Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Huỳnh Công Ân - TỪ SÀI GÒN ĐẾN MONTRÉAL, NỔI TRÔI THEO VẬN NƯỚC (Chương I)

23 Tháng Ba 20191:22 SA(Xem: 13678)
GS. Huỳnh Công Ân - TỪ SÀI GÒN ĐẾN MONTRÉAL, NỔI TRÔI THEO VẬN NƯỚC (Chương I)


T
  Sài Gòn đến Montréal, ni trôi theo vn nưc


H
i ký Hunh Công Ân

Ân_Thầy HUỲNH CÔNG ÂN

 

Chương 1: Nhng ký c nht nhòa ca  tui thơ

Điều xa xôi nhất trong quá khứ mà tôi còn nhớ  là trận hỏa hoạn trong chợ Cầu Cống, quận 6 (sau này là quận 4), Sài Gòn vào năm 1948, tức là khi tôi mới có 4 tuổi. Đám cháy xảy ra ban đêm và vì đa số nhà cửa lúc đó lợp bằng lá nên lửa hoành hành dữ dội. May là nhà tôi ở trong hẻm phía bên đây của đường Matelot Manuel (đường Tôn Đản ngày nay) nên chỉ sợ tàn lửa bay sang gây cháy. Ba má tôi dọn đồ đạc trong nhà ra sân banh phía sau hãng bóng đèn Khánh Hội để tránh lửa. Đêm đó vì quá sợ bóng đêm và cảnh tượng hỗn loạn nên tôi đã khóc to mãi đến khi đám cháy được dập tắt.

Một ký ức gần hơn của tôi là tấm lịch có hình một người đẹp nào đó đầu năm Tân Mão 1950 treo ở một tiệm giặt ủi gần nhà tôi. Chủ tiệm là một người miền Bắc. Vào thời buổi đó vùng chợ Cầu Cống có một số người Bắc và họ thường hành nghề thợ may, thợ giặt ủi hay thợ hớt tóc. Họ được người dân trong vùng gọi là phó may, phó giặt hay phó cạo. Ba tôi là người miền Nam duy nhất làm nghề may nơi đây.

Bên cạnh nhà tôi, phía bên mặt là nhà ông họa sĩ có tên là Chí Bửu. Trong vườn nhà ông bày la liệt các bức tranh đa số là chân dung các thiếu nữ có cái nằm trên giá, có cái để dưới đất dựa vách. Thời đó, kỷ thuật nhiếp ảnh còn phôi thai, để phóng to các ảnh chân dung người ta nhờ họa sĩ vẽ lớn lên. Nhờ ở cạnh nhà họa sĩ Chí Bửu nên tôi học cách kẻ ô vuông lên ảnh để phóng to hình lên.

Cạnh bên trái nhà tôi là nhà một bà cụ người Bắc bán vài thứ linh tinh trước cửa nhà. Con bà là ông phó cạo có tiệm hớt tóc phía sâu bên trong hẻm nhà tôi một chút. Ông này thường gọi bất cứ cô gái nào cũng là ái nữ. Vợ ông, bà phó thường giúp đỡ má tôi khi bà bệnh hay đi sanh các em tôi. Bà có một đứa con gái duy nhất thường gọi là cái Hải mà bà thường đùa sẽ gả cho thằng em thứ tư của tôi khi chúng lớn lên. Ông phó sau này mắc bệnh điên, bỏ nhà đi lang thang. Có người nói gặp ông ăn xin ở bắc Mỹ Thuận. Cuối cùng ông mất tích luôn, không biết sống chết ra sao.

Phia sau nhà tôi là nhà ông năm Bằng. Ông này không biết làm việc cho nhà nước Pháp hay là tay chân của Bảy Viễn (lãnh tụ Bình Xuyên) mà có vẻ hống hách lắm. Ông thường chửi rủa gia đình tôi mỗi khi ai đó gây tiếng động. Ba tôi là người hiền lành và cô thế nên luôn luôn nhẫn nhục chịu đựng.

Đối diện nhà tôi là nhà ông Tư thợ bạc, một căn nhà có bề ngang rộng bằng bốn, năm căn nhập lại. Bữa trưa, khi ông ngủ, đứa trẻ nào trong xóm làm ồn thì bị ông quát mắng dữ dội. Trẻ nít trong xóm, ai cũng sợ ông ta. Con ông ta là chú hai Phiến và cháu ông ta là bác tư Cọc thì trái lại rất hiền lành. Gia đình ông Tư sống bằng nghề thủ công: làm trang sức giả. Sau này khi ông ngoại  tôi từ Trà Vinh lên Sài Gòn trị bệnh lao, má tôi thuê một căn của ông Tư để ông ngoại tôi ở để tránh ông lây nhiễm cho chúng tôi.

