NHẬT KÝ TUẦN LỄ "CẤM TÚC" THỨ MƯỜI BA
Nguyễn Trần Diệu Hương
Thứ hai 8 tháng 6
Từ những ngày đầu tiên khi bắt đầu có bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ, đầu tháng 3, Nic Brown, 38 tuổi, một chuyên viên IT ở vùng ngoại ô Tuscarawas County, tiểu bang Ohio, đang khỏe mạnh, bỗng dưng thấy khó thở, và sốt cao. Anh tự lái xe đến một urgent care clinic ở gần nhà.
Tại đây, Nic được điều trị với phương pháp dành cho một bệnh nhân có tiền sử bệnh suyễn, và thỉnh thoảng tim "đập lỗi nhịp" không bình thường. Chỉ trong vài phút, tình trạng xấu đi, Nic bất tỉnh. Anh được xe cấp cứu đưa đến Cleveland Clinic Union Hospital ở Dover, Ohio. Ở bệnh viện, anh được xác định là đã bị nhiễm Coronavirus.
Cơn ác mộng bắt đầu với Nick, vợ và 3 con của anh, rất sớm, khi cả trăm triệu người Mỹ đang miệt mài với nợ áo cơm vẫn tưởng COVID-19 đang ở tận bên Tàu, cách xa mình cả một đại dương.
Là một trong những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên ở Ohio, Nic được đích thân bác sĩ Giám đốc Cleveland Clinic Union Hospital , Eduardo Mireles-Cabodevila, săn sóc. Ông thảo ra một bảng hướng dẫn cho tất cả nhân viên điều trị, theo dõi bệnh nhân Brown.
(Courtesy: Nic Brown)
Gần hai tuần nằm điều trị cách ly trong ICU -phòng chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân đang đứng giữa đôi bờ sinh tử- với life support system và máy trợ thở (ventilator), Nic chỉ có thể liên lạc với các bác sĩ, y tá, và ngay cả với vợ con qua Iphone. Trên cái bảng treo ngoài phòng bệnh, Nic có thể nhìn qua khung cửa kính, thỉnh thoảng Nic vẫn thấy những dấu hiệu ngón tay "thumb up", và " you’re OK" nâng đỡ tinh thần của anh. Một trong số y tá đã làm Nic lên tinh thần - đem hết sức sống và ý chí của một người đàn ông trung niên ra chiến đấu với Coronavirus- với mấy chữ "We will get you home" (Chúng tôi sẽ đưa anh về với gia đình)
Như lời hứa, chỉ hai tuần sau khi nhập viện, Nic Brown bình phục, được về nhà.
Hai bên cùng cảm ơn nhau. Nic cảm tạ nhân viên bệnh viện điều trị bệnh của mình bằng cả thuốc men, và tâm lý học. Nhân viên bệnh viện, ngay cả BS giám đốc, cảm ơn anh đã giúp họ học hỏi nhiều về cách điều trị cho một căn bệnh lạ du nhập từ Vũ Hán có thể phá hoại toàn bộ các cơ phận trong thân thể con người, nhất là phổi.
Cho đến nay, khi đại dịch vẫn còn chưa được kiểm soát bởi y học, nhân viên bệnh viện Cleveland Clinic Union Hospital rất tự tin, và lạc quan với phương pháp thực tế họ học được từ bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của họ, Nic Brown.
Thứ ba 9 tháng 6
Thời gian này, nếu bạn di chuyển bằng đường hàng không, tuyệt đối phải đeo face mask. Tất cả tiếp viên hàng không, có quyền buộc hành khách mang khẩu trang. Nếu được nhắc nhở nhiều lần mà hành khách vẫn từ chối tuân thủ điều kiện đặc biệt của thời COVID-19, tên hành khách sẽ được ghi vào database và hành khách này sẽ không thể mua vé máy bay cho đến khi nào có thuốc chủng ngừa.
Hầu hết các công ty hàng không của Mỹ: Alaska Airlines, American Airlines, Delta AirLines, Hawaiian Airlines, JetBlue Airways, Southwest Airlines và United Airlines đã ra thông báo với hành khách về điều này.
Hai vấn nạn lớn, đại dịch cúm Tàu, và tình hình kinh tế ám ảnh tâm trí mọi người; hình như làm người ta quên đi những du thuyền chở hàng ngàn nhân viên phục vụ trên tàu, và thủy thủy đoàn vẫn đang lênh đênh giữa đại dương vì không có một nước nào chịu mở hải cảng cho các du thuyền này cập bến.
