MGTT 12 – GỢI GIẤC MƠ XƯA
Khi thưởng thức một bài hát hay, có khi nào bạn nghĩ đến bảy nốt nhạc Do Re Mi Fa Sol La Si, căn bản của nhạc lý, nằm trên các dòng kẻ mà bạn đã được học từ thời mới vào Trung học?
Các Thầy Cô dạy Nhạc trong suốt thời gian 1956-1975 đã kiên nhẫn hướng dẫn các cô cậu bé lớp sáu năm xưa vào thế giới âm nhạc. Trong đó có những bài hát đã theo các chs NQ suốt cuộc đời, chẳng hạn như câu hát học trò:
“Trời
hồng hồng, sáng trong trong. ngàn phượng
rung nắng ngoài song…”
hay những câu hát về lịch sử oai hùng của hai vị nữ anh hùng VN đầu tiên.
“Trưng Nữ Vương lau phấn son mưu thù nhà, mài gươm vang khúc toàn thắng hùng ca, thu về giang san cho lừng uy gái Nam, bầu trời Á sáng ngời ánh quang. Nợ nước phó tay người nhi nữ, tình riêng cứu nguy cho toàn dân…”
Dù là một môn phụ nhưng nếu không có các Thầy Cô dạy Nhạc khai tâm chắc có lẽ suốt đời chúng ta mãi mãi là một người mù về nhạc lý.
Có những cô cậu bé năm đầu Trung học ngày xưa đã nuôi giấc mơ thành ca sĩ. Giấc mơ dù không thành nhưng "những tiếng hát học trò" ngày xưa cũng như tất cả chs NQ vẫn ghi nhớ công ơn quý Thầy Cô dạy Nhạc.
Nhân “gợi đến giấc mơ xưa”, xin được tri ân các GS môn Nhạc đã nâng cao trình độ thưởng thức những âm điệu trầm bỗng của từng bài hát cho rất nhiều thế hệ chs NQ: Quý Thầy Nguyễn Văn A, Trần Văn Lộc,Trần Văn Nam, Lê Hoàng Long, Huỳnh Quan Phận, Cô Hoàng Minh Nguyệt.
Và cũng xin thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy dạy Nhạc đã về cõi vĩnh hằng: Dương Hồng Duyệt, Nguyễn Văn Tỵ, Vũ Lữ Uyển.
MGTT lần nầy xin được giới thiệu về hai GS Nhạc trong số nhiều Thầy Cô đã dạy chúng ta những kiến thức nhạc lý đầu tiên; xin được riêng tặng các tiếng hát học trò NQ ngày xưa: các chị Ngọc Phước ở Covina (CA), Vũ Hạnh ở San Jose (CA), và để tưởng nhớ giọng hát nam đã quá cố: anh Nguyễn Văn Lịnh.
Thầy Lê Hoàng Long
Thầy Long đến với âm nhạc từ cây đàn violon lúc còn là một cậu bé ngây thơ ở một tỉnh lỵ miền Bắc có chỗ đứng trong âm nhạc Việt Nam qua bài hát “Đôi mắt người Sơn Tây”. Năng khiếu âm nhạc cùng với tình yêu đầu đời thời mới lớn không thành đã giúp Thầy Long đóng góp cho âm nhạc VN nhiều bài hát hay trong đó có bài “Gợi giấc mơ xưa” đã nổi tiếng từ nhiều thập niên trước.
Cây đàn vĩ cầm gắn liền với Thầy Lê Hoàng Long cả cuộc đời, không những chỉ là thú tiêu dao mà có một thời gian sau tháng 4/75 giúp Thầy mưu sinh.
Thời đó, trong giai đoạn tranh tối, tranh sáng của bối cảnh xã hội đặc biệt, thay vì đứng trên bục giảng mỗi ngày để dạy nhạc lý cho học trò Trung học, thầy Long phải đi kéo đàn violon ở các “tụ điểm ca nhạc” mỗi đêm để mưu sinh. Thầy rất tài hoa, mặc dù cây đàn violon thân thuộc của Thầy dạo đó chỉ còn ba dây, một sợi dây đã đứt sau rất nhiều đêm ông cựu Giáo sư Trung học âm thầm kéo đàn để kiếm sống thay vì để sáng tác.
Âm thanh thoát ra từ cây violon của Thầy Long vẫn réo rắc, trầm bỗng, không ai biết một trong bốn sợi dây đàn đã đứt tự bao giờ!
