HOÀI NIỆM VỀ CẢI LƯƠNG XƯA
Tôi có người bạn làm chung hãng. Anh là người miền tây chánh hiệu: mộc mạc, chân thành và đặc biệt có sở thích là nghe cải lương (CL) trong giờ break time.
Trong Parking lot của hãng, xe tôi và xe anh thường đậu cạnh nhau. Tôi thường nghe văng vẳng từ xe anh các bài ca vọng cổ qua các giọng ca Lệ Thủy, Thanh Sang, Minh Vương...
Định cư ở nước ngoài nhiều năm, nay tình cờ nghe lại làn điệu CL, tôi cảm thấy lạ lạ và hay hay.
Tôi hỏi anh tại sao không nghe nhạc Bolero hay các loại nhạc khác mà lại thích nghe CL như vậy? Anh trả lời: “Tui là dân Bạc Liêu, từ nhỏ đã biết ca CL. Các bài ca vọng cổ đã thấm vào trong máu của tui rồi! Nhạc Bolero tuy có hay nhưng tui thấy nghe không "đã" bằng CL".
Tôi thì không mê CL đến nỗi để nó thấm vào huyết quản như anh. Thậm chí tôi đã từng cho CL là loại nghệ thuật hơi "quê quê", có lúc còn giễu cợt những người mê CL là có tình cảm ủy mị, bi thương, sướt mướt…
Nhưng sau một thời gian dài sống ở nước ngoài, hội nhập vào nền văn hóa mới, tôi hầu như quên hẳn bộ môn nghệ thuật độc đáo này của nước tôi; nay tình cờ nghe lại các làn điệu CL từ người bạn, tôi cảm thấy thú vị vô cùng.
Thật ra, tôi đã từng biết đến CL từ lúc còn rất nhỏ. Vào lúc 6-7 tuổi, tôi theo gia đình thăm ông bà ngoại ở Vũng Tàu. Bà tôi rất mê CL. Bà có thói quen nằm võng đong đưa, ôm chiếc radio nhỏ hiệu Phillips trong lòng, để đón nghe CL từ đài Phát Thanh SG lúc 9 giờ tối. Một lần, tôi ngồi bên cạnh bà, nghe cô Mỹ Châu hát vọng cổ trong vở tuồng" Áo vũ cơ hàn" của đoàn Kim Chung. Tôi bị hấp dẫn bởi tích tuồng quá hay và giọng ca mượt mà của cô. Từ đó, làn điệu ngọt ngào của các câu vọng cổ đã đi vào tiềm thức của tôi lúc nào không hay.
Khi tôi lớn lên một tý vào những năm 1967-1968, khi người dân miền nam bất đầu làm quen với vô tuyến truyền hình VN (TV), tôi lại có dịp gần gũi và xem CL nhiều hơn trên TV qua các đoàn CL Kim Chung, Hương Mùa Thu, Thanh Minh Thanh Nga, Dạ lý Hương…, sau này còn có thêm đoàn CL Hồ Quảng Huỳnh Long, Minh Tơ... vào mỗi tối cuối tuần vào lúc 9 giờ. Khi ấy cả gia đình tôi quây quần bên chiếc TV Denon 19”, các cánh cửa nhà được mở rộng ra để đón mọi người trong xóm đến cùng thưởng thức.
Thời ấy CL có hai loại: Tuồng cổ (còn gọi là tuồng kiếm hiệp) và tuồng tâm lý xã hội. Tôi rất thích xem các tuồng tâm lý xã hội hơn vì các tuồng loại này mang tính thời sự của xã hội cận đại, với nội dung khai thác những nỗi niềm sâu thẳm trong suy nghĩ của con người, đồng thời lột tả được những mặt trái của xã hội và đề cao các giá trị nhân văn.
Mỗi vở tuồng CL loại tuồng cổ hay tâm lý xã hội đều có đặc điểm chung là mang theo thông điệp về đạo đức ứng xử ở ngoài xã hội cũng như trong gia đình. Mỗi vở tuồng dù có nội dung éo le, gay cấn đến đâu, nhưng tựu trung đều đưa đến một kết thúc có hậu như: người hiền lương đạo đức đều được hạnh phúc, chính nghĩa luôn thắng gian tà... Trong nội dung các tuồng, các soạn giả đã khéo léo tạo ra nhiều nút thắt, mở, tạo cao trào để hấp dẫn và lôi cuốn khán thính giả từ đầu đến cuối.
