Thầy Trương Phan Nam Minh
Như một cơ duyên, tôi tình cờ liên lạc được với Thầy Minh nhờ vào số điện thoại mà Thầy Phạm Hữu Thành gởi cho tôi qua điện thư. Thầy Thành là giáo sư hướng dẫn lớp Nhị niên 7 của tôi ở trường Sư Phạm Saigon, còn Thầy Minh là giáo sư dạy môn Pháp Văn của tôi 45 năm về trước.
Quả là trái đất tròn thì có ngày gặp lại dù chỉ là qua điện thoại, điều mà tôi chưa hề nghĩ đến suốt gần nửa thế kỷ nay. Thầy đang cư ngụ ở thành phố Edmonton, tỉnh Alberta của Canada. Tôi đang sinh sống ở thành phố Seattle, tiểu bang Washington của Mỹ.
Năm nay Thầy đã 81 tuổi mà vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Sau vài phút thăm hỏi, Thầy trò tôi đã nhận ra cùng chung mái gia đình SPSG. Một điều rất thú vị khi tôi biết được Thầy đã từng là giáo sư của trường Ngô Quyền trong hai niên học đầu tiên, khóa 1 và khóa 2 từ năm 1956 đến 1958.
Thầy kể cho tôi nghe về quãng đời đi học và dạy học của Thầy từ lúc bắt đầu đi học đến lúc nghỉ hưu như lật từng trang của quyển sách đời. Thầy đúng là một nhà giáo chân chính, suốt đời cống hiến và tận tụy với nghiệp giáo mà Thầy đã chọn.
Thầy sinh ngày 13/3 âm lịch năm Đinh Sửu, nhằm ngày 15/4/1937, tại xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Đại gia đình Thầy thuộc thành phần trung lưu, vùng sông nước Vàm Cỏ Đông. Biến cố thời cuộc 1945, với đôi bàn tay trắng, cả gia đình Thầy chạy lên Saigon lánh nạn, chung sống trong căn nhà nhỏ trong xóm lao động, ở đường Vạn Kiếp, Gia Định.
Khi Thầy được 8 tuổi, vào học lớp Tư, trường Mac Ferrando, gần nhà. Con nhà nghèo, học trễ, nên Thầy cố gắng hết mình, luôn là học sinh giỏi của trường. Năm 1950, Thầy đậu vào Trung Học Pétrus Ký hạng 44, được học bổng toàn phần 1000đ/năm. Năm 1956, Thầy 19 tuổi, đậu Tú Tài toàn phần ban Toán.
Thầy vào Đại Học Văn Khoa, ngành Cử nhân Văn chương Pháp. Cùng lúc đó, Thầy có ý kiếm thêm tiền để bớt phần vất vả cho mẹ hằng ngày phải mua gánh bán bưng. Thầy xin dạy ở trường Trung Học Ngô Quyền, Biên Hòa. Ông Hồ Văn Tam, Hiệu Trưởng trường Nguyễn Du, giúp Thầy xin miễn tuổi để được nhận.
Thầy được nhận làm giáo sư trường Ngô Quyền với ngạch công nhựt và phụ trách môn Toán vì thầy có Tú Tài Toán. Thầy dạy khoá 1 niên học 1956-1957, và khóa 2 niên học 1957-1958 với hai môn Toán và Lý Hóa.
Năm 1958, Đaị Học Sư Phạm mở, học bổng 1500đ/tháng. Đặc biệt sinh viên có chứng chỉ cử nhân, được vào năm thứ nhì, cho nên Thầy xin nghỉ dạy trường Ngô Quyền từ đó. Năm 1960, Thầy tốt nghiệp Giáo sư Đệ nhị cấp, Khoá đặc biệt ban Pháp văn và được bổ nhịêm về trường Trung Học Công Lập Kiến Hoà.
Thầy lập gia đình năm 1964 với Cô Dương Bích Liên, cựu học sinh trường Kiến Hòa. Thầy Cô có hai đứa con, một con trai đầu lòng, tiếp theo là con gái.
