc tôi những năm kỷ niệm đầy lưu luyến… từ thuở ấu thơ cho đến ngày trưởng thành xa quê, lập nghiệp. Nha Trang cũng không thiếu gì “dập dìu tài tử giai nhân”, tôi có nhiều anh trai, thì nội chừng đó cũng mặc sức mà lưa chọn. Nào là trường ta, nào là trường tây, và ngay cả đến khi các anh vào đại học thì ôi thôi có “em gái” xinh đẹp cũng khổ lắm. Vậy thì không hiểu tại sao tôi lại …làm dâu Biên Hòa.
Nhưng rồi chắc mình cũng tin vào hai chữ “định mệnh”. Tôi làm “hô tét tè le” nếu nói sang cả thì tục gọi là “tiếp viên hàng không”, còn trần tục thì làm nghề: Bồi tàu bay, voilà. Trên tuyến đường Bangkok – Sài Gòn tôi để ý đến một chàng ngồi im lặng, nét mặt đăm chiêu, có vẻ lo lắng, sốt ruột thì đúng hơn! Chàng cũng thư sinh bạch diện, nếu theo cách nhìn của chúng tôi “ hô tét tè le”… thì chàng thiếu tiêu chuẩn, vì chả có gì thu hút phái nữ chúng tôi cả. Tôi hỏi chàng: anh có cần gì không, mình lịch sự mà. Thật sự tôi ngứa miệng vì đã xong công việc, chờ tàu bay hạ cánh, không chuyện gì làm; hỏi cho có, vì chàng có buồn vui gì đi chăng “it is none of my business”. Chàng ngước nhìn tôi, có vẻ cảm động: “tôi đi du học về thăm nhà, vừa hồi hộp, vừa lo lắng.” Tôi nói với chàng, anh ra phía sau mình nói chuyện, có gì anh ngại không. Chàng có vẻ mừng rỡ, à thì ra bây giờ mới khai: lúc đó anh thấy em dễ thương quá, anh thật ngỡ ngàng, trên chuyến bay có mấy cô nhưng anh chỉ chấm em, vì em lúc nào cũng vui vẻ bặt thiệp. Anh không ngờ em mở lời trước cho anh, vì anh thật sự không dám. Thế rồi năm ba câu, tôi biết được chàng đi du học ở Úc Đại Lợi, học về ngành hàng không, được phép về thăm nhà. Tôi chỉ ờ ờ cho có chuyện vì cũng chẳng để ý làm gì, chàng cũng chỉ là “one of THE passenger on my flight”, chỉ thế thôi. Rồi tôi cũng cho chàng điạ chỉ, tôi đi làm đôi lúc khuya mới về đến nhà, tuỳ theo chuyến bay. Có lẽ cũng sẽ khó gặp nhau.
Nhưng rồi chữ duyên vẫn tụ đó, chàng đã tìm được tôi, và cũng như những cặp trai gái khác, chúng tôi đi chơi và lúc đó vì thấy chàng “cù lần” nên tôi cũng tò mò nghịch phá, chỉ vậy thôi. Rồi cũng phải đến ngày chia tay, chàng trở về lối cũ, tôi trở về với kiếp “tè le”. Trước khi “ô rờ voa, see you again”, chàng đề nghị tôi về gặp gia đình, tôi ngạc nhiên hỏi chàng “pourquoi?”. Chàng nói “I want you to be my wife”. Tôi mở mắt to nhìn chàng sững sốt; chàng một phương, tôi một ngã, “đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông… câu này tôi đã học lõm bõm vì mê tiếng Việt Nam cuả chúng ta, (tôi theo chương trình Pháp từ nhỏ), nhưng cũng không phải “anh ở đầu sông, em cuối sông”. Thật sự nếu chỉ có giòng sông ngăn cách, thì tôi vẫn bơi hay lấy ghe nhà, ghe thúng hay “Ho Bo” (tàu đi chơi), cùng lắm sang hơn nửa, tôi sẽ trượt nước (water ski) mà đến thăm chàng, và cùng lắm tôi sẽ chờ nước cạn mà “lội sông em đến thăm anh một chiều mưa..”, nhưng đây anh Úc Châu, em Việt Nam; tay em có dài lắm, cũng không làm sao níu được tay anh… mình gọi là “nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười.”