Đầu hẻm, phía ông Tư là tiệm chạp phô của một gia đình người Tàu mà mọi người gọi là tiệm má con Siêu. Nơi đây, người ta có thể mua đủ thứ cần thiết trong nhà từ thực phẩm đến đồ dùng. Con gái lớn là con Siêu, con trai lớn là thằng Lẹo. Em trai của má con Siêu là chú hai Nện, sau có gia đình mua nhà ở đầu chợ Cầu Cống.

Kế tiệm má con Siêu, ở mặt đường Matelot Manuel là tiệm thuốc bắc cũng của người Tàu. Gia đình này vẫn còn sống tại đây đến ngày nay nhưng đã chuyển nghề từ thuốc bắc sang bán bánh mì và bây giờ là bán tạp hóa. Nghe nói trong gia đình này có một người con gái tự tử vì tình.

Cũng ngoài mặt đường, hướng xuống bến đò, từ tiệm thuốc bắc đến cống (khu này được gọi là xóm cây Keo), là nhà ông bán báo cụt tay, nhà ông Hộ Lắm (có hai cô con gái làm nữ trợ tá xã hội trong quân đội Pháp) và ông sáu Xuyến (cha của trùm du đảng: Phước đen).

Bây giờ trở lại hẻm nhà tôi, giữa tiệm má con Siêu và nhà ông Tư là nhà bà Lào, người Bắc bán xe bánh mì trước cửa  có thằng con tên Trừ và nhà bà Thầy. Bà sau này chuyên môn lên đồng bóng.

Đầu hẻm phía bên trái, ở mặt đường là một tiêm cà phê. Nơi đó ông chủ tiệm  có một cái máy hát dĩa mà mỗi khi ông mở cải lương hay vọng cổ thì lối xóm kéo tới đứng phia ngoài để nghe. Kế tiêm cà phê là mặt tiền nhà ông năm Bằng, người tôi đề cập ở trên mà hông nhà ông giáp phía sau nhà tôi. Tiếp theo là nhà của bác tám Tân, bộ hạ của Bình Xuyên. Tôi thường chơi với thằng A con của bác Tám. Có lần, tôi lấy một miếng ván nhờ thằng A cưa dùm một cây súng gỗ để bắn pháo. Tôi mãi chỉ cho nó cưa suýt chút nữa nó cưa đứt cả ngón tay trỏ của tôi. Hôm đó tôi sợ mất vía vì máu ra qua nhiều.

Trở lại trong hẻm, phía bên nhà tôi, kế tiệm giặt ủi là nhà bác tư Nhồng, hình như làm việc ở bến tàu. Nhà bác có cái sân phía trước được rào kỹ vì bác có nuôi một con chó berger to lớn. Bên cạnh nhà bác tư Nhồng là chùa Tịnh Độ Cư Sĩ  mà người ta gọi theo thứ của ông chủ là chùa Ông Ba. Chùa có một xe cam nhông nhỏ dùng để chở lá cây về làm thuốc phát không cho bá tánh.

Cũng phía bên nhà tôi đi sâu vô trong hẻm hơn nữa có tiệm hút á phiện của ông năm Sú. Ông này có một đứa con gái lớn tuổi hơn tôi tên là Muối học chung với tôi ở trường Cao Văn. Nhà ông năm Sú  ở cạnh trạm y tế. Kế đó là ông sáu Tiếu, ba của chú hai A. Nhà ông tọa lạc trên một miếng đất rộng lớn được rào kẻm chung quanh, trong đó có một ao thật lớn thả rất nhiều cá mà ông nuôi chúng bằng bánh tây. Tôi  rất thích đứng ngoài rào nhìn cảnh cá trồi lên đớp bánh. Thích hơn nữa là tôi đợi đến mùa Vu Lan, ông sáu cúng cô hồn rất lớn, ông cho cắm cờ giấy có dán một đồng bạc quanh hàng rào. Đứa nào đến sớm giữ một cây cờ, đợi đến khi ông cúng xong cho giựt cờ thì nó hưởng được cây cờ để chơi và một đồng bạc để xài.Tôi nhớ lại lúc đó mỗi ngày đi học hai buổi: buổi sáng tôi được má cho 5 cắc, buổi chiều 3 cắc.

