TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO - MỘT NÉT ĐẸP VĂN HOÁ CỦA NGƯỜI BIÊN HÒA
Biên Hòa (BH) quê tôi là một tỉnh lỵ yên bình, được dòng sông Đồng Nai hiền hòa xanh mát bao quanh. Thấp thoáng xa xa có hai ngọn núi nhỏ Châu Thới và Bửu Long, tuy không hùng vĩ lắm, nhưng cũng góp phần tô điểm thêm cho phong cảnh thiên nhiên yên bình và đẹp như một bức tranh vẽ trên một vùng đồng bằng trù phú.
Có lẽ những yếu tố phong thủy đặc biệt này đã giúp cho người dân BH có tâm tính hiền hòa, ham học và đặc biệt là có truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo.
Thật vậy, ngay từ những năm học lớp vỡ lòng ở tiểu học, chúng tôi đã được Thầy Cô dạy ê a đánh vần các câu cách ngôn diễn giải về đạo làm học trò như "Nhất tự vi Sư, bán tự vi Sư"; "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy"; "Không thầy đố mày làm nên" ; "Muốn sang thì bắt cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy Thầy" …
Chúng tôi đã được giáo dục trong học đường là phải luôn kính trọng và lễ phép với Thầy Cô giáo từ trong trường học cho đến ra ngoài xã hội. Học sinh phải có bổn phận vâng lời Thầy Cô và học hành chuyên cần. Nếu có phạm lỗi lầm thì phải biết xin lỗi Thầy Cô và phải biết sửa lỗi.
Khi các học trò nhỏ phạm lỗi, Thầy Cô có nhiều cách để phạt như khẽ tay, quỳ gối, chép phạt, cấm túc... nhưng không quá khắt khe, chỉ vừa đủ để học sinh nhận ra lỗi lầm của mình. Tuy bị phạt, nhưng học sinh không dám buồn giận Thầy Cô và các phụ huynh thì không hề hờn trách vị Thầy, vì họ cho rằng có nghiêm khắc như vậy thì con em họ mới cố gắng học hành nên người. Mẹ tôi là cô giáo có thâm niên dạy học nhiều năm tại BH. Không ít lần có phụ huynh đến gặp để nhờ bà quan tâm dạy dỗ cho đứa con chưa ngoan của họ. Họ nói với mẹ tôi rằng xin cô cứ nghiêm khắc kỷ luật thẳng tay với con họ để cho cháu chăm chỉ học hành không ham chơi lêu lổng nữa. Niềm tin và lòng quý trọng của phụ huynh đối với người Thầy thời ấy gần như là tuyệt đối.
Không chỉ trong môi trường học đường, các vị giáo chức khi ra ngoài xã hội cũng được người dân quý trọng. Thật vậy, người dân, dù bất kỳ là giai tầng nào trong xã hội khi biết được người đang tiếp xúc với họ là Thầy Cô giáo, họ đều có nhiều thiện cảm và trân trọng trong cách xưng hô, gọi là Thầy là Cô, bất luận là người Thầy ấy có trực tiếp dạy dỗ con em họ hay không.
Nếu học sinh phải luôn giữ bổn phận của đạo làm trò, thì Thầy Cô giáo là biểu tượng của một nhân cách tốt đẹp, tác phong đứng đắn, từ cách ăn mặc chỉnh tề đến cách giao tiếp ứng xử lịch sự với phụ huynh và học sinh, với tất cả mọi người trong xã hội, là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Trong suốt cuộc đời đi học, có không ít những vị Thầy đã từng là “Idol” của tôi khi được học và chiêm ngưỡng hình ảnh các vị Thầy Cô ấy uy nghi, uyên bác trên bục giảng, dùng bảng đen phấn trắng để truyền bá kiến thức, khơi gợi và thắp sáng cho chúng tôi những ước mơ, những hoài bão, những khát vọng để vươn tới trong cuộc đời.
Thời ấy, không có ngày nhà giáo 20/11, nhưng với lòng kính trọng và biết ơn thầy cô, các học sinh BH thường thể hiện việc tri ân Thầy Cô bằng những việc làm thiết thực và dễ thương như rủ nhau đến chúc Tết Thầy Cô vào ngày mùng 3 Tết, thăm viếng Thầy Cô khi ốm đau, hoặc cùng nhau hiệp lực giúp Thầy Cô khi hữu sự.