Ngày tôi đi học, tôi vẫn nghe nói đến: “tiếng sét ái tình”, “coup de foudre”, nó đập trên đầu mình là … te tua, nhưng không ngờ chàng của tôi lại làm Từ Hải: tình yêu làm chàng chết đứng như trời trồng. Nhưng rồi tò mò, tôi okay để chàng đưa về thăm “má anh”. Chàng mượn đâu chiếc xe “mô-bi-lết” cà rịch, cà tàng. Ôi! Nhìn, chiếc xe mà lòng tái tê. Tôi đề nghị hay là mình lấy chiếc xế hộp của em, chàng nhìn bảo, không được -“ quê anh nghèo lắm em ơi, mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn ” -em mà đi chiếc xe hơi về, cả xóm sẽ khi dễ anh, vì tưởng anh thương em vì tiền. Thôi cũng okay, cùng lắm mình chịu nắng nôi một tý để “hồng hồng đôi má mỗi khi nhìn anh.”.
Chúng tôi đi từ đường Phan Thanh Giản ra cầu PTG, rồi đến xa lộ Đại Hàn, đi suốt Quốc Lộ I, qua Tam Hiệp, qua Dĩ An …
Trên đường Quốc Lộ I, lúc đó mì cây Nhãn đã dọn đến đó, chúng tôi ghé ăn một tô thật ngon lành. Mùi vị mì,dầu đã bao nhiêu năm qua, vẫn còn động lại trên lưỡi tôi. Tôi kể chàng nghe chuyện mì cây nhãn, ngày xưa lúc tôi từ Nha Trang vào Sàigon học, chị tôi học Dược, tôi vẫn còn học lớp 12 tại trường Văn Học của Thầy Bích Lan, nhà văn Nguyên Sa, chiều chiều hai chị em chúng tôi chở nhau về nhà ở Gia Định và ghé ăn tô “mì Cây Nhãn “ nằm trên đường Hai Bà Trưng thì phải. Tôi đang tuổi dậy thì nghiã là sức đang lớn, ăn không bao giờ biết no, chị tôi lúc nào cũng nhường cho tôi ăn cả, thật là dễ thương. Chàng nghe vậy cũng cảm động: được em cứ gọi thêm ăn cho no, anh có tiền nhiều lắm. Thật đúng là cù lần, chàng quên tôi là “hô tét tè le” hay sao. Trên đoạn đường, lúc đó người Bắc di cư vào Nam cũng nhiều, thì có những quán bán “nai đồng quê” “Nai đồng quê”?; chàng hỏi món gì lạ vậy em?. Tôi cuời cười bảo là món “mộc tồn“ chàng vẫn chưa hiểu, con kiki đó anh, lại không hiểu nữa. Tôi bèn nói: Thịt chó đó anh ạ. Thật đúng vậy, họ cứ treo chó lủng lẳng, tôi thấy cũng sợ lắm, chưa bao giờ dám thưởng thức mùi vị “nai đồng quê”.
Khi đến Biên Hoà, ôi cái tỉnh nhỏ bé làm sao, tuy chỉ cách Sàigon có 30km. Đường xá thì cũng “cà va”, không đến nổi nào tệ, tuy nhiên cứ chạy chừng chục cây số, tôi bảo chàng làm ơn ngừng cho tôi uống nước dừa; không phải để “uống môi em ngọt “đâu -mà vì xe chạy đã thê thảm qúa, ghế lại quá nhỏ bé cho bàn tọa của tôi, trời lại quá nóng. Trước khi vào ngõ nhà anh, chúng tôi phải qua chiếc cầu. Cầu này không biết làm từ lúc nào, nhưng rất là cũ kỹ.
Chàng run như thằn lằn đứt đuôi, tôi hỏi chàng có gì mà phải sợ hãi quá vậy, chàng bèn thú thật mỗi lần lái xe qua chiếc cầu này là anh run. Thôi một liều ba bảy cũng liều tôi bèn take over: đưa chàng về quê… theo đúng bài hát: “em đưa anh đi về, về quê hương yêu dấu.”.