Đặc biệt có những vở tuồng CL được lồng vào những bài tân nhạc để phù hợp với nội dung vở diễn, đã tạo thêm nhiều cảm xúc cho khán giả. Như vở tâm lý xã hội “Mưa Rừng” được lồng vào bản nhạc cùng tên của nhạc sĩ Huỳnh Anh. Sau này, mỗi khi có dịp nghe lại bài Mưa Rừng, tôi lại hồi tưởng về hai diễn viên đã xuất sắc nhập vai là Mộng Tuyền (vai sơn nữ) và Hoàng Long (vai Thầy cai) trong vở tuồng này.
Ngoài ra, khi xem CL trên TV, tôi biết đến nhiều nghệ sĩ (NS) sân khấu tài danh lúc bấy giờ với lối trình diễn tuyệt vời và có giọng ca độc đáo không thể nhầm lẫn với ai khác, để khi chỉ thoáng nghe qua, là thính giả có thể đoán được chính xác là NS nào đang trình diễn, chẳng hạn như: Giọng ca lả lướt, êm dịu hơi điệu đàng lãng tử của Hùng Cường- Giọng ca trầm ấm truyền cảm nhưng man mác buồn của Thanh Sang - Giọng ca chơn chất, mộc mạc nhưng hào sảng của Út Trà Ôn - Giọng ca ngọt ngào sâu lắng và điêu luyện của Thanh Nga - Giọng ca trầm và buồn da diết của sầu nữ Út Bạch Lan - Giọng nói rổn rảng như sấm dội, nhưng rất trào lộng và thâm thúy của kép độc Hoàng Giang - Giọng nói nhừa nhựa hài hước của Văn Hường - Giọng cười "dê" bất hủ của Văn Chung - Giọng nói mạnh mẽ đầy nội lực mà hay mỉa mai châm biếm của Hồng Nga... và còn rất nhiều giọng ca hay và có lối diễn xuất điêu luyện của các NS tài danh khác.
Tôi còn nhớ đã từng được xem qua TV những vở tuồng CL tâm lý xã hội rất đặc sắc thời ấy như: Nửa đời hương phấn - Tuyệt tình ca, Sân khấu về khuya, Con gái chị Hằng, Mưa rừng, Yêu người điên, Một cô hai chàng... và các tuồng cổ như: Áo vũ cơ hàn, Tiếng hạc trong trăng, Tâm sự loài chim biển, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn.... Ngoài ra còn có các vở tuồng CL Hồ Quảng rất hay của đoàn Huỳnh Long và Minh Tơ như: Mạnh Lệ Quân, Hoa Mộc Lan tùng chinh, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Võ Tòng sát tẩu... trong đó, tôi có ấn tượng nhất qua lối trình diễn xuất thần với đôi mắt mở to và đảo quanh, đầy uy lực của NS Thanh Tòng trong các vở diễn.
Vào thời ấy, CL có sức hút mạnh mẽ với người dân. Có những vở tuồng lúc nào cũng bán sạch vé, đông nghẹt khán giả dù đã diễn liên tiếp nhiều ngày tại cùng một địa điểm. Điển hình là vở tuồng Tuyệt Tình Ca của 2 soạn giả Hoa Phượng và Ngọc Điệp với sự góp mặt của Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Sang, Phượng Liên,... từng diễn tại rạp Biên Hùng ở Biên Hòa quê tôi liên tục rất nhiều ngày, nhưng lúc nào cũng đông nghẹt khán giả. Một lần vì hiếu kỳ, tôi xin gia đình được đi xem vở CL này trên sân khấu một lần cho biết, để xem CL trên sân khấu ngoài đời có gì khác biệt như trên TV không?
