THẾ NGUYÊN (1942-1989)
(Phần I)
Nguyễn Văn Lục
Tổng kết gia tài ông Thế Nguyên để lại những tác phẩm đã xuất bản, về phẩm cũng như lượng, tôi đếm tất cả được 50 cuốn sách trong vòng chỉ 5 năm. Phải chăng điều đó cũng đủ cho một cuộc đời một người cầm bút vắn số.
Từ Hồi Chuông Tắt Lửa đến chủ Nhà xuất bản Hành Trình. Trường hợp Thế Nguyên
Thế Nguyên có một bút văn nữa là Trần Trọng Phú (tiểu luận Nghĩ gì?) Tên thật của ông là Trần Gia Thoại. Ông vốn là con trai duy nhất nên được miễn đi lính. Ông cư ngụ ở số 291 Lý Thái Tổ, quận 10, Saigon, gần phở Tàu Bay lúc bấy giờ. Ông ở đó cho đến cuối đời.
Nói về con người Thế Nguyên thì với bộ dạng bên ngoài đúng là của một anh Bắc Kỳ chính hiệu. Dáng người mảnh khảnh, cắt tóc ngắn, miệng hơi hô khi cười, quần áo thì ăn mặc lèng xèng, lại thêm đi dép lè phè với cái tật nhỏ, thuốc lá phì phèo liên miên mà có thể chỉ tốn một que diêm mỗi ngày.
Có lần với cung cách ấy, con người ấy khiến Nguyên Sa, có vẻ cũng lè phè, nên hạ bút: “Thế Nguyên như là một thày tu không mặc áo dòng.” Trường học của Nguyên Sa gần nhà Thế Nguyên nên ông thường ghé qua Lý Thái Tổ vào buổi chiều. Cho đến bây giờ, không ai biết hai người nói chuyện gì.
Thế Nguyên lại điềm đạm, kiên nhẫn, lắng nghe người khác hơn là nói, chịu khó học hỏi, tạo cho người khác cảm giác gần gũi, dễ thân thiện với ông. Có lẽ, chính ở điểm này mà ông có nhiều bạn bè đủ loại trong giới văn nghệ sĩ, trí thức, mặc dù học lực không bao nhiêu. Đặc biệt hai người bạn khá thân là nhà thơ Diễm Châu và Nguyễn Quốc Thái.
Vốn học thì ít, vốn ngoài đời thì nhiều cộng với sự say mê văn học lại nhiều vô kể nên có thể sau này ông làm nên chuyện lớn. Cụ thể là ông cầm bút rất sớm so với tuổi đời như làm Giai phẩm Văn Mới, và là tác giả Bóng Mát, Nuôi con nhơn tình (NXB Nam Sơn, 1966). Dư luận cho rằng, ông không phải là tác giả hai cuốn truyện này, vì đọc tựa đề thôi, văn phong có vẻ dân Nam Kỳ.
Thú thực, tôi cũng chưa đọc hai tác phẩm này, và tìm cũng không thấy[1].
Nhưng trong tác phẩm chính của ông, Hồi Chuông Tắt Lửa[2], xuất bản lần thứ 2, đề ngày 18-12 năm 1966, in tại nhà in riêng NXB Trình Bầy[3]. Ông có ghi thật minh bạch: Cùng một người viết: Bóng Mát, Nuôi Con Nhơn Tình. Phải chăng có thể chưa xuất bản chăng, phải chăng và phải chăng.
Như trường hợp truyện “Từ dưới vực sâu” dự định in mà sau này không có điều kiện. Nhưng nó đã được đăng trên Đất Nước vào tháng ba và tháng tư năm 1968. Xin ghi lại: Từ Dưới Vực Sâu. Truyện dài Thế Nguyên: De profundis clamavi ad te Domine[4].
Chúng ta sẽ còn có dịp bắt gặp những câu tiếng La Tinh như thế và cũng bắt gặp lại những nhân vật truyện dấu tên như thế trong truyện Hồi Chuông Tắt Lửa
Hồi Chuông Tắt Lửa
Cuốn truyện chỉ dày vỏn vẹn 95 trang, năm 1963. Bản tôi có trong tay là bản xuất bản lần thứ nhì, đề ngày 18-12-1966, in tại nhà in riêng của Trình Bầy. Sau này, còn xuất bản hai lần nữa đề năm 1969. Xuất bản đến 4 lần thì hẳn nội dung phải thế nào chứ.