Chiếc cầu này là con đường rày xe lửa xuyên Việt. Cầu rất ọp ẹp, đường xe lửa ở giữa, hai bên cũng chừa lối cho đủ chiếc xe gắn máy hay xe đạp đi; song song phiá ngoài đường rày, cũng có hai lối đi, để xe chạy được; khách bộ hành cần thì dùng tạm cũng okay. Tuy nhiên tay lái phải vững mới dám chạy xuyên cầu, vì quá nhỏ bé. Tự nhiên tôi lại nhớ đến bài hát "yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay“. Nhưng bây giờ văn minh, không ai đi làm chuyện “ruồi bu” nữa, old fashion rồi, phải không các bạn. Muốn qua Chợ Đồn,Cù Lao thì không có lối thoát, phải nhắm mắt đưa chân. Thật đúng là “cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.“ hay là “thương anh mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng leo”. Đi đến một đoạn thì quẹo tay trái, vào Chợ Đồn, Cù Lao, chạy một tý thì gặp ngả vào Chùa Ông, thờ Quan Thánh và đền thờ Ông Thủ Khoa Huân.
Ngôi chùa Ông xây cất cũng khá đẹp, ngay bờ sông. Bây giờ mỗi lần về quê chồng, sau khi vào cúng, tôi vẫn ra ngồi quán nước bên bờ sông và tán gẫu với dân điạ phương. Bờ sông thật nên thơ, tuy rằng họ chỉ để vài chiếc ghế sơ sài. Tôi lúc nào cũng tin vào sự linh thiên của Quan Thánh. Chợ Biên Hoà thì cũng giống như các chợ khác ở quê hương. Tôi vẫn đi ăn hàng, nào là ngồi uống nước mía ngọt ngào, để nhớ nước mía Viễn Đông, nào là bún bò, phở, hủ tiếu… tôi vẫn nhớ có quán mì cũng khá ngon, nhưng rồi cũng không sao bằng mì “Cây Nhãn” của những năm xa xưa, cuả “thưở học trò làm thơ vu vơ”. Bước vào cổng nhà “tương lai” hay là my demi half, căn nhà cũ kỹ, thật sự mà nói đây là lần đầu tiên tôi về“ nhà quê”.
Gia đình tôi ở ngay phố chính, mẹ tôi là dân buôn bán tôi lúc nào cũng theo phụ mẹ tôi những lúc rảnh rổi, tôi có bao giờ biết nhà quê hay vườn tược là gì đâu. Cái gì đối với tôi cũng mới lạ cả. Tôi cũng chưa bao giờ đi chân đất, ra ngoài vườn, như trong mấy truyện tiểu thuyết đứng e thẹn, tay vói cành lá nhìn anh với ánh mắt long lanh, tình tứ, mà tôi bị một bầy kiến đỏ attaquer làm tôi sợ quá, quên cả e thẹn, cởi áo ra vưà hét, vừa phủi chúng đi … thì ra lúc đó mới thấm hiểu được bài hát “yêu nhau cởi áo cho nhau “.
Lần đầu tiên về làng trình diện, nhứt là sẽ gặp “bên chồng”, có lấy nhau được hay không, on verra quoi, tôi cũng chả có gì gọi là run sợ. Có lẽ cũng vì bản tánh tự nhiên ảnh hương của “thực dân “, vì mẹ tôi muốn tôi làm dân noblesse cho nên bà cụ đã gởi tôi vào trường tây đuôi từ thưở bé, và cũng có thể tôi làm nghề “hô tét tè le”, hàng ngày gặp gỡ không biết bao nhiêu người nên tôi tự nhiên như … người nhà.