Vào những năm 70-74, người anh lớn của tôi dạy học tại trường Trung Học Công Thanh (Quận Công Thanh- Biên Hòa) (*) . Năm 1973-một biến cố lớn xảy ra trong gia đình tôi là thân phụ tôi qua đời. Trong những ngày tang chế đau buồn ấy, luôn có mặt của một nhóm 5-7 học sinh ở các vùng quê xa xôi của quận Công Thanh đến để giúp đỡ gia đình tôi trong tang lễ. Các anh chị học sinh ấy đã phân công lúc nào cũng có người túc trực để giúp gia đình, thậm chí là cùng thức thâu đêm với chúng tôi. Đến ngày di quan cha tôi về nơi an nghĩ sau cùng, trong số rất đông thân bằng quyến thuộc đến dự, tôi thấy có một hàng dài các anh chị học trò của anh tôi mặc đồng phục, cùng với nhiều thế hệ học trò của mẹ tôi, mỗi người cầm một cành huệ trắng che dù đứng dưới trời mưa lất phất để tiễn đưa cha tôi lần cuối. Hình ảnh cảm động này, cả đời tôi không thể nào quên được.
Tại California, hàng năm hội cựu học sinh Ngô Quyền- BH hải ngoại cũng tổ chức họp mặt với đông đảo cựu học sinh khắp nơi về dự. Trong những dịp hội ngộ như vậy, ban tổ chức đều trân trọng kính mời Thầy Cô về dự để vinh danh công ơn dạy dỗ của Thầy Cô với tình cảm quý kính và trân trọng nhất.
Đối với Thầy Cô còn hiện tiền, tình cảm của học sinh BH là luôn bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn.
Còn đối với Thầy Cô đã quá vãng, các học sinh và người dân BH cũng bày tỏ lòng tri ân đến các Thầy Cô đã có công khai sáng và dạy dỗ cho nhiều thế hệ học trò, bằng việc lập một bàn thờ Tiên Sư tại trường tiểu học cộng đồng Nguyễn Du-BH từ những năm đầu của thập niên 1940s. Bàn thờ Tiên Sư được bài trí trang trọng tại một gian phòng gần văn phòng hiệu trưởng, nơi đây có đặt rất nhiều bài vị của Thầy Cô giáo trong tỉnh BH đã quá vãng. Ngay chính giữa gian thờ, hai chữ "Tôn Sư" nằm dưới tấm hoành "Giáo dục thâm ân" được khắc bằng chữ Nho. Riêng gia đình tôi đã có 4 linh vị đặt tại đây là Ông Nội-Ông Ngoại- Bà Ngoại và Mẹ tôi. Ngày 25 tháng chạp hàng năm được chọn là ngày giỗ Tiên Sư. Trong ngày nầy, rất đông các vị thân hào nhân sĩ của tỉnh, các Thầy Cô,các thế hệ cựu học sinh khắp nơi về dâng hương để tỏ lòng tri ân các Thầy Cô giáo đã có công đóng góp trong lĩnh vực giáo dục của tỉnh nhà.
Thiết lập Bàn thờ Tiên Sư và duy trì lễ giỗ Tiên Sư hàng năm là một nét văn hóa độc đáo riêng có, tiêu biểu cho truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo của Biên Hòa, ít nơi nào có. Rất vui khi tôi được biết truyền thống uống nước nhớ nguồn rất đẹp này vẫn được bảo tồn và duy trì cho đến ngày nay.
Tôn Sư Trọng Đạo vốn là truyền thống văn hóa lâu đời tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân BH nói riêng, để thể hiện lòng kính trọng, biết ơn công lao của Thầy Cô trong việc giáo dục nhân cách và truyền bá kiến thức cho các thế hệ học trò, giúp họ trở thành người tốt và hữu dụng cho đất nước.
Mong sao truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo sẽ mãi mãi trường tồn mọi lúc mọi nơi, để trở thành một trong những thước đo cho sự văn minh và phát triển của xã hội.
(*)Tỉnh Biên Hòa trước 1975 có 6 quận : Đức Tu, Long Thành, Nhơn Trạch, Công Thanh , Dĩ An, Tân Uyên .
(Ảnh tư liệu gia đình)
Hiệp Phan -- SJ- 8/2022