Xưa nay, chúng ta quen nghe hai chữ “mưa Xuân”. Sẽ trái tai nếu hoán đổi ra “tuyết Xuân”. Bởi chăng chữ tuyết đã lỡ ăn nằm sâu đậm với Đông? Nhưng ở Montréal, tuyết rơi mù đầu Xuân vốn là chuyện thường ngày ở huyện.
Khách phương xa đến, thành phố này chào đón bằng diện mạo kỳ khôi Đông Xuân lẫn lộn. Nắng mưa là bệnh của trời, chẳng lẽ băng giá là bệnh của thằng què chân! Hắn bỏ cây gậy ra để rảnh tay ôm lấy hai người khách. Hơi ngạc nhiên khi nghe khách bảo: Bên chỗ bọn này cũng vậy thôi, cũng tuyết bay cũng gió lạnh, cũng bên tám lạng bên nửa cân. Một công thức hóa học được minh chứng: Lạnh + Lạnh = Ấm.
Ban đầu dự tính là mười người, sau nhô ra hai ba nhân mạng. Một bàn tròn xét thấy không đủ, lại kéo một vầng trăng cho đứng gần mới được phần thong dong. Tuyết đổ thầm lặng ngoài trời và người vây quanh hai vầng nguyệt dâng đầy tiếng nói cười không mỏi mệt. Một định đề toán học hiện hữu: Lạ + Lạ = Quen. Văn vẻ thì gọi: Trước lạ sau quen. Mà nhuốm chút thi ca thì kêu: Dường như chúng ta đã thấy nhau từ kiếp trước.
Chúng tôi nói tới điều khá hệ trọng, là văn chương vốn không có tuổi tác. Một bài thơ hay sống qua trăm năm là lẽ thường hằng. Và cảm nhận rằng, giữa những người làm thơ viết văn luôn tượng hình một sợi dây, nắm bắt để đi lần tới tình thân. Khác địa hình, xa châu lục mà có khi sum vầy ở đây là một bằng chứng.

Như tất cả những cuộc hàn huyên, quá khứ là thứ được đá động tới nhiều, ngày ấy tôi ở đó, ngày nọ tôi vừa học xong, ngày kia tôi lên đường… Tựu trung, gom lại có thể hát nên khúc ca dài “Con đường xưa em đi” ở một thể điệu khác. Chất ngất tâm sự. “ta hỏng tú tài, ta đợi ngày đi”. Tìm bới kỷ niệm, tự dưng nghe nhớ hai câu thơ rất riêng một cõi Nguyễn Tất Nhiên:
nắng bờ sông như màu trang vở cũ
thuở học trò em làm khổ ai chưa.
Giống như một định luật hằng cửu không thể cưỡng chống về điều hợp, tan. Chân đi thời gian thong thả điểm và đồng hồ nhắc khéo chuyện chia tay nằm trên hai cây kim đi dần về ngày mới. Bịn rịn. Hứa hẹn. Chúc lành. Chúng tôi leo lên xe của anh Hoàng Xuân Sơn để được đi cùng anh chị Tùng Duyên về khách sạn. Đêm dịu dàng tuyết mỏng, cây cành cũng như tượng đá chừng thôi run thân, yên lặng cho tuyết bám thắp sáng “con đường nay chúng tôi đi”.
Xe đậu trước hotel “cõi tạm”. Ôm ấp nhau lần cuối, mơ tương lai gần gặp gỡ nhau ở chốn khác. “Người về ta chẳng cho về, ta nắm vạt áo ta đề câu thơ”. Có cần cực đoan như thế không? Có nên gây nhiễu sự một cách hàm hồ đến vậy? Bởi chăng trong tất cả chúng tôi vẫn thiết tha thích đón nhận những êm đềm, kín tiếng. Lòng chúng tôi mãi chứa trọn bao sầu khổ dịu dàng. Chúc ngủ ngon. Hoặc có mộng mị thì vẫn thấy một sum vầy khó dứt.
Hồ Đình Nghiêm
25.3. Ngày sinh nhật thực thụ.
Nguồn: https://tranthinguyetmai.wordpress.com