Điều đó cho thấy ngay từ lần xuất bản đầu tiên, nó đã gây một dư luận, một tiếng vang dữ đội, dư luận khen chê trái chiều cũng không ít.
Nhà văn Uyên Thao lúc bấy giờ phụ trách đài phát thanh Saigon khi đọc truyện này đã nhận định: “Đây là một tác phẩm với cách viết độc đáo.”
Một số cha nhà thờ lên tiếng phản đối đài Phát thanh Quốc Gia sao lại phổ biến một tác phẩm bôi bác nhà thờ do một tên phản động, nội ứng cho bọn Việt Cộng. Dư luận chụp mũ này cuối cùng cũng không thuyết phục được ai. Dư luận trái chiều ấy cũng là bước dẫn đường cho Nguyễn Văn Trung tìm cách liên lạc, kết nối và Nguyễn Văn Trung đã viết một bài phê bình Hồi Chuông Tắt Lửa trong cuốn Nhận Định VI của ông.
Và sau này có duyên văn nghệ bắc cầu, Thế Nguyên trở thành Tổng Thư Ký tờ Đất Nước với Chủ nhiệm Nguyễn Văn Trung, Chủ trương biên tập Lý Chánh Trung. Tòa soạn tờ Đất Nước đặt tại 291, Lý Thái Tổ, Sài Gòn[5].
Xin cũng được rõ ràng, khi ra tờ Hành Trình, có Trịnh Viết Đức lo in ấn ở nhà in Nam Sơn. Nhưng sau đó Trịnh Viết Đức bị động viên vào Thủ Đức, công việc in ấn bị đình trệ không người thay thế. Thì nay có Thế Nguyên thay thế chẳng những lo sắp xếp bài vở, tác giả nào chọn đăng, nhất là lo việc in ấn, phát hành.
Thời gian sau 1960 không nhớ rõ bằng cách nào, tôi cũng như nhiều người trẻ khác cũng tìm mua được truyện Hồi Chuông Tắt Lửa.
Nội dung truyện Hồi Chuông Tắt Lửa mang tính chất hiện thực xã hội về một xã hội làng xóm công giáo chung quanh một nhà thờ có cha xứ, có các dì phước, có các ông Trùm, ông Chánh Trương. Ngoài ra, còn có những người phụ giúp cha xứ như các thày giảng, thày già xứ, các ông bõ, lão bộc, v.v...
Điều hiển nhiên là tất cả những nhân vật truyện ấy đều có thể có thật ở ngoài đời và được nhà văn phủ lên một màn “sương khói” để tiểu thuyết hóa. Nó cho thấy, thứ nhất là Thế Nguyên thấm nhuần tinh thần của người có đạo, thấm nhuần một nếp sống Đạo của một thời, của một xứ đạo miền quê đất Bắc[6]. Không có gốc gác đạo ấy, bầu khí chung quanh ấy, tuổi trẻ ấy, khó có thể nói viết được Hồi Chuông Tắt Lửa. Nó gợi nhớ tới “mùi đạo” với ký ức tuổi trẻ với các cuộc rước sách vào mùa ‘thương khó’, thời gian sau lễ giáng sinh cho đến lễ Phục sinh vào khoảng tháng tư, tháng năm.
Vì thế, trong toàn truyện Hồi Chuông Tắt không toát ra những cuộc tình lãng mạn lãng mạn với đau khổ hay hạnh phúc với nước mắt như thường tình. Nó cũng không có những đoạn xiển dương tình dục và cũng chẳng có tham vọng xiển dương tôn giáo cũng như đề cao mục đích giáo dục ai.
Nó đứng ngoài tất cả hoặc đứng trên những thông lệ mà có thể người đọc chờ đợi. Thế Nguyên chỉ miêu tả một sinh hoạt làng xóm của một xóm đạo, bề ngoài có vẻ phẳng lặng, bên trong là những đợt sóng ngầm đầy những bí ẩn, những ngờ vực bằng một bút pháp miêu tả kỹ thuật của riêng ông.