Từ nhà ông sáu Tiếu cách con hẻm nhỏ là nhà ông thợ hàn. Ông này có một người em trai từng lẻn vào nhà tôi ban đêm để ăn trộm và tôi đã trông thấy mặt. Kế nhà ông thợ hàn là nhà thầy ba thư ký một hãng buôn có thằng con trai tên Nho, nhỏ tuổi hơn tôi và sau 75 cũng bị bắt đi học tập cải tạo như tôi.

Trở lại phía nhà ông tư thợ bạc, bên hông nhà ông là một hẻm cụt rất nhỏ chỉ vứa đủ một người đi, giữa hẻm là nhà bác sáu Cải làm rờ sẹc (mật thám) cho Pháp, cuối hẻm là bác tám Lé có con gái lớn là chị Marie, con trai kế là thằng René mà chúng tôi thường gọi là chị Ri và thằng Nê.

Bên kia hẻm là một gia đình người Bắc mà người chủ gia đình là lính thủy của Pháp. Năm 1956, cả nhà đi sang Pháp, để nhà lại cho người em tên chú hai Nha. Kế bên là nhà ông Sĩ, người bắc chuyên bán guốc. Lại qua một con hẻm khác lớn hơn là tiệm chạp phô của chú Húng, người Tàu. Chú này sau bị cùi nhưng không hiểu sao vẫn được con bảo lãnh sang Mỹ. Rồi đến tiệm cà phê của ông bảy Duồn, tay chân của Bình Xuyên. Những nhà kế tiếp là nhà thằng Voi, nhà bà bảy Huê Kỳ mà ông chồng có xe chạy đường Phú Xuân nhà của ông bảy Địa, ba của thằng Tư Ngọng, nhà của bác Một, ba thằng Vân, thằng Nam, nhà bà ba Vốn, nhà ông bảy Bành chạy xe xich lô máy...

Mồng một tết năm Quý Tỵ, 1953, một đám cháy lớn gần chợ Xóm Chiếu thiêu rụi hơn 3000 căn nhà. Hôm đó nhà tôi dọn đồ đạc sang tỵ nạn ở sân nhà ông ba Lầu bên kia đường Matelot Manuel.

Tôi học tiểu học ở trường Cao Văn (sau đổi thàng Công Danh) mà ông đốc cùng quê với má tôi ở Trà Vinh. Trường này ở trên đường Matelot Manuel gần đường Jean Eudel.

Tôi còn nhớ mùa hè năm 1954, tôi vừa học xong lớp nhì để chuẩn bị niên học tới lên lớp nhứt, lần đầu tiên tôi bàn chuyện chính trị lúc 10 tuổi với đám trẻ nít trong xóm trước cửa chùa ông Ba về hiệp định Genève khi được biết ngày 20/7 sẽ là ngày các bên thỏa thuận là hạn chót để ký kết.

Tháng 3 năm 1955, công an xung phong Bình Xuyên đụng độ với quân đội quốc gia, gia đình chúng tôi di tản sang nhà cô tôi ở bên đường Mac Mahon (sau là đường Công Lý), Phú Nhuận.

Cũng năm 1955, tôi thi đậu bằng Tiểu Học. Hôm xem kết quả ở trường tiểu học Vĩnh Hội, khi thấy tên mình không bị gạch đỏ, tôi mừng quá đội mưa chạy về báo tin vui cho gia đình.

Cũng nên ghi lại một kỷ niệm: khoảng 9 hay 10 tuổi  gì đó tôi từng bị Tây bắt, không phải vì là thiếu nhi anh hùng tham gia kháng Pháp mà chỉ vì vi phạm giới nghiêm. Đêm đó tôi lén nhà đi với thằng bạn lối xóm tên Voi ra chỗ nhà thương Mụ Điếc (nhà bảo sanh Đại Đức) ở mặt tiền đường Matelot Manuel để bắt dế cơm. Bất ngờ, tên biện Tây mặt đỏ núp ở hẻm Ba Ta, ngoắc vô, bắt lên xe xích lô chở về bót quận 6 (bây giờ là quận 4). Họ để chúng tôi nằm ngủ trên sàn gạch trong văn phòng cho đến khi bác sáu Cải và ba tôi đến lãnh về lúc nửa đêm.

Quận 4 là quận nghèo nhất của Sài Gòn, thời đó chỉ có những nhà mặt đường lớn mới có điện. Nhà tôi cũng như các nhà khác ở trong hẻm phải xài đèn dầu. Lúc đó quận 4 còn nhiều đồng ruộng trồng lúa, còn khu dân cư thì nhiều ao, vũng nên về đêm muỗi rất nhiều. Tôi còn nhớ mỗi tối tôi chơi trò dùng miệng kêu u u để muỗi bu lại rồi dùng hai bàn tay đập vào nhau để giết muỗi, mỗi lần như vậy lòng hai bàn tay tôi đầy xác muỗi và máu tươi.

