Câu này không phải do mấy đứa nhỏ nói, mà thốt ra từ miệng một bà già 90 tuổi. Đó là mẹ tôi, bà mới được con cháu bảo lãnh qua đây có hai năm, trước ngày bầu cử Tổng Thống Mỹ vài tháng.
Ngày Mỹ đổ quân ào ạt vào VN, lúc đó mẹ tôi chưa biết nói một câu tiếng Anh. Vậy mà chỉ mấy tháng sau bà đã đọc được bảng “room for rent” là phòng cho Mỹ thuê. Bà còn hóm hỉnh trả lời, nếu cho người Việt thuê thì họ đã viết bằng tiếng Việt.
Sau đó khi hàng xóm ào ào lùi ra đàng sau, kiếm chỗ ở nơi hang cùng ngõ hẻm, nhường cho mấy chú GI và các cô vợ hờ mướn nguyên căn nhà để có tiền dôi ra chút đỉnh, nuôi cả gia đình vào thời buổi kiệm ước, người khôn của khó.
Chỉ sau khi mướn nhà ít lâu, là mấy cô vợ hờ đã móc nối mấy bà buôn bán, xúi mấy chú lính Mỹ tuồn hàng PX ồ ạt đổ vào xóm từng xe cam nhông đầy ắp. Lúc đó mẹ tôi cũng nhanh chóng nói tiếng Anh ào ào. Dĩ nhiên là tiếng bồi, bà mua bán đồ hộp, thuốc lá, và đổi tiền đô la đỏ, đô la xanh với các chú lính GI.
Hồi đó tiền cent của đô la đỏ cũng in bằng giấy, không phải là đồng xu như bây giờ, nhưng tờ giấy nhỏ hơn tờ 1 đồng hay tờ 100.
Mẹ tôi học hết tiểu học thời Pháp, nhưng mua bán không giỏi như mấy bà bạn của bà, mù chữ, nghĩa là ngay cả chữ quốc ngữ cũng không biết, nhưng các bà này không bao giờ tính nhầm bất kỳ mua loại hàng nào với mấy chú mắt xanh tóc vàng. Đến độ mấy chú còn gọi các bà bạn mù chữ của mẹ tôi là “mamysan number one”, rồi giơ ngón cái lên.
Chỉ cần number one là tốt, number ten là xấu, người mua kẻ bán vẫn ngã giá được với nhau. Thời đó chữ OK chưa thịnh hành như bây giờ. Nhưng lại có câu “OK Salem”. Salem là tên một loại thuốc lá nhẹ có mùi bạc hà cho phụ nữ. Còn đàn ông thì có Pall Mall, Lucky Lucky, Dunhill, Camel, Caraven A màu đỏ có hình con mèo. Hay Xì gà Half & Half…
Đặc biệt khi mấy anh nón cối vào Saigon, họ không dùng một chữ tiếng Mỹ nào, mà họ dùng tiếng riêng của họ, đổng, đài, đạp, quần bò, áo phông. Áo mưa thì họ gọi là áo tơi.
Trong khi dân miền Nam, dù là trẻ đánh giầy, bán vé số ở vỉa hè cũng nói tiếng Anh ào ào, chúng gọi quần jean, áo pull, quần short… Trong ngôn ngữ hàng ngày mọi người dùng biết bao tiếng Mỹ xen với tiếng Việt, vào quán bar, đi xem movie...
Mấy chục năm trời trôi qua, bây giờ qua Mỹ ở tuổi 90, mẹ tôi rất tự tin bảo rằng, tiếng Mỹ dễ học, không khó như tiếng Pháp bà học ngày xưa.
Khi qua Mỹ, dĩ nhiên mấy tiếng bồi ngày xưa đâu có dùng được. Ở đây từ trẻ con tới người lớn đều nói năng đúng sách vở, đâu có nói theo kiểu đường phố như bên VN hồi xưa.
Ba chữ đầu tiên mẹ tôi học là: Yes, No, OK. Chỉ cần ba chữ này thôi là bà có thể babysit cháu bà ngon lành. Nấu món gì xong, bà chỉ rồi hỏi: yes, no. Nếu cháu gật đầu, thì bà múc ra tô, hay rót ra ly. Rồi lại nói: ok? Nếu nhiều quá, thì cháu sẽ lắc, bà múc bớt lại cho tới khi cháu nói: ok.
