NHẬT KÝ TUẦN LỄ "CẤM TÚC" THỨ MƯỜI BỐN
Nguyễn Trần Diệu Hương
Thứ hai 15 tháng 6
Nếu bạn muốn có sự bình an tương đối, không phải nhìn người khác bằng "con mắt mang hình viên đạn" khi họ vô tình đến gần mình trong vòng hai thước, hãy tạm thời về sống ở Connecticut (tiểu bang "lạnh cong xương sống, cóng xương sườn" vào mùa Đông, nhưng tuyệt vời vào mùa hè).
Tiểu bang Đông Bắc bảo thủ, êm đềm này đang có một điều mà cả nước Mỹ đang mơ ước: số người bị nhiễm COVID-19 giảm hơn 50% vào trung tuần tháng 6 (theo số liệu thống kê của Johns Hopkins University). Dù vậy, Connecticut vẫn bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng cho tất cả mọi người trên 2 tuổi, nếu không giữ được khoảng cách 6 feet.
Chừng như tính bảo thủ, và trình độ dân trí cao của Connecticut đã góp phần giúp tiểu bang này trở thành "front runner" trong cuộc chạy trốn đại dịch cúm Vũ Hán của người Mỹ. Cho đến hôm nay, chưa có tiểu bang nào đạt được tình trạng khả quan này.
Tưởng cũng nên nhắc thêm, Connecticut là quê nhà của John Pierpont Morgan (1837–1913) người thành lập một ngân hàng nhỏ từ hai thế kỷ trước, đến nay đã trở thành hệ thống Ngân hàng lớn nhất Hoa kỳ: JP Morgan Chase, và cũng là sinh quán của Tổng thống Mỹ thứ 43 George W. Bush .
Thứ ba 16 tháng 6
Một điều khó tin nhưng có thật là Thụy Điển, một đất nước được xếp loại tương đối giàu có, dân số 10 triệu người, trong đó chỉ có 20% trên 65 tuổi, nhưng chỉ có 1/5 senior citizens được nhận điều trị ở bệnh viện khi họ bị nhiễm Coronavirus.
Một công dân Thụy Điển đã phàn nàn trên Facebook sau khi thân sinh anh qua đời vì COVID-19:
"Bệnh viện nói cha tôi sẽ không thể qua khỏi nên không cần phải nhập viện. Họ đã sai, quá sai! Nếu cha tôi được nhập viện, thì chúng tôi đã không mất thân phụ của mình!"
"Cô láng giềng" phía Nam của Thụy Điển là Đan Mạch, dân số chỉ hơn một nửa của Thụy Điển (5.8 triệu), tỷ số người trên 65 tuổi bằng Thụy Điển (20%) nhưng có đến 49% người lớn tuổi bị nhiễm cúm Tàu được vào ICU của bệnh viện.
Những con số thống kê đã tự nó nói lên nhiều điều về hai quốc gia Bắc Âu này, không cần phải thêm lời bình luận.
Trong khi đó, ở Nam Hàn, các viên chức y tế đã xác nhận đất nước này đang bị tấn công bởi làn sóng đại dịch lần hai. Lần này, tâm dịch là Seoul, nơi mà hàng ngàn người trẻ (có mặt mũi đẹp giống nhau (one of a kind) dù không có liên hệ huyết thống:) đã tụ tập ở các hộp đêm, quán bar ở khắp thủ đô khi các nơi này được mở cửa.
Những người bị thiệt hại nhiều nhất dù họ không hề đặt chân đến các vũ trường, nightclub vẫn là những người cao tuổi khi con cháu họ đem Coronavirus về nhà. Rất nhiều người già (và cả những người trẻ có sức miễn nhiễm yếu) đã đi khỏi cuộc đời trong cô đơn ở phòng cách ly của bệnh viện mặc dù họ có nhiều con cháu, thân nhân.