Tôi ôm mẹ chồng tôi hôn nồng nàn, hôn tự nhiên.Bà rất là ngạc nhiên vì có lẽ chưa ai ôm bà vào vòng tay âu yếm cả. Tôi bắt tay “bonjour, bonsoir” các anh,gật đầu chào chào các chị. Cái tự nhiên này đem đến cho đại gia đình một luồng gió mới, chắc cũng cở như “cải cách điền địa”. Thế rồi sau những “thủ tục hành chánh”, chàng đưa tôi ra bờ sông. Tôi phải đi theo chàng,vừa sợ té, vì con đường mòn phủ đầy cây cối, vừa khó khăn làm sao đó, tôi có bao giờ đi trên những con đường nho nhỏ trơn trượt như vậy đâu, tôi sợ té, cứ bám lấy tay chàng. Đến bờ sông chàng bảo “em xem đây là sông Đồng Nai”. Trên những chuyến bay về lại Sài Gòn, sau một ngày mệt nhọc, khi chúng tôi nhìn thấy được những dòng sông, thì mừng lắm vì phi cơ gần đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất.
Nhưng bây giờ không bao giờ lại nghỉ mình đứng đây, chân lại nhúng vào giòng sông. Tôi cười bảo chàng: anh có biết đây là giòng sông Định Mệnh không, giòng sông nào cũng vậy cà, nhưng sông này có lẽ sẽ trở thành quê hương của em. Chàng vẫn không hiểu ý tôi muốn nói gì, nhìn tôi dò hỏi, tôi vẫn cười cười xã giao.
Ôi chao ơi, sao mà có người làm bộ ngây thơ “nửa mùa”, chả lẽ cả cuộc đời không bao giờ đọc bài văn, bài thơ tình lãng mạng hay sao? Điệu này chàng theo tôi, “Fe la cua” chắc mệt mỏi lắm đây, vì không những hai phương trời cách biệt, mà tánh tình lại cách xa. Rồi không hiểu sao chàng lấy cái đờn Mandoline, lim dim đôi mắt hát những bài tình ca cho tôi thưởng thức.Có lẽ thấy tôi mê nhạc, chàng cũng muốn tỏ ra ta cũng là dân chơi chăng?
Trời mưa thì chàng hát bài “anh đến thăm em một chiều mưa, mưa dầm dề đường phố tiêu điều”. Ra ngồi ngoài vườn chàng lại ử ư “anh đi rừng chưa thấy lá, anh về rừng lá thay chưa”. Tôi ngồi buồn buồn vì chán quá, cảnh nhà quê quá yên tỉnh tôi không quen, tôi ngáp quá nên nước mắt chảy ra, chàng lại tưởng tôi đau khổ vì sắp xa nhau, chàng lại lấy khăn tay lau nước mắt rồi nói rằng “anh bảo em đừng buốn, anh bảo đừng em sầu”.
Rồi lại đau khổ nhìn tôi “khi người yêu tôi khóc, trời cũng giăng sầu, em tại sao em đến cho anh yêu vội”. Thấy chàng quá đắm đuối, tôi cũng phải trả lễ, vì bánh ít trao đi, bánh quy trao lại, tôi lại bắt chước cô ca sĩ nào đó, cầm tay chàng không phải để hỏi “đường nào lên thiên thai”, mà than rằng “anh ơi nếu mộng không thành thì sao”, có chắc gì chúng mình lấy nhau không anh. Bài ca sến nương thật, nhưng khổ nổi chàng cũng không phải là dân chơi, nên bài này chắc thích hợp, chàng lại rất cảm động.
Những năm sau này, ván đã đóng thuyền, tôi vẫn theo chồng về quê Biên Hoà, nhìn dòng sông chảy, nhìn lục bình trôi, tôi nói với chàng “dòng sông này vẫn là dòng sông Định Mệnh, nó đã kết liền tình vợ chồng của chúng ta”. Anh Biên Hòa, em Nhatrang, biển và sông cũng chỉ là dòng nước. Dòng sông nào cũng bắt nguồn từ dòng thác trên cao đổ xuống ồ ạt, chảy xuống êm đềm nhẹ nhàng và từ từ tuông ra biển mặn …
“Nhà Bè nước chảy chia đôi, ai về Gia Định Đồng Nai thì về.”
Tôi đã lựa chọn Đồng Nai: làm dâu Biên Hòa.
Võ Thị Đồng Minh