Nhà tôi là tiệm may, mỗi năm gần tết khách đặt hàng nhiều nên phải thức đêm may cho kịp. Những đêm đó ba tôi cho đốt đèn măng xông để mấy chú thợ cỏ đủ ánh sáng làm việc. Đó là những lúc tôi vui nhứt vì được thức khuya chơi.

Những buôi trưa hè được nghỉ học, tôi trốn ngủ trưa theo các bạn  đi vô ruộng phía trong chợ Cầu Cống (nay thuộc phường 14) hay phía hẻm 122 đường Tôn Đản ngày nay để bắt cào cào hay cá lia thia. Có khi tôi đi xem phim ở rạp Nam Tiến, đường Bến Vân Đồn ngày nay, gần nhà thờ cầu Ông Lãnh. Những phim tôi thích nhất lúc đó là: Tarzan, Zorro, Superman, cao bồi... Khán giả đa số là con nít nên mỗi lần Tarzan được con khỉ báo tin nàng Jane lâm nạn, đu dây đi giải cứu người yêu hay Zoro tuốt kiếm đuổi theo quân lính của tên lãnh chúa  hoặc anh ký giả đeo kính cận thay bộ đồ bay có chữ S trước ngực hay chàng cao bồi phi ngựa nghênh chiến với mọi da đỏ thì chúng tôi vỗ tay rần rần như để hoan hô những người hùng trên màn bạc. Những khán giả nhỏ tuôi này dễ dãi chấp nhận những  khuyết điểm của rạp như rạp chỉ có một máy chiếu, một phim có thể gồm hai hay ba cuộn phim nên hết một cuộn thì rạp bật đèn sáng để thay cuộn kế tiếp. Hoặc rạp rất khai mùi nước tiểu, ghế có nhiều rệp. Tệ nhất là có một thằng câm chắc do chủ rạp dung túng, khi bọn trẻ chen lấn mua vé thì nó đánh đập, khi bọn trẻ vào rạp thì bị nó dọa nạt đuổi không cho ngồi. Tôi cũng là một nạn nhân của nó. Nhưng vì mê coi phim và mê những thần tượng điện ảnh nên tôi đành nhẫn nhục chịu đựng.

Lúc nhỏ, tôi kén ăn nên thân hình ốm nhách. Tuy nhiên, tôi cũng đua đòi chúng bạn đi đá banh ở sân cát kho 11. Nhưng tôi đá dở quá nên thường bị bạn bè đuổi xuống giữ gôn. Tôi còn trốn nhà đi tắm sông ở Bến Súc. Tắm xong, tôi ngồi phơi nắng cho tóc khô mới dám về nhà.

Sau vụ hỏa hoạn tết năm 1953, chính quyền phóng đường biến con hẻm nhà tôi thành đường nồi thẳng tới đường Hoàng Diệu và đặt tên là Đỗ Thành Nhơn. Con hẻm bên chợ Cầu Cống là đường Đỗ Thành Nhơn nối dài. Bây giờ ông Ngô Đình Diệm đã lên nắm chính quyền nên ông cho đổi tên các con đường tên Tây sang tên Việt. Đường Matelot Manuel thành đường Tôn Đản, đường Jean Eudel thành đường Trình Minh Thế. Trình Minh Thế là một ông tướng Cao Đài về quy thuận với ông Diệm bị trúng đạn chết ở cầu Lăng Tô tức cầu Tân Thuận, ở cuối đường Jean Eudel.

Nhà cửa trong khu xóm tôi được cất lại khang trang hơn, nhưng đa số cũng chi là vách ván, mái tôn. Nhà tôi cũng cất lại và có một cái gác gỗ. Trên đó,  buổi trưa nóng như một cái lò lửa. Tiệm may của ba tôi từ trước đến nay chưa có tên nên sau khi cất lại nhà, ông cho vẽ bảng hiệu lấy tên là Huỳnh Tân.

