Thích Nữ Hằng Như
Làm người sống ở đời chắc ai cũng một đôi lần mong mỏi được giải thoát. Giải thoát cái gì? Chẳng hạn như khi bản thân mình gặp chuyện không vừa ý thì muốn được thoát khỏi sự không hài lòng không vừa ý đó. Như một người nghèo khổ may mắn được người giàu có cưới làm vợ, ngay từ giây phút thay đổi cuộc sống thì người này đã được giải thoát khỏi cảnh nghèo khổ bần hàn. Khi cuộc sống vợ chồng bất hòa, hằng ngày cải vả, nặng nhẹ khoa tay múa chân, gây đau khổ cho nhau. Trong trường hợp này tờ giấy ly hôn giúp cho họ giải thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt đau khổ đó. Hoặc người tù tội sau một thời gian bị nhốt trong nhà giam, nay được trả tự do, như vậy người này vừa được giải thoát khỏi vòng lao lý. Hoặc có những người con, sống trong gia đình hạnh phúc, được cha mẹ chăm sóc chu đáo lại cảm thấy như mình bị kiềm kẹp không có tự do, bèn trốn cha mẹ sống lang thang với người ngoài, cho rằng mình đã được tự do, được giải thoát khỏi tầm mắt gắt gao của cha mẹ. Một người bị bệnh hành hạ đau đớn thân xác, may mắn chữa trị kịp thời, hết bệnh, khỏe mạnh trở lại, nên nói người đó được giải thoát khỏi căn bệnh nguy hiểm v.v…
Chuyện giải thoát không chỉ bàn ở con người mà loài vật khi bị ràng buộc cũng muốn được giải thoát. Thí dụ như con chim bị nhốt trong lồng, tuy hằng ngày được chủ chăm sóc cho ăn uống tử tế nhưng nó vẫn cảm thấy tù túng, một ngày kia nó thoát ra ngoài tung cánh bay giữa bầu trời cao rộng, không bao giờ trở lại, xem như con chim đó được tự do, được giải thoát. Như vậy, con người hay con vật được tự do thoát khỏi sự ràng buộc nào đó, thì được xem là giải thoát. Nhìn chung thì giải thoát có nghĩa là cởi mở, cởi bỏ xiềng xích, thoát ly ra khỏi những ràng buộc trong hoàn cảnh khổ đau nghịch ý. Tóm lại giải thoát là đạt tự do sau khi buông xả tất cả những trói buộc.
II. GIẢI THOÁT TRONG ĐẠO PHẬT
Trên đây là một vài thí dụ mô tả ý nghĩa giải thoát ở ngoài đời. Trong đạo Phật, hai từ giải thoát được đề cập tới một cách sâu sắc hơn. Giải thoát cao nhất theo triết lý nhà Phật là trạng thái tinh thần con người được tự do, tự tại trước những buồn vui thương ghét hạnh phúc hay đau khổ của bản thân hay người ngoài cuộc. Tâm người ấy thanh tịnh tuyệt đối do đoạn tận hết những tập khí, đam mê, dục vọng, dập tắt ngọn lửa ngầm tham, sân, si là gốc rễ của mọi đau khổ. Các bậc thánh nhân này đã chấm dứt dòng nhân quả nghiệp báo, lậu hoặc, vượt qua biển khổ vô minh, lên bờ giác ngộ giải thoát.
Còn chúng sanh thì đa phần sống trong cảnh trái ngang đau khổ nên người nào cũng muốn xa lìa khổ ải, tìm kiếm niềm vui, mong cầu giải thoát. Nhưng muốn giải thoát không phải là chuyện dễ, bởi là phàm nhân nên thường xuyên bị tri kiến mê lầm che lấp, khiến nhận thức và hành vi biến thành nô lệ của bản ngã ích kỷ, chạy theo ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy; hoặc làm nô lệ cho sáu giác quan mê đắm với sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Để đạt được những mục tiêu này, thử hỏi với một con người đang bị tri kiến mê lầm ngăn che như vậy, thì làm sao tránh khỏi lời nói, hành vi tạo nhiều ác nghiệp gây đau khổ cho mình và phiền não cho những người liên hệ.
Các học giả Phật giáo cho rằng hệ thống giáo lý của đạo Phật nhắm vào một mục tiêu cao thượng, đó là hướng dẫn phương pháp, đường lối tu tập để hành giả đạt Giác ngộ Giải thoát. Cho nên mới nói đạo Phật là đạo Giải thoát. Trong kinh điển Phật giáo, có ghi lại lời tuyên bố của Đức Phật: “Này các Tỷ-kheo, nước của đại dương chỉ có một vị mặn. Cũng vậy, pháp và luật của ta nói ra cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát” (Udana, Tự Thuyết Kinh).
