Người xưa thường nói : “Tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ“. Theo ba tôi trước tiên phải lo tu chỉnh bản thân để quản trị mái ấm gia đình tốt đẹp, còn việc trị quốc bình thiên hạ tính sau.
Sinh ra vào đầu thập niên thứ hai thế kỳ 20, ba tôi chịu ảnh hưởng của hai nguồn văn hoá Nho giáo và phương Tây, lúc đó Việt Nam còn bị người Pháp đô hộ. Ông nội tôi không giận ba tôi sao được khi công việc ruộng nương lam lũ hàng ngày không có người phụ giúp mà chỉ có ba tôi là con trai duy nhất. Ba tôi cho rằng thà chịu mang tội bất hiếu, phải thoát cảnh cày sâu cuốc đất bắt tép mò tem mỗi ngày quanh luỹ tre làng. Mù chữ dốt nát dễ bị trị lắm. Ba tôi mạnh dạn làm cuộc cách mạng bản thân. Phải thoát nghiệp nông dân. Phải đi học.
Thương con bà nội tôi mỗi ngày né tránh ông tôi lo dỡ cơm bằng mo cau cho ba tôi đi học từ 4 giờ sáng. Nhà ở xóm cầu Ông Tiếp, đi đò qua sông ở Bến đò Trạm. Bên kia sông là xã Bửu Long(BL), ba tôi đi bộ từ BL xuống trường tiểu học Biên Hoà (BH), (“Ecole Primaire de Biên Hòa”) sau đổi tên là Trường tiểu học Nguyễn Du, chỗ ba tôi bắt đầu học vỡ lòng.Trường dạy mỗi ngày 2 buổi, ông thầy bà cô có người Pháp và một vài người Việt. Nghe, nói, viết, đọc tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Việt. Học trò được dạy kèm theo với kỷ luật sắt theo chương trình Pháp. Nếu ai có coi phim Ý “ Paradiso” sẽ biết có chỗ cậu bé học trò chỉ vì không thuộc cửu chương, cô giáo hỏi 5 lần 5 là mấy, cậu bé trả lời 5 lần 5 là Christmas, bị cô nắm đầu đập vào bảng đen nghe cốp cốp. Ui cha đau quá. Còn trong lớp học của ba tôi thì roi mây thước bảng lúc nào cũng có sẵn cạnh bàn thầy cô để “ đo” em nào có lỗi. Ôi lối giáo dục thời đó nghe sao đáng sợ quá vậy ?!…Học vì thích mà học cũng vì quá sợ thầy cô, mỗi ngày ba tôi đi sớm về tối.Về nhà trời đã đỏ đèn. Thấy ba tôi đi học vất vả quá, bà cố tức bà ngoại của ba tôi mới “ tậu “ cho ba tôi chiếc xe đạp hiệu Peugeot. Sau nầy đã có chị anh em chúng tôi rồi, chiếc xe đạp đó rỉ sét gãy sườn xẹp bánh, ba tôi vẫn treo trên tường gần nhà bếp. Má tôi đề nghị đem nó bán ve chai. Ba tôi phản đối. Ba tôi “ hoài cảm “ …
Tuổi thanh niên lớn lên trong xã hội bị Tây cai trị tàn ác cùng với sự bất an đối với phong trào chống Tây của Việt Minh (VM), ba tôi lại suy nghĩ phải làm sao thay đổi cuộc sống cơ cực nầy? Có một lần ba tôi suýt chết vì sự trùng âm qua tên. Hôm đó đi công việc từ BH về, vừa qua sông có một số bà con thân thuộc ở xóm nóng ruột đón ba tôi bảo ba tôi phải trở lại BH ngay vì Tây đang đón bắt ba tôi , nghi ba tôi là VM. Ba tôi không trở lại BH mà đi thẳng gặp viên chỉ huy người Pháp. Cải chính với hắn gần 1 giờ đồng hồ vì tên VM mà Tây muốn bắt tên Nguyễn văn Nam, trong khi tên ba tôi là Nguyễn văn Năm. Sau này ba tôi kể cho con cháu nghe nếu bà nội không cho đi học là ba bị Tây giết rồi. Cũng thời buổi đó , cứ năm ba ngày dân làng lại nghe những người làm việc cho Tây như làm Tổng, làm thư ký, làm lính gác, làm bất cứ việc gì có liên hệ với Tây là bị VM bắt … Lo âu vì cuộc sống ngày đêm không ổn, ba tôi quyết định tạm từ giã quê nhà. Đối với văn hoá cổ truyền VN, nhất là ở làng quê thời đó, ai bỏ xứ mà đi sống xứ khác bị mang tiếng không tốt tương tự như phụ nữ lấy chồng Tây, bị gọi là me Tây, làm một việc “ điếm nhục gia phong”!…Mặc cho ai nói, ba tôi đã quyết định, một quyết định mà má tôi cho là táo bạo, bỏ xóm làng nhà thờ tự sau lưng đi với má tôi cùng với chị hai anh ba tôi còn bé nhỏ lên sống ở vùng đất rừng xa lạ có tên là Trảng Bom (TrB) cách BH khoảng 20 km về phía đông.