Năm nay, ở tuổi tám mươi, tác giả của "Gợi giấc mơ xưa", người Thầy dạy Nhạc ngày nào vẫn khỏe, dù không còn phải kéo một cây vĩ cầm thiếu mất một sợi dây nhưng những cung đàn ngày xưa vẫn còn trong tâm tưởng Thầy. Và hình ảnh Thầy Lê Hoàng Long dạy Nhạc vẫn gắn liền với giấc mơ xưa thời mới lớn của rất nhiều chs NQ
Nguyễn Trần Diệu Hương
(Viết theo lời kể của quý Thầy Hoàng Phùng Võ và Nguyễn Văn Phố)
GẶP GỠ TÁC GIẢ “GỢI GIẤC MƠ XƯA”
Thầy Lê Hoàng Long (2012)
Quá trình thu thập tư liệu về CHĐS.NQ-BH, tôi nhận được thông tin khá thú vị do chị Nguyễn Thị Thanh, CHS.NQ K11 cung cấp: “Năm 1971, Thầy Lê Hoàng Long có sáng tác một bài hát dành riêng cho học sinh Ngô Quyền – Biên Hòa”. Bài hát chị Thanh trao tôi chỉ có phần lời, không có phần nhạc. Cầm bài hát về nhà, tôi băn khoăn mãi “Có hay không có nhạc phẩm thứ hai của Thầy giáo – nhạc sĩ Lê Hoàng Long?...”. Chỉ tác giả mới có lời giải đáp cho câu hỏi này. Nhưng tôi biết tìm Thầy Lê Hoàng Long ở đâu, khi tôi chưa một lần được diện kiến với Thầy?
Trong câu chuyện sáng thứ bảy của Thầy trò tôi tại café Viễn Xưa, tôi nhắc đến “nghi án” về “nhạc phẩm thứ hai” này, và chia sẻ mong muốn gặp gỡ Thầy Lê Hoàng Long. Thật bất ngờ, Thầy Trịnh Hồng Hải lấy điện thoại cầm tay ra gọi. Tôi mừng quýnh:
- Thầy có số phone của Thầy Long?
- Không, tôi phải hỏi người khác …
Thầy Hải loay hoay với chiếc điện thoại, còn tôi thầm thì … van vái ông Địa cho Thầy Hải tìm được địa chỉ của Thầy Long. Thầy Hải bảo tôi lấy giấy viết ghi số phone bạn của Thầy. Bạn của Thầy bảo chờ, để hỏi tiếp số phone bạn của bạn Thầy. Chuyển tiếp lòng vòng, cuối cùng thì tôi cũng được chuyện trò với… vợ của Thầy Long. Cô Hoàng vui vẻ đọc địa chỉ nhà, và cho tôi cuộc hẹn.
Tôi dừng xe trước ngôi nhà xinh xinh, nằm khá sâu trong con hẽm yên tĩnh ở quận Tân Bình. Cô Hoàng đón tôi với nụ cười đôn hậu:
- Em tìm nhà giỏi quá! Vào đi em, Thầy đang đợi em đó…
Thầy Lê Hoàng Long và Diệp Hoàng Mai (2012)
Cô hướng dẫn tôi vị trí ngồi, để tôi có thể chuyện trò thoải mái với với Thầy Long, không phải vừa la vừa nói. Có hai chú nhóc đang ôm ấp giấc mơ trở thành văn sĩ, đang cần cô ôn tập ngữ pháp tiếng Việt tại nhà. Tôi hơi tiếc, vì không đủ thời gian để được chuyện trò với cô, một giáo viên dạy Văn tận tụy với nghề.
Tôi nêu thắc mắc về bài hát “Học sinh Ngô Quyền hành khúc” với Thầy Lê Hoàng Long. Thầy bảo tôi đọc cho Thầy nghe lời bài hát. Tôi chậm rãi đọc thật to “Tiến bước lên đi, học sinh Ngô Quyền hăng hái. Tiếng sóng năm xưa, Đằng Giang thiên thu sáng chói…” Nghe chừng đó, Thầy phủ nhận luôn:
- Tôi không có “làm” bài hát này…
Để chắc chắn hơn, tôi hát một đoạn bài hát. Thầy lắng nghe chăm chú, rồi khẳng định chắc nịch:
- Bài nhạc này không phải của tôi…
Bài hát "Học Sinh Ngô Quyền hành Khúc''
Thầy
cho tôi biết thêm, Thầy dạy Nhạc ở trường Ngô Quyền –Biên Hòa từ năm 1961, đến
năm 1969 thì chuyển về dạy trường Kiểu Mẫu Thủ Đức – Sài Gòn. Cho nên thông tin
Thầy sáng tác bài “Học sinh Ngô Quyền hành khúc” vào năm 1971 là không chính
xác.
Hai thầy trò chuyển sang đề tài “Gợi giấc mơ xưa”, nhạc phẩm để đời duy nhất của Thầy:
- Cuộc đời tôi chỉ duy nhất một mối tình tan vỡ; duy nhất một lần “Gợi giấc mơ xưa”; và duy nhất một cuốn sách phê bình âm nhạc (Nhạc sĩ danh tiếng danh tiếng hiện đại – Tác giả Lê Hoàng Long – NXB Tự Do năm 1960)
Tám mươi hai tuổi, nhưng Thầy Lê Hoàng Long vẫn minh mẫn. Các con của Thầy hầu hết đã lập gia đình, cuộc sống rất ổn định. Niềm vui tuổi già lớn nhất của Thầy hiện giờ, là đứa cháu nội 10 tuổi đang sống bên Mỹ. Mới học đàn piano vài năm nay, nhưng cháu đã được giáo viên cử đi thi, và đạt nhiều giải thưởng âm nhạc dành cho tuổi thiếu niên. Một hạt giống âm nhạc nhỏ tuổi, đã và đang được con trai con dâu của Thầy chăm chút vun trồng.