Hiếm hoi lắm mới có vài hải cảng (ở Croatia, Mỹ, Hy Lạp...) mở cửa cho du thuyền cập bến với điều kiện họ phải đến thẳng phi trường lên máy bay về ngay quê hương của họ.
Tưởng cũng nên nhắc lại tháng trước, khi Mỹ mở cửa hải cảng Oakland (là hải cảng chỉ dành cho hàng hóa) ở gần San Francisco, cho phép hai du thuyền của Na Uy cập bến để đưa nhân viên làm trên tàu về nước, người dân Oakland đã "bằng mặt mà chẳng bằng lòng", mặc dù toàn bộ mọi người được lên bờ đều phải có đều có COVID-19 test âm tính.
Gần nửa năm trôi qua từ ngày đại dịch hoành hành thế giới. Đến đầu tháng 6, vẫn còn hơn 40 ngàn người, đa số là nhân viên làm việc trên du thuyền vẫn còn phải sống đời... biển mặn. Trên nguyên tắc, họ vẫn đang làm việc, nhưng đã không còn được trả lương từ vài tháng nay khi kỹ nghệ du lịch đường thủy bị suy sụp trầm trọng do đại dịch.
Những ngày chờ đợi dài thăm thẳm, không có ngày tháng cụ thể được lên đất liền, về nhà, làm hai nhân viên -trên hai du thuyền khác nhau- suy sụp tinh thần đến độ nhảy xuống biển tự tử. Người thứ ba tự kết liễu đời mình ngay trên nơi ở của anh trên du thuyền.
Mong vô cùng những người có trách nhiệm đừng quên hơn 40 ngàn nhân viên phục vụ du thuyền và thủy thủ đoàn đang phải sống đời lênh đênh trên biển trong tình trạng chờ đợi mỏi mòn.
Xem ra, vào thời COVID-19, được "cấm túc" ngay trong không gian quen thuộc của mái nhà đã là một hạnh phúc mà ít người nhận ra.
Thứ tư 10 tháng 6
Cũng khốn khó vì COVID-19 như bao nhiêu ngành nghề khác, Starbucks đã thất thu đến 3.2 tỷ dollars chỉ trong 3 tháng trên toàn cầu. Khi không đi làm, hoặc "work from home", người ta có thì giờ tự pha cà phê uống ở nhà. Và vì các cửa tiệm vẫn chỉ bán qua cửa sổ theo hình thức "grab and go", chưa cho ngồi trong tiệm, con số thất thu sẽ không ngừng ở đó. Starbucks đành phải đối phó bằng cách sẽ lần lượt đóng 400 cửa tiệm trong vòng 18 tháng tới.
"Họa vô đơn chí" cho công ty cà phê nổi tiếng trên toàn thế giới chỉ bán cà phê, thu tiền lẻ, nhưng "năng nhặt chặt bị”, ăn nên làm ra nhờ số lượng khách hàng rất lớn hàng ngày. Gần đây, một số nhân viên của Starbucks cài một pin nhỏ có chữ "Black Lives Matter" (BLM) trên cái apron màu xanh lá cây đồng phục của Starbucks, vi phạm một trong những nội quy về đồng phục, bị yêu cầu lấy xuống.
Thế là rất đông người đòi tẩy chay Starbucks. Không muốn mất thêm khách hàng, vốn đã giảm nhiều trong thời đại dịch, Starbucks đành cho phép nhân viên được đeo pin "Black Lives Matter" trên đồng phục theo ý thích.
Không biết có bao nhiêu người tham gia biểu tình BLM bị nhiễm Coronavirus, nhưng có một số người thuộc lực lượng Vệ Binh Quốc gia có mặt ở các cuộc biểu tình lớn để ngăn ngừa bạo động đã nhiễm Coronavirus, có COVID-19 positive test.
Bác Sĩ Anthony Fauci, Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Bệnh Truyền Nhiễm Quốc gia Hoa kỳ, vốn mảnh mai, đã hốc hác hơn khi đa số người Mỹ không giữ được khoảng cách an toàn hai mét để giảm bớt lây lan. Trả lời phỏng vấn với báo Telegraph của Anh, Bác sĩ Fauci cho biết sẽ không có một mùa hè như thường lệ với những chuyến bay đường dài,với đám đông ở biển hay các buổi hòa nhạc ngoài trời tập trung đông người năm nay vì đại dịch. Đời sống trở lại bình thường sau đại dịch có thể sẽ chỉ xảy ra sau một năm.