Lúc đó vào khoảng những năm cuối thập niên 1940,Trảng Bom không có ruộng vườn , chỉ có đất hoang , rừng và suối nước chảy rốc rách.TrB như một vùng đất hứa cho nhiều người từ nhiều vùng xa khác tới lánh nạn tìm chỗ bình an để sinh sống. Ba tôi dùng sở học ít ỏi của mình khai phá trí tuệ dân làng ở đây. Ba tôi mở trường dạy học .
Ban đầu trường còn nền đất, vách lá mái tranh. Trường còn dạy tiếng Pháp. Ba tôi cố xen thêm vào tiếng Việt. Dần dần số học trò gia tăng, tình hình chính trị trong nước cũng thay đổi. Hiệp định Geneve được ký kết. Đệ nhất cộng hoà có ở miền nam. Trường học do ba tôi thành lập đầu tiên ở TrB được công nhận bởi Ty Tiểu Hoc Biên Hoà.Trường dời về gần Sở Quốc Gia Lâm Viên, nền xi măng cao, mái tole.Trường được xây có 3 phòng học : lớp năm ( lớp 1 ) người dạy là thầy Hoàng người Bắc Kỳ di cư tới, lớp tư (lớp 2) do thầy Nhứt người Tây Ninh đến, và lớp ba do ba tôi dạy và làm Trưởng Giáo. Trường bỏ hẳn tiếng Pháp , chỉ dạy tiếng mẹ đẻ mà thôi.Tôi còn nhớ lúc tôi mới 3-4 tuổi, cứ vài ba ngày ba tôi đi dạy chở tôi theo ngồi trên porte bagage , yên sau xe đạp của ba đưa tôi vô dự thính lớp 5 của thầy Hoàng. Cứ mỗi lần bắt đầu giờ học, tôi bắt chước theo các anh chị 7- 8 tuổi học sinh trong lớp đứng lên hát bài “ Ngô Tổng thống Ngô Tổng thống muôn năm.Toàn dân VN nhớ ơn Ngô Tổng thống…”, vừa hát vừa nhìn lên hình Ngô Chí Sĩ được treo trên tường cao phía trên bảng đen phía sau lưng thầy dạy.
Từ phải sang trái: Ba tôi với học sinh đi dã ngoại
Rồi sinh hoạt của cư dân TrB từ từ trở nên sầm uất. Nền giáo dục ở đây dần dần tiến triển, dân cư cũng gia tăng, và dân số trong nhà cũng gia tăng.
Gần cuối thập niên 1950, ba má tôi đã có tới đứa con áp út thứ chín. Nghĩ tới sự học của đàn con đang lớn, ngập ngừng phải chia tay vùng đất rừng đang phát triển kinh tế, giáo dục, ba tôi lại làm một cuộc cách mạng mới.Từ giã trong sự luyến tiếc của dân làng vì họ kính trọng ba tôi như một người sáng lập văn hoá giáo dục từ khởi điểm số không. Đồng thời thầy Hồ văn Tam lúc đó làm Trưởng Ty Tiểu Hoc BH, muốn ba tôi suy nghĩ kỹ trước khi quyết định rời TrB trở về BH.