Mùa tựu trường năm học 1966-1967, Thầy được thuyên chuyển về trường Sư Phạm Saigon. Thầy vẫn dạy môn Pháp văn và thêm môn Tâm lý giáo dục cho nhất và nhị niên. Chính thời gian ở trường nầy, Thầy đã trải qua nhiều thăng trầm nhất.
Năm 1974, niềm vui lớn khi Thầy được chọn đại diện cho trường đi tu nghiệp ở Paris một năm, cùng với 8 đồng nghiệp khác của toàn miền Nam Việt Nam. Phái đoàn rời VN ngày 29/10/1974.
Mọi người đều xong bằng Cao Học (Master degree in Education). Thời gian được ở lại Pháp đến cuối năm 1975. Nhưng tình hình chiến sự miền Nam VN quá sôi động, cho nên các bạn ở Huế, hồi hương ngày 17/3/75 vì họ nhớ lại biến cố năm Mậu Thân 1968.
Truyền hình ở Pháp chiếu đầy đủ cảnh dân chạy loạn vô cùng thương tâm. Mấy Thầy còn ở lại chịu không nỗi, dù đã hứa với gia đình là sẽ ở lại. Thầy vội vàng mua vé máy bay về ngày 15/4/75. Tội nghiệp Cô, nghe tin Thầy về tới TSN, Cô khóc ròng.
Thế là hy vọng của chính phủ Pháp định nhóm của Thầy sau nầy sẽ đào tạo cho các giáo sư trẻ ở VN dạy Pháp văn không thành. Hôm sau 18/4/75, Thầy trở lại trường SPSG, nhưng đâu ai còn đứng lớp nữa…
Lương vợ chồng nhà giáo chi "tạm ứng" nên năm 1979, thầy đạp xich lô buổi sáng, chiều đi dạy. Ban đầu Thầy dạy trong "Biên chế" sau đến “Hợp đồng”, rồi đến coi phòng thính thị chờ lệnh mới. Chính trong hoàn cảnh nầy, Thầy đành quyết tâm vượt biên, nhưng đã bao lần thất bại. Hết tiền, Thầy cam lòng bỏ ý định vượt biên, tiếp tục làm phu xe có thể từ nghề phụ trở thành nghề chính?
Đầu năm 1983, mẹ của giáo sinh Ngọc Điệp đến cho biết con gái bà vượt biên đến nơi rồi và cô muốn bà giúp Thầy Minh là Thầy của cô. Bà người Rạch Giá, kiếm khách cho người có ghe ở Rạch Giá. Nếu Thầy đi, chỉ cần trả 1 cây khi đến nơi, đi làm sẽ trả dần cho bà. Chỗ Thầy đi là huê hồng của bà. Niềm an ủi cho nhà giáo là ân huệ nầy.
Chuyến đi là ngày 23/2/83, nên Thầy được nhận phép Rửa tội chiều 22/2/83, khuya lên đường. Nghi thức theo đạo xong, về nhà Cô nóng lòng muốn biết ý Chúa thế nào? Thất bại nhiều quá rồi, bèn đề nghị Thầy cầu nguyên rồi lật Kinh Thánh 3 lần:
1/ Lời chúc lành của thánh Phao lô.
2/ Lời cầu nguyện của Marđôkê, cầu được.
3/ Dân Esrael qua biển đỏ khô chân.
Cô bàn với Thầy là Thầy sẽ đi được. Khuya Thầy đi, mật mã những người đi chung gởi về an toàn như nhau. Sáng ngày 25/3/83, ngày khai mạc năm thánh, Cô đến nhà thờ Fatima Bình Triệu, hợp ý cầu nguyện với mọi người trên thế giới. Sau đó Cô nhận được điện tín "Nam Minh đến Songkhla 18/3/83, bình an". Cô còn giữ điện tín đó.
Tháng sau, Thầy được chuyển đến trại Sikiew, Thầy gặp lại con trai đến đây ngày 24/6/82. Thầy và con trai được em vợ bảo lãnh định cư tại Edmonton AB, Canada.
