Năm chú Thảo 6 tuổi, ông nội quyết định xuất gia.
Tin được chuyển đi cho tất cả moi thành viên trong gia đình. Kể cả các cô chú đang sinh sống ở nước ngoài.
Trong buổi tiệc họp mặt đoàn viên nhân ngày giỗ bà cố. Ông nội ngồi trên ghế salon đặt ở giữa nhà, các con, cháu, dâu, rễ đứng ngồi xung quanh. Ông nội uống một ngụm trà rồi thong thả nói:
- Hôm nay các con đã về đây đầy đủ, ba cũng tuyên bố một việc mà ba suy nghĩ rất lâu. Như tất cả các con đều đã biết. Ba quyết định vào chùa để tu.
- Ba tu tại gia như bây giờ được rồi. Ba đành bỏ tụi con đi tu thiệt sao? Ba chú rướm nước mắt nói.
- Nếu ba giận tụi con điều gì thì ba nói. Tụi con sẽ sửa sai. Ba đừng vô chùa tu mà tội nghiệp chúng con. Chú Ba nói trong nước mắt.
Ông nội không nói gì, từ tốn đứng lên và chậm rãi đến bàn thờ Phật thắp thêm hương. Cả nhà nhìn theo dáng đi của ông nội. Không ai nói một câu nào. Có tiếng thút thít lẫn tiếng thở dài của nhiều người. Chú Thảo quay lại nhìn mẹ, nhìn các cô chú bác. Mọi người đều lặng lẽ thật buồn nhìn theo ông nội.
Còn chú, chú không hiểu tại sao ông nội đi tu. Mà đi tu là làm sao? Phải ông nội bị cạo đầu trọc lóc không? Ông nội có ôm bình bát đi vòng vòng trong xóm xin ăn không? Trời nắng chang chang làm sao ông nội chịu cho được. Rồi nhà ông nội ai ở, ai lo cơm nước cho ông nội. Ai nấu nước nóng cho ông tắm. Chân ông nội đau ai bóp cho ông.
Cứ nghĩ đến ông nội không có ở nhà là chú muốn khóc. Con chó Ki chắc cũng nhớ ông nội như chú. Giá mà còn bà nội thì chắc ông nội không buồn mà muốn đi tu. Chú nhớ bà nội. Nhớ mùi bả trầu, nhớ những lần mưa dầm chú rúc vào lòng bà nội để nghe bà kể chuyện đời xưa. Bà nội ơi! Ông nội muốn đ tu rồi bà nội ơi! Ai cản được ông nội bây giờ.
Ông nội chú rất nghiêm, chưa bao giờ chú thấy các cô chú bác trong nhà dám cãi lời hay tỏ vẻ không kính trọng ông nội. Ông nội ít nói, nhưng khi ông nói giọng trầm, ấm nhưng rất nghiêm. Ông có nhiều con và nhiều cháu, nhưng ông chưa bao giờ tỏ vẻ nuông chiều, thiên vị hay gần gủi quá thân mật với một đứa cháu nào. Khi các cháu còn bé, đôi lần ông bồng trên tay nựng nịu rồi trả về cho cha mẹ chúng. Ông cũng không nô đùa hay thích chơi với trẻ con. Ông có thế giới riêng của ông. Sự oai nghiêm trầm tỉnh của ông đã khiến ông là tâm điểm của đại gia đình.
Khi ông có một quyết định nào không ai có thể làm trái ý kể cả bà nội.
Cuộc đời ông nội đã trải qua một chặng đường không ít gian lao. Một thân một mình ông dấn thân lập nghiệp. Với tuổi còn trẻ ông tự mưu sinh và nuôi dưỡng mẹ già và lo cho các em. Ông nội là ông anh cả mà các em ngưỡng mộ và kính trọng. Ông là một người chồng, người cha đầy quyền lực. Một người ông mà lũ cháu vừa sợ vừa kính yêu. Ông như một cội tùng già gốc rễ thật to và chắc chắn. Uy lực của ông lớn như tàn bóng mát to lớn bao trùm một đại gia tộc. Chú không biết đi tu ra làm sao, nhưng cứ nghĩ ông nội sẽ không ở trong căn nhà từ đường to lớn này chú lại tủi thân muốn khóc.