Như đinh đóng cột, bỏ lại một thời hoạt động của tuổi trẻ ở TrB, ba tôi đưa gia đình trở về quê cũ. Lúc đầu ba tôi có dự định an cư tại BH, nhưng không hiểu sao, theo ba tôi kể, có lẽ vì tình hoài hương, ba tôi đưa cả nhà về mái nhà xưa, mái nhà ba tôi đã từng sống cùng ông bà. Sau đó để thuận lợi hơn, ba tôi bán hết đất ruộng của ông bà nội để lại, sang lại ngôi nhà cũ cho chú ba Hỏi, người giúp việc cho ông bà tôi. Ba tôi dời đô từ nhà cũ xóm cầu Ông Tiếp lên “ downtown “, khu thị tứ của Tân Ba (TB) gần chợ , để tiện cho con cái của ba đi học.Thời đó ở TB, trường tiểu học ở trên Chợ Cũ , chỉ có 3 phòng , học sinh phải vô đình chùa để có chỗ ngồi học. Còn trường trung học thì phải lên quận Tân Uyên . Theo hệ thống giáo dục hành chính, học trò tiểu học ở Tân Ba phải thi vô lớp đệ thất của trường trung học quận Tân Uyên. Mấy năm đầu lúc mới về TB , sinh hoạt xã hội còn có vẻ thái bình, tôi nhớ những đêm rằm có gió mát trăng thanh mấy anh chị em chúng tôi vui đùa bên ba tôi nằm trên ghế bố có má tôi ngồi cạnh, với nồi khoai luộc hoặc nồi chè đậu xanh. Rồi sau đó không biết từ đâu tiếng súng vọng về, cảnh thanh bình cửa thường bỏ ngõ không bao giờ có nữa… học trò ở TB trên đường lên Tân Uyên học nhiều khi phải trở về vì đường xá bị đập mô, còn có lúc đang học, thầy trò phải chui xuống bàn vì sợ đạn pháo kích. Biết được sự bất an như vậy, đang thời gian dạy học ở trường tiểu học Tân Hạnh, ba tôi đưa chị anh em chúng tôi học trung học ở Biên Hoà. Ở bậc tiểu học , ba tôi chỉ cho anh ba và anh năm tôi học ở trường tiểu học Nguyễn Du.
Tôi nhớ anh năm tôi học lớp nhất của thầy Huỳnh Ngọc Chấn. Cuối năm anh được phần thưởng danh dự của tổng thống Ngô đình Diệm, và tôi không bao giờ quên nét mặt hân hoan của ba tôi khi anh đậu thủ khoa vào trường trung học Ngô Quyền (NQ).
Anh năm tôi, Nguyễn ngọc Xuân, lúc thi vô đệ thất NQ
Ba tôi vui vẻ nói với má tôi mỗi lần đi lảnh lương ở ty tiểu học về. Ba tôi nói ông giáo Lê văn Đấu , phát ngân viên ở Ty Tiểu Hoc BH , nói anh Năm, tức ba tôi, có thằng con học giỏi quá… Rồi anh năm tôi học xong trung học ở NQ anh được Nha Học Bổng và Du Học chấp thuận hồ sơ đi du học có học bổng ở Pháp Quốc.
Anh năm tôi lúc học thêm Pháp Văn ở Centre Culturel Francais, Sài Gòn
Nhưng Trời không thuận lòng người, anh vượt qua kỳ thi viết nhưng anh thi không lại với những thí sinh tốt nghiệp từ trường Tây như Lasan Taberd, Marie Curie…trong cuộc thi oral, thi vấn đáp. Nếu anh nộp đơn xin đi Đức, Ý thì có lẽ thành công vì các xứ nầy không khảo sát sinh ngữ. Kết quả không toại nguyện, anh tôi buồn , ba tôi an ủi : “ Không sao đâu, rồi con sẽ có cơ hội tốt khác.” Đúng vậy, sau thời điểm đó không lâu , anh trúng tuyển vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.Thanh niên sinh viên thời đó có châm ngôn: “Nhất vô Y khoa , Nhì ra Hành Chánh “. Và ba tôi nói với các anh tôi rằng người Pháp thường nói người Việt Nam nào cũng có đầu óc ông quan trong đầu , lần này con có làm quan thật sự nhớ đừng quan liêu hống hách mà nên giúp đỡ dân nghèo ít học vì ra chỗ công quyền họ rất rụt rè…..