Qua lời tuyên bố này, chúng ta thấy Đức Phật đã so sánh giáo Pháp của Ngài như bốn bể đại dương. Đại dương chỉ có một vị là vị mặn. Còn Chánh Pháp trong đạo Phật cũng có một vị duy nhất là vị giải thoát. Như vậy, Đức Phật đã xác định rằng mục đích duy nhất của đạo Phật là giúp chúng sanh tu tập để đến chỗ giải thoát giác ngộ.
Trên lộ trình tu tập giải thoát thì Niết-Bàn là mục tiêu giải thoát cao nhất. Niết-Bàn tiếng Phạn là Nirvana có nghĩa là diệt độ. Diệt độ ở đây không có nghĩa là triệt tiêu hay tiêu diệt. Bởi vì nếu hoàn toàn bị tiêu diệt thì người chứng ngộ biến thành một tượng đá vô tri giác không biết gì. Diệt ở đây có nghĩa là đoạn tận tham sân si, chấm dứt dòng nhân quả nghiệp báo, nghĩa là chấm dứt lậu hoặc gồm dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu và kiến lậu. Độ có nghĩa là vượt qua khỏi biển khổ vô minh, lên bờ giác ngộ. Như vậy chúng ta có thể hiểu Diệt Độ là Niết-Bàn, là Diệt đế (trong Tứ Thánh Đế), là Giải thoát ra khỏi quy luật luân hồi nhân quả.
Giải thoát có hai loại: Hữu Dư Y Giải thoát hay Hữu Dư Y Niết-Bàn, chỉ thánh chúng được giải thoát ngay khi còn sống tức còn thân mạng. Tuy sống và sinh hoạt với người bình thường mà vẫn an nhiên, tự tại, giải thoát, không bị hoàn cảnh thế nhân chi phối. Khi thân hoại mạng chung, thì thể nhập Vô Dư Y Niết-Bàn. Vô Dư Y Niết-Bàn là bản thể thường còn, bất sinh bất diệt của vạn pháp hữu tình và vô tình, không thể dùng ngôn từ để diễn tả, cũng không thể dùng ý căn ý thức hình dung đưa ra quan niệm giải thích.
Hành giả muốn đạt giải thoát tối hậu, theo giáo lý nhà Phật là phải tu tập Giới-Định-Tuệ không có con đường nào khác. Tu Giới-Định-Tuệ tức tu theo Bát chánh đạo. Bát chánh đạo là con đường đưa đến giải thoát. Bát chánh đạo gồm các yếu tố: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.
Chánh tri kiến, Chánh tư duy thuộc về Tuệ học. Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng thuộc về Giới học. Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định thuộc về Định học. Về mặt Tuệ học, ngoài việc thông suốt Tứ thánh đế là: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế, hành giả cũng cần phải hiểu rõ về mười hai nhân duyên trong giáo lý Duyên Khởi để thực hành đúng pháp. Về mặt Giới học thì giữ gìn thân tâm trong sạch, làm việc lành tránh việc ác. Muốn cô lập lậu hoặc thì phải thực hành thiền Định, thiền Quán. Lậu hoặc gồm vô số ác pháp, trong đó có tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến v.v…
Về giáo lý Duyên Khởi, Đức Phật đưa ra mười hai nhân duyên với định lý: “Cái này có cái kia có. Cái này diệt cái kia diệt”. Mười hai nhân duyên dính chặt vào nhau thành vòng tròn sinh tử. Đó là: Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục nhập, Xúc, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Già, Chết (khổ uẩn). Vô Minh là duyên sanh Hành. Hành là duyên sanh Thức. Thức là duyên sanh Danh Sắc v.v… cứ như thế nối thành một vòng tròn, không có khởi đầu cũng không có chấm dứt. Hoặc Vô Minh diệt thì Hành diệt. Hành diệt thì Thức diệt v.v… Như vậy toàn bộ mắt xích bị tan rả. Hành giả được giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.
Tu tập theo mười hai nhân duyên, hành giả cũng thực hành Giới-Định-Tuệ. Tu Giới (Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng) sẽ cắt đứt tại mắt xích Hành, ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh. Nhân duyên Hành bị triệt tiêu thì toàn bộ các mắt xích cũng tan rả. Hành giả được giải thoát.