Thứ tư 17 tháng 6
Chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử của New York cũng như của Hoa kỳ, Thị trưởng Bill de Blasio cho biết vì đại dịch, dẫn đến thâm thủng ngân sách trầm trọng, New York có thể phải sa thải 22 ngàn người trong tổng số nhân viên Chính phủ đang làm việc cho "Thành phố trái táo".
Kinh tế tư nhân thì cắt nhân viên nhanh hơn và mạnh tay hơn. Như vậy thì làm sao người Mỹ dám tiêu xài ngoài những nhu cầu căn bản? Hệ quả kéo theo là kinh tế sẽ không thể hồi sinh nhanh như mong ước của tất cả mọi người.
Vào tháng 3 năm 2020, khi đại dịch COVID-19 đang tung hoành ở Châu Á, một phần của Châu Âu, và mới "từng bước từng bước thầm"* đặt chân lên Châu Mỹ, tổ chức tiền tệ Quốc tế IMF (International Monetary Fund) tiên đoán kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3%. Đến tháng 6, con số này được tô thêm màu xám: kinh tế toàn cầu sẽ giảm đến 4.9%, suy giảm lớn nhất kể từ khủng hoảng kinh tế thế giới trong những năm 1930, trước thế chiến thứ hai.
Cũng theo IMF, Mỹ dự đoán kinh tế của mình sẽ giảm 8%, khối Thị trường chung Châu Âu tiên liệu kinh tế của các nước có đơn vị tiền tệ là Euro sẽ giảm đến 10.2%.
Cùng lúc, ở khu vực các nước Châu Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha, tâm dịch vào giữa năm 2020, Brazil thấy trước là kinh tế của mình sẽ giảm đi 9.1% , trong khi Mexico cho là thương mại của họ sẽ giảm đến 10.5%
Đi ngược lại khuynh hướng bi quan (nhưng thực tế và khá xác thực) của cả thế giới, China tự tiên đoán theo "chiều hướng tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc của xã hội chủ nghĩa", kinh tế của đất nước đông dân nhất thế giới này sẽ tăng 1%.
Chính IMF khi nhận được con số dự kiến kinh tế của Tàu cũng phải ghi chú là "có một mức độ cao hơn bình thường, không có nền tảng vững chắc về dự đoán này" (IMF did note however that there is a "higher-than-usual degree of uncertainty" around the forecast.)
Về dự đoán “số dương duy nhất giữa một dãy số âm” về tăng trưởng kinh tế năm 2020 thời COVID-19, "Triệu người... nghe, có mấy người... tin "** con số 1% của nước Tàu.
Thứ năm 18 tháng 6
Trước tình hình số người nhiễm COVID-19 bắt đầu tăng cao từ trung tuần tháng 6, hôm nay Thống Đốc California ban hành lệnh phải mang khẩu trang khi ra khỏi nhà.
Nhưng "phép vua thua lệ làng", nhiều thành phố của “Tiểu bang vàng” vẫn không bắt buộc phải có face mask nếu giữ được khoảng cách tối thiểu hai thuớc.
Chỉ xin nhớ là ở trên đời này, không có ai thương bạn bằng cha mẹ bạn và chính bạn, để quyết định sẽ mang face mask hay không? Hơn nữa, đã là người Việt Nam thì hẳn là không có ai quên là từ thủa nào xa lắc, xa lơ ở bậc Tiểu học, trong các bài Khoa học đầu đời, chúng ta đã được dạy "phòng bệnh hơn chữa bệnh" .
Cũng xin đừng quên, chỉ trong tuần này, California có đến hơn bảy ngàn bệnh nhân nhiễm cúm Vũ Hán (con số cao nhất từ tháng 3 đến nay). Những người có trách nhiệm của tiểu bang, của quận hạt không những chỉ án binh bất động trong "tiến trình hồi sinh" mà còn nghĩ đến chuyện phải đi ngược lại hành trình này (chẳng hạn từ giai đoạn 2 về lại giai đoạn 1) nếu tình hình vẫn xấu đi trong tuần tới.