Tôi… mừng hụt, khi biết chính xác nhạc sĩ Lê Hoàng Long không phải là tác giả bài hát “Học sinh Ngô Quyền hành khúc”. Nhưng nếu không có ý định kiểm chứng thông tin, tôi đã không có cơ hội Thầy giáo cũ Lê Hoàng Long. Lúc tôi chào tạm biệt, Thầy giáo – Nhạc sĩ Lê Hoàng Long nhắc tôi lần nữa:
- “Gợi nhất mơ xưa” là nhạc phẩm duy nhất của Thầy, em nhớ nhé!…
Tháng 09/2012
Diệp Hoàng Mai
BÀI HÁT GỢI GIẤC MƠ XƯA
Chị Oanh và chị Quế vừa cùng nhau làm youtube "Gợi Giấc Mơ
Xưa" để gửi tặng thầy Lê Hoàng Long, nhờ các em đăng dùm... Ngày xưa thầy
Lê Hoàng Long dạy nhạc cho lớp Tứ 2 của các chị. Thầy hiền và vui tánh, bây giờ
không biết thầy còn đánh đàn nữa không?
Ước mong sức khỏe thầy mãi mãi dồi dào, vui mạnh. Thầy sáng tác có 1 bài duy nhất mà hay hết biết, ngày xưa các chị thường nghêu ngao "Gợi Giấc Mơ Xưa" hoài, vui lắm. (Trích thư chị Kiều Oanh Trịnh gửi ngày 9 October, 2012)
Lê Kim Oanh- Châu Mỹ Quế
Xin bấm vào link bên dưới để thưởng thức:
GỢI GIẤC MƠ XƯA - http://youtu.be/CpNS4BZxavY
Cô Hoàng Minh Nguyệt
Trong buổi họp mặt truyền thống kỳ 8 của chs Ngô Quyền tại hải ngoại, được sự
tham dự đông đảo của Thầy Cô và cựu học sinh. Buổi họp mặt cũng tay bắt mặt
mừng, nhắc về những kỷ niệm thân quen của một thời áo trắng. Những màn trình
diễn văn nghệ cây nhà lá vườn, cũng đủ ấm lòng bao kẻ hoài mong về trường cũ,
thầy xưa.
Nhưng chắc hẵn không ai không bồi hồi xúc động, khi nghe người ca sĩ không chuyên gửi gấm cuộc đời mình qua những lời ca, đó là cô giáo của chúng ta: Cô Hoàng Minh Nguyệt với bản nhạc “Cô lái Đò”.
Không hạnh phúc gì hơn, khi được thưởng thức lời ca từ người Thầy, người Cô của mình. Phải chăng thiên chức của một nhà giáo gắn liền với người đưa đò? Để chúng ta cùng cảm xúc một lần qua tiếng hát của Thầy Nguyễn văn Phú, rồi đến tiếng hát của cô Hoàng Minh Nguyệt mang chút sầu lắng hay tiếc nuối vì cô dạy âm nhạc nhưng không có người học trò nào trở thành ca sĩ, để cô vẫn tiếp tục mang tiếng hát của mình trong sinh hoạt của trường Ngô Quyền tại hải ngoại.
Tôi đến với cô Hoàng Minh Nguyệt như một đứa học trò, như một đứa em, vì có một thời tôi chơi rất thân với anh Hoàng Sỹ Luân, em trai của cô và ngày nay anh không còn nữa. Khi còn ở Việt Nam, tôi gặp cô chỉ một lần trong đám cưới của anh Luân. Ngày anh mất tôi đã vào lính ở tận miền Hậu Giang, thời gian qua mau và con người cũng đi vào quên lãng.
Rất may mắn còn gặp lại cô, và cùng sinh hoạt trong đại gia đình Ngô Quyền, cũng rất vui khi được cô cho biết mỗi lần cùng sinh hoạt với Trường Ngô Quyền là cô trẻ đi 10 tuổi.
Năm
nay cũng như những năm trước đây, ngày thứ bảy 6 tháng 3, 2010 này, từ
Orange County, học trò vẫn kéo nhau xuống San Diego để cùng chia sẻ niềm vui
trong ngày sinh nhật của cô. Cô trò sẽ cùng nhau ca hát, tiếng ca của Cô sẽ quyện
theo tiếng cười vui của những đứa học trò ngày nào.
Riêng tôi vẫn hằng mong ước luôn mang đến cho cô những nụ cười, giống như nụ cười
của người em trai của cô đã không còn nữa.
(Viết cho cô Hoàng Minh Nguyệt “tiếng hát vượt thời gian” của Trường Trung học Ngô Quyền.)
Nguyễn Hữu Hạnh