Thương lắm, thầy cô giáo cũ trường mình…
Từ sau mùa đại dịch Covid, nhóm bạn B3 của Sáo không thể tổ chức mời thầy cô họp mặt hằng năm được nữa. Sức khỏe của thầy cô tỉ nghịch theo tuổi đời chồng chất, mà học trò của thầy cô bây giờ cũng mưa nắng thất thường. Đành phải ngộ biến tùng quyền (?!...) thôi, ngay đầu tháng Mười Một Sáo đã chuẩn bị những món quà tri ân, để bất cứ lúc nào thu xếp được là Sáo bay đi thăm viếng thầy cô…
Giữ lời hứa với thầy Trịnh Hồng Hải, từ Gia Lai Sáo bay về đưa thầy đến viếng cô Nguyễn Thị Diệp, cựu GS Việt Văn trung học Ngô Quyền Biên Hòa, cũng là người đồng nghiệp thầy thay nhắc trong những lần họp mặt. Lâu nay hai thầy trò cứ ngỡ cô Diệp ở nơi xa tít mù khơi, đâu hay cô cận kề ngay bên quận bảy Sài Gòn mà hai thầy trò không biết. Đến lúc Sáo được cô Nhã Ý cho biết thông tin về cô Diệp, thì cô đã cưỡi hạc qui tiên trước đó hai năm. Âu không là phận là duyên, cho nên thầy trò đành ngậm ngùi hội ngộ cô Nguyễn Thị Diệp qua làn khói nhang hư ảo… Thương cô quá, bởi cô không kịp dang tay đón cháu nội bé bỏng vào đời. Ông bác Hải “lì xì” mừng cháu bé gần hai tháng tuổi, ông chúc cháu bé ăn no chóng lớn. Sáo cũng gửi biếu sản phụ chút quà Tây nguyên bồi bổ sau sinh. Trộm vía, cháu nội của cô Diệp trông kháu khỉnh thật đáng yêu…
Tạm biệt gia đình Cu Em – tên gọi thân mật của cháu Đinh Nguyễn Hoàn Ái, con trai út cô Diệp – Sáo alo thầy Trần Thái Hùng:
- Thầy ơi, thầy có ở nhà không? Thầy Hải và em đang trên đường đến nhà thầy…
- Thầy có ở nhà, nhưng thầy báo em biết trước là thầy vừa khỏi Covid đó…
- Không sao đâu thầy, chỉ là cúm thôi mà! Em đã chích ngừa đầy đủ rồi, thầy yên tâm.
- Thầy cô hết bệnh rồi, thầy cô chỉ lo cho em mà thôi…
Thầy Hùng và thầy Hải đã lâu chưa gặp, hai thầy vui lắm nhưng tiếc là không thể hàn huyên lâu được. Con trai của thầy Hùng từ nước Mỹ về thăm ba mẹ, va-li túi xách vẫn còn y nguyên chưa kịp tháo đai nên thầy trò Sáo kiếu thầy Hùng ra về sớm.
Trên đường đến nhà thầy hiệu trưởng Sáo mới gọi điện báo cô Tồn, tiếng cười của cô dòn tan trong máy:
- Tháng Mười Một đến rồi phải không? Này, ông Bảo đang đợi “cái Mai” Biên Hòa đến thăm ổng đấy!..
Thầy Trịnh Hồng Hải là bạn thân của Thầy Phạm Thăng Long – em ruột của thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo – thời đại học, vì vậy thầy Hải thân thiết với gia đình thầy Bảo như người nhà. Gặp Sáo, cô Tồn lại nhắc món “cà bung” miền Bắc – mà có lần gặp bữa, cô đã “chiêu đãi” để Sáo có thể vừa ăn cơm, vừa nghe thầy hiệu trưởng kể chuyện đời xưa của trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa…
Tạm biệt cô Tồn, Thầy Hải và Sáo đến thăm thầy Lâm Tấn Văn. Thầy Văn vui lắm, nhưng vẫn phàn nàn chút xíu vì hai thầy trò hơi bị muộn giờ:
- Thầy cứ tưởng năm nay em quên thầy rồi chứ?...
- Em chỉ không đưa thầy đi café thường xuyên như trước mà thôi, chứ không học trò nào quên được thầy đâu…
Sau lần đột quỵ thứ ba, việc đi lại của thầy Văn khó khăn hơn trước rất nhiều. Cô Nhung bỏ hết công việc, để làm điều dưỡng cho bệnh nhân duy nhất. May mắn thầy Văn có cô cháu ngoại là sinh viên năm cuối đại học Y khoa chuyên ngành Đông y, nên cháu thường xuyên đến châm cứu bấm huyệt cho ông ngoại. Gia đình chăm sóc thầy Văn rất chu đáo, nhưng có thể do ảnh hưởng của hai lần tai biến trước đây, nên khả năng phục hồi vận động của thầy Văn khá chậm. Cô Nhung nói vui:
- Cô để thầy hạ thổ cho an toàn, hôm nọ vói lấy điện thoại cầm tay ngay bên cạnh giường, thầy suýt rơi xuống đất. Vì vậy mà thầy bỏ xài điện thoại luôn, nguy hiểm quá chừng…
Rời nhà thầy Văn, Sáo mời thầy Hải dùng bữa trưa rồi đưa thầy về nhà nghỉ ngơi. Sau đó Sáo hủy luôn chương trình buổi chiều, dục cháu lái xe chạy nhanh về Biên Hòa. Tự dưng Sáo cảm thấy sức khỏe của mình không ổn, giống y như bong bóng xì hơi. Sáo mà cảm thấy mệt, thì chắc chắn thấy Hải cũng không khỏe, mặc dù thầy luôn sẵn lòng thăm viếng những đồng nghiệp năm xưa. Những lần trước chỉ cần hai City tour Sài Gòn & Biên Hòa, là Sáo thăm viếng được hết thầy cô hiện Sáo còn giữ được liên lạc. Nhưng có lẽ từ giờ trở đi, Sáo đành chuyển đổi từ phiên khúc sang liên khúc (?!...) mỗi khúc Sáo túc tắc bay từng chút. Như vậy cũng hay, rất thích hợp cho độ tuổi hoàng hôn của Sáo.
Dang dở hành trình ngoài dự tính, Sáo đã nhờ đơn vị chuyển phát nhanh gửi quà tri ân của học trò trường Ngô Quyền xưa đến cô Phạm Kiều Tiên, thầy Lê Hoàng Long và thầy Nguyễn Kim Linh. Liên lạc qua điện thoại, Sáo được biết thêm thông tin về thầy cô giáo của mình:
- Cô Phạm Kiều Tiên vừa bị đột quỵ, nhưng đã chữa khỏi nhờ gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời. Cô đang chăm chỉ tập luyện đi lại tại nhà, sức khỏe phục hồi khá tốt. Cô rất chú ý chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, chịu khó tập thể dục nên cô lạc quan về thể trạng của mình. Lo lắng cho sức khỏe của học trò, cô ân cần căn dặn Sáo “… Em phải bơn bớt đi lại nghe Mai, nhớ nhé!… ”
- Biết quà của học trò trường Ngô Quyền Biên Hòa gửi biếu, thầy Lê Hoàng Long bảo cô Hoàng để món quà trên giường ngay bên cạnh thầy, nhất định không cho cô Hoàng mang đi cất. Đang ngủ ngon mà bất chợt thức giấc, thầy lại mân mê miết gói quà… Cô Hoàng cho Sáo biết, thầy Long bây giờ lẫn lộn nhiều lắm, nhưng nếu cô nhắc “Diệp Hoàng Mai ở Biên Hòa” là thầy nhớ ra ngay À học trò Ngô Quyền…
- Thầy Linh đã chuyển về Trà Vinh sống cùng cháu ngoại, thầy nhờ Sáo chuyển lời thăm hỏi và chúc sức khỏe đến tất cả thầy cô giáo cũ trường mình… Thật ra thầy cô nào Sáo gặp cũng đều hỏi han tin tức, rồi nhờ Sáo chuyển lời thăm hỏi và chúc sức khỏe đến những đồng nghiệp cũ từng chung bục giảng trung học Ngô Quyền Biên Hòa ngày xưa. Vô tình Sáo trở thành “ con chip” thu phát nho nhỏ, luân chuyển dòng chảy thông tin đến quý thầy cô. Đã hơn nửa thế kỷ đời người phiêu linh lưu lạc, rất khó có cơ hội gặp gỡ nhưng thầy cô trường mình vẫn luôn quan tâm, luôn nhớ về nhau. Thương thương lắm, thầy cô giáo cũ trường mình…
Vài ngày sau đó tại Biên Hòa, Sáo alo nhờ bạn Đỗ Trí Quang chung khóa 13 đến nhà “tha” Sáo đi thăm thầy cô bằng xe máy. Hôm đến thăm cô Võ Thu Thủy, hai đứa học trò cũ kỹ gặp em Nguyệt, con gái của cô từ nước Mỹ về thăm mẹ. Do Sáo quên béng giới thiệu Quang, nên Nguyệt vô tình ngộ nhận:
- Bộ “ông xã” (?!...) của chị Mai đó hả?
- Không phải đâu em, “tài xế xe không ôm” của chị đó. Chị nhờ nó chở cho đỡ tốn thù lao, mà còn đỡ tiền café sữa đá nữa chứ!...
Quang tự giác (?!...) xác nhận luôn:
- Đúng vậy! Coi nó già già vậy mà làm giá thấy ớn luôn, anh vừa free tiền xăng xe vừa năn nỉ, nó mới chịu để anh làm tài xế cho nó đó…
Mấy chị em cười ầm, làm cô Thủy cũng cười theo. Vui lắm!...
Có “tay lái lụa” Đỗ Trí Quang vòng vèo, Sáo tha hồ viếng thăm và gửi quà tri ân 2022 kính biếu thầy cô quanh phố Biên xưa: Thầy Dương Hòa Huân; Cô Đào Thị Nga, Thầy Nguyễn Ngọc Ẩn; Cô Khương Thị Bàn; Thầy Trần Văn Lộc; Thầy Nguyễn Viết Long; Thầy Nguyễn Xuân Kỳ; thầy giám thị Ngô Văn Huỳnh; cô giám thị Nguyễn Thị Giàu…
Thật ra đối với Sáo thì ngày nào tháng nào trong năm cũng là ngày tri ân thầy xưa, không nhất thiết đợi chờ đến tháng Mười Một. Nhưng “ở đâu thời âu đó” vậy, đã thành quen nên thời điểm này không gian rộn ràng, các phương tiện truyền thông lao xao rộn rã… ít nhiều gì cũng khiến thầy cô mình thoáng nhớ về thời thanh xuân trên bục giảng xa xưa. Một chút quà mọn thay lời tri ân của học trò vào dịp này sẽ nhắc nhớ, rằng tình nghĩa thầy trò Ngô Quyền Biên Hòa từ xưa đến nay không nhạt phai theo năm tháng. Còn nhớ hồi đầu năm nay, Sáo vẫn cẩn thận khẩu trang kín mít mang biếu quà Xuân thầy cô ở cổng rồi vội vã ra xe. Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát và người dân đã được tự do đi lại, nhưng Sáo vẫn ngần ngại dè chừng dù đã được tiêm phòng đầy đù. Thầy cô cũng hiểu nên cười xòa thông cảm…
Chỉ riêng với thầy Lê Hoàng Long, Sáo phải bước vào nhà và mở khẩu trang để giải đáp thắc mắc của thầy:
- Ai đấy?...
Cô Hoàng thoáng ngần ngại:
- Thầy nghe tiếng cô và em nói chuyện lao xao rồi đó, bây giờ mà cô nói không có ai là thầy cằn nhằn riết không chịu nổi đâu. Em chịu khó mở khẩu trang để thầy gặp em đi, thầy đã tiêm chủng đầy đủ rồi chắc không sao đâu em đừng lo...
Không phải Sáo lo cho cái mạng vốn dĩ cũng khá… bèo nhèo của Sáo, mà Sáo lo cho sức khỏe của thầy cô mình nhiều hơn. Bởi thầy cô bây giờ tuổi đã cao sức đề kháng yếu, thầy cô sẽ dễ bị nhiễm bệnh hơn mình. Cẩn tắc vô áy náy mà, Sáo chỉ cẩn thận chút xíu vậy thôi.
Chia sẻ tin tức thầy cô giáo cũ trường mình với anh chị em, bạn bè trong nhóm thân xưa… Sáo nhận được nhiều lời khích lệ đáng quý. Anh Thiên Mã Từ Tốn – Nguyễn Văn Tất, Thiếu trưởng Ba Đình (đạo Bửu Long) và là Tổng thư ký ban đại diện học sinh Ngô Quyền Biên Hòa (NK 1972 – 1973) đã gửi Sáo những dòng chữ thân tình:
- Anh phải nhiều lần cảm ơn Sáo lý luận, vui rưng rưng khi xem lại hình ảnh thầy cô của anh em mình. Em cho anh gửi theo em tình cảm trân trọng và tấm lòng tri ân đến Thầy Cô mái ấm trung học Ngô Quyền…
Anh Khương Văn Mười còn vui hơn, khi anh lo lắng Sáo em hết… sống:
- Anh lo mầy bị chết (?!...) lắm Mai. Anh mong mầy sống lâu để mầy còn lo cho thầy cô giáo trường mình, mà trong đó có bà chị của anh (cô Khương Thị Bàn) nữa. Nhớ giữ gìn sức khỏe nghe em…
Đâu phải chỉ Sáo mới lo cho thầy cô đâu nà? Rất nhiều cựu học sinh NQBH khác, cũng lo lắng thương yêu thầy cô giáo cũ trường mình y như Sáo vậy. Thương lắm, thầy cô giáo cũ của học trò xưa. Và nhớ lắm, ngôi trường trung học Ngô Quyền – Biên Hòa đã sáu mươi sáu năm tuổi của cả nhà mình…
Diệp Hoàng Mai
Ngày 22 tháng 12 năm 2022