Đường Anh Đi…
LTG:
Thay cho tấm lòng tiếc không thể về quay quần như mong ước
Để đời sống ở trại đỡ chán. Nam kể,
Tôi thực hiện phát qua hệ thống loa của trại, mỗi ngày, một chương trình phát thanh.
Buổi sáng, vào lúc bảy giờ, phát sớm để tránh việc cản trở giờ làm việc của các phái đoàn các nước. Đôi khi họ vì lý do riêng, làm việc thật sớm.
Thời lượng : 45 phút- 1 giờ.
Nội dung: Ba mục chính yếu Tin tức, thời sự cập nhật:
- Phát Bản tin được thu thanh lại từ bản tin của đài VOA hay BBC, tiếng Việt, do các đài này phát hàng ngày.
- Giải trí. Nhạc chọn lọc,
- Hiểu biết, Tư tưởng, Ý kiến :Đọc các bài viết có giá trị sưu tầm được.
Các bài đọc do sưu tầm. Thì phải sưu tầm, tìm đọc.
Có đủ mọi thứ. Tôi phát thanh cho cả trại nghe cho vui.
Bản tin thu âm, mở ra là bà con nghe. Nhạc cũng thu âm. Chỉ còn bài đọc. Thì phải đọc.
Hồi thụ huấn quân trường Thủ Đức, tôi có cái hân hạnh được ở trong Ban Phát thanh Trường Bộ Binh Thủ Đức, khóa chúng tôi. Và trong các buổi phát thanh vào mỗi ngày Thứ Năm hàng tuần cùng các anh Lê Đình Điểu, Phạm Quân Khanh, Trần ngọc Tự, Hà văn Ngạn, Hà ngọc Phúc Lưu, Tạ đức Long (cây vĩ cầm của anh em chúng tôi) … tôi cũng từng đọc tin.
Đọc. Và Phát trên đài phát thanh Quân Đội, Quân lực VNCH. Cho cả nước nghe. Nghe tôi,... và anh em tôi. Nói tin, Đọc chuyện, hát.
Hát với Hà Thanh, với Nguyễn đức Quang,... qua tiếng dương cầm Trần Trịnh. Cả nước nghe…. (Và, riêng một người, nghe, ở mãi tận Bùi thị Xuân, Đà Lạt xa xôi ! Năm nào…) Nên, có sợ gì !
Trong những thính giả của tôi, tôi có thể khoe ra với mọi người.
Có nhà văn Nhật Tiến.
(Lúc chúng tôi ở Trại, gia đình nhà văn vẫn còn gặp khó khăn khi phải chạm trán với chính phủ Thái Lan, đương đầu cùng guồng máy Tư pháp nặng tính bảo vệ quốc thể của họ. Qua vụ kiện về thảm trạng Đảo KRA, mà nhà văn của chúng ta là nạn nhân. Ông muốn tố cáo trước toàn thế giới loài người. Cái thảm nạn dân ta đã phải trải qua. Một thảm nạn mà cái ác của con người với con người đạt đến mức độ vô tiền khoáng hậu.)
Một thính giả nửa, Ông Hoàng văn Giàu. Ông khét tiếng với danh hiệu thủ lãnh sinh viên tranh đấu chống chánh phủ VNCH. một thời. Ông đang che nắng, đục mưa dưới mái chùa của…. trại, thời gian này, để phải bị làm thính giả, nghe tôi.
Có vợ chồng bác sĩ Vương tú Toàn, Nhã-Ý, cùng cô em gái, cô Hồng,… những người rất quen của tôi,… từ quê nhà!
Có vợ chồng Đỗ minh Hưng, có Phạm bằng Tường,.. những người, sau này, hoạt động ở San Jose. Với “Mặt Trận,” với báo chí…
Có Trần Tước, người cùng ghe với tôi, cây đinh của những dịch vụ săn sóc răng của bà con Việt Nam ở San Jose. Một thời. Ông vua không ngai của dịch vụ chăm lo cái răng cái,... (bóp) của bà con ta.