Chỉ có ba chữ đó thôi, mà bà có thể hiểu, liên lạc được với cháu mọi chuyện. Bố mẹ cứ yên tâm đi làm, chẳng phải lo lắng gì cả.
Bà rất tự tin, mạnh dạn bốc điện thoại nhà khi nghe chuông reng, và nói chữ đầu tiên là Hello, sau đó không cần nghe bên đầu dây nói cái gì, bà nói luôn Việtnamese. Dĩ nhiên nếu là người Việt Nam thì cái accent của một bà già Việt nói tiếng Mỹ người bên kia biết ngay, thế là chuyển qua tiếng Việt. Còn gặp người Mỹ thì đầu giây bên kia, họ cũng hơi khựng lại một chút. Bởi vì chỉ có mỗi chữ Việtnamese, thì chẳng biết là hỏi hay trả lời, chính cái khựng vài giây đó, mẹ tôi hiểu ngay không phải là người bà có thể nói chuyện. Nhưng bà rất lịch sự nói tiếp: No English, rồi mới cúp máy.
Mở ti vi bà có thể biết hôm nay sẽ nóng hay lạnh, các con số, màu sắc và dấu hiệu của mưa, tuyết hiện lên trên màn hình.
Mẹ tôi bảo rằng cách dậy của người Mỹ dễ hiểu quá. Khi đi khám bệnh, bác sĩ hỏi bà đau nhiều đau ít bằng cách chỉ vào con số. Bất kỳ cái gì bà cũng khen người Mỹ, nào là mấy người câm điếc cũng xem được ti vi.
Mẹ tôi bảo người tàn tật qua Mỹ “sướng” thật, chẳng hạn cô hàng xóm bị sốt tê liệt hồi nhỏ, chân đi khập khễnh. Ở VN cô phải nghỉ học sớm, đi bán vé số. Cô mới được bảo lãnh qua Mỹ theo diện anh em. Qua đây cô được đi học và lãnh trợ cấp tàn tật. Cô bảo rằng cô ráng học để có chữ rồi đi làm, chứ cô không muốn hưởng trợ cấp xã hội. Mẹ tôi cứ suýt soa khen cô có lòng tự trọng, khi cô khoe được điểm khá trong lớp. Cô ráng học để đi làm, chứ tiền trợ cấp ít lắm, vậy mà nhiều người cứ bám vào đồng tiền ít ỏi đó sống lây lất cả đời. Mẹ tôi đã tuyên bố hùng hồn, nếu qua đây sớm, bà cũng sẽ đi làm cho biết với người ta.
Nhờ babysit trẻ con, mẹ tôi học tiếng Anh rất nhanh, chỉ mỗi tội bà cắt cả tiếp đầu ngữ lẫn tiếp vĩ ngữ một cách tỉnh bơ. Chẳng hạn bà hỏi con có ăn cơm không: du ít rai (you eat rice). Cháu sửa: bà ơi đọc là “rai sờ”, chứ bà chỉ nói “rai” ngắn gọn, tức là đúng, khác với chữ wrong là sai. Có điều chữ sờ chỉ nghe hơi gió thôi, đằng này bà nói chữ sờ lại còn rõ hơn cả chữ rai. Nên mọi người đề nghị bà cứ gọi cơm là rai, còn dễ nghe hơn rai-sờ. Sở dĩ bà dùng tiếng Anh, vì giữ thêm hai chú bé Mỹ con nhà hàng xóm.
Chưa hết, bà không bao giờ dùng thể nghi vấn, luôn luôn dùng câu xác định. Bà thích trồng rau, nên vườn sau lúc nào cũng xanh um các loại rau, ăn không hết.
Bữa kia gặp bà hàng xóm đứng bên kia hàng rào. Mẹ tôi nhanh nhẩu hỏi: du lai pi nít. Ý mẹ tôi hỏi bà có thích rau dền không? Rau spinach bà gọi là rau dền. Bà hàng xóm có vẻ lúng túng, mẹ tôi chạy ra vườn, cắt một bó spinach đưa, lúc đó bà hàng xóm mới hiểu ra. Đã có lần bà hỏi cô cháu gái, cũng dùng chữ pi nít, nó đã lắc đầu, miệng thì kêu “iu, iu”. Thằng cháu bảo pi nít( penis) là con cu đó bà. Bà phải gọi là Sì pi nít.