Thầy đi lễ nhà thờ nói tiếng Pháp gặp cha gIáo sư, người Pháp coi nhà thờ luôn, cha giúp Thầy bằng cách cào tuyết phụ, Cha cho ở, ăn luôn. Ở với Cha, tối Thầy rửa chén nhà hàng Pháp, đồng thời lo hồ sơ vào Đại Học Sư Phạm St Jean Ban Pháp văn. Nhờ có bằng Đại học Sư phạm ở VN, ở Pháp nên Thầy học chỉ có 2 năm thôi.
Thầy tốt nghiệp tháng 01/1987, gần 50 tuổi. Nhờ thâm niên ở VN và 6 năm Đại Học, nên Thầy được mức lương tối đa. Và cũng chính vì mức lương như vậy, đến khi kinh tế suy, Thầy bị cho hưu non cùng với ông Hiệu Trưởng và Hiệu Phó. Thầy nghỉ hưu tuổi 59, lãnh 1 năm lương, khỏi dạy. Bình thường mọi nghề đều 65 tuổi.
Hưu lúc tuổ̉i còn khỏe, Thầy đi rửa chén nữa. Chén dĩa nhà hàng ăn đồ Tây nặng, nên tay bị đau, Bác sĩ kêu phải nghỉ.
Năm 2003, nhà thờ VN cần dạy tiếng Việt. Thầy Cô dạy rất đông học sinh. Học sinh các nhà thờ ở xa cũng đến. Năm 2007, Thầy Cô mở trường cho thành phố tên: Trường Việt Ngữ EDMONTON, ALBERTA.
Trường có 250 học sinh, từ Mẫu giáo tới lớp 5. Sau đó được Bộ Giáo dục mời thành lập trường cấp "Tín chỉ". Cộng đồng người Việt mừng lắm, ủng hộ tiền rất nhiều. Sắp có tiền nhà nước cho vì kết quả tốt, nên có kẻ tranh giành. Thầy Cô bỏ từ năm 2009.
Hiện tại, Thầy có 4 đứa cháu nội, ngoại. Theo quan niệm Đông phương xưa, con người sống đến 70 tuổi là quý hiếm. Nhưng ngày nay, với đà khoa học tiến bộ, nhiều người đã vượt qua ranh giới đó. Dù vậy, qua tuổi 80, Thầy còn minh mẫn, khỏe mạnh là điều đáng mừng. Gia đình của Thầy đã tổ chức tiệc mừng sinh nhật thứ 80 cho Thầy ngày 15/4/2017.
Thầy đã nhận Edmonton AB, Canada là quê hương thứ hai từ 35 năm nay. Thầy Cô đã nghỉ hưu và sống hạnh phúc, an nhàn bên đàn con cháu. Thời gian rảnh, Thầy Cô đi nhà thờ mỗi ngày dù trời tuyết và tập dưỡng sinh. Thầy Cô cảm tạ ơn Chúa, đến nay còn khỏe, có thể về VN, đi Pháp thăm gia đình nhiều hơn, vui hơn.
Những đồng nghiệp cùng thời với Thầy ở các trường Trung học Ngô Quyền, Trung học Kiến Hòa và Sư Phạm Saigon năm xưa cũng đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời dạy học. Nhất là sau biến cố tháng 4/75, mọi người tản mác khắp nơi, người còn ở chốn quê nhà, kẻ sống tha hương nơi đất khách.
Thầy ước mong có cơ duyên liên lạc hay gặp lại những đồng nghiệp xưa, học trò cũ. Đồng nghiệp thì một số đã ra đi vĩnh viễn vì tuổi cao hay bệnh tật. Còn học trò cũ thì nay tóc cũng đã điểm sương và trở thành ông bà nội ngoại của đàn cháu nhỏ. Nếu còn có duyên hội ngộ thì thật may mắn và là niềm vui của tuổi xế chiều khi có cơ hội nhắc nhớ những kỷ niệm xưa và kể cho nhau nghe những dâu bể của cuộc đời.
Mong lắm thay!
Trương Minh Liên
10466-157 st, Edmonton, AB
T5P-2V5, CANADA
PH :780-444 2398
Email: minhlienhome@hotmail.com
Hát Bình Phương
(Viết theo lời kể của Thầy Trương Phan Nam Minh và Cô Dương Bích Liên)