Khi hẻm nhà tôi trở thành đường thì một số người bán nhà đi chỗ khác và một số người mới đến. Hoa sĩ Chí Bửu bán nhà cho một người miền Bắc làm bồi cho nhà hàng Continental bên quận nhứt. Có một người gốc ở Thu Đức đến thuê căn dưới nhà làm tiệm vàng, sau này ông ta mua lại căn nhà của bà thầy phía đối diện cất lên tiệm vàng Kim Phát. Còn nhà bà Lào thì bán lại cho má con Siêu. Nhà ông tư thợ bạc chia nhiều căn bán cho các tiệm vàng Hữu Tín và Kim Trang. Nhà bà cụ bên trái nhà tôi cho thuê căn dưới :bác hai Hè làm tiệm hớt tóc một bên và chú Ba sửa đồng hồ một bên. Tiệm cà phê đầu đường bán cho bà mẹ của chú tư Kim Trang làm tiệm vàng Kim Hoa.

Mùa hè năm 1955, sau khi đậu bằng tiểu học tôi được cha mẹ dẫn về quê nội, sinh quán của tôi: ấp Bến Đồng Sổ, quận Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một bằng tuyến xe lửa Sài Gòn Lộc Ninh. Chỉ có bằng tiểu học mà khi tôi về đến quê mọi người nhìn tôi như một ông nghè, ông cống vinh quy bái tổ. Ở Sài Gòn từ nhỏ nên ở quê có mấy ngày, tôi đã nhớ cuộc sống đô thành vui nhộn nên đòi ba má tôi đưa về Sài Gòn.

Cũng như bao đứa trẻ khác cùng lứa tuổi, tôi cũng tham gia nhiều trò chơi của tuổi thơ như bắn bi, tạt lon, đánh chỏng. Không có tiền nhưng chúng tôi cũng đánh bài ăn nắp chai, bao thuốc. Tôi thường đi bộ ra tận cột cờ Thủ Ngữ, nơi có nhà hàng Tour D'Argent (Ngân Đình) mà thực khách thời đó toàn là Tây nên họ uống những loại rượu đăt tiền và hiếm nên tôi lượm được những nắp chai lạ, được chúng bạn định mệnh giá cao. Tôi cúng tham gia nhiều trận xung đột giữa xóm tôi với các xóm khác. Xóm tôi được gọi là xóm Hòa Bình vì có rạp hát Hòa Bình của ông chín Độ. Chúng tôi thường xáp trận bắn nhau bằng dây thung với các xóm chợ Cầu Cống, xóm Cây Bàng hay xóm Ba Ta.

Tôi còn nhớ, phía bên kia đường đối diện với nhà tôi, đi về hướng chợ Xóm Chiếu gần nhà thằng hai Nhỏ, con ông thầy bói mù và tiệm hớt tóc bác Đối (đúng ra tên bác là Đấu nhưng người bắc thường gọi tên một người theo tên đứa con trai trưởng của ông ta, trường hợp bác này người ta gọi bác theo tên con bác là thằng Đối, một thằng bạn từ nhỏ của tôi) có một cái cổng chào ỏ đầu con hẻm mang tấm bảng Hòa Hiệp Tự. Trong hẻm đó có một ngôi chùa, nghe nói do ông chín Độ, hình như làm cặp rằng (đốc công) ở bến tàu, nhà ở trong chợ Cầu Cống, xây nên. Sau này, ông cất thêm phía trước chùa một rạp hát để mỗi năm, đến mùa lễ chùa các gánh hát bội đến hát. Những đêm chùa có hát bội, tôi liều mạng trốn đi xem hát dù chỉ đứng ngoài xem qua khoảng hở giữa hai người lớn. Tối về nhà gọi mở cửa thì ba tôi cầm sẵn cây roi mở cửa ra, quất cho tôi một trận đòn nên thân. Về sau, thấy để rạp hát trống khi không có hội lễ chùa thì quá phí, ông chín Độ đặt tên Hòa Bình cho rạp hát và cho các đoàn cải lương nhỏ thuê để hát. Nếu không có đoàn nào thuê thì ông cho chiếu phim bán vé. Nhưng phim ở rạp Hòa Bình cũ và không hay nên tôi thích đi xem phim ở rạp Nam Tiến hơn. Ông chín Độ có hai người con trai lớn tên Răng (Jean) và Tròn. Bọn con nít chúng tôi rất ngưỡng mộ hai người này, họ có vẻ công tử với cách ăn mặc chải chuốt và xài tiền hào phóng.