Thuở tôi còn nhỏ học tiểu học, làng quê TB nhà cửa còn thưa thớt , thường là những mái nhà thấp lè tè lợp ngói âm dương nền đất hay xi măng . Ba tôi từ TrB về , từ cầu Ông Tiếp nhà nội ba tôi dời về gần chợ TB , cất mái nhà tô lợp ngói tây, nền gạch bông xung quanh nhà có vườn cây ăn trái , có hàng kiểng trước sân nhà trong đó ba tôi trồng cây tùng bách táng dạng giống như cây thông ở xứ lạnh. Cây tùng bách nầy do Sở Quốc Gia Lâm Viên Trảng Bom tặng ba tôi khi ba tôi rời nơi nầy. Có 1 giáo sĩ người Bỉ , người sáng lập và tài trợ cho Trung Tâm Trại Cùi Bến Sắn. Bến Sắn nằm trong xã Khánh Vân , một xã đèo heo hút gió khỉ ho cò gáy gần Tân Uyên . Ông giáo sĩ nầy lấy làm ngạc nhiên khi đi ngang nhà tôi thấy cây thông tùng bách táng giống như ở xứ lạnh quê ông. Có mấy lần ông ghé vào nhà tìm gặp ba tôi. Hai người hàn huyên với nhau bằng tiếng Pháp. Sau khi ba tôi bảo đem nước trà mời ông , mấy anh em tôi ngồi trong lắng nghe ba mình nói tiếng Tây với người ngoại quốc lần đầu tiên anh em tôi gặp . Chúng tôi cảm thấy ngưỡng mộ ba mình quá cũng như tôi ngưỡng mộ ba tôi khi tôi bị tai nạn gãy chân lúc tôi học lớp nhất.Thương con gái sợ tôi bị thương tật ba tôi đưa tôi vào bệnh viện Đồn Đất tức bệnh viện Grall để điều trị. Ba tôi gặp y tá và bác sĩ người Pháp nơi đây, trần tình với họ về tình trạng sức khỏe của tôi . Đám con chúng tôi học Pháp văn 7 năm ở trung học mà cảm thấy thua ba mình xa lắc dù ba mình chỉ học tiểu học thời Pháp thuộc. Hỏi sao ba nói tiếng Tây hay quá, ba tôi cười nói do thầy cô dạy quá nghiêm khắc, và sợ quá mà phải học.
Ba tôi tâm sự giấc mơ của ba tôi thời tuổi trẻ là uớc sao được vô học trường Chasseloup-Laubat , một loại trường Lycee sau là College của chính phủ Pháp, học sinh thuờng là xuất thân từ gia đình giàu có có học lực rất giỏi. Có nhiều người nổi tiếng học ở đây như học giả Vương Hồng Sển , tuớng Dương Văn Minh , ông hoàng Cambodia Shihanouk … Ba tôi nói dù không đủ các điều kiện đó nhưng ba tôi vẫn ôm mộng khó thành đó hoài đến khi có chị anh em chúng tôi rồi. Dù thực tế biết mình chỉ là thầy giáo làng tài lực hạn hẹp , ba tôi vẫn ôm mộng mình giỏi như những người đồng thời của ba học ở trường Chasseloup-Laubat để ba tôi có cơ hội dẫn dắt thế hệ đàn con của ba khá hơn. “Con hơn cha là nhà có phước “, “ Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rong, nhất nông nhì sĩ “, hạnh phúc và phải bằng lòng với những gì mình đang có , ba tôi thường nhắc nhở với chị anh em chúng tôi như vậy…Hồi tưởng lại thương ba tôi quá .Trong hoàn cảnh không vui của thế hệ mình, ba tôi với sức mình luôn muốn thay đổi gì đó mới hơn tốt đẹp hơn cho đám con của mình.Vào thời kỳ tuổi trẻ của ba tôi cho đến khi chúng tôi đã trưởng thành, sự học và vị trí của kẻ sĩ được tôn trọng nhất trong xã hội.
