TÌNH YÊU NGƯỜI LÍNH GIỮA MÙA CHINH CHIẾN TRONG CÁC NHẠC PHẨM TRƯỚC 1975
Trong 20 năm ( 26/10/1955-30/4/1975) tồn tại của chế độ Việt Nam Cộng Hoà tại miền Nam Việt Nam dù ngắn ngũi nhưng đã để lại một di sản quý giá nhứt cho đất nước trong suốt chiều dài lịch sử về mọi mặt: xã hội, văn hoá, giáo dục, kinh tế, chính trị… Những giá trị đó bao giờ con dân Việt Nam sẽ tìm lại được trong hoàn cảnh quê hương đang oằn oại đươi sự cai trị của đảng cộng sản?
Thôi thì, chúng ta đành khơi lại trong ký ức những gì êm đẹp của thời kỳ tuyệt vời đó để cùng nhau tưởng niệm.
Trong bài này tôi xin nhắc về những tuyệt phẩm âm nhạc trước 1975 nói về tình yêu của người lính trong thời chinh chiến.
Tình yêu của người lính bao gồm cả tình yêu quê hương và tình bạn ngoài tình yêu nam nữ. Và những thứ tình yêu ấy bàng bạc trong các nhạc phẩm của miền Nam trong thời ấy.
TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG CỦA NGƯỜI LÍNH TRONG ÂM NHẠC MIỀN NAM
Năm 1957, nhạc sĩ Lam Phương diễn tả tấm lòng yêu quê hương của người lính chiến trong việc cùng người dân xây dựng miền Nam sau khi thoát khỏi ách nô lệ ngoại bang qua nhạc phẩm Nắng đẹp miền Nam :
“Khi người lính chiến
Đã đấu tranh hiến hòa bình cho Đồng Tháp, Cà Mau
Ta người nông thôn
Quên sương gió góp gian lao lo được mùa mong cầu
Nhờ tình quân dân gây bao niềm thương ấm cúng
Non sông đón bình minh,
Gắng lên với ngày này ta cùng tưới đồng xanh
Rồi sống no lành
Đây quê hương thân yêu miền Nam
Nắng lên huy hoàng đẹp mùa vui sang “
Nhưng giặc cộng từ miền Bắc xâm nhập vào miền Nam âm mưu nhuộm đỏ miền đất tự do, thanh bình này. Và tình yêu đất nước, dân tộc khiến người lính lên đường chiến đấu bảo vệ quê hương:
“Anh đi chiến dịch xa vời,
Lòng súng nhân đạo cứu người lầm than
Thương dân nghèo ruộng hoang cỏ cháy.
Thấy nỗi xót xa của kiếp đoạ đầy anh đi”
(Anh đi chiến dịch~Phạm Đình Chương-1964)
Trong cuộc chiến dai dẵng 20 năm, người lính sẵn sàng hy sinh mạng sống để mong quê hương thanh bình, nhân dân an lạc:
“Rồi đây mai ngày ai hỏi đến tên tôi
Bạn ơi ! hãy nói khoác chiến y rồi
Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên Giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền Có về là khi nước non vui bình yên”
(Biệt kinh kỳ-Minh Kỳ và Hoài Linh)
TÌNH BẠN CỦA NGƯỜI LÍNH TRONG ÂM NHẠC MIỀN NAM
Cùng lứa tuổi đôi mươi, khi vào lính ba người bạn lại đi ba quân chủng khác nhau:
“Người lướt mây trời
Vui kiếp sống không trung
Với một kẻ đi tìm
Vào sóng nước mênh mông
Còn riêng mình tôi vai ba lô về khu chiến
Nghe đường dài thêm...”
( Chúng mình ba đứa-Song Ngọc và Hoài Linh)
Có khi hai người lính quen nhau khi thụ huấn cùng một quân trường:
“Tôi, nó sinh ra nhằm chinh chiến mới quen nhau mà thương mến
Nó quê ngoài kia từ lâu lắm chưa lần về
Ngày tôi gặp nó nét đăm chiêu đêm nhập ngũ
Thấy thương nhau nhiều quá”
Nhưng lúc ra trường hai người hai ngã, đến khi được tin nhau là tin buồn:
“Hôm chia tay hai đứa cùng bùi ngùi
Ngày mai nó, tôi trên ngưỡng cửa cuộc đời
Dặn nhau gắng vui
Dù cho vành môi xé khô mấy cũng mỉm cười
Hai năm sau mới có thư về
Nhìn con dấu ghi nơi nắng cháy biên thùy
Người quen cho biết tin
Bạn tôi thân mến, đã liệt oanh ngã xuống, khắp đơn vị tiếc thương"
(Nó và tôi - Song Ngọc và Vọng Châu)
TÌNH YÊU NAM NỮ CỦA NGƯỜI LÍNH TRONG ÂM NHẠC MIỀN NAM
Dù tình yêu quê hương là cao cả và tình bạn cũng đáng quý nhưng thứ tình mà người lính nào cũng vương vấn là tình yêu nam nữ.
Người lính chiến khi bắt đầu khoác chiến y thường trong độ tuổi biết yêu vì vậy trong các nhạc phẩm miền Nam không thiếu gì cảnh bịn rịn chia tay đầy nước mắt của hai kẻ yêu nhau.