Có Mặc Đạm, có Nữ Họa sĩ Vũ thị Ngà, với người bạn luôn quấn quýt một bên, nữ luật sư Sương. Có Đinh ngọc Trình và cô vợ Nhật Hạ…
Sáng hôm đó chúng tôi phát một bản nhạc, tôi chọn và ưng ý lắm. Vì quá ưng ý. Chính tôi, tôi cũng nghe. Nam kể,
Thu năm qua, đoàn người đi xót xa.
Mang tâm tư, hận sầu vương thiết tha
Hôm nay, nghe tiếng sóng dạt dào
Nghe tiếng gió nghẹn ngào, nhìn làn mây buồn trôi
Ôi quê hương giờ chìm trong khói sương
Mây bao la,gợi sầu ai viễn phương
Bên kia sông ai nở cắt đôi đường
Gieo rắc mối u buồn, tìm đâu tình cố hương
Trần Thái Hòa - Hận Ly Hương (Anh Hoa) PBN 114
Ra đi, xa mái tranh thân yêu
Xa bến xưa cô liêu, với hình dáng quê nghèo
Hôm nay ta lặng ngắm mây trôi
Nhớ về phía xa xôi, hận sầu dâng đầy vơi
Xa quê hương một chiều khi viễn khơi
Bao tâm tư hẹn ngày vui khắp nơi
Thăng Long ơi, không biết tới bao người
Đang sống với mong chờ ngày vui về cố hương…( Hận ly hương; Anh Thơ)
Tôi nghe...( là cái ông Nam, người kể .)
Và tâm tư tôi cũng xót xa...Hận sầu dâng đầy vơi…
Làm sao khỏi được.
Giá mà đừng có buổi sáng đó,… lúc tôi và con tôi ngồi yên trên chiếc xe xích lô máy. Để đi từ Sài gòn, ra bến xe Miền Tây. Mà,
Nhà tôi hai chân dính cứng dưới đất.
Con tôi, ngồi trên xe. Thảng thốt. Khi thấy Mẹ, không như mọi khi.
Lẽ ra mẹ đã ở bên mình nó, ngồi với nó rồi.
Đâu có chậm chạp vậy.
Nó hốt hoảng la (với Mẹ.) “Măn. Sao Măn hổng lên!”
Thấy mẹ vẫn bất động, không cùng lên xe với cha con chúng tôi. Thằng bé lúc bấy giờ, quýnh quáng, nên lại la mẹ, lần này, giọng đầy lo âu, nóng ruột hơn.
“Măn . Sao Măn không lên !!!”
Cuối câu. Giọng con tôi sũng nước.
Con tôi, đã muốn khóc.
Giọng kéo dài với lo âu, lẫn cả cái giận không giấu được. Nên giọng lên cao, kéo dài… sao... không… lên?
Nhà tôi, đứng dưới đất. Bất động!
Tôi. Lòng chết lặng.
Đứt ruột. Ra dấu, nhờ người lái xe đưa cha con tôi đi...
Con tôi bật vươn lên cao, vươn lên cố vươn người lên. Ngó ngoái lại nhìn mẹ, ….
vẫn cứ đứng dưới đường. Không cùng đi với cha con tôi.
Tôi không biết con tôi ngoái lại thấy gì.
Tôi, tôi không ngoái lại nhìn.
Nhưng tôi thấy hết cái thê thảm nhà tôi đang có. Tôi biết nhà tôi sẽ phải rũ người. Như một nhánh rau thiếu nước lâu ngày.
Dáng rũ rượi của một người không còn gì trên đôi tay…
Bao nhiêu yêu dấu dồn cả vào chồng, con. Giờ đây… gửi gió cho mây ngàn bay… Biết có bao giờ gặp lại !?