Nghĩa là những ngày còn lại phải sống với kẻ thù vô hình Coronavirus sẽ được tính bằng tháng, chứ không phải tuần, hay ngày.
Thứ năm 11 tháng 6
Hôm nay, báo cáo y tế vẫn đầy màu xám với số bệnh nhân cúm Wuhan nhập viện tăng lên trong 25 tiểu bang ở Mỹ khi tất cả các tiểu bang đang ở trên giai đoạn 1 đến giai đoạn 4 của tiến trình hồi sinh sau đại dịch.
Viện Nghiên Cứu Walter Reed Army Institute of Research ở Maryland trực thuộc Bộ Quốc Phòng vừa được chọn là một trong những công ty nghiên cứu, điều chế thuốc chủng ngừa COVID-19. Trên đường đua marathon với Coronavirus, với bệnh dịch, và cả...thần chết, có khá nhiều vận động viên. Đích đến là vaccine. Hy vọng và cầu mong Coronavirus sớm thua cuộc.
Đường đua marathon với kẻ thù vô hình virus Wuhan ngày càng có thêm nhiều "lực sĩ" từ các viện bào chế dược phẩm, các viện nghiên cứu sinh, y học từ khắp thế giới (từ Âu, Á, Úc qua Mỹ Châu) tham dự. Và nhân loại -đang phải rất kiên nhẫn chịu đựng mất mát, thảm họa- không cổ vũ cụ thể cho một ai, mà chỉ cầu mong một trong số họ sớm đến đích. Vòng nguyệt quế chiến thắng ở cuối đường đua sẽ dành cho một trong các nhà nghiên cứu. Phải tin như thế.
Theo một nghiên cứu gần đây của các Giáo sư của Đại học Berkley, những người thuộc nhóm máu A dễ bị nhiễm cúm Tàu hơn những người thuộc nhóm máu O.
Máu O bao giờ cũng thuộc loại "quý.... tộc" so với các nhóm máu khác.
Thứ sáu 12 tháng 6
Mãi đến hôm nay, tiểu bang bị cúm Tàu tấn công nặng nề nhất, New York mới bắt đầu mở cửa giai đoạn 1, sau 90 ngày đóng cửa lockdown.
Trong khi đó, California, tiểu bang "tâm dịch" thứ hai ở Mỹ, đã ở vào giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 3 tùy từng quận hạt (county). Lệnh cấm túc chỉ hoàn toàn chấm dứt khi cả tiểu bang đều bước vào giai đoạn 4. Tiến trình hồi phục chậm hơn dự tưởng vì mỗi lần bệnh nhân COVID-19 nhập viện, hay con số người nhiễm cúm Tàu lại tăng lên, "con đường hồi sinh" qua từng giai đoạn chậm lại. Đây là một nan đề không có giải pháp toàn hảo. Như một nhận xét rất buồn trên một tờ báo quốc gia có uy tín "States are rolling back lockdowns, but the coronavirus isn't done with the U.S.". Chẳng hạn California đã có "tiểu giai đoạn"(stage 2A, stage 2B) vì thỉnh thoảng số bệnh nhân COVID-19 nhập viện vẫn tăng đột biến.
Cũng hôm nay, Viện Nghiên cứu Kinh Tế Quốc gia của Mỹ (The National Bureau of Economic Research) công bố một dữ kiện đáng quan ngại: Mỹ chính thức bước vào suy thoái kinh tế từ cuối tháng 2 năm 2020, sau một kỷ lục 128 tháng (hơn 10 năm) kinh tế liên tục phát triển.
Các công viên quốc gia lần lượt mở cửa vào tuần này. với yêu cầu tuyệt đối giữ khoảng cách hai thước (6 feet social distance).
Cả công viên giải trí tên tuổi lẫy lừng khắp thế giới Disneyland (thiên đàng có thật của con nít và đôi khi của cả người lớn) cũng đang trong tiến trình chuẩn bị (để phù hợp với các quy định thời COVID-19) để lần lượt mở cửa các địa điểm ở California, và Florida vào tháng tới, sau một thời gian dài "cổng kín tường cao".
Riêng Disneyland ở Anaheim sẽ mở cửa đúng ngày 17 tháng 7, kỷ niệm 65 năm ngày Disneyland chào đời ở miền Nam California.
Những ngày còn lại của năm 2020 (theo dự đoán căn cứ trên khoa học của Bác Sĩ Fauci) sẽ chẳng thể bình thường. Cầu mong Disneyland có thể cầm cự trong thời đại dịch, giữ lại được một thiên đàng màu hồng có thật của tuổi thơ trong lúc màu xám của đại dịch vẫn đang bao trùm nhân loại.