Hành giả tu Tuệ (Chánh tri kiến, Chánh tư duy) hiểu rõ nguyên nhân gây ra khổ đau chính là do tham dục khát ái. Cắt đứt mắt xích Ái thì vòng mắt xích mười hai nhân duyên cũng tan rả. Hành giả được giải thoát.
Ngoài ra nhờ có Chánh tri kiến mà hành giả dẹp được những tri kiến mê lầm gọi chung là tà kiến, tức cắt đứt mắt xích Vô Minh. Vì Vô Minh nên Tri kiến mới mê lầm. Tri kiến mê lầm, là cái thấy biết không đúng với chân lý Phật dạy mà cho là đúng. Hay là cái thấy biết cảnh vật không đúng như thật của người đang mang kính màu. Kính màu xanh thì hành giả thấy cảnh màu xanh, kính màu xám thì thấy cảnh bao trùm màu xám… Hoặc là cái thấy biết đối tượng do quá khứ, hiện tại, tương lai ảnh hưởng khiến tâm xúc cảm thương ghét nổi lên mà nhận định sai lầm về đối tượng.
Nhờ tu Tuệ nên hành giả giải thoát được tri kiến mê lầm, trả cái thấy biết mê lầm đó về cho cái thấy biết hiện tại chân thật bây giờ và ở đây, đúng như nó đang là nên gọi là Tri kiến giải thoát. Nói rõ hơn nhờ có Chánh tri kiến, Chánh tư duy nên hành giả lần lượt thanh lọc được dòng tâm thức uế nhiễm. Hành giả thúc liễm thân tâm, không dính mắc với tướng chung tướng riêng của bất cứ đối tượng nào, sau cùng không còn chấp trước thân này pháp nọ là ta hay của ta … nên thoát khỏi luyến ái, não phiền. Như vậy Tri kiến giải thoát là sự thấy biết chân chánh, thấy biết như thật, nhờ áp dụng Phật Pháp, tinh cần tu tập, dần dần đoạn tận tham dục đạt được giải thoát khổ đau.
Tóm lại tu pháp mười hai nhân duyên, hành giả chỉ cần cắt đứt một mắt xích là phá vỡ được toàn bộ mười hai mắt xích. Hành giả thoát khỏi vòng sinh tử.
IV. KẾT LUẬN
Theo quan niệm nhà Phật thì con người tự ràng buộc mình trong nỗi khổ đau do chính mình gây ra. Muốn thoát khổ thì cũng phải chính mình tháo gỡ sợi dây ràng buộc đó chứ không Thần Phật nào cứu rỗi, ban ơn, giáng họa cho mình được. Trước khi thành đạo, Đức Phật là một vị Thái tử sống trong nhung lụa vàng son. Khi ngộ ra con người sống ở thế gian này không một ai tránh khỏi sanh, lão, bệnh, tử, nên người đã thoát ly khỏi cung vàng điện ngọc, bỏ lại vợ đẹp con thơ, ra đi tìm đường giải thoát. Sau khi thành đạo, trong 45 năm hoằng dương chánh pháp, Đức Phật đã tùy theo căn cơ của chúng sanh mà diễn thuyết. Dù pháp nào, thì chung quy cũng chỉ nhằm giúp chúng sanh thoát khổ giác ngộ.
Muốn nếm được hương vị giải thoát, trước hết hành giả phải tự thân nỗ lực tu hành. Dù tu theo pháp môn nào, hành giả cũng phải thâm nhập bốn nền tảng giáo lý của đạo Phật. Đó là mọi khổ đau của chúng sanh đều phát xuất từ một hay nhiều nguyên nhân. Và những nguyên nhân đó có thể giải trừ bằng đường lối tu tập tám ngành Bát Chánh Đạo. Đó chính là thực hành Tam Vô Lậu Học: Giới-Định-Tuệ.
Thực hành Giới-Định-Tuệ, đời sống đạo đức của hành giả được thăng hoa, tâm định tĩnh, trí tuệ phát sáng. Kết quả sơ khởi của việc tu tập, hành giả được giải thoát khỏi một số ràng buộc như ý hay bất như ý trong đời sống hằng ngày. Tiếp tục tinh cần hành trì, buông xả mọi khả ái, khả lạc, khả ưu, khả sân, thường xuyên sống trong chánh niệm, thể nhập Giới-Định-Tuệ, hành giả sẽ thực thụ trải nghiệm trạng thái Xả, là trạng thái tâm hoàn toàn tự do trước mọi vướng bận của cuộc đời. Bấy giờ có thể nói hành giả đã an toàn giải thoát, an trú trong Hữu Dư Y Niết-Bàn ./.