Trong chợ Cầu Cống có ông ba Cao chuyên tổ chức sòng tài xỉu nhất là vào các dịp tết. Các người có máu cờ bạc đều sạch túi vì sòng tài xỉu này. Có nhiều bà nội trợ đi ngang qua đó gởi trọn số tiền chợ vô đó để về nhà chịu cho chồng mắng mỏ. Tôi được nghe đám tổ chức đánh bạc này gian lận bằng cách dán bằng keo một sợi chỉ nhỏ vào một trong ba hột xí ngầu, để đầu dây ló ra ngoài chén đặt hột. Khi mọi người đã đặt xong, người lắc hột nhìn hai cửa đánh xem bên nào đặt ít, bên nào đặt nhiều đồng thời hô to: "tay" (tức lấy tay ra không đặt nữa để nhà cái dở chén ra). khi đó nếu người chơi đặt bên xỉu nhiều thì người lắc sẽ kéo dây để có một mặt lục hiện ra Như vậy chỉ có 3 khả năng ra xỉu nếu hai hột thứ nhứt và thứ hai lần lượt ra 1-1, 1-2 và 2-1, còn lại 33 khả năng  là ra xỉu. Như vậy hầu như chắc chăn là nhà cái sẽ lời. Ngược lại nếu những người chơi đặt bên tài nhiều thì người lắc sẽ kéo dây cho một mặt nhứt hiện ra. Thời đó trong toán học chưa có môn xác xuất và phần tôi đến mười năm sau mới học môn đó trên đại học. Nhưng nhờ chú ý lần nào ra xỉu đều có mặt nhứt và ra tài đều có mặt lục và luôn luôn cửa đặt ít tiền đều thắng, nên tôi canh me đặt tiền vào phút chót bên đặt ít tiền. Tôi thắng liên tiếp vài bàn thì có người đến bên tôi nói: "Ê thằng nhóc, mày ăn bao nhiêu đủ rồi, đi chỗ khác chơi nếu không tao lấy lại hết". Những Casino hay những trò xổ số ngày nay trên thế giới cũng vận hành theo nguyên tắc gian lận đó nhưng tinh vi hơn nhờ sự phát triển của điện tử . Ai tìm được kẻ hở của trò chơi thắng được họ thì bị cấm cửa không cho chơi nữa. Ai tin vào sự may rủi của tró chơi thì máu say mê cờ bạc sẽ đưa họ đén chỗ bần cùng. Cũng nói thêm hai chú cháu bảy Xi và năm Cam đều xuất thân từ lò ba Cao.

Cũng trong chợ Cầu Cống có một nhân vật nổi tiếng khác là ông năm Phương. Ông này có cái bụng to như bụng ông Địa và thường ngồi trước cửa nhà chọc ghẹo các cô gái đi ngang nhà ông. Ai chỉ chỏ và cười nhạo cái bụng bự của ông thì bị ông chửi mắng dữ dội.

Còn một số nhân vật nổi tiếng ở khu này và cả quận 4 là các ông ba Lầu, sáu Tùng, bảy Duồn. Nghe nói họ là tay chân thân tín của Bảy Viễn, rất giàu có nhờ nắm những hoạt động ở bến tàu. Dãy nhà lầu của họ ở mặt tiền đường Tôn Đản, gần đầu chợ Cầu Cống với tường rào chung quanh ngạo nghễ như dinh thự của các quan lớn. Ông ba Lầu còn làm chủ công ty khai quan thuế Triệu Tiết gần ngả ba Tôn Đản và Trình Minh Thế.

Từ khu nhà lầu của ông ba Lầu, qua đầu hẻm Bata đến trường tiểu học Cao Văn là một dãy kho hàng có tên là kho Bata hay kho cộng sản vì trước đó chính quyền Pháp dùng để nhốt tù Việt Minh. Tôi còn nhớ những đêm kinh hoàng khi bọn Tây gõ cửa từng nhà trong giờ giới nghiêm để bắt hết đàn ông trong nhà ra ngồi xếp hàng trước kho Bata. Ba tôi và cậu tôi cũng bị dẫn đi trong nỗi sợ hãi, lo âu của má tôi và tôi. Ra tới kho, Tây dẫn một người bị trùm bao bố từ đầu đến chân chỉ khoét hai lỗ ở hai con mắt đến trước từng người đang ngồi chờ. Hễ người bao bố gật đầu thì người bị nhận mặt được dẫn ngồi riêng ra. Số phận người đó đã được định đoạt. May mắn lần nào ba tôi và cậu tôi cũng được thả về an toàn.