Bao nhiêu yêu thương ngày cũ. Kể đã xa bay. Biết rồi còn có lại hay không !?
Thân côi giờ chỉ một mình. Giữa con đường Sài gòn thênh thang. Hai hàng cây thẳng tăm tắp. Trong cái nhá nhem đầu ngày.
Vợ tôi đứng rũ người trong chịu đựng…
Con đường đầu ngày vắng hoe. Không một bóng người.
Trước đây, và mới đây...
Vừa mới đây, còn con, còn chồng bên mình.
Bây giờ…
Rồi lê chân, từng bước, từng bước, trở lại đời sống, cố làm như là bình thường. Chờ trông tin con, tin chồng!
Nhà tôi ở lại. “Để lỡ, anh và con có... gì, em còn lo được.
Rồi mình sẽ lo... sau…. Khi anh và con yên.”
Nên người đó. Không có ở đây với cha con chúng tôi.
Chúng tôi xa nhau.
Xa nhau.
“ Nghẹn ngào em thầm hỏi
Người đi có nhớ nhà ? “ (Thơ Lê minh Ngọc.)
Phần chắc, nhà tôi, sẽ như người nữ trong bài thơ “Tâm sự gửi về đâu“ của nhà thơ mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc.
Còn tôi ! Tôi, có hình bóng nào của người trai trong thơ Lê minh Ngọc?!
Anh đi xây lý tưởng
Em ở nghẹn căm thù
Mỗi mùa hoa lại nở
Một hình bóng phiêu du
Cô đơn vai áo bạc
Lênh-đênh vạn gốc dừa
Mơ trời hoa gạo đỏ
Giữa hai mùa nắng mưa
Nhưng, cái hẹn mai về,
Hẹn mai về, mai về...
Xuân rồi xuân, quạnh-quẽ
Thương người em gái quê
Xuân, buồng xuân vắng-vẻ
Dường như là cái chắc mẫm, sẽ là đó,.. !
Là. Những quạnh quẽ, những vắng vẻ,...
Là. Với “ Hoa nắng đường anh đi...
Sẽ là, Dài dài bước thương nhớ
Em xa, giờ nghĩ chi?
Cũng sẽ là, Mây trùng dương cách trở
Là. Dài dài bước thương nhớ. Là. Mây trùng dương cách trở….
Từ cái vụ “Thu năm xưa, đoàn người… đi xót xa.
Rồi kể lại cái chuyện vượt biên.
Để thấy. Người xưa, kẻ nay. Đồng tâm sự.
Ra đi trong xót xa. Quê hương chìm trong khói sương…
Ai kể chuyện mình? Ai xót thương?
Nỗi đau. Của ai người đó biết, và người đó đau. Người khác khó lòng cảm cái đau không phải của mình. Làm sao so sánh.
Nhưng cái tàn khốc trong chịu đựng. Cái này, mức độ của nó, không cần máy ghi địa chấn, sai biệt đo được...
Trong bài thơ “Tâm sự gửi về đâu” của nhà thơ Lê minh Ngọc, Phạm Duy phổ nhạc.
…”Em nhìn mây không cánh
bay về phương trời xa
Nghẹn ngào em thầm hỏi.
Người đi có nhớ nhà ?”
Trong khi với Cao Tần, mới đây thôi, năm 75, cũng Phạm Duy phổ. Bài “Thư quê hương.” Người đi đã… không chỉ là nhớ. Mà chính là sống. Sống trong nỗi đau của người ở lại.
…“ Và gửi cho anh một tờ giấy trắng,
Thấm nước trời quê, qua mái dột đêm mưa.
Để anh đọc: mênh mông đời lạnh vắng.
Em tiếc thương hoài ấm áp gối chăn xưa.”
Mức độ có khác chứ .Những “người đi” như tôi. Tôi, sống. Sống với cái đau của những người tôi bỏ lại.
Còn lời hẹn với Thăng Long.
