Hầu như người Mỹ nào ít nhất cũng một lần nghe hay nói đến tên ông, Ernest Hemingway, nhà văn người Mỹ nổi tiếng đoạt giải Nobel văn chương năm 1954. Là một người thành công trên sự nghiệp nhưng đời sống cá nhân không lấy gì làm vui: bốn lần lập gia đình, ba lần ly hôn. Ông sinh trưởng trong một gia đình mang bệnh trầm cảm di truyền và còn mang luôn truyền thống “tự tử.” Cha, hai người chị, cháu nội của ông và bản thân ông, đều chết bằng cách tự giết mình. Ernest Hemingway, trong những năm cuối của đời mình, với sự suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần: bị phỏng nặng trong hai tai nạn xe cộ, bị bệnh gan, bệnh tim, bệnh phổi và nghiện rượu, bệnh trầm cảm (depression), ông tự tử bằng cách bắn vào miệng, ba tuần lễ trước sinh nhật thứ sáu mươi hai của mình.
Ông bắt đầu sự nghiệp viết báo từ năm 17 tuổi. Thời Đệ Nhất Thế Chiến, ông ở trong quân đội, là tài xế xe cứu thương ở mặt trận Ý. Khi về lại Mỹ ông làm việc cho báo Canadian American. Khi phong trào Greek Revolution xẩy ra, ông được gửi lại sang Âu Châu để làm phóng sự. Ông dùng những kinh nghiệm quân đội làm nền tảng cho những tác phẩm của mình. Ở tuổi 25 ông đã nổi tiếng với The Sun Also Rises (1926). Sau đó, những tác phẩm xuất sắc lần lượt ra đời như: A Farwell to Arms (1929), For Whom The Bell Tolls (1940)… Tác phẩm đặc sắc nhất là truyện ngắn: The Old Man and the Sea, viết năm 1952, năm sau đoạt giải Pulitzer. Hemingway đoạt giải Nobel Văn Chương, 1954.
Những bài phóng sự, truyện dài, truyện ngắn, nổi tiếng của người đàn ông tài hoa này, nếu đem cộng lại có cả hàng ngàn, ngàn trang giấy. Chắc chắn, ông yêu các tác phẩm của mình, những nhân vật trong truyện, những đối thoại chuyên chở tư tưởng của mình. "Cá, …..Ta sẽ đương đầu với mi cho đến chết.” *, ngư ông nói với cá như vậy sau bao nhiêu tiếng vật lộn với cá hay tác giả nói với chính cuộc sống mình? Những nhân vật tiểu thuyết của ông đều mang chính ông trong đó. Nhân vật Federic Henry trong A Farwell to Arms, cũng là một trung úy lái xe Ambulance như ông từng đảm nhiệm trong quân đội. Federic đã yêu, đã chiến đấu như chính ông đã yêu, đã chiến đấu. Nơi chiến trường không có Thượng Đế kiểm soát con người, không công lý, không đạo lý, cứ chém, giết, thế thôi.
Trong For Whom the Bell Tolls, nhân vật Robert Jordan đi đặt chất nổ đánh sập cầu, loay hoay mãi với ý định có nên tự tử không nếu bị bắt, cũng dựa trên kinh nghiệm của Ernest Hemingway khi ông ở trong quân đội. Hai mươi năm sau ông áp dụng cho chính mình: tự tử.
Nhà văn đã gửi tất cả kinh nghiệm sống của mình từ năm 17 tuổi vào trong những tác phẩm của mình, nên tiểu thuyết của ông rất “thật”. Bao nhiêu tinh hoa, tài năng cũng như cay đắng của ông rải rác gửi vào những nhân vật tiểu thuyết. Cuối cùng ông thoát ra ngoài những nhân vật của mình bằng cách tự kết liễu đời mình.
Người ta nói những “nhà văn lớn” họ không bao giờ hài lòng với chính mình, giấc mơ của họ luôn luôn vượt trên tài trí họ, càng nổi tiếng càng thấy trống rỗng, càng thấy cái hào quang mình đuổi theo chỉ là ảo ảnh.
Những tác phẩm của họ thiên hạ trân quý, thực ra chưa đúng với tiêu chuẩn chính họ kỳ vọng ở mình. Họ thất vọng và họ tự hủy mình.
Yasunari Kawabata, nhà văn đầu tiên của Nhật đoạt giải Nobel văn chương, nổi tiếng với những tác phẩm: Tiếng Rền Của Núi (The sound of The Mountain), Đẹp và Buồn (Beauty and Sadness) Ngàn Cánh Hạc (Thousand Cranes)... cũng có giả thuyết ông tự kết liễu đời mình bằng hơi ngạt (gas) ở tuổi 71.
Nhắc đến Ernest Hemingway, mọi người hầu như chỉ nhắc đến những tác phẩm văn xuôi đã tạo nên tên tuổi của ông. Người ta không biết rằng, song song với những tác phẩm “nặng kí”, ông còn làm thơ, và làm thơ khá nhiều.
Bài thơ ông viết “Điếu” một người bạn, (Gene Van Guilder) chỉ có sáu dòng ngắn nhưng nói lên được điều mơ ước giản dị nhất của lòng ông. Viết cho bạn cũng là viết cho chính mình. Bài thơ ngắn này đã được khắc trên bia mộ ông trong nghĩa trang, nằm ở cuối phía bắc, thành phố Ketchum thuộc bang Ohio, là nơi ông cư ngụ cuối cùng.
- Best of all he loved the fall
The leaves yellow on the cottonwoods
Leaves floating on the trout streams
And above the hills
The high blue windless skies
Now he will be a part of them forever
Chàng yêu nhất mùa thu
Những chiếc lá vàng trên cây bông gạo
Những chiếc lá bập bềnh trong dòng suối cá hương
Yêu những mảnh trời cao xanh lặng gió
Mãi trên cao trên tít những ngọn đồi
Giờ đây chàng là một phần của tất cả đến muôn đời
Mùa thu, mùa ông thú nhận là mình yêu nhất: Best of all he loved the fall. Chàng đứng đó với những cây bông gạo đang nhuộm vàng những chiếc lá, những con suối chàng vẫn câu cá hương, ở đó bây giờ đang trôi bập bềnh những chiếc lá thu, những mảnh trời xanh trong vắt vút trên cao, tắp tít vắt ngang những ngọn đồi, nơi trái tim mơ mộng của chàng hay gửi tới. Nếu một ngày nào đó, chàng nằm xuống như người bạn chàng nằm xuống hôm nay thì chàng sẽ ao ước điều gì?
Khi nằm xuống thân thể chàng thoát ra khỏi những đau đớn của bệnh tật, trí óc chàng bay bổng trên cao, nó không kéo chàng vào cái thế giới hoang loạn nữa. Trong dịu dàng của đất, chàng mềm mại ra, chàng tan từ từ, chàng là lá vàng, là cây bông gạo, là suối, là cá hương, là ngọn đồi, là những mảnh trời xanh lặng gió. Hay cũng chính trong dịu dàng của đất, tất cả những thứ đó tan ra thành chàng. Giờ đây chàng là một phần của tất cả đến muôn đời.
Hình như Thơ bao giờ cũng là nơi tâm hồn người ta tìm đến cuối cùng.
Trần Mộng Tú
Nguồn: http://www.diendantheky.net