Nói gì thì nói, bà không sửa được. Nhưng vốn bạo dạn, thân thiện bà cũng giơ tay chào hàng xóm mỗi khi đi dạo trong xóm. Có điều bà chỉ nhớ good morning và good night, nhưng không phân biệt afternoon và evening rõ ràng, mới chiều chiều hàng xóm đi làm về là đã good night rồi.
Mẹ tôi thích khen thức ăn ở chợ Mỹ tươi ngon hơn các chợ Á Châu. Trái cây, rau cỏ không bị dập nát, bới lộn tùng phèo. Người Mỹ họ “ thật thà” hơn dân Á Châu (ý bà nói mấy chợ Tàu), đồ cũ, đồ hư thì bỏ, chứ không nhập nhằng mang đi xào nấu để bán cho người ăn, mà mẹ tôi bảo là “khuất mắt trông coi”. Chưa bao giờ bà mua phải đồ hộp hết hạn ở chợ Mỹ, chứ ở chợ Á Châu bị hoài.
Mẹ tôi rất thức thời, bà bảo rằng: qua xứ người ta học tiếng của người ta, là phải rồi. Không những thế còn phải học “ cái văn minh” của người ta. Vì vậy khi đi ra ngoài đường mẹ tôi cũng mặc quần tây như mấy bà già Mỹ. Bà chê mấy bà Ấn Độ sao cứ mặc mấy bộ đồ của xứ họ đi chợ là không đúng. Mình phải hòa đồng với người bản xứ, họ không nói ra vì sợ mang tiếng kỳ thị, nhưng trong bụng họ nghĩ gì làm sao mình biết được. Bởi vậy mấy bộ đồ ngủ là không có mặc ra đường, ngay cả ra vườn cũng không, “quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Bà thì lúc nào cũng ca dao tục ngữ khắp mọi nơi mọi chỗ.
Qua xứ người, thấy được điều hay của người ta mình phải bắt chước, mẹ tôi than phiền bố tôi không chịu mang hearing aid, không chịu mang răng giả. Kêu ca vướng víu, khó chịu nên cuối cùng chẳng có bạn bè nào gọi điện thoại nói chuyện được. Bà kết luận “tự mình làm khổ mình, tự mình cô độc mình”.
Một bữa kia, nghe bà bảo với các cháu: bạn của ông ngoại sắp sửa qua thăm ông, bạn từ hồi ông còn trẻ, hơn 70 năm. Trẻ con hỏi ngay: bạn của ông có còn răng không? Bạn của ông còn nghe được không? Bà trả lời “bạn của ông ok”. Đó mọi người thấy không, mẹ tôi đã dùng chữ ok một cách chính xác. Không khen không chê, có nghĩa là được được. Nào ai dám chê bà già 90.
Mẹ tôi luôn luôn dùng những người trên TV để dẫn chứng, xem kìa bố mẹ ông Bush con, răng tóc người ta lúc nào cũng gọn ghẽ, ai như người Á Châu mình xuề xòa quá, thành nhếch nhác.
Hàng ngày xem tin tức VN, mẹ tôi vô cùng xót xa cho trẻ em bị thất học, và cảnh chen chúc nằm la liệt dưới gầm giường trong bệnh viện của các em nhỏ. Bà cứ than thở “chỗ ăn không hết, chỗ lần chẳng ra”.
Trẻ con ở bên này sao được ưu ái mọi điều, còn bên VN phải lội sông lội suối mới được năm ba chữ.
Dù ở miền Đông Bắc, nhưng mẹ tôi không hề than vãn. Bà bảo rằng cả ngày lúi húi với đám trẻ cũng đã hết giờ. Vả lại bà cũng chẳng lái xe, nên mưa gió bão bùng cũng không ảnh hưởng gì đến bà.
Anh em chúng tôi vô cùng cám ơn mẹ, không phải vì sự cặm cụi lo nấu nướng cho cả nhà. Mà vì thái độ lạc quan của bà đã làm cho không khí trong nhà luôn vui vẻ.
Ngay cả khi nằm trong bệnh viện, mẹ tôi cứ xua tay bảo các bà bạn, tôi sắp về đi chùa với các bà rồi. Rồi bà chép miệng, đâu ai lột da sống đời mãi đâu.
Mẹ tôi lặng lẽ ra đi, nhưng con cháu vẫn nhớ hoài, bất cứ chuyện gì bà cũng luôn nói “không khó đâu con”. Trong bụng mẹ tối thế, mà con vẫn kiếm cách chui ra được, thì bây giờ có thêm ánh sáng mặt trời, chuyện gì cũng dễ òm.