Ba tôi có phần bằng lòng thời đệ nhất cộng hòa vì vào thời này công chức được ưu đãi và nếp sống người dân có nền nếp trật tự. Con cái của công chức được ăn theo lương tới năm 18 tuổi. Đến tháng 11 năm 1963, nền đệ nhất cộng hòa sụp đổ .Tiếp theo là nền đệ nhị cộng hoà thay đổi nhiều về chính trị , xã hội , kinh tế so với trước. Chiến tranh Nam Bắc xuất hiện đó đây ở miền nam và ngày một leo thang. Người Mỹ, quân đội Mỹ và quân đội đồng minh như Đại Hàn , Phi Luật Tân , Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan… vào miền nam từ 1965 . Nền nếp đạo đức giáo dục xã hội thay đổi theo với người ngoại quốc vào. Sinh hoạt đời sống gia đình cũng thay đổi theo. Ba tôi bắt đầu ưu tư nhiều hơn về tương lai con cái. Không hẳn là làm thế nào cho các con có cuộc sống khá hơn thế hệ mình , mà lúc nầy ba tôi phải tìm cách đối phó sao cho tài chính gia đình thích ứng với tình trạng mới.
Ý thức được nỗi lo và thương ba tôi, chị hai anh ba tôi nghỉ học sớm đi làm để phụ ba thêm vào quỹ tài chính gia đình cho các em đi học. Chị hai tôi đầu tiên xin vô làm thơ ký cho hãng kem đánh răng Perlon ở Chợ Lớn , rồi về BH làm việc cho Nam Đô Ngân Hàng, ngân hàng tư đầu tiên có ở BH.
Chị hai tôi, Nguyễn thị Thu Cúc, trong ngày Nam Đô Ngân Hàng khai trương ở BH. Hình chị hàng đứng từ phải sang trái
Chị hai tôi phụ trách trương mục tiết kiệm của NĐNH
Anh ba tôi thì thi vô học trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn.
Anh ba tôi, Nguyễn xuân Hoa, hàng đứng từ phải sang trái, người thứ hai. Anh chụp với các giao sinh của trường QGSPSG\
Lịch sử lại tái diễn.Với hình thức nầy hay hình thức khác, chiến tranh cứ tiếp diễn ngày càng tang thuơng khốc liệt.
Tôi nhớ có một lần lúc anh năm tôi học lớp đệ lục tức lớp 7, anh có bài viết đăng trên Giai Phẩm Xuân Ngô Quyền với tựa đề “ Ba, buổi chiều không yên lặng nữa “, anh đưa cho ba tôi đọc. Đọc xong, ba tôi cảm động dụi mắt xoa đầu anh tôi rồi nói : “ chiến tranh phức tạp lắm, con còn nhỏ lắm không hiểu hết đâu, lo học thôi…” Rồi tết năm mậu thân 1968 lúc tôi học đệ ngũ tức lớp 8 không khí chiến tranh lan tràn từ quê đến tỉnh. Chiều 30 tết, anh ba tôi chạy xuống BH mua 1 bao đồ hộp đồ ăn Mỹ để dự trữ vì sợ giới nghiêm.Vừa cúng xong đón mừng năm mới đêm giao thừa, âm thanh tiếng súng xa cùng với hơi của tiếng bom nổ từ đâu không rõ làm trái cây chưng cúng trên bàn thờ rớt xuống lộp độp. Ba Má tôi lo lắng vô cùng , đón tết năm đó lo nhiều hơn vui. Rồi đến mùa hè Đỏ Lửa 1972 , chiến tranh đi với chết chóc mất mát ngày càng dữ dội. Đa số thanh niên miền nam phải xếp bút nghiên lo chuyện đi lính. Ba tôi lo lắng không ít cho mấy đứa em trai của tôi trong nhà…