Nhà chú Thảo cách nhà ông nội chỉ mấy bước chân. Ba chú cất nhà ngay trong đất vườn ông nội. Mỗi khi nấu một món ngon, ba chú lại bưng qua mời ông nội ăn trước. Còn chú chú lẽo đẽo theo ông nội hỏi ông cái này, cái nọ. Chú muốn ông nội sai chú làm việc và thích nghe ông nội khen:
- Chà! Cái thằng giỏi đa.
Chỉ một câu ông nội khen mà chú thấy mở cờ trong bụng.
Ông nội thật chậm đốt nhang và cung kính quỳ lạy ba lạy. Cả nhà bước tới quỳ trước bàn Phật và cùng lạy với ông. Ông trở lại ghế ngồi, uống thêm một ngụm trà, nhìn qua các con một lượt và chậm rãi nói:
- Ba không trách gì các con. Cũng không hờn giận ai hết. Ba biết mình già rồi, nhưng nếu bây giờ ba không lo tu thì không còn kịp nữa. Các con yên tâm sức khỏe ba còn tốt, còn tự lo cho mình được. Ba muốn những ngày còn lại là được sống cho ý nguyện của mình. Ba muốn quy y Tam Bảo để thực tâm sám hối, yên tỉnh cuối đời, dẹp bỏ phiền muộn và giải thoát.
- Nhưng rồi ai sẽ săn sóc cho ba. Tụi con... Chú Ba chưa nói hết câu, ông nội đã đưa tay bảo ngưng lại
- Ba hiểu hết, các con đừng khuyên can ba nữa. Ba sẽ làm một sa di, mà sa di phải tự mình học và thực hành cam khổ. Các con đừng lo. Ba sẽ làm được. Ba giao hết nhà cửa, vườn đất cho các con. Từ nay ba không quan tâm tới nữa. Anh em hãy đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau.
Chú Tám quỳ xuống, ôm lấy chân ông nội mà khóc:
- Ba ơi! Ba suy nghĩ lại đi. Ba tu ở nhà cũng được mà. Con cháu cả bầy mà ba sao nở bỏ hết vào chùa một mình vậy ba.
Ông nội nắm tay đỡ chú Tám dậy. Ông cười:
- Có gì mà phải khóc. Ba đi tu là thoát ly phiền não mà. Hãy mừng cho ba chớ. Ba đã xin với thầy rồi. Tháng sau vào ngày rằm ba sẽ vào chùa quy y như ý nguyện.
Căn nhà chìm trong bầu không khí thật ảm đạm. Ông nội đã quyết, không ai có thể làm ý chí ông thay đổi. Ông nhất định bỏ tất cả những lụy phiền đời thường, xuất gia tu hành. Ông cắt đứt sợi dây phiền não đã ràng buộc ông. Đó là 10 đứa con và 34 đứa cháu nội ngoại. Trong đó có chú Thảo.
Ngày ông Nội làm lễ xuất gia, cả nhà ai cũng lên chùa. Con cháu về đầy đủ, quỳ chật trong chánh điện. Mặc dù thầy trụ trì đã giảng một bài pháp để mọi người hoan hỉ mà mừng cho ông nội đã thoát ly ái dục, nương tựa nhà Phật. Nhưng không ai có thể không rơi nước mắt khi thấy ông nội dường như nhỏ lại trong lớp áo sa di. Đầu ông đã cạo trọc và dáng đi của ông đã từ tốn giờ lại còn chậm hơn, chậm hơn theo từng bước chân chánh niệm.
Ông nội đi tu được một tuần chú Thảo khóc đòi đi theo ông nội. Ba chú không nỡ để con bỏ học lên ở trong chùa. Nhưng cũng không yên tâm để cha một mình ở chùa làm một sa di già cô độc. Mặc dù thầy trụ trì gọi cha là thúc phụ, nhưng nguyên tắc nhà chùa người tu phải hành đạo ngay trong sinh hoạt hàng ngày. Không biết ông có thích ứng được không?
Thế là sau mấy ngày suy nghĩ, ba chú đồng ý đem con lên chùa làm thị giả cho ông nội. Chú Thảo rời gia đình từ lúc đó.
Nguyễn Thị Thêm
Trích "Quét Lá Sân Chùa"