Trẻ con nghe vậy, cùng hùa theo “ tiếng Anh dễ òm” phải không bà?
Lại Thị Mơ
Ngày Mỹ đổ quân ào ạt vào VN, lúc đó mẹ tôi chưa biết nói một câu tiếng Anh. Vậy mà chỉ mấy tháng sau bà đã đọc được bảng “room for rent” là phòng cho Mỹ thuê. Bà còn hóm hỉnh trả lời, nếu cho người Việt thuê thì họ đã viết bằng tiếng Việt.
Sau đó khi hàng xóm ào ào lùi ra đàng sau, kiếm chỗ ở nơi hang cùng ngõ hẻm, nhường cho mấy chú GI và các cô vợ hờ mướn nguyên căn nhà để có tiền dôi ra chút đỉnh, nuôi cả gia đình vào thời buổi kiệm ước, người khôn của khó.
Chỉ sau khi mướn nhà ít lâu, là mấy cô vợ hờ đã móc nối mấy bà buôn bán, xúi mấy chú lính Mỹ tuồn hàng PX ồ ạt đổ vào xóm từng xe cam nhông đầy ắp. Lúc đó mẹ tôi cũng nhanh chóng nói tiếng Anh ào ào. Dĩ nhiên là tiếng bồi, bà mua bán đồ hộp, thuốc lá, và đổi tiền đô la đỏ, đô la xanh với các chú lính GI.
Hồi đó tiền cent của đô la đỏ cũng in bằng giấy, không phải là đồng xu như bây giờ, nhưng tờ giấy nhỏ hơn tờ 1 đồng hay tờ 100.
Mẹ tôi học hết tiểu học thời Pháp, nhưng mua bán không giỏi như mấy bà bạn của bà, mù chữ, nghĩa là ngay cả chữ quốc ngữ cũng không biết, nhưng các bà này không bao giờ tính nhầm bất kỳ mua loại hàng nào với mấy chú mắt xanh tóc vàng. Đến độ mấy chú còn gọi các bà bạn mù chữ của mẹ tôi là “mamysan number one”, rồi giơ ngón cái lên.
Chỉ cần number one là tốt, number ten là xấu, người mua kẻ bán vẫn ngã giá được với nhau. Thời đó chữ OK chưa thịnh hành như bây giờ. Nhưng lại có câu “OK Salem”. Salem là tên một loại thuốc lá nhẹ có mùi bạc hà cho phụ nữ. Còn đàn ông thì có Pall Mall, Lucky Lucky, Dunhill, Camel, Caraven A màu đỏ có hình con mèo. Hay Xì gà Half & Half…
Đặc biệt khi mấy anh nón cối vào Saigon, họ không dùng một chữ tiếng Mỹ nào, mà họ dùng tiếng riêng của họ, đổng, đài, đạp, quần bò, áo phông. Áo mưa thì họ gọi là áo tơi.
Trong khi dân miền Nam, dù là trẻ đánh giầy, bán vé số ở vỉa hè cũng nói tiếng Anh ào ào, chúng gọi quần jean, áo pull, quần short… Trong ngôn ngữ hàng ngày mọi người dùng biết bao tiếng Mỹ xen với tiếng Việt, vào quán bar, đi xem movie...
Mấy chục năm trời trôi qua, bây giờ qua Mỹ ở tuổi 90, mẹ tôi rất tự tin bảo rằng, tiếng Mỹ dễ học, không khó như tiếng Pháp bà học ngày xưa.
Khi qua Mỹ, dĩ nhiên mấy tiếng bồi ngày xưa đâu có dùng được. Ở đây từ trẻ con tới người lớn đều nói năng đúng sách vở, đâu có nói theo kiểu đường phố như bên VN hồi xưa.
Ba chữ đầu tiên mẹ tôi học là: Yes, No, OK. Chỉ cần ba chữ này thôi là bà có thể babysit cháu bà ngon lành. Nấu món gì xong, bà chỉ rồi hỏi: yes, no. Nếu cháu gật đầu, thì bà múc ra tô, hay rót ra ly. Rồi lại nói: ok? Nếu nhiều quá, thì cháu sẽ lắc, bà múc bớt lại cho tới khi cháu nói: ok.
Chỉ có ba chữ đó thôi, mà bà có thể hiểu, liên lạc được với cháu mọi chuyện. Bố mẹ cứ yên tâm đi làm, chẳng phải lo lắng gì cả.