Ba tôi không biết uống rượu uống bia nhưng ba tôi thích uống cà phê hút thuốc.Tôi nhớ ba tôi thường đọc tờ báo Chính Luận mà anh ba tôi mua cho ba tôi đọc mỗi ngày. Dù lo toan cuộc sống nhưng ba tôi có tâm hồn nghệ sĩ lắm. Thỉnh thoảng muốn nghe nhạc sống, ba tôi kêu anh ba tôi lấy cây đàn mandoline ra , cây đàn mà ba tôi thưởng cho anh ba tôi lúc anh thi đậu vô lớp đệ thất trường NQ, đàn cho ba tôi nghe bài “ Trăng mờ bên suối “ của nhạc sĩ Lê mộng Nguyên , để ba tôi nhớ lại những con suối nước trong veo mát lạnh ở TrB cùng bạn hữu tổ chức picnic vui cả ngày nơi đây, hoặc bài “ Hè Về “ của nhạc sĩ Hùng Lân để ba tôi nhớ lại những đứa học trò một thời dạy học. Có lúc anh ba tôi xen vô bài “Nửa đêm ngoài phố “ của nhạc sĩ Trúc Phương, ba tôi ngạc nhiên hỏi bài nhạc gì nghe mùi vậy. Anh ba tôi cười nói : “ thay đổi không khí mà ba “. Ba tôi triết lý : “một điệu dù có hay nghe hoài thành chán , biết đổi mới cho hay hơn , nhịp nhàng hơn thì mới vui hơn…”.
Ba tôi và anh ba tôi ở Suối Đá, TrB, hình từ trái sang phải.
Mái nhà tranh luôn có trong tâm hồn ba tôi thời tuổi trẻ
Mấy năm đầu sau biến cố lịch sử năm 1975, ba tôi buồn hiu hắt trong cô đơn. Những người con của ba tôi không đúng ước vọng như ba tôi mong đợi, mỗi người một nơi, có người mất đi có người ở gần có người ở xa ba xa má hàng vạn dặm. Không người con nào báo hiếu cho ba mình được. Gặp được đứa con nào, ba tôi không còn nói “ vouloir c’est pouvoir “ (muốn là được) như lúc chúng tôi còn nhỏ nữa.Về già chỉ nghe ba tôi nói : “ tất cả con người đều có số phận do vận mệnh đưa đẩy , chưa chắc muốn là được dù có cố gắng. Người có Số Trắng (tốt), có thể bị thành số Đen ( xấu), mất màu , xuống cấp. Số Đen có thể lột xác thành số Trắng, vinh quang , hạ cấp thành lên cấp.Thôi thì trong hoàn cảnh không thay đổi được thì phải ráng chấp nhận, chịu đựng và cố gắng tiến lên…” thời đã thế thế thời phải thế!…”.Lại có khi ba tôi nói nửa đùa nửa thật: “ mấy mộng của ba giờ thành mộng dừa hết rồi !…”.
Chị anh em chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm vui buồn với ba tôi. Ngày nào chúng tôi cũng thương ba nhớ má, cũng là father’s day, mother’s day.
Ba ơi, lúc con còn nhỏ xíu, ba hay nói con đâu phải là con của các chú (khách trú, người Tàu)) mà sao con thích ăn mì, để rồi mỗi lần ba đi lảnh lương ba dắt con theo cho con ăn mì chú Mừng, rồi lại tiệm thuốc tây Hồ Văn Lâm ở đầu đường Nguyễn thị Giang chợ BH, mua thuốc bổ gan Hoà Lan hiệu Hephathex, để con được thầy bảy, người coi quản tiệm thuốc cho con hộp kẹo pastilles kim vį the the màu xanh bạc hà mà con thích… chắc ba đang mĩm cười nơi chín suối…🙇🏻♂️🙏
Nguyễn thị Ngọc Sương, con gái thứ sáu của ba tôi
Nguyễn thị Ngọc Sương, khoá 10, NQ
Minnesota, tháng 6, 2022