Khi chàng còn thụ huấn ở quân trường thì nàng đến thăm :
“Hôm nay ngày Chúa Nhật, vườn tao ngộ em đến thăm anh.
Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi
Mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên rồi”
(Vườn Tao Ngộ - Khánh Băng)
Đời trai trong thời buổi loạn ly, nhiệm vụ là lên đường bảo vệ quê hương rời bỏ mái trường và người yêu nhưng nỗi nhớ nhung đeo đuổi chàng trên bước đường hành quân:
“Từ khi anh thôi học, từ khi đôi đứa đôi đường
Từ sông ngăn núi trở ....Tạ từ không nói nên lời
Từ khi gót sông hồ ngược xuôi,
Ôi những đêm thật dài hồn nghe thương nhớ ai “
(Tâm sự người lính trẻ - Trần Thiện Thanh)
Lúc dừng quân ở một tỉnh nhỏ buồn hiu hắt, nỗi nhớ thương người yêu trong lòng người lính chiến càng quay quắt nhứt là về đêm:
“Ở phương này vui kiếp sống chinh nhân nhưng không quên dệt mơ ước
Ước ngày nao quê hương tàn chinh chiến cho tơ duyên được thấm màu
Và phương đó em ơi có gì vui xin biên thư về cho anh
Nhớ thương vơi đầy đêm nay trên đồn vắng
Thương em anh thương nhiều lắm
Em ơi biết cho chăng tỉnh lẻ đêm buồn”
( Đêm buồn tỉnh lẻ - Tú Nhi)
Một người ngoài tuyến đầu, một người ở hậu tuyến nhưng tình yêu họ vẫn đong đầy ngay cả trong giác mơ:
“Em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến
Chúng ta cách xa rồi nhưng tình đâu có chia phôi
Mình gọi tên nhau nhớ nhau trong mộng thôi
Tha thiết yêu nhau mà vui”
(Anh tiền tuyến , em hậu phương-Minh Kỳ)
Trong thời chinh chiến, người lính có rất ít thời gian gặp lại người yêu. Bởi vậy anh tận dụng những giờ phép ít ỏi để đến bên người yêu:
“Bốn giờ đi, dài thêm bốn giờ về
Thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi
Ta đưa ta đến vùng tuyệt vời”
(24 giờ phép - Trúc Phương)
Nhưng gặp nhau rồi lại xa nhau, người con gái sao cầm được nước mắt dù người yêu lính chiến của mình tìm mọi cách an ủi:
“Anh hiểu rồi đây khuya nay em về trăng gầy soi bóng
Nên em cúi mặt ngăn giòng nước mắt phút giây tạ từ
Đừng buồn nghe em, tuy anh biết rằng xa xôi vẫn làm tâm tư héo mòn
Nếu em đã trọn thương anh xa vắng
Xin em chớ buồn cho nặng lòng chinh nhân”
(Tạ từ trong đêm - Trần Thiện Thanh)
Chiến tranh kéo dài và những trang tình sử thời chinh chiến càng dầy thêm nhưng phần lớn kết thúc trong đau thương, chia lìa ngay khi cuộc chiến đang tiếp diễn hay lúc tàn cơn binh lửa.
Người lính chiến trở về có khi với thân hình không còn nguyên vẹn, có khi trong hòm gỗ cài hoa:
“Em hỏi anh. Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở lại với kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông anh cho làm kỷ niệm
Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân“
…
“Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa,
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng”
(Kỷ vật cho em - Phạm Duy)
Cò cảnh nào bi thảm hơn cảnh một goá phụ ngây thơ tuỏi mười tám, đôi mươi, chít vầng khăn tang đi nhận xác chồng:
“Bây giờ anh phủ màu cờ
Em không nhìn được xác chàng
Anh lên lon giữa hai hàng nến trong
Mùi hương cứ tưởng hơi chàng
Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu
(Tưởng như còn người yêu- thơ Lê Thị Ý, nhạc Phạm Duy)
Tàn chinh chiến, người lính thuộc “bên thua cuộc” phải vào tù cải tạo nhưng người yêu, người vợ vẫn thuỷ chung làm cái cò buôn tần, bán tảo cả bán máu để nuôi con và lặn lội đi thăm người yêu, người chồng:
“Cái cò ngày nay mơ tìm chén gạo
Giọt máu đào dành để bán nuôi con
Cái cò ngày nay gối mỏi chân mòn
Vai gánh vai gồng đi thăm chồng cách núi ngăn non”
(Cái cò - Nguyệt Ánh)
Ôi tình yêu người lính chiến miền Nam sao thơ mộng, lãng mạn nhưng cũng đầy đau thương, bi hận được minh hoạ qua những nhạc phẩm miền Nam mà trên đây chúng ta chỉ đưa ra một số nhạc phẩm tiẻu biểu.
Âm nhạc đích thực phát xuất từ sự rung động của trái tim chứ không từ mục đích tuyên truyền, khích động, đó là điểm khác nhau giữa nhạc vàng và nhạc đỏ.
Viết nhân kỷ niệm Ngày Quân Lực VNCH 19-6-2022
Huỳnh Công Ân