Bà rất tự tin, mạnh dạn bốc điện thoại nhà khi nghe chuông reng, và nói chữ đầu tiên là Hello, sau đó không cần nghe bên đầu dây nói cái gì, bà nói luôn Việtnamese. Dĩ nhiên nếu là người Việt Nam thì cái accent của một bà già Việt nói tiếng Mỹ người bên kia biết ngay, thế là chuyển qua tiếng Việt. Còn gặp người Mỹ thì đầu giây bên kia, họ cũng hơi khựng lại một chút. Bởi vì chỉ có mỗi chữ Việtnamese, thì chẳng biết là hỏi hay trả lời, chính cái khựng vài giây đó, mẹ tôi hiểu ngay không phải là người bà có thể nói chuyện. Nhưng bà rất lịch sự nói tiếp: No English, rồi mới cúp máy.
Mở ti vi bà có thể biết hôm nay sẽ nóng hay lạnh, các con số, màu sắc và dấu hiệu của mưa, tuyết hiện lên trên màn hình.
Mẹ tôi bảo rằng cách dậy của người Mỹ dễ hiểu quá. Khi đi khám bệnh, bác sĩ hỏi bà đau nhiều đau ít bằng cách chỉ vào con số. Bất kỳ cái gì bà cũng khen người Mỹ, nào là mấy người câm điếc cũng xem được ti vi.
Mẹ tôi bảo người tàn tật qua Mỹ “sướng” thật, chẳng hạn cô hàng xóm bị sốt tê liệt hồi nhỏ, chân đi khập khễnh. Ở VN cô phải nghỉ học sớm, đi bán vé số. Cô mới được bảo lãnh qua Mỹ theo diện anh em. Qua đây cô được đi học và lãnh trợ cấp tàn tật. Cô bảo rằng cô ráng học để có chữ rồi đi làm, chứ cô không muốn hưởng trợ cấp xã hội. Mẹ tôi cứ suýt soa khen cô có lòng tự trọng, khi cô khoe được điểm khá trong lớp. Cô ráng học để đi làm, chứ tiền trợ cấp ít lắm, vậy mà nhiều người cứ bám vào đồng tiền ít ỏi đó sống lây lất cả đời. Mẹ tôi đã tuyên bố hùng hồn, nếu qua đây sớm, bà cũng sẽ đi làm cho biết với người ta.
Nhờ babysit trẻ con, mẹ tôi học tiếng Anh rất nhanh, chỉ mỗi tội bà cắt cả tiếp đầu ngữ lẫn tiếp vĩ ngữ một cách tỉnh bơ. Chẳng hạn bà hỏi con có ăn cơm không: du ít rai (you eat rice). Cháu sửa: bà ơi đọc là “rai sờ”, chứ bà chỉ nói “rai” ngắn gọn, tức là đúng, khác với chữ wrong là sai. Có điều chữ sờ chỉ nghe hơi gió thôi, đằng này bà nói chữ sờ lại còn rõ hơn cả chữ rai. Nên mọi người đề nghị bà cứ gọi cơm là rai, còn dễ nghe hơn rai-sờ. Sở dĩ bà dùng tiếng Anh, vì giữ thêm hai chú bé Mỹ con nhà hàng xóm.
Chưa hết, bà không bao giờ dùng thể nghi vấn, luôn luôn dùng câu xác định. Bà thích trồng rau, nên vườn sau lúc nào cũng xanh um các loại rau, ăn không hết.
Bữa kia gặp bà hàng xóm đứng bên kia hàng rào. Mẹ tôi nhanh nhẩu hỏi: du lai pi nít. Ý mẹ tôi hỏi bà có thích rau dền không? Rau spinach bà gọi là rau dền. Bà hàng xóm có vẻ lúng túng, mẹ tôi chạy ra vườn, cắt một bó spinach đưa, lúc đó bà hàng xóm mới hiểu ra. Đã có lần bà hỏi cô cháu gái, cũng dùng chữ pi nít, nó đã lắc đầu, miệng thì kêu “iu, iu”. Thằng cháu bảo pi nít( penis) là con cu đó bà. Bà phải gọi là Sì pi nít.
Nói gì thì nói, bà không sửa được. Nhưng vốn bạo dạn, thân thiện bà cũng giơ tay chào hàng xóm mỗi khi đi dạo trong xóm. Có điều bà chỉ nhớ good morning và good night, nhưng không phân biệt afternoon và evening rõ ràng, mới chiều chiều hàng xóm đi làm về là đã good night rồi.