Ngoài California, có 15 tiểu bang bắt buộc có mang khẩu trang ở nơi công cộng: Connecticut, Delaware, DC, Hawaii, Illinois, Kentucky, Maine, Maryland, Massachusetts, Michigan, New Jersey, New Mexico, New York, Pennsylvania, và Rhode Island .
New York, New Jersey, và Connecticut còn đi xa hơn bằng cách thông báo tất cả du khách đến từ các tiểu bang số người nhiễm bệnh tăng cao sẽ phải cách ly 14 ngày ngay khi đặt chân đến phi trường. Tính đến thời điểm này, tất cả mọi người đến từ Alabama, Arkansas, Arizona, Florida, North Carolina, South Carolina,Texas, Utah, và Washington phải chịu cách ly. Danh sách này sẽ thêm, hoặc bớt, được cập nhật hàng tuần.
Ai vi phạm lệnh cách ly sẽ lần lượt bị phạt hai ngàn dollars cho lần đầu, 5 ngàn cho lần thứ hai, và 10 ngàn đồng từ lần thứ ba trở đi. "Tự do" hay "sức khỏe và hầu bao", tùy lựa chọn của mỗi người.
Trước khi lên máy bay đi xa, chúng ta nên tham khảo luật hiện hành của nơi sắp đến để tránh tình trạng "tiến thoái lưỡng nan". Thời đại dịch có quá nhiều điều phải quan tâm ngoài sức khỏe, và nợ áo cơm.
Ước gì có một bà tiên như niềm tin thời thơ dại có thể móc Coronavirus ra khỏi trái đất bằng cây đũa thần của mình, và quăng vào một hành tinh không có dấu vết của sự sống như Mercury chẳng hạn.
Thứ sáu 19 tháng 6
Thứ sáu tuần tới (JUN 26), Sở Giao Thông Công Chánh DMV California sẽ mở lại dịch vụ thi thực hành đằng sau tay lái (driving test) cho những người đã qua được phần thi lý thuyết. Đường thi lái xe sẽ ngắn hơn (dễ hơn vì lưu lượng xe cộ không đông như trước khi có đại dịch), và hai cửa sổ trước của xe phải để mở hoàn toàn trong lúc thi thực hành ((khó hơn cho tài xế mới khi lái với vận tốc 65 miles với cửa mở) để giảm nguy cơ lây bệnh cho cả giám khảo lẫn tài xế.
Tốt nhất là nên "xếp hàng online" ngay bây giờ nếu bạn muốn có driving test, vì dịch vụ này được bắt đầu với những người đã lấy hẹn trên website của DMV từ tháng 3 đến nay, không nhận người "drop in" xếp hàng.
Trong quá trình "hồi sinh sau đại dịch", Apple đã mở cửa lại hơn 100 cửa hàng bán lẻ trong tổng số 510 stores trên toàn cầu. Riêng ở Mỹ, đã có 246 (trên tổng số 271) cửa hàng mở cửa lại. Trước làn sóng đại dịch tăng cao đột biến ở một số tiểu bang miền Nam, hôm nay Apple quyết định "tái đóng cửa" 11 cửa hàng ở Florida, North Carolina, South Carolina và Arizona để giữ an toàn cho nhân viên.
Chiến đấu với một kẻ thù vô hình, nguy hiểm như Coronavirus đòi hỏi nhiều tâm trí, sự nhạy bén, và lòng kiên nhẫn. Coronavirus có thể đang tạm thời thắng trong trận đầu đầu tiên, và có thể sẽ thắng trận thứ hai vào mùa thu năm nay, nhưng cuối cùng sẽ có vaccine, và con người sẽ khống chế được cúm Tàu. Vòng nguyệt quế sẽ thuộc về người thắng cuộc chiến, chứ không thuộc về người thắng trận đấu. Thượng Đế thì không bao giờ bỏ nhân loại. Phải tin như thế để sống, để nhìn thấy thế giới thực sự hồi sinh sau đại dịch.