Nhân vật xưng “tôi” trong truyện này rơi vào tình trạng phải qua những kinh nghiệm ngoài ý muốn, biết được những bí ẩn của các nhân vật khác với nhiều kịch tính, và như then chốt giải mã được những bí ẩn của nhiều nhân vật trong truyện.
Trong một xứ đạo có những biến động chính trị nên có những tổ chức tự vệ chống lại người du kích, đúng ra là cộng sản.
Phải thú thực là khi đọc, tôi bị một cú sốc bất ngờ bởi một lối hành văn lạ đầy kịch tính, một quyến rũ buộc người đọc phải theo dõi câu chuyện và để lại dư vị nào đó. Câu chuyện cũng vượt trí tưởng tượng với những nhân vật mang tính người với những yếu hèn và hệ lụy, tội lỗi và hình phạt. Tập truyện khai mở cho thấy tội lỗi khác tội ác. Tội ác như giết người, cướp của. Tội lỗi xảy ra trong tương quan người-người mà lỗi phạm như bẻ gẫy mối tương quan ấy như sự bất trung.
Đứng về mặt cứu độ thì chính nhờ tội lỗi như thể làm hòa được với Trời trong tinh thần: “Ôi, Tội sinh phúc.” Tội là nguồn cơn cứu độ, hạnh phúc. Felix – Culpa.
Hiểu được nguồn cội, yếu tính của thân phận con người vốn yếu hèn, hiểu được tôn giáo như thế thì mới hiểu các nhân vật trong Hồi Chuông Tắt Lửa. Ấn tượng ấy gần gũi và nó kéo dài trong nhiều năm tuổi trẻ, băn khoăn và ám ảnh tìm về và đến lúc có cơ hội làm việc cho tờ Tân Văn bên Mỹ, tôi đã đăng lời rao, tìm lại cuốn truyện. Ít lâu sau, nhà văn Ngô Thế Vinh đã đến tòa soạn và tặng tôi cuốn sách. Xin có lời cảm tạ ở đây.
Tôi nhận xét thấy đến cái lạ, cái lạ là sức thu hút vì chưa thấy nhà văn nào viết như thế. Truyện thường xây dựng trên một nhân vật truyện với cá tính riêng biệt, với một đời sống, với ứng xử, với cá tính và nó quyết định sự thành công của một cuốn truyện, chẳng hạn Dũng trong Đoạn Tuyệt.
Đó là một lẽ nào đó tôi chưa hiểu được, tại sao các nhân vật truyện của Thế Nguyên đều có vẻ vô danh, không cá tính lại viết tắt như: Cha T, ông M, cô em gái cha T., thầy già X, ông giáo K, ông cố Tây, cô giáo, bạn với em gái cha T. Bõ Khương, Thầy già và nhân vật xưng Tôi, như đầu mối dẫn dắt toàn câu chuyện.
Không ai biết “Tôi” là ai, là anh là chị hay là chính người đọc. Còn lại một vài nhân vật truyện có tên như con Hạnh, thằng Ánh, Bõ Khương, dì Agnes, cô Yến.
Nói chung, các nhân vật truyện này đều hình như nằm trong một khung cửa hẹp, giới hạn trong thế giới nhà tu hành mà ám chỉ ai cũng được, ông A, ông X, ông C, với cuộc sống có rất nhiều uẩn khúc, bí mật trong cõi u tối, đầy trắc trở như thể những bi kịch của cuộc đời, tù túng như thể không lối thoát.
Ít ra như nhân vật Yến sau khi thất thân với nhân vật M, và sau này có thể do người của M đã giết oan mẹ của Yến. Cô thất vọng và cắt tóc bỏ đi tu Dòng.
Phải chăng đó là một bi kịch trần gian nói chung, bi kịch con người chòng chéo lên nhau như một địa ngục với bề ngoài được che đậy và bên trong với nhiều ẩn số mà lời giải đáp cuối cùng như thể là những con dê tế thần gánh tội thay cho mọi người, dựa trên lời kinh thánh dạy.