Mẹ tôi thích khen thức ăn ở chợ Mỹ tươi ngon hơn các chợ Á Châu. Trái cây, rau cỏ không bị dập nát, bới lộn tùng phèo. Người Mỹ họ “ thật thà” hơn dân Á Châu (ý bà nói mấy chợ Tàu), đồ cũ, đồ hư thì bỏ, chứ không nhập nhằng mang đi xào nấu để bán cho người ăn, mà mẹ tôi bảo là “khuất mắt trông coi”. Chưa bao giờ bà mua phải đồ hộp hết hạn ở chợ Mỹ, chứ ở chợ Á Châu bị hoài.
Mẹ tôi rất thức thời, bà bảo rằng: qua xứ người ta học tiếng của người ta, là phải rồi. Không những thế còn phải học “ cái văn minh” của người ta. Vì vậy khi đi ra ngoài đường mẹ tôi cũng mặc quần tây như mấy bà già Mỹ. Bà chê mấy bà Ấn Độ sao cứ mặc mấy bộ đồ của xứ họ đi chợ là không đúng. Mình phải hòa đồng với người bản xứ, họ không nói ra vì sợ mang tiếng kỳ thị, nhưng trong bụng họ nghĩ gì làm sao mình biết được. Bởi vậy mấy bộ đồ ngủ là không có mặc ra đường, ngay cả ra vườn cũng không, “quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Bà thì lúc nào cũng ca dao tục ngữ khắp mọi nơi mọi chỗ.
Qua xứ người, thấy được điều hay của người ta mình phải bắt chước, mẹ tôi than phiền bố tôi không chịu mang hearing aid, không chịu mang răng giả. Kêu ca vướng víu, khó chịu nên cuối cùng chẳng có bạn bè nào gọi điện thoại nói chuyện được. Bà kết luận “tự mình làm khổ mình, tự mình cô độc mình”.
Một bữa kia, nghe bà bảo với các cháu: bạn của ông ngoại sắp sửa qua thăm ông, bạn từ hồi ông còn trẻ, hơn 70 năm. Trẻ con hỏi ngay: bạn của ông có còn răng không? Bạn của ông còn nghe được không? Bà trả lời “bạn của ông ok”. Đó mọi người thấy không, mẹ tôi đã dùng chữ ok một cách chính xác. Không khen không chê, có nghĩa là được được. Nào ai dám chê bà già 90.
Mẹ tôi luôn luôn dùng những người trên TV để dẫn chứng, xem kìa bố mẹ ông Bush con, răng tóc người ta lúc nào cũng gọn ghẽ, ai như người Á Châu mình xuề xòa quá, thành nhếch nhác.
Hàng ngày xem tin tức VN, mẹ tôi vô cùng xót xa cho trẻ em bị thất học, và cảnh chen chúc nằm la liệt dưới gầm giường trong bệnh viện của các em nhỏ. Bà cứ than thở “chỗ ăn không hết, chỗ lần chẳng ra”.
Trẻ con ở bên này sao được ưu ái mọi điều, còn bên VN phải lội sông lội suối mới được năm ba chữ.
Dù ở miền Đông Bắc, nhưng mẹ tôi không hề than vãn. Bà bảo rằng cả ngày lúi húi với đám trẻ cũng đã hết giờ. Vả lại bà cũng chẳng lái xe, nên mưa gió bão bùng cũng không ảnh hưởng gì đến bà.
Anh em chúng tôi vô cùng cám ơn mẹ, không phải vì sự cặm cụi lo nấu nướng cho cả nhà. Mà vì thái độ lạc quan của bà đã làm cho không khí trong nhà luôn vui vẻ.
Ngay cả khi nằm trong bệnh viện, mẹ tôi cứ xua tay bảo các bà bạn, tôi sắp về đi chùa với các bà rồi. Rồi bà chép miệng, đâu ai lột da sống đời mãi đâu.
Mẹ tôi lặng lẽ ra đi, nhưng con cháu vẫn nhớ hoài, bất cứ chuyện gì bà cũng luôn nói “không khó đâu con”. Trong bụng mẹ tối thế, mà con vẫn kiếm cách chui ra được, thì bây giờ có thêm ánh sáng mặt trời, chuyện gì cũng dễ òm.
Trẻ con nghe vậy, cùng hùa theo “ tiếng Anh dễ òm” phải không bà?
Lại Thị Mơ