Thứ bảy 20 tháng 6
Thành lập từ năm 1938, đến năm 2014, Darden Restaurants Inc. (trụ sở chính ở Orlando, Florida) trở thành Công Ty chuyên về dịch vụ nhà hàng lớn nhất thế giới, với 190 ngàn nhân viên, và 1,500 nhà hàng khắp nước Mỹ từ sang trọng đến bình dân. Bất cứ một người Mỹ nào cũng đã từng đi ăn ở một trong các hệ thống nhà hàng loại phổ thông ở rải rác khắp nước Mỹ: Olive Garden, LongHorn Steakhouse, Bahama Breeze, Seasons 52, Yard House, và Cheddar's Scratch Kitchen với đủ loại thức ăn. Chẳng hạn pasta và bánh mì rất ngon của Ý ở Olive Garden; thịt bò steak hầm hoặc nướng theo kiểu Mỹ ăn một lần sẽ trở lại LongHorn Steakhouse; đủ các loại soup thơm ngon với cheese (fromage) giữ chân thực khách ở chuỗi nhà hàng Cheddar's Scratch Kitchen...
Darden Restaurants còn là chủ của hai hệ thống nhà hàng sang trọng: 22 tiệm ăn cao cấp “Eddie V's Prime Seafood” ở Texas, California, Arizona, Florida,Massachusetts; và 59 tiệm “The Capital Grille” ở hai mươi tiểu bang của Mỹ và DC. Khách hàng phải ăn mặc chỉnh tề (dress up) khi đi ăn tối ở các tiệm ăn thượng lưu rất thơ mộng với đèn cầy, hoa tươi ở mỗi bàn trong tiếng đàn piano, violin, guitar... của các nhạc công tài năng. Một buổi ăn tối cho hai người ở "fine dining restaurants" vào bậc nhất nước Mỹ này, kể cả tiền tip cho cả người phục vụ lẫn nhạc công có thể lên đến một ngàn dollars Mỹ.
Có thể so sánh Darden của nhà hàng với Google hay Apple của high tech. Mặc dù tình hình tài chính rất vững mạnh, với ít nhất là 750 millions dollars trong ngân hàng, Darden quyết định không chia lãi (dividends) cho người góp vốn (stockholders) để tăng tiền mặt dự trữ lên một tỷ dollars, có thể đối phó hữu hiệu với suy thoái kinh tế do COVID-19.
Khi đại dịch bắt đầu tấn công nước Mỹ vào tháng 3 năm nay, Darden Restaurants phải đóng cửa toàn bộ 1,500 cửa hàng trên toàn quốc. CEO của Darden tình nguyện không nhận lương trong suốt thời gian nhà hàng phải đóng cửa, không có thu nhập. Để giữ các khoản chi tiêu ở mức thấp nhất, Darden cắt giảm 20% nhân viên đang làm việc ở Restaurant Support Center ở Orlando. Cùng lúc, tiền lương 80% nhân viên còn lại bị hạ xuống ở một mức độ giúp họ sống còn.
Khi nước Mỹ bước vào từng giai đoạn trong tổng cộng 4 giai đoạn hồi sinh sau đại dịch, tính đến hôm nay, 91% nhà hàng (1,365 tiệm) của Darden Restaurants đã mở cửa, theo đúng luật lệ quy định nghiêm nhặt thời COVID-19 của từng tiểu bang. Đã bắt đầu có thu nhập, CEO Gene Lee nhận lại paycheck sau gần ba tháng làm việc không lương. Các nhân viên bị giảm lương cũng được phục hồi thu nhập.
Dù đang trong sóng gió của đại dịch, Darden vẫn dự định mở thêm 40 nhà hàng trong vòng một năm tới.
Không phải công ty nào cũng lớn, và cũng có đầy đủ tiền mặt dự trữ như Darden nhưng phương thức kinh doanh uyển chuyển, thức thời của họ là một mô hình kinh doanh mà tất cả các công ty khác nên học hỏi.
Có những công ty như Darden, kinh tế nước Mỹ luôn có mầm xanh hy vọng ở cuối đường hầm màu đen của đại dịch.