“…Bao tâm tư hẹn ngày vui khắp nơi
Thăng Long ơi, không biết tới bao người
Đang sống với mong chờ ngày vui về cố hương…”
Có không ? Những người hôm nay. “…không biết tới bao người.” Có ai không ? Nhiều không?... Mức độ có khác không? Khác, theo chiều hướng nào?
Bản nhạc đưa tôi từ “chuyện của mấy ông 1954.” Sang đến thực tế của mình. Những người sau 1975.
Bảo sao mà không xảy ra cớ sự..
Bản nhạc hết. Tôi không hay.
Thường ra… Khi nhạc sắp dứt. Tôi sẽ phải nắm lấy Microphone. Đặt nó trước mặt tôi. Cho nó xa cái máy cassette đang phát nhạc. Nhạc sẽ nhỏ lại, nhỏ dần,...và tôi,. Thì thầm.. như Cô Dạ Lan , trên Đài Phát thanh Việt Nam xưa kia.
Quý vị vừa nghe…(để có cái background của nhạc làm nền cho lời đọc của xướng ngôn viên.)
Đằng này. Tôi quên tịt! Tôi đã để người nghe của tôi phải lạc lõng trong trạng thái “ chết.”... Khá lâu!
Giật mình. Nói ngay không kịp nghĩ.
Nhưng tôi đã, thay vì Quí vị đang cùng chúng tôi nghe một bản nhạc HAY đầu ngày, ( chẳng hạn.) Lại oang oang …Quí vị đang cùng chúng tôi nghe Một bản nhạc Vui đầu ngày!.
Kết quả.
Cả một vùng trại chợt bùng lên tiếng cười. Òa vỡ trong thinh không.
Tôi thử mời. là ông Nam nói.
Xin cứ theo tôi. Cùng chúng tôi. Vào một buổi sáng đầu ngày. Ở với chúng tôi, trong cái Trại tị nạn nhỏ bé Songkhla này. Để thấy thằng tôi trong tiếng cười tôi nhớ mãi.
Trại ở một nơi hẻo lánh của vương quốc Thái.
Cái gọi là Trại, gồm những dãy nhà dài, phần lớn có mái và vách làm bằng lá (dừa.) Những dãy nhà song song này, phân biệt nhau bằng cách đánh số “Lot,” những lot 1, lot 2 ,... cùng những đường ngăn giữa hai căn dãy lot (lô.) khác nhau. Là những đường song song nối hai đường “”trục chính” của trại. Thành hình một cái thang, đặt nằm trên bãi.
Đất trại là một phần của bãi nối với đất liền hiu quạnh quanh năm.
Phần mở ra biển khơi. Mở cho chúng tôi một ít âm thanh, những tiếng sóng rì rào. Cả ngày, cả đêm.
Tiếng sóng không đủ to cho con người lại phải khiếp sợ. Tạ ơn trên!!
Nhưng. Sóng có làm chúng tôi thân quen lại với biển?
Tùy vào trí nhớ mỗi người, cái nhớ về một tiếng động ghi vào tầm tai hay tâm hồn mình cho một thứ tiếng mà phần lớn trong chúng ta chỉ mới làm quen lúc phải ra biển để rời xa nơi mình đã từng coi là nơi chốn cho mình sống.
Nhớ về cái nhớ này, chúng ta nhớ nhiều về những cuồng nộ của sóng biển chập chùng trên sinh mạng con người yếu đuối, bơ vơ, lạc lõng trong đêm đen vẫn không bì nổi những khủng khiếp khi chúng ta ngỡ ngàng, đối mặt thẳng với tàn bạo, hung ác của những người đuổi con dân ra biển, những người thiếu hẳn tình người khi so họ với hải tặc ! Họ , những người xưng là đồng bào với mình.
Ở đây chúng tôi còn có tiếng động khác. Không chỉ có biển khơi, không hề muốn nhớ!