Lúc ấy rạp đông nghẹt người, mọi người vừa phe phẩy quạt trên tay, vừa say mê theo dõi vở diễn. Lúc NS Út Trà Ôn trong vai ông cò quận 9 trên sân khấu vô vọng cổ, lập tức khán giả im phăng phắc để lắng nghe từng câu, từng lời, từng cách nhã chữ, luyến láy cho đến khi ông xuống vọng cổ thì cả khán phòng vỗ tay vang dội để tán thưởng. Không khí thật vui và vô cùng phấn khích. Sự khác biệt với việc xem CL trên TV là nơi đây, tôi được hoà nhập vào cảm xúc với đám đông khán giả, được nhìn tận mắt NS trình diễn và được thấy vẻ đẹp của các cảnh trí, cùng âm thanh ánh sáng kỳ ảo trên sân khấu.
Rạp Biên Hùng quê tôi đã từng đón nhận rất nhiều đoàn CL nổi tiếng đến diễn như Thanh Minh Thanh Nga, Hương Mùa Thu, Dạ Lý Hương, Kim Chung...
Trong dịp Tết, các đoàn thường chọn những vở diễn vui vẻ, trẻ trung không có nhiều tình tiết gay cấn và bi thương. Người dân Biên Hòa của tôi có thói quen đi xem CL đầu năm để bói tuồng. Vở diễn đầu tiên của năm mới vào tối mùng một Tết thu hút rất đông người đến xem, họ theo dõi nội dung tuồng tích của vở diễn để dự đoán phần nào vận mạng của họ trong năm mới.
Cải lương ngày xưa rất thịnh hành và rất nhiều người dân hâm mộ. Các vở tuồng nào dù diễn ở rạp, hay trên các phương tiện truyền thông TV, Radio hay băng đĩa đều có rất đông khán thính giả hưởng ứng. Các NS CL vô cùng bận rộn, họ tất bật chạy show không ngơi nghỉ.
Nhưng tiếc thay, giờ đây CL đã qua thời kỳ vàng son để bước sang giai đoạn suy tàn.
Ngày nay, với một vở tuồng hay nhất, qui tụ được các NS lừng danh nhất, được diễn trên sân khấu lớn ở ngay Sài Gòn, nhưng cũng chỉ thu hút được cao lắm là hơn trăm khán giả cao niên đến xem.
Bộ môn CL vang bóng một thời gần như đã bị cáo chung!
Nhiều người cho rằng CL đã chịu ảnh hưởng bởi sự phát triển mạnh mẽ của các mạng XH, băng điã... Người dân, đặc biệt là giới trẻ lại bị thu hút bởi vô vàn loại hình giải trí thời thượng, phong phú và hấp dẫn hơn là CL. Bên cạnh đó, một phần là do CL thiếu vắng những soạn giả tài giỏi như những bậc tiền bối ngày xưa để cho ra đời những tác phẩm hay, thiếu nghệ sĩ trẻ là những người nối nghiệp đầy tài năng và có giọng ca hay như thế hệ trước, thiếu đi những bầu show có tâm huyết …
Bộ môn CL trong lịch sử đã từng là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam, đặc biệt ở miền Nam VN, nên cần được bảo tồn cẩn thận và có chính sách khôi phục tốt để trả lại xứng đáng với tầm giá trị vốn có của nó, để CL mãi mãi sẽ là di sản văn hóa quý giá của quốc gia.
Thử nhìn sang các nước lân cận, họ đã có bộ môn nghệ thuật cổ xưa có nhiều đặc điểm giống với CL Việt Nam như Kabuki của Nhật hay Kinh Kịch của Trung Quốc, vốn ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi các phương tiện giải trí thời thượng, nhưng nhờ có được chính sách đầu tư và bảo tồn tốt nên loại hình nghệ thuật cổ xưa này vẫn phát triển rực rỡ, vẫn là niềm tự hào của quốc gia họ ,và được UNESCO công nhận là di sản văn hoá của nhân loại.
Mong sao trong tương lai, CL được bảo tồn tốt để trở lại hưng thịnh như xưa và sẽ là một trong những bộ môn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu được lựa chọn làm đại diện quốc gia, để có cơ hội được sánh vai giao lưu văn hóa cùng bè bạn quốc tế khắp năm châu, chứ không phải chỉ còn cô đọng lại trong nỗi nhớ của một vài cá nhân đơn lẻ - như tôi và người bạn miền tây - về môn nghệ thuật đặc sắc một thời vang bóng.
Hiep Phan- 6/2022