Ít ra, thằng Ánh, sau này được biết là con của M và cô giáo là tiêu biểu cho cái chết vô tội của nó. Khi ông M trốn chạy bọn du kích, đã lôi nó đi cùng ra bến đò và khi thuyền rời khỏi bờ sông thằng Ánh đã bị một du kích bắn chết. Thằng Ánh, tiêu biểu cho hình ảnh con dê tế thần, và một cách nào đó như Bõ Khương, cha T.
Nhưng sự có mặt của thằng Ánh lại là nguồn cơn sự nghi ngờ và bị hiểu lầm là con của cha T và cô giáo.
Cha T. đã chịu đựng sự hiểu lầm và oan trái một cách tự ý để bảo vệ trong tinh thần của một linh mục trung thành và theo gương Chúa gánh lấy tội thiên hạ. Cha T cũng là người nắm giữ tất cả sự thật và những bí mật của con người, và cha T đã chịu đựng sự hiểu lầm, tai tiếng và những lời tố cáo của ông K. Cha T. đã biểu lộ một thái độ rộng lượng và cao cả. Cha T đã không kết án ông K mà còn cho rằng: Không kết án ai để khỏi bị kết án. Cha T đã theo gương Chúa chịu đóng đinh đối với kẻ đã đóng đinh Ngài.
Tất cả cái tình tự ấy chỉ được diễn tả như một cách biểu tượng trong Cựu Ước trong dịp lễ ăn thịt chiên để kỷ niệm ngày giải phóng dân tộc Israel ra khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Nhưng thật sự thật khó để hình dung ra cha T ở ngoài đời.
Phải chăng có thể tóm gọn Hồi Chuông Tắt Lửa là một truyện không có nhân vật truyện. Nhân vật cha T chỉ là một biểu tượng cho việc hiến dâng mang ý nghĩa như một sự cứu chuộc. Mọi tội ác của con người sẽ đổ lên đầu con chiên đực trong sạch kia và khi con vật được tiêu hủy đi, nó mang theo tất cả những vết tích nhơ bẩn đó[6a] .
Tinh thần ấy còn được diễn tả trong Cựu Ước như sau:
“Pópule méus, quid féci tibi. Aut in quo contristávi te Respón de mihi”[7]
(Dân Ta hỡi, Ta đã làm gì cho ngươi. Hoặc Ta đã làm phiền lòng ngươi điều gì. Hãy trả lời cho ta hay.)
“Quia edúxi te de térra Aegýpty Parásti Crúscem Salvatóri túo”
(Phải chăng vì Ta đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập. Nên thập ác ngươi dành cho đấng cứu ngươi)
Tôi đã giới thiệu và giải thích theo tôi hiểu những biểu tượng ẩn sâu về phận người trong Hồi Chuông Tắt Lửa. Tuy nhiên, nó vẫn ở bình diện suy luận, khô trồi như nó còn thiếu một cái gì mà tôi không lột tả được. Cái đó buộc tôi nghĩ rằng bạn đọc nên cầm lấy và tự đọc. Tolle et Lege. Vì một điều đơn giản là chính người đọc phải chạm tay vào tác phẩm mới cảm nhận đầy đủ tác phẩm.
Về tập san Trình Bầy, người viết chỉ xin trích đoạn lời mở đầu và lời giã từ thiển nghĩ cũng đủ vì mục đích chính là giới thiệu và bình luận về cuốn Hồi Chuông Tắt Lửa đã làm nên danh tiếng cho tác giả.
Cho đến lúc này, ở đây, tôi vẫn có cảm thấy Hồi Chuông Tắt Lửa ít người được biết tới, vì như nhiều tác phẩm khác, nó đã bị bỏ quên và bỏ qua một cách vô tình và lạnh nhạt.
Nhiệm vụ của người viết kể như xong.
Phần còn lại là giới thiệu những công trình đóng góp về những tác phẩm của nhà xuất bản Trình Bày, đóng góp không chối cãi được cho văn học miền Nam.
Vì thế, việc giới thiệu tập san Trình Bầy, xin khép lại và chỉ xin giới thiệu phần mở đầu và phần giã biệt của chủ nhiệm Thế Nguyên.