Vọng trong tiếng gió vi vu. Dù là ngày mưa, ngày gió, những hạt mưa rơi lộp độp trên mái lá hay tiếng gió xào xạc vách lá nơi đây, là một thứ tiếng động khác. Thân quen.
Ngày mưa, chúng cũng vẫn như những giọt buồn của ngày tháng mình còn được ở quê mình với vỏng ru, với à ơi tiếng mẹ trong nắng Hạ giữa ao sen Ngày gió, cũng vẫn như cái gió nồm, hay cái an bình thu điếu Nguyễn Khuyến, trong cơn Bấc, chớm Thu,...
Trong một buổi sáng đầu ngày ở một nơi im ắng như thế. Đầu óc đầy những hình ảnh , tiếng động từ quê nhà. Đầy ắp.
Còn thêm chút ít se lạnh miền biển bên ngoài, nên người ta ai cũng nằm trong chăn ấm, thả hồn theo bài hát buồn. Càng buồn, càng thấm!
Vừa lúc cái vô duyên của tôi phá hỏng cái hạnh phúc của họ. Họ chưng hửng. Cái chưng hửng bất chợt tới.
Họ không tin vào cái họ nghe. Họ phải nằm im, nghe lại cái mình nghe lúc nảy. Sao lại có thể.
Rồi…..
họ bật phì cười .
Mọi người. Không thiếu một ai.
Cảm tưởng của tôi như vậy.
Tiếng cười của đồng bào tôi, dành riêng cho tôi.
Hôm ấy. Tôi nhớ mãi.
Lại nữa..
Sau buổi phát thanh. Tôi biết khi tắt loa. Mở cửa phòng ra Tôi sẽ nhìn thấy thằng con trai tám tuổi của tôi. Quanh quẩn. Đứng đợi tôi. Con tôi, từ lúc hai bố con nhập trại, nó chỉ có tôi lúc đêm về. Lúc ngủ.
Đứa con mà mẹ cháu rứt ruột cho ra đi để mong có tương lai và được. Sống cho ra con người. Cùng với bao nhiêu đứa trẻ cùng cảnh ngộ.
Sao không lo.
Còn nhà tôi….
Một trong những người nữ ở lại. Bao nhiêu người ở lại.
Tình cảnh có khác gì người nữ của nhà thơ họ Lê,
Nên Đường anh đi nào chỉ có,
Bước dài thương nhớ
Hay,
Mây trùng dương cách xa!
Lý khánh Hồng
Tâm Sự Gửi Về đâu
Ngoài ấy tuổi xuân lạnh
Rét căm lòng cỏ hoa
Em nhìn mây không cánh
Bay về phương trời xa
Nghẹn ngào em thầm hỏi
Người đi có nhớ nhà?
Ra đi mùa xuân ấy
Mây hồng bay cuối thôn
Hoa vàng cài trên tóc
Em ngây thơ mắt buồn
Trời sáng trong lòng anh
Vực ôm sầu mắt em
Hai đứa hai tâm sự
Xa nhau như ngày đêm
Anh đi xây lý tưởng
Em ở nghẹn căm thù
Mỗi mùa hoa lại nở
Một hình bóng phiêu du
Cô đơn vai áo bạc
Lênh-đênh vạn gốc dừa
Mơ trời hoa gạo đỏ
Giữa hai mùa nắng mưa
Hẹn mai về, mai về...
Xuân rồi xuân, quạnh-quẽ
Thương người em gái quê
Xuân, buồng xuân vắng-vẻ
Hoa nắng đường anh đi
Dài dài bước thương nhớ
Em xa, giờ nghĩ chi?
Mây trùng dương cách trở
Hỡi người em quê hương
Xa nhau vì lý tưởng
Đâu phải vì biên cương!
- Ngàn sau nước mắt rơi trên đá,
Ai kể chuyện mình, ai xót thương?
Lê minh Ngọc.
(Cho người gái xóm đình Yên Thái, đất Xuân Tảo)