Lúc nhỏ,  tôi vui nhất là hôm nào được ba má tôi dẫn anh em tôi qua chợ cũ ăn cơm thố và đi xem chớp bóng hoặc má tôi dẫn tôi đi xem cải lương tại rạp Nguyễn Văn Hảo, đường Trần Hưng Đạo. Má tôi thích đi xem đoàn cải lương Hoa Sen của ông bầu bảy Cao với những tuồng như Đoàn Chim Sắt, Mộng Hòa Bình... có xen kẽ những màn chớp bóng bắn súng đùng đùng. Có lần ba tôi và bác tôi dẫn tôi đi xem đoàn Thanh Minh ở rạp Thành Xương một tuồng nào đó có cô đào nhí Thanh Nga đóng. Cô đào Thanh Nga lớn hơn tôi hai tuổi. Gần tết, ba tôi dẫn tôi và thằng em kế tôi đi mua giày. Bàn chân thằng em kế tôi rất đặc biệt chiều dài thì ngắn nhưng mu bàn chân thì cao nên không thử vừa đôi nào cả dù đi khắp các tiệm ở quận 4 và quận 1. Cuối cùng ba tôi phải cho em tôi đo đặt theo ni như giày người lớn.

Khi tôi lên 10 tuổi thì tôi bắt đầu đi chơi xa, Sở Thú hay vườn Tao Đàn. Tôi đến Sở Thú không chỉ đi xem những loài thú hoang dã mà còn bẻ lén lá thuộc bài để đem về nhét trong tập, như vậy tôi học bài mau thuộc. Ở vườn Tao Đàn, tôi đã trông thấy nghệ sĩ Trần Văn Trạch đang hát nhạc bằng tiếng Pháp cho khán giả ngồi phía dưới tòan là ông Tây, bà Đầm trong hội Kỵ Mã.

Một người chị bà con tôi ở Trà Vinh được gia đình gởi lên nhà tôi học mà tôi gọi là chế Khỏe. Chị học cùng lớp với tôi ở trường Cao Văn chung với con gái của ông thầy thuốc nam Võ Tấn Phước là Cẩm Hồng, nhà bên cạnh nhà bảo sanh Con Cò, gần ngả ba Tôn Đản và Trình Minh Thế. Hồi nhỏ tôi rất nhát gái, mỗi lần Cẩm Hồng đến chơi với chế Khỏe tôi trốn lên gác. Ở trong lớp thầy Năm, ông đốc trường Cao Văn thường phạt tôi ngồi giữa hai đứa con gái mỗi khi tôi phạm lỗi, Lúc đó, tôi ngồi im không dám nhúc nhích. Còn nữa, sau này cậu Tư tôi làm thầy giáo ở trường này mỗi trưa thường bắt tôi cởi quần áo để ông tắm cho tôi trước mắt các bạn học có cả con gái.

Bên ngoại tôi ở xã Phước Hưng, quận Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ông ngoại tôi là hương thân Định, con của một ông cai tổng rất giàu, có nhiều ruông đất ở vùng này. Khi ông mất đi, ông ngoại tôi còn nhỏ nên phần ruộng đất của ông được người anh lớn giám hộ. Ông này làm giấy tờ sang đoạt hết phần của ông ngoại tôi nhưng ông vẫn giữ được phần đất hương hỏa nên khi trưởng thành ông ngoại tôi vẫn sống sung túc. Ông bà ngoại tôi có ba người con: má tôi, dì ba và cậu tư. Má tôi hiền lành, dễ dãi còn di ba tôi thì rất cứng rắn. Các tá điền của ông ngoại tôi nói với nhau rằng nếu cô hai (má tôi) đi thâu lúa ruông thì họ có thể khất lần sau được còn nếu cô ba (dì ba tôi) đi thâu thì thiếu một lon lúa cũng không được. Ông ngoại tôi gởi cậu tư tôi lên học chương trình Pháp ở trương Nguyễn Văn Khuê, Sài Gòn. Cậu tôi học đến bằng Thành Chung (Brevet Élémentaire) thì chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, cậu phải nghỉ học. Cùng lúc đó ba má tôi đem tôi từ quê nội tôi xuống Sài Gòn. Cậu tôi ở chung với gia đình tôi ở trong hẻm đường Matelot Manuel mà không về quê vì dưới đó không còn an ninh nữa.

Có một lần lính Tây đến lục soát nhà tôi, thấy trong nhà có nhiều tiểu thuyết tiếng Pháp, chúng hỏi ai đọc những sách đó. Cậu tôi đứng ra nhận, bọn Tây hỏi sao cậu tôi biết tiếng Pháp mà không ra làm việc với chính quyền Pháp. Không biết cậu tôi trả lời thế nào với bọn Tây mà chúng không bắt ông đi. Để giúp đỡ gia đình tôi, cậu tư ra kho 5 làm phu khuân vác, nhưng bản chất thương người, ông thường nhường công việc lại cho những người lớn tuổi hơn hay người có gia đình đông con. Lần nào về tay không cậu đều bị mẹ tôi rầy rà. Về sau cậu tôi xin với ông đốc trường Cao Văn di dạy ở đó. Đến khoảng 1954, 1955 thì có lệnh tổng động viên, cậu tôi phải nhập ngũ.