Chủ Nhật 21 tháng 6
Father's Day trở thành "một ngày như mọi ngày" trong đại dịch. Không có đoàn tụ gia đình như thông lệ. Buồn nhất vẫn là những người có Father's Day đầu tiên không còn ý nghĩa khi thân phụ đã nằm xuống vì COVID-19.
Thời điểm này, trước khi ra khỏi nhà, xin hãy nhớ câu hỏi của Bác Sĩ Anthony Fauci, Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Bệnh Truyền Nhiễm Quốc gia của Mỹ "Hãy nghĩ là bạn muốn góp phần trong việc chống đại dịch hay bạn muốn góp tay để COVID-19 lan truyền?" ( .... Think that you want to be a part of of solution, or a part of problem?....).
Bất chợt chúng tôi liên tưởng đến thời thơ ấu ở quê nhà, mỗi khi có người lau nhà, anh chị em chúng tôi phải ngồi bó gối ở một góc giường chờ nền nhà khô mới được đặt chân xuống, bởi vì đã được dạy "nếu không lau nhà được thì phải biết giúp người lau nhà bằng cách ngồi yên".
Mãi đến bây giờ, chúng tôi vẫn nhớ điều này, và đã kiên nhẫn "ngồi yên" từ hơn ba tháng nay, chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết cho đến lúc có thuốc chủng ngừa.
Nhật ký tuần này xin kết thúc với "nỗi niềm" của một tiếp viên hàng không (flight attendant) người Mỹ gốc Phi Châu trước đại dịch và phân cách.
Như cả trăm triệu người khác, cô JacqueRae Hill, tiếp viên hàng không của Southwest Airlines bị suy sụp tinh thần kể từ khi đại dịch COVID-19 tấn công nước Mỹ. Là một người Mỹ gốc Phi Châu, kể từ ngày lễ Memorial Day, khi cái chết của ông George Floyd khuấy động vấn nạn màu da, "nỗi niềm" của cô Hill càng lớn hơn.
Công việc tiếp viên hàng không trên máy bay mùa đại dịch thật ra nhàn hơn vì không còn phải đẩy xe đưa nước uống và snacks đến phân phát cho từng hành khách. Nhưng phải chịu đựng một gánh nặng tâm lý không nhỏ vì phải nhắc nhở những khách hàng không chịu mang khẩu trang. Không phải ai cũng thoải mái với việc đeo face mask, không phải ai cũng hiểu nỗi khó khăn chung của mọi người trong thời đại dịch. Chưa kể là không cẩn thận trong từng cử chỉ thì có thể bị nhiễm Coronavirus bất cứ lúc nào.
(Courtesy: JacqueRae Hill) AA CEO and SWA Flight Attendant
Bây giờ ngoài khó khăn đó, sau những cuộc biểu tình "Black Lives Matter"(BLM), hố sâu phân cách (vốn dĩ chẳng bao giờ có thể lấp đầy) bị đào sâu hơn bao giờ hết. JacqueRae cố tỏ ra thân thiện hơn với tất cả hành khách thuộc đủ chủng tộc. Cô chào hành khách khi họ lên máy bay với nụ cười tươi nhất của mình dù Cô biết không ai có thể thấy nụ cười của mình sau khẩu trang.
Thật ra, nếu có "eye contact”, người ta có thể thấy đôi mắt của cô tiếp viên hàng không đang mang nét ưu tư vẫn ánh lên nụ cười thân thiện. Xin hãy chào lại Cô với nụ cười bằng mắt để giúp cả hai bên cùng thấy "lòng chợt bình an bất ngờ" ***
Mỗi người một tay, chúng ta sẽ góp gió thành bão, cơn bão lớn sẽ thổi bay được cả đại dịch và phân cách.
Nguyễn Trần Diệu Hương
Khởi đầu hè 2020
* Từng bước từng bước thầm/ "Những bước chân âm thầm”/ Y Vân
** Triệu người quen có mấy người thân/ "Bài không tên số 4”/ Vũ Thành An
*** Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ/ "Ru Em"/ Trịnh Công Sơn