THƯ CUỐI NĂM
NGUYỄN XUÂN HOÀNG
Xin lỗi và cám ơn!
Buổi chiều cuối năm, ngồi bên ly cà phê với người bạn đến từ một tiểu bang xa. Bạn tôi hỏi, ba điều bốn chuyện, chuyện sức khoẻ, chuyện gia đình, chuyện công ăn việc làm, chuyện người sống người chết, chuyện quê hương, chuyện quê nhà... Sau cùng bạn hỏi: "Năm qua cậu đã làm được những gì, đầu óc có thoải mái không?" Tôi nửa đùa nửa thật: Đầu óc thì không, còn làm được việc gì thì không biết.
Bạn tôi là một người chơi nhạc, không phải nhạc sĩ sáng tác, nhưng kiến thức về âm nhạc thì khá cao, và chơi đàn tây ban cầm xuất sắc. Mặc dù ở xa chúng tôi vẫn thường liên lạc nhau qua email. Có lần anh đưa ra một nhận xét bất ngờ về một bài viết của tôi, anh làm tôi sửng sốt. "Phong cách của bút pháp. Đó cũng là một vấn đề," anh nói. Đọc nhiều, biết thưởng thức hội họa, và nói về văn chương và kịch nghệ thì thuyết phục lắm... tuy vậy bạn tôi không phải là người viết văn làm báo.
Cà phê nóng. Tôi uống một ngụm. Mùa đông năm nay ở miền bắc
Bạn tôi nhắc: “Sao lúc này không thấy cậu viết gì? Phải viết đi chứ! Ở không lâu quá đâu có tốt.” Tôi nói không viết gì vì không biết viết gì, nhưng ở không thì cũng không hẳn là ở không đâu. “Nghĩa là cậu không còn chuyện văn chương chữ nghĩa nữa à?” Tôi nói chuyện chữ nghĩa thì còn nhưng mà chuyện văn chương thì không. Tôi lúc này thích chuyện thời sự hơn. “Nói tóm lại là cậu không có thì giờ?” bạn tôi hỏi. Tôi nói, thì giờ đâu nữa mà còn. Từ mấy năm nay tôi đã đọc ít đi. Thiếu cái nguồn nước liên lỉ ấy, cái giếng sẽ khô cạn dần, mạch nước ấy khi không còn thì cái ngọn lửa kia cũng từ từ tàn lụi, lấy nhiên liệu đâu mà đốt lên? “Cậu nói sao?” bạn tôi hỏi. “Cậu không đọc sách nữa à? Bỏ cái chuyện vớ vẩn ấy, chết tiệt ấy đi cậu ơi. Tin trong nước, tin ngoài nước, tin thế giới, tin xe cán chó chó cán xe, tin trong nhà ngoài phố. Cái thứ mì ăn liền ấy mà! Đau đầu!” Ừ, tôi nói, đau đầu thật!
…..
Bạn tôi nói: “Cậu có biết chuyện ký mục gia Art Buchwald không?” Ông nói sao? Tôi hỏi. Ông Art Buchwald à? Ông ấy mất từ tháng Giêng năm 2007 kia mà! “Đúng vậy!”, bạn tôi nói, “Tôi biết chứ, ông ấy mất đã gần bốn năm rồi, nhưng cậu không biết là ông Art Buchwald trước khi chết ở tuổi 82 vẫn còn viết không?” Ừ, thì sao? “Còn cậu, còn lâu cậu mới tới tuổi đó, sao cậu lười thế?” Tôi hỏi, ông nói thế là thế nào? Bạn tôi cười, “Thế cậu không thấy chuyện này không dính líu gì tới cậu à?” Dính líu gì? Tôi hỏi. “Hãy bắt chước Art Buchwald đi, nếu đời không có gì vui, thì sao không mang tặng cho đời một nụ cười?” Bạn tôi hỏi lại.
Bạn tôi kể “Từ tháng Hai năm 2006, khi bác sĩ cho biết vì ông không chịu lọc máu hàng tuần nên ông chỉ còn sống vài tháng nữa thôi, ông quyết định dọn vào hospice, một loại housing ‘tống tiễn’ những người chờ chết và muốn ra đi một cách êm thắm không làm phiền ai. Chính tại nơi chốn này, ông vẫn không ngừng viết và còn in cả một cuốn sách mang tựa Too Soon To Say Good Bye (Còn quá sớm để nói lời từ biệt).
Ly cà phê của tôi đã cạn. Tôi đứng nhổm dậy. Bạn tôi biết ý.
“Thôi cậu ơi. Đủ rồi! Tối rồi, đâu phải buổi sáng mà không ngừng cà phê thế
này. Mai tôi bay về lại tiểu bang ngập lụt
Mùa đông, mặt trời đi ngủ sớm. Bóng tối tràn ngập khắp bãi đậu xe trước quán cà phê Peet’s coffee. Và lạnh.... “Đúng, cậu vớ vẩn thật!” Bạn tôi nói.
Tháng 12, 2009