Thứ bảy 13 tháng 6
Là nơi phát tán Coronavirus đi khắp thế giới từ cuối năm 2019, thành phố Wuhan và cả nước Tàu bị đại dịch hoành hành từ đầu khi cả thế giới vẫn chưa biết đời sống sẽ nhanh chóng biến đổi khi người Tàu, và những người qua China trở về, mang mầm bệnh COVID-19 đặt chân lên đất nước mình.
Khi China qua giai đoạn peak time, đời sống đang từng bước trở về bình thường thì một làn sóng cúm Tàu khác lại tấn công Bắc Kinh khi có đến 45 người trong một chợ thực phẩm có COVID-19 positive test sau hơn 50 ngày không có bệnh nhân cúm Vũ Hán mới ở China. Lo sợ làn sóng đại dịch "quy cố hương", Tàu cho đóng cửa ngôi chợ bán trái cây và rau quả lớn nhất Bắc Kinh. Đúng là "cái gì của Caesar thì sẽ trở về với Caesar".
Các nhà chuyên môn về dịch bệnh trên khắp thế giới đều lo âu trước tin này, trước viễn cảnh làn sóng tấn công lần hai của COVID-19.
Đức phản ứng nhanh nhất bằng cách kéo dài lệnh hạn chế du lịch cho tất cả các quốc gia ngoài Châu Âu đến cuối tháng 8, mặc dù vẫn cho phép mở cửa biên giới đường bộ cho các nước Châu Âu vào ra Đức vào trung tuần tháng 6.
Tổ chức tiền tệ quốc tế IMF (International Monetary Fund) nhanh chóng thông qua 594 triệu dollars viện trợ khẩn cấp cho nước Guatemala để đối phó với đại dịch đang tấn công quốc gia Bắc Mỹ này.
Cùng lúc, Ngân hàng Phát triển các nước Châu Phi (The African Development Bank) cũng mở hầu bao hạn chế của mình, viện trợ vô điều kiện 20 triệu dollars cho các nước nhỏ, nghèo ở lục địa này: Mauritania, Mali, Burkina Faso, Niger, và Chad.
Chủ Nhật 14 tháng 6
Từ chợ bán thực phẩm đến tiệm bán áo quần đều có thông báo cẩn thận ở các customer service counter: "vì đại dịch COVID-19, chúng tôi tạm thời không nhận hàng đổi hay trả lại. Xin vui lòng mua sắm có trách nhiệm". Hệ thống chợ Safeway còn cẩn thận gạch dưới những chữ "mua sắm có trách nhiệm" để lưu ý những người thường mua nhiều thứ mà không hề nhận ra mình sẽ không bao giờ cần đến. Người ta sợ hàng mang trả có "Coronavirus nằm vùng" sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên, và của cả những khách hàng khác.
Đầu tháng 6, ở các chợ, tất cả các quầy hàng đã đầy đủ hàng hóa, kể cả các cuộn giấy vệ sinh (đã một thời được săn lùng và tích trữ bởi những người lo xa không đúng chỗ!). Đi chợ đã không còn phải xếp hàng như cuối tháng 3, đầu tháng 4. Hàng người với khoảng cách hai mét đã chuyển từ cửa các chợ bán thực phẩm qua các shopping mall, các tiệm bán áo quần, giày dép từ tuần lễ thứ hai của tháng 6.
Bãi đậu xe của một khu vực thương mại (a strip mall) ở Sunnyvale, California, sáng nay chợt đông đúc một cách khác thường vì tiệm Ross, chuyên bán áo quần, giày dép, và đồ dùng trong nhà, vừa mở cửa lại sau 3 tháng "cửa đóng then cài" do COVID-19. Người thường, không nghiên cứu về tâm lý học, khó hiểu tại sao ở Mỹ, tủ áo quần của ai cũng đầy ắp (có người có đến 3, 4 closets áo quần cùng lúc) mà Ross vừa mở cửa với số khách hàng hạn chế có mặt trong cửa tiệm, người ta, đa số là phái nữ, đã rồng rắn xếp hàng dưới mặt trời cuối xuân, đầu hè để chờ đến phiên mình được vào tiệm.
Chợt nhớ mấy câu thơ, thời sinh tiền, Nhà Văn Mai Thảo đã viết:
“Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi”
Nguyễn Trần Diệu Hương
Trung tuần tháng 6/ 2020