Cậu tôi đi khóa hạ sĩ quan truyền tin, đóng quân lần lượt ở trại kho 11, rồi trại ở đường Tôn Thất Thuyết, sau cùng về căn cứ 6 truyền tin ở Gò Vấp. Lúc cậu tôi ở trại kho 11, mỗi lần trong trại có chiếu phim cậu tôi cho má tôi hay đễ dẫn anh em tôi xuống coi. Có một cuốn phim vẫn còn ấn tượng trong tôi tới ngày nay. Đó là cuốn phim diễn tả một đội quân Pháp hay Mỹ gì đó bị địch quân tàn sát hết. Họ được chôn chung ở một nghĩa địa mà đêm đêm họ hiện hình lên đi diễn hành như người sống. Tối hôm đó trên đường về nhà, tôi nắm chặt tay má tôi, nhìn dáo dác sợ gặp những người lính ma đó. Sau khi giải ngũ, cậu tôi làm cho hãng IBM của Mỹ. Năm 1975, cậu từ chối đi Mỹ  theo diện nhân viên sở Mỹ mà dẫn vợ con về quê Trà Vinh sinh sống. Ông mất năm 2011 vì đột quỵ dọc đường khi cưỡi xe đạp từ  Phước Hưng xuống Trà Cú để đi thăm đứa cháu cố đầu tiên của ông.

Sau khi khám phá ra mình bị bệnh lao (thời đó là một bệnh nan y), ông ngoại tôi lên Sài Gòn để chữa tri. Như đã nói ở trên, để cách ly ông với các cháu vì đó là bệnh truyền nhiễm, má tôi mướn một căn nhà của ông tư thợ bạc ở đối diện để ông ngoại tôi ở để tiện dịp chăm sóc ông. Tình hình an ninh dưới quê ngoại tôi càng ngày càng tồi tệ, dì ba tôi đem gia đình lên thuê nhà ở hẻm 122 đường Tôn Đản. Một hôm ông ngoại tôi đẫn anh em tôi cùng con dì ba tôi sang nhà chị chồng dì ba tôi ở cầu Dừa để dạy chúng tôi bơi. Ông vác một tấm ván lớn đem xuống sông cho chúng tôi tập bơi. Không may vì vác nặng, ông trở bệnh nặng và không bao lâu ông từ trần. Lúc đó ông chỉ mới ngoài 50 tuổi. Dì ba tôi sau dọn về ở đường Nguyễn Minh Chiếu, Phú Nhuận.

Bên nội tôi thì đều ở lại quê. Chỉ có ba tôi và cô bảy tôi ở Sài Gòn. Cô bảy tôi có chồng làm trong ngành hỏa xa nên thay đổi chỗ ở theo nhiệm sở của dượng tôi. Má tôi đã từng dẫn anh em tôi đi thăm cô tôi ở ga Gò Vấp để anh em tôi đi với hai thằng em cô cậu là Thu và Hùng đi hái trái keo. Lúc đó Gò Vấp chỉ là một vùng đồng trống có những gò cao. Má tôi cũng đã dẫn chúng tôi đi thăm cô tôi ở ga Thủ Đức, ở đó Thu và Hùng đẫ đưa chúng tôi đến hồ bơi Ngọc Thủy để tắm. Ga cuối cùng dượng tôi làm xếp là ga Hòa Hưng ở cống Bà Xếp. Ở đó Hùng, một thanh niên đẹp trai trở thành một tay anh chị khét tiếng với biệt danh Hùng Đầu Bò. Sau đó để tránh sự truy nả của cảnh sát, Hùng trốn về quê và vào rừng. Nghe nói, sau đó Hùng bị biệt kích bắn chết ở gần quê tôi. Anh của Hùng là Thu sau này là một sĩ quan truyền tin của VNCH, mất tích trong rừng khi vượt trại cải tạo. Đây là một bi kịch xảy ra cho nhiều gia đình ở miền Nam trong cuộc chiến vừa qua: hai anh em ruột ở hai chiến tuyến khác nhau. Có điiều đau đớn cho gia đình cô tôi là cả hai đứa con lớn mất đi đều không để lại một dấu vết gì.

(còn tiếp)

09 Tháng Ba 2024(Xem: 565)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 570)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 659)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 450)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 605)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 575)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 712)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 759)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 970)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1075)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1001)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 858)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 990)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 813)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 1696)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 768)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 712)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 1712)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 968)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri