Lời nói đầu cho cuốn: Sử Việt nhìn lại
Sử Việt nhìn lại là một nỗ lực của tác giả với tham vọng là muốn đặt lại những dữ kiện lịch sử vốn đã trở thành nếp sồng, nếp nghĩ theo lối mòn suy nghĩ đã đóng băng, hoặc được coi như những sự thật không cần bàn cãi nữa.
Cái nắm được, cái tưởng là đúng, là sự thật đôi khi chỉ là những nắm tuyết ta bắt được và cái nắm giữ được trong lòng bàn tay đôi khi chỉ còn là những giọt nước lạnh?
Lịch sử như thế đôi khi chỉ còn là câu chuyện không tưởng, câu chuyện hư cấu viết lại do nhu cầu chính trị của một thời đại vua chúa hay nhu cầu của một truyền thống của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và quá khích?
Chẳng hạn không ai cảm thấy có thực sự có 1000 năm đô hộ Tầu hay 100 năm đô hội Tây? Thực chất có bao nhiêu năm đô hộ Tàu? Và cách thức đô hộ ấy như thế nào? Đó là thực chất hay huyền thoại? Tác giả nhân đó phê phán về chủ nghĩa Sô vanh dân tộc!! Hoặc tác giả nhìn lại cuộc sống người dân miền Nam dưới thời thuộc địa Pháp như thế nào? Cũng như cuộc sống người dân Nam Kỳ trước và sau thời kỳ thuộc địa Pháp để đánh giá cho đúng chế độ thực dân Pháp ở Nam Kỳ một cách công bằng.
Đấy là quan điểm đứng đắn nhìn lại lịch sử của tác giả cho rõ công tội.
Như Kafka nói: sách vở phải như những con tàu phá băng. Phá vỡ những lối mòn suy tưởng, dễ dãi với chính mình trong sự lười biếng suy nghĩ.
Tác giả can đảm nhìn lại lịch sử đất nước mình trong cái nhìn cởi mở, khách quan và khoáng đạt không bị vướng mắc vào chủ nghĩa dân tộc Sô vanh và quá khích.
Trong tinh thần nhìn lại Sử Việt, tác giả căn cứ trên những tài liệu sử học từ các thế kỷ XVII do người ngoại quốc biên soạn mở ra những cái nhìn mới, những quan điểm được coi là chính thống giúp bạn đọc có được một quan điểm sử học khách quan và vô tư, “nói có sách, mách có chứng” đặt để người đọc phải tự xét lại mình, “phải ngộ” và nhận ra những sai lầm vốn dĩ từ nhiều thế hệ để lại.
Tác giả không dĩ nhiên không có tham vọng viết lại toàn bộ sử học V.N.
Nhưng ít ra mở ra những một thông lộ-mở ra cho những ai có thói quen bị ngồi trong hang động chỉ nhìn thấy những bóng hình trên những vách hang động mà không thấy được sự thực ngoài hang động-.
Đó là một hành trình trí thức của một người cầm bút cẩn trọng và có suy nghĩ- thay vì quay lưng vào hang động- biết quay ra phía ánh sáng ngoài hang động.
Mặc dù sự thật của bên này dãy núi sang bên kia dãy núi đã khác.
Đó cũng là tính chất linh động của sự kiện sử học mà người viết trong tầm tay cố nắm bắt được một số dữ kiện và gửi tới bạn đọc như một chia xẻ.
Tham vọng của tác giả không hẳn là cho những bạn đọc bây giờ mà là cho các thế hệ tương lai sau này đi lại con đường mà tác giả đã đi qua và muốn nhắn gửi lại…
Phần tác giả, lúc nào cũng vẫn là một khách lữ hành, còn đi trên đường (en route), chưa về tới quán trọ và lúc nào cũng trong tâm thức thức tỉnh.
Vì thế viết đối với tác giả là nhu cầu tìm kiếm mãi, chưa có lối về và không ngơi nghỉ…
**********
Lời nói đầu cho cuốn: Tản mạn văn học
Tác giả tự thú nhận rằng mình có cái may mắn ít người có được.
Cái may mắn ấy được giải thích như sau.
Không phải chỉ có mặt là đủ. Hàng triệu thanh niên đã có mặt. Hàng trăm ngàn người đã hy sinh tại mảnh đất miền Nam thân yêu này. Tác giả trong vai trò còn là nhân chứng sống như thể người trong cuộc.
Sống, nhìn, suy nghĩ, trăn trở, bất nhẫn cho thế hệ của mình và ngồi viết lại như một gia tài của mẹ để lại với nhiều nỗi buồn phiền, phẫn uất, cay đắng và phê phán không khoan nhượng những thành phần trí thức thiên tả, những kẻ “buôn thời cuộc”, những kẻ “bán mình cho cộng sản” bất kể họ là ai- thân hay sơ- là anh em mình, là bạn bè- là những kẻ từng đã một thời được ăn học và lớn lên như tác giả-.
Đó là tác giả như nhiều người thanh niên trí thức miền Nam đã sống, đã được nuôi dưỡng học hành, đã trưởng thành và đã trở thành một người trí thức trong xã hội miền Nam thân yêu. Đó là những năm tháng mà tác giả phải nhìn nhận là đã sống những năm tháng tốt đẹp và ý nghĩa nhất của đời mình ở miền Nam, đồng thời đã ghi nhận được nhiều bối cảnh sinh hoạt chính trị “ bát nháo” trong những tháng năm đầy xáo trộn kể từ cuối thập niên 1960 thời đó.
Mặc dầu đã nhiều người sống ở miền Nam trong thập niên 1960 trở đi như tác giả. Họ cũng trải qua những trải nghiệm của những biến động chính trị lớn làm thay đổi sinh mệnh chính trị của miền Nam. Nhưng do nhiều lý do cá nhân họ có thể sống ở miền Nam, cũng nhìn, cũng thấy, nhưng không ghi nhận lại được những tác động chính trị ấy trên chiến trường miền Nam- Một chiến trường không phải chỉ có bom đạn, pháo kích ngoài mặt trận mà cònm có một chiến trường có giây kẽm gai, khói lựu đạn và những cuộc xuống đường..
Đấy là cái trận chiến trong thành phố, trong môi trường đại học mà tác giả muốn ghi lại.
Bởi vì, tác giả có nhiều cơ hội hơn những người khác trong quan hệ quen biết cách này cách khác với những thành phần “phản chiến” này. Vì thế, những điều phê phán, những nhận xét của tác giả như một nhân chứng sống ít người có được.
Không nói ngoa, phô trương. Độc giả đọc là biết được những điều ấy.
Miền Nam sau cuộc di cư với những đóng góp tích cực của một triệu người di cư như “một dòng chảy văn học” hội nhập vào dòng chảy “văn học bản địa vốn có sẵn “ làm nên một dòng chảy lớn làm phong phú với tính cách đa tạp của nền văn học miền Nam với sự đóng góp của nhiều tác giả, nhà văn, nhà báo, nhà phê bình, nhà sử học cững như báo chí xem ra vượt trội so với miền Bắc XHCN mà họ chỉ nhận thức được sau khi thôn tính miền Nam.
Điều nổi trội nhất của tác giả là đã lột trần bọn “phản chiến” “Lực lượng thứ ba” “bọn nằm vùng” với nhiều tên tuổi, với nhiều bài viết đủ loại.
Chẳng hạn như bài :Trí thức phải là người biết ngượng.
Đặc biệt là những bài viết phê phán với tên tuổi rõ ràng những người như Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Lý Quý Chung, Nguyễn Trọng Văn v.v... Những tên tuổi quen thuộc trước 1975 từng gây những xáo trộn liên tục trên chính trường miền Nam góp phần không nhỏ cho sự thôn tính miền Nam của cộng sản sau 1975.. mà tác giả sau này gọi đó là những chọn lựa bất hạnh của đời họ.
Họ như những viên đá cuội làm viên gạch lót đường cho một chế độ cộng sản bất nhân, bất nghĩa, vô đạo sau này.
Phần họ bị gạt ra ngoài lề, bị bỏ rơi không thương tiếc...như người ta thấy ngày nay như thân phận Lê Hiếu Đằng, Đào Hiếu và mới đây nhất cái chết của Hạ Đình Nguyên - nằm trong sự chỉ đạo của Thành Đoàn Cộng sản (Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh)
Trong đó, tác giả cũng dành một phần cho những kẻ phản bội chính trị. Những kẻ vốn được ăn học đầy đủ ở miền Nam, rồi được đi du học sau thành những kẻ nối giáo cho giặc trong một bài viết của tác giả với tài liệu đầy đủ, phong phú tận nguồn nhan đề: Hồ sơ đen về những kẻ phãn bội chính trị với hàng trăm tên tuổi ở hải ngoại.
Đã không có một người nào trong bọn họ dám lên tiêng phản bác. Họ chọn thái độ giữ im lặng, nín thở qua sông trong tâm thức của sự nhục nhã của đời họ vì biết mình bị lừa.
Phần còn lại, xin mời bạn đọc dở sách ra và đọc
Nguyễn Văn Lục
(Viết như một kỷ niệm khó quên trong chuyến viễn du nước Mỹ trong dịp Đại Hội của trường Ngô Quyền tháng 7- 2018)